Nhân Bản Tính Qua Lối Nhìn “Trong Sự Giằng Co Sáng Tạo” Nơi Bản Tính Con Người

0
1729


Antôn Trần Khắc Bá

 

Cuộc sống con người chứa đầy sự phong phú và ‘huyền nhiệm’; và một trong những nét huyền nhiệm đó là những “mối căng thẳng sáng tạo” nội tại nơi con người chúng ta được thể hiện ra ngay trong cuộc sống hằng ngày. Có thể bạn vừa cãi nhau kịch liệt với một người lạ nào đó, nhưng ngay sau đó bạn lại muốn làm hòa với họ. Trên xe buýt, chúng ta cũng có thể bắt gặp ai đó chần chừ nhường chỗ ngồi cho một người già, nhưng rốt cuộc vẫn vui vẻ nhường. Chính từ những mối căng thẳng này mà chúng thấy được hiện tượng “nỗ lực vượt khó” với những tấm gương phi thường trong đời sống con người: những người khuyết tật biết chơi thể thao, biết viết chữ bằng chân; những bậc cha mẹ nghèo mưu sinh cho con cái ăn học; hay những nạn nhân biết vượt qua lòng thù hận để tha thứ cho kẻ thù, vv.

Vậy những mối căng thẳng đó phải được hiểu như thế nào?Trong bài viết ngắn này, tôi sẽ xét lại vài quan điểm về nhân bản, và nêu lên quan điểm của bản thân về nhân bản. Sau đó, chúng ta cùng suy xét xem đặc tính ‘vượt khó’ nảy sinh từ những “mối căng thẳng sáng tạo” diễn tả gì về bản chất con người. Cuối cùng, xét vì ‘lao động’ là một yếu tố loại biệt của con người so với các loài vật khác, nên trong phần kết luận mang tính phản tỉnh, tôi muốn nêu ý kiến cá nhân rằng bản chất con người vừa được thể hiện, và vừa được phát triển qua đời sống lao động của mình. Bản chất con người là gì? Hay đâu là những yếu tính thể hiện bản chất loại biệt của con người? Đây là một câu hỏi hết sức khó khăn.

Đã có nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau trong lịch sử suy tư của nhân loại. Một mặt, có rất nhiều triết gia nhìn bản chất con người như một bông hoa đẹp rực rỡ: tự bản chất là tốt, và luôn hướng về ‘ánh sáng mặt trời’- sự thiện. Nếu Plato hay Aristotle của Phương Tây nêu lên quan điểm này, thì ở Phương Đông, Khổng Tử và Mạnh Tử cũng dạy học trò như vậy: “nhân chi sơ, tính bản thiện.” Mặt khác, không thiếu những người có tư tưởng đối nghịch với quan điểm trên. Ví dụ, Tuân Tử cho rằng bản chất của con người là xấu, “nhân chi sơ, tính bản ác.” Cách nhìn hơi tiêu cực như thế về con người cũng được tìm gặp nơi một số nhà tư tưởng Tây Phương. Ví dụ, với Jean Paul Sartre, con người không có bản chất mang tính nội tại và bẩm sinh, nhưng chính con người có tự do để tạo nên bản chất cho chính mình, trở thành những gì mình muốn mà không lệ thuộc bất cứ một định hướng nào cả. Nhà tâm lý Skinner thậm chí còn đẩy mức tiêu cực cao hơn nữa khi cho rằng, bản chất con người hoàn toàn bị quy định và điều kiện hóa bởi chính môi trường xã hội của mình. Nói cách khác, bản chất con người chỉ như ‘bèo dạt mây trôi’, không có những giá trị nội tại mang tính phổ quát.Tất nhiên, khi đưa ra quan điểm của mình, các nhà tư tưởng thường đứng trên một nền tảng nào đó; và riêng với quan điểm về bản chất con người, thì nền tảng đó thường dựa trên những biểu hiện đặc thù của con người. Vì thế, mỗi quan điểm đều có sự hữu lý riêng của nó.

Với những người nhìn tích cực về bản chất con người, có lẽ điều họ kinh nghiệm được là những sự đơn sơ, hồn nhiên, ‘thánh thiện’ của trẻ thơ; hay những khát khao hướng về sự thiện nơi sâu thẳm của mỗi người. Ví dụ, một người ăn cướp hay giết người vẫn có những khao khát thầm kín và những biểu hiện hướng thiện riêng của họ: họ có thể yêu thương vợ con, bằng hữu của mình, và trong nhiều trường hợp, vì muốn cuộc sống của người thân được tốt đẹp mà họ đi ăn cướp. Plato cho rằng, đó không phải là những người xấu, nhưng việc xấu họ làm chỉ là do “ngu muội.” Với những ai nhìn con người dưới nhãn quan hoàn toàn tiêu cực, có lẽ điều khiến họ cảm thấy ‘chua chát’ với cuộc đời là những sự dữ hiện diện ngay nơi suy nghĩ của con người, cũng như được bộc lộ ra thành hiện tượng trong xã hội.

Có thể Tuân Tử phải chứng kiến những biểu hiện ích kỷ, tham lam, ác độc của con người, và cũng nghiệm thấy những nghiêng chiều về sự dữ nơi thâm tâm mình. Còn Sartre thì dường như chịu ảnh hưởng quá nhiều bởi những biểu hiện của một thời đại lộn xộn với cả người tốt lẫn kẻ xấu, cả sự thiện lẫn sự ác đan xen lẫn nhau.Nhưng chính sự hữu lý riêng của mỗi trường phái như trên đã cho thấy rằng việc hoàn toàn đi theo một thái cực trong quan niệm về nhân bản, như Mạnh Tử hay Sartre, đương nhiên có vấn đề. Chắc hẳn không ai có thể chối bỏ sự hiện diện của những điều xấu xa, của những tội ác do con người gây nên; và cũng không ai phủ nhận những kinh nghiệm nội tâm của mỗi người về những khuynh chiều ích kỷ, tham lam, dục vọng, vv, nơi bản thân. Ngược lại, điều chắc chắn, và có lẽ mỗi người đều cảm nghiệm được, là chúng ta cũng có những khao khát hướng về sự thiện nơi sâu thẳm của mỗi con người, nhất là những khát vọng hướng về tình yêu, hướng về tha nhân. Như thế, dường như nơi con người luôn chứa đựng những mối giằng co: chúng ta bị những cám dỗ của lòng tham, hay có những ‘yếu đuối’ dẫn đến làm những việc xấu xa, nhưng chúng ta vẫn luôn có một khát vọng hướng về sự thiện, sự lành, hướng về những gì tốt đẹp, cao cả, và siêu vượt. Vấn đề có thể đặt ra tại đây là một quan niệm nhân bản như thế có phải mang tính nhị nguyên hay không?

Thật ra, mặc dù chứa đựng sự trái ngược giữa “hướng thiện” và “yếu đuối”, nhưng nhân bản con người luôn được định hướng trong một tiến trình phát triển đi lên. Tất nhiên, trên thực tế, chúng ta có thể thấy những người bị ‘tha hóa’ đến mức làm tàn lụi cả khao khát vươn lên nội tại của mình; tuy nhiên, với những người bình thường, sự phát triển nhân bản là cả một hành trình, trong đó ‘hướng thiện’ và ‘yếu đuối’ đóng vai trò như phản đề và chính đề của một tiến trình biện chứng. Vì thế, yếu tố giằng co đóng vai trò như một năng động lực phát triển và sáng tạo của nhân bản, thay vì một chia tách nhị nguyên của hai thái cực. Khi chúng ta càng giữ (hay đúng hơn là càng ‘sống’) sự giằng co sáng tạo của nhân bản, tự do của chúng ta càng trở nên ý nghĩa, và bản thân chúng ta càng ‘trở nên người hơn.’ Ý nghĩa này của nhân bản sẽ được diễn tả rất sống động qua hiện tượng ‘vượt khó’ hay ‘vươn lên’ mà ta đã đề cập ở đầu bài.Nỗ lực vươn lên của con người nói lên điều gì? Trước hết, nỗ lực đó giả thiết rằng chúng ta thực sự là một “thụ tạo” bất toàn. Khi tôi muốn vươn lên cao có nghĩa là tôi đang ở nơi thấp; khi tôi khao khát sự thiện có nghĩa là tôi có ‘lỗ trống’ về chính sự thiện chưa được lấp đầy. Việc bạn hơi do dự khi nhường chỗ ngồi cho một người già trên xe buýt nói lên điều gì? Nó nói lên những yếu đuối từ bản năng của bạn.

Thật vậy, nếu chỉ theo mách bảo của bản năng, bạn sẽ hướng đến những gì là lợi ích và làm thỏa mãn bản thân mình; và khi gặp một môi trường tạo sự cạnh tranh (như trên xe buýt), bạn sẽ hành xử ích kỷ. Đó là lý do vì sao sự sai trái và xấu xa vẫn hiện diện nơi cuộc sống con người. Vì thế, ngay cả những nỗ lực hướng thiện nhỏ nhất của chúng ta cũng đã ngầm chỉ ra những “yếu đuối” nội tại nơi bản thân mình rồi.Tuy nhiên, nỗ lực vươn lên lại tỏ lộ một trong những khả năng quan trọng và biệt loại nhất của con người: biết dùng lý trí phản tỉnh và nhận ra sự bất toàn của mình; thậm chí cả truy vấn về ý nghĩa và giá trị của sự bất toàn đó đối với bản thân. Có thể bạn cho rằng việc chúng ta có những hành động tốt là do bản thân được dạy dỗ như thế. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ.

Đúng là những mặt tốt nơi con người cũng chịu ảnh hưởng bởi ‘môi trường’ (ví dụ giáo dục), nhưng nếu chỉ dừng ở đó thì không thể hình thành nên được một nhân cách thực sự, nghĩa là những hành động của ta chỉ là thói quen thay vì trở nên một lối hành xử riêng, thuộc về tích cách của từng cá nhân. Để những hành vi tốt trở thành tính cách, đòi buộc chúng ta phải ‘nội tâm hóa’ chúng, nghĩa là phải phản tỉnh để nhận ra mình đang làm gì, và có giá trị thế nào. Chính sự phản tỉnh giúp con người nhận ra vị trí của mình, đồng thời thấy được đâu là ý nghĩa của cuộc sống để vươn lên. Hơn nữa, nỗ lực vươn lên còn phản ánh chiều kích nhân vị của con người. Trước hết, nó giả thiết rằng chúng ta tin vào khả năng vươn lên của chính mình. Nếu không tin vào khả năng đó thì chẳng ai nỗ lực làm gì! Ngoài ra, nỗ lực đó cũng bao hàm một sự tưởng tượng đầy lạc quan vào một viễn tượng tốt đẹp hơn trong tương lai, trong đó bản thân chúng ta có một vị trí và vai trò nhất định. Vì thế, tính vượt khó hay sự vươn lên của con người là một lời công bố rằng, con người tôn trọng bản thân, đồng thời tự xây dựng nhân cách để khẳng định nhân vị hay bản ngã của chính mình.

Ngoài ra, chiều kích vươn lên nội tại đó cũng là cách thể hiện hóa tính ‘tương quan’ trong bản chất của con người. Một mặt, mọi nỗ lực của con người đều phải xuất phát từ sự xác định vị trí của chủ thể, trong đó bao hàm sự so sánh của bản thân với tha nhân. Thông thường, chúng ta biết mình chưa tốt khi thấy rõ những khả thể tốt hơn đã được thể hiện hóa bởi gương mẫu của người khác. Mặt khác, phía sau những nỗ lực hướng thiện của tôi chứa đựng rất nhiều động lực hướng về tha nhân. Nếu tôi vươn lên để chỉ riêng bản thân được hoàn thiện mà thôi, thì đó chưa phải là sự hoàn thiện đích thực. Ví dụ, khi tôi kinh nghiệm về yếu đuối nơi bản thân tôi, thì nỗ lực đối diện và vượt lên những yếu đuối đó chỉ khả thi và có ý nghĩa nếu nó khiến tôi biết khiêm tốn và cảm thông trước những yếu đuối của người khác. Hơn nữa, không ai trong chúng ta tự mình có mặt trên đời. Nói cách khác, phía sau tôi là cả một nguồn cội gia đình, tổ tiên, xã hội; rộng hơn nữa là cả một cội nguồn văn hóa, tôn giáo; và tôi đứng ở vị trí trung gian, với một lựa chọn để cho dòng chảy cội nguồn và truyền thống đó hoặc được tiếp nối hoặc bị ngưng lại. Sự tốt lành mà tôi muốn đạt được từ nỗ lực của mình phải bao hàm lòng biết ơn với tiền nhân, trách nhiệm với người đương thời và hậu thế. Chính trong ý nghĩa này mà mối giằng co nhân bản trong tôi trải rộng hơn: không chỉ giằng co giữa tốt và xấu nơi bản thân, mà còn giằng co trong tương quan với tha nhân: giữa nhu cầu khẳng định cái tôi và trách nhiệm với tha nhân, hòa hợp với cộng đồng.

Trên đây chúng ta đã đề cập nhiều đến khao khát vươn lên ‘sự thiện’ trong mối giằng co của nhân bản. Nhưng ‘sự thiện’ mà con người vươn lên thật ra là gì? Và đâu là giới hạn của những khát khao đó? Một trong những khác biệt dễ dàng nhận ra giữa con người và thú vật là chúng ta không “bằng lòng” với thân phận giới hạn hiện có của mình. Các con vật, dù có vẻ tham lam, thì cũng chỉ ở mức nhằm thỏa mãn bản năng thể lý của nó. Còn con người lại luôn theo đuổi tính ‘hơn nữa-magis’ trong tất cả mọi phạm vi: muốn ăn ngon hơn, muốn trở nên đẹp hơn, được sống lâu hơn, tốt hơn; khát khao hiểu nhiều hơn, hay có tương quan và tình yêu sâu rộng hơn. Hơn nữa, với con người, những điều vừa liệt kê lại trở thành một thang giá trị (hierachy of values), trong đó những điều sau giá trị hơn những điều trước. Ví dụ, ở mức độ đơn giản nhất, con người ước mong được thỏa mãn nhu cầu thể lý là ăn no; rồi khi đã ăn no, chúng ta lại muốn được ăn ngon hơn; nhưng khi nhận ra rằng đời người không chỉ có ăn uống, ta lại chú ý đến mặt thẩm mỹ và khát khao trường thọ; và đây cũng chẳng phải là điểm dừng của khát vọng, vì còn những điều cao quý hơn nữa là trí hiểu, đạo đức, và tình yêu. Như lời cha Kavanaugh, những khát khao hiểu biết và yêu thương của ta là vô giới hạn, vượt qua mọi đặc tính văn hóa và lịch sử con người. Nói cách khác, đó là những khát khao mang tính siêu việt, hướng đến cả những điều vượt ngoài phạm vi của thế giới vật chất và giới hạn hiện tại của con người.

Tóm lại, bản chất con người chứa đựng một sự giằng co đan chéo nhau. Một mặt, trong thân phận giới hạn và ‘mỏng dòn’, con người mang nơi mình tính ích kỷ để đáp ứng những đòi hỏi của bản năng; hơn nữa, với tự do của mình và hoàn cảnh của ‘môi trường’, những khuynh chiều đó có thể khiến con người làm những sự sai trái. Mặt khác, con người lại có lý trí để phản tỉnh, đồng thời có những khát khao nội tại hướng lên những gì tốt đẹp hơn cho bản thân, cho tha nhân; thậm chí hướng lên cả những gì siêu vượt ngoài phạm vi trần thế hiện thời của con người. Ý nghĩa này được Karl Rahner đúc kết rất hay: “con người không ngừng hướng đến mầu nhiệm vô hạn của sự thành toàn.” Chính hiện tượng vượt khó, được thể hiện qua nhiều cách, nhiều trường hợp trong cuộc sống, đã diễn tả ý nghĩa giằng co này của nhân bản.Như tôi đã đề cập, nhân bản không phải là một khái niệm chung chung, mà nó phải gắn liền với cuộc sống, hay đúng hơn là thể hiện trong cuộc sống. Nói cách khác, nhân bản không phải là một khái niệm ‘chết’, mà là một tiến trình sống.

Nói như Gabriel Marcel, “không thể quan niệm cuộc đời theo nghĩa nội tại, bất biến, mà như một tiến trình tự siêu vượt (self-transcending process), trong đó chúng ta không giữ nguyên trạng thái ban đầu, mà hướng đến những gì vượt trên tình trạng hiện tại của chính mình.” Hay như Kavanaugh diễn tả, con người là một tiến trình hiện thể hóa những tiềm năng của mình. Khi nói đến đời sống con người, chúng ta phải đề cập đến muôn vàn khía cạnh đầy phong phú của nó. Tuy nhiên, một trong những khía cạnh luôn gắn kết với cuộc sống hiện sinh của mỗi người chính là lao động. Vì thế, như một bước phản tỉnh nhỏ và cụ thể trong tiến trình vươn lên, chúng ta thử suy nghĩ xem đâu là giá trị nhân bản của lao động?Lao động là gì? Con vật có lao động không? Lao động đúng nghĩa phải bao gồm mục đích và phương pháp, tức phải chứa đựng yếu tố lý trí. Dù ta chưa hiểu hết được loài vật; tuy nhiên, những hoạt động kiếm sống của con vật chắc hẳn là theo bản năng.

Với con người thì khác: chúng ta không chỉ dùng lý trí để lao động, mà còn có khả năng phản tỉnh lại chính hoạt động lao động của mình. Vì thế, có thể kết luận rằng, trong các loài thụ tạo, con người là chủ thể duy nhất của lao động. Hơn nữa, giá trị của lao động không phải chỉ để kiếm sống, mà lao động còn là “môi trường” phát triển, đồng thời cũng chính là sự thể hiện hóa của nhân bản.Trước hết, lao động có vai trò như một giấy “chứng minh thư” của mỗi người. Quả vậy, trong cuộc sống thường ngày, trước câu hỏi “anh là ai?”, chúng ta thường lấy chính chức vụ hoặc nghề nghiệp của chính mình để trả lời: “tôi là hiệu trưởng”, “tôi là bác sỹ”, hay “tôi là nông dân”. Nói cách khác, thông thường căn tính (identity) của mỗi người được thừa nhận qua công việc của họ. Vì vậy, để loại trừ ai đó, người ta sẽ không giao cho anh bất cứ công việc nào; nói cách khác, họ xem sự tồn tại của anh như không đáng kể.

Theo nghĩa đó, thành phần bị gạt ra khỏi lề xã hội cách nặng nề nhất chính là những người thất nghiệp. Thứ đến, lao động luôn là điều diễn tả nỗ lực vươn lên trong mối giằng co của nhân bản như nói ở trên. Quả vậy, lao động là một cách rèn luyện nhân cách, như lời của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, “những gian lao sẽ đo lòng người.” Cụ thể, nhờ lao động mà ta có thêm nhiều đức tính để vượt thắng những ‘yếu đuối’ bản thân. Lao động cũng là hành vi vận dụng trí khôn và sức phản tỉnh. Ngoài ra, lao động tự nó là thiết lập và sống mối tương quan với tha nhân: chúng ta có đồng nghiệp, có đối tác,… và chính lao động là cách thể hiện tình yêu và trách nhiệm của bản thân đối với thân nhân, với xã hội. Không ai có thể làm mọi thứ, vì thế, lao động thể hiện cụ thể nhất mối liên kết sống còn đối với nhau: nếu dân thành thị cần đến gạo từ sức lao động của bác nông dân, thì bác nông dân cũng cần các kỹ thuật do công lao của người thành thị để phục vụ đời sống mình.

Cuối cùng, lao động mang tính sáng tạo. Đặc tính sáng tạo của lao động chắc chắn là điều không ai có thể chối cái; và đặc tính này mang ý nghĩa nối kết với siêu việt tính của nhân bản. Thực vậy, lao động không gói gọn đơn thuần trong phạm vi vật chất hay ‘hạ giới’, mà tự nó mang tính ‘thần thiêng’. Điều này có thể được các hệ tư tưởng diễn tả dưới nhiều cách. Theo Karl Marx, lao động là hoạt động mang “đặc tính loài” của con người, một hoạt động thể hiện ý thức và tự do của con người. Điều khiến lao động trở nên một loại ‘hàng hóa’ đặc biệt là, ngoài năng lực thể chất, lao động còn gắn với năng lực tinh thần. Qua lao động, con người không chỉ cải tạo tự nhiên, mà con tái tạo bản thân, và hơn nữa là tạo nên lịch sử của chính mình.

Không khác với tư tưởng này, nhưng được diễn tả cách sâu xa hơn, đức tin Ki-tô Giáo xác định rằng lao động là hành vi đồng sáng tạo với Thiên Chúa, nghĩa là sự thể hiện cụ thể bản chất con người xét như hình ảnh của Thiên Chúa-Đấng luôn hoạt động sáng tạo không ngừng. Vì thế, Đức Giáo Hoàng Gioan Phalo II đã nói rất hay về giá trị của lao động: “thông qua công việc, con người không chỉ biến đổi tự nhiên, và khiến tự nhiên thích ứng với nhu cầu của mình, mà con người còn đạt được sự thành tựu bản thân xét như một con người, và thực sự được “trở nên người hơn.”

Nói tóm lại, khi tôi lao động theo đúng nghĩa của nó là tôi đang xây dựng và sống giá trị nhân bản của bản thân mình. Điều này cũng có nghĩa rằng việc tạo điều kiện làm việc cho người khác cũng chính là thừa nhận bản ngã và tôn trọng nhân phẩm của họ. Đây có lẽ là điều rất cần được lưu ý trong việc sử dụng lao động ngày nay, một thời đại mà giá trị nhân bản đích thực của lao động dễ dàng bị lãng quên và bóp méo bởi những yếu tố thực dụng và duy lợi.

Ngoài ra, những phân tích về nhân bản trên đây cũng đặt ra một vấn đề khác cần được lưu ý, đó là vấn đề của những người không phát triển nhân bản, hoặc thậm chí hủy hoại nhân bản. Như tôi đã nói, thông thường, mối giằng co sáng tạo đóng vai trò như một năng động lực của một tiến trình phát triển nhân bản cách biện chứng.

Tuy nhiên, tiến trình này chỉ có được nếu xu hướng và khát vọng vươn lên không bị lấn át hay vùi dập bởi khuynh hướng xấu và môi trường của nó. Còn nếu ngược lại, không những nhân bản không được phát triển, mà còn bị lụi tàn. Do đó, điều xảy ra trên thực tế là không phải mọi người đều nỗ lực vươn lên. Chúng ta phải chứng kiến không ít người sống không định hướng, không mục đích, và vì thế cũng chẳng có một nỗ lực vươn lên nào, thậm chí ngày càng trở nên xấu xa hơn. Hoặc có những người thất nghiệp không phải vì họ không được tạo cơ hội làm việc, mà vì tự thân họ không muốn làm việc.

Mỗi trường hợp này có thể do những nguyên nhân khác nhau; tuy nhiên, chung quy lại vẫn là do ảnh hưởng của môi trường: có thể hoàn cảnh sống quá thuận lợi nên không thấy phải cố gắng; ngược lại, có người trở nên xấu vì hoàn cảnh sống quá khắc nghiệt; hay có người vì quá tuyệt vọng, đến nỗi lấn át cả tinh thần vươn lên. Với cái nhìn như trên về nhân bản, chúng ta không được phép hoàn toàn kết án họ. Ngược lại, trong ý nghĩa ‘tương quan’ của nhân bản, ta phải có trách nhiệm liên đới, khích lệ và tìm ra những cách thế giúp họ tái khám phá và sống mối căng thẳng sáng tạo thuộc bản chất riêng của họ.

——————————

TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Blocker, H. G. World Philosophy – An East-West Comparative Introduction to Phylosophy. New Jersey: Prentice Hall, 1999.

2. John Paul II, Laborem Exercens.

3. Plattel, M. Social Philosophy. Pittburgh: DuquesneUniversity Press, 1965.

4. Tài liệu trong lớp học.

————————————————————————————————————–

x. H. Gene Blocker, World Philosophy – An East-West Comparative Introduction to Phylosophy (New Jersey: Prentice Hall, 1999), tr. 171.

x. “Human Freedom: The Dialectic Of Embodied Self-Consciousness” by John Kavanaugh, SJ., tr. 7 (tài liệu trong Lớp Philosophy of Man).

Tất nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng, có nhiều điều xấu do con người gây ra nhưng nguyên nhân sâu xa của nó lại không phải là xấu tự thân. Ví dụ, vì bản năng sinh tồn của mình, người ta có thể làm những việc xấu khi nguồn lương thực bị cạn kiệt; và chính bản năng sinh tồn cũng là nguyên nhân của nhiều hành vi sai trái khác của con người. Cách nào đó, có thể nói được rằng phần lớn mặt xấu của con người bị điều kiện hóa bởi môi trường.

x. “The Unfolding Of Open Potentialities: The Human Soul And Imortalities” by John Kavanaugh, SJ., tr. 157 (tài liệu Lớp Philosophy of Man).

Karl Rahner, Spiritual Exercises (New York: Herder & Herder, 1965), tr. 101 (trích lại từ John Kavanaugh, op.cit., tr. 158).

Trích lại từ John Kavanaugh, SJ., op.cit., tr. 158. (người viết tự dịch).

John Kavanaugh, SJ., op.cit., tr. 159-167.

Lời bài hát “Em Ở Nông Trường Em Ra Biên Giới”.

x. Martin G. Plattel, Social Philosophy (Pittburgh: Duquesne University Press, 1965), tr. 242-248.

John Paul II, Laborem Exercens, 40.