Giáo Huấn Của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II Về Đời Thánh Hiến – TRÊN ĐƯỜNG Ý ĐỊNH SÁNG LẬP CỦA ĐỨC KITÔ

0
1480

TRÊN ĐƯỜNG Ý ĐỊNH SÁNG LẬP CỦA ĐỨC KITÔ
(12-12-1994)

1. Điều đáng kể hơn cả trong những hình thức cũ và mới của “đời sống thánh hiến” là trong đó phải nhận ra sự phù hợp căn bản với ý muốn của Đức Kitô, Đấng lập ra các lời khuyên Phúc Âm, và theo nghĩa đó, là Đấng sáng lập đời tu trì và mọi bậc sống thánh hiến tương tự. Như Công Đồng Vaticano II đã nói, các lời khuyên Phúc Âm “đặt nền tảng trên lời nói cùng gương lành của Chúa” ( GH 43).

Không thiếu người đã nghi ngờ sự sáng lập này, vì họ nghĩ rằng đời thánh hiến là một thể chế thuần tuý nhân loại, được phát sinh do các sáng kiến của những Kitô hữu khao khát sống lý tưởng của Tin Mừng cách sâu xa hơn. Đúng như vậy, Chúa Giêsu đã không trực tiếp thành lập một cộng đoàn tu trì nào để rồi dần dần phát triển trong Giáo Hội ; Ngài cũng không xác định những hình thức đặc thù nào của đời thánh hiến. Nhưng điều Ngài đã muốn và đã thiết lập là bậc sống đời thánh hiến, với những giá trị tổng quát và những yếu tố cốt yếu của nó. Không có một bằng chứng lịch sử nào cho phép giải thích bậc sống này là do một sáng kiến nhân loại về sau này ; và cũng không dễ quan niệm được rằng đời sống thánh hiến B đã từng đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phát triển sự thánh thiện và sứ vụ của Giáo Hội B mà không xuất phát từ ý muốn sáng lập của Đức Kitô. Nếu chúng ta khảo sát thật kỹ các chứng từ Tin Mừng, chúng ta sẽ khám phá ra rằng ý muốn này đã xuất hiện rất rõ ràng.

2. Tin Mừng cho thấy ngay từ lúc bắt đầu cuộc sống công khai, Đức Giêsu kêu gọi nhiều người đi theo Ngài. Lời kêu gọi này không nhất thiết phải diễn tả bằng lời : rất đơn giản có thể do bởi sự hấp dẫn từ nhân cách của Đức Giêsu trên những người mà Ngài gặp gỡ, giống như trường hợp của hai môn đệ đầu tiên theo trình thuật Tin Mừng Gioan. Hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả, Anrê và một anh bạn (xem ra chính là tác giả Tin Mừng) bị thu hút và hầu như bị chiếm đoạt bởi người được giới thiệu với họ như là “Chiên Thiên Chúa” ; và tức khắc họ theo Chúa Giêsu, cả trước khi Ngài ngỏ lời với họ. Khi Chúa Giêsu hỏi : “Các anh tìm gì ?”, họ đáp lại bằng một câu hỏi khác : “Thưa Thầy, Thầy ở đâu ?”. Bấy giờ họ nhận lời mời làm biến đổi cuộc đời họ : “Hãy đến và xem” (x. Ga 1,38-39).

Nhưng nhìn chung, cách diễn tả đặc trưng nhất của sự kêu gọi là câu nói “Hãy theo Ta” (Mt 8,22 ; 9,9 ; Mc 2,14 ; 10,21 ; Lc 9,59 ; 18,22 ; Ga 1,43 ; 21,19). Lời ấy biểu lộ sáng kiến của Đức Giêsu. Trước kia, những người ước ao nhận lãnh giáo huấn của một bậc thầy thì chọn lựa vị mà họ muốn trở thành môn đệ. Ngược lại, với lời “Hãy theo Ta”, Chúa Giêsu cho thấy rằng chính Ngài chọn những ai Ngài muốn trở nên bạn hữu và môn đệ. Thật vậy, Ngài sẽ nói với các Tông đồ : “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15,16).

Ở nơi sáng kiến của Chúa Giêsu, ta thấy có một ý muốn quyền năng, đồng thời với một tình yêu mãnh liệt. Trình thuật về lời kêu gọi người thanh niên giàu có cho thấy rõ rệt tình yêu này. Chúng ta đọc thấy rằng khi người thanh niên tuyên bố mình đã giữ các giới răn từ khi còn nhỏ, Chúa Giêsu “đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến” (Mc 10,12). Cái nhìn thẩm thấu tràn đầy tình yêu kèm theo lời mời gọi : “Anh hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, và anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo tôi” (ibid). Tình yêu thần linh và nhân linh này của Đức Giêsu, thật đậm đà đến nỗi đã được một chứng nhân của câu chuyện này ghi lại, cũng là tình yêu được lặp lại trong mỗi lời kêu gọi trao dâng trót thân mình trong đời thánh hiến. Như tôi đã viết trong tông huấn Redemptionis donum : “tình yêu này phản ánh tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa Cha, Đấng  đã yêu mến thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người, ngõ hầu mọi kẻ tin vào Người thì không phải hư đi nhưng được sự sống đời đời  (Ga 3,16)” (số 3).

3. Vẫn luôn theo chứng từ của Tin Mừng, lời kêu gọi bước theo Chúa Giêsu bao gồm nhiều yêu sách lớn lao : trình thuật về lời mời gọi người thanh niên giàu có nhấn mạnh tới việc từ bỏ những của cải vật chất ; trong những trường hợp khác thì nêu bật việc từ bỏ gia đình (x. ví dụ : Lc 9,59-60). Nhìn chung, đi theo Chúa Giêsu có nghĩa là từ bỏ tất cả để kết hiệp với Người và đồng hành với Người trên con đường sứ vụ. Đó chính là từ bỏ mà các Tông đồ chấp thuận, như thánh Phêrô tuyên bố : “Thầy coi, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy” (Mt 19,27). Chính trong câu trả lời cho Phêrô mà Chúa Giêsu chỉ cho thấy sự từ bỏ những điều tốt lành của thế gian là yếu tố nền tảng của việc đi theo Người (x. Mt 19,29). Cựu Ước cũng cho thấy Thiên Chúa yêu cầu Dân hãy đi theo Ngài qua việc tuân giữ các giới răn, nhưng lại chẳng bao giờ điễn tả những đòi hỏi triệt để như vậy. Trái lại, Chúa Giêsu biểu lộ quyền bá chủ thần linh khi đòi hỏi một sự dâng hiến tuyệt đối cho Người, đến mức cắt đứt hoàn toàn khỏi những của cải và khỏi những quyến luyến trần tục.

4. Tuy nhiên, nên lưu ý rằng tuy lời kêu gọi bước theo Chúa Giêsu hàm chứa nhiều đòi hỏi mới, nhưng Người để cho những ai được gọi được tự do chọn lựa. Đó không phải là những mệnh lệnh mà là những lời mời hay “lời khuyên”. Người kêu gọi anh thanh niên giàu có với lòng yêu mến, nhưng tình yêu này không tước mất quyền tự do quyết định ; điều ấy được chứng tỏ qua việc anh từ chối đi theo Người bởi vì anh ưa thích những của cải mà anh đang sở hữu. Thánh sử Marcô ghi nhận rằng rằng anh ta “buồn rầu bỏ đi vì anh ta có nhiều của cải” (Mc 10,22). Chúa Giêsu không lên án anh vì thái độ này. Nhưng Người thấm buồn khi nhận xét rằng thật khó cho những người giàu vào Nước Trời, rằng chỉ duy có Thiên Chúa mới có thể tác thành những sự thứ thoát ly nào đó, những cuộc giải phóng nội tâm nào đó, ngõ hầu có thể đáp trả lời kêu gọi được (x. Mc 10,23-27).

5. Đàng khác, Chúa Giêsu đoan chắc rằng những sự khước từ do lời kêu gọi bước theo Người đặt ra sẽ được bù đắp, một “kho tàng ở trên trời”, có nghĩa là được hưởng dồi dào những của cải thiêng liêng. Thậm chí, Ngài hứa ban sự sống đời đời trong thời tương lai và gấp trăm ngay ở đời này (Mt 19,29). Cái gấp trăm này ám chỉ tới một cuộc sống có phẩm chất tốt hơn và một hạnh phúc cao cả hơn. Kinh nghiệm cho thấy rằng đời thánh hiến, theo kế hoạch của Chúa Giêsu, là một cuộc đời hạnh phúc sâu xa. Hạnh phúc này được đo lường theo sự trung thành với kế hoạch của Chúa Giêsu, bất chấp sự kiện là cái “gấp trăm” được liên kết với thập giá của Chúa, như thánh Marcô đã gợi lên cũng trong đoạn này (Mc 10,30) khi nói đến những sự ngược đãi bắt bớ.

6. Chúa Giêsu cũng đã gọi các phụ nữ đi theo Người. Một chứng từ Tin Mừng nói rằng có một nhóm các phụ nữ đã đi theo Đức Giêsu và họ rất đông (x. Lc 8,1-3 ; Mt 27,55 ; Mc 15,40-41). Điều này nói lên một nét mới mẻ so với tập tục của người Do thái. Duy chỉ ý muốn đổi mới của Chúa Giêsu, bao gồm sự thăng tiến và giải phóng phụ nữ một cách nào đó, mới có thể giải thích được sự kiện này. Sách Tin mừng không để lại trình thuật nào kể lại việc kêu gọi đích danh vài phụ nữ, nhưng sự hiện diện đông đảo của các phụ nữ với nhóm Mười Hai bên cạnh Chúa Giêsu, giả thiết một sự kêu gọi, một sự tuyển chọn về phía Người, dù âm thầm hay minh nhiên.

Trên thực tế, Chúa Giêsu chứng tỏ rằng bậc sống đời thánh hiến cốt ở việc bước theo Ngài, và không nhất thiết ràng buộc với việc tiến đến tác vụ linh mục. Chúa cũng cho thấy rằng bậc sống này gồm cả phái nữ lẫn phái nam, mỗi bên tùy theo lãnh vực riêng và theo chức năng mà Chúa trao phó khi kêu gọi. Trong nhóm phụ nữ đi theo Chúa Giêsu, ta có thể nhận ra sự tiên báo, hay đúng hơn, hạt nhân khởi đầu của con số đông đảo những phụ nữ sẽ dấn thân trong đời tu sĩ hoặc trong những hình thức khác của đời thánh hiến, trải qua các thế kỷ của Giáo Hội cho tới ngày hôm nay. Điều ấy có giá trị không những cho “những người thánh hiến” mà còn cho biết bao chị em khác đang theo mẫu gương đích thực của những cộng sự viên của Chúa Giêsu dưới những hình thức mới : ví dụ, những nữ giáo dân “tình nguyện” trong nhiều sinh hoạt tông đồ, trong nhiều tác vụ và chức vụ của Giáo Hội.

7. Kết thúc bài huấn giáo hôm nay, chúng ta nhìn nhận rằng khi gọi những người nam nữ từ bỏ mọi sự mà theo Người, Chúa Giêsu đã khai mạc một bậc sống sẽ từ từ phát triển trong Giáo Hội, dưới nhiều hình thức khác nhau của đời thánh hiến, được cụ thể hoá trong đời tu trì, hoặc trong chức linh mục – đối với vì những ai được Thiên Chúa tuyển chọn. Từ thời của các tác giả Tin Mừng cho tới ngày hôm nay, bậc sống này đã tiếp tục thực hiện ý muốn sáng lập của Đức Kitô, được diễn tả qua lời mời gọi đẹp nhất và thánh nhất hướng đến biết bao tâm hồn : “Hãy theo Ta !”.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here