NGUYÊN TỘI THEO TRÌNH THUẬT VỀ VƯỜN Ê-ĐEN
Tác giả: Robyn Horner
Chuyển ngữ: Nguyễn Văn Lộc và Nguyễn Thế Minh
***
***
III. HẬU CẢNH HUYỀN THOẠI TRONG TRÌNH THUẬT SÁNG THẾ 2 – 3
A. Miền Lưỡng Hà (mêdôpôtami)
1. Văn minh Cận đông cổ thời
Trước khi đi xuống tầng hầm huyền thoại của bản văn đang nghiên cứu, thì xin được nói vài lời vắn tắt về nền văn minh của vùng cận đông cổ thời, về không gian và thời gian của nó.
Những hiểu biết kể ra đây về nền văn minh ấy, chỉ có được từ hơn một thế kỷ trở lại thôi, và hiện đang được phổ biến đặc biệt nhờ việc xuất bản các tác phẩm nghệ thuật.[13] Để có một ý niệm về năm tháng của những phát hiện kia của ngành khảo cổ, thì nên nhớ lại các vụ kiếm tìm và phát hiện của Champollion – tìm thấy phiến đá ở Rashid , bên Ai cập – hồi năm 1822, của Victor Place – qua công trình khai quật rất quan trọng ở vùng Ninivê – hồi giữa thế kỷ 19. Riêng trong phạm vi tầm cứu của thiên khảo luận, dù khoa nghiên cứu văn khắc (épigraphie ) có bắt đầu ồ ạt, thì cũng kể là rất chậm so với khoa Ai cập học. Bia khắc nhiều thứ tiếng tìm thấy ở Naqsh-I-Roustem , đã được Niebuhr, gốc Đan mạch, nhận diện ra – nếu không nói là đọc hiểu – trong phần viết bằng tiếng Ba tư, hồi năm 1780, còn phần viết bằng tiếng xứ Akkad (phía bắc Sumer , miền trung Mêdôpôtami ) thì mãi cho đến năm 1850 mới được ông Rawlinson, một nhà Assiri học tiếng tăm, gốc Anh quốc, đọc xong. Các vụ khai quật do các nhà khảo cổ Anh quốc thực hiện vào năm 1854, tại Kouyoundjik , đã đưa đến việc tìm thấy được thư viện của Assurbanipal (năm 650), một nguồn liệu bất tận… Năm 1881, lần đầu tiên, nhiều bia viết chữ hình góc (tablettes cunéiformes ) đã được đưa về Paris, và Thureau-Dangin tức tốc tra tay vào việc tìm hiểu chúng.
a). Sân khấu của nền văn minh đang bàn tới ở đây, là vùng bao gồm đồng bằng Mêdôpôtami nằm giữa hai con sông Tigris và Euphrates (con sông này dài 2.800 cây số) và rặng núi xứ Assiri. Vào thời kỳ đồ đá mới (néolithique : lối thế kỷ 60 trước công nguyên [= CN]), thổ dân sống với nghề chăn nuôi, rồi dần dần cả với việc trồng các loại ngũ cốc chính, các thứ rau cỏ, các loại cây trái. Trong thời đại đồ đồng đá (chalcolithique : năm 4.500-3.000), không rõ từ đâu, dân xứ Sumer đã đến lập cư ở phía nam miền Mêdôpôtami, và thiết lập một hệ thống thành phố; thành phố nào cũng đều có vua riêng, dù văn minh thành thị đã xuất hiện trước họ: bởi đã từng thấy có những thành phố kiên cố xây từ thiên niên thứ) 5 trước CN, với thành lũy bao bọc chung quanh. Đến không rõ từ đâu (Arabi, Amurru ?), người Sêmít xuất hiện, và từ thế kỷ 24 trước CN, đã đặt quyền thống trị trên người gốc Sumer . Nhưng cũng đã có một tình trạng đồng sinh giữa hai yếu tố, Sumer không Sêmít và Akkad Sêmít . Hai yếu tố này làm nên nền móng của nền văn học chúng ta đang tìm hiểu. Xin nói sơ về hai thứ ngôn ngữ của nền văn học ấy và về những thành tích chúng để lại.
b). Nền văn học này được gọi là loại văn học chữ hình góc (cunéiforme ). Chữ viết có mặt tại vùng ấy xuất hiện vào những thế kỷ 30 hoặc 29 trước CN, nhưng lại đã phát xuất từ loại chữ hình vẽ (pictogrammes ) cổ xưa hơn nữa: đó là hình thức chữ viết xưa nhất tìm thấy được của nền văn học này. Để có một ý niệm về bối cảnh chung, thì có thể xác định là nền văn học này xuất hiện không bao lâu trước những thời các kim tự tháp lớn bên Ai cập, như các kim tự tháp Gizeh (từ thế kỷ 29 đến 28 trước CN) và những kiểu chữ tượng hình (hiéroglyphes ) của chúng. Gọi là chữ hình góc bởi vì được ghi khắc với nhiều góc lên trên đất sét nung nóng hoặc phơi khô, và nhờ thế mà giữ được bền lâu; bền lâu đến độ trong thực tế, các bản viết không thể bị biến chất hư hỏng. Chữ hình góc cũng được khắc lên trên đá điorit (như Quy bản của Hammurabi ), trên kim loại: đồng thanh, đồng hay vàng. Cách viết như thế được dùng cho cả hai thứ tiếng, và còn vượt xa ra ngoài tầm ảnh hưởng của hai thứ tiếng này nữa:
1. Tiếng của dân Sumer là một thứ ngôn ngữ đơn tiết (monosyllabique ) và thường dùng những từ kép ghép thành bởi nhiều đơn tiết (E-gal (kêykal là đền thờ). Cho đến nay, chưa tìm thấy được một ngôn ngữ nào có quan hệ gần hay xa về nguồn gốc với thứ tiếng này. Thứ tiếng này viết bằng ký hiệu ghi ý (idéogrammes ) được bổ túc bởi những yếu tố khác với chức năng hạn định (déterminatif – tựa như trong các thứ tiếng Ai cập và Trung quốc).
2. Tiếng của dân Akkad là một trong loại ngôn ngữ sêmít; do đó, có cùng gốc với các thứ tiếng Hipri (Do thái), Ả rập, Êtiôpi. Chữ viết của nó cũng dùng đến những dấu hiệu như trong tiếng của dân Sumer , tức ghi lại những âm tiết tương tự, nhưng lại hiểu theo nghĩa khác với tiếng dân Sumer , ít nhất là cách chung!
3. Còn có một loại ngôn ngữ thứ ba trong các thứ tiếng viết bằng chữ hình góc: là tiếng (dân tthành) Ugarit . Về mặt chữ viết xem ra giống với các thứ tiếng kia, nhưng thực ra, các dấu hiệu dùng đến là những chữ trong bảng chữ cái, như trong tiếng Hipri hay tiếng Hy lạp. Mỗi dấu hiệu là một chữ, và điều đó cho phép giới hạn các dấu hiệu trong tổng số 25! Đó là cả một tiến bộ lớn. Tiếng Ugarit cũng là một trong loại ngôn ngữ sêmít. So với các thứ tiếng sêmít khác thì thứ tiếng này có một nền văn học gần hơn hết với tiếng Hipri. Sự có mặt của tiếng Ugarit mới được phát hiện cách đây chỉ trên dưới 30 năm: công tác khai phát và đoán nhận vẫn còn tiếp tục.
Phạm vi ảnh hưởng của tiếng Akkad thì rất là rộng, và dù có những thay đổi tùy thời, thì thứ tiếng này có lúc cũng đã ôm trọn hết vùng Cận đông. Chính vì thế mà từ thế kỷ 16, dù có trải rộng quyền bá chủ cho tới Xiri, thì Ai cập cũng vẫn dùng tiếng Akkad làm ngôn ngữ chung trong lãnh vực ngoại giao. Lối 400 bia viết bằng tiếng Akkad trong dạng Babylon cổ xưa đã được phát hiện tại Tell El Amarna. Được Winckler xuất bản hồi năm 1896, các bia đất sét viết bằng chữ hình góc này chứa đựng nội dung thư từ trao đổi giữa hai Pharaô Amênôphis III và Amênôphis IV với các vua của Xiri, Babel, Mitanni, Hittít và của các xứ khác. Trong đó có nói đến xứ Paléttin. Việc đưa tiếng Akkad vào dùng trong môi trường quốc tế xem ra đã kéo dài trong một thời gian lâu, tức cho đến lúc tiếng Aram được dùng để thay thế, vào khoảng thời Ba tư xưa, hồi thế kỷ 6.
Cũng nên lưu ý là từ “Canđê” không còn được dùng, và “nhà Assiri học” vẫn còn có nghĩa – do bởi lạm dụng trong cách dùng từ – là một nhà chuyên môn về các thứ tiếng cận đông, chứ không phải về các thứ tiếng sêmít: Sumer.
c). Thời gian thịnh hành của nền văn học ấy kéo dài rất lâu: bắt đầu từ thế kỷ 30 trước CN, nó vẫn chưa hoàn toàn tắt hẳn lúc khởi đầu CN (cũng như trường hợp các kiểu chữ tượng hình bên Ai cập). Nói về các văn bản huyền thoại, thì ít ra có thể nói những biến đổi nội tại do việc sửa chữa và giải thích trở lại, không có gì là đáng kể cho lắm. Một trong những lý do có thể minh chứng cho điều đó là ngay từ khi được viết ra, các văn bản đó đã được công nhận là chính thư (canonique ), và tính chất chính thư ấy chúng có được mãi nhờ sự cẩn trọng giữ gìn của các viên chức trông coi các đền thờ, là, thông thường, những người không mấy ưa có chuyện thay cũ đổi mới.
Tính cách bảo thủ kia hiện rõ qua việc các người Akkad cẩn trọng gìn giữ không những các dấu hiệu viết trong tiếng Sumer , mà cả những tác phẩm văn học, các chủ đề và các huyền thoại của Sumer nữa. Không biết mệt, các người Akkad đã một mặt chép lại các bản viết trong tiếng Sumer đã trở thành tiếng chết, và mặt khác, đã ghi lại nội dung trong tiếng của họ. Đó là thế giới của thư viện và của các ký lục.
Có thể rút ra ba điểm đáng ghi nhớ về nền văn học này:
(1) tính chất đại cổ xưa (những thành phố như Ur, Uruk, Lagash-Tello đã trải qua những thời tiền-Sumer , Sumer , Akkad );
(2) bao trùm cả một vùng rộng lớn : nhiều bản văn chính yếu đã được phát hiện ở nhiều nơi khác nhau, cho tới cả vùng của người Hittít ở Boghaz-Kheuy; và đó là những bản viết rất ít bị hư hỏng, thuộc nhiều thời khác nhau;
(3) tính chất bất động thật lạ lùng. Ba điểm này soi sáng cho hiểu về những liên hệ có thể có với Kinh Thánh; làm sao để trả lời cho câu hỏi: hết các huyền thoại kia có được biết đến khắp nơi trong vùng không? Không thể trả lời theo kiểu tiên nghiệm. Chỉ có thể dựa theo những dấu chỉ đáng tin cậy để nói là có nhiều huyền thoại đã được rộng rãi biết đến; đó là những huyền thoại gặp thấy tại nhiều nơi khác nhau, hoặc là có những đặc nét được lấy lại trong nhiều huyền thoại khác. Thời đại trong đó có thể nói không chút ngần ngại là các huyền thoại đã được biết tới khắp nơi trong vùng, là thời đại nằm trọn trong ảnh hưởng của văn hóa Babylon. Tuy nhiên, lời xác quyết kia cũng đã dịu giọng đi rất nhiều từ sau cuộc phát hiện các bản văn huyền thoại ở Ras Shamra (tất cả đều đã được viết trước thế kỷ 13 trước CN); đây là những bản văn rất độc đáo; điều này hiện rõ nếu đem đối chiếu với các bản văn của vùng Mêdôpôtami (các thần linh đều khác, dù cặp thần nam-nữ của việc trồng trọt có được nói tới khắp nơi); đồng thời, về mặt dùng thành ngữ, hình ảnh và từ vựng, loại văn chương của các bản viết này cho thấy là gần với văn chương Kinh Thánh hơn.
Tuy nhiên, cũng có thể nói rằng cách chung, các bản văn của vùng Mêdôpôtami vén mở cho thấy với một nền tảng vững chắc, cái thế giới đã từng là – phần nào – thế giới của Kinh Thánh. Không thu hẹp vào một thời, một số nơi, các huyền thoại kia đã trải dài trong toàn vùng, suốt trong 20 thế kỷ. Không làm sao Kinh Thánh đã có thể thoát khỏi vòng ảnh hưởng của chúng. Do đó, cần phải thận trọng trong cách nhận định và kết luận để đừng cho rằng các tác giả [ký lục] Kinh Thánh đã trực tiếp chép nguyên các văn bản có sẵn; bởi thực ra, không cần thiết phải có sẵn một văn bản thì mới nói được ngôn ngữ mọi người đều nói, tức thông dụng trong môi trường mình đang sinh sống. Nói cùng một thứ tiếng không nhất thiết là nói lên cùng một điều; đó chỉ có thể là điều kiện tiên quyết để nói lên lập trường không đồng quan điểm với người bên cạnh.
2. Một vài huyền thoại
a. Enki và Ninhursag
* Huyền thoại dân Sumer. Nippur. Hai bản văn của thời mở đầu ngàn năm thứ hai. Anet, tt. 37-41.
Câu truyện mở đầu với thần trời Enki và nữ thần Ninhursag “mẹ của đất”; cả hai sinh sống trong vùng được mô tả như là địa đàng ở Dilmun: tính chất “tinh tuyền” của vùng này được nêu bật. Cả một loạt con cái sinh ra, và Enki lần lượt trở thành chồng của các con gái mình: từ từ họ đã trở thành những người mẹ, sinh đẻ không đau đớn. Nhưng, sự việc đã trở thành phức tạp khi Enki cứ muốn “biết tâm khảm” của các thứ thảo mộc, muốn nếm thử để xác định vận mệnh của chúng. Ninhursag bèn nổi giận, bỏ đi. Xảo quyệt khét tiếng như thường đọc thấy trong các bản văn tiếng Sumer , con cáo đã dẫn nữ thần về lại trong xứ địa đàng Dilmun. Địa đàng; lỗi phạm; cảnh bất hòa; việc giải hòa.
* Huyền thoại Ađapa
– Xuất bản Dhorme (Choix de textes religieux assyro-babyloniens, Paris, 1907); Anet, tt. 100-102.
– Nơi phát hiện: El Amarna; Thư viện của Assurbanipal (lối năm 650).
Một người đánh cá rất khôn ngoan sống thời thượng cổ. Ngay ở hàng thứ ba và thứ tư trong mảnh bia tìm thấy ở El Amarna, là đã đọc thấy chủ đề đang bàn ở đây: “một trí thông hiểu sâu rộng, Ea đã ban đủ cho ông, để vén mở các vận mạng trong miền; khôn ngoan, Ea đã ban đủ cho ông; sự sống vĩnh cửu, Ea đã không ban cho ông ”… Câu truyện: gặp gió nam gây khó khăn trong công việc, người đánh cá đã bẻ gãy đôi cánh của ông thần. (Lúc đó ông đang đánh cá cho đền của Ea, thần cá, ở Eriđu). Vì đã hành động như thế, ông phải ra trình diện trước Anou, thần trời. Ea cho ông những lời khuyên để biết cách xin được tha (đặt mình dưới sự bầu cử của Tammouz và Gishzida), và nói thêm là: quần áo và dầu người ta tặng ông thì ông cứ lấy, nhưng hãy coi chừng đối với thức ăn sự chết và thức uống sự chết mà các thần trên đó muốn ông dùng. Ađapa đã thành công trong việc làm cho các ông thần hài lòng tiếp đón, rồi còn được cảm phục nữa; các thần mời: “thức ăn sự sống, đem ra mời ông ăn! Thức ăn sự sống, các thần đã đem ra mời ông ăn, nhưng ông đã không ăn! Nước sự sống đã đem ra mời ông, nhưng ông đã không uống.” Trong khi đó, ông lấy quần áo và dầu. Người ta lấy làm lạ; ông giải thích: “Tôi đã làm những gì thần Ea nói trước đây với tôi.” Các thần nói: “Hãy dẫn ông ta xuống trở lại dưới kia.”
Như thế, qua một mưu mô mà Ađapa là nạn nhân, câu truyện cắt nghĩa tại sao vai chính có được khôn ngoan, mà không có được sự sống! Chìa khóa nằm ở trong một nhị thức. Thử đối chiếu đoạn viết này “một trí thông hiểu (theo sát từng chữ: một lỗ tai, uz-na ) sâu rộng, Ea đã ban đủ cho ông, để vén mở các vận mạng trong miền” với 2Sm 14:20: “sự khôn ngoan của chúa thượng sánh được với sự khôn ngoan của sứ giả Thiên Chúa: ngài biết những gì xảy ra trên mặt đất.” Nên lưu ý là Ađapa không phải là con người đầu tiên (trong các bản văn hiện có, không đọc thấy một huyền thoại nào về “con người đầu tiên”), nhưng (x. câu 1 trong mảnh 1) ông đã được dựng nên “như là thủ lĩnh, người đứng đầu (hoặc là mô mẫu?) của loài người.
b. Atarhasis
– Dhorme; Anet, tt. 104-106.
– Bản bằng tiếng Babylon cổ và tiếng Assiri (Dhorme chỉ xuất bản có một mảnh, là mảnh viết bằng tiếng Assiri; Anet xuất bản trọn hết).
Atarhasis, tên của nhân vật chính, và có nghĩa là “cực kỳ khôn ngoan.” Cùng một chu trình, nhưng lại được nối liền với chu trình của Gilgamesh cũng như với chu trình của Utnapishtim. Truyện kể rằng chịu hết nổi bởi không sao ngủ được vì những tiếng ồn ào náo động loài người gây ra (thử so sánh với “tiếng kêu trách vọng lên từ Xơđôm và Gômôra đến Ta thật quá lớn…”: St 18:20 – trường hợp tiêu biểu của hiện tượng ứng chuyển (transposition ): không phải là nguyên do , mà cũng chẳng phải là phụ tùy ), các thần quyết định dùng nạn đói cùng lũ lụt để hủy diệt loài người. Nhưng thủy thần là Ea, báo cho Atarhasis biết, và khuyên ông đóng một chiếc tàu lớn, gọi là “bảo toàn sự sống” để trong đó, cùng với gia đình mình, ông đem hết mọi loài mọi vật và hết mọi chim trời vào. – Nhưng tôi không biết đóng tàu! Vẽ xuống trên đất đây cho tôi một họa đồ. – Đó là nội dung bản viết trong tiếng Babylon cổ. Còn phải đợi cho đến khôn ngoan của Salômon thì mới tìm thấy được ở trong Kinh Thánh chủ đề về ông Nôê, người học được từ Khôn ngoan cho biết cách đóng tàu (St 6:14-16).
Bản viết kia thì miêu tả Atarhasis như là một người trung gian cầu bầu, tựa như Abraham đã cầu bầu cho Xơđôm; ông biết cách nói với thần của ông là Ea: “ông nói với thần của ông, và chúa Ea của ông nói với ông.” Ở đây là hiện tượng ngược với lũ lụt, là hạn hán (tựa như ở Xơđôm, tức là lửa, ngược với vụ lũ lụt đầu tiên). Đáp lời cầu, một nữ thần mà tên gọi có nghĩa là mẹ, đã được gửi đến để dùng cây cuốc mà phân cắt bùn ra: 7 miếng bên phía này, và 7 miếng bên phía kia; từ đó hình thành nên 7 người nam và 7 người nữ; và câu truyện kết thúc với một nghi thức phù phép cho những đau đớn khi sinh con. Con người được làm thành từ đất sét: x. St 2:7 (‘apar = bụi đất).
c. Etana
– Dhorme; Anet, tt. 114-117.
– Nhiều bản viết: tiếng Babylon cổ, tiếng trung-Assiri, tiếng tân-Assiri trong thư viện của Assurbanipal.
Etana, vai chính trong câu truyện, là một nhân vật thuộc hàng vua chúa, tựa như nhiều vai chính khác ở trong các huyền thoại. Theo Dhorme thì vấn đề là ở chỗ Etana băn khoăn tìm cách làm sao để đảm bảo cho ‘mẹ được tròn con được vuông’ sau cuộc sinh nở của vợ ông; còn theo Speiser thì chỉ là vấn đề muốn có người con thừa kế. Ông khẩn cầu thần Shamash: “Xin ban cho tôi cây sinh nở (sha a-la-di ). Xin cất gánh nặng tôi đi và ban cho tôi một con trai!” Thần bảo ông đi đến với một phượng hoàng, và Etana lặp lại cùng một lời cầu xin. Phượng hoàng trả lời: “ông phải ngồi trên lưng tôi để bay lên trời, và tôi sẽ cho ông cây sự sống.” Và thi sĩ tác giả huyền thoại đã miêu tả toàn cảnh trái đất nhìn từ trên lưng phượng hoàng: vỏn vẹn chỉ bằng chiếc rổ. Phần viết tiếp sau bị hư hỏng…: hẳn là Etana đã bị rơi, vì trong đoạn cuối câu truyện, người ta thấy ông ở trong địa ngục.
d. Gilgamesh
– Dhorme; Anet, tt. 60-72; A. Schott, Das Gilgamesh Epos , 1934; G. Contenau, L’épopée de Gilgamesh , 1939; A. Heidel, The Gilgamesh Epic and Old Testament Parallels , Chicago, Phoenix Books, 1946, 1963³.
– Nơi phát hiện: bằng tiếng Assiri: thư viện Assurbanipal; Assur (một mảnh của bia VI); Erek-Warka (16 hàng); bằng tiếng Babylon: Sippar (4 cột của bia X); Erek-Warka; bằng tiếng Sumer: Nippur và Ur; bằng nhiều thứ tiếng khác nhau trong đó có tiếng Hittít, ở Boghaz-Kheuy. Các cuộc phát hiện kia cho thấy là đã từng có nhiều lần ‘xuất bản’ khác nhau. Câu truyện đã được sáng tác vào lối thế kỷ 20 trước CN; những văn bản cổ xưa nhất (Boghaz-Kheuy) tìm thấy, viết về câu truyện, thuộc vào giữa thiên niên thứ 2 trước CN.
Gilgamesh là người hùng thuộc dòng họ vua chúa, là bạo chúa ở Erek. Cả ông này nữa cũng thấy được hết mọi chuyện ở trong xứ, “ông đã có và giữ lại cả những hiểu biết của thời trước vụ đại lũ lụt,” đã xây lại tường thành phố. Hai phần ba con người ông là ‘thần linh,’ một phần ba còn lại là ‘người phàm.’ Nhưng ông ta rất hung tợn, rất nguy hiểm đối với các người chồng trong thành phố. Khiếp sợ, dân chúng van xin các thần làm ra một ‘người đôi’ của ông ta, tức giống hệt ông ta, bởi nghĩ là với mánh lới đó thì mới sống bình yên được. Bà mẹ của các thần được trao cho sứ mạng đó: “Bà đã tạo nên Gilgamesh, thì bây giờ bà hãy tạo ra hình ảnh ông ta đi” (vai trò của Evà trong trình thuật sách St). Và thế là Ea-bani (thần đã tạo nên tôi) đã được tạo thành: nữ thần “đã uốn nắn trong tâm lòng mình một hình ảnh của Anou, rồi cắt bùn và nắn ra Ea-bani,” đầy dẫy lông lá, tóc tai lòng thòng.
Đến đây thì huyền thoại diễn ra theo các giai đoạn quan hệ giữa ông vua Gilgamesh và người man rợ Ea-bani. Người man rợ sống trong sa mạc, hòa hợp giữa các loài vật, nhưng lại làm cho mọi người sợ hãi khi gặp phải ông ở chậu nước uống. Làm sao đây? Gilgamesh đồng ý với giải pháp gửi một cô điếm trong thành đến quyến rũ ông. Ea-bani nhượng bộ. Do đó, đã có một sự thay đổi lớn: ông ta không còn nắm được ảnh hưởng nào nữa trên loài vật; chúng bỏ chạy khi thấy ông; còn ông, thì không thể chạy nhanh như trước được nữa. Nhưng bù lại, “ông có được trí thông minh, với một tầm hiểu biết rộng ” (bia I, cột IV, hàng 29). Cô gái điếm nói với ông: “Ea-bani, anh khôn ngoan như một ông thần,” rồi dẫn ông đến Erek. Trong thành này, hai nhân vật hay hai người hùng sức lực ngang ngửa đã tranh hùng, nhưng sau đó đã trở thành đôi bạn chí thiết.
Trong hồi kế tiếp, cả hai đã cùng đi đến một khu rừng thông bá hương ở một nơi xa; có con quái vật kinh hồn Houmbaba canh giữ khu rừng. Diễn ra một cuộc hội họp kéo dài để chào tạm biệt thành phố Erik của Gilgamesh: về lại nhanh với chúng tôi! Rất tiếc là phần viết về những gì xảy ra trong khu rừng thông bá hương, đã không được giữ lại cho nguyên vẹn. Chỉ có thể rút ra được một vài nét của phần này: khu rừng kia là chỗ ở của các thần. Xem ra một trong các mục đích của chuyến đi kia là để đốn các cây thông bá hương.
Quả thế, từ thời thượng cổ cho tới thời Kinh Thánh, các vua đều huênh hoang với việc đã đốn được thông bá hương Libăng để xây dựng lâu đài hoặc đền thờ của mình. Người ta có cảm tưởng khi nói như vậy là các vua chúa tự đặt mình ngang hàng với Gilgamesh và Ea-bani. Dù có được ghi [như thật] trong ký biên niên, thì lối nói như thế của các vua cũng cho thấy rõ dư âm của huyền thoại. Và xem ra sức mạnh của Ea-bani cũng bị mất mát cách nào đó khi ông đụng đến chiếc cửa ra vào khu rừng thông bá hương: lẽ ra ông không nên làm điều đó. Trên đường về, có hai biến cố: Ishtar cám dỗ Gilgamesh; ông này kể thẳng vào mặt bà câu chuyện tình nhiều mối của bà, cọng với danh sách các tình nhân của bà, rồi cho biết rằng tất cả các tình nhân, ai cũng thấy hết sức khó chịu một khi đã biết rõ bà. Để báo thù, Ishtar đã lùa một cặp bò đực vừa to bự vừa hung dữ, đuổi theo Gilgamesh và Ea-bani, nhưng chúng đã bị phanh thây! (Các cuộc đi săn của vua chúa cũng đã phần nào gióng theo nét huyền thoại đó). Trong khi đó, Ea-bani cứ tiếp tục suy yếu dần đi: ông nhận thấy ngày càng rõ những tiên triệu về giờ phút cuối cùng của mình, nên đâm ra bực tức và nguyền rủa cô gái điếm vì đã lôi ông ra khỏi cảnh sống đầu tiên của ông. Nhưng thần mặt trời nói với ông: “Không có cô ta thì ông đâu được trở thành người ngang hàng với vua.”
Tiếp đó là lời ca tụng cô gái điếm vì những công ơn của cô ta! Dù sao thì Ea-bani cũng sẽ phải chết, hẳn là như vậy: ông thấy ra ngôi nhà “trong đó cát bụi là thực phẩm của họ, đất sét là thức ăn của họ.” Ông ta chết, và Gilgamesh thương tiếc than khóc, tan nát tâm can vì mất đi ‘chính mình khác’ của mình, và quyết định: mang áo da sư tử, rồi ra đi lao mình vào những cuộc mạo hiểm mới. Ông đi, lòng lắng lo nghĩ về sự chết, đi về phía núi Mâshu, với mục đích học hỏi, và cách riêng là bàn hỏi với Ut-Napishtim về sự sống và sự chết (bia IX, cột III). Ông bước đi rất lâu trong bóng tối ngột ngạt của cánh rừng, cho đến lúc gặp mặt trời. Ở đây (bia X), ông thố lộ với Siđuri, cô bán quầy rượu, nỗi đau buồn đang đè nặng lòng mình do bởi cái chết của Ea-bani; cô quầy rượu trả lời: “Gilgamesh, ông ngược xuôi chạy đi đâu thế? Sự sống mà ông đi tìm, ông sẽ không bắt gặp được; khi tạo nên loài người, các thần đã phân phát cho loài người sự chết, còn sự sống thì các ổng giữ lại cho riêng mình . Thế nên, này ông Gilgamesh, ăn cho đầy bụng đi, ngày đêm vui lên đi, làm sao để mỗi ngày là một ngày hội hân hoan. Ca vũ, vui chơi đi, ngày lẫn đêm. Tắm rửa, chải chuốt và ăn mặc đẹp lên. Thương mến cả đứa trẻ thơ cầm tay ông. Lo cho vợ ông được hạnh phúc kề bên lòng ông. Đó là thân phận của loài người.”
Dù thế, sau con đường dài đi qua trong cánh rừng thẳm âm u, Gilgamesh cũng đã thấy được cây huyền diệu: “trái của nó đều đỏ chói, còn các cành thì buông rủ sum suê, trông rất đẹp; trái trông thật đẹp.” Không biết ông ta đã làm gì với cây đó. Chắc không có gì đáng kể, bởi ngay sau đó, cô chủ quán rượu đã tỏ ra tiếc cho ông. Từ đó trở đi, Gilgamesh kể cho tất cả những ai ông gặp: “Bạn của tôi, người em ruột của tôi, đã trở thành giống như là bùn đất…” Ông muốn đi tìm gặp cho được Ut-Napishtim, bởi sau trận lũ lụt, ông này đã được nhận vào trong đoàn thể các thần và đã nhận được sự sống. Khi gặp được, Gilgamesh hỏi: “Làm thế nào mà ông đã được nhận vào đoàn thể các thần, và nhận được sự sống như vậy?” Lúc đó, Ut-Napishtim kể cho ông nghe câu truyện về trận lũ lụt: một trong các thần đã tiết lộ bí mật về dự án liên quan đến một trận lũ lụt lớn để tàn phá, và đã cho đóng một chiếc tàu theo kích thước rất đúng.
Với đầy đủ hết mọi chi tiết, câu truyện Ut-Napishtim kể giống hệt như truyện thuật trong Kinh Thánh: chim bồ câu cũng có, mà quạ cũng có. Sự kiện có chu kỳ, có lối tổ chức sắp đặt các loạt dữ kiện trước sau, làm cho liên tưởng ít nhất là một cách gián tiếp, đến cung cách tiến hành của tác giả giavít; chỉ có việc ở trong câu truyện huyền thoại, văn phong có vẻ trau chuốt hơn, trình bày theo dạng ký truyện do một trong các vai chính thuật lại, như là chuyện của chính mình.
Lợi dụng việc Ut-Napishtim thành công, bà mẹ các thần trách thần trời đã gây ra trận lũ lụt, và Ea đã đứng về phía bà mẹ các thần. Như là để đền bù hành động bạo tàn kia, Enlil làm cho Ut-Napishtim trở thành bất tử. Ông sẽ cư ngụ nơi cửa các con sông . Bạn cũng sẽ làm như thế? Đó là câu kết luận truyện thuật. Gilgamesh thiếp ngủ, và người ta đã chuẩn bị hành trang cho ông. (Trong lúc ông ngủ, người ta soạn sẵn thức ăn – bánh – cho ông mang đi đường: Ut-Napishtim và vợ của Gilgamesh trao đổi cảm nghĩ khi thấy Gilgamesh, một người hùng, liệt quỵ trong giấc ngủ mê…). Rồi, Ut-Napishtim vén mở cho ông biết một bí mật lớn (bia XI): “Ta sẽ nói cho ông một bí mật của các thần. Có một cây tựa như cây gai. Giống như bông hồng (?), nó sẽ đâm vào tay ông. Nhưng nếu tay ông với tới được nó, thì ông sẽ tìm thấy được một sự sống mới.” Tên nó: “ông già cải lão hoàn đồng như hồi đầu.” Biết được là cây đó nằm ở dưới đáy biển, Gilgamesh buộc đá vào mình, lặn xuống biển mang nó lên. Ông nghĩ ra nhiều kế hoạch cho ông và cho thành phố của ông. Trong lúc ông dừng chân để tắm rửa, thì nghe mùi lạ từ cây bốc ra, một con rắn đến lấy trộm cây đi, và lập tức da nó đổi khác: con rắn có được sức năng tự đổi mới, chứ không phải là con người! “Tại sao – Gilgamesh tự hỏi – hai bàn tay tôi đã phải chảy máu để rồi chẳng được gì?” Và ông trở về nhà mình, ở Erek.
Bia XII (theo Heidel) mở đầu bằng cách nhắc lại một huyền thoại Sumer. Thời trước, có một cây tuyệt diệu mà nữ thần Inanna định dùng để đóng cho mình một chiếc ghế. Nhưng cây đó quá lớn, lại được che chở bởi một chiếc kéo phía đầu ngọn, và bởi một con ác quỷ phía giữa thân, và bởi một con rắn phía dưới chân gốc. May là Gilgamesh đã dùng rìu mà giết được con rắn. Cùng với gỗ của cây, nữ thần đã tặng ông hai món đồ ma thuật, đó là pukku và mikku . Nhưng khổ thay, ông đánh rơi chúng vào trong thế giới địa ngục. Đoạn cuối của thiên sự tích anh hùng là một lời ta thán: tôi đã đánh mất đi những gì nữ thần tặng, và địa ngục đã lấy mất cả những thứ đó và cả Ea-bani, người bạn chí thiết của tôi. Gilgamesh có được một buổi chuyện trò với bạn mình – tựa như buổi gặp gỡ giữa Achille với Patrocle – qua đó, người bạn quá cố đã kể về thế giới kẻ chết và số phận thảm hại của họ.
Qua một số dữ kiện nêu ra trên đây, đã có thể hình dùng – dù chỉ là mờ mịt và một phần nào – chân trời xa xăm của bối cảnh các bản viết Kinh Thánh. Và nhờ đó, cũng đã có được một ý niệm nào đó về những điểm giống và khác giữa hai phía.
3. Những điểm giống và khác trong Sáng Thế 2 – 3
a. Dạng cấu trúc
Điểm khác biệt về dạng cấu trúc thì mọi người đều nhất trí thừa nhận. Trong Kinh Thánh không thoáng thấy một dấu vết nào của đà thả lỏng để cho óc tưởng tượng tự do thao túng; còn vết tích đa thần thường xuyên đọc thấy trong hết các huyền thoại, thì cũng tuyệt nhiên không có bóng dáng. Một bên thì nói toàn giọng văn hoang đường, thái quá, còn bên này thì bao giờ cũng giữ mức chừng mực, thanh nhã.
b. Dị biệt về não trạng
Phải nói ngay cho thấy đâu là điểm dị biệt nổi bật nhất: trong các huyền thoại, không bao giờ thấy con người, trong tư thế là con người, có được tình trạng hoàn hảo. Có cả một tầm hưởng tín lý và cả một thái độ xác tín trọn vẹn, trong việc khẳng quyết về sự việc các thần đã cho con người được điều này điều nọ, đặc biệt là khôn ngoan, nhưng các thần lại giữ sự sống cho riêng họ. Họ đã ban cho Ut-Napishtim sự sống, nhưng chỉ như là một phần thưởng. Khởi điểm của con người là sự chết . Đối lại với lối quan niệm như thế, Kinh Thánh nêu rõ lập trường của mình: một thái độ lạc quan lạ lùng, cho dù đôi lúc những ấn tượng đầu tiên có thể hơi khác. Lời khẳng định quả minh bạch của St 3:22 vẫn còn đó: “Này con người đã trở thành như một kẻ trong chúng ta, biết điều thiện, điều ác! Bây giờ đừng để nó giơ tay hái cả trái cây trường sinh mà ăn và được sống mãi.” Dù có nói theo giọng điệu tương tự như những gì đọc thấy trong các huyền thoại trên kia, thì lời này cũng được đặt vào trong một bối cảnh khác hẳn: tình trạng ấy là hậu quả của một lỗi phạm. Lỗi phạm nào? Con người đã muốn làm thần linh, hoặc trở thành như Thiên Chúa. Nhưng, có phải Thiên Chúa đã muốn ngăn cản không cho con người trở thành như Ngài? Bản văn nói là chính con rắn đã nêu lên ý đó: “Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó… ông bà sẽ nên như những vị thần” (St 3:5). Khó mà tin được rằng con rắn có đủ khả năng để cắt nghĩa đúng ý Thiên Chúa . Nhưng, tinh xảo, tác giả đã không nói cho biết đâu là kế hoạch Thiên Chúa an bài cho con người.
Tác giả không làm ra vẻ như mình biết điều đó, cũng không nói là trước khi sa ngã, con người đã được dựng nên trong tình trạng hoàn thiện. Con người đã được dựng nên trước kia y hệt như con người về sau : làm nên từ bụi lấy từ mặt đất và có được hơi thở sự sống. Chỉ sau đó, Thiên Chúa mới “trồng một vườn cây ở Êđen về phía đông, và đã đặt vào đó con người do chính mình nắn ra” (St 2:8); “Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào trong vườn Êđen để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2:15). Như thế là muốn nói rõ rằng vườn Êđen là một món quà , và tình trạng địa đàng không thuộc bản tính con người; tức là bản văn muốn tách huyền thoại địa đàng của lối giải thích theo cách tự nhiên – cũng đã được dùng đến – ra khỏi cội gốc thực sự của con người. Vậy, đây là lập trường tinh vi và hàm chứa những điều không nói ra, của tác giả: con người được dựng nên như hiện đang thấy; và con người được nâng lên trong trạng thái địa đàng (Êđen).
Nhưng trạng thái này chỉ được miêu tả thoáng sơ qua thôi. Đặc biệt, không có gì cho thấy rõ Thiên Chúa cấm ăn trái cây sự sống, nằm ở giữa vườn. Trước khi có lỗi phạm, không bao giờ có chuyện để chung ý tưởng cấm chỉ và cây sự sống với nhau: chỉ cây hiểu biết mới bị cấm chỉ. Tuy nhiên, cũng không thể nói là hai ông bà đã ăn từ cây sự sống. Chính đó là một điểm tối tăm mù mịt lớn. Có thể giải thích điểm này bằng cách cho rằng tác giả quả đã không muốn nói thiên về bất cứ phía nào trong hai phía, không muốn nói là “họ đã ăn từ cây sự sống” hay là “họ đã không ăn từ cây sự sống,” hay không? Sau khi xảy ra lỗi phạm, cây sự sống được canh giữ, đường dẫn đến cây sự sống bị chặn lại.
Con người trở lại với tình trạng của mình trước thời vườn Êđen: từng được đưa vào vườn Êđen, con người đã bị trục xuất khỏi vườn, tựa một người khách không chịu giữ tác phong cho đứng đắn, chỉnh tề. Cảm tưởng nổi bật rất rõ là con người đã có thể ăn từ cây sự sống, hay ít nhất là một ngày nào đó có thể nhận được hoa trái cây sự sống nếu đã biết gạt ra một bên lời dụ dỗ lừa bịp của con rắn. Nếu không thì việc trục xuất ra khỏi vườn không tìm thấy được lý do, không còn có ý nghĩa gì nữa. Do đó, việc trục xuất như thế đồng nghĩa với việc mất đi một điều khả thể – và chỉ theo dạng cách là một điều khả thể – đã từng có thật ở trong vườn Êđen.
Nói khác đi, mẫu dạng địa đàng mà tác giả gợi lên trong trình thuật không phải là địa đàng của tình trạng thành tựu sung mãn: đó chỉ là một địa đàng khởi đầu, bởi chỉ là nơi thử thách, tuy cùng lúc cũng là chốn hạnh phúc hoan lạc. Phần nào, điều đó cho thấy Kinh Thánh không coi nơi ấy như là chỗ nhất thiết phải quay về trở lại, và đồng thời cho hiểu rằng tình trạng đó vẫn có thể là hiện thực có mặt ngay ở giữa những điều kiện sống hiện nay của con người: như ngày nào, có thể con người vẫn phải vượt qua cuộc thử thách Thiên Chúa an bài để rồi được đặt trở lại vào trong con đường dẫn đến hoa quả sự sống do Thiên Chúa ban. Nếu có điều ngăn chận thì đó chỉ là việc tự cho mình có thể – và đó cũng chỉ là một cách nói – “chiếm đoạt lấy,” chứ không phải là việc có thể đón nhận hoa quả. Nét khác biệt nổi bật nhất so với các huyền thoại lược kê trên đây, là thái độ lạc quan.
Còn một điểm chủ yếu khác: những gì nói về Ađam thì cũng hàm ý chỉ về mọi người; ngược lại, những gì nói về Gilgamesh thì không mảy may có ý như thế. Gilgamesh thuộc về một chủng tộc nhất định, còn Ađam thì không như vậy.
c. Sự chết ám ảnh
Cây sự sống có hay không có? Nhưng trình thuật St 2–3 tuyệt nhiên không nói đến bất cứ một điều gì có thể gợi lên bóng dáng địa ngục.
d. Chủ đề ‘mưu kế”
Tất cả những gì môi trường ngoài Ítraen coi là thuộc riêng thế giới các thần, thì trong đời sống Ítraen, đều trở thành cái thuộc sở năng con rắn! Lý do duy nhất để các thần trong huyền thoại chạy tội là coi việc nói dối với con người như là chuyện nói dối với các em bé (huyền thoại Adapa). Nói dối nhiều nhất trong các thần là thần-cá, dù không có ác ý.
e. Tầm quan trọng của khả năng hiểu biết
Những tác hại khả năng này gây ra: biết được các thứ trái một khi đã ăn, và đó là điều làm cho nữ thần mẹ lìa xa. Ea-bani đã đem hiểu biết và ngôi vua đổi lấy sự ngây thơ vô tội, khả năng làm chủ các loài vật. Cuộc mạo hiểm siêu quần bạt tụy của ông đã kết thúc với cái chết. Tuy nhiên, người ta vẫn khuyên ông để tự an ủi lấy mình, thì nên nghĩ về những gì ông đã thu lượm được.
Trong huyền thoại Ađapa, rõ ràng là khả năng hiểu biết đối ngược lại với sự sống, và đó là một điểm khác biệt chủ chốt so với St 2–3, nhất là bởi vì đó là điểm chủ yếu đối với trình thuật St.[14] Trong Kinh Thánh, thông thường (trừ trình thuật này và sách Côhêlét ra!) khả năng hiểu biết khôn ngoan không tách rời khỏi nỗ lực đi tìm sự sống, nếu không nói là luôn luôn đi liền.
B. Dấu vết huyền thoại ngay trong Kinh Thánh
Ở đây có thể ví như một vòng tròn ngày càng siết lại gần hơn với bản văn đang nghiên cứu. Vậy, nếu chỉ đơn thuần xem xét các huyền thoại của một môi trường mà đương nhiên Kinh Thánh có nhiều quan hệ tiếp xúc, và chỉ làm như thế không thôi thì chưa đủ. Còn cần xác định thêm là các quan hệ tiếp xúc kia không chỉ giới hạn trong văn bản trình thuật St. Do đó, nhiều hơn nữa, sẽ đọc thấy những đoạn lấy lại – sau St 2–3, chứ không phải dựa theo bản văn này – từ các chủ đề được rộng rãi phổ biến trong toàn vùng. Tùy trường hợp và thứ tự các mức độ biểu đạt, có thể là những gì xảy ra sau tính theo thời gian, lại được đề cập đến trước, theo kỹ thuật tiên trưng (typologique ) hay hình thái (morphologique ).
1. Hành trình của Khôn ngoan, hoặc đi tìm Khôn ngoan
Qua các cách nói: “Ai sẽ lên trời để tìm cho thấy Khôn ngoan; ai sẽ sang bên kia biển, ai sẽ đi xuống vực thẳm để đem nó về,” thì khó mà không nhớ lại chuyện kể Etana ngồi trên lưng phượng hoàng bay lên trời, hoặc Gilgamesh dùng thuyền vượt đại dương, hay cột đá vào người để lặn xuống đáy biển. Để thấy rõ đó là chủ đề thường được dùng đến, thì chỉ cần đọc lại các đoạn sau đây: G 28:12-14. 20-22; Br 3:9–4:4; Đnl 30:11-14.
2. Các anh hùng khôn ngoan thời xưa
Về điểm này, sách Barúc (với đoạn trưng dẫn trên đây) là văn bản cốt lõi. Dĩ nhiên, sẽ nghe kể là các anh hùng ngày trước đã không có được khôn ngoan. Tuy nhiên, họ lại được miêu họa với những đặc nét mà nếu hiểu theo truyền thống Kinh Thánh cố cựu hơn, thì phải hiểu đó là những hoa trái phát sinh từ khôn ngoan (năng lực trên thú vật, đá quý, nghề làm ‘huyền thoại,’ việc buôn bán, v. v.). Mặt khác, bản văn đặc biệt nhấn mạnh đến sự việc tất cả đều chết, trong khi Khôn ngoan thật thì ban sự sống.
Cũng nên xem thêm Is 19:3.11.12.
3. Êdêkien 28 và 31; Isaia 14:3-12
Vua xứ Tyr được coi như là ông hoàng “khôn ngoan hơn Đanien!” (Êd 28:3). Bản văn chủ chốt: hồi cố huyền thoại về một anh hùng được Ras Shamra biết đến, là Ugarit; một lối đồng nhất hóa hiển nhiên giữa khôn ngoan và vương quyền. Lỗi phạm của ông ta chính là lỗi phạm của Ađam (về mặt ngôn từ): “tôi là Thần” (Êd 28:2.6.9). Trong bài thơ thứ hai của chương 28, ông được ví như một kêrubim bảo hộ . Hồi đó, ông cư ngụ trong thửa “vườn của Thiên Chúa,” “Êđen”… Ông được đầy khôn ngoan (x. Êd 28: 12.17). Lỗi phạm của ông là tự kiêu, là kiêu ngạo (x. Êd 28:17). Ông bị quẳng xuống đất (ibidem ), xuống tro bụi (ibid . 18 và 19). Bài thơ thứ ba, chương 31, nói đến một ông vua khác, một Pharaô: “giữa ‘các cây trong Êđen,’ có một cây lớn trội, không cây nào sánh bằng” (Êd 31:8.9.16.18); có “nước vực thẳm nuôi cho nó lớn lên” (ibid . 4). Các chủ đề này được rộng rãi minh họa qua nghệ thuật ảnh tượng assiri-babylon.
Cuối cùng, Is 14 áp dụng cho trường hợp vua Baben, việc rơi xuống âm phủ, được văn học Babylon miêu tả dài rộng với nhiều chi tiết đầy ấn tượng đánh động. Lỗi phạm cũng tương tự: “ta sẽ nên như Đấng Tối Cao” (Is 14:14). Ở đây, không còn miêu trình vì vua như là một thần linh, nhưng như là một tinh tú (“quomodo cecidisti, Lucifer ). Hình phạt là phải rơi xuống âm phủ.
[13] A. Parrot, Sumer (Coll. “L’univers des Formes”), Paris, 1960, và Assur (Coll. “L’Univers des Formes”), Paris, 1961; Malraux, les Atlas , nhất là P. Lemaýtre và D. Baldi, Atlas biblique. Histoire et géographie de la Bible , Louvain, 1960.
[14] E. A. Speiser, Genesis (The Anchor Bible, 1), New York, 1964, tt. 26-27 (nên lưu ý đến St 3:22, với chủ đề ‘đồ vật lẻ bộ’).