Nhìn Lại Công Đồng Vatican II: “Lời Chúa Và Thánh Kinh”

0
2398


LTS: Buổi thuyết trình chiều chúa nhật 28/02/2010 do Thầy Enzo Bianchi và cha Denis Dupont Fauville với chủ đề “Lời Chúa và Kinh Thánh”.

Dịch giả: Lm. GB. Phạm Hoàng Dũng, OP.

 

Dẫn nhập

Công đồng đã hòa giải khoa chú giải hiện đại và truyền thống của Kinh Thánh trong một tổng hợp mà chỉ mới bắt đầu được áp dụng. Để Kinh thánh được đọc như Lời Chúa và “việc học hỏi nghiên cứu Kinh thánh” thực sự trở nên “linh hồn của thần học” (Dei Verbum 24), phải thay đổi cái nhìn trên “chữ viết” và khám phá từ đó “tinh thần”.

TIỂU SỬ THẦY ENZO BIANCHI

Thầy Enzo Bianchi sinh năm 1943, tại Castel Boglione trong vùng Monferrato (Piémont, Italia). Sau khi học kinh tế và thương mại tại Đại học Turin, vào cuối năm 1965, thầy đến Bose, một thôn làng bỏ hoang thuộc hạt Magnano trên sông băng cũ Serra d”Ivrea, với ý định cho ra đời ở đây một cộng đoàn đan tu. Vào năm 1968, thầy trở lại đó với những anh chị em đầu tiên, để sống theo tu luật mà thầy biên soạn ra. Ngày hôm nay thầy là bề trên của cộng đoàn, có khoảng tám mươi anh chị em thuộc năm quốc tịch khác nhau, và cộng đoàn cũng hiện diện tại Giêrusalem và tại Ostuni (Pouilles).

Vào năm 1983, thầy thành lập nhà xuất bản Edizioni Qiqajon Comunità di Bose, chuyên xuất bản các bản văn về linh đạo theo thánh kinh, giáo phụ và đan tu. Vào tháng tám 2003, thầy Enzo Bianchi tham gia vào phái đoàn do đức Gioan-Phaolô II phái sang Moscou để trao trả cho đức thượng phụ Alexis II bức icôn Mẹ Thiên Chúa Kazan. Vào tháng 10/2008, thầy tham dự thượng hội đồng các giám mục về Lời Chúa tại Rôma với tư cách là chuyên viên được chính đức Benedicto XVI chỉ định.

Trong số các tác phẩm của thầy đáng chú ý là “Prier la parole. Une introduction à là lectio divina”, ed. Bellefontaine 2008.

TIỂU SỬ CHA DENIS DUPONT-FAUVILLE

Cha Denis Dupont-Fauville sinh ngày 1/11/1966 tại Paris. Ngài học thương mại (ESCP) và khoa học chính trị (IEP Paris) trước khi gia nhập Chủng viện Paris. Việc đào tạo tiếp tục tại Học viện thần học ở Bruxelles. Chịu chức linh mục năm 1997, cha tiếp tục việc học thần học tại Roma (thần học và giáo phụ học). Vào tháng 5/2007, cha bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài “Thánh Hilario thành Poitiers, nhà thần học về sự hiệp thông” tại Đại học Gregoriana. Hiện nay cha đang giảng dạy tại Ecole Cathérale môn Mạc khải của thiên chúa và Hiến chế Dei Verbum và điều hành một seminar tại Faculté Notre-Dame về “Giáo hội, Dân Thiên Chúa, Nhiệm thể Đức Kitô, Đền thờ Chúa Thánh Thần”, tập trung trên hiến chế Lumen gentium. Kinh sĩ tại Nhà thờ Đức Bà Paris, cha Denis Dupont-Fauville cũng là đại diện của giáo phận trong việc đào tạo và đồng hành với các phó tế vĩnh viễn.

***

Lời Chúa và Kinh Thánh”

Cha Denis Dupont-Fauville 

Dei Verbum, “Lời Chúa” : đây là những từ mở đầu cho hiến chế tín lý về Mặc khải của công đồng Vatican II và được lấy làm tựa đề cho hiến chế này. Như thế, Mặc khải đưa đến một Lời. Phải chăng có thể tóm tắt trong duy nhất Lời này ? Hay có một tiêu chuẩn khác làm cho Lời này thành một lời “tách biệt” ? Và trong những điều kiện này, làm sao một diễn từ có thể được xem như là chứa đựng Mặc khải ?

Trả lời cho những câu hỏi này và nhiều những câu hỏi khác, chính là đụng đến phần cốt lõi của thông điệp về Giáo hội và về sứ vụ của Giáo hội, đến điều tạo nên công ích chung của những người kitô hữu mà họ đang tìm kiếm để trao tặng cho thế giới. Vì Dei Verbum là một hiến chế tín lý, tức là một tuyên ngôn của Giáo hội với thẩm quyền cao nhất. Trong số các bản văn của Công đồng Vatican II, chỉ duy nhất một bản văn khác, Hiến chế về Giáo hội Lumen gentium, là có thể được xem là có cùng thang giá trị và có cùng tầm vóc quan trọng.

Tuy nhiên, việc biên soạn Dei Verbum không dễ dàng. Phải cần đến gần ba năm tròn và kéo dài suốt thời gian Công đồng. Một ủy ban đặc biệt được thành lập để bàn thảo về những khía cạnh mang đầy tính kỹ thuật[1]. Qua hai lần, những cuộc tranh luận rất sôi nổi đến nỗi Đức Gioan XXIII, trước tiên, và đức Phaolô VI, sau này, vào phút chót[2], phải can thiệp theo cách riêng nhằm lập lại hoà bình giữa các giám mục. Cuối cùng, bản văn tích tụ những mâu thuẫn. Hiến chế, rất chủ đạo đến nỗi mà hồng y Henri de Lubac đã nói về nó như “hàng hiên và nền móng”[3] của toàn bộ những tài liệu của Công đồng, sẽ là một trong những bản văn được tranh cãi nhất; kết quả của việc chuẩn bị của những ủy ban chuyên môn, nó cần đến những quyết định của hai đức giáo hoàng kế tục nhau nhằm tìm kiếm sự cân bằng; gây nên giữa các Nghị phụ những sự đối lập dai dẳng nhất, nó có được lúc cuối cùng một sự đồng thuận gần như là toàn thể, khi đón nhận được 2344 phiếu so với 6 phiếu trong lần bỏ phiếu để công bố bản văn[4] ; ngày nay thuộc vào số những tài liệu quan trọng nhất cho đời sống của Giáo hội, nó cũng là một trong những bản văn ít được công chúng biết đến nhất.

Làm thế nào hiểu được những cuộc tranh luận này ? Làm sao tính được đến những mâu thuẫn này ? Tại sao lại có biết bao nhiêu là những khó khăn để đề cập đến nền tảng của đức tin kitô giáo ? Ở đây không đi vào chi tiết mọi cuộc tranh cãi nảy sinh từ công đồng, chúng tôi có thể trước hết phân biệt gần nhất ít là hai nguyên do, một từ lịch sử và một lý do khác mang tính luận lý.

Lý do thứ nhất : về mặt lịch sử, Vatican II ở vào thời điểm mà việc nghiên cứu học hỏi Kinh thánh, nơi người công giáo, đã cất cánh. Sau những sự thái quá của khoa chú giải theo chủ nghĩa duy lý ở thế kỷ XIX, Giáo hội công giáo rút vào thế phòng thủ, lo âu trước tiên đến việc bảo vệ đức tin của những con người bé nhỏ trước những giả thuyết của các nhà bác học ; song song theo đó, Giáo hội chấp nhận nguy cơ bị loại ra bên lề trong một thế giới ngày càng ý thức hơn về những khả năng có được bởi suy tư thông diễn học (herméneutique) về phần diễn dịch các bản văn[5]. Vào năm 1943, tuy nhiên, với việc công bố tông huấn của Đức Pio XII Divino afflate spiritu, con đường đã được mở ra trong môi trường công giáo, cho việc phát triển cách chính thức của việc nghiên cứu chú giải Kinh thánh vận dụng đến những thành quả khoa học. Hai mươi năm sau, cùng tồn tại trong số các Nghị Phụ, đôi khi khó khăn, mối bận tâm gìn giữ những chân lý đức tin truyền thống và sự nhiệt thành của những khám phá và của sự đặt lại vấn đề xuất phát sự phát triển của việc nghiên cứu xung quanh bản văn mặc khải.

Lý do thứ hai, xuất phát từ tính luận lý : vấn đề được Dei Verbum đề cập đến, theo những từ ngữ của báo cáo viên cuối cùng, hồng y Florit[6], “nói đến mối liên hệ giữa những vấn đề bản thảo ở Công đồng. [Công đồng] đặt chúng ta ở chính trung tâm của mầu nhiệm Giáo hội và tại tâm ngoài của vấn đề đại kết”. Tại sao ? Không phải bởi vì mọi vấn đề tranh luận của các tài liệu đều được đề cập đến tại đây, nhưng bởi vì lời của Công đồng chỉ có trọng lượng với tư cách mà nó được đón nhận như được sinh ra từ Chân lý mặc khải : do đó, định nghĩa những tiêu chuẩn của Chân lý này, hay những phương tiện mà Chân lý này mặc khải, tạo điều kiện cho tổng thể của diễn từ của Công đồng. Theo cách tiếp cận được chọn lựa trong lãnh vực này, lập trường này hay lập trường khác sẽ có được tính thích đáng hay mất đi tính khả tín.

Giao điểm của những khó khăn này liên hệ đến lịch sử và đến từ đặc tính trung tâm của Dei Verbum ở tại vấn đề căn bản : lời nào mới có thể được gọi là chứa đựng mặc khải ? Không đủ ở đây, để trả lời, dựa vào Kinh thánh. Câu hỏi, quả thực, như được gia tăng gấp đôi, về mọi phía. Hướng thượng: làm sao lời chứa đựng trong Kinh thánh có đặc tính thần tính (statut divin) ? Điều gì cho nó đặc quyền này ? Hướng hạ : làm sao những lời truyền thống Kinh thánh là trung thành với điều mà Thiên Chúa đã muốn thấy ghi lại nơi kinh thánh ? Làm sao nói về Kinh thánh mà không nói đến điều gì khác hơn Lời Chúa ? Để trả lời cho việc đặt vấn đề “khủng” này về mối liên hệ giữa Lời Chúa và Kinh thánh, toàn bộ mối suy tư này phải được đưa đến, điều mà tài liệu công đồng đã minh chứng.

Kinh thánh, quả thực, đưa đến bên kia chính nó khi vượt qua ba bước. Trước tiên, trong cách thức biên soạn. Nó tạo nên một tổng hợp phức tạp, được thực hiện từ những bản viết lủng củng được biên soạn vào những thời kỳ khác nhau và được tập hợp lại và cuối cùng, trong quá trình thành hình lâu dài. Việc lấy một cuốn sách và nói rằng “đây là Kinh thánh” giả định là làm tin tưởng, ít là một cách ẩn tàng, cho toàn bộ chuỗi những thẩm quyền, cho những quyết định bên ngoài Kinh thánh và nó cho phép tạo nên như bản văn mang Mặc khải duy nhất. Việc đánh giá lịch sử sáng tác Kinh thánh sẽ được Công đồng đưa vào trong khuôn khổ rộng hơn cả lịch sử nhân loại, giữa lòng của lịch sử mà từ đó Thiên Chúa muốn thực hiện sự cứu độ[7]. Cựu Ước là kết quả của sự mặc khải lịch sử của Thiên Chúa nơi Israel[8]. Tân Ước đặt trên lời chứng của các Tông đồ[9]. Chính Giáo hội khẳng định rằng kho tàng này đã được giao phó cho Giáo hội trong thời gian[10]. Không kể đến lịch sử biên soạn Kinh thánh này, cũng không kể đến tình trạng lẫn chức năng của Kinh thánh thì không còn có thể nhận thức được nữa.

Sự vượt lên thứ hai xảy ra từ bên trong con chữ của bản văn : trong sự lắng đọng mà nó được tạo nên cách tiến triển trong một công việc không đổi của sự lăp đi lặp lại, của sự diễn dịch lại và của sự viết lại, trong sự khác biệt của những câu chuyện và những thể loại văn chương[11], trong điều mà thánh Irênê thành Lyon gọi là “sự đa âm của những bản văn”, độc giả dần dần cảm thấy âm vang, cách luôn mới mẻ, “một giai điệu duy nhất hòa điệu”[12]. Vẫn luôn là câu hỏi về “nghĩa” của Kinh thánh, đa dạng và tuy nhiên lại liên kết với nhau. Nếu công đồng, với Dei Verbum, đưa ra một ví dụ về cách thức đọc những đoạn mà công đồng tập hợp lại nhằm dẫn chứng ra, trung thành với điều đó trong “trách nhiệm giáo huấn” mà công đồng nhận từ các Tông đồ[13], công đồng mạnh mẽ khuyến khích việc tìm kiếm theo những chuẩn mực được thử nghiệm về mặt khoa học và tâm linh[14]. Làm như thế, công đồng khẳng định tất cả những ý nghĩa chứa đựng trong toàn bộ này không ngừng được khám phá[15].

Sự vượt lên thứ ba : bản văn xử lý điều khác với chính nó. Nó không ngừng gởi đến một câu chuyện được kể, với những sự kiện mà nó truyền đạt, với một thực tại mà nó xác minh. Nói cách khác, nó làm chứng cho một sự sống : không chỉ sự sống dẫn đến việc soạn thảo, mà sự sống là người mang và một cách nào đó, không ngừng được hiện tại hóa. Ở đây đụng đến điều mà những người kitô hữu gọi là Truyền thống, bởi đó sự sống này mà Kinh thánh công bố tiếp tục được khai triển trong lịch sử của thế giới, “đổ vào trong việc thực hành và trong cuộc sống”[16] của dân tộc những người tin. Cuộc sống này không ngừng được tỏ bày ra và trải dài sự hiệp thông của nó, một cách cụ thể, ngày hôm nay[17]. Vì vậy, khi chứng thực chân lý được loan báo bởi Kinh thánh, khi để cho tuôn chảy ra “cùng nguồn mạch” những gì, Truyền thống không có mục đích “Kinh thánh là duy nhất”[18]. Với truyền thống, Kinh thánh chỉ rõ hơn chính nó.
Sự không ngừng đưa đến sự sống, khi thiết lập Kinh thánh, đề cập đến Kinh Thánh, trở nên thông hiểu được thông qua tiêu chuẩn của Lời. Theo những thuật ngữ riêng của Dei Verbum, quả thực, “Truyền thống thánh và Kinh thánh thiết lập nên nơi gìn giữ duy nhất thánh thiêng của lời Chúa, được giao phó cho Giáo hội”[19]. Nên một lời, rất phong phú phải chăng, không bao giờ tự chỉ rõ chính nó nhưng đưa đến ít là điều mà nó loan báo.

Ở đây chắc chắn có sự độc đáo ấn tượng nhất của hiến chế Dei Verbum : trong viễn tượng này, ngay từ điểm xuất phát[20], không bao giờ xem Lời Chúa độc lập với Thiên Chúa đấng nói lên lời này. Nếu Lời này vang vọng trong tiếng của con người, chính vì nó nhắm đến để trở nên xác phàm ; nếu “những lời nói của Thiên Chúa” có thể được “trình bày nơi miệng lưỡi con người”, Dei Verbum nói, thì chính là những lời ấy “đã trở nên đồng dạng với ngôn ngữ con người, như Ngôi Lời của Chúa Cha hằng hữu, đã mặc lấy xác phàm yếu đuối của con người”[21]. Bằng phép loại suy với mầu nhiệm Nhập thể, một chìa khóa ba lần được trao cho chúng ta. Trước tiên, sự đa dạng của các ngôn ngữ không làm cản trở sự trung thành với Lời Chúa : Có bao nhiêu là ngôn ngữ của con người, thì có bấy nhiêu tiếng vọng, bấy nhiêu bản dịch diễn từ của Thiên Chúa duy nhất ; rồi đến, những từ ngữ khác nhau mà chúng cho chúng ta nghe được diễn từ này tất cả đều chỉ định Ngôi lời, Chúa Con duy nhất đấng vì chúng ta mà nhập thể ; cuối cùng Chúa Con, Ngôi Lời nơi ngài tóm lại toàn bộ Lời, Đức Giêsu Kitô, là đấng đã nói lên đầy đủ mầu nhiệm Thiên Chúa, trong cách mà “chính ngài là Mặc khải và chứa đựng mặc khải”[22]. Nơi ngài từ nay nối kết cách không thể chia lìa “Lời được nói lên cách vĩnh cửu trong cung lòng của Chúa Cha và Lời nói với con người qua các thế hệ, lời trước là để cho phép lời sau và lời sau, cũng để cho thấy lời đầu.”[23].

Vẫn còn lại một câu hỏi. Nếu Đức Kitô như Dei Verbum nói, “vừa là đấng trung gian và sự dư tràn của toàn thể Mặc khải”[24], làm thế nào chúng ta có thể, bởi lời của chúng ta, làm những người mang trung thành của Lời là chính Ngài ? Không dừng lại ở những chỉ dẫn khác nhau mà hiến chế cung cấp, chúng ta để cho hướng dẫn bằng lối loại suy mà chúng tôi sắp nhắc đến. Lời này, được truyển qua những bản văn, tuy nhiên lại không được thể hiện trong một cuốn sách : vì thế kitô giáo là một tôn giáo của Lời và không phải tôn giáo của sách vở, và vì thế nhắc lại Kinh thánh không đủ để có đức tin. Không : Lời Chúa được nói nơi Đấng Hằng sống, Đấng Hằng sống nói với chúng ta, bằng Kinh thánh và nơi Giáo hội của ngài. Thế nên, sự trung tín của chúng ta trước tiên không phụ thuộc vào những kiến thức mang tính học thuật, nhưng tùy thuộc vào sự chú ý của bản thân nơi sự lắng nghe. Đó chính là điều mà Dei Verbumtrình bày một cách tuyệt vời trong phần mở đầu của mình : “Dei Verbum religiose audiens et fidenter proclamans, Sacrosancta Synodis” : “Thánh Công đồng, trong khi lắng nghe một cách trang nghiêm, và tuyên xưng cách mạnh dạn Lời Chúa”[25]. Điều trước tiên mà các Nghị Phụ Công đồng tuyên bố để nói về lời của Chúa… đó là họ lắng nghe.

Rất tinh tế, cha de Lubac ghi nhận rằng, trong bản văn gốc trao cho các giám mục, hai từ đầu tiên, “DEI VERBUM” được viết trọn vẹn bằng chữ in hoa, điều này không cho phép giải quyết vấn đề để biết rằng chúng chỉ định diễn từ của Thiên Chúa hay chính Đức Kitô[26]. Nhưng phải vui mừng vì sự mơ hồ này : toàn bộ lời của Chúa dẫn đưa tới Đức Kitô, Đức Kitô người ban cho chúng ta, cách rõ ràng, được nói về Chúa và với Chúa. Đức Giêsu chính ngài nói về điều này trong các Tin Mừng : “[Điều răn] thứ nhất, đó là : Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng ta là Chúa duy nhất”[27]. Vì thế, để nói về điều đó với Dei Verbum, “nghiên cứu Thánh Kinh phải là linh hồn của Khoa Thần Học Thánh”[28] : vì chính bởi lắng nghe Ngôi Lời mặc lấy xác phàm mà thân xác chúng ta trở nên có khả năng, với sự trợ giúp của Thánh Thần, mang Lời. Như thế, bằng sự lắng nghe Lời và bằng sự đồng hóa của Ngài cho đến tận xác phàm của chúng ta, chúng ta học được cách trả lời lại sự kêu gọi mà Ngôi Lời đã ngỏ với chúng ta, để trở nên những nhân chứng, những người tiếp sức, “những tiền vệ công” của ngài. Theo câu nói của P. Claudel, “không đúng để nói rằng chúng ta tra cứu Kinh thánh. Chính xác hơn nhận biết rằng chính Kinh thánh tra vấn chúng ta và tìm cho mỗi người chúng ta, qua mọi thời và mọi thế hệ, câu hỏi thích hợp”[29].

Những đánh giá này ra như cho phép chúng ta cảm thấy bởi đâu Dei Verbum, vừa là tài liệu quan trọng cho sự hiểu biết về thần học, vừa cũng là bản văn lớn mang tính truyền giáo. Vì Lời mà nó gây nên trong Kinh thánh để chúng ta nghe và hiểu được Lời ấy thì ngày càng đưa chúng ta đi vào sự vận hành riêng của nó. Đó chính là điều mà Thầy Enzo Bianchi sắp trình bày với chúng ta. Tôi nói lên điều này, để kết thúc, vị Giáo Phụ La tinh đầu tiên mà chúng ta còn giữ trọn vẹn công trình chú giải Tin mừng của ngài, thánh Hilaire de Poitiers : “độc giả lý tưởng là người chờ đợi nơi những bản văn mà chúng cho người ấy ý nghĩa, thay vì áp đặt nghĩa cho chúng, chúng còn mang lại nhiều hơn là người ấy mang lại cho bản văn và không hề gây ngăn trở những bản văn này xuất hiện chứa đựng điều mà, ngay trước khi người ấy đọc, người ấy đã quyết định hiểu. [Thiên Chúa], cho chính mình, là chứng nhân thích hợp, duy nhất trong số có thể trao ban sự hiểu biết về chính mình. [Chúa, kêu gọi chúng ta, chính chúng ta] cũng, dự phần vào Thánh thần của các ngôn sứ cũng như các tông đồ, để chúng ta không hiểu những gì họ nói theo một nghĩa khác với nghĩa mà chúng được tuyên xưng […]. chúng ta đồng ý làm rõ những từ ngữ này, ánh sáng trong sự thông hiểu, phẩm giá trong những lời nói, sự trung thực trước sự thật. Và cho phép rằng chúng ta diễn tả điều chúng ta tin”[30].

***

Sự đổi mới được thực hiện bởi Hiến chế Dei Verbum

Thầy Enzo BIANCHI

Việc tái khám phá, mà công đồng Vatican II thực hiện, quy chế (statut) thần học của Kinh thánh và vị trí trung tâm của Kinh thánh trong Giáo hội – vì Kinh thánh có khả năng truyền tải Lời Chúa mà nó chứa đựng – được diễn giải nhiều nhất trong Hiến chế về Mặc khải, Dei Verbum. Bản văn này gán cho Kinh thánh vai trò thống nhất bốn lãnh vực mà chúng tạo nên sự sống của Giáo hội : trong phụng vụ, quả thực, Kinh thánh “làm vang vọng… tiếng của Chúa Thánh Thần” và, qua gián tiếp Kinh Thánh, Thiên Chúa “đến… đón trước con cái của ngài và trò chuyện với chúng”[31] ; giảng thuyết phải được “nuôi dưỡng và hướng dẫn bởi Kinh thánh”[32] ; thần học phải được đặt trên “Lời Chúa… như trên nền móng vĩnh cửu” và việc học hỏi kinh thánh phải là “như linh hồn của thần học”[33] ; cuối cùng đời sống hàng ngày của các tín hữu phải được ghi dấu bằng sự tiếp xúc thường xuyên đều đặn và trong việc cầu nguyện với Kinh thánh.[34]

Khi phóng thích Lời Chúa và làm cho Lời Chúa vang vọng cách mới mẻ sâu sắc, thông qua phụng vụ và giảng thuyết, giáo lý và suy tư thần học, Dei Verbum đã cho thấy khả năng của hiến chế khi ủng hộ sự đổi mới tin mừng cụ thể trong đời sống riêng tư và cộng đoàn công giáo. Hiến chế này đã biết làm thống nhất giữa Kinh thánh và Giáo hội ngay lời mở đầu của hiến chế, mà ý nghĩa của nó cũng có giá trị đối với những hiến chế công đồng khác, vì nó thông báo một cách nào đó chương trình của toàn bộ Công đồng. Ta đã có thể khẳng định với thẩm quyền rằng Dei Verbum “là thứ nhất của tất cả những hiến chế của Công đồng, theo cách mà lời mở đầu, một cách nào đó, dẫn nhập tất cả những bản văn khác”[35].

Lời mở đầu của Dei Verbum quả thực, ngay câu đầu tiên của hiến chế, bày tỏ sự mới mẻ mang tính cách mạng của hiến chế : “DEI VERBUM religiose audiens et fidenter proclamans, Sancrosancta Synodus verbis S. Joannis obsequitur dicentis…” (“khi lắng nghe cách trang nghiêm và tuyên xưng với sự chắc chắn Lời Chúa, thánh Công đồng tự mình nhắc lại lời của thánh Gioan…”). Trong bản văn này, Công đồng nói về chính mình, khi vén mở sự tự ý thức của mình và tự làm gương cho “dân tộc của những thính giả của Lời” (Karl Rahner) dân tộc được gọi tên là kitô giáo. Tính tập trung – rất mang tính Kinh thánh – của sự lắng nghe, mà nó làm nên đặc tính vị thế của Công đồng và của Giáo hội, canh tân một cách tập trung qua đó ta khẳng định rằng Giáo hội hiện hữu với tư cách người phục vụ của Lời Chúa, dưới Lời Chúa, trong động tác kép của sự lắng nghe và loan báo của Lời Chúa : “Chính như thế mà toàn bộ đời sống của Giáo hội được quy tụ lại trong việc lắng nghe này chỉ trong đó mới có thể bắt nguồn nơi mỗi người những hành vi của lời” (Joseph Ratzinger). Để làm ecclesia docens, Giáo hội phải là ecclesia audiens.

Mặt khác, trích dẫn của mở đầu của thư thứ nhất của thánh Gioan[36], ngay từ đầu của Dei Verbum, loan báo chủ đề chính và từ-khóa của Hiến chế này, như vậy là toàn bộ Công đồng : hiệp thông. Sự hiệp thông này nảy sinh từ sự truyền thông mà Thiên Chúa – Chúa Ba Ngôi[37], tức là Thiên Chúa là sự hiệp thông nơi chính hữu thể của ngài – thực hiện trong đời sống của ngài cho con người và tỏ hiện cách đầy đủ nơi Đức Kitô. Sự truyền thông này không mang tính học thuyết, nhưng là sự sống. Được tạo ra trong lịch sử, sự truyền thông này có Đức Ki-tô như hình thức và như trung tâm, có toàn thể thế giới này như người nhận và ơn cứu độ con người như mục đích. Chiều kích lịch sử và cứu độ của mặc khải này, chiều kích tập trung về Chúa Kitô, sự mở rộng theo chiều kích phổ quát của nó ở đây được nhắc đến một chút bằng một vài câu đủ để chỉ ra một sự đảo lộn viễn cảnh so với định hướng thần học, trật tự hộ giáo và lý luận, có trước đó.

Mối tương quan giữa Kinh thánh và Lời Chúa

Tính ưu việt của Lời Chúa và tính tập trung của sự lắng nghe mà Dei Verbum nhắc nhở Giáo hội bao hàm rằng ta quan niệm mối tương quan giữa Kinh thánh và Lời Chúa khi không xếp chồng lên hai thực tại này : Kinh thánh quả thực không phải ngay tức thì là Lời Chúa. Chính Kinh thánh làm chứng cho sự việc này rằng Lời Chúa là một thực tại vượt khỏi và siêu việt hơn Sách Thánh : đó là một thực tại “sống động và hiệu quả”[38], “toàn năng”[39], “vĩnh cửu”[40]. Lời Chúa là sự can thiệp sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại, đến nỗi mà thuật ngữ trong tiếng Do thái dabar mang nghĩa không chỉ là “lời nói”, mà còn là “lịch sử, biến cố, sự kiện”. Lời là một thực tại thần học : khi Thiên Chúa nói, ngài tự nói và cũng tự ban cho ; như thế Lời là sự mặc khải của Thiên Chúa, sự mặc khải này mang hình thức đầy đủ nơi dung mạo của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa người là Lời làm nên xác phàm[41], Lời cuối cùng của Thiên Chúa cho con người[42], mà nó kêu gọi con người đi vào trong giao ước với ngài.

Chúng ta có thể nói rằng Kinh thánh chứa đựng và thông truyền Lời Chúa, bên trong của một sự diễn dịch thiêng liêng, như hoa trái của sự hoạt động trong Thánh Thần và của chính Thánh Thần. “Kinh thánh chứa đựng Lời Chúa và, bởi vì được linh hứng, thực sự là Lời Chúa” (DV 24) ; nên, Kinh thánh “phải được đọc và diễn dịch dưới ánh sáng của chính Thánh Thần mà đấng đã khiến biên soạn nên kinh thánh”[43]. Lời Chúa, quả thực, không đóng kín một cách đơn thuần trong những trang giấy của một cuốn sách, dù là sách thánh hay đáng kính, nhưng nó được trải rộng trong lịch sử, được xác định nơi người anh em, nhất là nơi người nghèo, được nhận thấy qua các sự kiện lịch sử và đời sống, hiện diện trong bí tích, được minh chứng trong tình bác ái… Điều này nghĩa là lắng nghe Lời Chúa trong Kinh Thánh không trùng lắp, không hơn không kém, với việc đọc những câu chữ trong Kinh thánh. Điều chắc chắn duy nhất có thể giải thoát chúng ta khỏi cơn cám dỗ của việc đọc Kinh thánh mang tính chính thống bảo thủ (fondamentaliste).

Phụng vụ

Dei Verbum nhấn mạnh rằng “nhất là chính trong phụng vụ thánh” mà Giáo hội nuôi dưỡng nhiệm thể của Chúa khi lắng nghe lời của ngài và hiệp thông thánh thể. Chính trong phụng vụ mà nổi bật lên mối quan hệ hỗ tương giữa Sách thánh và Dân Chúa, và chính từ đó nảy sinh sự đối thoại của giao ước và công trình đón nhận Kinh thánh. Hay đúng hơn, sự đón nhận này được tạo ra trong cộng đoàn được tập hợp lại nơi cộng đoàn phụng vụ. Vì điều đó nêu bật lên trong bản văn Lc 4, 16 -21, mỗi khi mà Lời Chúa được công bố trong phụng vụ, bản văn Kinh thánh (“đoạn Kinh thánh này” : Lc 4, 21) được đọc và công bố như lời sống động cho ngày hôm nay (“hôm nay” : Lc 4, 21) cho một cộng đoàn cụ thể tập trung lại thành cử tọa (“với đôi tai của cự tọa” : Lc 4, 21): chính cộng đoàn được tập hợp lại nhờ Lời Chúa, cộng đoàn lắng nghe này, ekklesía.

Trong cộng đoàn phụng vụ, một người đọc sống (lecteur vivant) ngày hôm nay cung cấp thân thể cho cuốn sách mà nó có thể như thế vang động như một lời đầy ý nghĩa ngày hôm nay cho cộng đoàn cụ thể. Người đọc sách mở cuốn sách ra với đôi tay của mình, nhìn bản văn bằng đôi mắt của mình, đọc Kinh thánh (Écriture) bằng miệng lưỡi của người ấy và cho sách mượn giọng nói của mình : bản văn được viết trên giấy như thế ngày hôm nay đã sống lại bằng lời nói sống động. Tiến trình này mang tính thánh thần học (pneumatique), đó chính là hoạt động của Thánh Thần, như ngài đã chủ trì hoạt động mà hoạt động này đã làm nên Lời từ một cuốn sách, từ nay sẽ chủ trì, trong phụng vụ, việc làm biến đổi bản văn viết trên giấy thành Lời (“Thánh Thần Chúa ngự trên tôi” : Lc 4, 18). Quả thực, chính nhờ hoạt động sống động của Thánh Thần mà Lời Chúa có thể vang vọng giữa lòng cử tọa tập hợp lại và trở nên nền tảng của hành động phụng vụ.

Trong phung vụ, và đặc biệt trong phụng vụ cử hành thánh thể, đã diễn ra sự phục sinh của Kinh thánh bẳng chữ viết (Écriture) thành Lời, theo cách mà việc đọc Kinh thánh trong bối cảnh phụng vụ nghĩa là hòa nhập vào trong sự vận động của mầu nhiệm phục sinh (dynamique pascale). Cộng đoàn phụng vụ, nhờ Thánh Thần, lắng nghe Đức Kitô người nói “vì chính ngài nói trong khi ta đọc Kinh thánh trong nhà thờ”[44], cộng đoàn đặt mình vào trong sự hiện diện của “Đức Kitô đấng vẫn còn loan báo Tin Mừng”[45], cộng đoàn cho phép Thiên Chúa đi vào trong giao ước với dân của ngài, nó thực hiện sự ngang qua của Chúa giữa dân của ngài.

Kinh thánh và phụng vụ đồng quy về một mối duy nhất hệ tại việc đưa dân đến cuộc đối thoại này với Chúa người là cùng đích sâu thẳm của Lời Chúa. Lời này phát xuất từ miệng Thiên Chúa và được Kinh thánh làm chứng cho, đã trở lại cùng Thiên Chúa dưới hình thức của câu trả lời cầu xin của dân Chúa[46]: vì lý do này, giữa lòng Kinh Thánh, ta tìm thấy các Thánh Vịnh, nó diễn tả, trong phụng tự (culte) và trong phụng vụ, câu trả lời của dân Chúa cho việc làm của Chúa trong lịch sử. Tính năng động tột bậc của phụng vụ là tính năng động của một cuộc đối thoại : Thiên Chúa triệu tập dân người. Việc đọc Kinh Thánh nhắc đến những cuộc can thiệp mang tính cứu độ của Thiên Chúa trong lịch sử. Cộng đoàn đáp trả bằng việc tạ ơn và nhắc lại lòng nhân hậu của Chúa Cha. Như Lời hướng đến phụng vụ, thì cũng xảy ra như thế, trong phụng vụ, sự tái sinh của Lời mà nó tỏ ra sống động, hiện tại, hiệu quả, khi dẫn đưa dân đến với giao ước. Cấu trúc đối thoại của phụng vụ gặp gỡ mục đích đối thoại của Kinh thánh.

Lectio divina

Hiến chế về Mặc khải khẳng định rằng Lời Chúa là “nguồn mạch thuần khiết và thường xuyên của đời sống tâm linh”[47] và để kín múc nguồn mạch đó phải “siêng năng đọc” Kinh thánh (assidua lectio : DV 25), khi nhắm đến không phải sự uyên bác, cho bằng “sự hiểu biết cao siêu của Đức Giêsu Kitô”[48] và “tình yêu của Thiên Chúa”[49]. Thực sự, Dei Verbum thúc đẩy lại việc thực hành cổ xưa lectio divina, việc đọc Kinh thánh này mà nó trở thành việc vén mở của một Sự Hiện diện và biện phân của dung mạo Đức Kitô, quả thực “hiện diện tron Lời của ngài”[50].

Trong lectio divina, người tin đọc những lời Kinh thành để lắng nghe Lời Chúa. Việc đọc của người ấy trở nên từ đó việc đọc chính mình cho phép hiểu được cách đổi mới xuất phát từ ánh sáng đến từ bản văn, từ dung mạo của Đức Kitô đấng ngập tràn trong những trang sách thánh. Khi đọc, người tin cảm nhận chính mình đọc ; người ấy tái hiện kinh nghiệm của Davit người được nghe nói bởi ngôn sứ Nathan : “Con người này, chính ngài !”[51] ; vâng, chính từ ngài mà được nói đến, ta nói về ngài. Việc đọc này cũng thiết lập trái tim và điều cốt yếu của sự khổ hạnh và của kỷ luật của người tin : nó đòi hỏi sự thinh lặng, sự cô tịch, sự tập trung, sự làm việc nội tâm (travail intérieur), sự suy tư, sự chú ý, mà còn cả sự ra khỏi chính mình và mở lòng ra cho Đấng Khác. Việc đọc này trở nên linh hồn của đời sống tâm linh : cũng như cách mà ta liên quan với bản văn Kinh thánh, cũng như ta liên quan tới khuôn mặt của người khác, với những sự việc của đời sống, với những biến cố của Giáo hội và của lịch sử.

Bốn khoảnh khắc kinh điển của lectio divina (nên biết : lectio, mediatio, oratio và contemplatio) có thể về căn bản được tổng hợp trong hai sự vận hành căn bản : thứ nhất, khách quan hơn, trong đó ta để cho chìm đắm bản văn trong tính khác biệt (altérité) của nó. Thứ hai, chủ quan hơn, trong đó tính chủ thể của độc giả đi vào trong mối tương quan với lời được lắng nghe, để cho phán xét, an ủi, định hướng và trả lời bằng cầu nguyện. Đây là cấu trúc cốt yếu của lection divina. Trong thời thứ nhất, ta có thể cũng đưa vào sự học hỏi, sự đào sâu ý nghĩa của bản văn, việc dùng đến một số công cụ chú giải hay một số bài chú giải, để hiểu rõ hơn điều bản văn muốn nói. Tuy nhiên không nên quên là điều mà bản văn thực sự mang lại hoa trái là nỗ lực cá nhân, việc nghiên cứu của cá nhân. Những  sự vận hành mà lectio divina đòi hỏi việc đọc là chính những gì mà chúng tạo nên đặc tính của mối tương quan với người khác : tính khác biệt (altérité) của bản văn (khoảng cách văn hóa chia cắt giữa chúng ta với bản văn) và tính khác biệt của người khác phải được nhắc đến cách nghiêm túc và gọi công việc thích hợp. Đối diện với một người khác, cũng nói đến trước hết về sự lắng nghe, quan sát, nhường chỗ cho người ấy để người ấy có thể trình bày và bày tỏ về người ấy là ai. Đó là nói đến sự thực hành sự tôn trọng và sự thông hiểu để có thể tiếp đó cư xử cách đúng đắn, trả lời và chú tâm vào người ấy.

Đọc Kinh thánh trở thành sự lắng nghe Lời Chúa nhờ đức tin, tiêu chuẩn thực sự của việc diễn giải  Kinh thánh, mà chúng vốn được soạn thảo và sáng tác xuất phát từ niềm tin vào Thiên Chúa đấng hoạt động trên thế giới, đấng can thiệp trong lịch sử và đấng mặc khải dung mạo cuối cùng nơi Đức Kitô. Đức tin này dẫn độc giả đến một sự lắng nghe riêng tư và mang tính chiêm niệm. Nó được biến đổi cách chắc chắn rằng Chúa nói với tôi về tôi, ngày hôm nay, thông qua trang Kinh thánh này. Việc đọc này diễn ra trong bối cảnh của cầu nguyện : “Cầu nguyện phải đi đôi với việc đọc Kinh thánh, để tạo nên một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người”[52]. Cần phải nói đến việc bắt đầu việc đọc bằng một sự khần cầu đến Chúa Thánh Thần và kết thúc bằng lời cầu nguyện theo khuôn mẫu của việc lắng nghe Lời.

Tiêu chuẩn quan trọng cho việc đồng hóa Lời Chúa chứa đựng trong Kinh thánh là việc đọc Kinh thánh phải hướng đến hành động, đến việc thực hành. Kinh thánh được hiểu theo cách ta sống, theo cách ta đưa vào thực hành. Hơn nữa, chính kinh nghiệm sống (dù tốt, dù xấu) có thể giúp hiểu kinh thánh. Gioan Cassiano đã viết : “Kinh thánh của Chúa được khám phá cho chúng ta còn rõ ràng hơn nữa, và cách nào đó chính trái tim và cốt tủy của chúng được tỏ bày cho chúng ta khi kinh nghiệm của chúng ta, không chỉ cho phép mình biết về chúng, mà thực sự chúng ta được báo trước chính sự hiểu biết này, và ý nghĩa của từ ngữ không được khám phá qua một vài giải thích, mà bởi kinh nghiệm sống mà chúng ta từng trải nghiệm qua”[53]. Lectio divina tạo ra mối tương quan đối thoại giữa Kinh thánh và người đọc mà người ấy khai thông trên sự trao đổi sống giữa cuộc sống mà bản văn Kinh thánh làm chứng và cuộc sống của người đọc.

Lời được linh hứng và linh hứng

Sức mạnh canh tân và cải cách mà chúng tạo nên đặc tính cho thái độ mà với thái độ này Giáo hội đặt vị thế một cách có ý thức dưới thẩm quyền vĩnh cửu của Lời Chúa, trong vị thế của người phục vụ Thiên Chúa[54], được liên hệ với việc mà việc lắng nghe Lờiđón nhận Thần Khí được gắn bó với nhau không thể tách rời. Diễn dịch Kinh thánh trong chính Thần Khí đã hướng dẫn việc viết ra văn bản thực sự có nghĩa là làm sống lại nơi nó Thần khí này. Ta hiểu thực sự bản văn kinh thánh khi hành động của Thánh thần đấng ở trong nguồn gốc của việc biên soạn được cảm nhận và đổi mới trong người đọc và người ấy diễn dịch bản văn, và trên hết trong cộng đoàn giáo hội, người nhận đầu tiên nhiệm vụ diễn dịch Kinh thánh này. Và như hoạt động của Thánh Thần làm cho lời kinh thánh thành lời mà qua lời đó chính Thiên Chúa tự nói, cũng như Thánh Thần gầy nên trong lòng người nhận khả năng tự nói trước Lời. Nguyên tắc của sự hạ cố này (condescensio, synkatábasis) của Thiên Chúa, mà Dei Verbum đã nhấn mạnh nhiều lần, tức là việc Thiên Chúa tự nói một cách khiêm hạ thông qua “ngôn ngữ con người”[55], gây nên khả năng, mà đến phiên khiêm hạ của mình, con người tự nói trước Lời Chúa được lắng nghe trong lời nói của con người : quả thực nếu điều mà một người khác nói có thể được đo lường, thì điều mà người ấy nói về chính mình chỉ có thể được đón nhận. Nói khác đi, Lời Chúa gây nên tính chủ thể của con người; một cách tương tự, chứng từ mà những kitô hữu và các Giáo hội làm chứng về Lời Chúa, thì khả năng của họ khi nói trước Lời Chúa, trong sự đồng hành với con người, gây nên tới phiên mình sự tự do và tính chủ thể của con người mà với nó họ nói với.

Đối thoại mà Lời Chúa chứa đựng trong Kinh thánh hướng đến việc gây nên với người tin cũng trở nên đối thoại được dệt nên hàng ngày bởi những người kitô hữu với mọi người, trong việc thực hành được gợi hứng bởi “sự dịu dàng và sự tôn trọng”[56]. Hiến chế Dei Verbum cũng dạy phải thực hiện sự hiệp nhất giữa việc đọc Kinh thánh với cuộc sống, giữa lắng nghe Lời Chúa và chứng tá của những người tin trong lịch sử.

 

[1]  Ngày 19/11/1962, một tháng sau khi khai mạc Công đồng, những ý kiến đối lập về lộ trình giải quyết vấn đề Mặc khải được kết tinh lại đến nỗi mà, thay vì đặt câu hỏi kinh điển “Quí vị có chấp thuận lộ trình này để việc bàn thảo tiếp tục trên cơ sở của bản văn này hay không ?”, ở đó có đủ một phần ba các Nghị Phụ bày tỏ sự chống đối của họ để loại bỏ tài liệu của Roma, hội đồng chủ tọa của Công đồng đã chọn lựa cách thận trọng để đặt câu hỏi ngược lại : “Quí vị có chấp thuận chuyển lộ trình này cho ủy ban để xem xét lại hay không ?”, trong đó chỉ một phần ba số phiếu xem xét đến tài liệu tránh cho nó trở ngại của việc phải viết lại. Nên, với sự bất ngờ chung, việc bỏ phiếu hôm 20/11 cho 1368 Nghị Phụ thuận cho việc cắt đứt, 822 thuận cho việc tiếp tục. Ngay cả khi một cách hợp pháp việc bản thảo có thể tiếp tục (phải có hơn 1473 phiếu chống để ngăn chặn), thì Công đồng rơi de facto (thực tế) vào ngõ cụt. Để ra khỏi, Đức Gioan XXIII ngay hôm sau đã thiết lập bởi thẩm quyền riêng của mình một Ủy ban hỗn hợp, nhóm hạn chế được thành lập từ những người có lập trường rất khác nhau, nhằm bày tỏ ý kiến về lộ trình được bàn cãi này và về việc biên soạn lại cách hiển nhiên của bản văn. xc. Chẳng hạn G. ALBERIGO (Dir.), Histoire du concile Vatican II. 1959 – 1965. La formation de la conscience conciliaire. La première session et la première intersession (octobre 1962 – septembre 1963), Paris-Louvain 1998, 300-316, hay B.-D. DUPUY, “Histoire de la Constitution”, trong La Révélation divine, I. Unam Sanctam 70a, Paris 1968, 79-81.
[2]     Ngày 17/10/1965, vài tuần sau khi kết thúc phiên cuối cùng của Công đồng, Đức Phaolô VI phải chính tay ngài viết ra một chỉ thị nhằm mở nút cho những vướng mắc từ cuộc tranh cãi này.
[3]     H. de LUBAC, La Révélation divine, Paris 1983, tr.169 (cũng x. Œuvres complètes IV, Paris 2006, tr. 209).
[4]     Ngày 18/11/1965.
[5]     xc. chẳng hạn JEAN-PAUL II, Dicours du 23 avril 1993 aux cardinaux et à la Commission biblique pontificale, DC 90 (1993) 503-508, §§3-4.
[6]     Tổng giám mục Florence (bản văn có lẽ là của cha Betti) : xc. G. ALBERIGO (dir.), Histoire du concile Vatican II. 1959-1965. V. Concile de transition. La quartième session et la conclusion du concile (septembre-decembre 1965), Paris/Louvain 2005, 410-411.
[7]     xc. Dei Verbum (từ đây trở đi gọi tắt là DV) 2-4.
[8]     xc. DV 14.
[9]     xc. DV 17-20.
[10]    xc. DV 11. 26. Điều này tiếp sau hiến chế về quy điển : xc. DV. 8.
[11]    xc. DV 12.
[12]    xc. IRENEE de LYON, Adversus Haereses II, 283.
[13]    xc. DV 7 (trích Irénée de Lyon, Adversus Haereses III 3, 1). 10.
[14]    xc. DV 11-13 (chương III). Cũng xc. Commission Biblique Pontificale, L”interprétation de la Bible dans l”Église, DC 91 (1994), 13-44.
[15]    xc. DV 12. cf. suy tư của Grégoire le Grand, Moralia in Job XX, 1 (“Scriptura sacra […] aliquo modo cum legentibus crescit” : PL 76, 135) hay In Ezechienlem I, 7 (“Et quia unusquisque sanctorum quanto ipse in Scriptura sacra profecerit, tanto haec eadem Scriptura sacra proficit apud ipsum” : PL 76, 843 ; “dicta sacri eloquii cum legentium spiritu excrescunt” : PL 76, 846) : Những bình giảng được làm sáng tỏ trong P.C. BORI, L”interprétation infinie, Paris 1991 và H. de LUBAC, Exégèse médiévale. Première partie. Tome II, Paris 1959, 652-656.
[16]    DV 8.
[17]    cf. DV 1 và 2.
[18]    DV 9.
[19]    DV 10.
[20]    Ngay từ DV 1 (cf. infra) , cf. chẳng hạn Ga 3, 34 trích trong DV 4.
[21]    Dv 13
[22]    Diễn văn tại Công đồng của đức giám mục Zougrana, tổng giám mục Ouagadougou, được trích dẫn bởi Henri de LUBAC, Entretien autour de Vatican II, Paris 1985.
[23]    H. de LUBAC, L”Écriture dans la Tradition, Paris 1966, 237.
[24]    DV 2.
[25]    DV 1.
[26]    cf. H. de LUBAC, La Révélation divine, Paris 1983³, 23 (= Œuvres complètes IV., 49-50).
[27]    Mc 12, 29.
[28]    DV 24.
[29]    P. CLAUDEL, “L”Écriture sainte”, La Vie intellectuelle (mai 1948) 8 ; được trích trong H. de LUBAC, L”Écriture dans la Tradition, Paris 1966, 99.
[30]    HILAIRE DE POITIERS, De Trinitate I, 18. 38 : “Optimus enim lector est, qui dictorum intelligentiam expectet ex potius quam inponat, et retulerit magis quam adtulerit, neque cogat id uideri dictis contineri quod ante lectionem praesumpserit intellegendum. […] Idoneus enim sibi testis est [Deus], qui nisi per se cognitus non est. [Expectamus, Domine, ut nos] ad consortium uel prophetalis uel apostolici Spiritus voces, ut dicta eorum non alio quam ipsi locuti sunt sensu adpraehendamus […]. Tribue ergo nobis uerborum significationem, intelligentiae lumen, dictorum honorem, ueritatis fidem. Et praesta ut quod credimus et loquamur”. Chúng tôi dựa theo bản dịch của G. M. de DURAND – Ch. MOREL – G. PELLAND, trong SC 443, Paris 1999, 241. 273.
[31]    DV 21.
[32]    DV 21.
[33]    DV 24.
[34]    cf. DV 25.
[35]    AS IV/1 relatio n°1
[36]    1 Ga 1, 2-3.
[37]    cf. DV 2.
[38]    Is 55, 10-11 ; Dt 4, 12-13.
[39]    Kn 18, 15.
[40]    Is 40, 8 ; 1 Pr 1, 25.
[41]    cf. Ga 1, 14.
[42]    cf. Dt 1,2.
[43]    DV 12.
[44]    SC 7.
[45]    SC 33.
[46]    cf. Is 55, 10-11.
[47]    DV 21.
[48]    DV 25.
[49]    DV 23.
[50]    SC 7.
[51]    2 Sm 12, 7.
[52]    DV 25.
[53]    Conférences X, 11.
[54]    xc. Lc 1, 38.
[55]    DV 13.
[56]    1 Pr 3, 13.