Nhân Sinh Quan Kitô Giáo: Nhận Thức

0
1817


NHÂN SINH QUAN KITÔ GIÁO

(ĐỜI SỐNG TÂM LINH – VIII)

Tác giả: Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

***

***

Chữ viết tắt

GLCG: Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo

TLHTXH: Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo

***

CHƯƠNG HAI

NHẬN THỨC

 

Lẽ ra nếu muốn áp dụng phương pháp so sánh thú vật và con người thì ta phải bắt đầu từ thân xác như là hiện tượng ngoại giới, rồi sau đó mới tiến lên các hiện tượng tâm lý thuộc về nội giới. Tuy nhiên chúng tôi xin đảo ngược thứ tự: chúng ta bắt đầu từ các hiện tượng nội giới là “nhận thức” (chương Hai) và “ước muốn” (chương Ba), rồi sau đó sẽ quay lại với thân xác (chương Bốn). Lý do bởi vì thân xác của con người khác với thú vật không chỉ về hình thù, nhưng nhất là về chức năng. Nơi con người, thân xác biểu lộ trạng thái của tâm hồn và là cơ quan để tiếp xúc với tha nhân, với thế giới, với lịch sử. Vì thế cần phải hiểu biết tâm hồn (qua hai hiện tượng nhận thức và ước muốn) thì mới nắm bắt giá trị của thân xác.
 
Mặt khác, tuy tách rời hiện tượng “nhận thức” và “ước muốn” làm hai đề mục nghiên cứu, nhưng ai ai cũng biết mối liên hệ mật thiết giữa đôi bên, được phản ánh qua tục ngữ “vô tri bất mộ”: không biết thì không yêu. Nhưng nhiều khi phải nói ngược lại: “vô mộ bất tri”: bởi vì không yêu cho nên chẳng muốn tìm hiểu thêm. Một thanh niên đi ngoài đường thấy cả trăm thiếu nữ, nhưng anh không muốn mất thời giờ để tìm hiểu các cô đó. Chừng nào anh thấy cảm mến một cô nào, thì anh mới khởi hành điều tra lý lịch của người yêu.
 
Trong lịch sử các tôn giáo và triết học, nhiều cuộc tranh luận đã nảy ra chung quanh việc so sánh địa vị giữa “biết” và “yêu”, bên nào trọng hơn? Khi đề cao trí tuệ hoặc tình cảm (đầu óc hoặc con tim), phe nào cũng có lý do để bênh vực lập trường của mình. Nên biết là cuộc tranh luận này ảnh hưởng không ít đến sự kỳ thị phái tính: đàn ông sống theo lý, đàn bà sống vì tình! Chưa hết, y khoa cũng muốn tham gia vào cuộc tranh luận này. Trước đây, người ta xác định cái chết qua việc đo tim (tim ngừng đập là chết), ngày nay người ta dựa trên hoạt động não bộ để xác định cái chết. Có điều là y khoa đã thành công trong việc thay tim, nhưng chưa thể thay não; như vậy phải chăng căn cước của con người nằm ở bộ não? Bên Đông phương, người ta đặt nặng chữ “tâm” hơn, tuy rằng “tâm” trong văn hóa của các dân tộc không phải chỉ biểu lộ tình yêu nhưng còn là trung tâm quyết định lựa chọn của con người; tâm đi liền với trí (tâm trí) và biểu lộ sự cao quý của con người (tâm hồn cao thượng). Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này ở cuối chương tới, sau khi đã nghiên cứu hiện tượng ước muốn. Bây giờ, chúng ta bắt đầu với sự nhận thức, một đặc trưng của bản tính con người. Các triết gia cổ điển định nghĩa con người như là “thú vật có lý trí”. Điều này được khoa cổ-sinh-vật học xác nhận khi lấy lý trí làm tiêu chuẩn phân biệt con người (homo sapiens) khỏi các cấp độ tiến hóa thấp hơn.
 
Nhận thức là gì? Trong tiếng Hán, “nhận” có nghĩa là biết rõ, phân biệt; “thức” cũng có nghĩa là “biết” (chứ không phải là “mất ngủ” như trong tiếng Việt). Biết là gì? Triết học Hy lạp cổ điển định nghĩa “biết” là thủ đắc cho mình những hình thái (habere intentionaliter in se formam sicut alterius rei). Con người ta sinh ra với hai bàn tay trắng. Để sinh sống, ta chiếm hữu những đồ vật trong thiên nhiên hoặc mua sắm chúng (lương thực, áo quần, vật dụng, nhà cửa). Ta cũng có thể “chiếm hữu” tài sản tinh thần để làm giàu trí tuệ. Sự khác biệt nằm ở chỗ là khi ta chiếm hữu các đồ vật làm tài sản thì chúng thuộc về ta, và ta không muốn để cho ai đụng đến; còn đối với việc thủ đắc các tài sản tinh thần thì khác: chúng vẫn còn nằm ở vị trí cũ và vẫn còn thuộc quyền sở hữu chung; nhưng ta chỉ lấy cho mình cái “hình thái” (forma) của chúng mà thôi. Ta hãy lấy một thí dụ từ một cái máy vi tính. Tôi mua một máy vi tính để viết bài; nó thuộc quyền sở hữu của tôi và những người khác không có quyền đụng đến. Còn cái máy vi tính để ở cửa tiệm thì ai cũng có thể nhìn: khi tôi nhìn cái máy thì tôi thêm được thông tin về cái máy: các thông tin này làm giàu thêm cho kiến thức của tôi, nhưng không làm thiệt hại gì đến cái máy hết! Tôi chỉ thu lấy “hình thái” của cái máy, và những người khách hàng khác cũng làm như vậy: cái “hình thái” không phải là độc hữu của riêng ai. Tuy nhiên, khi thâu thập cái “hình thái” của cái máy vào đầu óc, thì kho tàng kiến thức của tôi sẽ nên phong phú hơn, và tôi không sợ chật óc!43
 
Lối giải thích vừa rồi xem ra cầu kỳ. Một lối giải thích khác dựa trên việc so sánh giữa tiến trình hiểu biết và tiến trình sự sống. Sự sống được hình thành ba chặng: hấp thụ, tăng trưởng, sinh sản. Sự hiểu biết cũng bao gồm ba chặng: a/ trước hết là thâu nạp dữ kiện, ví được như sự thụ thai (trong tiếng La tinh, “ý niệm” được gọi là conceptus, nghĩa là cái được thai nghén, cũng tựa như một nhà văn đang thai nghén một tác phẩm); b/ chặng thứ hai là hình dung (re-praesentare: làm cho trở nên hiện diện, diễn đạt), tăng thêm kho tàng kiến thức, được ví như sự tăng trưởng; c/ sau cùng là phát biểu ý kiến, “sáng tạo” thêm kiến thức, ví như đẻ một đứa con tinh thần.
 
Đó mới chỉ là một khái niệm rất sơ đẳng về “biết”. Triết học còn nói đến nhiều loại và cấp độ biết. Dựa theo đối tượng và quan năng, các triết gia cổ điển Hy lạp (Platon, Aristote) đã phân ra hai cấp độ nhận thức (cognitio): theo cảm tính và theo trí tuệ. “Nhận thức cảm tính” (sensitiva) bắt nguồn từ giác quan (sensus) và mang tính cách đặc thù; “nhận thức trí tuệ” (intellectiva) bắt nguồn từ trí tuệ (intellectus) và mang tính cách phổ quát. Đây không phải là hai loại nhận thức biệt lập nhau, nhưng là hai cấp độ nhận thức, đi từ vật khả giác đến trừu tượng, từ cụ thể đến phổ quát. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu mỗi cấp độ đó.

MỤC I. NHẬN THỨC CẢM TÍNH

Nhận thức cảm tính bắt nguồn từ giác quan. Xét về lý thuyết, ở cấp độ này con người và thú vật giống như nhau. Tuy nhiên thực tế thì phức tạp hơn bởi vì cảm giác nơi con người không chỉ là phản ứng máy móc, một kích thích từ ngoại giới, nhưng còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khác, trong đó có lý trí và giáo dục. Vì thế, các nhà tâm lý học phân biệt “cảm giác” và “tri giác”: cảm giác44 ghi nhận ấn tượng từ ngoại vật, còn “tri giác” (perception) bao hàm một sự nhận thức. Cảm giác và tri giác không hoàn toàn trùng hợp với nhau. Có những cảm giác không được nhận thức cho nên không trở thành tri giác; có những cảm giác tăng hoặc giảm cường độ vì bị tri giác thanh lọc.

Trước hết chúng ta sẽ nghiên cứu cảm giác, rồi đến tri giác.

I. CẢM GIÁC

Các triết gia Hy lạp đã tìm cách liệt kê các giác quan cũng như đối chiếu giá trị của chúng. Cuộc nghiên cứu của họ đã được các thế hệ kế tiếp bổ túc.

A. NGOẠI QUAN VÀ NỘI QUAN

1/ Cảm giác được thu nhận do các giác quan (tiếng La tinh: sensus; tiếng Pháp: sens, tiếng Anh: sense). Từ xưa người ta đã nói đến 5 giác quan (ngũ quan)45 gồm những cơ quan của thân thể cùng với cảm giác thu nhận được từ các cơ quan đó: mắt để nhìn (thị giác), tai để nghe (thính giác), lưỡi để nếm (vị giác), mũi để ngửi (khứu giác), tay để sờ (xúc giác). Ngôn ngữ bình dân còn nói đến “giác quan thứ sáu”, tuy thuật ngữ này có thể bao hàm nhiều ý nghĩa (trong đó phải kể đến “trực giác”, intuition).
 
Tâm-lý-học thực-nghiệm muốn xác định chi tiết hơn đối tượng và cơ quan của các cảm giác, chẳng hạn như: đối tượng của thị giác là gì (màu sắc, ánh sáng hoặc hình thù)? Vị giác nếm cái gì (mặn, ngọt, chua, đắng)? Câu hỏi được đặt ra cách riêng đối với xúc giác: đâu là cơ quan của xúc giác, phải chăng là bàn tay, hay còn phải kể đến da và thần kinh hệ nữa? Đối tượng của xúc giác là gì? Nhiều ý kiến cho rằng xúc giác mang lại ba cảm giác sau đây: (i) cảm nhận bằng phẳng hay sần sùi (tactile); (ii) cảm nhận nhiệt độ nóng lạnh (thermic); (iii) cảm giác đau đớn (algesic)46.
 
2/ Năm giác quan vừa kể được đặt tên là “ngoại quan” (giác quan ngoài), đối lại với các “nội quan” (giác quan trong). Sự đối chiếu này mang tính cách loại suy mà thôi, bởi vì các ngoại quan có những “cơ quan” có thể định dạng được, còn các nội quan nằm ở bên trong cho nên khó xác định. Không lạ gì các tác giả không nhất trí về con số và về bản chất của chúng. Nhiều sách tâm lý cận đại nói đến “cảm giác vận động” (kinesthesia còn gọi là cảm giác cơ khớp: cảm giác về vận động và vị trí của từng bộ phận của thân thể), “cảm giác thăng bằng” (equilibrioception: cho ta biết vị trí và phương hướng chuyển động của đầu ta so với phương của trọng lực). Tuy nhiên đôi khi những cảm giác này được xếp vào loại “xúc giác”.
 
Dựa theo ông Aristote, thánh Tôma Aquinô kể ra bốn nội quan là: tổng quan (sensus communis), ký ức (memoria), tưởng tượng (imaginatio, phantasia), bản năng (aestimativa, instinctus)47.
 
a) Tổng quan (hay “tổng giác”, nghĩa là “giác quan chung”): phối trí tập hợp các cảm giác riêng của ngũ quan. Thí dụ khi cầm trên tay một trái chuối: con mắt nhìn thấy màu sắc, bàn tay sờ được hình thù, mũi ngửi được mùi; nhưng ta nhận biết một trái chuối nhờ sự tổng hợp của những cảm giác riêng biệt. Điều này giả thiết một giác quan nội để điều hợp các ngoại quan.
 
b) Ký ức (hồi tưởng, trí nhớ). Cảm giác được gây ra do sự kích thích của đồ vật đến giác quan, thí dụ tiếng động vang đến lỗ tai. Tuy nhiên, sau khi sự kích thích đã chấm dứt, ta vẫn có thể gợi lại cảm giác đó (chẳng hạn như nhớ lại một bản nhạc). Ta gọi đó là “ký ức”.
 
Đây chỉ là khái quát. Tâm lý học phân biệt nhiều loại ký ức.
 
– Ký ức có thể được phân loại dựa theo đối tượng của ngoại giác: nhớ cái đã nhìn, đã nghe, đã nếm, đã ngửi, đã chạm. Sự phân biệt này dựa trên nhận xét là có người dễ nhớ một hình ảnh, nhưng lại khó nhớ một âm thanh.
 
– Dựa theo thời gian củng cố và giữ gìn tài liệu, người ta phân biệt: trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn.
 
– Dựa theo nội dung của ký ức, người ta phân biệt: ký ức “cảm giác” và ký ức “trí tuệ”. Ký ức cảm giác liên quan đến những sự kiện khả giác cụ thể, còn ký ức trí tuệ mang nội dung trừu trượng phổ quát. Trên thực tế hai cấp độ này liên hệ mật thiết với nhau, nhờ đó khoa tâm lý học đã khám phá vài thủ thuật để luyện trí nhớ. Nhớ một ý tưởng trừu tượng (hoặc một định luật toán học với một chuỗi con số) thì chắc là khó, vì thế ta nên tìm cách diễn tả ý tưởng đó ra hình ảnh cụ thể hoặc bằng những vần thơ. Chúng ta sẽ trở lại ký ức trí tuệ trong mục Hai, khi bàn về các chức năng của trí tuệ.
 
c) Tưởng tượng. Trong ngôn ngữ thường nhật, chúng ta nói đến “óc tưởng tượng” hay “trí tưởng tượng”, như vậy coi như là chức năng của lý trí (hay trí tuệ). Thực ra, có thứ tưởng tượng thuộc cảm giác và có thứ tưởng tượng thuộc lý trí (cũng tựa như ký ức vừa nói trên). Tưởng tượng thì đối nghịch với ký ức: ký ức gợi lại một cảm giác đã có; còn tưởng tượng tạo ra cảm giác chưa có bằng cách chắp nối các cảm giác đã có trong quá khứ. Người ta phân biệt bốn thứ tưởng tượng: mơ mộng, nghệ thuật, thực tiễn, lý thuyết.
 
i- Tưởng tượng mơ mộng (chẳng hạn như trong giấc mơ), thường là hoạt động ngoài sự kiểm soát của ta. Trong giấc mơ, các tình tiết được chắp nối với nhau không theo một thứ tự lý luận nào; chúng mang tính cách ảo tưởng.
 
ii- Tưởng tượng mỹ thuật. Các chi tiết được chắp nối với nhau dựa theo tâm trạng của chủ thể, và có thể được diễn tả ra để chia sẻ với người khác. Đây là nguồn gốc của các tác phẩm nghệ thuật
 
iii- Tưởng tượng thực tiễn. Ở đây óc tưởng tượng làm việc dưới sự hướng dẫn của lý trí, để bổ túc cho những lý luận bằng cách dựng lên nhiều tình huống đa dạng, (thí dụ một thám tử hình dung ra một hiện cảnh để từ đó tiến hành cuộc điều tra).
 
iv- Tưởng tượng thuần lý. Các hình ảnh hợp tác vào việc hình thành tư tưởng, nhờ việc cung cấp các giả thuyết, làm khởi điểm cho công cuộc nghiên cứu.
 
Không thiếu những triết gia coi nhẹ sự tưởng tượng, bởi vì đồng hoá nó với chuyện mơ mộng hoang đường, thiếu giá trị khoa học. Tuy nhiên, ta cần phân biệt nhiều loại tưởng tượng: có thứ tưởng tượng hoang đường của mơ mộng để trốn tránh thực tại; có thứ tưởng tượng sáng tạo làm khởi điểm cho nghệ thuật và thậm chí cho công trình nghiên cứu khoa học nữa. Biên cương giữa “ước mơ” và “lý tưởng” không rõ rệt, và cả hai đều cần thiết để nuôi dưỡng hy vọng. Ngoài ra, tâm-phân-học còn đánh giá sự tưởng tượng dưới một góc độ khác: các giấc mơ bộc lộ tâm tư thầm kín của bản ngã (“người làm sao chiêm bao làm vậy”), vì thế góp phần quan trọng trong việc trị liệu các bệnh tâm lý. Dù sao chứng hoang tưởng là một tâm bệnh cần được trị liệu.
 
d) Bản năng (instinctus) có nghĩa khả năng lượng định tức thời điều gì có lợi hay có hại, thuận tiện hay bất tiện cho sự sống còn48. Tâm lý hiện đại ( và tâm phân học?) đã phân tích nhiều thứ bản năng, tuy chưa có sự đồng nhất về từ ngữ (bản năng, nhu cầu). Hơn thế nữa, bản năng không chỉ thuộc lãnh vực nhận thức nhưng còn bao hàm những yếu tố của cảm xúc và sẽ được bàn trong chương tới.
 
Ngay từ xa xưa người ta đã nhìn nhận hai bản năng cơ bản chung cho thú vật cũng như loài người, đó là bản năng sinh tồn và bản năng truyền sinh.
 
i- Bản năng sinh tồn là động lực tìm cách bảo tồn sự sống còn của mình, một đàng qua việc dinh dưỡng (kiếm ăn để sống), đàng khác qua việc tránh những gì đe dọa tính mạng (con thỏ chạy trốn khi thấy chó săn).
 
ii- Bản năng truyền sinh nhằm bảo tồn sự sống còn của chủng loại. Bản năng truyền sinh là động lực thúc đẩy các động vật giao hợp với nhau để sinh sản.
 
Việc liệt kê các nội giác dựa theo kinh nghiệm, vì thế khó định dạng hoặc xác định cơ quan giống như các ngoại giác. Ngoài ra, nơi con người, các nội giác chịu ảnh hưởng không nhỏ của lý trí, vì thế các tác giả phân vân không biết nên xếp trong hạng nhận thức cảm giác hay nhận thức trí tuệ, đặc biệt là ký ức và tưởng tượng. Có người xem như hai loại khác biệt nhau, có người xem như hai cấp độ của một nội quan. Chúng ta sẽ trở lại với ký ức khi bàn về trí tuệ, và bản năng khi nói đến các nhu cầu và ước muốn.

B. ĐỊA VỊ CÁC GIÁC QUAN

1/ Trong lịch sử triết học, đã nảy ra nhiều cuộc tranh luận chung quanh việc xếp đặt vị trí cao thấp cho các giác quan. Dĩ nhiên sự xếp hạng tuỳ theo tiêu chuẩn áp dụng. Một tiêu chuẩn dựa theo khoảng cách giữa đối tượng và chủ thể. Dưới phương diện này, xúc giác đứng hạng chót (bởi vì đòi hỏi giác quan phải đụng chạm trực tiếp đối thể), rồi lên cao hơn đến vị giác, khứu giác, thính giác, thị giác. Thính giác và thị giác có thể nắm bắt đối tượng từ xa. Còn giữa thính giác và thị giác thì cái nào cao cấp hơn? Câu trả lời tuỳ thuộc vào ảnh hưởng của tôn giáo và văn hoá. Nói chung, các triết gia Hy lạp (như Aristote) xếp thị giác vào vị trí ưu tiên, bởi vì nó cung cấp nhiều dữ liệu hơn cả cho sự nhận thức; các triết gia Ấn độ, Ả-rậïp, Do thái thì đặt việc lắng nghe ở hàng đầu. Lý do của sự khác biệt này có lẽ dựa trên quan điểm về nền tảng chân lý: đối với các triết gia Hy lạp, nguồn gốc của chân lý là thiên nhiên, và ta tiếp xúc thiên nhiên qua việc quan sát ngắm nhìn; bên Đông phương, nguồn chân lý là mạc khải của các thần linh, và ta đón nhận mạc khải qua việc chú ý lắng nghe.
 
2/ Loài động vật cũng có giác quan (có thể nhiều hơn năm giác quan). Xét về khả năng, nhiều khi thú vật “nhạy cảm” hơn loài người. Có những thú vật có thể nhìn thấy trong đêm tối (như dơi, mèo); có những thú vật đánh hơi tài tình (như chó săn). Tuy nhiên, loài người hơn loài vật ở chỗ con người tìm cách để cải tiến cảm giác bằng cách tập luyện hoặc sáng chế dụng cụ, nhưng nhất là vì nhận thức không dừng lại ở cảm giác mà còn lên các cấp cao hơn.
 
3/ Trong văn chương bình dân, giác quan không chỉ là cơ quan để chủ thể tiếp nhận ngoại giới, nhưng còn phát biểu đời sống nội tâm của chủ thể nữa. Miệng lưỡi không chỉ được dùng để nếm gia vị mà còn để nói năng, giao thiệp. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này khi bàn về ngôn ngữ, tuy dù con người không chỉ phát biểu tâm tình bằng ngôn ngữ nhưng còn bằng các giác quan nữa (chẳng hạn như các cử điệu múa máy tay chân). Ngoài ra đôi khi giác quan giữ vai trò như tấm gương phản chiếu tâm hồn. Điều này được diễn tả cách riêng nơi đôi mắt. “Con mắt là cửa sổ của linh hồn”, mở cửa thu nhận ngoại vật vào linh hồn; đồng thời đôi mắt cũng phản chiếu tình trạng của linh hồn. Đây là luận cứ nền tảng cho khoa tướng học cũng như nhiều nhận xét bình dân49. Người ta dùng mắt không chỉ để trông nhìn mà còn để diễn tả những tâm tình khác nữa, từ đó sinh ra những hành vi mang ý nghĩa khác nhau: ngắm, trông, liếc, lườm, v.v.
 
4/ Không lạ gì mà triết học và thần học thường sử dụng hình ảnh của giác quan để diễn tả việc nhận thức thực tại siêu nhiên, tựa như: lắng nghe tiếng Chúa, nhìn với cặp mắt đức tin, hưởng nếm sự ngọt ngào của tình yêu, bước đi theo đường ngay nẻo chính. Thần học cũng nói đến “cảm quan tôn giáo” (sensus religiosus) hoặc “cảm quan đức tin” (sensus fidei)50. Tính cách biểu tượng cũng được sử dụng trong ngôn ngữ thường ngày, chẳng hạn như người “mù quáng” không chỉ là người không có khả năng sử dụng thị giác, nhưng là người ngoan cố không chịu nhìn nhận sự thật; đối lại là người “sáng suốt, minh mẫn”.

II. CẢM GIÁC VÀ NHẬN THỨC: TRI GIÁC (PERCEPTION)

Các giác quan có khả năng đưa ta tiếp xúc với ngoại giới, nhưng ta không nhất thiết thu nhận tất cả các đối tượng ngoại giới. Nhận xét này đưa đến sự phân biệt giữa cảm giác và tri giác.

A. NHỮNG ĐIỀU KIỆN CƠ BẢN

Để có cảm giác, cần có hai điều kiện tối thiểu: cơ quan (giác quan) và đối tượng. Để nhìn, ta cần có mắt và có cảnh vật; để nghe, ta cần có tai và âm thanh, vv. Tuy nhiên, sự liên hệ giữa cơ quan và đối tượng không xảy ra cách tự động, bởi vì còn tuỳ thuộc nhiều điều kiện khác nữa, từ phía chủ thể hoặc từ phía đối tượng.
 
1/ Về phía chủ thể, ý chí và lý trí có thể can thiệp vào quyết định sử dụng cơ quan và lựa chọn đối tượng. Muốn nhìn thì phải mở mắt (và giả thiết là mắt sáng); chủ thể có thể nhắm mắt không trông không nhìn. Ngoài ra, tuy mở mắt nhưng chủ thể chỉ nhìn cái mà mình muốn tìm thôi. Thí dụ rõ rệt hơn cả là khi bà mẹ đến cổng trường để đón con: hàng chục đứa bé đi ngang trước mặt bà nhưng bà không để ý, bởi vì bà chỉ chăm chú tìm đứa con của mình mà thôi.
 
2/ Về phía đối tượng, ngoài sự hiện diện, đối tượng cần phải có một cường độ nào đó thì mới “đập” vào con mắt được. Một cách tương tự như vậy, âm thanh cần phải đạt đến một cường độ nào đó thì mới “thấu” đến tai, và cần duy trì trong mức độ nào đó thôi; nếu to quá thì tai tôi sẽ bị “thủng” luôn51. Tuy nhiên, nhờ huấn luyện, độ nhạy cảm có thể tăng hơn.
 
3/ Trên nguyên tắc, mỗi cơ quan chỉ bắt được đối tượng chuyên biệt của mình: mắt chỉ thấy hình thể và màu sắc; tai chỉ nghe âm thanh, mũi chỉ bắt được mùi hương v.v. Ta không thấy tiếng động và không nghe màu sắc! Tuy nhiên, nhờ ký ức và liên tưởng, một giác quan có thể bắt được đối tượng của giác quan khác: một người khiếm thị có thể “thấy” phím đàn nhờ xúc giác. 

B. TÍNH TRUNG THỰC CỦA CẢM GIÁC

Cảm giác có trung thực không? Câu hỏi được đặt lên bởi vì có những cảm giác hão (ảo giác), chẳng hạn như có người quả quyết là họ thấy ma, hoặc khi nhìn một cành cây cắm trong chậu nước thì cành cây xem như bị nghiêng.
 
Người ta giải thích hiện tượng như sau. Khác với loài động vật, cảm giác nơi con người không chỉ lệ thuộc vào sự kích thích của đối tượng, nhưng còn lệ thuộc vào phán đoán, tập quán, sự liên tưởng, vv. Nói khác đi, tuy cảm giác là hoạt động của giác quan, nhưng không chỉ lệ thuộc thuần tuý vào giác quan. Lý trí và ý chí cũng tham gia vào hoạt động cảm giác, đó là chưa nói đến ảnh hưởng của phong tục, xã hội, giáo dục. Vì thế khi giao tiếp với ngoại vật, con người “giải thích” các dữ kiện dựa theo những kinh nghiệm của bản thân, của xã hội (văn hóa, thành kiến): ta có thể phóng đại một chi tiết nhỏ, hoặc tách rời nó ra để gắn với một tổng thể nào đó. Một tấm vải trắng có thể gợi lên tấm khăn liệm (màu tang tóc), hoặc tà áo trắng (của người yêu), hoặc sự thanh bạch tinh tuyền (trắng như tuyết).

C. HUẤN LUYỆN VÀ THANH LUYỆN GIÁC QUAN

Tầm quan trọng của việc huấn luyện các giác quan được đặt ra không chỉ trong ngành tâm lý giáo dục (tập trung chú ý, phát triển năng lực quan sát) mà cả trong các trường phái tâm linh nữa, tuy với những chủ trương đối nghịch. Có ý kiến cho rằng cảm giác là chướng ngại cho hoạt động tinh thần, vì thế tìm cách hạn chế nó (qua những việc khổ chế giác quan)52; có ý kiến chủ trương cần tận dụng các giác quan để trau dồi đời sống tâm linh (bởi vì giác quan góp phần vào việc trau dồi nhận thức, cũng như mỹ thuật giúp nâng cao tinh thần).
 
Thiết tưởng cả hai ý kiến đều có lý, và điều quan trọng là duy trì sự quân bình. Một người “không nghe, không nhìn, không nói” (bịt tai, bịt mắt, bịt miệng) chưa chắc đã là một thánh nhân nhưng có lẽ chỉ là kẻ tránh né đương đầu với thực tại (giống như con đà điểu vùi đầu xuống cát). Tuy nhiên, người nào mở to đôi mắt để thu nhận tất cả mọi hình ảnh, hoặc để cho tất cả mọi âm thanh tự do tràn qua lỗ tai thì sớm muộn cũng bị loạn thần kinh trước trăm ngàn sự kích thích. Vì thế lý trí và ý chí cần can thiệp để điều hành và thanh luyện việc sử dụng giác quan.

MỤC 2. NHẬN THỨC TRÍ TUỆ

Triết học kinh viện phân biệt hai cấp độ nhận thức: nhận thức cảm tính mang tính cách cụ thể (và có thể gặp thấy nơi loài thú vật), còn nhận thức trí tuệ mang tính cách trừu tượng và tổng quát (đây là một đặc trưng của trí óc loài người, khác với thú vật). Nhận thức trí tuệ được nghiên cứu trong nhiều ngành triết học (Tri thức luận, Luận lý học, Tâm lý học); ở đây chúng tôi chỉ chú trọng vào khía cạnh “nhân học”, nghĩa là xét như sinh hoạt của con người.

I. NGUỒN GỐC CỦA TƯ TƯỞNG

Ngay từ thời xưa, đã nảy lên cuộc tranh luận triết học về nguồn gốc của các ý tưởng, với hai chủ trương chính: một bên chủ trương rằng các ý tưởng này do phú bẩm, (hoặc đã được thủ đắc từ kiếp trước); bên kia chủ trương rằng các ý tưởng này được thủ đắc do khả năng trừu xuất của trí tuệ. Chúng ta hãy lấy một thí dụ. Tôi chỉ gặp những con người cụ thể, chẳng hạn như: ông Xoài, bà Mít, chú Cam, cô Quít, mỗi người mang hình dong riêng biệt, chứ tôi không bao giờ thấy một “con người” trừu tượng. Thử hỏi: ý tưởng “con người” bắt nguồn từ đâu? Và nếu trên đời này, “con người” trừu tượng không bao giờ hiện hữu, thì phải chăng ý tưởng này là một điều giả tạo? Từ đó ta có thể kết luận rằng tất cả mọi ý niệm trừu tượng đều là giả tạo, bởi vì chúng không thể nào hiện hữu?
 
Đây là khởi điểm của cuộc tranh cãi về “nguồn gốc của ý tưởng”, một vấn đề được đặt ra về phía khoa học thực nghiệm (sinh học, y khoa), cũng như từ phía triết học, với những giải đáp khác nhau, tuỳ theo lối tiếp cận. Các khoa sinh học nghiên cứu các cơ quan chi phối khả năng suy tưởng; triết học giải thích nguồn gốc các ý tưởng trừu tượng.

A. TIẾP CẬN SINH HỌC: CƠ QUAN HIỂU BIẾT

Có lẽ từ thuở xa xưa, cha ông ta đã biết rằng cơ quan để suy nghĩ là đầu óc. Chúng ta suy nghĩ trong đầu, chứ không suy nghĩ trong bụng hay ở dưới bàn chân; nếu suy nghĩ nhiều thì thấy nhức đầu mệt óc (chứ không thấy mỏi miệng hay đau bụng).
 
Ngành y khoa cận đại đã nghiên cứu sâu xa hơn cấu tạo của bộ não với nhiều phần và miền (hành tủy, tủy sống, cầu não, não giữa, tiểu não, bán cầu đại não), và xác định các chức năng hoạt động tinh thần dựa trên mỗi vùng. Những lý thuyết này dựa trên quan sát hiệu quả đối với hoạt động tâm lý do sự tê liệt hoặc chấn thương của các vùng đó. Chúng tôi không muốn đi sâu vào khía cạnh này.
 
Một cuộc tranh cãi không kém phần thú vị vào đầu thế kỷ XX trong phạm vi nhân chủng học là so sánh dung lượng của bộ não giữa khỉ với người trong tiến trình tiến hoá. Còn vào cuối thế kỷ, vấn đề được chuyển sang lãnh vực khác, đó là so sánh giữa bộ óc nhân tạo (chẳng hạn như máy vi tính hoặc “người máy”, robot) với bộ óc tự nhiên của con người53. Xét về hoạt động thì máy vi tính nhanh hơn đầu óc con người hàng vạn lần. Tuy nhiên máy vi tính thua con người ở chỗ cái máy chỉ ghi lại các dữ kiện nhưng không thể suy luận, và nhất là nó không có cảm xúc và tình cảm với các máy đồng nghiệp!

B. TIẾP CẬN TRIẾT HỌC: NGUỒN GỐC Ý TƯỞNG TRỪU TƯỢNG

Trong cuộc tranh luận về nguồn gốc tư tưởng ta thấy hai khuynh hướng chính giữa các triết gia Hy lạp cổ thời.
 
– Một khuynh hướng chủ trương rằng các tư tưởng này do Trời phú bẩm, hoặc do con người đã thủ đắc trong kiếp trước hoặc từ trên thiên giới. Tiêu biểu cho khuynh hướng này là ông Platon. Ý kiến này bị chỉ trích là trái ngược với kinh nghiệm: chúng ta không còn nhớ được kiến thức mà mình đã thủ đắc từ kiếp trước. Thực tế là trong hiện tại, chúng ta phải vất vả học tập để thâu thái thêm kiến thức.
 
– Khuynh hướng thứ hai chủ trương rằng các tư tưởng không do Trời phú bẩm, nhưng được hình thành từ kinh nghiệm của giác quan và nhờ khả năng trừu tượng hóa của trí tuệ. Tiêu biểu cho lập trường này là ông Aristote, môn sinh của ông Platon. Thuyết này được thánh Tôma Aquinô kiện toàn và được phổ biến trong triết học Kitô giáo.
 
Lập trường này khởi đầu bằng nhận định về sự cấu tạo của bản thể con người. Khác với các hữu thể thuần thiêng (tựa như Thiên Chúa và các thiên thần) cũng như khác với các động vật, con người là một hợp thể vừa thiêng liêng vừa vật chất. Sự nhận thức của con người cũng nằm ở vị trí trung hòa ấy. Các hữu thể thuần thiêng thì có những ý tưởng gắn liền với bản tính của mình, nghĩa là bẩm sinh. Các động vật thì thủ đắc nhận thức qua các giác quan, nhưng nhận thức cảm tính thì mang tính cụ thể. Loài người thì thủ đắc nhận thức qua các giác quan, nhưng đồng thời có khả năng để chuyển hoán các nhận thức cụ thể sang nhận thức phổ quát, nhờ tiến trình “trừu tượng hóa”, bằng cách gạt bỏ những chi tiết riêng rẽ và giữ lại những khái niệm chung.Thí dụ loại bỏ các chi tiết của ông Xoài, bà Mít, chú Cam, cô Quít, để giữ lại yếu tố chung là “con người”. Cơ quan gạn lọc được đặt tên là “trí tuệ” (intellectus), biến đổi nhận thức giác năng (khả giác sensibilis) sang nhận thức trí năng (khả niệm intelligibilis). Nói đúng ra, trí tuệ không phải là chức năng của một cơ quan cụ thể nằm trong bộ não, nhưng là một quan năng thuộc về bản tính con người, vừa vật chất vừa thiêng liêng.
 
Từ đó, ta có thể nhận thấy hai đặc trưng của nhận thức trí tuệ như sau:
 
1/ Nhận thức trí tuệ không bị lệ thuộc vào đối tượng bên ngoài. Cảm giác chịu ảnh hưởng của đối vật: nếu có tiếng động thì ta nghe, nếu tiếng động chấm dứt thì ta hết nghe. Lên cao hơn nữa, ký ức có thể nhớ lại những âm thanh đã qua và óc tưởng tượng có thể hình dung những âm thanh mới; tuy nhiên đối tượng của cảm giác vẫn mang tính cách cụ thể. Trí tuệ có thể nghĩ đến những đối tượng phổ quát và trừu tượng, không chịu lệ thuộc vào những chiều kích không gian và thời gian, tuy dù tư tưởng của con người mang đậm sắc thái của lịch sử và nơi chốn.
 
2/ Một đặc tính nữa của nhận thức trí tuệ là khả năng phản hồi: con người có thể nghĩ về chính mình, mà chúng ta tạm gọi là “tự ý thức” (tự giác). Tự ý thức là nhận thức về bản thân mình, có thái độ đối với bản thân, tự nhận xét, đánh giá. Trong các ngôn ngữ Âu Tây, khả năng tự ý thức được đặt tên là conscience (gốc La tinh conscientia có nghĩa là “cùng biết”: cum+ scire, biết rằng mình biết). Hạn từ này được dịch sang tiếng Việt là “lương tâm” hoặc “lương tri”, sẽ được bàn trong chương tới.
 
Dù sao, ta nên lưu ý đến giới hạn của nhận thức trí tuệ do điều kiện “tinh thần nhập thể” của con người. Thực vậy, tuy tư tưởng con người mang tính cách trừu tượng và phổ quát, không tuỳ thuộc vào cảm giác, nhưng bởi vì bắt nguồn từ kinh nghiệm giác quan, cho nên tư tưởng bị chi phối bởi những phạm trù của thế giới vật chất (tựa như hình thái, chất lượng, không gian, thời gian). Vì thế ta khó hình dung một thực tại không sắc không màu không hình không dạng. Một cách cụ thể, khi nghĩ về Thiên Chúa, đầu óc chúng ta hình dung một ông cụ già, đầu tóc bạc phơ, ngự trên ngai toà cao sang; mặc dù chúng ta biết rằng Thiên Chúa không có thân thể hoặc phái tính, không đứng cũng chẳng ngồi!

II. CÁC KHÍA CẠNH NHẬN THỨC TRÍ TUỆ

“Nhận thức trí tuệ” vừa có thể hiểu về quan năng hiểu biết, vừa có thể hiểu về hành vi hiểu biết (nhận thức, ý thức), vừa có thể hiểu về kết quả của sự hiểu biết (tri thức, kiến thức).
 
Vì thế ta có thể phân biệt nhiều khía cạnh nhận thức, hoặc dựa theo quan năng hoặc dựa theo các hoạt động.

A. KHÍA CẠNH TÂM LÝ

Dựa theo hình thức và chức năng của sự hiểu biết, người ta phân biệt: trí tuệ, lý trí, tư duy, ký ức, trực giác.
 
1/ Trí tuệ54
 
Trong tiếng La tinh là intellectus, được giải thích theo tầm nguyên như là inter legere (đọc ở giữa: nghĩa là khám phá ý nghĩa nằm giữa các hàng chữ) hoặc intus legere (đọc bên trong, xuyên qua các hình thái bên ngoài), ám chỉ quan năng hiểu biết55. Hoạt động của nó là “suy nghĩ” (penser trong tiếng Pháp gốc bởi pensare tiếng La tinh có nghĩa là cân đo).
 
Đôi khi trí tuệ cũng được gọi là “tinh thần” (tiếng Pháp esprit, tiếng Anh spirit) chẳng hạn như khi đối chiếu giữa thao luyện thể xác và thao luyện tinh thần (linh thao). Ngoài ra, tiếng La tinh còn nói đến “mens” (tương đương với mind trong tiếng Anh) như là cấp cao nhất của trí tuệ.
 
2/ Lý trí (tư duy)
 
Thường “lý trí” được dùng như đồng nghĩa với “trí tuệ”. Tuy nhiên đôi khi “lý trí” được hiểu theo một nghĩa chặt hơn, tức là khả năng lý luận. Có những điều quá rõ ràng không cần lý luận mà cũng hiểu được; tuy nhiên có những điều phải giải thích, lập luận, chứng minh thì mới có thể hiểu56. Trong tiếng La tinh, danh từ ratio có thể ám chỉ quan năng suy tư (tức là lý trí) hoặc hành vi tư duy (lý luận: ratiocinium), hoặc là “lý do, lý lẽ”; từ đó có tính từ rationabilis (có lý, hợp lý). Những ý nghĩa này cũng gặp trong tiếng Pháp (raison, raisonable) và tiếng Anh (reason, reasonable).
 
Hành vi tư duy cũng còn được gọi là: “suy nghĩ, tư duy, lý luận, lập luận” (tiếng Pháp: penser, refléchir, raisonner; tiếng Anh: to think, to reflect). Nên biết là theo thần học Công giáo, Thiên Chúa và các thiên thần có trí tuệ, chứ không có lý trí. Lý trí là một đặc trưng của riêng loài người.
 
3/ Trực giác (intuition)
 
Có người cho rằng trực giác thuộc về nhận thức giác quan (giác quan thứ sáu), có người xếp vào hạng nhận thức trí tuệ. Trực giác có thể ám chỉ một quan năng hoặc là một sự nhận thức trực tiếp: nắm bắt ngay được vấn đề, mặc dù chưa am tường đầu đuôi thế nào (tiếng La tinh intuitus: in +tueri: nhìn vào bên trong). Nhiều lần trực giác là khởi điểm cho công cuộc khám phá (trực giác sáng tạo).
 
4/ Ký ức
 
Khi bàn về các nội quan, chúng tôi đã nói sự phân biệt giữa ký ức “cảm giác” và ký ức “trí tuệ” (trí nhớ). Sự phân biệt căn cứ trên đối tượng: đối tượng của ký ức cảm giác là một cảm xúc hay hình ảnh cụ thể; đối tượng của ký ức trí tuệ là một tư tưởng phổ quát trừu tượng. Trên thực tế, trong tiến trình hoạt động, cả hai lãnh vực trà trộn lẫn nhau: lý trí can thiệp vào ký ức cảm giác (chẳng hạn như: chủ ý ghi nhớ hay không), và cảm giác có thể hỗ trợ cho ký ức trí tuệ (một hình ảnh, một con số để giúp nhớ một hệ thống tư tưởng). Ta có thể phác hoạ sự can thiệp của lý trí vào hoạt động của ký ức qua những thể thức sau đây: lưu trữ, gợi lại, thanh lọc.
 
a) Lưu trữ dữ kiện. Trong giai đoạn ghi nhớ, lý trí có thể đặt ra một mục đích để ghi nhớ: chủ ý thu thập tài liệu (tuy dù có những dữ kiện được ghi nhớ cách tự nhiên, không cần chú ý), lựa chọn những biện pháp thủ thuật để ghi nhớ (chẳng hạn: lặp đi lặp lại, ghi chép).
 
b) Gợi lại dữ kiện khi cần thiết: nhận lại và nhớ lại, cùng với sự xác định hoàn cảnh đã diễn ra trong quá khứ.
 
c) Thanh lọc các dữ kiện: chỉ giữ lại những gì có ích và loại bỏ những gì vô ích. Chức năng thanh lọc này đôi khi cũng được gọi là “biết quên”. Thực ra, nhiều khi sự quên là một tật bệnh (amnesias), như trường hợp người đãng trí hoặc người mắc bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, đôi khi sự quên cũng cần thiết để khỏi chật ký ức, để tâm hồn được thanh thản nhờ loại trừ những chuyện buồn.
 
Dù sao, việc thanh luyện ký ức không dễ. Có người không thể nào quên được mối hận thù! Nhưng có người thì dễ lý-tưởng-hóa dĩ vãng, bởi vì họ chỉ giữ lại khía cạnh êm đẹp mà bỏ qua những khía cạnh tiêu cực của nó. Những người già dễ mắc bệnh này: họ thường coi thời xưa tốt đẹp hơn là thời buổi sa đoạ ngày nay. Có điều là họ dễ quên điều vừa mới xảy ra mà chỉ nhớ chuyện đời xưa!
 
Tâm-lý-học-chiều-sâu còn nói đến ký ức tập thể nữa. Nhờ ký ức tập thể mà một cộng đồng không bị mất căn tính. Mặt trái của nó là nguy cơ về niềm tự hào của tập thể với lịch sử oai hùng và dễ trở thành bảo thủ, không đuổi kịp con tàu thời gian.

B. KHÍA CẠNH LUẬN LÝ

Môn luận-lý-học (logic) bàn về nhận thức dưới khía cạnh kết quả của tiến trình truy tầm chân lý.
 
1/ Trong tiến trình lý luận, trí tuệ có ba hoạt động chính: ý niệm (hay khái niệm), phán đoán, suy luận.
 
a) Thứ nhất, trí tuệ nắm bắt một đối tượng (simplex apprehensio), xác định nó là gì bằng cách định nghĩa (= xác định ý nghĩa). Khi hiểu biết đối tượng, thì sinh ra “ý niệm”, trong tiếng La tinh là “conceptus”, có nghĩa là thụ thai (dịch sang tiếng Pháp và tiếng Anh là “concept”). Một khi đã nắm được ý niệm, trí tuệ diễn tả ra thành “hạn từ”, trong tiếng La tinh là “terminus” có nghĩa là “tận cùng” (tiếng Pháp: terme, tiếng Anh: term).
 
b) Thứ hai là phán đoán (iudicium), nghĩa là đối chiếu giữa hai ý niệm, để khẳng định cái nào đúng, cái nào sai (chẳng hạn: đối chiếu ý niệm “Thiên Chúa” với ý niệm “tốt lành”: Thiên Chúa có tốt lành không?). Sự phán đoán nhằm tìm kiếm sự thật. Tiến trình này đòi hỏi việc truy tầm các dữ kiện làm cơ sở cho lý luận. Nhiều khi trí tuệ không thể đạt được phán đoán “chắc chắn” (certitudo), và đành phải chờ đợi trong tình trạng “do dự” (dubium: hoài nghi), hoặc chỉ có thể an tâm với kết luận “cái nhiên” (probabilitas: có lý).
 
c) Thứ ba là suy luận (ratiocinium). Từ những kiến thức đã thủ đắc, trí tuệ mở rộng thêm tầm hiểu biết, bằng cách thâu thập thêm những dữ kiện (quy nạp) hoặc suy diễn những gì chứa đựng ám tàng trong kiến thức đã có (diễn dịch), nhờ những thao tác phân tích, tổng hợp.
 
Trong tiến trình này, luận-lý-học đề ra những quy luật để bảo đảm cho tư duy được đứng đắn, nhằm tránh sự sai lầm. Nên biết nguồn gốc của sự sai lầm có thể tại vì u mê dốt nát, nhưng cũng có thể bởi sự mù quáng do đam mê hoặc định kiến.
 
2/ Xét theo chiều sâu của trí tuệ
 
Con người có trí tuệ, nhưng điều này không có nghĩa là tất cả mọi người đều có cùng nhận thức trí tuệ như nhau.
 
– Sự khác biệt rõ ràng nhất là trình độ phát triển tuỳ theo lứa tuổi. Một em bé sơ sinh đâu đã có khả năng lý luận như người trưởng thành?
 
– Tuy cùng một lứa tuổi, nhưng kiến thức của người này không giống như người khác: điều này tuỳ thuộc năng khiếu bẩm sinh (các nhà tâm lý tìm cách đo lường trí thông minh qua trắc nghiệm IQ), tuỳ theo trình độ học vấn cũng như tuỳ theo sự vận dụng (“trăm hay không bằng tay quen”).
 
– Mặt khác, môi trường áp dụng công tác trí tuệ cũng là tiêu chuẩn khác để xếp loại. Có những người rất giỏi về lý thuyết trong các đại học, nhưng vụng về trong đời sống hằng ngày. Một giáo sư kinh-tế-học chưa chắc đã kiếm được nhiều tiền bằng một thương gia, và khi bước sang chuyện quản trị ngân sách gia đình thì chắc là ông không rành bằng bà vợ. Từ đó có sự phân chia các loại kiến thức: “lý thuyết” (speculativus) hoặc “thực tiễn” (practicus); “bình dân” (popularis) hay “bác học” (scientificus).
 
– Ngoài ra, trong môi trường đại học, còn sự phân chia giữa những khoa học thiên nhiên (sciences naturelles), khoa học nhân văn xã hội (sciences humaines), khoa toán học và triết học (tức là những khoa trừu tượng). Sự phân chia này dựa theo đối tượng nghiên cứu (cụ thể hay trừu tượng) cũng như dựa phương pháp nghiên cứu (quy nạp, diễn dịch, đo lường, tư duy). Đừng quên rằng theo nguyên ngữ tiếng Pháp và tiếng Anh, từ  “khoa học” (science) gốc La tinh có nghĩa là sự hiểu biết (scientia, bởi động từ scire), cũng tựa như savoir trong tiếng Pháp (dùng như danh từ và động từ). Tuy nhiên, không phải bất cứ sự hiểu biết nào cũng là “khoa học”. Để đáng gọi là kiến thức “khoa học” phải mang tính cách khách quan có thể được chứng minh hay kiểm chứng.

C. Ý THỨC – VÔ THỨC

Chúng ta đã điểm qua những chức năng và hoạt động của trí tuệ, nhìn dưới khía cạnh tích cực của nó. Đối lại, ngay từ cổ thời, luận lý học và tâm lý học cũng đã kể ra các “bệnh” của trí tuệ, nghĩa là khía cạnh tiêu cực của nó dưới nhiều hình thức khác nhau.
 
1/ Luận lý và đạo đức học cổ truyền nói đến hai dạng thức tiêu cực của trí tuệ trong tương quan với chân lý, đó là “không biết” (ignorantia) và “sai lầm” (error).
 
a) Đối lại với “nhận thức” (biết) là “không biết” (thiếu hiểu biết, u mê, dốt nát). Dĩ nhiên có nhiều dạng thức hoặc cấp độ “không biết”. Có người rơi vào tình trạng dốt nát bởi vì thiếu phương tiện học hành. Như vậy phải chăng các giáo sư đại học có thể tự hào rằng mình đã thoát cảnh dốt? Xin thưa rằng một bậc giáo sư chân thành sẽ khiêm tốn thú nhận: mình vẫn còn dốt lắm; càng học nhiều càng thấy mình dốt, bởi vì biển học mênh mông mà mình mới nắm được vài giọt kiến thức thôi57. Chỉ có những người thông thái rởm mới dám vênh vang rằng mình đã nắm được các bồ chữ của thiên hạ!
 
Dưới khía cạnh luân lý đạo đức, đôi khi sự dốt nát trở thành một lỗi, đó là khi ta không chịu học hỏi trong lãnh vực thuộc nghĩa vụ của mình (chẳng hạn như một bác sĩ không chịu nghiên cứu cách thức điều trị bệnh nhân). Trong phạm vi pháp lý, hình luật giả thiết rằng các công dân đều am tường luật pháp58, vì thế bị cáo không thể nại đến sự “không biết” để bào chữa sự vi phạm.
 
b) Một thứ lệch lạc nữa của nhận thức là “sai lầm” (nhầm lẫn), nghĩa là hiểu không đúng với sự thực. Sự sai lầm có thể bắt nguồn từ thành kiến, cố chấp, ngoan cố.
 
2/ Vào thời cận đại, với sự phát triển của tâm lý học chiều sâu, các tác giả phân biệt nhiều cấp độ nhận thức, khởi đầu từ “vô thức” cho đến “ý thức”. Thực ra, vô thức là một khái niệm khá rộng. Vô thức không chỉ có nghĩa là “không có ý thức” (nghĩa là dốt nát), nhưng còn là “chưa được ý thức rõ rệt”. Tuy vô thức là hiện tượng tâm lý mà ta chưa nhận thức được nhưng nó vẫn chi phối các hành vi của ta. Có nhiều cấp độ vô thức và ý thức.
 
a) Cấp độ chưa ý thức. Ta có thể gọi là “vô thức” (nghĩa là “vô ý thức”) những động lực chi phối các hành vi ngôn ngữ ở ngoài tầm nhận thức của mình (chẳng hạn như các bản năng bẩm sinh, hoặc di truyền).
 
b) Cấp độ tiềm thức. Đây là những hiện tượng “ở dưới ý thức” hơn là “vô ý thức”. Nó không ám chỉ những hiện tượng vô thức đang dần dần tiến đến ý thức, cho bằng những hiện tượng vốn đã có ý thức nhưng do lặp đi lặp lại nhiều lần trở nên quá quen thuộc và trở thành “tiềm thức” (nghĩa là dạng tiềm năng của ý thức).
 
c) Cấp độ ý thức. Ý thức cũng mang nhiều trình độ, từ hiểu biết lơ mơ cho đến rõ rệt, đó là chưa kể những tình trạng lơ đãng, sơ ý, bất cẩn hoặc lãng quên. Ý thức thường đòi hỏi sự chú ý59.

III. TRÍ TUỆ VÀ CHÂN LÝ

Đề tài của chương này là “nhận thức” hoặc hiểu biết. Chúng ta đã rảo qua hai cấp độ của nhận thức, theo cảm tính và theo trí tuệ. Nhờ nhận thức, con người tăng thêm sự hiểu biết để sinh sống và ứng xử. Con người có nhu cầu hiểu biết. Hơn thế nữa, ngoài việc tăng cường kho tàng kiến thức, con người còn muốn thoả mãn một nhu cầu khác nữa, đó là muốn tìm hiểu chân lý; thậm chí ta có thể khẳng định rằng đối tượng của sự hiểu biết là chân lý. Một vấn nạn được nêu lên: chân lý là gì? Trí tuệ có thể nắm bắt chân lý không?

A. CHÂN LÝ LÀ GÌ?

Trước toà tổng trấn Philatô, đức Giêsu tuyên bố sứ mạng của mình là làm chứng cho chân lý (Ga 18, 37), nhưng lập tức Người đã bị tổng trấn ngắt lời: “chân lý là gì?” (Ga 18,38), và ông không muốn nghe tiếp. Phải chăng ông Philatô muốn tránh cuộc tranh luận phiền toái? Hay là vì ông hoài nghi về chân lý? Chúng ta sẽ trở lại câu hỏi này. Riêng về khía cạnh từ ngữ, tiếng Việt dùng hai hạn từ tương đương “chân lý” và “sự thật” để dịch cũng một danh từ trong các ngôn ngữ Tây Âu (veritas tiếng La tinh, vérité tiếng Pháp, truth tiếng Anh). Chân lý là một hạn từ Hán Việt, có nghĩa là cái lý lẽ của sự vật (chân = có thật).
 
1/ Trong ngôn ngữ hàng ngày, người ta dùng tiếng “thật” (hay “thực” ) ít là vào bốn phạm vi khác nhau:
 
a) Trước hết, khi áp dụng vào một sự vật hay sự kiện, thì “thực” đối lại với “giả” (đồ thực / đồ giả); chuyện “thật” (chuyện đã xảy ra thực sự) trái ngược với chuyện “bịa đặt” (không có, giả mạo).
 
b) Khi áp dụng vào tư tưởng và nhận thức, thì “thực” có nghĩa là “đúng”: ý kiến đúng (trung thực) khi nhận thức phù hợp với thực tại khách quan60, đối lại với “sai, trật, lầm”; đối lại với chân lý là lạc thuyết, tà thuyết.
 
c) Khi áp dụng vào lời nói, thì “thực” có nghĩa là phát biểu hợp với tư tưởng tâm tình, có sao nói vậy: nói thật (ngược lại với nói dối). Lời nói trung thực thường cũng được gắn liền với sự trung thành (hay trung tín): đã hứa thì cương quyết giữ lời.
 
d) Khi áp dụng vào lối sống, “thực” có nghĩa là chân thành, thành thật, chân thực, trung thực (đối lại là con người gian trá, xảo quyệt, giả dối)61.
 
Từ đó người ta phân biệt ít là ba thứ chân lý:
 
– a) chân lý bản thể hay khách thể (veritas ontologica), nằm trong bản chất của sự vật;
 
– b) chân lý luận lý (veritas logica), thuộc về nhận thức của trí tuệ;
 
– c) chân lý luân lý (veritas moralis), mang tính cách thực tiễn, bao gồm luôn cả việc “nói thật” và “sống thực”.
 
Nói cách khác, chân lý không chỉ là đối tượng của nhận thức (biết sự thật) nhưng còn là đối tượng của lời nói và lối sống (nói thật, sống thật).
 
2/ Riêng trong phạm vi nhận thức (nghĩa thứ hai vừa nói trên đây), người ta phân biệt nhiều cấp độ nắm bắt chân lý, dựa theo lối tiếp cận:
 
a) Chân lý thường thức: sự kiện xảy ra trong đời sống hằng ngày, có thể kiểm tra qua việc điều tra thu thập dữ kiện.
 
b) Chân lý khoa học thực nghiệm: các lý thuyết được xác minh bằng những thử nghiệm.
 
c) Chân lý siêu hình: các kết luận được chứng minh bằng lập luận chặt chẽ.
 
d) Chân lý tôn giáo: vượt lên thế giới thực nghiệm, dựa vào sự xác tín của chứng từ.

B. KHẢ NĂNG NHẬN BIẾT SỰ THẬT

Bản tính con người là muốn biết sự thật. Mỗi ngày chúng ta theo dõi tin tức để biết chuyện gì xảy ra trên đời. Khi nghe tin có một án mạng, chúng ta muốn được biết sự thật: ai là thủ phạm? Ai là kẻ chủ mưu? Thêm vào đó, cuộc sống trong xã hội cũng đòi hỏi các mối tương quan được xây dựng trên sự thành thực với nhau.
 
Tuy nhiên, con người có khả năng nhận biết sự thật không? Chắc chắn là trên đời này còn rất nhiều điều bí ẩn mà chúng ta không mong gì sẽ biết tường tận. Trong lịch sử triết học, nhiều câu hỏi tổng quát đã được đặt ra chung quanh khái niệm về chân lý (sự thật): chân lý là gì? Có chân lý không? Lấy gì làm tiêu chuẩn xác định chân lý, phân định cái đúng cái sai? Có chân lý tuyệt đối không? Nhiều ý kiến đã được đưa ra.
 
1/ Thuyết hoài nghi (scepticismus) cho rằng không có chân lý. Theo họ, trên đời này không có tiêu chuẩn nào để xác định điều gì là đúng hay sai. Thuyết hoài nghi đã xuất hiện từ thời cổ bên Hy lạp. Trên nguyên tắc, thuyết hoài nghi gặp mâu thuẫn nội tại, bởi vì nếu chủ trương rằng trên đời này không có chân lý, thì chính thuyết hoài nghi cũng không phải là chân lý. Nếu vậy thì hơi đâu mà mất thời giờ để tranh luận! Tranh luận là để tìm hiểu cái gì đúng, cái gì sai; chứ nếu cái đúng cũng y như cái sai, thì tranh luận làm gì?
 
Tuy vậy, trên thực tế, vào thời nay nhiều người không muốn tranh luận về chân lý một cách trừu tượng như vậy. Vấn đề chân lý được chuyển sang lãnh vực thực hành. Người ta không mấy bận tâm đến chuyện có chân lý hay không, hoặc lấy gì làm tiêu chuẩn xác định chân lý. Đối với họ, để biện minh cho hành động của mình, họ dựa theo cái gì hữu ích, hoặc dựa theo dư luận (ý kiến của đa số).
 
2/ Thuyết tương đối (relativismus) chấp nhận rằng có chân lý, nhưng mọi chân lý đều tương đối, chỉ có giá trị trong một thời đại hay nền văn hoá nào đó. Điều này được áp dụng cách riêng cho các tôn giáo. Không tôn giáo nào nắm bắt chân lý trọn vẹn. Mỗi tôn giáo chỉ chứa đựng một phần chân lý thôi. Người ta thường trưng dẫn điển tích các anh mù sờ voi để làm thí dụ. Một nhà vua cho mời các anh mù đến dinh, và cho họ sờ một con voi. Anh thì sờ cái tai, anh sờ ngà, vòi, chân, đuôi. Sau đó nhà vua hỏi ý kiến của họ về con voi. Mỗi người mô tả con voi một cách, tuỳ theo cảm giác của mình: con voi giống như cái thúng, giống như cái bình, giống như cái chổi, giống như cột đình, vân vân. Điều tức cười là anh nào cũng khăng khăng bảo rằng chỉ có nhận định của mình là đúng, và bài xích các ý kiến ngược lại. Đến lúc nào đó, họ mất tự chủ, từ chỗ đấu khẩu quay sang đấm đá nhau. Lúc ấy nhà vua mới lên tiếng: “này các anh, các anh đã quên rằng mình là người mù: mỗi người chỉ rờ được một phần của con voi, chứ đâu có ai thấy được tất cả con voi đâu?”.
 
Câu chuyện vừa rồi để lại cho ta một bài học về đức khiêm tốn: trên hành trình tìm kiếm chân lý, chúng ta đều là những người mù; mỗi người chỉ nhìn thấy một góc cạnh của vấn đề mà thôi. Một cách tương tự như vậy, mỗi tôn giáo chỉ có thể khám phá một góc cạnh của Đấng Vô biên; vì vậy đừng ai tự tôn tuyên bố mình chiếm hữu chân lý toàn diện, để rồi bài xích người khác. Chủ trương nắm giữ chân lý sẽ đưa đến thái độ bất bao dung, muốn diệt trừ các ý kiến trái nghịch, sai lầm. Do đó, mỗi người hãy chấp nhận tính cách tương đối của chân lý, chấp nhận những ý kiến khác biệt.
 
Tuy nhiên, một vấn nạn được nêu lên cho thuyết tương đối cũng tương tự như thuyết hoài nghi, đó là: nếu mọi chân lý đều mang tính cách tương đối, thì thuyết tương đối cũng chỉ đúng tương đối chứ không đúng trăm phần trăm!
 
3/ Trong cuộc tranh luận về khả năng nhận biết chân lý tuyệt đối, trong số những triết gia đã gây ảnh hưởng đến tư tưởng cận đại, ta không thể nào bỏ qua ông Immanuel Kant. Ông phân biệt giữa lý trí thuần tuý và lý trí thực tiễn. Lý trí thuần tuý chỉ có thể đạt tới các hiện tượng (phenomenon) chứ không đạt tới các chân lý siêu hình tựa như bản tính (noumenon). Sự phân biệt này mang theo nhiều hậu quả cho tri thức luận.
 
a) Dựa trên sự phân biệt giữa sự hiểu biết về hiện tượng và về bản tính, các ngành học được chia làm hai khối: khoa học thực nghiệm khảo sát các hiện tượng; còn chuyện bản tính thì dành cho triết học62. Triết học không mang tính cách khoa học.
 
b) Dựa trên sự phân biệt giữa lý trí thuần tuý và lý trí thực tiễn, các chân lý liên quan đến Thiên Chúa và luân lý đạo đức nằm trong lý trí thực tiễn. Nói cách khác, tôn giáo là chuyện của tình cảm chứ không phải của lý trí. Tiếp theo ông Kant, vai trò Tuyệt đối của Thiên Chúa được chuyển sang cho Tinh thần (theo Hegel) hay Tiến hoá lịch sử (theo Marx). Thiên Chúa đã bị loại ra khỏi thế giới.
 
4/ Nên biết là tuy ông Kant phân biệt những lối tiếp cận chân lý, nhưng chúng có thể đồng hành với nhau, nhưng đến lượt ông Auguste Comte (1798-1857) thì chúng loại trừ nhau. Theo ông Comte cha đẻ của khoa học thực nghiệm, tôn giáo, triết học và khoa học không phải là ba đường lối tiếp cận thực tại, nhưng là ba trạng thái tiến hoá của nhân loại. Tôn giáo và triết học (siêu hình) thuộc về quá khứ rồi, khi nhân loại còn trong tình trạng ấu trĩ, cho nên tìm cách giải thích vũ trụ bằng thần thoại và suy diễn. Bây giờ đã đến thời của khoa học thực nghiệm. Khoa học thực nghiệm dựa trên giả thuyết, thí nghiệm, kiểm chứng. Chuyện “đúng” hay “sai” không dựa trên lý luận, nhưng dựa trên kết quả. Cái gì làm được (khả thi) là đúng, cái gì bất khả thi là không đúng. Không có một giới hạn nào khác nữa được đặt ra cho các công cuộc thí nghiệm khoa học.
 
Những quan điểm vừa rồi dẫn đến ít là ba hệ luận như sau:
 
a) Hệ luận thứ nhất: như vừa nói, việc nhận biết Thiên Chúa không thuộc phạm vi của lý trí, nhưng là chuyện tình cảm chủ quan.
 
b) Hệ luận thứ hai là không có một chân lý khách thể tuyệt đối. Chân lý là điều do con người đặt ra, là thành quả của những công trình nghiên cứu và thử nghiệm. Chân lý mang tính cách năng động.
 
c) Trong lãnh vực luân lý đạo đức, không có một quy chuẩn khách quan phổ quát. Mỗi người hãy hành động theo lương tâm của mình, làm điều mà mình nghĩ là đúng. Nếu ta phải tuân thủ một quy chuẩn ở bên ngoài hay ở bên trên ta, thì ta sẽ không còn tự do nữa.
 
Thoạt tiên xem ra những chủ trương này thật là hấp dẫn bởi vì đề cao phẩm giá con người, cách riêng là quyền tự do. Tuy nhiên, nếu phân tích sâu xa thì ta sẽ thấy những nghịch lý về lý thuyết cũng như về thực hành. Xét về lý thuyết, chúng ta biết rằng khả năng của con người bị giới hạn, chứ không toàn năng làm được bất cứ điều gì mình muốn! Xét về thực hành, quyền tự do lại càng bị hạn chế hơn nữa. Sống trong xã hội, tôi phải tìm cách dung hoà tự do của tôi với tự do của người khác: tôi phải tôn trọng tính mạng, tài sản của họ, chứ không thể nào tôi cứ tự tiện đòi giết người cướp của; dĩ nhiên tôi không muốn cho họ tự tiện ăn cướp hay giết tôi. Như vậy, gián tiếp tôi phải chấp nhận rằng cần có một quy luật ấn định điều tốt điều xấu, điều gì được phép làm và điều gì không được phép làm. Dựa vào đâu để xác định điều được phép và điều không được phép làm? Phải chăng dựa trên ý kiến của đa số, hay ý kiến của thiểu số nắm quyền lực? Kinh nghiệm đau thương dưới các chế độ độc tài cho thấy rằng động lực của những người phủ nhận chân lý không phải là nhằm bảo vệ tự do của con người nhưng là để áp đặt ý thức hệ của họ. Chế độ phát-xít Đức tự cấp cho mình quyền sát sinh người Do thái, các chế độ mác-xít cũng tự ban cho mình quyền khai trừ những thành phần làm cản bước tiến của xã hội chủ nghĩa; chế độ tư bản ngày nay cũng dành quyền khai trừ không những ai bị xếp vào hàng khủng bố, mà cả các thai nhi, các người già lão, bởi vì những người này không có lợi gì cho nền kinh tế! Nói khác đi, họ thay thế tiêu chuẩn lượng định hành vi, từ cái “đúng / sai”, sang chỗ “lợi / hại”: điều này có lợi hay có hại cho tôi?
 
4/ Lập trường của Giáo hội Công giáo có thể tóm lại ở vài điểm sau.
 
– Có một chân lý khách thể tuyệt đối. Chân lý khách thể thứ nhất chính là Thiên Chúa, Đấng sáng tạo vạn vật. Con người cố gắng khám phá chân lý, chứ không tạo ra chân lý. Con người phải tôn trọng trật tự mà Đấng Thượng trí đã hoạch định.
 
– Trên đường khám phá chân lý, con người sử dụng lý trí của mình, nhờ những công trình nghiên cứu cũng như nhờ sự học hỏi từ tiền nhân và trao đổi kinh nghiệm với tha nhân. Nhờ sử dụng lý trí, con người có thể đạt tới những chân lý vĩnh cửu như là: sự hiện hữu của Thiên Chúa và linh hồn, những nguyên tắc luân lý tự nhiên.
 
– Ngoài những chân lý mà con người có thể khám phá nhờ khả năng lý trí, còn có những chân lý mà con người lãnh nhận từ mạc khải (GLCG số 36-38; 50). Các chân lý của lý trí và các chân lý của mạc khải không thể nào mâu thuẫn với nhau, bởi vì cả hai đều phát xuất từ một nguồn gốc là Thiên Chúa (GLCG số 159). Nếu sự xung khắc xảy ra thì không phải là tại các chân lý kình địch nhau, nhưng là tại sự hiểu biết nông cạn của chúng ta. Một nguyên nhân xung đột giữa khoa học thực nghiệm và thần học vào những thế kỷ gần đây bắt nguồn từ sự lẫn lộn về lối tiếp cận. Thần học sẽ phạm lỗi lầm nếu muốn tìm trong Kinh thánh những lối giải thích về sự thành hình vũ trụ theo quan điểm của khoa học thực nghiệm; ngược lại, khoa học sẽ phạm lỗi lầm nếu phủ nhận các thực tại mà máy móc không thể đo lường được (thí dụ sự hiện hữu của linh hồn, hoặc sự hiện hữu của Thiên Chúa). Nói khác đi, Giáo hội chấp nhận rằng các chân lý nhận được từ mạc khải thì nằm trong lãnh vực tôn giáo và luân lý, chứ không bao hàm tất cả mọi khía cạnh của kiến thức nhân loại. Do đó, cần phải tôn trọng phương pháp nghiên cứu chuyên môn của các khoa học thực nghiệm và nhân văn.
 
– Tôn giáo không chỉ bao hàm các chân lý trừu tượng mà thôi, nhưng còn gồm nếp sống luân lý và kinh nguyện nữa. Tôn giáo không chỉ là một học thuyết. Tuy vậy, các chân lý là một thành tố quan trọng của tôn giáo. Nếu thiếu thành tố chân lý, tôn giáo sẽ dễ rơi vào mê tín hoặc cuồng tín. Tôn giáo khuyến khích con người hãy hành động hợp với bản tính hữu lý của mình. Cách riêng Kitô giáo bao hàm chân lý về Thiên Chúa và về con người. Thiên Chúa tạo dựng con người vì yêu thương con người. Thiên Chúa dựng nên con người cho Thiên Chúa. Đây là nền tảng của phẩm giá con người: con người không phải là một dụng cụ được sản xuất cho một mục tiêu khác. Không ai được phép đối xử người khác như một đồ vật thí nghiệm. Điều này không những đòi hỏi phải tôn trọng mạng sống con người, dù là bào thai hay người tàn tật, nhưng còn phải tôn trọng phẩm giá con người (loại trừ mọi thứ khai thác bóc lột). Đi xa hơn nữa, chân lý về con người đòi hỏi tình liên đới với những con người dốt nát, nghèo khổ, bệnh tật, tạo cho họ điều kiện sống xứng với nhân phẩm. Trên thực tế, lịch sử đã cho thấy chân lý về con người đã giúp bảo vệ những thành phần yếu ớt trong xã hội khỏi sự đàn áp của bạo quyền. Kitô giáo chủ trương rằng bên trên luật pháp của quốc gia còn có luật Trời nữa. Nhân phẩm của con người dựa trên bản tính con người, chứ không do xã hội ban cấp. Vì thế, khi mở rộng đến Thiên Chúa, con người mở rộng ra cõi vô biên (thay vì bị nhốt trong cái cũi của cái tôi), vươn đến chân lý và tình yêu tuyệt đối. Nói khác đi, chân lý không trái ngược với tự do, nhưng còn giúp cho con người sống tự do đích thực, bởi vì sống hòa hợp với lý tính của mình chứ không theo dục vọng.
 
– Tuy mang trách nhiệm loan truyền các chân lý mạc khải, nhưng Giáo hội không có quyền áp đặt các chân lý ấy cho hết mọi người. Giáo hội trình bày chân lý bằng đường lối thuyết phục, đối thoại và chứng tá, chứ không phải bằng vũ lực (GLCG số 160; 2106).

C. VÀI NHẬN XÉT

Con người khao khát biết chân lý, tuy rằng hành trình truy tầm chân lý rất cam go. Dù sao, việc tìm kiếm chân lý không chỉ là một khát vọng của con người nhưng còn là một quyền lợi và nghĩa vụ nữa.
 
– Việc hiểu biết chân lý (cách riêng chân lý về ý nghĩa cuộc đời), tạo nên thiên chức cao quý của con người. Thực vậy, một khi đã nhận thức cứu cánh của đời mình, con người sẽ quy hướng tất cả các ước muốn và hành động nhắm tới đó. Cuộc sống con người không bị khép kín vào thế giới vật chất.
 
– Trên đường tìm kiếm chân lý, con người gặp nhiều trở ngại. Giới hạn thứ nhất là sự dốt nát của mình. May thay, giáo dục có thể giúp ta vượt qua giới hạn đó. Tuy nhiên, trở ngại lớn hơn cả là tính tự ái tự đại của mình. Thật là khó chấp nhận rằng mình cần phải học hỏi người khác: không lẽ mình thua họ ư? Khổ hơn nữa, sự nhận thức chân lý nhiều lần đòi hỏi ta phải sửa đổi lề lối suy tư hoặc cách sinh hoạt. Tục ngữ đã chẳng nói rằng “nói thật mất lòng” đấy ư? Và lắm lần ta cũng ngại ngùng chấp nhận “sự thật phũ phàng”, bởi vì nó làm cho ta phải mất mặt! Như đã nói trên đây, chân lý không chỉ là đối tượng của nhận thức nhưng còn là đối tượng của lời nói (nói thật) và hành động (sống thực).
 
Mặt khác, Chúa Giêsu đã bảo đảm rằng: “chân lý (hay sự thật) sẽ giải thoát anh em” (Ga 8,32). Sự thật sẽ mang lại cho ta tự do đích thực, bởi vì nó giải thoát ta khỏi ách nô lệ của dốt nát, giả dối. Chúng ta sẽ trở lại với mối liên hệ giữa tự do và chân lý khi bàn đến lương tâm trong chương tới.
 
KẾT LUẬN
 
Trong chương này, chúng ta đã tìm hiểu sự nhận thức dưới hai cấp độ “cảm tính” và “trí tuệ”. Chúng ta phân biệt hai cấp độ để học hỏi, chứ trên thực tế, chúng gắn bó mật thiết với nhau. Nơi con người, cảm giác đã được thanh lọc bởi trí tuệ, như đã thấy khi bàn về tri giác. Ngoài ra, nhận thức cũng gắn bó với ước muốn, khiến ta nhiều lần gặp lúng túng không biết phải xếp một hiện tượng vào loại nào: bản năng xu hướng thuộc về nhận thức hay cảm xúc? Lương tâm (lương tri) thuộc về lý trí hay ý chí? Chúng ta sẽ bàn tiếp trong chương tới.

 

43 Nên biết dưới phương diện từ ngữ, huấn luyện (formatio) chính là tiếp nhận hình thái (forma); thông tin (informatio) là nhét thêm hình thái (in+ forma).

44 Trong tiếng Anh, “cảm giác” là sensation. Tuy nhiên, “cảm giác” còn tương đương với: impression, feeling nữa. Trong Hán Việt, “giác” là hiểu ra, biết rõ. Giác ngộ: tìm ra và hiểu rõ. Tri giác: biết rõ.

45 Từ ngữ của Phật giáo là “ngũ căn” hay “ngũ tri căn”: nhãn căn, nhĩ căn, tỹ căn, thiệt căn, thân căn.

46 Sensations of touch or pressure, of pain, of coolness and warmth, of movement, of balance Xc. R.E. Brennan, General Psychology, Macmillan, New York 1937:

47 Dịch ra tiếng Anh là: common sense, memorative sense, immaginative sense, estimative sense. Xc. Summa Theologica, I, quaestio 78, articulus 4.

48 Vì thế cũng được gọi là giác quan thẩm định (aestimativa).

49 Chẳng hạn như những cách mô tả đôi mắt phản ánh tính tình: mắt ti hí, mắt lươn, mắt bồ câu, mắt nai, mắt lá răm, mắt nhung, mắt huyền, mắt ngà, mắt huyền, mắt biếc

50 Xc. Sách Giáo Lý Hội thánh công giáo. Sensus fidei: số 92; 250; 785; 889; 904. Sensus Dei: 122; 2441. Sensus religiosus: 1676.

51 Tâm lý học gọi là “quy tắc ngưỡng cảm giác”, được phân chia làm ngưỡng phía dưới và ngưỡng phía trên: Ngưỡng cảm giác phía dưới là cường độ kích thích tối thiểu đủ để gây ra cảm giác; ngưỡng cảm giác phía trên là cường độ kích thích tối đa mà ở đó vẫn còn gây được cảm giác. Thí dụ đối với thị giác: ngưỡng phía dưới ở người là những sóng ánh sáng có bức sóng là 390 milimicron, ngưỡng cảm giác phía trên là 780 milimicron; đối với thính giác là khoảng giữa 20 và 20000 Hertz.

52 Các nhà Tu đức đều nói đến khổ chể ngoại quan và nội quan, cũng như khổ chế cảm xúc và tinh thần. Xc. Đời sống tâm linh tập III, trang 302-304.

53 Karl Popper and John C. Eccles, The Self and its Brain, New York 1977.

54 Tiếng Hy-lạp là nous (quan năng), noésis (hoạt động), nóema (đối tượng). Danh từ khác là dianoia.

55 Intellectus có thể áp dụng cho quan năng hiểu biết (trí hiểu) hoặc cho chính sự hiểu biết (như là hoạt động). Trong thần học Kitô giáo, intellectus còn được hiểu về một ân huệ của Thánh Linh giúp tín hữu am tường các chân lý đức tin.

56 Tiếng Pháp, “hiểu” comprendre có nghĩa nắm bắt (prendre), giống như tiếng gốc Latinh com+prehendere.

57 Đức Khổng đã khuyên: “Tri vi tri, bất tri vi bất tri, thị tri giã” (biết thì bảo là biết, không biết thì bảo là không biết, ấy là biết vậy). Sách Luận ngữ.

58 Nguyên tắc cổ luật Rôma: Nemo censetur ignorare legem (các tất tường pháp: Không ai được coi như không am tường pháp luật). Bộ giáo luật hiện hành phân biệt nhiều cấp độ ở điều 15.

59 Lịch sử triết học đã ghi nhận nhiều quan điểm khác nhau về vô thức và ý thức. Tâm phân học của ông Sigmund Freud còn nói đến “siêu thức” (hay “siêu ngã”), nhưng ý nghĩa của thuật ngữ này được giải thích cách khác nơi ông Karl Jung.

60 Định nghĩa của thánh Tôma: “veritas est adaequatio intellectus et rei “(Summa theologica, I, q.16)

61 Xc. Sách GLCG số 2465-2470

62 Thực ra những học thuyết chủ trương giới hạn khoa học vào khía cạnh thực nghiệm đã được đề xướng trước ông Kant, chẳng hạn như: David Hume (1711-1776), và trước nữa do các ông John Locke (1632-1704) và George Berkeley (1685-1753).