Dẫn Nhập
Mục I. Con người là hình ảnh Thiên Chúa
I. Văn bản Kinh Thánh
II. Truyền thống
III. Thần học hiện đại
Mục II. Sự tạo dựng con người
I. Việc tạo dựng vũ trụ
II. Việc tạo dựng loài người
Mục III. Tình trạng sa ngã
I. Kinh thánh
II. Lịch sử đạo lý về tội nguyên tổ
III. Thần học
Mục IV. Ân sủng cứu độ
I. Đạo lý về ân sủng
II. Những khía cạnh thần học
NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ CON NGƯỜI TRONG LỊCH SỬ THẦN HỌC KITÔ GIÁO
1. Trải qua dòng lịch sử, đứng trước những thách đố mới, các tín hữu lục lại Kinh thánh để tìm lời giải đáp. Nói cho đúng, Kinh thánh không phải là một bộ bách khoa từ điển, nhưng các tác giả đã tìm cách trình bày mạc khải của Thiên Chúa trước những băn khoăn của người đương thời. Chẳng hạn như những chương đầu của Sách Sáng thế được soạn ra không phải theo kiểu của nhà bác học mô tả nguồn gốc vũ trụ cho bằng tìm câu trả lời cho thắc mắc: sự dữ bắt đầu từ đâu? Tại sao có sự chết? Tại sao con người phải đau khổ?
Những câu giải đáp đã được đưa ra trong khung cảnh của một giao ước giữa Thiên Chúa với con người. Thiên Chúa không chỉ xuất hiện như một Đấng Tạo hóa, nguồn gốc hiện hữu của vạn vật, nhưng còn như một người bạn của loài người, mời gọi con người chia sẻ cuộc sống với Người. Con người không chỉ có những tương quan với đồng loại và với trái đất, nhưng tiên vàn còn có tương quan với Thiên Chúa nữa. Điều đáng để ý là Kinh thánh đề cao tự do của con người, tự do để chấp nhận hoặc khước từ lời mời gọi của Thiên Chúa. Lịch sử cứu độ được thêu dệt bởi một chuỗi những lần khước từ hoặc chấp nhận giao ước. Thánh Phaolô đã tóm tắt hai thái độ điển hình nơi ông Ađam và nơi đức Kitô đã làm thay đổi bộ mặt lịch sử nhân loại: vì ông Ađam đã bất tuân Thiên Chúa, cho nên ông đã mở cửa cho tội lỗi và sự chết len vào đời; đối lại, nhờ đức Kitô (một Ađam mới) đã tuân phục Thiên Chúa, cho nên nhân loại đã được tái sinh, khởi đầu cho cuộc tạo dựng mới (xc. Rm 5,12; 8,5-8; 2Cr 5,17). Một kỷ nguyên mới đã được khai mào nhờ cái chết và phục sinh của Đức Kitô, kỷ nguyên của thần khí và tự do của các con cái Chúa (Gl 5,13-16). Tưởng cũng nên biết là ngoài công trình cứu chuộc, Tân ước còn nói tới vai trò của Đức Kitô trong công cuộc tạo dựng nữa: “mọi sự được dựng nên trong Người, nhờ Người và cho Người” (xc. Cl 1,16).
2. Các giáo phụ tìm cách trình bày sứ điệp Kitô giáo trong khung cảnh văn hoá Hy lạp và Rôma, với những thành tựu cũng như những giới hạn của nó.
Triết học Hy lạp đã cung cấp những học thuyết về sự cấu tạo con người, với hai yếu tố: thân xác và linh hồn. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, có nhiều quan điểm khác nhau về nguồn gốc linh hồn cũng như về tương quan giữa linh hồn với thân xác. Những quan điểm này cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ với thế giới thần linh, chẳng hạn như thuyết của ông Platon cho rằng linh hồn con người đã hiện hữu từ trên thiên giới, với khuynh hướng coi nhẹ giá trị thân xác, và nguy hơn nữa đó là gạt bỏ cuộc Nhập Thể của Đức Kitô, theo như có thể nhận thấy nơi chủ trương của nhóm ngộ giáo (gnosticismus). Khi đương đầu với nhóm ngộ giáo, thánh Irênê đã bênh vực chân lý về thân xác của Đức Kitô cũng như chân lý về sự phục sinh thân xác như là thành quả của công cuộc cứu chuộc, điều mà trước đây thánh Phaolô đã nhấn mạnh trong thư thứ nhất gửi Côrintô (chương 15). Mặt khác, các giáo phụ Đông phương trình bày công cuộc cứu chuộc của Chúa Kitô như là sự nâng cao nhân loại lên hàng thần linh (cuộc “thiên hóa”, deificatio). Trong khi đó, thánh Augustinô, vị giáo phụ nổi bật bên Tây phương, thì nhấn mạnh đến sự thanh tẩy và cứu chữa bản tính sa đoạ của con người. Thần học của ông Augustinô chịu ảnh hưởng bởi kinh nghiệm bản thân cũng như cuộc tranh luận với ông Pelagiô.
Cũng đừng nên quên rằng những chân lý về Thiên Chúa Ba ngôi và về Chúa Kitô cũng mang theo hệ luận cho cuộc suy tư về con người, cách riêng trong việc xác định các khái niệm: ngôi vị, bản tính, ý chí.
3. Thần học Kinh viện thời Trung cổ mang tính cách hệ thống, điển hình nơi bộ Tổng luận thần học của thánh Tôma Aquinô (Summa Theologica). Con người được quan niệm như loài thọ tạo ở giữa những hàng thuần thiêng (như các thiên thần) và thuần vật chất, bởi vì con người gồm bởi linh hồn và thân xác tựa như mô hình và chất thể. Hơn thế nữa, con người được phân tích qua các tình trạng khác nhau của lịch sử cứu độ: trạng thái công chính nguyên thủy, sự sa ngã và cứu chuộc. Thêm vào đó, sự du nhập ý niệm “bản tính” (hay “bản nhiên” natura) đã đưa đến sự phân biệt giữa cái gì thuộc về “tự nhiên” (naturalis) và cái gì được ban cấp thêm, được mang danh là “ngoại nhiên” (praeternaturalis) hoặc “siêu nhiên” (supernaturalis). Dĩ nhiên, người ta không thể nào bỏ qua các suy tư về cứu cánh cuộc đời, cách riêng khi bàn về tứ chung.
4. Vào thời cận đại, một cuộc thách đố được đặt ra do ông Martin Luterô liên quan đến tình trạng sa đoạ của con người sau khi phạm tội. Vì thế công đồng Trentô đã dành nhiều thời giờ cho cuộc tranh luận về tiến trình con người được công-chính-hoá. Sau công đồng, những vấn đề này được nối tiếp liên quan đến sự hợp tác giữa con người với ân sủng, giữa công trạng và đức tin.
Mặt khác, tại châu Âu, triết học và khoa học dần dần thoát ly khỏi đức tin và thần học. Con người của thời cận đại tự coi mình như là trung tâm của vũ trụ, không cần biết đến Đấng Tạo hóa nữa. Thêm vào đó, khoa học thực nghiệm đã đưa ra những giải thích mới về nguồn gốc của thế giới và nhân loại, hoàn toàn khác với cái nhìn của Kinh thánh. Chính trong bối cảnh này, thần học tìm cách trả lời cho những mối băn khoăn mới của con người thời đại, một đàng xem ra tự mãn với những khám phá của mình, nhưng đồng thời cũng ý thức hơn thân phận mỏng dòn của mình đến độ dễ rơi vào tuyệt vọng. Ta có thể coi hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” của công đồng Vaticanô II như một cố gắng để trả lời cho những ưu tư đó: Con người là gì? Đâu là ý nghĩa của đau khổ, sự dữ, cái chết? Những cuộc chinh phục đắt đỏ có ý nghĩa gì không? Có gì còn lại sau cuộc sống này không?
Như đã nói trên đây, ít là có hai đường hướng thần học khi tìm giải đáp cho các câu hỏi ấy.
– Đường hướng thứ nhất tìm cách đối thoại với các khoa học hiện đại bằng cách sử dụng những luận cứ lý trí được soi sáng bởi đức tin. Phần nào đó là đường hướng mà chúng tôi đã áp dụng trong những chương trước đây.
– Đường hướng thứ hai đi sâu hơn vào nội dung đức tin, tìm hiểu ơn gọi con người ở trong đức Kitô, đó là: ơn gọi trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa. Đây là đường hướng được áp dụng trong chương này, với 5 mục chính, dọc theo lịch sử cứu độ.
1/ Trước hết, để trả lời câu hỏi: “con người là gì trước mặt Thiên Chúa?”, chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa câu định nghĩa trong Kinh thánh: “con người là hình ảnh Thiên Chúa”.
2/ Đi lùi lại dòng lịch sử, trở về buổi khai nguyên, chúng ta hãy tìm hiểu: “con người được dựng nên để làm gì?”. Đây là câu hỏi liên quan đến chuyện tạo dựng con người.
3/ Kinh thánh cho biết rằng nguyên tổ nhân loại đã mất tình nghĩa với Thiên Chúa vì tội bất phục tùng. Chúng ta hãy điểm lại những quan điểm thần học hiện đại về tội nguyên tổ cùng với những hệ quả của nó.
4/ Tuy nhiên, Thiên Chúa không để cho con người sống trong tình trạng sa ngã, nhưng Ngài đã đến nâng đỡ con người nhờ công trình cứu chuộc của Đức Kitô. Đây là một đề tài phong phú về ân sủng cứu độ, nhờ đó con người không những được tha thứ hòa giải nhưng còn được nâng lên hàng nghĩa tử.
5/ Mục cuối cùng sẽ được dành để bàn về cứu cánh cuộc sống cá nhân và lịch sử nhân loại1, khi mà kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được hoàn tất.
Như vậy môn nhân luận thần học tìm cách gom lại cách hệ thống những đề tài về con người trước đây được bàn trong nhiều ngành khác nhau: thần học tạo dựng, thần học về tội nguyên tổ, thần học về ân sủng, thần học về cánh chung.
Chúng ta bắt đầu với định nghĩa thần học về con người như là hình ảnh Thiên Chúa.
—————————-
————————–
1 Thứ tự trên đây có thể tìm thấy trong sách Giáo lý Hội thánh Công giáo: 1/ Tạo dựng vũ trụ (số 279-314) và loài người (số 355-379). 2/ Sự sa ngã: tội lỗi và những hậu quả (số 385-412). 3/ Ân sủng (số 1987-2016). Vấn đề cánh chung và cứu cánh nhân loại được bàn ở số 988-1050 và 1716-1724.