Người Tu Sĩ Tham Gia Sứ Vụ Giáo Huấn Của Giáo Hội – Vấn Đề 48

0
350


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 – 709)

***

VẤN ĐỀ 48

NGƯỜI TU SĨ THAM GIA VÀO SỨ VỤ GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI

 

Tất cả các tu sĩ đều có trách nhiệm đặc biệt trong việc phục vụ Lời Chúa.[1] Bởi vậy, Đức Giám Mục có thể tìm thấy nơi các tu sĩ những cộng tác viên đắc lực cho việc loan báo Tin mừng (đ. 758).

A. Về việc rao giảng Lời Chúa, tất cả các linh mục và các phó tế đều có năng quyền giảng khắp thế giới, nhưng để hành sử thì cần được phép ít là suy đoán của linh mục quản nhiệm nhà thờ (đ. 764). Để giảng cho các tu sĩ tại nhà thờ hoặc nhà nguyện của họ, cần phải có phép của bề trên có thẩm quyền chiếu theo Hiến Pháp (đ. 765). Nếu hoàn cảnh đòi hỏi, hoặc xét thấy hữu ích, thì trong một số trường hợp cá biệt, các giáo dân cũng được mời giảng trong nhà thờ hoặc nhà nguyện, nhưng phải theo các quy định của Hội Đồng Giám Mục, trừ ra bài diễn giảng Phúc âm (homilia) là thành phần của cử hành phụng vụ, thì bao giờ cũng dành cho linh mục hoặc phó tế (đ. 766 – 767). Các bài giảng trên đài truyền thanh và truyền hình phải tuân theo các quy định của Hội Đồng Giám Mục (đ. 772).

B. Bởi vì việc dạy giáo lý rất quan trọng, cho nên để đáp ứng với những bổn phận đối với thiếu nhi, giới trẻ và và người lớn, các cha sở cần đến sự trợ giúp của các tu sĩ (tất nhiên cần phải để ý đến bản chất của mỗi Hội Dòng), và các tu sĩ đừng nên từ chối công tác, nếu không có ngăn trở chính đáng (đ. 776).

Về phần mình, các Bề trên phải ân cần lo liệu việc đào tạo giáo lý tại các nhà thờ, nhà trường hoặc các cơ sở được ủy thác cho mình (đ. 778).

C. Sự thánh hiến của các tu sĩ đặt cho họ một nghĩa vụ đặc biệt phải tham gia vào hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, dựa theo đặc sủng của mỗi Hội Dòng (đ. 783), với sự phối hợp với các Giám Mục ở các vùng truyền giáo: những vị này sẽ dàn xếp các hợp đồng với các Bề trên Dòng và ban hành những chỉ thị về các hoạt động truyền giáo mang tính ràng buộc tất cả mọi thừa sai (đ. 790).

D. Giáo Hội yêu cầu các Hội Dòng có sứ mạng giáo dục hãy dấn thân vào việc giáo dục công giáo kể cả qua các trường học riêng đã được thành lập vói sự ưng thuận của Đức Giám Mục giáo phận (đ. 801), và ở dưới quyền chăm sóc của ngài (đ. 806). Những chỉ thị của giáo phận liên quan đến việc điều hành trường học mang tính bắt buộc kể cả đối với các trường do các tu sĩ điều khiển, ngoại trừ sự tự trị trong việc điều hành nội bộ của các trường này (đ. 806).

Trong giáo phận của mình, Đấng bản quyền sở tại cũng có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc chuẩn y các giáo viên dạy các khoa tôn giáo, cũng như có thẩm quyền bãi nhiệm hoặc đòi hỏi bãi nhiệm họ vì những lý do đạo lý hoặc luân lý (đ. 803).

E. Để ấn hành sách báobàn về tôn giáo hoặc luân lý, các tu sĩ cần phải có phép của Bề Trên Cao Cấp của mình chiếu theo Hiến Pháp và còn phải có phép của Đấng bản quyền sở tại (đ. 832). Cũng vậy, để tham gia vào các chương trình truyền thanh và truyền hình trình bày về đạo lý Công giáo hoặc luân lý, các tu sĩ phải tuân theo các quy định của Hội Đồng Giám Mục (đ. 831 §2).[2]

 

 

 


[1]  Xem thêm vấn đề 45.

[2] Nên lưu ý là ở đây chúng ta đang bàn về luật của Giáo hội. Đức giám mục ra những chỉ thị trong việc điều hành các trường học công giáo: điều này giả thiết là Giáo hội được phép lập các trường tư thục (khác với tình hình Việt Nam). Một cách tương tự, những quy tắc liên quan đến truyền thông xã hội được hiểu về những quốc gia tại đó Giáo hội (các giáo sĩ, giáo dân) được quyền tự do trong việc xuất bản sách báo và sử dụng các phương tiện truyền thông (đài phát thanh và truyền hình).