NHỮNG PHÁT TRIỂN VÀ KHUYNH HƯỚNG
CỦA ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN VÀO THỜI NAY
(5-10-1994)
1. Đời sống thánh hiến, tiêu biểu cho sự phát triển của Giáo Hội trải qua các thời đại, đã và đang chứng kiến nhiều hình thức khác nhau. Cần phải ý thức về sự đa dạng này trong khi đọc chương mà hiến chế Lumen Gentium dành cho việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm. Chương này mang tựa đề là “Các Tu sĩ”, nhưng tầm mức suy tư đạo lý và ý định mục vụ cũng bao gồm thực tại rộng lớn hơn và khác biệt của đời sống thánh hiến, được phác họa trong thời gian gần đây.
2. Kể cả vào thời nay không ít người chọn con đường sống thánh hiến trong khung khổ của Dòng tu hay các Hội Dòng hoạt động từ lâu trong Giáo Hội. Nhờ sự hiện diện sống động và phong phú của họ, Giáo hội vẫn tiếp tục thu nhận nhiều sức sống dồi dào và mới mẻ cho đời sống tâm linh.
Nhưng trong Giáo Hội hôm nay cũng có những đoàn ngũ hữu hình mới mẻ của những người thánh hiến, được nhìn nhận và quy định theo Giáo luật. Trước hết, đó là những Tu hội đời, trong đó theo như bộ Giáo luật : “Các tín hữu sống giữa đời nhắm tới sự trọn lành của đức ái và dấn thân mưu cầu sự thánh hoá đời, ngay từ hoạt động ở giữa đời” (điều 710). Những phần tử trong các Tu Hội này cũng đảm nhận những nghĩa vụ của các lời khuyên Phúc Âm, nhưng hài hoà sao cho phù hợp với một cuộc sống dấn thân giữa đời theo những hoạt động và những thể chế trần thế. Từ nhiều năm, ngay cả trước thời của Công Đồng, đã có những người tiên phong tài tình của hình thức sống đời sống thánh hiến này, bề ngoài giống hình thức “đời” hơn là “tu”. Đối với một vài người, lựa chọn này có thể bị lệ thuộc vào nhu cầu thật sự cần thiết, theo nghĩa là họ đã không thể bước vào cộng đoàn dòng tu do vài nghĩa vụ đối với gia đình hay vì những ngăn trở nào đó ; nhưng phần lớn là vì muốn dấn thân cho một lý tưởng đó là : kết hợp sự thánh hiến đích thực cho Chúa với một cuộc sống theo ơn gọi ở giữa những thực tại trần thế. Đức Giáo Hoàng Piô XII đã có công nhìn nhận tính cách hợp pháp của hình thức thánh hiến này bằng Tông hiến Provida Mater Ecclesia (1947).
Ngoài các Tu Hội đời, bộ Giáo luật cũng nhìn nhận các Tu Đoàn Tông Đồ, trong đó “các phần tử tuy không có lời khấn dòng, nhưng theo đuổi mục đích tông đồ riêng của Tu đoàn, và nhắm đến sự trọn lành của đức ái do việc sống chung theo một nếp sống đặc thù, và do việc tuân giữ hiến pháp” (số 731). Một số các Tu đoàn này được coi như “tương tự” với các Hội Dòng tận hiến, bởi vì các phần tử cũng cam kết tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm, với một sợi dây ràng buộc do hiến pháp xác định. Và đây cũng là một hình thức của đời sống thánh hiến.
3. Trong thời gian gần đây hơn xuất hiện một số Phong trào hay Hội đoàn Giáo hội. Tôi đã phát biểu lòng quý mến đối với họ nhân dịp Hội Nghị về “Cộng đoàn Kitô hữu và các hội đoàn giáo dân” do Hội Đồng Giám Mục Italia xúc tiến : “Hiện tượng của các hội đoàn Giáo hội – như tôi đã nói – là một dữ kiện đặc trưng cho giây phút lịch sử hiện tại của Giáo Hội, và cũng cần phấn khởi xác định rằng chiều rộng của các hội đoàn này bao trùm tất cả địa bàn các thể thức hiện diện của Kitô hữu trong xã hội hiện thời” (Giovanni Paolo II, Insegnamenti, VII/2, 1984, 290). Và hồi ấy cũng như hôm nay, tôi mong ước rằng những hội đoàn giáo dân ấy nên sống “trong sự hiệp thông trọn vẹn với các giám mục”[1], ngõ hầu tránh nguy cơ tự mãn nào đó của những ai muốn lấy kinh nghiệm riêng của mình như giá trị tuyệt đối, cũng như nguy cơ tự tách rời ra khỏi đời sống cộng đồng của Giáo Hội địa phương và các vị Chủ chăn.
Những “phong trào” hay “hội đoàn” này, tuy gồm bởi các thành phần giáo dân, những cũng thường hướng các thành viên mình – hay một phần của thành viên mình – tới việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm. Hậu quả là dù tự nhận là giáo dân, nhưng từ giữa lòng họ đã nảy lên những nhóm hay cộng đoàn sống đời sống thánh hiến. Hơn thế nữa, hình thức này của đời sống thánh hiến cũng còn kèm theo việc mở rộng đến tác vụ linh mục, khi vài cộng đoàn đón nhận các linh mục hoặc hướng các thanh niên đến chức linh mục. Như vậy, một vài phong trào này mang trong mình hình ảnh của Giáo Hội theo ba hướng đi đã thành hình theo dòng lịch sử : các giáo dân, các linh mục và các linh hồn thánh hiến trong khuôn khổ những lời khuyên Phúc Âm.
4. Chúng ta chỉ rảo qua thực tại mới mẻ này, chứ không thể nào mô tả chi tiết hết tất cả các phong trào được, nhưng từng ấy cũng đã đủ làm nổi bật ý nghĩa của sự hiện diện của họ trong Giáo Hội hôm nay.
Thật là quan trọng nhận biết nơi họ một dấu hiệu của những đặc sủng do Chúa Thánh Thần ban cho Họi thánh dưới những hình thức luôn luôn mới mẻ, và nhiều khi không thể lường trước được. Kinh nghiệm của những năm vừa qua cho phép chúng ta khẳng định rằng, trong sự hoà hợp với nền tảng đức tin, đời sống đặc sủng không khô cạn nhưng lại tìm thấy trong Giáo Hội những lối diễn tả mới, nhất là trong những hình thức của đời thánh hiến.
Một khía cạnh rất cá biệt – và mơi mẻ theo một nghĩa nào đó – của kinh nghiệm này chính là sự chú trọng đến đặc tính giáo dân. Dĩ nhiên là từ “giáo dân” có thể bị hiểu lầm, cả trong lãnh vực tôn giáo. Khi các giáo dân cam kết sống trong con đường các lời khuyên Phúc Âm, thì hẳn nhiên là họ bước vào bậc sống thánh hiến một cách nào đó, rất khác với nếp sống của phần đông tín hữu chọn con đường hôn nhân và nghề nghiệp của thế trần. Tuy nhiên, các giáo dân “thánh hiến” muốn duy trì và cương quyết bảo vệ danh xưng là “giáo dân” của mình, xét vì họ muốn khẳng định mình như là những phần tử của dân Thiên Chúa, theo nguồn gốc của hạn từ “laico” (laos =dân chúng). Họ muốn làm chứng mình thuộc về một đoàn Dân mà không tách rời ly khỏi anh em họ, kể cả trong đời sống dân sự.
Một điểm quan trọng và hấp dẫn khác đáng chú ý đó là nhãn quan về Giáo hội của các phong trào này. Họ biểu lộ ý muốn dứt khoát sống trọn vẹn sự sống của Giáo Hội như cộng đoàn của các môn đệ Đức Kitô, và họ muốn phản chiếu sự sống đó qua sự hiệp nhất sâu xa và hợp tác giữa các “giáo dân”, tu sĩ và linh mục trong những chọn lựa cá nhân và trong hoạt động tông đồ.
Nói đúng ra, ba đặc tính vừa rồi : – ơn đặc sủng linh hoạt, ý định làm chứng cho việc làm thành phần dân Thiên Chúa, yêu sách hiệp thông giữa những người thánh hiến với các giáo dân và linh mục -, là những đặc tính chung cho hết mọi hình thức đời thánh hiến tu trì ; nhưng không thể nào không nhìn nhận rằng các đặc tính này được biểu lộ mạnh mẽ hơn ở nơi các phong trào hiện đại, nói chung nổi bật vì sự dấn thân sâu xa để gắn bó với mầu nhiệm của Giáo Hội và phục vụ hữu hiệu cho sứ vụ của Giáo Hội.
5. Ngoài các phong trào và cộng đoàn mang định hướng “giáo dân trong Giáo hội”, chúng ta phải nhắc tới những kiểu cộng đoàn gần đây, nhắm nêu bật những yếu tố truyền thống của đời tu. Một số cộng đoàn mới này mang một định hướng đan tu đúng nghĩa, đề cao việc cầu nguyện phụng vụ ; một số khác đi vào con đường của truyền thống “kinh sĩ”, rất phồn thịnh vào thời Trung cổ : ngoài những yếu tố “đan sĩ” họn còn thêm việc đảm trách các xứ và về sau mở rộng ra tầm hoạt động tông đồ. Ngày nay, khuynh hướng mới về sự “ẩn tu” cũng mang tính triệt để hơn, với việc thành lập và tái sinh các vùng ẩn tu mang dấu tích cả cổ cả kim.
Đối với người chỉ nhìn xem hời hợt, một vài hình thức này của đời sống thánh hiến có thể xem chừng không phù hợp với những hướng đi hiện tại của đời sống Giáo Hội. Tuy nhiên trong thực tế, Giáo Hội – chắc chắn rất cần đến những người thánh hiến hướng về thế giới cách trực tiếp hơn để loan báo Tin Mừng – nhưng cũng cần và có lẽ còn cần hơn nữa những người tìm kiếm, trau dồi và làm chứng cho sự hiện diện và thân tình với Thiên Chúa ; những người này cũng mang ý định muốn thánh hoá nhân loại. Đó là hai khía cạnh của đời sống thánh hiến biểu lộ nơi Đức Giêsu Kitô : Người đã đến với con người để mang cho họ ánh sáng và sự sống, nhưng mặt khác Người đã tìm đến sự cô tịch để dành thời gian cầu nguyện và chiêm niệm. Không được phép lãng quên bất cứ yêu sách nào trong hai điều vừa nêu trong đời sống hiện tại của Giáo Hội. Chúng ta phải biết ơn Chúa Thánh Thần, Đấng đã làm cho chúng ta luôn hiểu được điều đó qua những đặc sủng mà Ngài phân phát cách dồi dào và qua những công trình thường là lạ lùng do Ngài cảm hứng.
————–
[1] Giovanni Paolo II, *Insegnamenti+, VII/2, 1984, 292.