NGÔN NGỮ DIỄN TẢ CẢM NGHIỆM TÂM LINH – MỤC II. LỜI CẦU

0
1296

(Trích Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh, Tập I)

Mục I. Thần thoại

Mục II. Lời cầu

Con người dùng lời nói không những để phát biểu cảm nghiệm về Thực tại huyền nhiệm mà còn để cầu nguyện nữa. Dĩ nhiên, có một sự liên hệ chặt chẽ giữa hai khía cạnh đó. Một khi ý thức rằng Thực tại huyền nhiệm có ảnh hưởng đến cuộc sống của mình, con người muốn tiếp xúc với Thực tại đó, để mong được trợ giúp. Đối lại, nếu nhận thấy rằng Thực tại huyền nhiệm không can thiệp vào cuộc sống của mình, hoặc không thể hiểu thấu đường lối của Đấng ấy, ắt là con người cũng chẳng muốn quấy rầy họ làm gì. Trong mục này, chúng ta sẽ nghiên cứu bản chất và các hình thức của sự cầu nguyện

I. Bản chất

Trong lịch sử các môn học về tôn giáo vào đầu thế kỷ XX, đã nảy ra một cuộc tranh luận về sự xuất hiện của sự cầu nguyện trong tiến trình tiến hoá của nhân loại.

1/ Một đàng, ông Robert R. Marett chủ trương rằng sự cầu nguyện xuất hiện sau ma thuật. Theo ông, con người nguyên thủy, nhờ sự quan sát các hiện tượng thiên nhiên, dần dần khám phá mối liên hệ giữa một lời nói hoặc một cử chỉ nào đó với một hiện tượng. Do kinh nghiệm lâu dài, mỗi khi gặp hoàn cảnh tương tự, con người đọc lên lời thần chú (hoặc làm bùa phép) là đạt tới kết quả mong muốn. Đó là nguồn gốc của ma thuật. Tiếc rằng không phải lúc nào đọc lời thần chú thì kết quả cũng xảy ra! Con người suy diễn rằng chắc có một Đấng nào đó cao tay hơn, đã làm cản trở tác dụng của lời thần chú. Từ đó, nảy sinh ra lời cầu nguyện, nghĩa là yêu cầu Đấng đó đừng nghịch ngợm, phá quấy tác dụng của lời thần chú. Tóm lại, theo ông R. Marett, lời cầu nguyện xuất hiện sau lời thần chú (tôn giáo xuất hiện sau ma thuật)[1].

2/ Đối lại với thuyết tiến hoá, cha Wilhelm Schmidt khẳng định rằng con người nguyên thủy đã có một hình ảnh trong sáng về Đấng Tối cao, và vì thế đã biết cầu nguyện, bởi vì nhìn nhận rằng mình lệ thuộc vào Đấng ấy. Ma thuật xuất hiện muộn hơn, khi tâm tình tôn giáo đã sa đọa.

3/ Ông Friedrich Heiler đề nghị một lối tiếp cận khác. Thay vì tranh luận cho biết hình thức nào xuất hiện trước (ma thuật hay sự cầu nguyện), chúng ta nên chấp nhận rằng cả hai đều hiện diện trong tất cả các tôn giáo. Ma thuật và lời cầu nguyện không trục xuất lẫn nhau, nhưng cùng sống chung trong tâm hồn của mọi tín hữu. Cả ma thuật lẫn cầu nguyện đều giả thiết niềm tin vào một Quyền lực siêu nhiên. Ma thuật đối xử với Quyền lực đó như một động cơ mà mình muốn sai khiến. Trái lại, khi cầu nguyện, người tín hữu chấp nhận rằng Quyền lực đó là một Hữu thể tự do. Họ trình bày ước nguyện của mình cho Vị đó, mà để cho Vị ấy tự ý định đoạt. Nói cách khác, ma thuật ra như nắm chắt kết quả trong tay qua việc đọc lời thần chú; còn khi cầu nguyện, người tín hữu ký thác ước nguyện cho Đấng Tối cao, và chờ đợi.

Như vậy, sự khác biệt giữa ma thuật và cầu nguyện cần được nhìn dưới khía cạnh tâm tình về phía con người. Ông F. Heiler còn mở rộng thêm nhãn giới hơn nữa, khi cho thấy rằng không những khó xác định biên cương giữa hai dạng đó, nhưng mà còn nhiều dạng khác cũng na ná với sự cầu nguyện[2], chẳng hạn như cầu chúc, thề nguyền, khấn hứa, trừ tà. Những dạng thức này đều ám tàng một lời nào đó đối với quyền lực siêu nhiên.

1/ Khi cầu chúc cho ai được may lành (thí dụ mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, thượng lộ bình an), người nói giả thiết rằng những điều tốt đó không do mình gây ra, nhưng do một quyền lực siêu nhiên. Lời cầu chúc là một lời cầu nguyện theo thể thức gián tiếp.

2/ Cũng trong bối cảnh đó, mà chúng ta cũng có thể hiểu những lời chúc phúc, chúc dữ, nguyền rủa, trù ẻo (Trời đánh thánh vật, thiên lôi địa giáng). Người thốt ra những lời ấy xin quyền lực siêu nhiên trút đổ sự lành hay sự dữ xuống trên kẻ mà mình chúc.

3/ Sự thề nguyền cũng mang hình dạng tương tự như sự nguyền rủa; khác một điều là ở đây đối tượng của sự trừng phạt là chính bản thân người nói: “Nếu tôi không giữ lời thề, nếu tôi thề gian thề dối, thì trời sẽ phạt tôi!”. Đôi khi lời thề còn kèm theo việc giết một con thú vật, ra như muốn nói rằng: “nếu tôi bội thề thì trời cũng đánh tôi chết như con vật này vậy”.

4/ Những lời cầu khấn không chỉ giới hạn vào tương quan giữa người với người, mà còn có thể mở rộng đến thế giới vô hình nữa. Một trường hợp điển hình là sự trừ tà, khi con người khẩn cầu Đấng Tối cao trừng phạt tà ma, nghĩa là một quyền lực tuy mạnh hơn con người nhưng vẫn ở dưới quyền của Đấng Tối cao.

Ngoài ra, chúng ta cũng đừng quên rằng lời nguyện thường đi kèm với cử chỉ, hành động, lễ nghi, hiến tế, vv. Do đó khó mà định nghĩa sự cầu nguyện như một hiện tượng biệt lập, tách rời khỏi các hiện tượng tín ngưỡng khác. Mặt khác, như sẽ thấy sau đây, đôi khi việc cầu nguyện diễn ra trong thinh lặng, nghĩa là không lời nói. Vì thế không lạ gì mà kể cả thần học kitô giáo cũng ghi nhận rất nhiều định nghĩa về sự cầu nguyện. Ta chỉ có thể tạm chấp nhận khái niệm tổng quát rằng: cầu nguyện là nhìn nhận sự lệ thuộc vào một quyền lực siêu nhiên. Xét rằng có nhiều quan điểm khác nhau trong lịch sử các tôn giáo về bản chất của quyền lực đó (Đấng Tối Cao, Trời, tổ sư, tổ tiên, vv.), cho nên cũng có nhiều dạng thức cầu nguyện khác nhau.

II. Sự phân loại

Có nhiều tiêu chuẩn để phân loại các hình thức cầu nguyện, chẳng hạn như: xét theo mục tiêu hoặc theo thể thức.

A. Xét về mục tiêu

1/ Hình thức thông thường nhất là khẩn nài, kêu van các thần linh đến hộ phù cứu giúp. Vì biết mình hữu hạn, con người cậy nhờ quyền năng của Thực tại huyền bí vì biết rằng không những Đấng đó mạnh hơn mình nhưng cũng sẵn sàng giúp đỡ mình. Tùy theo cấp độ gần gũi với các thần linh, cũng như tùy theo tầm mức tin tưởng nơi quyền năng của các vị đó, mà con người dám bộc lộ những nhu cầu khác nhau:

– có khi là xin những đồ vật chất cần thiết cho cuộc sống phàm trần này: lương thực, áo quần, sức khỏe, tiền bạc, vv.

– có khi là xin những hồng ân không những cho bản thân mà còn cho gia đình hoặc cộng đoàn, thí dụ: hoà thuận, hoà bình, giải thoát khỏi cảnh áp bức, vv.

– có khi là xin những hồng ân tinh thần, chẳng hạn như: đức khôn ngoan, tính công bình, lòng vị tha, tính liêm khiết, vv.

2/ Lịch sử các tôn giáo cũng ghi nhận hình thức thú lỗi: con người xưng thú những tội lỗi của mình, và xin ơn tha thứ. Những lời kinh thú tội thống hối gặp thấy nơi các tín ngưỡng nguyên thủy cũng như nơi các tôn giáo ở Babilonia, Ai cập, Ấn độ.

3/ Sự thờ lạy cung kính được diễn tả vừa qua lời nguyện vừa qua các cử chỉ phủ phục xuống đất, bái quỳ, phục lạy, vv. Con người nhìn nhận mình bé nhỏ trước Đấng Quyền năng.

4/ Ngợi khen tạ ơn. Sự thờ lạy phát biểu cảm nghiệm của con người khi tiếp xúc với Đấng Uy nghi, còn sự tạ ơn diễn tả niềm hân hoan thán phục vì Đấng Tuyệt mỹ và Đại lượng. Tâm tình này đã là nguồn hứng khởi cho nhiều thi ca, thánh vịnh mà hầu như tôn giáo nào cũng có. Chủ đề của sự tạ ơn có thể là một ân huệ riêng tư hay cộng đoàn vừa nhận lãnh, nhưng cũng có thể là vẻ đẹp của thiên nhiên, của tình người. Lòng biết ơn cũng dễ thúc đẩy con người muốn dâng hiến cái gì đó như lễ phẩm. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này khi bàn đến các nghi lễ, cách riêng sự hiến tế.

B. Thể thức

Xét theo thể thức cầu nguyện, sự phân loại gọn gàng hơn cả là sự cầu nguyện cá nhân (riêng tư) hoặc cộng đồng; tự phát hoặc theo công thức định sẵn. Trong các tôn giáo với tổ chức quy củ, sự cầu nguyện cộng đồng thường được quy định tỉ mỉ, bởi vì sự cầu nguyện liên hệ chặt chẽ với việc tuyên xưng đức tin (lex orandi lex credendi), cũng như với những lễ nghi chính thức của cộng đoàn.

Trong khoa lịch sử tôn giáo đối chiếu, vài học giả phân biệt sự cầu nguyện “ngôn sứ” (prophetic prayer) và sự cầu nguyện “thiền định” (mystical prayer)[3]. Có thể vạch ra 5 điểm khác biệt giữa hai thể thức đó: bối cảnh; hình dung; sự phát biểu; thời gian; cấp độ.

1/ Khung cảnh. Ngôn sứ gặp gỡ Thiên Chúa như là đấng Tối cao, đấng Tạo dựng đất trời, Đấng điều hành dòng lịch sử. Như vậy, con người gặp gỡ Thiên Chúa trong khung cảnh lịch sử xã hội. Còn Thiền thì gặp Ngài trong khung cảnh thân mật, “chỉ có hai Ta” chứ không muốn ai khác đến quấy rầy.

2/ Hình dung về Thiên Chúa. Ngôn sứ không ngớt lời tôn vinh Thiên Chúa vì bao kỳ công Ngài đã tỏ ra qua suốt dòng lịch sử. Việc nhắc nhớ những kỳ công đó đưa đến sự xưng tụng các ưu phẩm của Ngài. Đối lại, thiền định thì lại muốn gặp gỡ Thiên Chúa trong sự đơn nhất, bởi vì biết rằng ngôn ngữ nhân loại không tài nào diễn đạt được bản tính của Ngài.

3/ Sự phát biểu. Ngôn sứ rậm lời: nào là chúc tụng tạ ơn, ca khen, thú tội, khẩn cầu. Còn thiền thì quý chuộng yên tĩnh, thinh lặng: chỉ muốn tĩnh tọa, hiện diện cạnh người Yêu là đủ rồi.

4/ Thời gian. Ngôn sứ nói nhiều thì ắt là thấm mệt; vì thế có lúc phải ngưng. Nói cách khác, việc cầu nguyện có lúc có thời. Thiền thì muốn kéo dài sự chiêm ngắm ra suốt cuộc sống, biến cầu nguyện thành một trạng thái kết hiệp với Thiên Chúa.

5/ Cấp độ. Lời kinh ngôn sứ có lúc mạnh lúc yếu, có thể biến đổi cường độ, nhưng không biết các cấp độ. Còn thiền thì cảm nghiệm được sự tiến triển cấp độ, hiểu theo nghĩa là cấp độ thân mật với Thiên Chúa, ví như sự leo thang hay leo núi, từ đáy trèo lên chóp đỉnh.

Sự phân loại này phần nào dựa trên sự phân loại hai hệ chính của các tôn giáo trên hoàn cầu: tôn giáo ngôn sứ (độc thần: đạo Do thái, đạo Kitô, đạo Hồi), và tôn giáo thiền định (Ấn giáo, Phật giáo). Tuy nhiên, sự phân biệt này không có tính cách tuyệt đối, bởi vì các đại ngôn sứ như Môisen, Elia, Phaolô cũng là những nhà đại chiêm niệm, những người bạn tri âm với Thiên Chúa, những người đã từng rút lui lên núi hay vào hoang địa để sống gần Chúa. Mặt khác, tuy dù con người cần sử dụng lời nói để phát biểu và thông đạt cảm nghiệm tâm linh của mình, nhưng nói cho cùng, những lời lẽ đó không thể nào diễn tả tương xứng cảm nghiệm đó, nhất là chúng không tài nào diễn tả hết mọi chiều sâu thẳm của thực tại huyền nhiệm. Đó là lý do khiến các nhà chiêm niệm muốn giữ thinh lặng tuyệt đối: thinh lặng để lắng nghe thờ lạy. Đối với họ, sự thinh lặng là phương thế duy nhất để diễn tả cảm nghiệm tâm linh: Thiên Chúa vượt xa các thực tại trần thế này[4]. Tuy nhiên, lắm lúc chính các nhà chiêm niệm cũng cảm thấy bị thúc đẩy muốn lên tiếng, để nói lên và rao truyền Thiên Chúa cho tha nhân đồng loại: “tôi tin cho nên tôi mới nói” (2Cr 4,13)[5].

———————————————-

[1] R.R. Marett, The Threshold of Religion, London 1914.

[2] F. Heiler, Le religioni dell’umanità, Jaca Book Milano 1983, p.313-343(nguyên bản tiếng Đức năm 1961). Trong tiếng Hán Việt, “cầu” có nghĩa là tìm kiếm; “nguyện” là mong mỏi trông đợi.

[3] F. Heiler, Prayer. A study in the History and Psychology of Religion, Oxford University Press, New York 1932 (nguyên tác bằng tiếng Đức: Das Gebet, xuất bản băn 1918).

[4] “Chúng ta biết Thiên Chúa không là gì; chứ không biết Thiên Chúa là gì”. Tư tưởng này của Dionisius Areopagitus được thánh Tôma Aquinô lặp lại khi mở đầu thiên bàn về bản tính Thiên Chúa (Summa Theologica, pars I, q.3, prologus: De Deo scire non possumus quid sit, sed quid non sit). Đây là trào lưu được đặt tên là “thần học phủ định”: theologia apophatica, theologia negativa.

[5] Về sự cầu nguyện trong các tôn giáo xem thêm: R. Boccasino (ed.), La preghiera, 3 vol., Ancora Roma 1967. H. Limet – J. Ries (ed), L’expérience de la prière dans les grandes religions, Louvain-la-neuve 1980.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here