Học Viện Đaminh
NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
***
CÁC DÒNG TU
(Điều 607 – 709)
***
VẤN ĐỀ 49
NGƯỜI TU SĨ THAM GIA VÀO SỨ VỤ THÁNH HÓA CỦA GIÁO HỘI
A. Khi thừa tác viên thông thường (linh mục hoặc phó tế) vắng mặt hoặc bị cản trở, một giáo lý viên hoặc một người nào khác, được Đấng bản quyền sở tại ủy nhiệm, có thể cử hành bí tích Rửa tội theo nghi thức đặc biệt, được dự trù và đã được phê chuẩn bởi Thánh Bộ Phụng tự ngày 15 tháng 5 năm 1969 (đ. 861 §2).
B. Cũng vậy, khi thiếu các thừa tác viên có chức thánh (linh mục, phó tế) và các thừa tác viên được thiết lập (tác vụ giúp lễ), thì các tu sĩ giáo dân có thể được Đấng bản quyền sở tại đặt làm thừa tác viên ngoại lệ để trao Mình Thánh Chúa (đ. 910 §2) và đặt Mình Thánh để thờ lạy, nhưng không được ban phép lành (đ. 943).
C. Ở đâu thiếu linh mục và phó tế, Đức Giám mục Giáo phận có thể ủy nhiệm cho giáo dân để chứng hôn, sau khi có sự ưng thuận của Hội Đồng Giám Mục và có phép của Tòa Thánh (đ. 1112 §l).
D. Duy chỉ Đấng bản quyền sở tại mới có thẩm quyền ban cấp cho các linh mục Dòng giáo sĩ Tòa Thánh được năng quyền giải tội những người ở ngoài Hội Dòng (đ. 969 §l). Để có thể sử dụng năng quyền này trên khắp thế giới (trừ khi có lệnh cấm của một Đấng bản quyền trong một trường hợp cá biệt), thì một linh mục Dòng cần phải nhận năng quyền giải tội hoặc do chức vụ (linh mục xá giải, cha sở), hoặc được do sự ban cấp của Đấng bản quyền nơi đương sự có cư sở (đ. 967 §2). Năng quyền này sẽ chấm dứt khi mãn chức vụ, khi chuyển cư sở, hoặc vì Đấng bản quyền rút lại (đ. 974 §2). Bởi vậy để có quyền giải tội khắp nơi, các linh mục Dòng phải xin cấp năng quyền mỗi khi họ chuyển cư sở đến một Giáo phận mới.
E. Cũng tham dự vào sứ mạng thánh hóa của Giáo Hội “các thành viên của bất cứ Hội Dòng, chiếu theo hiến pháp, có bổn phận chu toàn một phần Kinh thần vụ”, xét vì “họ tham gia vào kinh nguyện công khai của Giáo hội” (đ. 1174 §2).