Giáo Huấn Của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II Về Đời Thánh Hiến – ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN PHỤC VỤ GIÁO HỘI

0
1860

ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN PHỤC VỤ GIÁO HỘI
(11-01-1995)

1. Công Đồng Vaticanô II nhấn mạnh đến chiều kích Giáo hội của các lời khuyên Phúc Âm (GH 44). Chính Đức Giêsu, trong Tin Mừng, cho thấy rằng mục tiêu của các lời kêu gọi vào đời thánh hiến là thiết lập vương quốc : sống độc thân tự nguyện là vì Nước Trời (x. Mt 19,12) và sự từ bỏ tất cả để theo Thầy được giải thích bởi “Nước Thiên Chúa” (Lc 18,29).

Đức Giêsu đặt ra mối tương quan rất chặt chẽ giữa sứ vụ mà Người trao phó cho các tông đồ và sự đòi hỏi phải bỏ tất cả mọi sự để theo Người : những hoạt động thế tục và tài sản của họ (ta idia) như đọc thấy trong Lc 18,28. Ông Phêrô biết rõ điều đó ; vì thế ông tuyên bố với Đức Giêsu nhân danh các tông đồ khác : “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy” (Mc 10,28 ; x. Mt 19,27).

Điều mà Đức Giêsu đòi hỏi các tông đồ thì Người cũng yêu cầu với những ai, trải nhiều thời đại của lịch sử Giáo Hội, chấp nhận đi theo Người trong đời sống tông đồ trên con đường các lời khuyên Phúc Âm : trao dâng toàn bản thân, tất cả sức lực để mở mang Nước Trời trên trần gian. Trong công cuộc mở mang đó, Giáo Hội mang trách nhiệm chính yếu. Cần nói rằng, theo truyền thống Kitô giáo, mục đích của ơn thiên triệu không bao giờ chỉ là thuần túy thánh hoá bản thân. Trái lại, một sự thánh hoá chỉ nhằm riêng cho bản thân mà thôi thì sẽ không phải là chân thực, bởi vì Đức Kitô đã liên kết chặt chẽ giữa việc nên thánh và đức ái. Vì thế ai muốn thánh hoá bản thân thì phải lồng trong bối cảnh dấn thân phục vụ cho đời sống và sự thánh thiện của Giáo Hội. Cũng thế, cuộc đời thuần tuý chiêm niệm cũng mang một chiều hướng Giáo hội, như chúng ta đã thấy trong bài huấn giáo trước đây.

Vì thế, theo Công Đồng, các tu sĩ có trọng trách và nghĩa vụ phải “làm việc trên khắp mặt đất” (HT 44) để củng cố và mở rộng vương quyền của Chúa Kitô. Trong muôn vàn hình thức phục vụ mà Giáo Hội đang cần, luôn có chỗ cho tất cả mọi người : và mỗi người thánh hiến có thể và phải dấn thân với tất cả sức lực mình trong công trình xây dựng và bành trướng vương quyền Chúa Kitô trên mặt đất, tuỳ theo khả năng và đặc sủng được ban cho mình, trong sự hài hoà khéo léo với sứ vụ của mỗi hội dòng.

2. Hoạt động truyền giáo nhắm đặc biệt tới việc mở mang vương quyền Chúa Kitô (x. GH 44). Trên thực tế, lịch sử xác nhận rằng các tu sĩ đã nắm một vai trò quan trọng trong việc mở rộng công cuộc truyền giáo của Giáo Hội. Được kêu gọi và khấn hứa dâng hiến toàn thân, các tu sĩ biểu hiện lòng quảng đại của họ khi miệt mài loan báo Tin Vui về Thầy và Chúa của mình khắp mọi nơi, đến tận những miền xa xăm nhất, giống như các tông đồ xưa kia. Bên cạnh những Hội Dòng, trong đó chỉ một số phần tử được dành cho hoạt động truyền giáo cho lương dân, có những Hội Dòng khác được thành lập với mục đích là loan báo Tin Mừng cho các dân tộc không hoặc chưa lãnh nhận Tin Mừng.

Như thế bản tính truyền giáo của Giáo Hội đã trở nên cụ thể trong một “ơn gọi đăc biệt”[1], và được tác động vượt ra ngoài biên cương địa lý, dân tộc, văn hoá, “đến khắp cõi địa cầu” (cf. Mc 16,15).

3. Sắc lệnh Perfectae caritatis của Công Đồng Vaticano II nhắc nhớ rằng :”Trong Giáo Hội có rất nhiều dòng giáo sĩ và giáo dân, dấn thân làm những việc tông đồ khác nhau tuỳ theo ơn Chúa ban” (DT 8). Chính Chúa Thánh Thần phân phát các đặc sủng tuỳ theo những nhu cầu gia tăng của Giáo Hội và thế giới. Không thể không nhận thấy trong sự kiện này những dấu chỉ rõ ràng nhất của lòng quảng đại của Thiên Chúa, gợi hứng và thúc đẩy lòng quảng đại của con người. Thực sự cần phải vui mừng khi dấu chỉ này xảy ra thường xuyên, như trong thời đại chúng ta, chính vì nó cho thấy rằng ý nghĩa của sự phục vụ Nước Thiên Chúa và sự phát triển của Giáo hội đã được mở rộng và đào sâu. Theo giáo huấn của Công Đồng, hoạt động của các tu sĩ, dù trên bình diện tông đồ trực tiếp hoặc trên bình diện công tác bác ái, đều không gây chướng ngại cho việc nên thánh, nhưng góp phần làm phát sinh sự nên thánh, bởi vì nó triển khai tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân, và làm cho người làm việc tông đồ được chia sẻ ân sủng mà Thiên Chúa ban cho những kẻ tiếp nhận ơn ích của hoạt động ấy.

4. Nhưng Công Đồng thêm rằng tất cả hoạt động tông đồ phải được linh hoạt bởi sự kết hiệp với Đức Kitô, điều mà các tu sĩ cần nhắm tới do bản tính của việc tuyên khấn. “Toàn thể cuộc đời tu trì của họ phải thấm nhuần tinh thần tông đồ, và toàn thể hoạt động tông đồ phải được linh động nhờ tinh thần tu trì” (DT 8). Trong Giáo Hội, những người thánh hiến phải là kẻ tiên phong chứng tỏ mình chống cự cơn cám dỗ hy sinh cầu nguyện cho hoạt động. Họ có nhiệm vụ cho thấy rằng hoạt động múc lấy kết quả tông đồ phong phú từ đời sống nội tâm chất chứa đức tin và cảm nghiệm thần linh, như thánh Tôma nói : “ex plenitudine contemplationis[2](tràn ra từ sự chiêm niệm)

Vấn đề dung hoà giữa hoạt động tông đồ và cầu nguyện đã được đặt ra nhiều lần trong các thế kỷ qua cũng như trong ngày nay, đặc biệt nơi các Dòng đan tu. Công Đồng đã tuyên dương “định chế của đời sống đan tu qua bao thế kỷ đã tạo được nhiều công nghiệp hiển hách trong Giáo Hội và cộng đồng nhân loại” (DT 9). Công Đồng nhìn nhận có nhiều khuynh hướng khác nhau về “nhiệm vụ chính của các đan sĩ” : việc “phụng sự Thiên Chúa cao cả, tuy khiêm tốn nhưng cao quý trong khuôn khổ đan viện” có thể diễn tả qua sự chuyên chăm việc phụng vụ trong đời sống ẩn dật, hoặc đảm nhận “một vài công tác tông đồ hay bác ái Kitô giáo” (DT 9).

Rộng hơn nữa, Công Đồng yêu cầu tất cả các Hội Dòng hãy biết thích nghi tương xứng các kỷ luật và tục lệ cho hợp với những đòi hỏi của công tác tông đồ của mình, tuy nhiên cần lưu ý đến “nhiều hình thức khác nhau của đời tu trì hoạt động tông đồ” (DT 8), và do đó đến tính cách khác biệt và nhu cầu “sử dụng những phương tiện khác nhau để nâng đỡ đời sống của các phần tử phụng sự Chúa Kitô hợp với mục đích của mỗi hội dòng” (DT 8). Ngoài ra, trong công cuộc thích nghi này, không bao giờ được quên rằng trước hết đó là công trình của Chúa Thánh Thần, và vì thế cần phải ngoan ngoãn lắng nghe Ngài trong khi tìm kiếm các phương tiện hoạt động hữu hiệu hơn, phong phú hơn.

5. Vì những đóng góp phong phú này của các tu sĩ vào việc khuếch trương và củng cố vương quyền của Chúa Kitô, bằng lời cầu nguyện và bằng hoạt động, tuỳ theo sự khác nhau về ơn gọi và đặc sủng, cho nên – Công Đồng nói – Giáo Hội “bảo vệ và nâng đỡ đặc tính riêng biệt của mỗi dòng tu” (HT 44), và “không chỉ phê chuẩn việc khấn dòng như là một bậc sống theo Giáo Luật, nhưng qua việc cử hành phụng vụ, Giáo Hội còn trình bày việc khấn dòng ấy như một bậc sống cung hiến cho Thiên Chúa Y kết hiệp sự tận hiến của họ vào hy lễ Thánh Thể” (HT 45).

Cách riêng, theo Công Đồng, Đức Thánh Cha nhìn đến thiện ích của các hội dòng dòng và của các thành viên của họ “để đáp ứng cách hữu hiệu hơn nhu cầu của toàn thể đoàn chiên Chúa” : đặc ân miễn trừ được lồng trong viễn tượng này, nhờ đó mà vài hội dòng được lệ thuộc trực tiếp vào quyền Giáo hoàng. Sự miễn trừ không chuẩn cho cho các tu sĩ khỏi “kính trọng và vâng lời các Giám Mục” (GH 45). Đặc ân chỉ có mục đích duy nhất là bảo đảm khả năng hoạt động tông đồ nhằm đem lại lợi ích cho toàn thể Giáo Hội. Vì đời thánh hiến nhằm phục vụ Giáo Hội cho nên nó được đặc biệt điều động cho những mối quan tâm và chương trình của Đức Thánh Cha, thủ lãnh hữu hình của Giáo Hội hoàn vũ. Ở đây chiều kích Giáo Hội của đời sống thánh hiến đạt tới chóp đỉnh không chỉ theo hệ trật của Giáo Luật nhưng hệ trật tinh thần : lời khấn vâng phục của tu sĩ đối với thẩm quyền của Giáo Hội được cụ thể hoá qua việc tuân phục vị đã được đặt làm Đại diện Chúa Kitô.

———————-

[1] x. Gioan Phaolô II, Redemptoris missio, 65.

[2] Summa theologiae, II-II, q.188, a. 6; III, q. 40, a. 1, ad 2.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here