Giáo Huấn Của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II Về Đời Thánh Hiến – KHÓ NGHÈO TIN MỪNG, ĐIỀU KIỆN THIẾT YẾU CỦA ĐỜI THÁNH HIẾN

0
1478

KHÓ NGHÈO THEO TIN MỪNG,
ĐIỀU KIỆN THIẾT YẾU CỦA ĐỜI THÁNH HIẾN
(30-11-1994)

1. Trong thế giới hiện nay, nơi mà sự tương phản đã quá lộ liễu giữa một bên là những hình thức cũ và mới của lòng tham lam, và bên kia là kinh nghiệm lầm than đói khổ bao trùm cả khối dân đông đảo, thì ta thấy rõ hơn, ngay trên bình diện xã hội học, giá trị của sự khó nghèo tự nguyện lựa chọn và sống. Dưới nhãn quan Kitô giáo, xưa nay sự khó nghèo đã được thực nghiệm như điều kiện của cuộc đời đi theo Đức Kitô cách dễ dàng hơn, trong việc thực hành chiêm niệm, cầu nguyện và rao giảng Tin mừng. Đối với Giáo Hội, thật là điều quan trọng khi nhiều Kitô hữu đã mang ý thức sống động về tình yêu của Đức Kitô đối với người nghèo và cảm thấy bị thúc bách phải trợ giúp họ. Nhưng cũng đúng khi thấy rằng những điều kiện của xã hội hiện nay đã vạch trần khoảng cách giữa Tin Mừng của người nghèo và một thế giới cắm đầu đuổi theo những lợi nhuận, ham muốn giàu sang, trở thành ngẫu tượng thống trị cả cuộc đời. Đó là lý do tại sao Giáo Hội luôn cảm thấy sức thúc đẩy của Chúa Thánh Thần cách mạnh mẽ hơn để trở nên nghèo ở giữa những người nghèo. Giáo Hội nhắc nhở cho tất cả mọi người sự cần thiết phải đồng hoá với lý tưởng khó nghèo mà Đức Kitô đã rao giảng và đã sống, cũng như cần bắt chước Người trong tình yêu chân thành và cụ thể bằng việc làm đối với người nghèo.

2. Cách riêng, trong lãnh vực của các giá trị Tin Mừng, hiện đang khôi phục và củng cố ý thức trong Giáo hội về vị trí biên cương của các tu sĩ và tất cả những ai muốn theo Đức Kitô trong đời thánh hiến. Họ được kêu gọi để làm phản ánh nơi bản thân và làm chứng cho thế giới về sự khó nghèo của Thầy chí thánh và tình yêu của Người đối với người nghèo. Chính Người đã nối kết lời khuyên khó nghèo, vừa với đòi hỏi phải cởi bỏ cá nhân khỏi vướng vít của cải trần thế để có của cải trên trời, vừa với lòng thương đối với người nghèo : “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10,21).

Khi yêu cầu sự từ bỏ này, Chúa Giêsu đặt ra cho người thanh niên giàu sang một điều kiện tiên quyết để làm môn đệ, bao hàm việc tham gia chặt chẽ hơn vào sự cởi bỏ của cuộc nhập thể. Thánh Phaolô sẽ nhắc các tín hữu thành Côrintô điều đó để khích lệ họ quảng đại với người nghèo, vài đưa ra mẫu gương của Đấng “vốn giàu sang phú quý nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em nên giàu có” (2Cr 8,9). Thánh Tôma giải thích : Chúa Giêsu “nhận lấy cái nghèo vật chất để ban cho chúng ta những cái giàu sang tinh thần”[1]. Tất cả những ai đón nhận lời kêu mời của Người cách tự nguyện, đi theo con đường nghèo khó mà Người đã khai mở, thì sẽ được dẫn dắt để làm cho nhân loại trở nên giàu sang về mặt tinh thần. Họ không chồng chất thêm cái nghèo của mình vào cái nghèo của bao nhiêu người khác thế giới, nhưng họ được ơn gọi giúp cho những người nghèo được giàu sang thực sự, đó là giàu sang thuộc về tinh thần. Như tôi đã viết trong tông huấn Redemptionis donum, Đức Kitô “là Thầy và người phát ngôn về sự khó nghèo làm cho nên giàu sang” (RD 12).

3. Nếu chúng ta nhìn lên Thầy chí thánh, chúng ta sẽ học nơi Người ý nghĩa đích thực của sự nghèo khó theo Phúc Âm và sự cao cả của ơn gọi bước theo Người trên con đường khó nghèo. Trước hết, chúng ta thấy rằng Đức Giêsu đã thực sự sống như một người nghèo. Theo thánh Phaolô, Đấng là Con Thiên Chúa đã mang lấy thân phận làm người như là thân phận nghèo khó, và trong thân phận làm người Người đã đi theo một cuộc đời khó nghèo. Người được sinh ra như một người nghèo : nơi sinh là một túp lều, chỗ nằm là máng ăn của súc vật. Người đã sống ba mươi năm trong một gia đình, trong đó thánh Giuse kiếm lương thực hàng ngày bằng nghề thợ mộc, rồi chính Người cũng tham gia công việc ấy (x. Mt 13,55 ; Mc 6,3). Trong cuộc đời công khai, Người đã có thể nói về mình rằng : “Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58), ra như muốn nói đến sự dấn thân hoàn toàn cho sứ vụ thiên sai trong điều kiện của cái nghèo. Người đã chết như một kẻ nô lệ và một người nghèo, Người thực sự bị tước lột tất cả trên thập giá. Ngài đã chọn làm người nghèo cho đến cùng.

4. Đức Giêsu đã công bố mối phúc của những người nghèo khó : “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa của anh em” (Lc 6,20). Về điều này chúng ta phải nhớ rằng”những người nghèo của Chúa” đã được nói đến trong Cựu Ước (x. Tv 75,19 ; 149,4-5), họ là đối tượng của lòng nhân lành của Thiên Chúa (Is 49,13 ; 66,22). Đây không chỉ hiểu về những người sống trong tình trạng bần cùng, nhưng đúng ra là về những người khiêm nhu tìm kiếm Thiên Chúa và đặt mình dưới sự che chở của Người với lòng tín thác. Thái độ khiêm tốn và tin tưởng làm sáng tỏ cách thức diễn tả mối phúc nơi Tin Mừng Mátthêu : “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó” (Mt 5,3). Người “có tâm hồn nghèo khó” là tất cả những ai không đặt niềm phó thác vào tiền bạc hay của cải vật chất, trái lại, họ mở lòng ra với Nước Thiên Chúa. Chính đó là giá trị của cái nghèo mà Đức Giêsu ca ngợi và khuyên nhủ chấp nhận như một lối sống. Cuộc sống ấy có thể bao gồm một sự từ bỏ tự nguyện của cải và tài sản của mình, dành để giúp những người nghèo. Đó là đặc ân của một số người được Người chọn lựa và kêu gọi vào con đường này.

5. Đối với tất cả mọi người, Đức Giêsu khẳng định cần phải có một sự chọn lựa căn bản về của cải trần thế : giải thoát mình khỏi vòng thống trị của chúng. Người nói rằng không ai có thể làm tôi hai chủ. Hoặc làm tôi cho Thiên Chúa hoặc làm tôi cho mammona (x. Lc 16,13 ; Mt 6,24). Việc thờ lạy mammona, nghĩa là tiền tài, thì không thể nào dung hợp với việc phụng sự Thiên Chúa. Chúa Giêsu lưu ý rằng những người giàu dễ bị dính bén với tiền bạc nhiều hơn (tiền bạc được gọi theo tiếng Aram là “mamona” có nghĩa là “kho tàng”) và họ găp khó khăn khi hướng về Thiên Chúa : “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao ! Quả vậy, con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Lc 18,24-25 ; song song).

Chúa Giêsu cảnh báo hai mối nguy cơ đi theo của cải trần thế : đó là, với sự giàu có, trái tim sẽ khép lại trước Thiên Chúa và cũng khép lại trước tha nhân, như thấy trong dụ ngôn ông Phú hộ và người nghèo Ladarô (x. Lc 16,19-31). Tuy nhiên, Chúa Giêsu không lên án cách tuyệt đối việc sở hữu của cải trần thế : đối với những người sở hữu, Người thấy cần phải nhắc nhở họ về giới răn mến Chúa và yêu tha nhân. Nhưng với những ai có thể và muốn hiểu, thì Ngài đòi hỏi nhiều hơn nữa.

6. Tin Mừng nói rõ ràng về điểm này : đối với những ai được mời gọi đi theo Người, Đức Giêsu yêu cầu họ chia sẻ chính sự nghèo khó của Người qua việc từ bỏ của cải, dù ít hay nhiều cũng vậy. Chúng ta đã trích dẫn lời Người mời gọi anh thanh niên giàu có : “Hãy bán đi những gì anh có mà cho người nghèo” (Mc 10,21). Đó là một yêu sách cơ bản được lặp lại nhiều lần, dù là từ bỏ nhà cửa, ruộng vườn (x. Mc 10,29 ; song song), hoặc ghe thuyền (x. Mt 4,22), thậm chí từ bỏ tất cả : “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,33). Đối với các “môn đệ”, nghĩa là những ai kêu gọi đi theo Người với sự trao hiến toàn thân, Chúa Giêsu nói : “Hãy bán đi những gì anh có và cho người nghèo” (Lc 12,33).

7. Đó là thứ nghèo khó dành cho những ai đã chấp nhận đi theo Đức Kitô trong đời sống thánh hiến. Như công đồng đã nhắc, sự khó nghèo của họ được diễn tả cụ thể thành hình thức pháp lý dưới nhiều dạng thức : từ việc khước từ tận căn quyền sở hữu như trong các Dòng hành khất xưa, và như ngày hôm nay được chấp nhận cho các tu sĩ của các Hội Dòng khác (x. DT 13), cho đến các hình thức khác nữa mà Công Đồng khuyến khích kiếm tìm (x. Ibid.). Điều quan trọng chính là phải sống khó nghèo như là tham dự vào sự khó nghèo của Đức Kitô : “Khó nghèo trong đời tu không chỉ hạn hẹp trong sự lệ thuộc Bề trên khi sử dụng của cải, nhưng là phải nghèo khó trong thực tế và trong tinh thần, để chỉ lo thu tích kho tàng trên trời (x. Mt 6,20)” (DT 13).

Ngay cả các Hội Dòng cũng được mời gọi làm chứng tá về khó nghèo tập thể. Công Đồng đã tăng thêm uy tín cho tiếng nói của nhiều bậc thầy đời sống tâm linh và tu trì, nhấn mạnh rằng các Hội Dòng “hãy tránh xa mọi hình thức xa hoa, trục lợi quá đáng hoặc thu tích tài sản” (DT 13). Ngoài ra, sự nghèo khó của họ phải được linh hoạt bởi một tinh thần chia sẻ giữa các tỉnh dòng và các nhà khác của Hội Dòng, và tỏ ra quảng đại “với những nhu cầu của Giáo Hội và nâng đỡ những người nghèo” (ivi).

8. Một điểm nữa, trở thành nổi bật do sự phát triển của các hình thức khó nghèo, đã được phát biểu qua lời khuyên nhủ của Công Đồng liên quan đến “luật chung về lao động” (PC 13). Trước đây, việc chọn lựa thi hành sự hành khất được coi như dấu chỉ của sự nghèo khó, khiêm nhường và bác ái từ thiện đối với những người túng thiếu. Ngày nay, tốt hơn là các tu sĩ hãy lao động hầu “mưu cầu những phương tiện cần thiết để sinh sống và hoạt động”. Đó là định luật của cuộc sống và một cách thực hành khó nghèo. Đón nhận khó nghèo cách tự do và vui vẻ có nghĩa là đón nhận lời khuyên và tin vào mối phúc khó nghèo của Tin Mừng. Đây là công tác cao trọng hơn hết của các tu sĩ trong việc phục vụ Tin Mừng dưới khía cạnh này : như những môn đệ đích thực của Đức Kitô, họ làm chứng và thực hành tinh thần phó thác trong tay Cha, tinh thần mà Đức Kitô đã sống, đã giảng dạy và đã để lại làm di sản cho Giáo Hội.

—————

[1] Thánh Tôma, Summa theologiae, III, q. 40, a. 3

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here