Giáo Huấn Của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II Về Đời Thánh Hiến – CÁC TU SĨ LINH MỤC

0
1798

CÁC TU SĨ LINH MỤC
(15-2-1995)

1. Giữa chức tư tế và đời tu trì có nhiều sự tương đồng sâu sắc. Thật vậy, dọc theo dòng lịch sử, ta thấy con số tu sĩ linh mục gia tăng. Phần lớn các trường hợp là những người đã gia nhập một dòng tu rồi sau đó nhận chức linh mục ; những trường hợp linh mục đã được nhập tịch vào một giáo phận rồi sau đó mới gia nhập một Dòng Tu thì ít xảy ra tuy cũng đáng kể. Trong cả hai trường hợp, ta thấy rằng trong đời thánh hiến bên nam, rất thường xuyên ơn gọi tu trì dòng được gắn với ơn gọi tác vụ linh mục.

2. Chúng ta có thể tự hỏi : đâu là sự đóng góp của đời tu vào tác vụ linh mục, và tại sao trong kế hoạch của Thiên Chúa, rất nhiều người được kêu gọi tiến tới tác vụ này trong bối cảnh của đời tu trì. Chúng ta trả lời rằng, nếu việc truyền chức linh mục bao gồm sự thánh hiến bản thân, thì việc gia nhập đời sống tu dòng là sự chuẩn bị cho đương sự đón nhận tốt hơn hồng ân Chức Thánh và sống những đòi hỏi của hồng ân ấy cách toàn diện hơn. Hồng ân của các lời khuyên Phúc Âm và của đời sống chung biểu lộ hơn bao giờ hết sự thuận lợi để đạt được sự “thánh thiện” do chức linh mục đòi hỏi, chiếu theo nhiệm vụ đối với Thân thể bí tích hoặc huyền nhiệm của Đức Kitô.

Ngoài ra, khuynh hướng tiến đến sự trọn lành, tức là yếu tố làm nên căn cước và đặc trưng cho đời tu, thì thúc đẩy nỗ lực khổ chế để tiến triển trong các nhân đức, để tăng cường đức tin, đức cậy và nhất là đức ái, và để sống phù hợp theo lý tưởng Tin Mừng. Về phía các Hội Dòng, sự đào tạo đã nhắm đến chiều hướng ấy, để các tu sĩ ngay từ lúc còn trẻ có thể định hướng chắc chắn hơn trong con đường nên thánh, và đạt được niềm xác tín vững vàng và những tập quán của cuộc sống thanh đạm theo Tin Mừng. Trong những điều kiện tâm linh như vậy, họ có thể hưởng nhờ nhiều lợi lộc hơn của những ân sủng kèm theo chức linh mục.

3. Tuy nhiên, các lời khấn dòng, trước khi là những bó buộc phải đảm nhận để được lãnh chức thánh và tác vụ, tự chúng có giá trị như là những lời đáp trả của tình yêu dâng hiến đối với sự trao ban của Đấng do tình yêu vô bờ đã “tự nguyện hiến mình vì chúng ta” (x. Is 53,12 ; Dt 9,28). Vì thế lời cam kết sống độc thân được đặt ra tiên vàn không như một yêu sách bó buộc của chức phó tế và linh mục, nhưng còn như gắn bó với một lý tưởng đòi hỏi dâng hiến trọn bản thân cho Đức Kitô.

Chúng ta nói thêm rằng với sự cam kết này, trước khi được truyền chức, các tu sĩ có thể giúp các linh mục giáo phận hiểu tốt hơn và đánh giá cao hơn giá trị của độc thân. Ước mong rằng các tu sĩ thay vì đặt nghi vấn về nền tảng của sự chọn lựa này, họ có thể phấn khích các linh mục giáo phận hãy trung thành trong phạm vi này. Đây là một dịch vụ Giáo Hội thật là tốt đẹp và thánh thiện do các Hội Dòng đảm nhận, bên ngoài biên cương của họ, nhắm tới lợi ích tất cả cộng đồng tín hữu.

Việc gia nhập một Hội Dòng giúp cho linh mục được sống khó nghèo Phúc Âm cách triệt để hơn. Thật vậy, chính đời sống cộng đoàn cho phép các tu sĩ của Hội Dòng từ bỏ những tài sản riêng, trong khi thông thường, các linh mục giáo phận tự mình phải lo liệu việc chu cấp. Vì thế mong sao cho các linh mục dòng mang lại một chứng tá rõ rệt về sự khó nghèo Phúc Âm, không những để nâng đỡ mình trên con đường tiến đến đức ái hoàn hảo, nhưng còn để khuyến khích các linh mục giáo phận hãy tìm kiếm những cách thức thực tiễn để sống khó nghèo hơn, nhất là bằng cách để chung một số nguồn lợi nào đó.

Cuối cùng, lời khấn vâng phục của các tu sĩ cũng đem lại ảnh hưởng hữu ích cho cung cách thi hành tác vụ linh mục, thúc đẩy họ hãy phục tùng các bề trên của cộng đoàn đang giúp đỡ mình, hãy hiệp thông trong tinh thần đức tin với những người thay mặt Chúa đối với họ, hãy tôn trọng quyền bính của các Giám Mục và Đức Thánh Cha trong khi chu toàn tác vụ thánh. Vì thế ước mong sao cho các linh mục dòng vâng phục hàng phẩm trật Giáo hội, không chỉ theo hình thức mà còn với một tinh thần cộng tác trung thành, thân hữu và quảng đại. Nhờ sự huấn luyện vâng phục theo Phúc Âm, họ có thể vượt qua cách dễ dàng hơn những cám dỗ nổi loạn, phê bình chỉ trích, thiếu tin tưởng, và họ có thể nhìn nhận quyền bính của Thiên Chúa được biểu hiện nơi các Mục tử. Đây cũng là một sự giúp đỡ hữu hiệu, như đọc thấy trong sắc lệnh Christus Dominus của Công Đồng Vaticanô II, mà các linh mục dòng có thể và phải mang lại cho các Mục tử của Giáo Hội hôm nay cũng như trong quá khứ và hơn nữa trong tương lai, “trước nhu cầu gia tăng của các linh hồn Y và nhu cầu tông đồ mỗi ngày một gia tăng”[1].

4. Hơn nữa, các linh mục dòng, nhờ cuộc sống cộng đoàn, có thể biểu hiện đức ái là linh hồn của linh mục đoàn. Theo ý của Đức Kitô bộc lộ trong bữa tiệc ly, mệnh lệnh yêu thương nhau được gắn liền với sự thánh hiến linh mục. Trong các mối tương quan hiệp thông chặt chẽ nhắm đến đức ái hoàn hảo, các tu sĩ có thể làm chứng cho tình yêu huynh đệ nối kết những người thi hành tác vụ linh mục nhân danh Đức Kitô. Đương nhiên tình yêu huynh đệ này cũng phải ghi dấu cho những mối tương quan của họ với các linh mục giáo phận và với các tu sĩ của các Hội Dòng khác. Đây là cội nguồn phát sinh “việc hợp tác có tổ chức” mà Công Đồng khuyến khích[2].

5. Cũng theo Công Đồng, các tu sĩ là những người dấn thân sâu xa hơn trong việc phục vụ Giáo Hội, do hiệu năng của sự thánh hiến diễn tả qua việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm (x. HT 44). Việc phục vụ này trước hết hệ tại việc cầu nguyện, các việc thống hối và tấm gương cuộc sống, cũng như trong sự hiệp thông “với các công việc tông đồ bên ngoài, tuỳ theo đặc tính của mỗi Hội Dòng”[3]. Vì tham dự vào việc chăm lo các linh hồn và công tác tông đồ dưới quyền của các Giám Mục, các linh mục dòng “xét theo phương diện nào đó, cũng thuộc về hàng giáo sĩ giáo phận”[4], và vì thế họ “phải thi hành nhiệm vụ của mình sao cho trở thành những cộng sự viên của các Giám Mục”[5], nhưng vẫn phải luôn giữ “tinh thần của Hội Dòng” và luôn trung thành tuân giữ kỷ luật dòng[6].

Mong sao nhờ hoạt động của các linh mục dòng mà sự hiệp nhất và hoà thuận càng ngày càng trở nên hiện thực trong các giáo phận và toàn thể Giáo Hội. Đó là sự hiệp nhất và hoà thuận mà Chúa Giêsu đã yêu cầu nơi tất cả những ai chấp nhận trở thành “những kẻ được thánh hiến trong sự thật” (Ga 17,17) như Người, và nhờ thế “hình ảnh của Giáo Hội tình yêu” rực sáng trong thế giới.

—————————-

[1]Christus Dominus, 34.

[2] Christus Dominus, 35,5.

[3]Christus Dominus, 33

[4]Christus Dominus, 34

[5]Christus Dominus, 35,1

[6]Christus Dominus, 35,2

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here