Giáo Huấn Của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II Về Đời Thánh Hiến – ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN TRONG GIÁO HỘI

0
2392

LTS: Từ cuối tháng 9 năm 1994 cho đến cuối tháng 3 năm 1995, Đức thánh cha Gioan Phaolô II đã dành 19 bài huấn giáo nhân buổi tiếp kiến chung vào thứ tư hàng tuần để giới thiệu về đời sống thánh hiến. Để hiểu rõ nội dung của các bài này, thiết tưởng cần phải đặt trong bối cảnh của nó.

1/ Một đàng, các bài huấn giáo về đời sống thánh hiến nằm trong khuôn khổ các bài huấn giáo về Mầu nhiệm Hội thánh, bắt đầu từ năm 1991, với những chiều kích huyền nhiệm và cơ chế, bao gồm các bí tích cũng như cơ cấu phẩm trật. Trong bối cảnh đó, Đức Thánh Cha trình bày huấn giáo về các linh mục và phó tế (31/3-20/10/1993), các giáo dân (27/10/1993 đến 21/9/1994).

2/ Đàng khác, các bài huấn giáo về đời sống thánh hiến trùng hợp với phiên họp Thượng hội đồng giám mục khoá IX, bàn về “Đời thánh hiến và sứ mạng trong Hội thánh và thế giới” (2-29/10/1994), với các kết quả được đúc kết trong tông huấn Vita Consecrata (25/3/1996). Những bài huấn giáo này có thể coi như sự đóng góp của Đức Thánh Cha cho Thượng hội đồng, và phần nào được trích dẫn trong tông huấn hậu thượng hội đồng (xc. các số chú dẫn 5 ; 37 ; 48 ; 54 ; 147).

Qua 19 bài huấn giáo này, độc giả có thể tìm được một toát yếu thần học đời sống thánh hiến.

1/ Bài mở đầu trình bày chỗ đứng của hàng ngũ thánh hiến trong mầu nhiệm Hội thánh. Đời thánh hiến nằm trong bản chất thánh thiện của Hội thánh : Hội thánh không chỉ mang lãnh nhận sứ mạng rao giảng Tin mừng cho thế giới, nhưng còn có nghĩa vụ thể hiện ơn gọi nên thánh (bài 1).

2/ Năm bài kế tiếp (bài 2-6) đi sâu vào nguồn gốc và bản tính của đời thánh hiến. Bài 2 khởi hành từ những hình thức thánh hiến ra đời vào thời cận đại để trở ngược lên khởi thủy của nếp sống này, bắt nguồn từ nếp sống và lời giảng của Chúa Kitô (bài 3). Để hiểu rõ bản tính của đời thánh hiến, cần tìm hiểu ý nghĩa của vài tư tưởng cốt yếu :

– lời gọi “hãy đi theo Thầy” ngỏ với người thanh niên trong Phúc âm cũng như với các bạn trẻ qua các thời đại để phục vụ Nước Trời (bài 4)

– thánh hiến (hoặc tận hiến) : sự khác biệt giữa sự thánh hiến chung của tất cả các tín hữu (nhờ bí tích Thánh tẩy) và sự thánh hiến của hàng ngũ tu trì (bài 5) ;

– ước muốn nên trọn lành (bài 6).

3/ Từ bài 7, Đức thánh cha giải thích những yếu tố cốt yếu của nếp sống thánh hiến :

– ba lời khuyên Phúc âm : khiết tịnh (bài 7-8) ; khó nghèo (bài 9) ; vâng phục (bài 10).

– đời sống chung (bài 11) ; sự cầu nguyện (bài 12).

4/ Hai bài 13 và 14 nêu bật vai trò của đời thánh hiến trong sứ vụ Hội thánh : phục vụ Hội thánh qua việc làm chứng cho những giá trị Nước Chúa.

5/ Các bài 15-17 xét đến vài hình thức phục vụ đặc thù của hàng ngũ thánh hiến : các tu sĩ linh mục, tu huynh, nữ tu.

6/ Hai bài cuối cùng (18-19) được dành cho ảnh hưởng của Chúa Thánh Linh và đức Trinh nữ Maria đối với đời thánh hiến.

Bản dịch những bài huấn giáo này từ nguyên văn tiếng Ý do nữ tu Maria Đinh Thị Sáng O.P. thực hiện.

—————————

 

 

ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN TRONG GIÁO HỘI
(28/9/1994)

1. Trong các bài huấn giáo về Giáo Hội mà chúng ta đang trình bày từ lâu nay, nhiều lần chúng ta đã giới thiệu Giáo Hội như là đoàn dân tư tế, nghĩa là bao gồm những người thông dự vào chức tư tế của Đức Kitô, như là trạng thái hiến thánh cho Thiên Chúa và thi hành việc phụng tự hoàn hảo và chung cục mà Người dâng lên Chúa Cha nhân danh toàn thể nhân loại. Điều này diễn ra nhờ Bí Tích Thánh Tẩy, tháp nhập người tín hữu vào Thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô, đề cử họ B ra như do chức vụ ex officio và có thể nói được là do cơ chế – diễn đạt nơi bản thân mình điều kiện làm Tư tế và Hiến lễ (Sacerdos et Hostia) của Đầu[1].

Mọi Bí Tích khác B đặc biệt là Bí Tích Thêm sức B đều kiện toàn điều kiện thiêng liêng ấy của người tín hữu, và Bí Tích Truyền Chức Thánh còn trao ban quyền hành động thừa tác như là dụng cụ của Đức Kitô, trong việc loan báo Lời Chúa, diễn lại hy lễ thập giá và tha tội.

2. Để làm sáng tỏ hơn sự thánh hiến của dân Thiên Chúa, bây giờ chúng ta đề cập đến một chương khác cơ bản của Giáo hội, ngày nay được tăng thêm tầm quan trọng dưới khía cạnh thần học và tu đức. Đó là đời sống thánh hiến, mà không ít môn đệ của Chúa Kitô đã chấp nhận như là hình thái cao cấp, sâu sắc và cam go để thể hiện những hệ luận của Bí Tích Thánh Tẩy dưới khía cạnh của đức ái trổi vượt, dẫn đến sự trọn lành thánh thiện.

Thừa hưởng truyền thống thần học và tu đức của hai ngàn năm Kitô giáo, Công Đồng Vaticanô II đã đề cao giá trị của đời thánh hiến, được diễn ra cụ thể, theo sự chỉ dẫn của Tin mừng, qua việc “thực hành Y đức khiết tịnh tận hiến cho Thiên Chúa, đức khó nghèo và đức vâng lời[2], mang tên là “các lời khuyên Phúc Âm”. Công Đồng đề cập đến đời thánh hiến như việc biểu lộ tự ý của tác động quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đấng đã gợi lên ngay từ thuở đầu nhiều linh hồn quảng đại, khao khát sự trọn lành và dâng hiến chính bản thân vì lợi ích của tất cả Thân Thể Đức Kitô (x. GH 43).

3. Đó là những cảm nghiệm cá nhân không hề suy giảm và vẫn phát triển kể cả vào thời nay trong Giáo Hội. Nhưng ngay từ những thế kỷ đầu, người ta ghi nhận khuynh hướng chuyển từ việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm với tính cách cá nhân B nói được như là “tư riêng” – đến một điều kiện được Giáo Hội nhìn nhận như là “công cộng”, dù qua nếp sống đơn độc của các ẩn sĩ, hay, với con số đông hơn, qua sự hình thành những cộng đoàn đan sĩ hoặc các dòng tu. Những cộng đoàn này muốn hỗ trợ nhau để đạt tới những mục tiêu của đời sống thánh hiến: tính bền vững, việc đào tạo đạo lý tốt hơn, đức vâng phục, sự giúp đỡ hỗ tương và sự tiến triển trong đức ái.

Ngay từ những thế kỷ đầu tiên cho đến thời đại chúng ta, “hình thức đa dạng kỳ diệu của các cộng đoàn” đã được phác hoạ, trong đó tỏ hiện “đức khôn ngoan muôn mặt của Thiên Chúa”[3], và biểu lộ sức sống phi thường của Giáo Hội, tuy vẫn duy trì sự duy nhất của Thân thể Đức Kitô, theo lời của thánh Phaolô : “Có nhiều đặc sủng khác nhau nhưng chỉ có một Thần Khí” (2Cr 12,4). Chúa Thánh Thần đổ tràn muôn vàn ân huệ để làm cho Giáo Hội duy nhất được thêm phong phú. Trong vẻ đẹp muôn màu, Giáo Hội phô bày qua lịch sử “sự giàu có khôn lường của Đức Kitô” (Ep 3,8), cũng hệt như tất cả mọi loài thụ tạo, “trong muôn hình dạng và trong từng phần riêng biệt” (multiplicter et divisim), biểu lộ điều tuyệt đối duy nhất ở nơi Thiên Chúa, như thánh Tôma đã viết[4].

4. Dù nói thế nào đi nữa, ân huệ của Chúa tự căn bản vẫn là duy nhất, tuy dù qua những hồng ân vừa nhiều vừa khác biệt, được ban cho các cá nhân và cộng đoàn, được gọi là đặc sủng [5]. Thật vậy, đặc sủng có thể là cá nhân hay tập thể. Những đặc sủng cá nhân được ban phát dồi dào trong Giáo Hội, với nhiều khác biệt từ người này qua người khác, khó mà xếp hạng và đòi Giáo hội phải phân định từng trường hợp. Còn nói chung, những đặc sủng tập thể được ban cho những người nam nữ, để sáng lập những công tác của Giáo Hội và đặc biệt là những Hội Dòng tận hiến. Các Hội Dòng này nhận được đặc tính của mình từ đặc sủng của vị sáng lập ; họ sinh sống và hoạt động dưới ảnh hưởng của các đặc sủng đó, và tùy vào mức độ trung thành ấy mà họ nhận lãnh những ân huệ và đặc sủng mới cho từng cá nhân và cho toàn thể Cộng đoàn. Nhờ vậy, các cộng đoàn này có thể tìm thấy những hình thức hoạt động mới, tuỳ theo nhu cầu của từng nơi và từng thời, mà không làm suy xuyển tính liên tục và phát triển mà vị sáng lập đã gợi hứng, hoặc có thể khôi phục lại căn tính và sức năng động của mình cách dễ dàng.

Công Đồng nhận định rằng “Giáo Hội dùng quyền hành của mình để đón nhận và phê chuẩn những dòng tu” (DT số 1). Điều này phù hợp với nhiệm vụ riêng của giáo quyền đối với các đặc sủng, với phận sự “không phải để dập tắt Thần Khí, nhưng để trắc nghiệm và giữ lại những điều thiện hảo (cf. 1Tx 5,12. 19-21)” (GH 12). Đó là lý do giải thích vì sao, đối với các lời khuyên Phúc âm “giáo quyền dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, ân cần giải thích các lời khuyên của Phúc Âm, hướng dẫn cách thực hành cũng như ấn định những lối sống vững bền” (GH 43).

5. Tuy nhiên, phải luôn nhớ rằng hàng ngũ đời sống thánh hiến không thuộc về cơ cấu phẩm trật của Giáo hội. Công Đồng ghi nhận rằng : “Nếu nhìn theo cơ chế phẩm trật của Giáo Hội do Chúa thiết lập, thì hàng ngũ tu trì không nằm ở giữa bậc giáo sĩ và giáo dân, nhưng từ cả hai bậc đó, một vài tín hữu được kêu gọi hưởng nhận ân huệ đặc biệt này trong đời sống Giáo Hội, và tuỳ cách thức riêng mà góp phần vào sứ mệnh cứu độ của Giáo Hội” (GH 43).

Tuy nhiên, liền sau đó Công Đồng thêm rằng hàng ngũ tu trì “được cấu thành do việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm, tuy không thuộc về cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội, nhưng hẳn nhiên là gắn chặt với đời sống và sự thánh thiện của Giáo Hội” (GH 44). Từ ngữ “hẳn nhiên” muốn nói rằng tất cả những biến động có thể làm chao đảo cuộc sống của Giáo Hội, nhưng không thể nào dập tắt được đời sống thánh hiến, mà đặc trưng là việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm. Hàng ngũ này sẽ mãi tồn tại như là yếu tố thiết yếu của sự thánh thiện của Giáo Hội. Theo Công Đồng, đây là một chân lý “không thể chối cãi”.

Tuy nhiên, cần phải xác minh rằng không một hình thức đặc hữu nào của đời sống thánh hiến được bảo đảm là sẽ tồn tại vĩnh viễn. Các cộng đoàn tu trì đơn lẻ có thể bị tàn lụi. Trải qua dòng lịch sử, người ta nhận thấy rằng một vài cộng đoàn tu trì thực sự đã biến mất, cũng tựa như là một số Giáo Hội “địa phương” đã suy tàn. Các hội dòng nào không thích hợp với thời đại, hoặc không có ơn gọi nữa, thì có thể bị buộc phải đóng cửa hoặc phải sát nhập vào một hội dòng khác. Việc bảo đảm sẽ tồn tại vĩnh viễn cho tới ngày tận thế thì được ban cho toàn thể Giáo Hội, chứ không nhất thiết được cấp cho riêng từng hội dòng nào. Lịch sử cho thấy rằng đặc sủng đời thánh hiến luôn biến chuyển, với khả năng nói được là “sáng chế” ra nhiều hình thức mới, dù luôn trung thành với đoàn sủng của đấng sáng lập, đáp ứng trực tiếp hơn cho những nhu cầu và khát vọng của thời đại. Kể cả những cộng đoàn đã hiện hữu từ nhiều thế kỷ cũng được kêu mời thích ứng với những đòi hỏi và khát vọng này, để khỏi bị tự diệt.

6. Việc tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm, dù mang những hình thức nào chăng nữa, được bảo đảm sẽ được duy trì trong suốt chiều dài của lịch sử, bởi vì chính Đức Giêsu Kitô đã chủ ý thiết lập nó như yếu tố vững bền thuộc về nhiệm cục thánh thiện của Giáo Hội. Quan niệm về một Giáo Hội chỉ bao gồm những người giáo dân dấn thân vào đời sống hôn nhân và những nghề nghiệp trần thế mà thôi, thì không phù hợp với ý định của Đức Kitô dựa theo sách Tin mừng. Nhìn vào lịch sử và thậm chí nhìn vào thời sự hôm nay, chúng ta nghĩ rằng sẽ luôn luôn có những thanh niên nam nữ (và thiếu niên thiếu nữ) biết dâng hiến toàn thân mình cho Đức Kitô và vương quốc của Người qua con đường độc thân, khó nghèo và vâng phục một bản luật sống. Những người đang theo đuổi con đường này vẫn tiếp tục, trong tương lai cũng như trong quá khứ, đảm nhận một vai trò quan trọng trong việc thăng tiến sự thánh thiện của cộng đồng Kitô hữu và sứ mạng loan báo Tin mừng. Ngày nay, hơn lúc nào hết, con đường các lời khuyên Phúc Âm đang mở ra một niềm hy vọng lớn lao cho tương lai của Giáo Hội.

Cước chú

[1] x. T. Tôma Aquinô, Summa theologiae, II, q. 63, a. 3 in c. et ad 2; a. 6.

[2] x. HT 43.

[3]x. Sắc lệnh Perfectae caritatis, 1

[4] Summa theologiae, q. 47, a. 1.

[5] x. Thánh Tôma, Summa theologiae, II-II q. 103, a. 2

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here