Nguồn Gốc Kitô Giáo: Khung Cảnh Tôn Giáo Và Xã Hội Thời Đức Giêsu

0
2032


VỀ NGUỒN

(LỊCH SỬ KITÔ GIÁO)

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, O.P.

***

***

LỜI NÓI ĐẦU

 

Về Nguồn (hay “Trở về nguồn”) là một khẩu hiệu mà Công Đồng Vatican II đã nêu lên để cổ võ cuộc canh tân Hội Thánh, từ thần học cho tới phụng vụ cũng như các định chế giáo luật. Tuy nhiên, chúng tôi sử dụng từ ngữ “Về nguồn” không phải vì có tham vọng thúc đẩy cuộc canh tân Hội Thánh, nhưng với chủ ý khác.

Tác phẩm “Về Nguồn” được ra mắt đọc giả vào dịp chuẩn bị mừng biến cố 2000 năm bắt đầu kỷ nguyên Kitô giáo. Kỷ niệm Năm Thánh 2000 có nghĩa là kỷ niệm nguồn gốc của Kitô giáo, khởi đi từ ngọn nguồn là Đức Giêsu.

Chúng ta hãy đi lùi về nguồn gốc để theo dõi việc hình thành và những chặng đường tiến triển, không những của các định chế trong Hội Thánh, mà còn của các học thuyết, nghi thức, luân lý Kitô giáo nữa. Khởi đi từ Đức Giêsu, chúng ta thử nghiên cứu thân thế hoạt động của Người trong những năm sinh sống tại Palestin, dựa theo những tài liệu lịch sử mà chúng ta biết được. Kế đó, chúng ta sẽ xem các môn đồ của Người đã hiểu và giải thích thế nào về bản thân và sự nghiệp của Người. Đó là khởi điểm của sự phát triển Hội Thánh, cộng đồng các tín hữu của Đức Kitô.

Mặc dù biến cố Năm Thánh 2000 đã qua rồi, nhưng việc trở về nguồn gốc của Kitô giáo không mất tính cách thời sự; bằng chứng là Đức nguyên Giáo Hoàng Benedict XVI đã xuất bản tác phẩm “Đức Giêsu Nazareth”, và đã dành nhiều loạt bài Giáo huấn hàng tuần kể từ ngày 15/03/2006 để giới thiệu các thánh tông đồ, và tiếp tục với các Giáo phụ (từ ngày 07/03/2007). Hơn nữa, đương kim Giáo Hoàng, Đức Phanxicô, cũng dành không ít bài Giáo lý hàng tuần để bàn về chủ đề này; cách riêng năm nay, Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót, Đức Phanxicô luôn quy chiếu về Đức Giêsu để làm khởi điểm cho mọi hướng đi của Hội Thánh trong thế giới ngày nay.

Người ta thường phân chia lịch sử Hội Thánh ra làm ba giai đoạn chính: thời Giáo phụ, thời trung cổ, thời cận đại. Chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh cách riêng đến giai đoạn đầu, giai đoạn khai sinh Kitô giáo cũng như giai đoạn hình thành các chân lý căn bản của đức tin, các bí tích và định chế của Hội Thánh. Các thánh Tông đồ và các Giáo phụ đã cố gắng tìm cách diễn tả kho tàng mặc khải qua những phạm trù của các nền văn hóa đa dạng đương thời, và trở thành mẫu mực cho chúng ta ngày nay trong công cuộc cố gắng đưa Phúc Âm vào các nền văn hóa của các dân tộc. Chúng ta hãy đi lùi về những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, để xem các thánh Tông đồ đã tiếp xúc như thế nào với các tôn giáo, các tư tưởng triết học, các nền văn hóa đương thời: một đàng các ngài đã thu nhập những tinh hoa của chúng để diễn tả đức tin và đời sống Kitô giáo; đàng khác các ngài cũng đã vất vả thanh lọc những yếu tố làm lu mờ đức tin tinh tuyền, điển hình nơi các lạc giáo. Như chúng ta sẽ thấy, nhiều lần điều mà ngày nay chúng ta gọi là “lạc giáo” (bè rối) đã bắt nguồn không phải từ ác ý của những kẻ tà tâm muốn gieo cỏ lùng trong Hội Thánh cho bằng từ một cố gắng giải thích chân lý mặc khải theo đường lối hợp với não trạng của con người thời đại. Thế nhưng tuy dù mặc khải Kitô giáo mang theo rất nhiều điều đáp ứng được với những khát vọng của con người, nhưng đồng thời nó cũng chứa đựng nhiều điều mà thánh Phaolô đã mệnh danh là “sự điên rồ của thập giá” (1Cr 1,18), hoàn toàn trái ngược với thị hiếu con người! Để bảo vệ căn tính của Phúc Âm, các thánh Tông đồ và các Giáo phụ không những đã phải sử dụng bút chiến nhưng còn sẵn sàng dùng mạng sống của mình để làm chứng tá.

Trong phần mở đầu, chúng ta sẽ tìm hiểu thân thế và sự nghiệp của Đức Giêsu. Trước tiên, chúng tôi sẽ trình bày sơ lược bối cảnh lịch sử tôn giáo và chính trị của Palestin vào lúc Chúa ra đời. Kế đó, chúng ta sẽ xét tới những cuộc tranh luận trong thế kỷ XX chung quanh giá trị của các tư liệu nói về lịch sử của Đức Giêsu. Tiếp theo, chúng ta thử ôn lại những nét nổi bật trong các lời giảng và việc làm của Người, cho tới hồi kết thúc với cuộc Tử nạn và Phục sinh. Đó là khởi điểm của Kitô giáo.

Trong những phần kế tiếp, tương ứng với 5 giai đoạn từ thời các thánh Tông đồ cho tới hết thời các Giáo phụ, chúng ta sẽ theo dõi những chặng phát triển của Kitô giáo dưới 6 khía cạnh:

– 1) Bối cảnh xã hội của mỗi giai đoạn: khung cảnh tôn giáo, tư tưởng, chính trị tại nơi các thánh Tông đồ và các Giáo phụ rao giảng Phúc Âm.

– 2) Những nguồn tư liệu cung cấp cho ta những dữ kiện về sinh hoạt của Hội Thánh. Dưới khía cạnh này, chúng ta sẽ có cơ hội học hỏi về văn chương Kitô giáo, đặc biệt là tác phẩm của các Giáo phụ.

– 3) Việc tổ chức đối nội và đối ngoại của Hội Thánh. Nói khác đi, dưới khía cạnh này chúng ta sẽ nghiên cứu lịch sử truyền giáo và lịch sử các cơ cấu của Hội Thánh.

– 4) Các tín điều, nghĩa là việc phát biểu chân lý mặc khải bằng những khái niệm và phạm trù tư tưởng lấy từ văn hóa của thời đại.

– 5) Đời sống cầu nguyện và phụng tự, nhờ đó chúng ta có thể học được lịch sử các linh đạo và lịch sử phụng vụ của Kitô giáo.

– 6) Đời sống luân lý và xã hội của các Kitô hữu.

Mặc dù kể từ thời các thánh Tông đồ cho đến khi chấm dứt thời các Giáo phụ có đến 8 thế kỷ, nhưng không phải mọi thế kỷ đều có tầm quan trọng ngang nhau. Đó là lý do vì sao chỉ nói tới 5 giai đoạn thay vì 8.

– Giai đoạn 1 trùng với thời các Tông đồ, bao trùm hết thế kỷ thứ nhất.

– Giai đoạn 2 là thời của các Tông phụ vào thế kỷ thứ hai.

– Giai đoạn 3 phần nào trùng với thế kỷ thứ ba, thời buổi bình minh của văn chương và triết học Kitô giáo.

– Giai đoạn 4 kéo dài từ Công Đồng Nicea (325) cho tới Công Đồng Constantinople (381), hai Công Đồng định tín về thiên tính của Đức Kitô và của Thánh Thần. Đây là giai đoạn hoàng kim của thời Giáo phụ, với những khuôn mặt như: Athanasius of Alexandria (+373), Basilius of Caesarea (+379), Gregorius Nazianzenus (+390), Jean Chrysostomos (Gioan kim khẩu; +407), bốn vị đại tiến sĩ của Đông phương.

– Giai đoạn 5 là thời phát triển đạo lý của hai Công Đồng vừa nói, đặc biệt là hai Công Đồng Ephesus (431) và Chalcedonian (451), với các Giáo phụ Syrilus Alexandria (+444) bên Đông, và bốn vị đại tiến sĩ bên Tây: Ambrosius (+397), Hieronymus (+419), Augustinus (+430), Gregorius le Grand (Gregorio Cả; +604) . Nhưng giai đoạn này cũng đánh dấu một cuộc biến chuyển bởi hậu quả của những thay đổi chính trị của đế quốc Roma, tiếp theo cuộc xâm lăng của dân man di. Nền văn minh Hy-La cổ truyền mất địa vị độc tôn. Hội Thánh tiếp xúc với những phong tục văn minh mới, đưa tới sự thay đổi bộ mặt cơ chế vào thời Trung cổ. Đồng thời, miền Trung đông và Bắc Phi bị các lực lượng Hồi giáo chiếm đóng, khiến cho những cộng đoàn phồn thịnh của những thế kỷ đầu tiên dần dần bị xóa tên trên bản đồ. Tuy nhiên, chúng ta chỉ dừng lại ở thời các Giáo phụ mà thôi. Theo các học giả, thời các Giáo phụ chấm dứt với thánh Isidore (+636) bên Tây phương và Jean Damascène bên Đông phương (675-749). Cũng nên biết là các Hội Thánh chính thống chỉ nhìn nhận 7 Công Đồng đầu tiên (từ Nicea I năm 325 đến Nicea II năm 787) có tính cách Công Giáo hoàn vũ, còn các Công Đồng sau đó chỉ có tính cách riêng tư của các Giáo Hội Tây phương. Dù có nói thế nào đi nữa về quan điểm này, ít là chúng ta chấp nhận có một căn bản chung khi bàn tới chuyện tái lập sự hiệp nhất giữa các Giáo Hội Đông và Tây phương.

***

PHẦN I

NGUỒN GỐC KITÔ GIÁO

***

Chương I: Khung cảnh tôn giáo và xã hội thời Đức Giêsu

 

Trước khi đi vào những chi mục về thân thế và sự nghiệp của Đức Giêsu, chúng ta hãy nhìn qua bối cảnh xã hội của Palestin vào những năm đầu của kỷ nguyên Kitô giáo. Bối cảnh đó sẽ gíúp chúng ta hiểu rõ hơn cuộc sống và hoạt động của Đức Giêsu. Thực vậy, Đức Giêsu đã không khởi sự từ con số không, nhưng Người đã gieo lời Chúa trên một thửa đất đã được cày bừa, tuy dẫu cũng không thiếu những chông gai sỏi đá đây đó. Đức Giêsu xuất thân từ một dân tộc vốn tự hào là được Thiên Chúa tuyển chọn. Việc tuyển chọn ấy kèm theo những lời hứa chúc lành phú quý thịnh vượng. Có lẽ một vài lời hứa đã thành hiện thực vào hồi quá khứ xa xưa, dưới triều đại của hoàng đế Salomon (k. 970-931), thời mà Israel được hưởng thái bình, dân chúng an cư lạc nghiệp, dân tộc được thiên hạ nể nang. Tiếc rằng, thời đại vàng son ấy không kéo dài bao lâu. Sau khi vua Salomon băng hà, đất nước bị phân đôi thành hai quốc gia: Israel ở mạn Bắc và Judah ở mạn Nam. Đau thương hơn nữa là sau đó hai thế kỷ, vương quốc mạn Bắc bị đế quốc Assyria xâm chiếm (năm 722), và chưa đầy 200 năm sau, đến lượt vương quốc miền Nam suy tàn. Thủ đô Jerusalem bị lực lượng của vua Nabuchodonosor tàn phá năm 587; các cấp lãnh đạo bị lưu đày sang Babilonia. Tuy những biến cố này đã được các Ngôn sứ báo trước như là hình phạt dành cho tội bất tuân giao ước, nhưng đến khi nó xảy đến thì lòng tin của dân Chúa không tránh khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng. Phải chăng Thiên Chúa đã bỏ rơi dân của Người? Khi đền thờ ở Jerusalem đã bị tàn phá rồi, biết tìm chỗ nào để mà thờ phượng Chúa?

I. Quá khứ và hy vọng của Israel: Những quan niệm về ơn cứu rỗi

Các Ngôn sứ đã tìm cách trả lời cho những câu hỏi đó. Thiên Chúa không hề rút lại giao ước. Những gì Người đã hứa thì Người sẽ thực hiện. Tuy đền thờ Jerusalem đã bị triệt hạ, nhưng Thiên Chúa vẫn tiếp tục ở với dân Israel, kể cả tại nơi lưu đày. Các Ngôn sứ đã khơi dậy nơi dân Israel tâm tình thống hối bởi vì họ đã bất trung với giao ước. Đồng thời, các Ngôn sứ cũng huấn luyện cho dân lòng trung thành với luật Chúa, được biểu lộ qua việc khát khao học hỏi ý Chúa, tránh chung đụng với những phong tục xấu xa của dân ngoại. Israel có thể cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa qua việc tuân giữ lề luật của Người. Nói khác đi, về phía Israel, việc trung thành với giao ước như được đồng hóa với việc tuân giữ lề luật chu đáo. Tâm trạng này lại càng gia tăng khi tiếng nói của các Ngôn sứ trở nên thưa thớt. Người ta thấy cần phải ghi chép lại Lời Chúa thành văn bản, đứng đầu là sách Luật (Torah) tóm lại trong Ngũ Kinh. Tuy nhiên, bởi vì Luật của ông Moses ra đời trong những hoàn cảnh thời thế khác, không dễ gì áp dụng được cho hết mọi trạng huống trên đời, cho nên dần dần bên cạnh “luật viết” (luật thành văn) xuất hiện thêm một thứ “luật truyền khẩu” (Halakah). Luật truyền khẩu có thể ví như án lệ, giải thích và áp dụng luật viết vào những hoàn cảnh cụ thể. Thí dụ như luật của Moses cấm làm việc ngày thứ bảy (Sabbat); điều khoản đó có tính cách tổng quát và trừu tượng; vì vậy không lạ gì mà bao nhiêu câu hỏi sẽ được đặt ra: luật cấm làm những việc nào? Có cấm làm bếp nấu ăn không? Có cấm đi đường không? Có cấm đọc sách không?… Việc giải thích và áp dụng lề luật được coi như là chuyên khoa của nhóm Kinh sư (scriba, hay: luật sĩ; thông luật). Tuy nhiên, trong thời gian lưu đày, dân Israel không những chỉ được giáo dục về việc trung thành với giao ước và luật Chúa. Họ cũng được nuôi dưỡng niềm hy vọng sẽ được giải phóng, sẽ được hồi hương, sẽ được hưởng nhũng ngày thái bình thịnh vượng như thời vua David và Salomon.

Niềm hy vọng đó đã được thực hiện phần nào khi hoàng đế Cyruscủa đế quốc Persia (Ba Tư) cho phép đoàn dân lưu đày được hồi hương vào năm 538. Đền thờ Jerusalem được tái thiết 18 năm sau đó (520-515) nhờ sự thúc đẩy của hai Ngôn sứ Haggai(Khác-gai)Zechariah(Dacaria). Tuy nhiên, niềm hy vọng trùng hưng dòng dõi David kéo dài không lâu, bởi vì sang các thế kỷ tiếp đó, Israel lại bị đô hộ bởi các cường quốc lân bang: Egypt, Assyria, Babylon, Medo-Persia (Ba Tư cổ), Greek. Những tác phẩm cuối cùng của Cựu ước kể lại cuộc khởi nghĩa của gia đình Maccabees cùng với những thăng trầm của dân Do Thái trong khoảng thời gian từ năm 167-134. Sau bao nhiêu cuộc chiến đấu và thương thuyết, Israel được hưởng độc lập một thời gian ngắn để rồi lại rơi vào vòng đô hộ của đế quốc Roma vào năm 63. Kinh nghiệm chua chát của lịch sử đã tạo ra một tâm trạng bi quan yếm thế, có ảnh hưởng không nhỏ tới niềm hy vọng tương lai. Trước đây, các Ngôn sứ và Kinh sư nhấn mạnh tới việc thống hối và tuân giữ lề luật để cầu xin Thiên Chúa xót thương nhớ lại giao ước với David. Bây giờ, xuất hiện thêm một trào lưu tư tưởng mới, được đặt tên là “khải huyền” (hay: thế mạt, apocalyptica), điển hình là sách Daniel. Trào lưu này quan niệm việc Thiên Chúa cứu rỗi như là một cuộc xuất hiện oai phong, để tàn phá các lực lượng sự dữ đang tung hoành trên thế giới, và tái lập trật tự, hòa bình, công lý.

Có thể nói, những quan niệm khác nhau về ơn cứu rỗi là nguồn gốc của các khuynh hướng chính trị tôn giáo khác nhau tại Palestin. Như vừa nói, có hai khuynh hướng chính: một đàng nhấn mạnh tới việc tuân giữ luật Chúa, ngõ hầu Chúa thương nhớ lại giao ước; một đàng khác thì mong đợi sự can thiệp mạnh để lật đổ các lực lượng tội ác.

– 1/. Khuynh hướng thứ nhất được biểu lộ nơi nhóm Seduce và nhóm Pharisee. Nhóm Seduce (lấy tên từ thượng tế Sadoc sống vào thời vua Salomon), bao gồm giới giáo sĩ cấp cao. Họ chỉ chấp nhận thế giá của Luật viết mà thôi (tóm lại trong Ngũ Thư). Do việc giới hạn mặc khải vào thời ông Moses như vậy, nên họ không chấp nhận sự tiến triển đạo lý sau đó, chẳng hạn như về sự sống lại, về các thiên thần. Nhóm Pharisee thì lại tỏ ra cấp tiến hơn, bởi vì họ chấp nhận sự tiến triển về mặc khải. Thường chúng ta dịch “Pharisee”“biệt phái”, gắn liền với tính cách kiêu căng giả hình. Thiết tưởng nghĩ như vậy thì hơi oan cho họ! Các Pharisee là những Kinh sư, cố gắng tìm cách giải thích và áp dụng luật Chúa vào những chi mục phức tạp của cuộc sống; vì vậy mà bên cạnh Luật viết, họ còn tuân giữ Luật truyền khẩu hay truyền thống nữa. Khi gọi họ là “biệt phái”, chúng ta đừng vội cho rằng họ kiêu căng hách dịch, nhìn đời bằng nửa con mắt! Không phải thế đâu. Xét về điều kiện xã hội, họ không thuộc về giới tư tế, nghĩa là không phải là giới cầm quyền. Tiếng “biệt phái” cần được hiểu về thái độ xử thế của họ: vào thời buổi đất nước bị ngoại bang đô hộ và bị áp đặt một nếp sống lai căng, trái ngược với tôn giáo cổ truyền, thì một nhóm người đạo đức (Hasidism) đã chủ trương sống “tách biệt” (perushim), nghĩa là không chịu hùa theo thói đời chạy theo phong hóa đồi trụy tục hóa. Tuy hai nhóm Seduce và Pharisee có những quan điểm khác nhau về Luật pháp và đạo lý, nhưng họ cũng biết hợp tác với nhau để duy trì đạo nghĩa và việc phụng tự. Các tư tế Seduce phụ trách việc tế tự trong đền thờ, và được trợ cấp nhờ thuế thập phân của các Pharisee đóng góp. Các Pharisee thường thi hành chức năng giải thích Lề luật tại các hội đường, nhưng họ cũng sẵn sàng mời một tư tế Seduce đến làm lễ nghi chúc lành. Nhất là cả hai phải liên minh với nhau để chống lại nhóm Etxeondo, với một quan điểm khác biệt về ơn cứu độ.

– 2/. Tân ước không hề nhắc tới nhóm Etxeondo. Tuy nhiên, sự hiện diện và ảnh hưởng của họ được các sử gia Do Thái (Philo Alexandria, Joseph Flavius) và Roma (Gaius Plinius Secundus[còn biết đến với tên Pliny the Elderhay Plino Lão]) ghi lại, và đặc biệt là với việc khai quật vùng Qumran. Thực ra thì nhóm Etxeondo có nhiều điểm tương tự như hai nhóm Seduce và Pharisee. Giống như nhóm Seduce, họ thực hành các lễ nghi thanh tẩy và dùng bánh thánh. Giống như nhóm Pharisee, họ tuân giữ luật Chúa rất chu đáo nghiêm túc. Tuy nhiên, điều gây chướng mắt cho hai nhóm kia là vì nhóm Etxeondo sống thành cộng đoàn riêng, với nếp sống và kỷ luật riêng. Người ta cho rằng, cộng đoàn Qumran thuộc nhóm này. Ngoài những sách đã được nhận là Thánh Kinh (tuy rằng, vào thời của Đức Giêsu, chưa có quy điển Thánh Kinh cố định), họ còn nhận thêm một số sách được coi là mặc khải huyền bí. Họ mong đợi một vị Messiah thuộc dòng dõi tư tế Aaron, khác với quan niệm cổ truyền về Đấng Messiah xuất thân từ hoàng tộc David. Có những người khác thì cho rằng, cả hai Đấng Messiah sẽ xuất hiện đồng thời: một vị làm vua nối ngôi David, còn một vị làm tư tế. Sự ra đời của hai Đấng Messiah sẽ đánh dấu một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của sự chiến thắng của “con cái ánh sáng” trên “con cái tối tăm”. Vị Messiah tư tế sẽ tiêu diệt hàng tư tế vô đạo đang làm chủ đền thờ. Thế còn vị Messiah vua có thanh toán hết các lực lượng chính trị quân sự đang chiếm đóng Palestin hay không? Xem ra câu trả lời về phía nhóm Etxeondo không được rõ ràng cho lắm, vì thế quan điểm chính trị của họ cũng không đến nỗi cực đoan như nhóm Zealot. Nhóm này tổ chức những ổ kháng chiến chống lại quân đô hộ. Họ quan niệm rằng, Đấng Messiah sẽ đến thiết lập vương quyền của Thiên Chúa kể cả trong phương diện chính trị nữa, nghĩa là một chế độ thần quyền. Những cuộc nổi dậy của họ nhắm chuẩn bị cho thời đại đó mau đến. Có lẽ vì thế mà họ được gọi là Zealot, bởi vì gốc từ tiếng “zelus” trong Latin, có nghĩa là hăng say, nhiệt thành. Họ tỏ ra nhiệt tâm hăng say với việc thiết lập vương quyền của Thiên Chúa, đến nỗi không chịu khuất phục trước bất cứ quyền lực nào, dù đạo hay đời. Nên biết là trong số các môn đệ của Đức Giêsu, ít là có một phần tử thuộc nhóm Zealot, đó là ông Simon (còn gọi là Simon nhiệt thành; xc. Lc 6,15; Cv 1,13). Dù sao cũng nên biết rằng, các toán đặc công du kích của nhóm Zealot hoạt động trong suốt thế kỷ thứ nhất kỷ nguyên Kitô giáo, nổi tiếng hơn cả là phong trào ám sát những người Do Thái làm tay sai cho Roma, do ông Judah lãnh đạo (năm 6-7 SCN), và nhất là cuộc tổng khởi nghĩa chống lại đế quốc Roma (năm 66-70 SCN), đưa tới cuộc chinh phạt của hoàng đế Titus, thiêu hủy đền thờ, và xóa nhòa nước Do Thái trên bản đồ thế giới.

II. Đời sống tôn giáo và chính trị

A. Nền tảng của niềm tin

Tất cả niềm tin của người Do Thái được tóm vào câu kinh sau đây, quen gọi là “Shema” (nghe đây): “Nghe đây, hỡi Israel! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em (Đnl 6,4). Lòng yêu mến Đức Chúa đi kèm với việc lắng nghe và tuân giữ Lời Người. Lời Chúa được chứa đựng trong Sách Thánh. Nói tới Thánh Kinh của người Do Thái, có lẽ nhiều người chúng ta liên tưởng ngay đến các sách Cựu ước. Tuy nhiên, sự thực không hẳn như vậy. Có nhiều sách của Cựu ước không được người Do Thái nhận là Sách Thánh, chẳng hạn như: Judith, Tobith, Hai quyển Maccabees, Khôn Ngoan, Huấn Ca, Baruc, và một vài chương của Daniel. Dù sao, cũng nên biết là mãi tới năm 95 sau CN (hội nghị họp tại Giammia), người Do Thái mới xác định sổ quy thư, gồm 24 quyển, quen phân thành ba nhóm: Lề luật, Ngôn sứ, Tác phẩm.

– 1/. Lề luật gồm 5 quyển (Ngũ Thư của ông Moses).

– 2/. Nhóm Ngôn sứ gồm có hai khối, “tiền”“hậu”. Các sách “tiền Ngôn sứ” là: Giôsuê, Thủ lãnh, Hai quyển Samuel, Hai quyển các Vua. Các sách “hậu Ngôn sứ” là: Isaia, Jeremia, Edekiel, và 12 Ngôn sứ nhỏ (tính như một quyển).

– 3/. Nhóm Tác phẩm gồm: Thánh Vịnh, Châm Ngôn, Diễm Ca, Rút, Ai-ca, Giảng Viên, Esther, Daniel, Esđra, Nêhêmia, Sử Biên Niên.

Hai nhóm đầu quan trọng hơn cả; vì thế mà thay vì dùng tiếng “Thánh Kinh” thì người ta nói: “Lề luật và các Ngôn sứ”, hoặc “Moses và các Ngôn sứ”. Kiểu nói này xuất hiện nhiều lần trong các bài giảng của Chúa Giêsu (xc. Mt 5,17; 7,12; Lc 24,27.44).

Việc học hỏi Sách Thánh là một bổn phận của các tín đồ. Vì thế hằng tuần, vào ngày Sabbat, họ phải tham dự các buổi họp tại các hội đường. Tại đây, họ sẽ nghe đọc và giải thích Sách Thánh dưới sự hướng dẩn của các Kinh sư.

B. Phụng tự

Ngoài những buổi cầu nguyện tư riêng, hoặc chung với gia đình hay nhân dịp họp nhau tại hội đường, hằng năm ngưới tín hữu còn phải lên đền thờ Jerusalem vào dịp lễ Vượt qua, lễ Ngũ tuần, lễ Lều (xc. Xh 23,14-17; Đnl 16,1-16). Lễ Vượt qua được cử hành để tưởng niệm việc Chúa giải phóng dân Do Thái khỏi cảnh nô lệ bên Ai cập. Lễ Ngũ tuần diễn ra 50 ngày sau lễ Vượt qua, để tưởng niệm việc Chúa ban cho dân giao ước và luật trên núi Sinai. Lễ Lều được mừng để nhớ lại cuộc sống trong sa mạc. Phúc Âm thánh Gioan có nói tới những lần Đức Giêsu lên đền thờ vào dịp lễ Vượt qua (2,1-13), lễ Lều (7,1-13). Hơn thế nữa, Người đã bị bắt và sát hại tại Jerusalem nhân dịp lễ Vượt qua (19,31). Còn theo Tin Mừng nhất lãm thì Người đã thiết lập bí tích Thánh thể đang khi ăn bữa tiệc Vượt qua với các môn đệ. Dù sao thì vào dịp ba đại lễ vừa nói[1], các tín hữu lên đền thờ để tham dự các buổi cầu nguyện và dâng tiến hy lễ. Việc dâng hy lễ do hàng tư tế (thuộc chi tộc Aaron) đảm trách. Đứng đầu hàng tư tế là vị Thượng tế: mỗi năm một lần, nhân ngày lễ Xá tội, vị này được vào nơi cực thánh (thâm cung của đền thờ) để khẩn nài Thiên Chúa xóa tội cho nhân dân. Thượng tế là vị lãnh đạo tinh thần của dân Do Thái, chủ toạ Thượng hội đồng. Vào thời của Chúa Giêsu, chức vụ Thượng tế do nhà vua bổ nhiệm và cách chức tùy hứng. Thượng hội đồng (Synedrium) gồm 71 thành viên, đại diện cho hàng tư tế cấp cao, hàng quý tộc, và các Kinh sư. Vào hồi mới thành lập (khoảng thế kỷ thứ hai trước CN), họ mang tên là “Hội đồng kỳ mục” (bô lão: khêrousia) và giữ vai trò như là cố vấn cho nhà vua, nhưng quyền hạn của họ bị thu hẹp dần dần, đến nỗi như chỉ còn là cơ quan tài phán tối cao để xử các vụ hình và hộ.

C. Chính trị và hành chánh

Như chúng ta đã biết, vào thời ấy, nhiều người Do Thái mong đợi một vị Messiah vua, thuộc dòng dõi David. Nói như thế không có nghĩa là lúc đó đất nước đang trải qua tình trạng vô chủ. Từ hồi anh em nhà Maccabees khởi nghĩa, dân tộc đã dành được độc lập và đã có các vua nối ngôi nhau cai trị đất nước. Các vua này thuộc về dòng họ Hasmônê. Vào năm 63 trước CN, đất Palestin bị đế quốc Roma đô hộ: họ đặt một quan Tổng trấn để cai trị thay mặt hoàng đế. Đức Giêsu sống dưới thời của hai hoàng đế Octaviô Augustô (27 trước CN – 14 sau CN) và Tibêriô (14-37); còn số các vị tổng trấn ở Giuđêa thì nhiều hơn, trong số này nổi tiếng hơn cả là Ponxiô Pilatô (26-36). Nhà cầm quyền Roma khôn khéo trong việc thu phục lòng dân, nên họ để cho dân Do Thái được theo tôn giáo của cha ông cũng như được duy trì thể chế quân chủ. Tiếc rằng, người Do Thái không thích vua Hêrốt (trị vì từ năm 37-4 trước CN) tại vì ông ta là người Iđumêô. Tuy mang tiếng là bạo vương, nhưng nhân dân cũng biết ơn ông ta vì đã cho tu bổ đền thờ (năm 20-19 trước CN). Trước khi băng hà, ông chia giang sơn ra từng mảnh cho ba đứa con: Antipas, Philippê, Arkêlao. Nên biết là Đức Giêsu hoạt động tại Galilêa, trong lãnh thổ của Hêrốt Antipas (4 trước CN – 39 sau CN). Khỏi nói ai cũng đoán được, những người có tinh thần ái quốc không bao giờ chịu chấp nhận sự hiện diện của quân đội Roma: họ tìm cách đánh đuổi quân xâm lăng cũng như chính quyền tay sai của đế quốc. Đó là chủ trương của nhóm Zealot đã nói trên đây. Chúng ta tạm coi họ như là một nhóm ly khai vì lý do chính trị; tuy nhiên còn có những nhóm ly khai khác dựa theo lý do tôn giáo, đáng cho chúng ta để ý hơn.

D. Những nhóm ly khai

Nói chung, đời sống tôn giáo của tín đồ Do Thái được bộc lộ qua việc tham dự các lễ nghi diễn ra tại hội đường và đền thờ Jerusalem. Tuy nhiên, có những nhóm người không muốn đặt chân đến hai nơi đó, như cộng đoàn Qumran và các người Samaria.

1) Vào năm 1947, nhờ những cuộc khai quật tại Qumran (một địa điểm cạnh Biển Chết), người ta đã tìm thấy vết tích của một cộng đoàn tu sĩ, không những là sống cuộc đời khắc khổ nhiệm nhặt (độc thân, khó nghèo), nhưng còn có quan điểm tôn giáo khác vói những chủ trương chính thức của các tư tế và luật sĩ. Họ tự coi là những thành phần ưu tuyển của Israel, được Thiên Chúa ký kết môt giao ước mới. Họ không tham dự các lễ nghi ở đền thờ Jerusalem bởi vì cộng đoàn có các tư tế riêng. Họ cũng có những sách mặc khải huyền bí, không nằm trong danh mục các Sách Thánh đọc ở hội đường (dĩ nhiên các sách đó bị xếp vào hàng ngụy thư). Nói chung, các sách này mang tính cách khải huyền.

2) Những người Samari. Vùng đất Samari nằm ở giữa miền Galilê (Bắc) và Giuđêa (Nam). Sau khi đền thờ bị tàn phá năm 587 (trước CN) và dân Judah bị lưu đày, một số dân di cư từ những vùng khác đã tới cư ngụ tại đây. Họ cũng chấp nhận Thiên Chúa của Israel và các sách Luật của ông Moses; với sự yểm trợ của những tư tế còn sót lại, họ xây dựng một đền thờ trên núi Garizim (giữa thế kỷ thứ IV). Tuy nhiên, tôn giáo của họ pha lẫn nhiều yếu tố của dân ngoại (kể cả tục đa thần); bởi đó không lạ gì mà các nhóm Biệt phái và Kinh sư ghét họ.

E. Các kiều bào Do Thái

Vào thời của Chúa Giêsu, người Do Thái không phải chỉ sinh sống tại Palestin, nhưng họ còn có mặt tại nhiều nơi khác. Đó là con cháu của những người bị lưu đày sang Babilonia, và lập nghiệp tại đó chứ không hồi hương. Họ cũng có thể là những đoàn người di cư vì kế sinh nhai, tìm về những cánh đồng phì nhiêu để trồng trọt hay mở cửa hàng buôn bán tại các thành phố lớn dọc theo ven biển Địa trung hải. Đặc biệt là bên Ai cập, vào đầu kỷ nguyên Kitô, đã có 1 triệu người Do Thái cư ngụ (1/8 dân số địa phương); riêng tại thành phố Alexanđria, 2 trong số 5 quận có đa số dân là gốc Do Thái. Nên biết là tại Alexanđria, Thánh Kinh được dịch từ tiếng Do Thái sang tiếng Hy Lạp (quen gọi là bản dịch LXX, bởi vì tục truyền do 70 nhà thông thái dịch xong một lúc). Tuy nhiên, bản văn Thánh Kinh Hy Lạp lại còn thêm vài tác phẩm không có trong các quy thư bằng tiếng Do Thái. Các tác giả Kitô hữu tiên khởi thường trưng dẫn bản LXX (bằng tiếng Hy Lạp) hơn là theo nguyên bản Do Thái.

Nói chung, các tín đồ Do Thái ở ngoài nước cũng giữ đạo như các người ở Palestin, ngoại trừ việc hành hương lên đền thờ. Vì lý do địa lý, họ không lên đền thờ Jerusalem hằng năm; họ cố gắng ít ra đi viếng đền thờ một lần trong đời. Đối với họ, trung tâm cử hành phụng vụ là hội đường. Xét về mặt tư tưởng thì tuy vẫn cố gắng trung thành với truyền thống, nhưng họ tỏ ra cởi mở hơn trong việc tiếp thu các tinh hoa của các văn hóa khác, đặc biệt là triết học Hy Lạp.

 

 

 

 


[1] Lịch phụng vụ Do Thái còn nhiều lễ khác nữa, chẳng hạn: lễ Xá tội, cử hành gần với lễ Lều; lễ cung hiến đền thờ.