Nguyên Lý Bất Mâu Thuẫn Trong Siêu Hình Học

0
2130


SIÊU HÌNH HỌC

Nguyên tác: Tomas Alvira, Luis Clavell & Tomas Melendo, Metafisica

(Bản tiếng Tây Ban Nha – NXB. 1981)

Fr. Luis Supan, Metaphysics

(Bản tiếng Anh – NXB. 1991)

Chuyển ngữ: Lm. Giuse Đỗ Ngọc Bảo, OP.

***

***

PHẦN DẪN NHẬP

***

CHƯƠNG I: BẢN CHẤT SIÊU HÌNH HỌC

CHƯƠNG II: HỮU THỂ – KHỞI ĐIỂM CỦA SIÊU HÌNH HỌC

CHƯƠNG III: NGUYÊN LÝ BẤT MÂU THUẪN

***

 

Có một số yếu tố sơ yếu hoặc nền tảng nơi tri thức con người, được dùng làm cơ bản cho mọi chân lý khác. Cũng như hữu thể là khái niệm đầu tiên của trí năng chúng ta, được hàm chứa trong bất cứ khái niệm nào, thì cũng có một phán đoán đương nhiên là đầu tiên, và được giả thiết bởi mọi phán đoán khác. Phán đoán đầu tiên này được phát biểu như sau: “Không thể (một vật) vừa có lại vừa không trong cùng một lúc và theo cùng một phương diện”. Khi chúng ta khẳng định rằng một sự vật đang ở trong một cách thức riêng biệt, chúng ta giả định rằng không thể nào cũng một sự vật đó vừa ở trong cách thức này lại vừa ở trong cách thức khác. Nếu chúng ta nói rằng việc giúp đỡ tha nhân là điều tốt, chúng ta biết rằng “là điều tốt” thì không đồng nghĩa với “không là điều tốt”.

Vì nguyên lý cơ bản này liên hệ đến hữu thể – cho dù nó được dùng trong mọi lãnh vực tri thức con người – nên Siêu hình học, vốn là khoa học về hữu thể xét nguyên nó là thế, có nhiệm vụ nghiên cứu và nói lên ý nghĩa đầy đủ của nguyên lý đó. Khi nghiên cứu chân lý tối thượng này, chúng ta tìm hiểu một trong những đặc trưng hiển nhiên và nền tảng nhất của hữu thể.

I. NGUYÊN LÝ ĐẦU TIÊN VỀ HỮU THỂ

Phán đoán đầu tiên được gọi là nguyên lý bất – mâu – thuẫn, vì nó diễn tả điều kiện cơ bản nhất của các sự vật, nghĩa là chúng không thể tự – mâu-thuẫn với chính mình (The first judgment is called the principle of non-contradiction because it expresses the most basic condition of things, namely, that they cannot be self-contradictory). Nguyên lý này dựa trên cơ sở hữu thể, và diễn tả sự vững bền của hữu thể cũng như chuyện nó đối nghịch với vô thể (non-being = non-ens).


Chúng ta biết đến con người này, ngọn núi kia, con vật nọ, nhận biết mỗi thứ như điều gì hiện hữu, như một hữu thể. Tiếp đến, chúng ta đi tới ý tưởng về sự phủ định hữu thể, hoặc là vô thể, được quan niệm không phải như “sự hư vô thuần túy”, nhưng như một vô thể tương đối và giới hạn. Chẳng hạn, chúng ta ghi nhận rằng con chó này là một hữu thể, nhưng nó lại không phải là con chó khác. Như vậy, khi nhận biết những hữu thể đặc thù, chúng ta cũng tạo nên khái niệm phủ định đầu tiên – vô thể (non-being).

Khi chúng ta nắm bắt một “vô thể” nào đó nơi các sự vật, vốn nảy sinh từ sự giới hạn của mỗi sự vật, chúng ta hiểu rằng một hữu thể không thể vừa có lại vừa không trong cùng một lúc và theo cùng một ý nghĩa. Như vậy, nguyên lý bất-mâu thuẫn diễn tả sự bất tương thích triệt để giữa hữu thể và vô thể, vốn đặt nền tảng trên sự kiện này là việc hiện hữu liên quan đến một hoàn bị có thực nơi mỗi một hữu thể, đối nghịch tuyệt đối với chuyện thiếu vắng hoàn bị đó.

Chúng ta nói “trong cùng một lúc”, vì chẳng hạn, không có gì mâu thuẫn trong trường hợp những chiếc lá của một cây có màu xanh ở một mùa trong năm, và màu nâu hoặc đỏ trong mùa khác. Chúng ta cũng nói thêm ‘trong cùng một ý nghĩa” hay “trong cùng một phương diện”, bởi vì không hề mâu thuẫn đối với một con người rất thông thạo một số vấn đề, nhưng lại dốt nát về những vấn đề khác.

Hiển nhiên là nguyên lý trên có một tầm quan trọng nền tảng, không chỉ trong tri thức tự phát và khoa học, nhưng còn trong lãnh vực hoạt động của con người, vì nó là điều kiện đầu tiên của chân lý trong bất cứ phán đoán nào.

II. NHỮNG CÁCH DIỄN TẢ NGUYÊN LÝ BẤT-MÂU- THUẪN

Trước hết, nguyên lý đầu tiên là một phán đoán liên quan đến thực tại. Do đó, những lối diễn tả sâu xa hơn về nguyên lý này là những lối diễn tả có bản chất siêu hình, nghĩa là những diễn tả trực tiếp liên quan đến esse của các sự vật. Ví dụ: “một vật không thể cùng lúc vừa có lại vừa không”1, và “không thể nào một vật hiện hữu và đồng lúc lại không hiện hữu”2. Chúng ta không chỉ nói rằng “điều tự mâu thuẫn thì không thể tưởng tượng được”, vì nguyên lý bất-mâu-thuẫn là qui luật tối thượng của thực tại, chứ  không chỉ là một định lý hay định đề của trí tuệ dùng để giải thích thực tại. Như vậy, điều mà chúng ta thực sự khẳng định với nguyên lý này chính là: hữu thể thì không tự mâu thuẫn với chính mình.

Tuy nhiên, vì trí năng của chúng ta cố gắng để nhận biết thực tại như nó là, nên nguyên lý đầu tiên về hữu thể, theo một cách thức phái sinh, cũng là một qui luật của tư tưởng: nó cũng là qui luật đầu tiên của luận lý học3. Do đó, chúng ta cũng có thể tìm thấy những công thức khác của nguyên lý đầu tiên mang bản chất luận lý, và liên hệ nhiều hơn đến tri thức của ta về hữu thể. Ví dụ: “chúng ta không thể vừa khẳng định vừa phủ định một điều gì đó về cùng một chủ thể trong cùng một lúc và theo cùng một ý nghĩa”, hoặc “những mệnh đề mâu thuẫn về cùng một chủ thể thì không thể đồng lúc là xác thực”.

Trí tuệ là chủ thể cho nguyên lý bất mâu thuẫn. Nó không thể nhận biết hữu thể như tự mâu thuẫn, chính xác là vì hữu thể không thể tự mâu thuẫn. Dĩ nhiên, chúng ta có thể tự mâu thuẫn với chính mình khi suy nghĩ hoặc nói năng, nhưng điều này chỉ xảy ra khi chúng ta lạc xa thực tại do sự khiếm khuyết trong việc suy luận. Khi một ai đó chỉ cho ta thấy ta đã mắc phải sai sót nào, ta có khuynh hướng sửa lại cho đúng. Dẫu sao, mặc dù chúng ta có thể quả quyết một điều gì mâu thuẫn, thì nó không thể nào hiểu được (it cannot possibly be understood).

III. TRI THỨC QUI NẠP VỀ NGUYÊN LÝ ĐẦU TIÊN

Một cách tự nhiên và tự phát, nguyên lý bất – mâu- thuẫn được mọi người nhận biết qua kinh nghiệm. Nó là per se notum omnibus (tự thân hiển minh cho mọi người).

Dĩ nhiên, nó không phải là một phán đoán bẩm sinh, được trí tuệ chiếm hữu trước khi bắt đầu có tri thức thực sự, hay là một loại khung sườn trí tuệ được nạp sẵn để hiểu được thực tại. Để diễn tả được phán đoán này, trước hết chúng ta phải biết được những hạn từ của nó (hữu thể và vô thể). Chúng là những khái niệm mà chúng ta chỉ nắm bắt khi trí năng, thông qua những giác quan, hiểu được thực tại bên ngoài và nhận biết nhiều hữu thể khác biệt; ví dụ, tờ giấy này, một hữu thể phân biệt khỏi cái máy chữ kia, phân biệt khỏi “không giấy” (vô thể). Vì những điều trên là hai khái niệm đầu tiên mà chúng ta thành lập, mọi người nhất định phải nhận biết ngay qui luật bất – mâu-thuẫn đó.

Dĩ nhiên, vào lúc khởi sự tri thức, nguyên lý này không được diễn tả trong công thức phổ quát của nó – “không thể nào một sự vật vừa có lại vừa không”. Tuy nhiên, nó được nhận biết với tầm mức đầy đủ, và ai nấy đều hành động phù hợp với nó. Chẳng hạn, ngay cả một đứa trẻ cũng biết rõ rằng ăn thì chẳng giống với không ăn, và nó cư xử phù hợp với tri thức đó.

IV. TÍNH HIỂN MINH CỦA NGUYÊN LÝ NÀY VÀ LỐI BẢO VỆ NÓ NHỜ LUẬN CHỨNG “ĐỐI NHÂN”

Vì là phán đoán đầu tiên, nguyên lý này không thể được chứng minh nhờ những chân lý khác đi trước nó. Tuy nhiên, chuyện không thể chứng minh nó, đâu phải là một dấu hiệu bất toàn; đúng hơn, chúng ta cần nói rằng đó là một dấu hiệu của sự hoàn bị. Khi một chân lý tự mình hiển minh, thì không cần và cũng không thể chứng minh nó. Chỉ có điều gì không trực tiếp hiển minh mới đòi bằng chứng. Bên cạnh đó, nếu mọi quả quyết đều cần được chứng minh nhờ đến những khẳng định khác, hẳn chúng ta sẽ chẳng bao giờ đạt được một số chân lý tự mình hiển minh. Như vậy thì tri thức con người sẽ không có cơ sở tối hậu.

Bảo vệ nguyên lý đầu tiên chống lại những ai phủ nhận nó

Mặc dù chân lý của nguyên lý bất – mâu-thuẫn không thể được chứng minh bằng cách dùng đến những chân lý hiển minh khác (mà thực ra làm gì có thứ nào như vậy), nó vẫn có thể được chứng minh cách gián tiếp qua việc tỏ rõ rằng bất cứ ai phủ nhận nó đều không có gì chắc chắn cả. Tất nhiên, một luận chứng kiểu đó là hữu dụng, nhưng nó không phải là một bằng chứng chặt nghĩa. Ngoài ra, sự chắc chắn hoặc giá trị tuyệt đối của nguyên lý bất – mâu-thuẫn không dựa trên “những lý chứng” gián tiếp như thế, nhưng dựa trên tri giác tự phát của chúng ta về hữu thể. Tuy nhiên, ta có thể sơ lược một vài luận chứng loại đó, như đã được ghi trong sách Siêu hình học của Aristotle:

a) Muốn phủ nhận nguyên lý này, người ta phải chối bỏ mọi ý nghĩa của ngôn ngữ. Nếu hạn từ “người” lại cũng y như là “không-phải – người”, thì quả thực nó chẳng còn ý nghĩa gì cả. Từ nào cũng ám chỉ mọi sự và, do đó, lại cũng chẳng nói lên bất cứ điều gì. Như vậy, mọi thông tin và hiểu biết giữa những con người là không khả thi. Do đó, bất cứ khi nào có ai nói lên một từ, thì người đó cũng biết đến nguyên lý bất – mâu-thuẫn, vì chắc chắn anh ta muốn từ đó phải có một ý nghĩa một điều nào đó xác định và phân biệt với điều đối nghịch với nó. Bằng không, người đó không thể nói năng rõ ràng được (Cf. Metaphysic, IV, ch. 4).

b) Phác họa những hiệu quả tối hậu từ luận chứng “ad hominem” nói trên, Aristotle quả quyết rằng hễ ai chối bỏ nguyên lý đầu tiên này đều cư xử như loài thực vật, vì ngay cả những con vật cũng di chuyển để đạt một mục tiêu mà chúng ưa chuộng hơn những thứ khác, chẳng hạn khi chúng đi kiếm mồi (cf. Ibidem).

c) Ngoài ra, phủ nhận nguyên lý này cũng có nghĩa là chấp nhận nó, vì khi bác bỏ nó, một người cũng nhận biết rằng khẳng định và phủ định thì không cùng ý nghĩa. Nếu một người chủ trương rằng nguyên lý bất – mâu-thuẫn là sai (false), thì anh ta đã thừa nhận rằng đúng (true) và sai là không đồng nghĩa (the same), do đó cũng chấp nhận đúng cái nguyên lý mà anh ta muốn khử trừ (Cf. Metaphysics, XI, ch.5).

Thuyết tương đối như một kết quả của việc phủ định nguyên lý đầu tiên

Dù là hiển minh, nguyên lý bất – mâu-thuẫn trên thực tế vẫn bị phủ nhận bởi nhiều trường phái tư tưởng thời thượng cổ (Heraclitus, Phái Ngụy Biện, Phái Hoài Nghi) và, trong một hình thức triệt để và hữu ý nhiều hơn nữa nơi thời đại mới, bởi một số hình thức triết học biện chứng (Marxism)4 và thuyết tương đối duy sử (historicist ralativism). Những học thuyết trên giản lược thực tại vào nguyên việc thay đổi hoặc “biến dịch”: không có điều gì hiện hữu, mọi sự đều thay đổi; không có khác biệt hoặc đối nghịch giữa hữu thể và vô thể. Làm như vậy, những học thuyết trên đã phủ nhận bản chất vững bền của sự vật, và phủ nhận tính vững bền của việc hiện hữu cùng với những đặc tính của nó. Do vậy, không có điểm chắc chắn nào để qui chiếu, và không có nguyên lý để đạt chân lý tuyệt đối. Họ chủ trương rằng những học thuyết đối nghịch nhau thì có giá trị ngang nhau: một phát biểu thì không xác thực hơn điều đối nghịch với nó.

Vì không thể nào đặt nền tảng mọi sự trên hư vô (nothing), nên một khi phủ nhận hữu thể, thì chính con người được coi như nền tảng duy nhất cho chân lý5. Nền tảng căn cốt của thực tại cũng chính là việc qui chiếu nó về mỗi cá nhân: hiện hữu của sự vật được giản lược vào việc chúng hiện-hữu-cho-tôi, giản lược vào lối sử dụng đặc thù của mỗi cá nhân. Chẳng hạn, những thực tại như hôn nhân và xã hội không có bản chất riêng, cũng chẳng có những qui luật điều hành chúng; đúng hơn, chúng lệ thuộc vào ý nghĩa mà con người tự ý gán cho chúng.

Như vậy, mọi việc phủ nhận nguyên lý bất – mâu- thuẫn qua dòng lịch sử đều được đánh dấu bằng một chủ thuyết tương đối chủ quan, tấn công đời sống con người trên những lãnh vực lý thuyết và thực hành. Tầm quan trọng của nguyên lý đầu tiên sẽ sáng tỏ hơn trong lãnh vực đời sống luân lý, vì việc phủ nhận nguyên lý đầu tiên này cũng phá hủy luôn sự phân biệt giữa điều thiện và điều ác. Như vậy, nguyên lý đầu tiên trong lãnh vực hành động của con người – làm lành và lánh dữ – đã bị loại bỏ. Động lực và chuẩn mực cư xử của con người sẽ chỉ còn là “tôi muốn làm điều này”, mà không lý gì đến những chuẩn mực luân lý khách quan.

V. VAI TRÒ CỦA NGUYÊN LÝ ĐẦU TIÊN TRONG SIÊU HÌNH HỌC

Vì là qui luật tối thượng về hữu thể, nguyên lý bất – mâu-thuẫn nắm vai trò chủ đạo trong toàn bộ tri thức của con người, cả lý thuyết lẫn thực hành, bởi lẽ nó dẫn dắt chúng ta tránh những khiếm khuyết trong tri thức và hoạt động của ta. Chẳng hạn, Thiên Chúa sẽ tự mâu thuẫn với chính mình, nếu như Ngài là Đấng vô biên mà lại phải chịu sự biến hóa qua dòng lịch sử (như Hegel chủ trương); do đó, chúng ta phi bác giả thuyết trên. Cũng vậy, thật là vô lý khi coi vũ trụ như vật chất tự sinh (như Marx chủ trương), vì sẽ là chuyện mâu thuẫn nếu có điều gì lại là căn nguyên của chính mình.

Nguyên lý đầu tiên kích thích tri thức siêu hình theo một hướng đặc biệt, vì nó diễn tả đặc điểm cơ bản của hữu thể. Nguyên lý bất – mâu-thuẫn giúp chúng ta khám phá cấu trúc bên trong của các hữu thể cũng như căn nguyên của chúng. Ví dụ, khi chúng ta phân tích bản chất thiêng liêng của những hành vi nhân linh trong việc hiểu biết và ước muốn, chúng ta cảm thấy cần phải kết luận rằng nguyên lý cho những hành vi đó (linh hồn con người) cũng phải là thiêng liêng, vì sẽ là chuyện vô lý khi một chủ thể vật chất lại phát sinh những hành vi thiêng liêng. Cũng vậy, trong thần học tự nhiên, hiện hữu giới hạn của mọi sự vật trong vũ trụ sẽ dẫn chúng ta đến kết luận rằng có Thiên Chúa, vì sẽ là chuyện mâu thuẫn nếu như vũ trụ có được mọi đặc tính của những gì được tạo nên mà lại không có một căn nguyên nào. Chuyện hiện hữu (act of being) của các sự vật là điều buộc trí năng chúng ta phải đạt đến một tri thức rộng lớn và sâu sắc hơn về thực tại mà không rơi vào những mâu thuẫn.

Trí năng chúng ta nắm bắt phần còn lại của tri thức nhờ vào nguyên lý bất – mâu-thuẫn. Vì cũng như mọi khái niệm khác được bao hàm trong khái niệm ens, nhưng lại không được nắm bắt từ khái niệm đó qua đường lối phân tích hoặc diễn dịch, thì cũng vậy, nguyên lý đầu tiên cũng tiềm tàng (implied) nơi mọi phán đoán, nhưng phần còn lại của tri thức con người lại không thể được diễn dịch từ đó. Nói cách chặt chẽ, chúng ta đi đến tri thức, không phải là khởi đi từ nguyên lý bất – mâu-thuẫn, nhưng đúng hơn là nhờ diễn tiến phù hợp với nguyên lý đó. Nếu chỉ nhờ nguyên phán đoán đầu tiên này, mà không biết được những cách thức hiện hữu khác do kinh nghiệm đem lại cho ta, thì chúng ta không thể tiến bộ trong tri thức. Do đó, nguyên lý bất – mâu-thuẫn hầu như luôn luôn được dùng cách mặc nhiên và gián tiếp, hầu loại bỏ những gì là hàm hồ, và dẫn trí tuệ chúng ta đến những giải pháp đúng đắn.

Mặc dù vai trò của nguyên lý đầu tiên chỉ được hiểu dần dần trong quá trình nghiên cứu, nhưng ta cũng có thể hiểu đôi chút khi nhận thấy rằng các triết gia đã tiến bộ trong tri thức của mình ra sao, bởi lẽ họ được dẫn dắt bởi nhu cầu đề phòng bất cứ mâu thuẫn nào.

Heraclitus, người tiên phong của chủ thuyết tương đối, chủ trương rằng thực tại là thuần túy thay đổi hay biến dịch, do đó ông ta đã phủ nhận nguyên lý bất – mâu-thuẫn. Đối với ông, không gì hiện hữu: mọi sự đều thay đổi. Về phần mình, Parmenides muốn tái lập chân lý về hữu thể, để đối lập lại việc giải thể thực tại mà Heraclitus chủ trương. Ông đã có một phát biểu thời danh: “hữu thể thì hiện hữu, còn vô thể thì không hiện hữu”. Tuy nhiên, vì hiểu nguyên lý này trong một cung cách cứng ngắc, không uyển chuyển, ông đã phủ nhận bất cứ vô thể nào, kể cả vô thể tương đối. Do đó, ông nói rằng mọi hạn chế, tăng bội hoặc biến đổi đều là điều không thể. Ông kết luận rằng thực tại là một hữu thể đơn lẻ, đồng bộ, bất biến.

Plato khai triển một nền Siêu hình học thừa nhận thực tại khuyết phạp (privation) và khẳng định rằng thế giới khả giác thông dự vào thế giới Ý Tưởng. Do đó, ông phải bao hàm vũ trụ giới hạn trong phạm vi hữu thể. Tuy nhiên, chính Aristotle mới là người nhấn mạnh đến ý nghĩa thực tế của vô thể tương đối được tìm thấy nơi các sự vật, khi ông khám phá một nguyên lý hạn chế có thật, cụ thể là tiềm năng (potency). Do đó, ông đã định thức nguyên lý bất – mâu-thuẫn một cách sắc sảo hơn : “một vật không thể vừa có lại vừa không trong cùng một lúc và theo cùng một ý nghĩa” (Something cannot be and not be at the same time and in the same sense).

VI. NHỮNG NGUYÊN LÝ SƠ YẾU KHÁC ĐẶT CƠ SỞ TRÊN NGUYÊN LÝ BẤT – MÂU-THUẪN

Giờ đây chúng ta xét đến những nguyên lý sơ yếu khác có liên hệ chặt chẽ với nguyên lý đầu tiên.

a) Nguyên lý khử tam (nguyên lý loại trừ cái thứ ba = principle of excluded middle). Nguyên lý này phát biểu rằng “không có trung gian giữa hữu thể và vô thể”, hoặc “không có trung gian giữa khẳng định và phủ định”. Phán đoán này có nghĩa rằng một sự vật thì có hoặc không có, chứ không còn kiểu nào khác nữa, và do đó nó cũng giản lược vào nguyên lý bất – mâu-thuẫn. Không thể có điều gì trung gian, bởi lẽ không thể vừa có lại vừa không trong cùng một lúc. Nguyên lý này thường được sử dụng trong lý luận, theo công thức, “mọi mệnh đề thì nhất thiết phải là thực hay là giả”.

Mặc dù hiện hữu trong tiềm năng (being in potency) có thể được coi như điểm trung gian giữa hữu thể và vô thể, nhưng thực ra là nó nằm giữa hiện hữu trong hiện thế (being in act) và không hiện hữu trong hiện thế (not being in act) hoặc tuyệt đối vô thể (absolute non- being). Nguyên lý này có giá trị đối với tiềm năng: không gì có thể vừa ở trong hiện thế vừa trong tiềm năng cùng một lúc, và theo cùng một ý nghĩa; không có trung gian giữa hiện hữu trong tiềm năng và không hiện hữu trong tiềm năng.

b) Nguyên lý đồng nhất. Nguyên lý này phát biểu rằng “hữu thể là hữu thể” (being is being), hoặc “bất cứ điều gì có, cũng chính là nó” (whatever is, is what it is), hoặc “hữu thể thì hiện hữu, còn vô thể thì không hiện hữu” (being is, and non-being is not). Mặc dù Aristotle cũng như thánh Thomas đều không nói đến nguyên lý đồng nhất như một nguyên lý sơ yếu, nhiều tác giả Tân-Kinh viện đã nêu lên điều đó, và hầu như luôn giản lược nó vào nguyên lý bất – mâu-thuẫn.

Nhiều khi, những nguyên lý khác cũng được hàm chứa trong các nguyên lý nền tảng nói trên. Ví dụ, nguyên lý nhân quả (principle of causality) (‘mọi hiệu quả đều có căn nguyên’ hay ‘những gì bắt đầu hiện hữu thì phải được tạo thành’) và nguyên lý cứu cánh (principle of finality) (‘mọi tác nhân đều hoạt động vì một mục tiêu’). Nói chặt chẽ, những nguyên lý trên không phải là những nguyên lý đầu tiên, vì chúng liên hệ đến những khái niệm hạn hẹp hơn, và đi sau những khái niệm ens và non-ens (đặc biệt những khái niệm về “căn nguyên”, “hiệu quả”, và “mục đích”). Do đó, chúng đã giả thiết nguyên lý bất – mâu-thuẫn, và chúng có một phạm vi hạn hẹp hơn.

———————————————————————-
SÁCH ĐỌC THÊM
 
ARISTOTLE, Metaphysica, IV, ch. 3-8; XI, 4-6; SAINT THOMAS AQUINAS, In Metaph., IV lect. 5-17; XI, 4-6; S.th., I-II, q.94, a.2. GARRIGOU-LAGRANGE, Le sens commun, la philosophie de l’être et les formules dogmatiques, Beauchesne, Paris 1909. MANSER, La esencia del tomismo, C.S.I.C. Madrid 1953. L. ELDERS, Le premier principe de la vie intellective, in <> 62 (1962), pp. 571-586. P.C.COURTES, Cohérence de l’être et Premier Principe selon Saint Thomas d’Aquin, in <>, 70 (1970), pp. 387-423.