Nhập Thể Gợi Lên Hình Ảnh Và Thái Độ Cho Việc Hội Nhập Văn Hóa

0
441


Giuse Nguyễn Văn Phương, O.P.

 

 

Maria sinh con đầu lòng. Bà bọc con trong tã và đặt con trong máng cỏ” (Lc 2,7). Đó là hoàn cảnh chào đời và đầu đời của Ngôi Lời (được bọc trong tã, được đặt trong máng cỏ). “Ông Giuse người Arimatheo bọc Đức Giêsu vào trong tấm vải, và đặt người trong mộ đá đục sẵn trong núi đá, nơi chưa chôn cất ai bao giờ” (Lc 23,53). Đó là thực cảnh cuối đời của Con Thiên Chúa mặc lấy xác phàm (bọc trong tấm vải và đặt người trong mộ đá đục sẵn trong núi đá). Và một khi đã từ trời xuống thế, suốt cả cuộc đời, Ngôi Lời mặc lấy xác phàm và ở giữa nhân gian… mọi ngày cho đến tận thế. Quyền năng của Thiên Chúa bộc lộ thế đấy! Sức mạnh của Thiên Chúa biểu lộ vậy đó. Và Tình yêu của Thiên Chúa là như thế đấy!

Ngày nay, Giáo Hội rất chú trọng đến việc hội nhập Tin Mừng vào các nền văn hóa. Đã có rất nhiều các nghiên cứu, suy tư cho tiến trình hội nhập văn hóa. Ngay tại Việt Nam cũng có nhiều các cuộc hội thảo về hội nhập Tin Mừng vào văn hóa. Đó là tín hiệu đáng mừng cho công cuộc hóa Tin Mừng. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa chưa có một nguyên tắc, hay một chỉ dẫn chung cho hội nhập, và có lẽ khó có thể đưa ra một nguyên tắc chung cho công việc phong phú và phức tạp này. Vậy làm thế nào cho tiến trình hội nhập có hiệu quả? Vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Chắc hản Giáo Hội sẽ tìm nhiều phương pháp và sử dụng nhiều nguồn mạch và kinh nghiệm khác nhau. Cùng trăn trở về vấn đề này, người viết muốn trở về cội nguồn của sự hội nhập là Đức Giêsu: Nhập thể và hội nhập văn hóa của Người, để từ đó có thể khám phá ra điều gì đó cho tiến trình hội nhập văn hóa.

I. NHẬP THỂ: LÀM MỘT CON NGƯỜI

“Ngôi Lời đã trở nên người phàm” (Ga 1,14a).

Trước hết chúng ra cùng tìm hiểu khái niệm Nhập Thể. Nhập thể có nghĩa là vào trong thể xác. Mầu nhiệm Ngôi Hai con Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm, trở nên một con người, và Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể. Đó là Chúa Giêsu Kitô, nơi Ngài, hai bản tính: nhân tính (gồm có thể xác và linh hồn) kết hợp với thiên tính trong một ngôi vị.[1] Như thế, Đức Giêsu thật sự làm người mà vẫn thật sự là Thiên Chúa.

Trong kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng rằng; “Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người”. Sau khi loài người sa ngã, mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa bị rạn nứt, con người không còn được hưởng những đặc ân Chúa ban, lòng trí ra yếu đuối tối tăm phải đau khổ và phải chết. Tuy nhiên, Thiên Chúa không bỏ rơi con người, Ngài đã hứa ban Đấng Cứu Thế để chuộc lại những lầm lỗi mà nguyên tổ đã đánh mất. Do đó, Ngôi Lời đã làm người để cứu độ con người, bằng cách giao hòa con người với Thiên Chúa. Ngôi Lời đã làm người để giúp chúng ta nhận ra tình thương của Thiên Chúa. Ngôi Lời đã làm người để trở thành mẫu mực cho chúng ta. Ngôi Lời đã làm người để chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa.[2]

Như vậy, vì tình thương yêu, Con Thiên Chúa đã nhập thể làm người để cứu độ loài người. Và từ địa là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu đã chấp nhận làm một con người như bao người, sống trong một không gian và thời gian cụ thể. Đức Giêsu cũng phải ở trong một gia đình, một làng quê và một môi trường văn hóa nhất định. Nói cách khác, Đức Giêsu cũng phải bước vào hội nhập với một nền văn hóa cụ thể của nhân loại.

II. NHẬP THỂ: HỘI NHẬP VÀO VĂN HÓA CỦA CON NGƯỜI

“Và (Ngôi Lời) cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14b).

Đức Giêsu đã hội nhập vào văn hóa của con người như thế nào? Trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu hội nhập văn hóa là gì? Hội nhập văn hóa là một tiến trình tích hợp hay hóa thân, tức là sự đón nhận của văn hóa bản địa đối với những yếu tố mới của nền văn hóa khác vào trong văn hóa của mình.[3] Theo định nghĩa này, ta có thể hiểu rằng, Đức Giêsu dù là Con Thiên Chúa, nhưng khi nhập thể vào trần gian, Ngài cũng đón nhận những giá trị văn hóa của trần gian, cụ thể là Đức Giêsu làm một con người, kế tục các giá trị văn hóa Do Thái giáo.

Chương đầu Tin Mừng theo thánh Gioan, tác giả viết: “Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14). Câu Kinh Thánh này nói lên mối liên hệ giữa một con người là Đức Giêsu và một nền văn hóa Do Thái giáo. Theo nghĩa lịch sử, Đức Giêsu từ dòng dõi David, có cha mẹ là Đức Maria và thánh Giuse, thuộc nam giới, nói tiếng Aram và có suy nghĩ theo não trạng Semite như những người Do Thái đương thời. Cũng như bao người khác, Đức Giêsu lớn lên theo quy luật tự nhiên về mọi mặt tâm lý, sinh lý và thể lý. Ngài cũng phải trải qua những cảm xúc vui buồn, đau khổ và hạnh phúc,… Đức Giêsu cũng có một nghề nghiệp và kế thừa những phong tục tập quán của thời đại mình. Tất cả những điều đó cho ta thấy, Đức Giêsu đã mang trọn thân phận con người và chia sẻ kiếp người đến tột độ: trở nên như không và rất mực khiêm tốn, trở nên giống anh em mình về mọi phương diện.[4]

Bằng việc trở nên một con người cụ thể, Đức Giêsu hoàn toàn tự do chấp nhận chính bản thân Ngài cho một tiến trình thích nghi văn hóa. Sinh ra trong một gia đình Nazareth và lớn lên trong một nền văn hóa Do Thái giáo, Đức Giêsu chấp nhận các chuẩn mực văn hóa của gia đình và xã hội. Thông thường, cha mẹ thuộc nền văn hóa nào sẽ dạy con cái mình nói năng, cư xử, hành động một cách thích hợp theo những tiêu chuẩn của nền văn hóa đó. Tiến trình lưu truyền văn hóa từ ngày này qua ngày khác, làm cho đứa trẻ quen thuộc với nền văn hóa của mình. Trong tiến trình đó, không phải là bản thân đứa trẻ mà chính là nền văn hóa đã nắn đúc đứa trẻ để trở thành người điển hình cho nền văn hóa ấy. Sự nhập thể của Đức Giêsu cũng không nằm ngoài tiến trình đó. Môi trường gia đình Nazareth và văn hóa Do Thái đã truyền lại cho Đức Giêsu cách cư xử thích hợp với nến văn hóa đương thời.

Đã hẳn, mục đích của việc Nhập Thể là để cứu chuộc loài người. Nhưng việc Nhập Thể của Đức Giêsu lại gợi lên những hình ảnh đẹp về hội nhập văn hóa; thái độ sống của Đức Giêsu ở trần gian lại là thái độ cần có cho những người muốn bước vào tiến trình hội nhập văn hóa.

III. NHẬP THỂ: GỢI LÊN HÌNH ẢNH HỘI NHẬP VĂN HÓA

“Maria sinh con đầu lòng. Bà bọc con trong tã và đặt con trong máng cỏ” (Lc 2,7).

Câu Kinh Thánh gợi cho chúng ta nhớ đến Ngày Con Thiên Chúa chào đời, và được Người được dưỡng nuôi dưỡng từ chính con người. Động từ “Bọc” là hành động văn hóa đầu tiên đánh dấu Đức Giêsu bước vào cuộc sống trần gian. Bọc đứa trẻ trong khăn là một hành động văn hóa. Việc làm này không phải là cách thức âu yếm, chăm sóc con cách độc đáo của Đức Maria, cũng không phải là cách làm của các bà mẹ thuộc các gia đình quý phái hay nghèo nàn, mà các bà mẹ trong cùng một nền văn hóa đều làm như vậy. Mỗi nền văn hóa có cách thức bọc con trẻ khác nhau. Đức Maria “bọc con trong tã” không phải là một hành động máy móc, mà là hành động của tình mẫu tử, bọc con trong khăn là bao bọc tình yêu của người Mẹ dành cho con. Chính tình yêu ấy sẽ đúc nắn nên nhân cách con trẻ và giúp con trẻ hòa nhập vào nền văn hóa.[5] Hành động bọc con trẻ và hàng loạt các hành động khác giúp cho trẻ Giêsu quen thuộc với nền văn hóa.

Những hình ảnh này giúp chúng ta liên tưởng: nếu như cử chỉ thân thương ban đầu – bọc con trong tã, cùng một loạt các hành động khác của văn hóa Do Thái, làm cho Đức Giêsu trở nên quen thuộc với nền văn hóa nơi Ngài sinh hạ, thì những người thuộc các nền văn hóa khác nhau, qua Tin Mừng, đều có thể tạo cho Đức Giêsu trở nên quen thuộc với nền văn hóa của họ. Chẳng hạn như lễ Giáng sinh, mỗi nơi thuộc các nền văn hóa khác nhau có thể tổ chức, trang trí, làm hang đá, làm hoạt cảnh,… theo sắc thái văn hóa của mình, thì đó cũng là một trong những cách thức bề ngoài để cho Chúa Giêsu quen thuộc với nền văn hóa ấy… Nếu xưa kia, Đức Giêsu đã chấp nhận bước vào một nền văn hóa, thì ngày nay, Ngài cũng sẵn sàng chấp nhận bước vào các nền văn hóa với những cách thức diễn tả niềm tin khác nhau, ngõ hầu sứ điệp Tin Mừng của Ngài được mở rộng. Nhưng điều quan trọng là con người có để cho Đức Giêsu được làm quen với nền văn hóa của họ hay không?

“Ông Giuse người Arimatheo bọc Đức Giêsu vào trong tấm vải, và đặt người trong mộ đá đục sẵn trong núi đã, nơi chưa chôn cất ai bao giờ” (Lc 23,53).

Động từ “bọc” bây gờ lại nằm trong bối cảnh khác: không còn là bọc trong tình thân thương trìu mến – trao gửi tình thương, mà là bọc trong tình thương tiếc ngậm ngùi – giữ lại tình thương. Đây là hành động cuối cùng được thể hiện nơi cuộc đời Đức Giêsu. Thế nhưng khi Phục sinh, Đức Giêsu đã để lại khăn niệm, rời khỏi lầm mồ, và nói: “Đừng giữ Thầy” (Ga 20,17). Hình ảnh này cho phép ta suy nghĩ rằng, hội nhập không có nghĩa là chúng ta giữ Chúa Giêsu, bao bọc Chúa Giêsu trong cách diễn tả niềm tin của chúng ta, hay lấy cách diễn tả của chúng ta làm chuẩn mực. Hội nhập văn hóa phải là một tiến trình năng động:[6] tùy theo đối tượng, hoàn cảnh môi trường văn hóa. Nhưng sự năng động đó cần có sự chọn lựa: “cái gì là tốt nhất” (Pl 1,10), và phải có lập trường: “Đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì có thể chấp nhận, và cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2). Hơn nữa, sự năng động đó cần phải lấy chính Đức Giêsu làm trung tâm cho tiến trình. Tức là, mỗi nền văn hóa có thể có những cách diễn tả đức tin khác nhau, nhưng việc diễn tả niềm tin theo văn hóa địa phương phải quy về đời sống, sự đau khổ, cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô.

Hình ảnh “bọc” trong khăn hay trong vải đánh dấu việc Đức Giêsu chính thức bước vào cuộc sống trần gian và kết thúc cuộc sống trần gian, hoàn tất sứ vụ cứu độ. Nhưng hình ảnh này lại mở ra cho chúng ta một ý nghĩa mới cho hội nhập văn hóa. Nền văn hóa Do Thái không phải là nơi duy nhất để Đức Giêsu sinh hạ, mà các nền văn hóa đều có thể là nơi để Đức Giêsu nhập thể, nếu những con người thuộc các nền văn hóa đó, qua Tin Mừng, sẵn sàng để cho Đức Giêsu trở nên quen thuộc với nền văn hóa của họ, để rồi, họ cũng có thể diễn tả niềm tin theo văn hóa của mình. Tuy nhiên, việc diễn tả niềm tin không phải theo hứng khởi nhất thời, cũng không lấy cách diễn tả của mình làm khuân mẫu, mà là lấy Đức Giêsu làm trung tâm cho tiến trình.

IV. NHẬP THỂ: CHO MỘT THÁI ĐỘ HỘI NHẬP VĂN HÓA

Nếu như việc Nhập Thể của Đức Giêsu gợi lên cho ta một hình ảnh sống động về hội nhập văn hóa, thì đời sống và lời giảng dạy của Người lại cho ta một thái độ sống cho tiến trình hội nhập Tin Mừng vào văn hóa.

1. Tình yêu

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Việc nhập thể của Đức Giêsu đã nói lên tình yêu mà Thiên Chúa đã ban cho con người. Và khi sống Mầu Nhiệp Nhập Thể, Đức Giêsu đã cụ thể hoá tình yêu của Thiên Chúa. Loan báo Tin Mừng cứu độ là sứ vụ quan trọng nhất của Đức Giêsu. Cho nên, Người đã tận dụng mọi hoàn cảnh, không gian và thời gian để đem Tin Mừng ấy cho mọi người, và Ngài cũng truyền cho các môn đệ tiếp tục thực hiện sứ vụ này.[7] Không chỉ loan báo Tin Mừng cứu độ, Đức Giêsu còn chữa trị nỗi đau của con người về thể xác và tinh thần, chẳng hạn, Đức Giêsu đã chữa những kẻ đau ốm, những người mắc các bệnh hoạn tật nguyền, trừ quỷ, cho kẻ chết sống lại,…[8] Tất cả những việc Đức Giêsu làm là để tỏ lộ tình yêu của Thiên Chúa, và hướng con người đến với Tình Yêu ấy.

Người làm công tác hội nhập có thể lấy việc tỏ lộ tình yêu làm thái độ sống cho việc hội nhập văn hóa của mình. Jean Vanier, người thành lập Mái ấm tình thương cho những người khuyết tật đã diễn tả tình yêu như là “tỏ lộ cho người khác về vẻ đẹp của mình”.[9] Vẻ đẹp của người rao giảng Tin Mừng không phải là những lời giảng hấp dẫn, thái độ gần gũi, mà cái chính là tỏ lộ lòng thương xót của Thiên Chúa mà họ đã cảm nhận được, rồi trình bày tình thương yêu ấy qua cuộc sống của họ. Tỏ lộ vẻ đẹp của Thiên Chúa, ấy là làm điều Đức Giêsu đã dạy: yêu người như Chúa yêu mình. Bằng tình yêu thương, khi tiếp xúc với người tội lỗi, như với người phụ nữ Samaria ở bờ giếng Jacob, với người thu thuế tội lỗi Jarkeu,[10] Đức Giêsu đã cảm hoá được những người tội lỗi, giúp họ trở lại sống đường ngay chính. Chỉ có tình yêu đích thực được thể hiện nơi một nền văn hóa, thì lời loan báo Tin Mừng mới có sức cảm hóa nền văn hóa, và chỉ có tình yêu đích thực, người làm công việc hội nhập mới có cái nhìn cảm thông, chia sẻ, để rồi mới có thể “cười với người cười, khóc với người khóc” nơi các nền văn hóa đó.

2. Hiệp thông

“Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5).

Trong bối cảnh, Đức Giêsu ra đi, các môn đệ ở lại, Đức Giêsu biết các môn đệ đang rơi vào khủng hoảng, vì các ông cảm thấy mồ côi khi Thầy mình không còn hiện diện hữu hình với các ông; khủng hoảng vì các ông phải đối diện với sự thù ghét của thế gian. Đức Giêsu đã dùng hình ảnh cây nho và cành nho để khích lệ các môn đệ: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Các môn đệ phải yêu nhau như Đức Giêsu đã yêu, đó là tình yêu phục vụ: cúi xuống rửa chân cho người mình yêu, và tình yêu x ả kỷ: chết cho người mình yêu. Nhưng tình yêu thương ấy phải bắt nguồn từ tình yêu của Đức Giêsu: “Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15,9) . Chỉ khi các môn đệ hiệp thông với nhau, yêu thương nhau bằng tình yêu đó, các ông mới vượt qua được khủng hoảng, đứng vững trước sự thù ghét của thế gian, để rồi sẵn sàng làm chứng cho Thầy mình.

Thái độ hiệp thông trong hội nhập văn hóa là rất quan trọng. Người làm công việc hội nhập cần hiệp thông với các thành viên khác và hiệp thông với Hội Thánh, một Hội Thánh đã được Đức Giêsu ủy quyền coi sóc và dạy dỗ.[11] Công việc hội nhập, một mặt nằm bắt nguồn và nằm trong tiến trình hội nhập của Giáo Hội – như cành nho muốn sống được phải lấy chất dinh dưỡng từ thân cây; mặt khác, hội nhập phải nằm trong không gian môi trường – như cành nho phát triển theo các hình dáng khác nhau tùy theo khí hậu và môi trường chung quanh để sinh hoa trái. Có như thế, người làm công tác hội nhập mới ý thức mình là thành viên của Giáo Hội, cần có sự hiệp thông với Giáo Hội và với các thành viên khác. Hơn nữa, việc tuyên xưng niềm tin của mỗi thành viên ở các nền văn hóa khác không còn tuyên xưng niềm tin cá nhân, mà là tuyên xưng niềm tin của Giáo Hội. Và công việc hội nhập có kết quả hay không là nhờ sự hợp tác của tất cả các thành viên.

3. Khiêm nhường

“Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8).

Xét về Thiên tính, Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, nên Người biết mọi sự, nhưng xét về nhân tính, Đức Giêsu đã chấp nhận làm người, nên Ngài cũng chấp nhận những gì thuộc về con người. Trong thư gửi tín hữu Do Thái, thánh Phaolô đã nhấn mạnh, Đức Giêsu cũng phải học để biết vâng phục. Quả thực, Đức Giêsu vâng phục cả trong lối suy nghĩ của con người. Chúng ta thấy rằng, khi rao giảng về Nước Trời, Đức Giêsu không dùng những lời lẽ cao siêu, mà Ngài dùng những lời lẽ và dụ ngôn gần gũi với con người để nói về cái cao siêu của Thiên Chúa. Qua các dụ ngôn như: Người gieo giống, Men trong bột, Con chiên lạc, Hạt cải trở thành một cây,…[12] cho thấy rằng, Đức Giêsu đã am hiểu về môi trường văn hóa nơi Ngài sinh sống như thế nào. Khiêm tốn học hỏi những cái bình dị nơi con người, Đức Giêsu đã đưa ra những dụ ngôn gần gũi nhưng rất sâu sắc để nói với con người về Mầu Nhiệm của Thiên Chúa.

Thái độ khiêm tốn không thể thiếu nơi người làm công tác hội nhập. Khiêm tốn không chỉ là trong cách ứng xử với những người mà mình tiếp xúc, mà còn cần khiêm tốn học hỏi những giá trị văn hóa nơi họ đang sinh sống. Thực hiện điều đó giúp cho họ chống lại những trái ngược: đề cao văn hóa của mình và dễ lên án văn hóa của người khác. Thông thường, người ta hay lấy cái mình đã biết để làm chuẩn mực và muốn người khác phải theo cái “chuẩn” của mình. Nhưng khi khiêm tốn học hỏi các giá trị văn hóa của người khác, người ta mới tôn trọng những giá trị văn hóa khác biệt nơi những con người mà họ gặp gỡ. Xưa kia, khi truyền giáo cho những người nhà nho học ở Trung Hoa, các tu sĩ Dòng Tên đã cải trang ăn mặc và học hỏi về Nho giáo như những người có học ở Trung Hoa, nhờ đó, họ đã khám phá ra những giá trị luân lý có tính xã hội của Nho giáo để hoàn thiện những ý tưởng siêu hình của Kitô giáo.[13] Bởi vậy, chỉ khi khiêm tốn học hỏi, người ta mới có thể tôn trọng và nhận ra những giá trị của các sắc thái văn hóa thuộc mỗi miền khác nhau, để từ đó, nắm được đặc tính văn hóa và con người thuộc nền văn hóa ấy. Nhờ vậy, người ta mới có thể tìm ra cách diễn đạt Tin mừng phù hợp với nền văn hóa của họ.

4. Cầu nguyện

“Sau khi giải tán đám đông, Người đi riêng lên núi mà cầu nguyện” (Mt 14,23).

Sau những hoạt động rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu luôn dành thời gian cầu nguyện với Chúa Cha. Đặc biệt, Người cầu nguyện trước những biến cố quan trọng, như khi người chịu phép rửa, khi gọi và chọn nhóm mười hai, lúc hiển dung, hay trước cuộc thương khó.[14] Những lời cầu nguyện của Đức Giêsu cho thấy, Người luôn luôn gắn bó với Chúa Cha, và Chúa Cha không bao giờ bỏ người một mình, mà hằng nghe Người cầu xin.[15] Và như vậy, cùng với lời giáo huấn, Đức Giêsu còn nêu gương cho các môn đệ: các môn đệ cũng phải luôn cầu nguyện.

Người làm công việc hội nhập cũng phải lấy cầu nguyện làm yếu tố gắn liền với công việc của mình. Hội nhập là một tiến trình đức tin, đưa niềm tin vào một vùng văn hóa, mà niềm tin được biểu lộ cách mạnh mẽ và rõ ràng nhất là qua việc cầu nguyện. Mặt khác, hội nhập, không phải nhờ nỗ lực riêng của con người, mà cần có ơn Chúa Thánh Thần soi sáng cho công việc hội nhập, mà ơn Chúa lại luôn ban xuống cho kẻ kêu xin.[16] Hơn nữa, trong cầu nguyện, những buồn vui của việc hội nhập được dâng lên Thiên Chúa, Đấng đã và đang là nguồn gốc của mọi nền văn hóa. Trong cầu nguyện, nhất là cầu nguyện qua việc tham dự các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, thì mọi nền văn hóa được dâng lên Thiên Chúa qua lời tạ ơn, và nhờ đó, các nền văn hóa lại được sáng tạo một lần nữa.

Như vậy, tất cả những hoạt động trong suốt cuộc sống ở đời trần thế của Đức Giêsu đã đã gợi lên cho chúng ta một thái độ cần có trong tiến trình hội nhập văn hóa, đó là tình yêu, sự cảm thông, khiêm nhường và cầu nguyện. Chúng ta còn có thể khám phá ra nhiều hoạt động khác của Đức Giêsu để làm thái độ sống công việc hội nhập văn hóa. Vẫn biết rằng, bối cảnh xã hội ngày nay đã khác xa so với xã hội thời Đức Giêsu, nhưng thái độ sống của Người trong môi trường văn hóa Do Thái giáo thời đó, vẫn là những thái độ cần thiết và không thể thiếu cho con người nói chúng, và cho những người làm công tác hội nhập văn hóa thời đại ngày nay.

Tóm lại, Con Thiên Chúa đã nhập thể làm người để cứu độ con người. Mặc lấy thân xác con người, chia sẻ thân phận con người, Đức Giêsu cũng chấp nhận tất cả những gì là lối sống văn hóa của con người. Điều đó gợi lên cho chúng ta hình ảnh đẹp về sự hội nhập. Những con người thuộc các nền văn hóa khác nhau đều có thể làm cho Đức Giêsu trở nên quen thuộc với nền văn hóa của mình, nhưng cần lấy Chúa Kitô làm trung tâm cho việc diễn tả niềm tin theo văn hóa địa phương một cách năng động. Khó có thể đưa ra được nguyên tắc chung cho hội nhập Tin Mừng vào các nền văn hóa, nhưng chúng ta có thể áp dụng lối sống của Đức Giêsu làm thái độ sống cho việc hội nhập, ấy là tình yêu, khiêm nhường, hiệp thông và cầu nguyện. Chỉ khi chìm sâu trong một nền văn hóa và kết hợp các yếu tố trên, chúng ta mới tìm ra cách hội nhập Tin Mừng vào mỗi nền văn hóa cách thích hợp nhất.

 

 

 

 


[1]Xc. Lm Hồng Phúc CSsR, Điển ngữ đức tin Công Giáo, tr. 446.

[2]Xc. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 456-460.

[3]Xc. Nicolas Standarert, S.J., Inculturation the Gospel and cultures, tr. 99.

[4]Xc. Pl 2,7-8; Dt 2,17.

[5]Xc. Nicolas Standarert, S.J., Inculturation the Gospel and cultures, tr. 64.

[6]Xc. Ibidem.

[7]Xc. Mc 16,14-20.

[8]Xc. Mt 4,23-25; Mt 9,32-34; Lc 7,11-17; Ga 11,1-45.

[9]Trích lại: Nicolas Standarert, S.J., Inculturation the Gospel and cultures, tr. 93.

[10]Xc. Ga 4,1-42; Lc 19,1-9.

[11]Xc. Ga 21,17.

[12]Xc. Mt 13,4-9; 18,12-14; Mc 4,30-32; Lc 13,18-19.

[13]Xc. Nicolas Standarert, S.J., Inculturation the Gospel and cultures, tr. 22.

[14]Xc. Lc 3,21; Lc 6,12; Lc 9,28; Mt 26,36-46.

[15]Xc. Ga 11,22.42; Mt 26,53.

[16]Xc. Lc 11,9.