Những Điều Cần Biết Trước Trong Nghi Thức Sám Hối

0
723


Lm. Trần Công Hạnh chuyển ngữ

 

I. MẦU NHIỆM GIAO HÒA TRONG LỊCH SỬ CỨU ĐỘ
1. Chúa Cha đã bày tỏ lòng từ bi của Ngài khi Ngài giao hòa thế gian với chính mình trong Đức Kitô, khi Ngài dùng máu Đức Ki-tô đổ ra trên thập giá mà ban bình an cho mọi thụ tạo dù dưới đất hay trên trời.[1] Con Thiên Chúa làm người đã sống giữa loài người để giải thoát họ khỏi ách nô lệ tội lỗi[2] và kêu gọi họ đi từ bóng tối ra ánh sáng huyền diệu của Ngài[3]. Vì thế, Con Thiên Chúa đã bắt đầu sứ mạng của Người ở trần gian bằng cách rao giảng sự sám hối khi Người tuyên bố: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15)
 
Đây là lời mời gọi sám hối mà các tiên tri đã thường nói lên ; và qua tiếng nói của Gio-an Tẩy Giả khi ông đến “rao giảng phép rửa sám hối để cầu ơn tha tội” (Mc 1,4), lời mời gọi này đã chuẩn bị tâm hồn nhân loại để đón nhận nước Thiên Chúa sẽ đến.

Tuy nhiên, Đức Giêsu không những đã khuyên bảo loài người hãy từ bỏ tội lỗi và thật lòng trở về cùng Thiên Chúa[4], mà còn giao hoà các tội nhân với Chúa Cha khi Người tiếp nhận họ.[5] Ngoài ra, Người còn chữa lành các bệnh nhân để bày tỏ cho thấy Người có quyền tha thứ tội lỗi.[6] Đặc biệt chính Người đã chịu chết vì tội lỗi chúng ta, và đã sống lại để công chính hóa chúng ta.[7] Vì thế, trong đêm Người bị nộp, khi bắt đầu cuộc khổ nạn sinh ơn cứu độ[8], Người đã thiết lập hy lễ của Tân Ước trong máu của Người để ban ơn tha thứ tội lỗi,[9] và sau khi đã sống lại, Người đã sai Thánh Thần của Người đến với các Tông Đồ để các ông được quyền tha thứ hay cầm buộc tội lỗi[10] và để các ông lãnh nhận sứ mạng nhân danh Người mà rao giảng sự sám hối và ơn tha thứ tội lỗi cho tất cá các dân tộc.[11]

Thừa lệnh của Chúa, Thánh Phêrô là người Chúa đã phán: “Thầy sẽ trao cho con chìa khóa Nước Trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cẩm buộc, và sự gì cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở” (Mt 16, 19), trong ngày lễ Ngũ Tuần, đã rao giảng ơn tha thứ tội lỗi bởi phép rửa tội : “Anh em hãy sám hối và mỗi người trong anh em hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Ki-tô để được tha tội” (Cv 2,38).[12] Từ đó trở đi, Hội Thánh không khi nào chểnh mảng sứ mạng kêu gọi mọi người hãy từ bỏ mọi tội lỗi trở về cùng Thiên Chúa, và công bố cuộc chiến thắng của Đức Ki-tô trên tội lỗi nhờ việc cử hành sám hối.
 

2. Cuộc chiến thắng này trên tội lỗi trước tiên được thể hiện trong bí tích rửa tội, nhờ đó con người cùng được chịu đóng đinh trên thập giá cùng với Đức Ki-tô để con người tội lỗi bị hủy diệt và chúng ta không còn làm nô lệ tội lỗi nữa nhưng khi sống lại cùng với Đức Ki-tô, từ đó chúng ta sẽ phục vụ Thiên Chúa.[13] Vì lẽ đó, Hội Thánh tuyên xưng đức tin “có một phép rửa để tha tội”.
 

Trong hy tế Thánh lễ của Đức Ki-tô, cuộc khổ nạn được hiển hiện, và thân xác Người bị nộp vì chúng ta và máu Người đã đổ ra để tha thứ tội lỗi chúng ta, lại được Hội Thánh hiến dâng lên Chúa Cha để mang ơn cứu độ cho tất cả thế gian. Vì chưng trong bí tích Thánh Thể, Đức Ki-tô hiện diện và tận hiến làm “Của lễ hòa giải chúng ta”[14] và để nhờ “Thánh Thần Người, chúng ta “được hợp nhất cùng nhau”.[15]

Ngoài ra, khi Đấng Cứu Độ chúng ta là Đức Giêsu Ki-tô ban quyền tha tội cho các Tông đồ và những kẻ kế vị các ngài, Người đã thiết lập Bí Tích Sám Hối trong Hội Thánh, để các tín hữu phạm tội sau khi chiụ phép rửa, nhờ ơn tái ban, được giao hòa với Thiên Chúa.[16] Vì chưng Hội Thánh “có nước và nước mắt: nước rửa tội và nước mắt sám hối”.[17]

II. GIAO HÒA CÁC HỐI NHÂN TRONG ĐỜI SỐNG HỘI THÁNH –
HỘI THÁNH PHẢI THÁNH THIỆN ĐỒNG THỜI LUÔN LUÔN PHẢI ĐƯỢC TINH LUYỆN

3. Đức Ki-tô “Đã yêu thương Hội Thánh và đã phó mình vì Hội Thánh, để thánh hóa Hội Thánh” (Ep 5, 25-26) và để xức dầu Hội Thánh làm cho trở nên hiền thê của Người[18]; Người ban tràn đầy ơn thiêng cho Hội Thánh[19] làThân Thể và sự sung mãn của Người, và qua Hội Thánh, Người tuôn đổ chân lý cho mọi người.
 

Nhưng các chi thể của Hội Thánh bị cám dỗ và thường phạm tội cách thương hại. Vì thế, mặc dù Đức Ki-tô “Là Đấng thánh thiện, vô tội, tinh tuyền ,tách biệt khỏi kẻ tội lội (Dt 7,26), không biết đến tội (2 Cr 5,21), nhưng Người đã đến để đền tội của nhân gian[20], thì khi Hội Thánh ấp ủ tội nhân và lòng, Hội Thánh phải thánh thiện đồng thời phải tinh luyện, liên tục sám hối và canh tân[21].

Việc sám hối trong đời sống phụng vụ của Hội thánh

4. Do nhiều phương cách khác nhau, dân Thiên Chúa liên tục thực hiện và canh tân việc sám hối. Bởi chưng khi thông phần vào cuộc khổ nạn của Đức Ki-tô nhờ sự nhẫn nhục[22], khi thực thi các công việc từ thiện bác ái [23] và ngày càng hướng lòng về cùng Chúa hơn, dân Thiên Chúa trở nên dấu chỉ sự trở về cùng Thiên Chúa trong thế gian. Đó là điều mà Hội Thánh tỏ bày cách sống động và cử hành trong Phụng Vụ, khi các tín hữu luôn luôn tuyên xưng mình là kẻ có tội và xin Thiên Chúa và anh em tha thứ tội lỗi cho mình, như trong các cuộc cử hành sám hối, khi công bố lời Chúa khi cầu nguyện và cử hành các phần sám hối trong bí tích Thánh Thể.[24]

Còn trong bí tích Sám Hối, các tín hữu “được Thiên Chúa nhân từ tha thứ những xúc phạm đến Ngài, đồng thời họ được giao hòa cùng Hội Thánh mà tội lỗi của họ đã làm tổn thương, nhưng Hội Thánh hằng nỗ lực lấy đức ái, gương lành và kinh nguyện để hoán cải họ”. [25]

Giao hoà với Thiên Chúa và với Hội thánh

Vì tội lỗi là sự xúc phạm đến Thiên Chúa, cắt đứt tình bằng hữu với Ngài, nên “cần phải sám hối để chúng ta tha thiết yêu mến Thiên Chúa và hoàn toàn phó mình cho Ngài” [26]. Vì thế, kẻ tội lỗi, nhờ ơn Thánh của Thiên Chúa từ bi, phải tiến vào con đường sám hối, trở về cùng Chúa Cha là Đấng “đã yêu thương ta trước” (1 Ga 4, 19), trở về cùng Chúa Ki-tô là Đấng đã phó mình vì chúng ta[27] và trở về cùng Chúa Thánh Thần là Đấng đã được thông ban tràn đầy trong chúng ta.[28]

Nhưng : “do mầu nhiệm đã được giấu kín và đầy lòng nhân từ trong việc phân phát các ơn, loài người được liên kết với nhau bởi một nhu cầu siêu nhiên, nên tội lỗi của người này cũng làm tổn thương đến người nọ, cũng như sự thánh thiện của người này mang lại hồng ân cho người kia” [29], cũng thế, việc sám hối cũng luôn luôn giao hòa với anh em mà tội lỗi luôn luôn làm tổn thương.

Ngoài ra, loài người cũng thường hành động liên kết với nhau trong việc thực thi những điều bất chính. Cũng thế, họ trợ giúp lẫn nhau trong việc thực thi sám hối, để khi đã được giải thoát khỏi tội lỗi nhờ ơn sủng của Đức Ki-tô, họ sẽ cùng với tất cả mọi người thiện tâm thực hiện nền công chính và hòa bình trong dân gian.

Bí tích sám hối và các thành phần của nó

Người môn đệ của Đức Ki-tô sau khi đã phạm tội, được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, chạy đến Bí Tích Sám Hối, trước tiên phải thật lòng trở về cùng Thiên Chúa. Việc thành tâm trở về này bao gồm việc ăn năn tội và dốc lòng sống cuộc sống mới được thể hiện qua việc xưng tội cùng Hội Thánh, qua việc phải đền tội và sửa đổi cuộc đời. Còn Thiên Chúa thì tha thứ tội lỗi qua Hội Thánh và việc này được thể hiện bởi tác vụ của linh mục[30].
1. Ăn năn tội
 
Việc ăn năn tội phải chiếm chỗ nhất trong các hành động của sám nhân, vì ăn năn tội là “đau đớn trong lòng, chê ghét tội lỗi đã sa phạm và dốc lòng không tái phạm nữa” [31]. Vì chưng, chúng ta phải tiến đến nước của Đức Ki-tô bằng việc “ghét tội”, nghĩa là bằng sự thay đổi chân thành toàn diện con người, vì nhờ việc thay đổi này, con người khi đã được sự thánh thiện và tình thương của Thiên Chúa thúc đầy, sẽ bắt đầu suy nghĩ, phán đoán và sắp xếp lại cuộc đời, chính sự thánh thiện và tình thương này của Thiên Chúa đã được tỏ bà y trong Chúa Con và được thông ban dư đầy trong chúng ta” (xem Dt 1, 2 ; Col 1, 19 ; Ep 1, 23) )[32]. Bởi thế, chân lý việc sám hối tùy thuộc ăn năn tội này. Vì việc trở về phải thay đổi con người từ bên trong, để ngày càng sâu rộng hơn, nó thay đổi con người trở nên Đức Ki-tô.
2. Xưng tội
 
Việc xưng tội thuộc Bí Tích Sám Hối phát xuất từ lòng thành thực nhận biết chính mình trước mặt Thiên Chúa và ăn năn tội lỗi. Nhưng việc chân thành và xưng ra bên ngoài các tội lỗi phải được thể hiện trong ánh sáng từ bi của Chúa.Việc xưng tội đòi hỏi nơi hối nhân ý chí cởi mở tâm hồn mình cho thừa tác viên của Thiên Chúa biết. Vị này hành động trong con người của Đức Ki-tô, tuyên bố sự xét xử thiêng liêng theo quyền tha thứ hoặc cầm buộc tội lỗi[33].
3. Đền tội
 
Sự thành thật trở về được hoàn tất bằng sự làm việc đền tội, sửa đổi cuộc sống và đền bồi thiệt hại[34]. Các việc làm và kích thước việc đền tội phải xứng hợp với từng hối nhân, để mỗi người có thể canh tân trật tự mà họ đã gây xáo trộn và có thể dùng phương thuốc công hiệu mà thuyên chữa cơn bệnh mà họ đang mắc phải. Vì thế, việc đền tội phải là thang thuốc thật sự thuyên chữa tội lỗi và canh tân cuộc sống bằng một phương cách nào đó. Như thế hối nhân “khi quên đi phía sau để nhìn về phía trước” (Phil 3,13), liên kết lại với mầu nhiệm cứu độ và hướng về tương lai.
4. Giải tội
Thiên Chúa dùng dấu chỉ giải tội mà ban ơn tha thứ cho hối nhân đang bày tỏ sự trở về với thừa tác viên của Hội Thánh bằng cách xưng tội trong Bí Tích Sám Hối, và như thế, bí tích được nên trọn. Vì chưng theo chương trình cứu độ của Thiên Chúa do đó nhân tính và lòng nhân hậu của Đấng Cứu Độ chúng ta là Thiên Chúa đã xuất hiện cách hữu hình giữa nhân loại, Thiên Chúa muốn dùng các dấu chỉ hữu hình mà ban phát ơn cứu độ cho chúng ta và tái canh tân sự đổ vỡ của giao ước.

Bởi thế, nhờ Bí Tích Sám Hối, Chúa Cha đón nhận người con trở về cùng Chúa, Đức Ki-tô vác con chiên lạc và dẫn đưa về chuồng chiên, và Chúa Thánh Thần tái thánh hóa đền thờ của Ngài hoặc vào cư ngụ nơi đó cách sung mãn hơn, sau cùng sự kiện này được hiển hiện bằng việc tái tham dự cách sốt sắng hơn vào bàn tiệc của Chúa, nhờ đó khi người con từ xa trở về, xuất hiện niềm hân hoan vĩ đại nơi bàn tiệc của Hội Thánh[35].

Nhu cầu và lợi ích của bí tích này

Cũng như có nhiều vết thương tội lỗi khác nhau trong đời sống cá nhân và cộng đồng thế nào, thì cũng có nhiều phương thuốc khác nhau mà Bí Tích Sám Hốì công hiến cho chúng ta như vậy. Vì chưng do tội trọng mà kẻ nào lìa xa cộng đồng bác ái của Thiên Chúa, thì do Bí Tích Sám Hối, họ được kêu mời lãnh nhận sự sống mà họ đánh mất. Có kẻ nào phạm tội nhẹ, cảm thấy hàng ngày mình ra yếu kém, thì năng chịu Bí Tích Sám Hối, họ lãnh được sức mạnh, để đạt được tự do sung mãn của con cái Chúa.
a. Để lãnh nhận phương thuốc sinh ơn cứu độ của Bí Tích Sám Hối, thì theo lòng từ bi của Chúa, người tín hữu, theo lương tâm mình, phải xưng ra cùng linh mục tất cả và từng tội trọng mà họ nhớ được[36].
b. Ngoài ra, việc năng sử dụng bí tích này cách cẩn thận cũng mang lại nhiều lợi ích đối với tội nhẹ. Vì chưng việc sử dụng bí tích này không phải chỉ là một sự lập lại nghi lễ hay một tác động tâm lý, nhưng là một sự cố gắng liên tục để làm cho ơn bí tích rửa tội nên hoàn hảo, ngõ hầu khi chúng ta mang lấy trong chúng ta sự chết của Đức Giêsu, dần dần sự sống của Đức Giêsu được hiển hiện ưong chúng ta[37]. Trong việc xưng tội như thế, các hối nhân mặc dầu chỉ xưng các tội nhẹ, họ cũng được thuyên chữa cách đặc biệt để họ trở nên giống Đức Ki-tô hơn và họ sẵn sàng lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần hơn.
 
Để bí tích sinh ơn cứu độ này thật sự tác động năng lực của mình trên các tín hữu của Đức Ki-tô, nó cần phải hành động tận gốc rễ trong toàn diện đời sống của họ và thúc đẩy họ phục vụ Thiên Chúa và anh em một cách hăng say hơn.

Vì thế, việc cử hành bí tích này luôn luôn phải là một hành động nhờ đó Hội Thánh, qua Đức Ki-tô, tuyên xưng đức tin của mình, cảm tạ Thiên Chúa vì sự tự do mà Đức Ki-tô đã sử dụng để giải thoát chúng ta[38] và hiến dâng cho chúng ta sự sống mình làm hy tế thiêng liêng để ca tụng vinh quang Thiên Chúa.

III. NGHĨA VỤ VÀ TÁC VỤ TRONG VIỆC GIAO HÒA HỐI NHÂN
 
Nghĩa vụ cộng đồng trong việc cử hành sám hối
Toàn thể Hội Thánh với tư cách là dân tư tế, khi thực thi việc giao hòa, luôn luôn thực hiện bằng nhiều cách điều mà Thiên Chúa đã giao phó cho Hội Thánh.
 
Vì chưng không những Hội Thánh kêu gọi hối nhân bằng việc rao giảng lời Chúa, mà còn cầu nguyện cho hối nhân để họ nhận biết và xưng tội của mình đồng thời đón nhận lòng từ bi của Thiên Chúa là Đấng duy nhất có thể tha thứ tội lỗi. Nhưng mặt khác chính Hội Thánh là dụng cụ của việc trở về và giải tội cho hối nhân qua tác vụ mà Đức Ki-tô đã ban cho các Tông đồ và những đấng kế vị các ngài.[39]

Thừa tác viên của bí tích sám hối

9. a. Hội Thánh thi hành các tác vụ đối với các Bí Tích Sám Hối qua các giám mục và linh mục, là những vị kêu mời các tín hữu trở về qua việc rao giảng lời Chúa, đồng thời nhân danh Đức Ki-tô và trong quyền lực của Chúa Thánh Thần, các ngài chứng kiến việc họ trớ về và ban phát cho họ ơn tha thứ tội lỗi.
 
Khi thi hành tác vụ này, các linh mục hành động trong sự hiệp thông với giám mục và thông phần vào quyền bính cũng như nhiệm vụ của ngài là đứng điều hành kỷ luật sám hối.[40]
b. Thừa tác viên thực thi quyền bính đôi với Bí Tích Sám Hối là linh mục có quyền giải tội theo giáo luật. Tuy nhiên, tất cả các linh mục kể cả các vị không được giải tội, cũng có thể giải tội thành pháp và hợp lệ cho tất cả hối nhân nào đang trong tình trạng nguy tử.
 
Thi hành mục vụ của tác vụ này
10. Để cha giải tội có thể chu toàn cách đứng đắn và trung thành nhiệm vụ của mình, hiểu biết những căn bệnh linh hồn, đưa ra những phương thuốc xứng hợp với những căn bệnh, thực thi cách khôn ngoan nhiệm vụ xét xử, cần phải tỏ rõ thông thạo và khôn khéo trong vấn đề này bằng cách liên tục nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của Giáo quyền và đặc diệt là phải năng cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Vì việc khám phá bí ẩn các tâm hồn là sự chân thành nhận biết hành động của Thiên Chúa trong tâm hồn mọi người, nhận biết hồng ân của Chúa Thánh Thần và hiệu quả của đức bác ái.[41]
a. Để giải tội cho các tín hữu, cha giải tội phải luôn sẵn sàng mỗi khi các tín hữu xin xưng tội cách hợp lý.[42]
b. Khi đón nhận người tội lỗi ăn năn sám hối và dẫn dắt họ đến ánh sáng chân lý, cha giải tội thi hành nhiệm vụ mình với tình phụ tử, trình bày cho mọi người nhận biết tấm lòng của Chúa Cha, và mang lấy hình ảnh vị Chủ Chăn là Đức Ki-tô.[43]
c. Cha giải tội biết rằng mình với tư cách thừa tác viên của Thiên Chúa, đã hiểu biết việc thầm kín trong lương tâm của anh em mình, nên theo chức vụ bắt buộc phải giữ kín ấn tín bí tích.
 
Về chính hối nhân
11. Có những phần tối quan trọng mà chính người tín hữu ăn năn sám hối tham dự trong Bí Tích Sám Hối.
 
Khi người tín hữu ăn năn sám hối có đủ điều kiện, tiến tới lãnh nhận phương thuốc sinh ơn cứu độ này do Đức Ki-tô thiết lập và xứng tội mình, thì trong các hành động của họ, họ tham dự vào bí tích này, và nó được nên trọn bởi những lời giải tội do thừa tác viên nhân danh Đức Ki-tô đọc lên.

Như thế khi người tín hữu tiếp nhận và công bố lòng từ bi của Thiên Chúa trong đời sống mình thì họ cùng với linh mục cử hành Phụng Vụ Hội Thánh luôn luôn được canh tân.

IV. CỬ HÀNH BÍ TÍCH SÁM HỐI
 
Nơi cử hành
12. Bí tích Sám hối được cử hành tại nơi và toà mà luật lệ quy định.
 
Thời gian cử hành
13. Việc giao hòa các hối nhân có thể cử hành trong mọi lúc và mọi ngày. Tuy nhiên nên cho các tín hữu biết ngày giờ mà linh mục có mặt để thi hành tác vụ này. Các tín hữu cần được hướng dẫn đến lãnh nhận Bí Tích Sám Hối ngoài thánh lễ, nhất là vào các giờ đã được ấn định[44].
 
Mùa Chay là mùa thích hợp nhất để cử hành Bí Tích Sám Hối vì trong ngày Lễ Tro đã có lời mời gọi long trọng trước mặt dân Chúa :”Anh em hãy sám hối và hãy tin vào Tin Mừng”. Vì thế cần phải ấn định nhiều cuộc cử hành sám hối trong Mùa Chay để tất cả các tín hữu có dịp giao hòa với Thiên Chúa và với anh em, để cử hành mầu nhiệm phục sinh, trong ba ngày Cực Thánh, với tâm hồn canh tân.

Phẩm phục phụng vụ

Đối với phẩm phục khi cử hành sám hối, phải tuân giữ quy luật do Đấng Bản quyền địa phương ấn định.
A. NGHI THỨC GIAO HÒA TỪNG HỐI NHÂN
Linh mục và các hối nhân dọn mình
15. Khi cử hành bí tích, trước tiên linh mục và hối nhân phải dọn mình bằng kinh nguyện. Linh mục kêu cầu cùng Chúa Thánh Thần để lãnh nhận từ nơi Người ánh sáng và tình thương; còn hối nhân đối chiếu cuộc sống mình cùng với gương sáng và giới răn của Đức Ki-tô, và kêu xin Thiên Chúa tha thứ tội lỗi cho mình.
 
Nhận lãnh bí tích
 
16. Linh mục đón nhận hối nhân với tình bác ái huynh đệ và nếu cần, chào hỏi hối nhân với những lời lịch thiệp. Đoạn hối nhân làm dấu thánh giá trên mình và nói : Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Amen. Linh mục có thể cùng làm dấu thánh giá với hối nhân. Kế đó linh mục dùng công thức vắn tắt kêu mời hối nhân đặt tin tưởng vào Thiên Chúa. Nếu Cha giải tội không quen biết hối nhân, thì hối nhân tùy nghi cho ngài biết hoàn cảnh mình, thời gian xưng tội lần cuối cùng, những khó khăn trong việc giữ đạo và những việc khác xét ra hữu ích giúp cha giải tội thi hành tác vụ của mình.
 
Đọc Lời Chúa
 
17. Sau đó linh mục, hoặc chính hối nhân, tùy nghi đọc một vài bài đọc Thánh Kinh ; cũng có thể đọc vài bài Thánh Kinh trong lúc dọn mình xưng tội. Vì chưng nhờ lời Chúa mà người tín hữu được soi sáng để nhận biết tội lỗi của mình, được kêu mời trở về và tin tưởng vào lòng từ bi của Thiên Chúa.
Xưng tội và lãnh nhận việc đền tội
 
18. Đoạn hối nhân xưng tội. Nơi nào có thói quen thì hối nhân bắt đầu bằng công thức cáo mình chung, tức đọc kinh Cáo Mình. Nếu cần, linh mục giúp hối nhân xưng tất cả tội lỗi của mình ; ngoài ra còn khuyên bảo hối nhân thật lòng ăn năn sám hối về những tổn thương đã gây ra cho Thiên Chúa ; nói với hối nhân những lời an ủi thích hợp để hối nhân bắt đầu cuộc sống mới và nếu cần, đề cập những nghĩa vụ của đời sống Ki-tô hữu.
 
Nếu hối nhân đã là nguyên nhân gây thiệt hại hay gương mù, thì giúp hối nhân cam kết sẽ đền bồi cách xứng hợp.

Đoạn linh mục giao việc đền tội. Việc đền tội này không những là việc hối cải những dĩ vãng, mà còn là sự trợ giúp cho cuộc sống mới và phương thuốc chữa lành bệnh tật, vì thế việc đền tội phải tương xứng đến mức độ có thể với tội nặng nhẹ và với bản tính của tội. Việc đền tội có thể tùy nghi thực hiện bằng cách đọc kinh, hãm mình, nhất là phục vụ anh em và thực thi các công việc từ thiện nhờ đó mà tội lỗi được đưa ra ánh sáng và việc tha tội mang lấy một hình thái xã hội.

Hối nhân cầu nguyện và linh mục giải tội
 

19. Sau đó, hối nhân bầy tỏ lòng ăn năn và cương quyết sống cuộc sống mới bằng cách đọc một vài kinh kêu xin Chúa Cha tha thứ tội lỗi. Nên đọc kinh nguyện trích lời trong Thánh Kinh.
 
Sau khi hối nhân đọc kinh, linh mục giơ hai tay trên đầu hối nhân, hoặc ít là giơ tay phải trên đầu hối nhân và đọc công thức giải tội với những lời cốt yếu sau đây: Cha tha tội cho con, nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Khi đọc các lời trên, linh mục làm dấu thánh giá trên hối nhân. Công thức giải tội (xem số 46) nói lên việc giao hoà hối nhân phát xuất nơi lòng từ bi của Thiên Chúa; nó cho thấy mối liên kết giữa việc giao hòa hối nhân và mầu nhiệm vượt qua của Đức Ki-tô ; làm nổi bật vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc tha thứ tội lỗi; đặc biệt nó làm sáng tỏ khía cạnh Giáo Hội của bí tích do sự kiện việc giao hòa cùng với Thiên Chúa được kêu xin và trao ban bởi thừa tác vụ của Hội Thánh.

Đọc lời ca tụng và cho hối nhân ra về

20. Sau khi nhận lãnh ơn tha thứ tội lỗi, hối nhân tuyên xưng lòng từ bi của Thiên Chúa và cảm tạ Ngài bằng lời kêu cầu vắn tắt lấy trong Thánh Kinh; sau đó linh mục cho hối nhân ra về bình an.
 
Hối nhân phải tiếp tục bày tỏ cuộc trở về bằng đời sống đã được canh tân theo Tin Mừng của Đức Ki-tô và dần dần thấm nhuần tình yêu của Thiên Chúa, vì “đức mến che lấp muôn vàn tội lỗi” (1 Pr 4,8).

Nghi lễ ngắn hơn
 

21. Khi nhu cầu mục vụ đòi hỏi, linh mục có thể bỏ bớt hoặc rút ngắn một vài phần của nghi lễ, tuy nhiên phải luồn luôn giữ sự toàn vẹn của nghi thức là: xưng tội, chấp nhận sự đền tội, kêu mời ăn năn sám hôi (số 44), công thức giải tội và công thức cho ra về. Còn nếu gặp trường hợp nguy tử thì linh mục chỉ cần đọc nghi thức chính yếu giải tội nghĩa là đọc: “Cha tha tội cho con, nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.
B. NGHI THỨC HÒA GIẢI NHIỀU HỐI NHÂN VỚI VIỆC XƯNG TỘI VÀ GIẢI TỘI RIÊNG TỪNG NGƯỜI
22. Nơi nào có nhiều hối nhân tập hợp lại cùng một lúc để lãnh nhận ơn hòa giải trong bí tích thì nên chuẩn bị cho họ bằng nghi thức cử hành Lời Chúa.
 
Những tín hữu khác sẽ đi xưng tội trong lúc khác, cũng có thể tham dự cùng một nghi thức này. Việc cử hành chung như thế nói lên một cách rõ ràng hơn tính chất Giáo hội của việc sám hối. Bởi vì các tín hữu cùng một trật nghe đọc Lời Chúa, nghe công bố lòng từ bi của Thiên Chúa, lời kêu mời họ trở về, nên họ cùng một trật thấu hiểu giá trị việc làm cho đời sống họ ăn nhịp với cùng một lời của Chúa và giúp đỡ nhau bằng việc cầu nguyện chung cho nhau. Sau khi mỗi người xưng tội của mình và lãnh nhận ơn giải tội, tất cả mọi người đồng thanh ca tụng Thiên Chúa vì ơn huyền diệu của Thiên Chúa đối với dân Người là dân mà Con Thiên Chúa đã mua chuộc bằng giá máu của mình.

Nếu có nhiều linh mục hiện diện, các ngài có thể ngồi vào những nơi xứng hợp nghe và hòa giải mỗi tín hữu.

Nghi lễ mở đầu
 

23. Khi các tín hữu đã tụ họp lại, có thể tùy nghi hát một bài thích hợp. Sau đó linh mục đón chào các tín hữu và chính ngài hay một thừa tác viên khác, nếu cần nói vắn tắt vài lời hướng dẫn các tín hữu vào việc cử hành và dạy họ về thứ tự các việc họ phải tuân giữ. Đoạn ngài kêu mời mọi người cầu nguyện trong giây lát.
 
Cử hành Lời Chúa
 
24. Bí tích sám hối phải bắt đầu bằng việc nghe Lời Chúa, bởi vì Thiên Chúa dùng Lời của mình mà kêu mời sám hối và hướng dẫn đến việc trở về đích thực trong tâm hồn.
 
Có thể đọc một hoặc nhiều bài đọc. Nếu đọc nhiều bài thì cho xen kẽ thánh vịnh hoặc một bài hát thích hợp hay thinh lặng trong giây lát để Lời Chúa được thấu hiểu cách sâu rộng hơn và để tâm hồn hòa nhịp với Lời Chúa. Nếu chỉ đọc một bài thì nên đọc bài Phúc Âm.

Đặc biệt chọn những bài có ý nghĩa như sau :
 

a. Tiếng Chúa kêu gọi mọi người trở về và kêu gọi luôn luôn sống theo hình ảnh Đức Ki-tô.
 
b. Mầu nhiệm hòa giải được đặt dưới mắt mọi người nhờ sự chết và sống lại của Đức Ki-tô và nhờ hồng ân của Chúa Thánh Thần.
 
c. Sự xét xử của Thiên Chúa về việc lành và việc dữ trong đời sống mọi người, giúp soi sáng lương tâm và xét mình.
25. Bài giảng bắt đầu từ bản văn Kinh Thánh, hướng dẫn các hối nhân xét mình, từ bỏ tội lỗi và trở về với Thiên Chúa. Gợi cho các tín hữu nhớ lại tội phản nghịch cùng Thiên Chúa, chống lại cộng đồng và tha nhân, hành động chống lại chính mình là kẻ tội lỗi. Sau đó, bản văn tùy nghi đề cập:
a. Lòng từ bi vô biên của Thiên Chúa cao hơn tất cả mọi tội lỗi của chúng ta và nhờ lòng từ bi đó, Thiên Chúa luôn kêu mời chúng ta trở về với Ngài.
b. Nhu cầu sám hối bên trong, nhờ đó chúng ta thành thật sẵn sàng đền bồi thiệt hại do tội lỗi gây ra.
c. Hình thái của xã hội ơn thánh và tội lỗi, vì hành động của những cá nhân ảnh hưởng một cách nào đó đến toàn diện thân thể của Hội Thánh.
d. Việc đền tội của chúng ta tiếp nhận năng lực từ việc đền tội của Chúa Ki-tô, và ngoài các việc sám hối, nó còn đòi buộc phải thực thi đức bác ái thật sự với Thiên Chúa và tha nhân.
26. Sau bài giảng, tùy nghi giữ thinh lặng để xét mình và thật lòng ăn năn tội. Chính linh mục hoặc phó tế hay một thừa tác viên khác có thể giúp các tín hữu thinh lặng trong giây lát hoặc đọc kinh cầu, đồng thời lưu tâm đến tình trạng, tuổi tác .v.v của họ. Nếu xét thấy thích hợp, việc xét mình và ăn năn tội chung như vậy có thể thay thế bài giảng ; tuy nhiên trong trường hợp này, phải có lời nói đầu về các bài đọc Thánh Kinh trước khi đọc.
Nghi lễ giao hòa
27. Kế đó, phó tế hoặc thừa tác viên khác kêu mời mọi người quỳ gối hoặc nghiêng mình và đọc công thức xưng tội chung (thí dụ đọc kinh Cáo Mình) ; đoạn mọi người đứng lên, tùy nghi đọc kinh cầu hoặc hát bài ca thích hợp nói lên việc xưng tội, ăn năn trong lòng xin ơn tha thứ và tin tưởng vào lòng từ bi của Thiên Chúa. Sau cùng đọc kinh Lạy Cha, không khi nào được bỏ kinh này.
 
28. Đọc kinh Lạy Cha xong, các linh mục tiến đến những nơi đã được chỉ định để ngồi tòa. Các hối nhân muốn xưng tội, có thể đến linh mục nào tùy họ chọn lựa, và sau khi nhận việc đền tội, linh mục giải tội với công thức hòa giải một hối nhân.
 
29. Giải tội xong các linh mục trở lại cung thánh. Vị chủ tọa việc cử hành kêu mời mọi người tuyên xưng lời cảm tạ, lòng từ bi của Thiên Chúa. Việc cảm tạ này có thể thực hiện bằng cách hát hay đọc một thánh vịnh hoặc một bài hát hay kinh cầu. Sau cùng linh mục kết thúc việc cử hành bằng lời nguyện ca tụng Thiên Chúa vì tình thương mà Chúa đã yêu thương chúng ta.
 
Giải tán dân chúng
30. Sau khi cám ơn xong, linh mục ban phép lành cho các tín hữu. Rồi phó tế hay chính linh mục giải tán cộng đồng.
C. NGHI THỨC HÒA GIẢI CÁC HỐI NHÂN VỚI VIỆC XƯNG TỘI VÀ GIẢI TỘI CHUNG
Kỷ luật giải tội chung
31. Việc xưng tội và giải tội cá nhân trọn vẹn là phương tiện cách thông thường duy nhất, nhờ đó các tín hữu hòa giải với Thiên Chúa và Hội Thánh, trừ phi có sự bất lực thể lý hay luân lý mới chuẩn chước việc xưng tội cách này.
 
Vì chưng đôi khi do những hoàn cảnh sự việc đặc biệt xảy đến, có thể được phép hoặc phải giải tội cách chung cho nhiều hối nhân mà không có xưng tội cá nhân trước.

Ngoài trường hợp nguy tử, cũng được phép ban bí tích Giải tội cho nhiều tín hữu chỉ xưng tội cách chung, nhưng nếu được ân cần khuyên bảo trước để giục lòng sám hối, nếu bất thần gặp một sự khẩn thiết quan trọng, nghĩa là khi gặp số hối nhân quá đông mà-không có đủ cha giải tội để nghe theo nghi thức từng người xưng tội trong khoảng thời gian thuận lợi, đến nỗi các hối nhân không phải vì lỗi họ mà phải bó buộc chịu tình trạng không được nhận ơn bí tích Giải tội, hoặc không được rước lễ trong thời gian lâu dài. Sự kiện này có thể xảy đến, nhất là trong các miền truyền giáo, nhưng cũng có thể ở cả những miền khác, và hơn nữa đối với nhóm người khi nhận thấy có sự khẩn thiết này. Còn khi có những cha giải tội có thể ngồi tòa được, thì không được phép giải tội chung chỉ vì một lẽ có số đông hối nhân, chẳng hạn như có thể xảy ra trong một vài dịp lễ lớn hay dịp hành hương[45].

32. Việc xét đoán xem có đủ các điều kiện nói trên hay không, và từ đó quyết định khi nào được phép ban bí tích chung, là thuộc thẩm quyền của giám mục địa phận, sau khi bàn tính với các vị khác trong Hội đồng giám mục.
 
Ngoài những trường hợp do các giám mục địa phận ấn định, nếu có gặp một sự khẩn thiết quan trọng nào khác mà phải ban bí tích Giải tội tập thể, thì mỗi khi có thể được, vị linh mục phải lĩnh ý Đấng bản quyền địa phương trước để được ban phép giải tội cách hợp pháp ; nếu không lãnh ý trước được, thì ngài phải báo cho Đấng bản quyền địa phương biết sớm hết sức về trường hợp khẩn thiết ngài đã gặp và về ngày đã ban phép giải tội.[46]
33. Đối với các tín hữu, để được hưởng nhờ bí tích Giải tội tập thể, thì tuyệt đối đòi buộc họ phải có tâm hồn chuẩn bị một cách xứng hợp, nghĩa là mỗi người phải sám hối về tội lỗi mình đã phạm, dốc lòng chừa về những tội đó, quyết tâm sửa lại những gương mù và những thiệt hại mà mình đã có thể gây ra, đồng thời phải có ý xưng ra vào một thời gian ấn định, từng tội trọng mà hiện tại họ không thể xưng ra như vậy được. Các linh mục phải ân cần dạy bảo cho các tín hữu biết trước về việc chuẩn bị tâm hồn và về những điều kiện phải có để bí tích được thành sự. [47]
34. Những ai đã được tha các tội trọng do việc giải tội chung, phải đi xưng tội riêng trước khi lãnh nhận ơn giải tội chung một lần khác, trừ khi bị ngăn trở vì một lý do chính đáng. Nhưng tuyệt đối họ phải đến cùng một cha giải tội trong vòng một năm, trừ phi có sự bất lực luân lý. Bởi vì họ vẫn còn phải giữ luật buộc mọi Ki-tô hữu và xưng tội riêng với mọi linh mục ít là một năm một lần tất cả các tội trọng mà họ chưa xưng ra một cách cụ thể với cha giải tội [48].
 
Nghi lễ giải tội chung
35. Việc hòa giải với các hối nhân với việc xưng tội chung trong những trường hợp đã do luật lệ ấn định, thì thực hiện tất cả những điều như đã nói ở trên về việc cử hành hòa giải nhiều hối nhân với việc xưng tội và giải tội từng người, chỉ thay đổi những điều nói sau đây :
a. Sau bài giảng hoặc trong chính bài giảng, nên khuyên nhủ các tín hữu muốn hưởng nhờ ơn xá giải chung, thì phải có tâm hồn chuẩn bị cách xứng hợp, nghĩa là mỗi người phải sám hối về tội lỗi mình đã phạm, dốc lòng chừa về những tội đó, quyết tâm sửa lại những gương mù và những thiệt hại mà mình có thể gây ra, đồng thời phải có ý xưng ra vào một thời gian ấn định từng tội trọng mà hiện tại họ không thể xưng ra như vậy được[49]; giao vài việc đền tội nói trên mà mọi người phải thi hành và mỗi người có thể thêm một ít việc nếu họ muốn làm.
 
b. Sau đó phó tế hoặc một thừa tác viên khác, hoặc chính linh mục kêu mời các hối nhân muốn lãnh nhận phép giải tội để họ dùng một vài dấu chỉ gì nói lên họ chịu phép giải tội. (Thí dụ cúi đầu, hoặc bái gối, hoặc làm một dấu chỉ nào khác theo qui luật đã được các Hội đồng giám mục ấn định) và đọc công thức xưng tội chung (thí dụ đọc kinh Cáo Mình), sau kinh này có thể đọc kinh cầu hoặc hát một bài ca sám hối và tất cả mọi người đọc hoặc hát kinh Lạy Cha như đã nói ở số 27 trên đây.
 
c. Tiếp theo linh mục đọc lời kêu cầu xin ơn Chúa Thánh Thần tha thứ tội lỗi, công bố sự chiến thắng tội lỗi nhờ sự chết và sống lại của Đức Ki-tô, và ban bí tích Hòa giải cho các hối nhân.
 
d. Sau cùng linh mục kêu mời cảm tạ Thiên Chúa như đã nói ở số 26, bỏ lời nguyện kết thúc, rồi ban phép lành ngay cho dần chúng và giải tán họ.

V. CÁC CUỘC CỬ HÀNH SÁM HỐI
Các đặc tính và cơ cấu
Các cuộc cử hành sám hối là cuộc tập họp của dân Chúa để nghe lời Chúa kêu mời trở về, canh tân đời sống và loan báo việc chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi nhờ sự chết và sống lại của Đức Ki-tô. Cơ cấu các cuộc cử hành sám hối thông thường là điều phải tuân giữ khi cử hành Lời Chúa [50] và điều được dự liệu trong “nghi thức hòa giải nhiều hối nhân”.
 
Vì thế sau nghi lễ mở đầu (tức là sau bài hát, lời chào và lời nguyện) nên đọc một hoặc nhiều bài đọc Thánh Kinh với những bài hát và những thánh vịnh hoặc thinh lặng xen kẽ, rồi dẫn giải và áp dụng các bài đọc cho cộng đồng tín hữu. Không có gì ngăn cấm đọc trước hoặc sau các bài đọc Thánh Kinh, những bài đọc trích trong sách những giáo phụ và các văn sĩ có thể thật sự giúp cộng đoàn và từng người nhận biết đích thực thế nào là tội lỗi, là thật lòng ăn năn tội và trở về.

Sau bài giảng và sau khi suy niệm Lời Chúa, nên để cộng đoàn tín hữu đồng lòng, đồng thanh cầu nguyện theo kinh cầu hoặc theo cách thức nào khác để thúc đẩy sự tham dự của các tín hữu. Sau cùng luôn luôn đọc kinh Lạy Cha để Thiên Chúa, Cha chúng ta “tha nợ chúng ta như chúng ta cũng tha kẻ có nợ chúng ta … vá cứu chữa chúng ta khỏi mọi sự dữ”. Linh mục hoặc thừa tác viên chủ tọa cộng đồng kết thúc nghi lễ bằng lời nguyện và giải tán dân chúng.

Sự lợi ích và lúc cử hành
 

37. Nên tránh đừng để các tín hữu quan niệm lẫn lộn các cuộc cử hành này với việc cử hành Bí Tích Sám Hối [51]. Các cuộc cử hành sám hối này rất hữu ích để trở về thanh tẩy tâm hồn.[52]
 
Các cuộc cử hành sám hối được thiết lập cách thích hợp nhất là :
– Để gợi lên tinh thần sám hối trong cộng đoàn Ki-tô hữu.
 
– Để giúp các tín hữu dọn mình xưng tội mà mỗi người có thể xưng tội sau này vào lúc thuận tiện.
 
– Để giúp các trẻ nhỏ hầu chúng dần dần ý thức về tội lỗi trong đời sống loài người và về việc nhờ Đức Ki-tô mà được giải thoát khỏi tội lỗi.
 
– Để giúp các người dự tòng trở về.
 
Hơn nữa, nơi nào không có linh mục hiện diện để ban bí tích Giải tội, thì các cuộc cử hành sám hối trở nên rất hữu ích, bởi vì chúng giúp ăn năn tội cách trọn, nhờ đó các tín hữu ao ước lãnh nhận Bí Tích Sám Hối trong tương lai có thể đạt đựợc ơn thánh Chúa [53].
VI. VỀ VIỆC THÍCH ỨNG NGHI LỄ VỚI NHỮNG MIỀN VÀ HOÀN CẢNH KHÁC NHAU
 
Về các thích ứng mà Hội đồng Giám mục có thể thực hiện
38. Trong khi biên soạn các quyển Nghi lễ riêng, các Hội đồng giám mục được quyền thích ứng Nghi thức Sám hối này với những nhu cầu của mỗi miền, để sau khi đã được Tòa Thánh phê chuẩn, được sử dụng tại miền liên hệ. Trong lãnh vực này, các Hội đồng giám mục có quyền :
a. Ấn định những qui luật liên quan đến kỷ luật bí tích Sám hối, đặc biệt trong những vấn đề liên quan đến thừa tác vụ của các linh mục và đền tội dành riêng.
b. Ấn định rõ ràng những qui luật liên quan đến nơi chốn xứng hợp để cử hành cách thông thường bí tích Sám hối và liên quan đến các dấu chỉ sám hối mà các tín hữu phải thực hiện khi giải tội chung (xem số 35 trên đây).
c. Soạn bản dịch các bản văn thích ứng thật sự với đặc tính và cách nói của mỗi dân tộc, và sáng tác cả những bản văn mới để các tín hữu hoặc thừa tác viên cầu nguyện, nhưng vẫn giữ nguyên vẹn công thức bí tích giải tội.
Về những điều dành cho Giám mục
39. Đức giám mục địa phận có quyền :
a. Điều hành [54] kỷ luật sám hối trong địa phận mình bằng cả những thích ứng xứng hợp với nghi lễ theo các quy luật được Hội đồng giám mục dự liệu.
b. Sau khi đã bàn tính với các vị khác trong Hội đồng giám mục, xét đoán xem khi nào được phép ban bí tích Giải tội chung với những điều kiện do Tòa Thánh ấn định[55].
Về các thích ứng dành cho thừa tác viên
40. Các linh mục, nhất là các cha sở được quyền :
a. Trong khi cử hành giao hòa, hoặc cho từng người hoặc cho cộng đoàn, thích ứng với những nghi lễ sám hối với những hoàn cảnh cụ thể, khi đã giữ lại bố cục chính yếu và toàn vẹn công thức giải tội, nếu cần vì lý do mục vụ bỏ bớt một vài phần, hoặc làm cho thêm phong phú, chọn lựa những bản văn hay những bài đọc, hay những lời nguyên, chọn lựa nơi chốn cho thích ứng với việc cử hành hơn, theo như các quy luật đã được Hội đồng giám mục ấn định, để làm thế nào tất cả cuộc cử hành một trật trở nên phong phú và sinh ích hơn.
 
b. Dự liệu và chuẩn bị các cuộc cử hành sám hối một đôi lần ưong năm, nhất là trong mùa Chay, với sự giúp đỡ của những vị khác, kể cả giáo dân, để làm thế nào cho các bản văn đã được lựa chọn và nghi thức cử hành trở nên thật sự thích ứng với điều kiện và hoàn cảnh của cộng đoàn hoặc cuộc họp (thí dụ cuộc họp các trẻ nhỏ, bệnh nhân .v.v.).
 
c. Trong trường hợp khẩn thiết quan trọng, Giám mục địa phận không được báo trước, nếu không thể chạy đến ngài, quyết định ban bí tích Hòa giải chung một trật cho nhiều người, bởi chỉ có cách giải tội chung mà thôi, nhưng phải thông báo cho Đấng bản quyền nói trên sớm hết sức về sự khẩn thiết Ngài đã gặp và về việc Ngài giải tội chung.
 
(Phụng Vụ số 21 tháng 4.1974, trg 17-36)
 

[1] Xem 2 Cr 1,18; Cl 1,20

[2] Xem Ga 8,34-36

3 Xem 1 Pr 2,9

[4] Xem Lc 15

[5]  Xem Lc 5, 20.27-32; 7,48

[6] Xem Mt 9,2-8.

[7] Xem Rm 4,25

[8]Xem sách lễ Rô-ma, Kinh Nguyện Thánh Thể III

[9] Xem Mt 26,28

[10]Xem Ga 20,19-23

[11] Xem Lc 24,47

[12] Xem Cv 3,10.26; 17,30.

[13] Xem Rm 6, 4-10

[14] Sách lễ Rô-ma, Kinh nguyện Thánh Thể III

[15]  Sách lễ Rô-ma, Kinh nguyện Thánh Thể II

[16] Công đồng Trentô, Sessio XIV, De Sacramento Paenitentiae, cap.I : Denz. Schon. 1668 và 1670; can. I: Denz-Schon, 1701

17 Th. Ambrôxiô, Epist. 41,12: PL 16,1116.

[18] X. Cv 19,1

19 Ep 1,22-23 ; Công đồng Vaticanô II, Lumen Gentium số 7 ; AAS 57 (1965), tr 9-11.

[20] Xem Dt 2,17

[21] Công đồng Vaticanô II, Lumen Gentium, số 8, ibid, trg. 12

[22] X. 1 Pr 4,13

[23] X. 1 Pr 4,8

[24] Công đồng Trentô, Sessio XIII, De sacramento paenitentiae, cap.II; Sessio XXII, cap. I et II: Denz-Scho. 1638,1740,1743 ; Thánh bộ Nghi Lễ, Huấn thị Eucharisticum mysterium, 25-5-1967, số 35 : AAS. 59 (1967), trg 560-561; Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, số 29, 30, 56a.b. g.

[25]  Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen Gentium số 11 : AAS. 57 (1965), trg. 15-16.

[26] Phao-lô VI, Tông thư Poenitemini, 17-2-1966 : AAS. 58 (1966), trg. l79 : Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen Gentium, số 11 : AAS. (1965), trg. 5- 16.

[27] Xem Gl 2, 20 ; Ep 5,25

[28] Xem Tt 3, 6

[29] Phao-lô VI, Tông thư Indulgentiam doctrina, 1-1-1967, số 4; x. Pio XII, Thông điệp Mystici Corporis, 29-6-1943: : AAS. 35 (1943), trg 213

[30] Công đồng Trentô, sess. XIV, cap.III: Denz-Schon, 1673-1675

[31]  Ibid. Cap.IV : Denz-Schon, 1676

[32] Phao-lô VI, Tông thư Poenitemini 17-2-1966 : AAS. 58 (1966), trg 179

[33] Công đồng Trento, Sessio XIV, De Sacramento Paenitentiae, cap. V: Denz-Schon 1679

[34] Công đồng Trento, Sessio XIV, De Sacramento Paenitentiae, cap.VIII ; Denz- Schon 1690-1692 ; Phao-lô VI, Tông thư Indulgentiarum doctrina. 1-1- 1967, số 2.3 : AAS. 59 (1967), trg 6-8

[35] Xem Lc 15,7.10.32

[36] Công đồng Trento. Sessio XIV, De Sacramento Paenitentiae, can. 7-8: Denz-Schon. 1707-1708

[37] Xem 2 Cr 4, 10

[38] Xem Gl 4,31

[39] Xem Mt 18,18 ; Ga 20,23

[40] Công đồng Vaticano II, Hiến chế Lumen Gentium, số 26 : AAS 57(1965), trg. 31-32

[41]  Xem Pl 1,9-10

[42] Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Normae pastorales circa absolutionem sacramentalem generali modo impertiendam, 16-6-1972, số XII : AAS. 64 (1972), trg 514

[43]  Công đồng Vaticano II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, số 7 : AAS . 56 (1964), trg 100-101

[44] Thánh Bộ Nghi-Lễ, Huấn thị Eucharisticum mysterium, 25-5-1967, số 35: AAS. 59 (1967), trg 560-561

[45] Thánh Bộ về Giáo lý Đức tin, Normae pastorales circa absolutionem sacramentalem generali modo impertiendam, 16-6-1973, số III, AAS. 64 (1972), trg 511

[46] Như trên, số V; 1.c., trg 512

[47]  Như trên, số VI và XI: l.c., trg 512

[48]  Như trên, số VII và VIII: l.c., trg 512-513

[49]  Như trên, số VI, trg 512

[50] Thánh bộ Nghi Lễ, Huấn thị Inter Oecumennici, 26-9-1964, số 37-39 : ASS. 56 (1964), trg 110-111

[51] Thánh Bộ về Giáo lý Đức tin, Normae pastorales circa absolutionem sacramentalem generali modo impertiendam, 16-6-1973, số X : AAS. 64 (1972), trg 513-514

[52] Như trên.

[53] Công đồng Trento, Sessio XIV, De sacramento Paenitentiae, cap.V : Denz-Schon 1677

[54] Công đồng Vaticano II, Hiến chế Lumen Gentium, số 26 : AAS 5 (1965), trg 31-32

[55]  Thánh Bộ về Giáo lý Đức tin, Normae pastorales circa absolutionem sacramentalem generali modo impertiendam, 16-6-1973, số V, AAS 64 (1972), trg 512.