SỐNG CẦU NGUYỆN TRONG ĐỜI THÁNH HIẾN
(4-01-1995)
1. Trong truyền thống Kitô giáo, chiêm niệm luôn luôn được dành cho một vị trí nổi bật như cách diễn tả cao nhất của đời sống tâm linh và là chóp đỉnh của tiến trình cầu nguyện. Việc chiêm niệm mang một ý nghĩa tròn đầy cho đời tu, dù dưới hình thức nào đi nữa, như là kết quả của sự thánh hiến đặc biệt do việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm. Do hiệu năng của sự thánh hiến này, đời tu là một đời sống cầu nguyện và chiêm niệm (và không thể khác đi được), kể cả khi chiều hướng linh đạo hoặc thời khoá biểu không dành trót thời gian vào việc cầu nguyện.
Vì thế Công Đồng khẳng định : “Tu sĩ của bất cứ Hội Dòng nào, trong lúc chỉ tìm một Thiên Chúa trên hết mọi sự, đều phải liên kết việc chiêm niệm với nhiệt tâm tông đồ : vì nhờ chiêm niệm, họ kết hợp lòng trí với Thiên Chúa, và nhờ nhiệt tâm tông đồ, họ tham gia công cuộc cứu chuộc và mở rộng Nước Chúa” (DT 5). Như vậy, Công Đồng nhấn mạnh rằng việc chiêm niệm không chỉ đặt ra cho các Hội Dòng thuần tuý chiêm niệm, mà còn cho tất cả các Hội Dòng, kể cả những dòng dấn thân cho những hoạt động tông đồ. Nhiệm vụ cầu nguyện thật là cốt yếu cho đời sống thánh hiến.
2. Chúng ta học được điều ấy từ Tin Mừng, mà chính Công Đồng đã quy chiếu. Một câu chuyện được gợi lên cách đặc biệt đó là Maria làng Bêtania “ngồi bên chân Đức Giêsu và nghe lời Người”. Đối với Marta, cô mong muốn người em giúp mình phục vụ Chúa nên đã xin Người can thiệp thúc giục người em làm việc. Nhưng Thầy trả lời : “Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10,38-42). Ý nghĩa của câu trả lời này thì rõ ràng : “phần tốt nhất” là lắng nghe Đức Kitô, ở gần bên Người, gắn bó bằng tinh thần và con tim. Đó là lý do vì sao trong truyền thống Kitô giáo, dựa vào Tin Mừng, chiêm niệm đương nhiên chiếm chỗ ưu tiên trong đời thánh hiến. Hơn nữa trong câu trả lời, Thầy Giêsu đã cho Marta hiểu rằng, trung thành với bản thân Người, với lời của Người và chân lý mà Người mặc khải và trao ban từ Thiên Chúa là “điều duy nhất (thực sự) cần thiết”. Dường như có thể nói như thế này : Thiên Chúa – và chính Người Con nhập thể – mong muốn món quà của con tim hơn là món quà của công tác ; và ý nghĩa của tôn giáo được Đức Giêsu khai trương trong thế giới nằm ở chỗ thờ phượng “Chúa Cha trong tinh thần và chân lý” (Ga 4,23), theo thể thức mà Ngài ưa thích, như đức Giêsu đã dạy bảo người phụ nữ Samaria.
3. Trong bối cảnh của vị trí ưu tiên dành cho món quà của con tim, Công Đồng cũng dạy phải nhìn lại lời đáp cân xứng đối với tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đã yêu chúng ta trước (x. PC 6). Những người thánh hiến, được Chúa Cha kiếm tìm cách đặc lợi, thì đến lượt mình cũng được kêu gọi hãy “tìm kiếm Thiên Chúa”, hướng những khát vọng lên Chúa Cha, hàn huyên tâm sự với Người bằng cầu nguyện, và trao tặng Người trái tim nồng nàn tình yêu.
Việc sống thân mật với Thiên Chúa được thể hiện qua cuộc sống với Đức Kitô và trong Đức Kitô. Công Đồng nói : “Trong mọi hoàn cảnh, họ phải cố gắng phát triển đời sống ẩn dật cùng Đức Kitô trong Thiên Chúa (x. Cl 3,3)” (DT 6). Đó là đời sống ẩn dật mà thánh Phaolô phát biểu luật nền tảng như sau : hãy nghĩ đến “những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm đến những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,2). Khía cạnh ẩn dật của cuộc kết hiệp mật thiết với Đức Kitô sẽ được bộc lộ rõ rệt và tuyệt diệu khi chúng ta bước sang thế giới bên kia.
4. Dựa trên lý do thiết yếu này của đời sống thánh hiến, Công Đồng đề nghị : “Các thành viên của các Hội Dòng phải cần mẫn luyện tập tinh thần cầu nguyện và cả sự cầu nguyện” (DT 6). Ở đây chỉ xin vắn tắt nói rằng “tinh thần cầu nguyện” có nghĩa là thái độ của tâm hồn khao khát được kết hợp thân mật với Thiên Chúa và cố gắng sống sự thân mật này qua việc hiến dâng toàn thân. Thái độ này được diễn tả trong cầu nguyện cụ thể, dành ra một thời khắc trong ngày cho việc cầu nguyện. Về điểm này ta cũng bắt chước Đức Giêsu, dù trong thời kỳ căng thẳng nhất của sứ vụ, Người đã dành riêng những thời khắc để đối thoại một mình với Cha trong cầu nguyện (x. Mc 1,35 ; Lc 5, 16 ; 6,12).
5. Chúng ta biết rằng trong truyền thống Kitô giáo, người ta quen phân biệt nhiều hình thức cầu nguyện, đặc biệt là cầu nguyện “chung” và cầu nguyện “riêng”. Cả hai đều hữu ích và nói chung đã được quy định. Có lẽ phải luôn luôn tránh đừng để cầu nguyện chung làm mất thói quen cầu nguyện riêng, hoặc cầu nguyện riêng trở thành trội hơn đến nỗi gạt bỏ hay hạ giá cầu nguyện chung. Một tinh thần cầu nguyện theo Tin Mừng đích thực phải điều hoà cả hai hình thức, tuỳ theo liều lượng hữu ích cho linh hồn mà những nhà sáng lập hay những nhà lập luật của các Hội Dòng đã thiết định, phù hợp với thẩm quyền của Giáo Hội.
Điều này cũng có thể áp dụng cho sự phân biệt giữa khẩu nguyện và tâm nguyện. Thực ra, mọi lời cầu nguyện phải là cầu nguyện của con tim. Đức Giêsu khuyến khích cầu nguyện khiêm tốn và chân thành : “Hãy cầu nguyện với Cha nơi kín đáo” (Mt 6,6), dặn dò rằng không hẳn cầu nguyện nhiều lời thì chắc sẽ được đoái nhậm (x. Mt 6,7). Nhưng cũng thật đúng khi biết rằng, do bản tính của con người, việc cầu nguyện bên trong có khuynh hướng diễn tả và thể hiện bằng lời nói, cử chỉ, cùng với những hành vi thờ phượng bên ngoài, tuy rằng linh hồn của chúng vẫn luôn là cầu nguyện bằng con tim.
6. Công Đồng cũng chỉ ra “nguồn mạch đích thực của linh đạo Kitô giáo” và của cầu nguyện, đó là (DT 6) : Sách Thánh, công đồng đề nghị hãy đọc và suy gẫm Sách Thánh để có thể đi vào mầu nhiệm Đức Kitô sâu xa hơn ; và phụng vụ, nhất là cử hành Thánh Thể, với các bài đọc phong phú, việc thông dự bí tích vào cuộc hiến dâng cứu chuộc của Thập giá, sự tiếp xúc sống động với Đức Kitô, của ăn và của uống trong Hiệp lễ. Một số Hội Dòng còn cổ võ việc chầu Thánh Thể, giúp ích cho việc chiêm niệm và gắn bó với bản thân Đức Kitô, và làm chứng cho sức thu hút bởi sự hiện diện của Người (x. Ga 12,32). Chúng tôi hết sức tán thành và đề nghị bắt chước.
7. Chúng ta biết rằng ngày nay cũng như trong quá khứ, có những Hội Dòng “hoàn toàn chuyên lo chiêm niệm” (DT 7). Họ giữ một chỗ đứng riêng trong đời sống Giáo Hội, dù ý thức “sự khẩn thiết của hoạt động tông đồ” trong thế giới hôm nay. Đó là sự nhìn nhận cách cụ thể lời của Chúa Kitô nói đến điều “cần thiết duy nhất”. Giáo Hội cần sự cầu nguyện của những nhà chiêm niệm để được lớn lên trong sự kết hiệp với Đức Kitô và lãnh nhận những ân sủng cần thiết cho việc bành trướng trong thế giới. Vì thế những nhà chiêm niệm, những đan sĩ và các đan viện kín cũng là những chứng nhân cho sự ưu tiên mà Giáo Hội dành cho cầu nguyện, và là những chứng nhân về sự trung thành mà Giáo Hội muốn gìn giữ câu trả lời của Đức Giêsu dành cho Marta về “phần tốt nhất” mà Maria đã chọn.
8. Đến đây cần phải nhớ rằng lời đáp trả cho ơn gọi chiêm niệm mang theo nhiều hy sinh sâu xa, nhất là hy sinh từ bỏ những hoạt động tông đồ cách trực tiếp, mà đặc biệt ngày nay xem ra rất thường tình đối với phần đông tín hữu nam nữ. Những nhà chiêm niệm hiến mình cho việc thờ phượng Đấng Vĩnh Hằng, và “dâng lên Thiên Chúa hy lễ chúc tụng tuyệt hảo” (DT 7). Trong bậc sống dâng hiến bản thân cao độ như vậy, đòi hỏi một ơn gọi đặc biệt, và cần phải thẩm định trước khi tiếp nhận hay tuyên khấn vĩnh viễn.
Tuy nhiên nên lưu ý rằng những Hội Dòng chiêm niệm trong Giáo Hội có một chức năng tông đồ. Thật vậy, cầu nguyện là một việc phục vụ Giáo Hội và các linh hồn. Cầu nguyện phát sinh “những hoa trái thánh thiện dồi dào” (DT 7) và mang lại cho Dân Chúa “một thứ phong phú tông đồ huyền diệu” (DT 7). Trên thực tế, chúng ta biết rằng những nhà chiêm niệm cầu nguyện và sống cho Giáo Hội, và nhờ họ mà Giáo hội nhận được những ân huệ và giúp đỡ cần thiết để đứng vững và bành trướng, còn hơn là kết quả đạt được nhờ hoạt động.
Đến đây, ta có thể kết thúc bài giáo lý cách đẹp đẽ với việc nhớ đến thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Bằng cầu nguyện và hy sinh, thánh nữ đã phục vụ cho công cuộc rao giảng Tin Mừng, tương đương và có lẽ còn hơn là nếu như người dấn thân cho hoạt động truyền giáo. Thánh nữ đã được tuyên phong là bổn mạng của các vùng Truyền giáo. Điều này cho thấy rõ tầm quan trọng cơ yếu của các Hội Dòng sống đời chiêm niệm, và nhắc nhở tất cả các Dòng tận hiến, kể cả những dòng đang hăng say với việc tông đồ dưới mọi hình thức, rằng những công tác – dù lành thánh nhất và đem lại phúc lộc cho tha nhân đến đâu đi nữa – cũng không bao giờ được miễn cầu nguyện, là món quà của con tim, tâm trí và trót cuộc đời cho Thiên Chúa.