Giáo Huấn Của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II Về Đời Thánh Hiến – VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

0
2612

VÂNG PHỤC PHÚC ÂM TRONG ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
(7-12-1994)

1. Khi kêu gọi các môn đệ đi theo mình, Đức Giêsu đã in sâu vào tâm trí họ sự cần thiết phải vâng phục đối với bản thân Người. Đây không chỉ là vâng phục theo nghĩa chung là tuân giữ luật Chúa và tiếng nói lương tâm ngay thẳng và đúng đắn, nhưng còn là một thứ cam kết lớn hơn. Đi theo Đức Kitô có nghĩa là chấp nhận thực hiện tất cả những gì mà Người đích thân truyền dạy, và đặt mình dưới sự hướng dẫn của Người để phục vụ Tin Mừng, hầu cho Triều Đại Thiên Chúa mau đến (x. Lc 9,60. 62).

Vì thế, ngoài việc cam kết độc thân và khó nghèo, với lời mời gọi “Hãy theo Ta !” Đức Giêsu cũng yêu cầu một cam kết vâng phục. Sự vâng phục này tiếp nối nơi các môn đệ sự vâng phục của Người đối với Cha, trong thân phận Ngôi Lời nhập thể, đã trở thành “Người tôi tớ của Giavê” (x. Is 42,1 ; 52,13-53,12 ; Pl 2,7). Cũng như khiết tịnh và khó nghèo, vâng phục cũng là một đặc trưng của việc chu toàn sứ vụ của Đức Giêsu và hơn nữa, là nguyên lý nền tảng, được diễn tả thành tâm tình sống động nhất, như Người đã nói : “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34 ; HA 13). Tin Mừng cho chúng ta biết rằng nhờ sức mạnh của thái độ này mà Chúa Giêsu đã đi đến chỗ hiến dâng trọn vẹn thân mình làm hy lễ Thập giá – như thánh Phaolô viết – Người vốn dĩ là Thiên Chúa, “đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây Thập tự” (l 2,8). Thư gửi tín hữu Do Thái cũng nhấn mạnh rằng : “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8).

Chính Đức Giêsu đã bộc lộ rằng ý định của Người là muốn dâng hiến toàn thân mình, dường như do pondus crucis (trọng lực thập giá) huyền nhiệm, một thứ định luật hấp lực của đời sát tế. Ý định này sẽ được phát biểu tuyệt vời nhất trong lời cầu nguyện ở vườn Ghếtsêmani : “Ábba, Cha ơi ! Cha có thể làm được mọi sự, xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con mà xin theo ý Cha” (Mc 14,36).

2. Về các tu sĩ, những kẻ thừa kế các môn đệ đã được Đức Giêsu trực tiếp kêu gọi bước theo Người trong sứ vụ thiên sai, Công Đồng nói : “nhờ khấn giữ vâng phục, họ dâng hiến cho Thiên Chúa trọn ý muốn mình như hy lễ bản thân, nhờ đó, họ được kết hợp với ý muốn cứu rỗi của Ngài cách kiên trì và chắc chắn hơn” (PC 14). Chính ở chỗ đáp trả ý muốn cứu độ của Thiên Chúa mà sự từ bỏ tự do cá nhân tìm thấy lý lẽ giải thích. Được coi như mở ra cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa trên chân trời mênh mông, trong đó Chúa Cha ôm trọn tất cả mọi loài thụ tạo, sự vâng phục của Phúc Âm đi xa hơn số mệnh cá nhân của người môn đệ : nó thông phần vào công trình cứu chuộc cả thế giới.

Giá trị cứu độ này được thánh Phaolô nhấn mạnh khi nói về sự vâng phục của Đức Kitô. Nếu tội lỗi đã tràn ngập thế gian do một hành vi bất tuân, thì ơn cứu độ thế giới lại đạt được do sự vâng phục của Đấng Cứu Chuộc : “Cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muốn thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5,19). Văn chương Giáo phụ những thế kỷ đầu lấy lại và triển khai sự song đối giữa Ađam và Đức Kitô mà thánh Phaolô đã làm ; cũng như quy chiếu về Đức Maria trong tương quan với bà Evà dưới khía cạnh vâng phục. Thánh Irenê viết thế này : “Cái nút của sự bất tuân của bà Evà đã được tháo cởi nhờ sự vâng phục của Đức Maria”[1]. “Như bà kia đã bị cám dỗ không vâng phục Thiên Chúa, thì bà này đã được thuyết phục vâng lời Thiên Chúa” (ivi). Vì thế Đức Maria đã trở thành người cộng sự của ơn cứu độ : “nguyên nhân của ơn cứu độ” (causa salutis) (ibid.). Cũng nhờ sự vâng phục, các tu sĩ liên đới sâu xa với công cuộc cứu độ.

3. Thánh Tôma thấy trong sự vâng phục tu trì một hình thức hoàn hảo nhất của việc bắt chước Đức Kitô, mà thánh Phaolô đã nói : “Người đã vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên Thập tự” (Pl 2,8). Vì thế, vâng phục đứng hàng đầu trong hy lễ toàn thiêu của việc tuyên khấn dòng[2].

Noi theo truyền thống Kitô giáo tốt đẹp và mạnh mẽ này, Công Đồng chủ trương rằng : “Theo gương Chúa Giêsu Y các tu sĩ được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, lấy đức tin tùng phục các vị Bề trên, đại diện Thiên Chúa, và nhờ các ngài hướng dẫn, họ phục vụ mọi anh em trong Chúa Kitô, như chính Chúa Kitô vì tuân phục Chúa Cha, đã phục vụ anh em và hiến mạng sống để cứu chuộc mọi người” (DT 14). Việc vâng phục Chúa Cha được Đức Giêsu thực hiện mà không loại trừ các môi giới loài người. Trong thời thơ ấu, Người đã vâng phục thánh Giuse và Đức Mẹ : thánh Luca nói rằng “Người hằng vâng phục các Ngài” (Lc 2,51).

Như vậy Đức Giêsu là mẫu gương cho những người vâng phục một quyền bính nhân loại, khi biện phân nơi quyền bính này một dấu chỉ của ý muốn Thiên Chúa. Và từ lời khuyên Phúc Âm sống vâng phục, các tu sĩ được mời gọi vâng phục các Bề trên, trong tư cách là đại diện Thiên Chúa. Vì thế thánh Tôma, khi giải thích một bản văn (chương 68) của Tu luật thánh Biển Đức, chủ trương rằng tu sĩ phải y theo phán quyết của Bề trên[3].

4. Ai cũng biết rằng sự khó khăn của vâng phục thường nằm ở vấn đề khám phá ra ý muốn Thiên Chúa qua một đại diện là con người. Nhưng nếu xuất hiện ở đây mầu nhiệm Thập giá, thì ta đừng nhắm mắt làm ngơ. Phải luôn nhớ rằng vâng phục tu trì không thuần tuý chỉ là sự tùng phục của con người đối với một quyền bính nhân loại. Ai vâng phục là tùng phục Thiên Chúa, thánh ý của Ngài được diễn tả trong ý muốn của Bề trên. Đây là vấn đề đức tin. Các tu sĩ phải tin vào Thiên Chúa, Người thông truyền ý muốn của Người qua trung gian các Bề trên. Ngay cả trong những trường hợp tỏ rõ những thiếu sót của các Bề trên, thì ý muốn của các ngài, nếu không trái ngược với luật Chúa hay luật dòng, thì vẫn diễn tả ý muốn của Thiên Chúa. Ngay cả khi nhìn theo phán đoán nhân loại, quyết định đó xem ra thiếu khôn ngoan, nhưng phán đoán của đức tin sẽ chấp nhận mầu nhiệm Thánh ý : “mầu nhiệm thập giá” (mysterium crucis).

Vả lại, môi giới của con người, cho dù bất toàn, cũng vẫn mang theo một dấu ấn đích thực : dấu ấn của Giáo Hội, khi dùng quyền bính của mình mà phê chuẩn các Hội dòng và lề luật của họ, như con đường chắc chắn của sự trọn lành Kitô giáo. Ngoài lý do mang đặc tính Giáo Hội này, cần phải thêm một lý do khác, phát xuất từ mục đích của các Hội Dòng tận hiến, là “góp công xây dựng Thân Thể Chúa Kitô theo như ý định của Thiên Chúa”[4]. Đối với tu sĩ nào quan niệm và thực hành vâng phục như vậy, điều đó trở thành bí quyết của hạnh phúc chân thực, kết quả của niềm xác tín Kitô giáo là mình không làm theo ý riêng, nhưng làm theo ý của Thiên Chúa, với một tình yêu mạnh mẽ đối với Đức Kitô và Giáo Hội.

Mặt khác, đối với các Bề trên, Công Đồng yêu cầu hãy trở thành những người đầu tiên ngoan ngoãn tuân theo ý Chúa ; hãy ý thức trách nhiệm của mình ; hãy thăng tiến tinh thần phục vụ ; hãy bày tỏ đức ái đối với anh em ; hãy tôn trọng nhân vị của những người dưới quyền mình ; hãy khuyến khích một bầu khí cộng tác ; hãy sẵn sàng lắng nghe anh em mình, tuy vẫn phải duy trì quyền quyết định[5].

5. Lòng yêu mến Giáo Hội đã từng là nguồn gốc của những bản lề luật và hiến pháp của các Dòng tu, và nhiều lần họ tuyên bố rõ ràng sẽ hết mình phục tùng quyền bính của Giáo Hội. Gương sống của thánh Inhaxiô giải thích điều này : để phục vụ Đức Kitô và Giáo Hội tốt hơn, ngài ban cho Dòng Tên “lời khấn thư tư” thời danh !, đó là “đặc biệt vâng phục Đức Thánh Cha về những gì liên quan đến sứ vụ”. Lời khấn này minh định một quy luật ám tàng trong bất cứ việc tuyên khấn nào của các dòng. Những Hội Dòng khác cũng làm rõ quy luật này bằng cách này hay cách khác. Ngày nay bộ Giáo luật, hoà theo truyền thống tốt đẹp về đạo lý và tu đức xuất phát từ Tin Mừng, cũng nhấn mạnh rằng : “Các Hội Dòng tận hiến, xét vì đã đặc biệt dâng mình phục vụ Thiên Chúa và toàn thể Giáo Hội, nên phải phục tùng nhà chức trách tối cao của Giáo Hội một cách riêng biệt. Mỗi phần tử của các Hội Dòng có nghĩa vụ vâng lời Đức Thánh Cha như bề trên tối cao, kể cả chiếu theo mối ràng buộc thánh của đức vâng lời”[6]. Đó là những quy luật của cuộc sống, mà nếu được tiếp nhận và tuân hành với đức tin, thì sẽ đưa các tu sĩ vượt lên trên quan điểm pháp lý về mối tương quan trong cộng đoàn Kitô giáo : họ cảm thấy một nhu cầu phải chen vai sát cánh nhiều hơn vào những trào lưu tinh thần và những dự án tông đồ của Giáo Hội, vào những thời điểm khác nhau của cuộc sống, bằng những hoạt động, hay ít ra bằng lời việc cầu nguyện, và luôn luôn bằng tình yêu con thảo đối với Giáo Hội.

———————

[1] Thánh Irênê, Adversus haereses, 3,22,4.

[2]x. Thánh Tôma, Summa theologiae, II-II, q. 186, aa. 5,7,8.

[3]x. Thánh Tôma, Summa theologiae, I-II, q. 13, a. 5 ad 3.

[4] DT 14.

[5]x. DT 14.

[6] Bộ Giáo luật, số 590 đoạn 1 và 2

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here