Giáo Huấn Của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II Về Đời Thánh Hiến – GIÁ TRỊ CỦA ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN ĐỐI VỚI SỰ TIẾN TRIỂN CỦA SỰ THÁNH THIỆN TRONG GIÁO HỘI

0
1011

GIÁ TRỊ CỦA ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN ĐỐI VỚI SỰ TIẾN TRIỂN CỦA SỰ THÁNH THIỆN TRONG GIÁO HỘI
(26-10-1994)

1. Nhiều lần trong những bài huấn giáo trước đây, tôi đã nói về “các lời khuyên Phúc Âm”, mà trong đời sống thánh hiến được diễn tả thành “các lời khấn” – hoặc ít là các lời cam kết – khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Các lời khấn này sẽ mang đầy đủ ý nghĩa trong bối cảnh của một cuộc đời dâng hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa, trong sự hiệp thông với Đức Kitô. Từ “hoàn toàn” (totaliter) do thánh Tôma Aquinô sử dụng để xác định giá trị thiết yếu của đời tu, thật là súc tích biết bao ! “Đức thờ phượng là một nhân đức nhờ đó con người dâng lên cái gì đó để thờ phượng và phụng sự Thiên Chúa. Vì thế những người hiến thân hoàn toàn để phụng sự Chúa qua việc dâng hiến chính mình cho Chúa như của lễ toàn thiêu đáng được gọi là phượng sĩ theo nghĩa chuyên môn”[1]. Đây là một khái niệm kín múc từ truyền thống các Giáo phụ, cụ thể là thánh Hiêrônimô[2] và thánh Grêgôriô Cả[3]. Công Đồng Vaticanô II trích dẫn thánh Tôma Aquinô và nhận như đạo lý của mình, nói về “sự thánh hiến cho Thiên Chúa” thân tình và hoàn hảo, như là việc triển khai sự thánh hiến của Bí Tích Rửa Tội trong bậc tu trì, nhờ những sợi dây ràng buộc của các Lời khuyên Phúc Âm[4].

2. Cần lưu ý rằng trong sự thánh hiến này, bước đầu tiên không phải là sự cam kết về phía con người. Sáng khởi đến từ Đức Kitô, Người yêu cầu một hợp đồng tự do ưng thuận đi theo Người. Chính Người chiếm hữu con người và”thánh hiến” họ.

Theo Cựu Ước, chính Thiên Chúa thánh hiến những con người và đồ vật để thông truyền cho họ cách nào đó, sự thánh thiện của Ngài. Điều này không nên hiểu theo nghĩa là Thiên Chúa thánh hoá con người từ bên trong (lại càng không thể hiểu như thế về các đồ vật), nhưng theo nghĩa là Ngài chiếm hữu và dành riêng họ ra để phục vụ trực tiếp cho Ngài. Những đồ vật “thánh” được dành riêng vào việc thờ phượng Chúa, cho nên chúng chỉ có thể được sử dụng trong phạm vi đền thờ và phụng tự mà thôi, chứ không được dùng vào chuyện phàm tục. Đó là sự thánh thiêng gán cho các đồ vật mà bàn tay phàm tục không được phép chạm tới[5]. Còn về phía dân Israel, họ trở nên dân “thánh”, là “sở hữu của Chúa” (“segullah” = kho tàng riêng của nhà vua), và vì thế mang đặc tính thánh thiêng (x. Xh 19,5 ; Đnl 7,6 ; Tv 135,4, vv). Để thông truyền với “segullah” ấy, Thiên Chúa đã chọn “những phát ngôn viên”, “những người của Thiên Chúa”, “các ngôn sứ”, những kẻ lên tiếng nhân danh Ngài. Ngài đã thánh hoá họ (về phương diện luân lý) nhờ mối tâm giao và tình bằng hữu đặc biệt mà Ngài đã dành riêng cho họ, thậm chí một số người trong những nhân vật đó được mang tư cách là “bạn của Chúa” (x. Kn 7,27 ; Is 41,8 ; Gc 2,23).

Nhưng không có một người nào, không có một vật nào hoặc thể chế nào có khả năng nội tại để thông truyền sự thánh thiện của Thiên Chúa cho con người, dù là cho những người đã được chuẩn bị sẵn sàng. Đây có lẽ là một điều hết sức mới mẻ của Phép Rửa Kitô giáo, bởi vì nhờ bí tích này mà các tín hữu có được “tâm hồn được tẩy sạch” (Dt 10,22) và từ nội tâm họ “được tẩy rửa, được thánh hoá, được nên công chính nhờ danh Đức Giêsu Kitô và nhờ Thần Khí của Thiên Chúa chúng ta” (1Cr 6,11)

3. Yếu tố thiết yếu của Luật Tin Mừng là ân sủng, nghĩa là một sức mạnh của cuộc sống đem lại ơn công chính hoá và cứu độ, như thánh Tôma đã giải thích[6] dựa theo thánh Augustinô[7]. Đức Kitô đã chiếm hữu con người từ bên trong bằng Phép Rửa, trong đó Người khai mạc công cuộc thánh hoá, bằng việc “thánh hiến họ”, và gợi lên trong họ nhu cầu đáp trả ; chính Người ban ân sủng giúp họ có khả năng đáp trả tuỳ theo khả năng tâm thể lý, tinh thần và luân lý của đương sự. Quyền năng chủ tể của Người được thể hiện nhờ ân sủng trong việc thánh hiến, không làm suy giảm chút nào sự tự do đáp trả lời mời gọi, cũng như không làm nhẹ giá trị và tầm quan trọng của sự dấn thân về phía con người. Điều ấy trở nên hiển nhiên cách riêng trong lời mời gọi thực hành các lời khuyên Phúc Âm. Lời kêu gọi của Đức Kitô mang kèm theo ân sủng nâng cao con người, ban cho họ những khả năng ở hệ cao cấp hơn để tuân theo các lời khuyên này. Điều này có nghĩa là trong đời sống thánh hiến đã diễn ra một cuộc phát triển nhân cách con người. Nhân cách này không bị đè bẹp, nhưng được nâng cao và trân trọng do ân huệ của Thiên Chúa.

4. Người nào chấp nhận lời mời gọi và đi theo các lời khuyên Phúc Âm thì đã thực hiện một hành vi nền tảng của tình yêu đối với Chúa, như đọc thấy trong Hiến chế Lumen Gentium số 44 của Công Đồng Vaticanô II. Các lời khấn của tu sĩ có mục tiêu là thể hiện chóp đỉnh của tình yêu : một tình yêu hoàn toàn dành cho Đức Kitô dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, và nhờ Đức Kitô mà tiến dâng lên Chúa Cha. Đó là giá trị của hiến lễ và thánh hiến của việc khấn dòng, được xem như một “baptismus flaminis” (Phép Rửa bằng lửa) trong truyền thống Kitô hữu Đông Phương và Tây Phương, xét vì “con tim của một con người được Chúa Thánh Thần thúc đẩy để tiến đến chỗ tin vào Thiên Chúa, yêu mến Ngài và ăn năn thống hối vì tội lỗi của mình”[8].

Trong tông thư Redemptionis donum tôi đã trình bày ý tưởng về một thứ Phép Rửa mới : “Sự khấn dòng, – như tôi đã viết -, đặt nền tảng trên Bí tích Thánh Tẩy, là “một sự mai táng” mới trong cái chết của Đức Kitô : mới, bởi sự ý thức rõ rệt và sự lựa chọn ; mới, bởi sự “hoán cải” không ngừng. “Một sự mai táng trong cái chết” như thế làm cho con người “đã được mai táng với Đức Kitô”, bước đi với Đức Kitô trong một “đời sống mới”. Chính trong Đức Kitô chịu đóng đinh mà sự hiến thánh rửa tội cũng như sự tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm tìm được nền tảng tối hậu của mình : sự tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm, theo lời Công Đồng Vaticanô II, “cấu thành một sự hiến thánh đặc biệt”. Nó vừa là sự chết vừa là sự giải thoát. Thánh Phaolô viết : “Anh em hãy kể mình như đã chết đối với tội” ; nhưng đồng thời, Người cũng gọi cái chết đó là “sự giải thoát khỏi làm nô lệ cho tội”. Nhưng nhất là sự tận hiến tu trì, đặt nền tảng trên Bí Tích Thánh Tẩy, tạo nên “một đời sống mới cho Thiên Chúa trong Đức Kitô” (HA số 7).

5. Đời sống này lại càng hoàn hảo hơn nữa và thu hoạch được nhiều hoa trái ân sủng của Bí Tích Thánh Tẩy (x. LG 44) bởi vì sự kết hợp mật thiết với Đức Kitô đã thủ đắc được trong Bí Tích ấy, nay được phát triển thành một cuộc kết hợp hoàn hảo hơn. Thật vậy, điều răn yêu mến Chúa với tất cả tâm hồn, được đặt ra cho những ai chịu Phép Rửa, nay được tuân giữ trọn vẹn với tình yêu dành trót cho Thiên Chúa nhờ các lời khuyên Phúc Âm. Đó là một “sự thánh hiến đặc biệt” (DT 5), một sự thánh hiến chặt chẽ hơn để phụng sự Thiên Chúa với “danh hiệu mới mẻ và đặc biệt” (HT 44) ; một sự thánh hiến mới, chứ không thể được xem như ám tàng hay hệ quả của Bí Tích Thánh Tẩy. Bí Tích Thánh Tẩy không nhất thiết bao hàm định hướng sống độc thân và từ bỏ sở hữu của cải dưới hình thức của những lời khuyên Phúc Âm. Trái lại, trong sự thánh hiến tu trì, ta thấy có một lời kêu gọi vào một lối sống, bao hàm ân huệ của một đặc sủng độc đáo không được ban cho hết mọi người, như Chúa Giêsu đã khẳng định khi nói về sự độc thân tự nguyện (x. Mt 19.10-12). Vì thế sự thánh hiến tu trì là một hành vi tối thượng của Thiên Chúa, Đấng tự do lựa chọn, kêu gọi, mở ra một con đường, tuy là liên kết với sự thánh hiến của Bí Tích Thánh Tẩy nhưng cũng khác biệt với nó nữa.

6. Một cách tương tự, có thể nói rằng việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm triển khai hơn nữa sự thánh hiến do Bí Tích Thêm Sức gây ra. Đó là một ân huệ mới của Chúa Thánh Thần được trao ban để sống đời Kitô hữu cách tích cực bằng sự dấn thân chặt chẽ vào việc hợp tác và phục vụ Giáo Hội, cùng với các lời khuyên Phúc Âm, để trổ sinh những hoa trái của sự thánh thiện và tông đồ, ngoài những đòi hỏi của sự thánh hiến của Bí Tích Thêm Sức. Bí Tích Thêm Sức – đặc tính chiến đấu và tông đồ Kitô giáo kèm theo – cũng nằm tận gốc rễ của đời sống thánh hiến.

Trong chiều hướng này, thật là xác đáng khi xét những hiệu quả của Bí Tích Thánh Tẩy và Thêm Sức trong sự thánh hiến do việc chấp nhận các lời khuyên Phúc Âm, và lồng đời sống tu trì, tự bản chất là một đặc sủng, vào nhiệm cục bí tích. Một cách tương tự, ta có thể nhận xét rằng đối với các linh mục dòng, Bí Tích Truyền Chức Thánh cũng sinh hoa trái trong việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm, bởi vì nó đặt ra yêu sách phải thuộc về Chúa cách chặt chẽ hơn. Các lời khấn khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục nhằm thực hiện cách cụ thể yêu sách đó.

7. Việc liên kết các lời khuyên Phúc Âm với các Bí Tích Thánh Tẩy, Thêm Sức và Truyền Chức Thánh cho thấy giá trị thiết yếu của đời sống thánh hiến đối với sự thăng tiến sự thánh thiện của Giáo Hội. Vì thế tôi muốn kết luận với lời mời gọi cầu nguyện – cầu nguyện thật nhiều – để xin Chúa luôn ban ơn đời sống thánh hiến mỗi ngày một nhiều hơn cho Giáo Hội mà chính Ngài đã muốn và đã thiết định là “thánh thiện”.

———————

[1] Thánh Tôma, Summa theologiae, II-II, q. 186, a. 1. Chú thích của người dịch. Trong tiếng Việt, từ “tu sĩ” gợi lên tư tưởng khổ chế (tu sửa); trong tiếng latinh, tính từ “religiosus” được móc nối với danh từ religio và được thánh Tôma  giải thích như là nhân đức thờ phượng. Ý nghĩa của “tu sĩ” (hay “phụng sĩ”) được tìm thấy nơi việc dâng hiến trót đời để phụng sự Thiên Chúa.
[2] x Thánh Hiêrônimô, Epist. 125, ad Rusticum
[3] x. Thánh Grêgôriô Cả, Super Ezechielem, hom. 20
[4] x. Lumen gentium, 44
[5] Ví dụ, Hòm bia Giao ước hay những chén thánh của Đền thờ Giêrusalem, bị vua Antiokhô Epiphanê làm cho nhơ uế B như đọc thấy trong 1Mcb 1,22
[6] x. Thánh Tôma, Summa theologiae, I-II, q. 106, a. 2
[7] x. Thánh Augustinô, De spiritu et littera, c. 17
[8] Thánh Tôma, Summa theologiae, III, q. 66, a. 1l.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here