NGÔN NGỮ DIỄN TẢ CẢM NGHIỆM TÂM LINH – MỤC I. THẦN THOẠI

0
2661

HIỆN TƯỢNG LUẬN TÔN GIÁO

NGÔN NGỮ DIỄN TẢ CẢM NGHIỆM TÂM LINH

(Trích Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh, Tập I)

Như đã thấy trong chương vừa rồi, con người cảm nhận sự hiện diện của cái gì linh thiêng uy nghi nơi các hiện tượng thiên nhiên (đất, trời, bão tố) hoặc nơi các thảo mộc và động vật. Con người tìm cách diễn tả cảm nghiệm đó bằng ý niệm, ngôn ngữ, cũng như hình ảnh và hành vi. Trong chương này, chúng ta hãy tìm hiểu cách thức biểu lộ cảm nghiệm tâm linh qua tư tưởng và ngôn ngữ; và trong chương tới, chúng ta sẽ tiếp tục với những hành động.

Nói đến tư tưởng và ngôn ngữ, người ta dễ liên tưởng ngay đến các học thuyết hay đạo lý của các tôn giáo. Tuy nhiên, trong lịch sử nhân loại, việc phát biểu học thuyết giả thiết một nền văn hoá cao cấp, với những từ ngữ và phạm trù triết học chính xác cũng như các nhà tư tưởng sâu sắc. Còn ở cấp độ phổ quát và bình dân, cảm nghiệm tâm linh được diễn tả qua các câu chuyện, thi ca, những sáng tác dân gian, cũng như các lời kinh nguyện. Ở đây, chúng tôi xin giới hạn vào hai mục: thần thoại, cầu nguyện. Những hình thức khác sẽ được bàn trong phần nói về tổ chức tôn giáo: mặc khải, sách thánh, đạo lý (chương Mười Ba).

———————–

Mục I. Thần thoại

Mở đầu cho văn học dân gian về tín ngưỡng là Thần thoại. Trong tiếng Việt, từ “thần thoại” gợi ngay ý tưởng về truyện của các thần tiên (Thoại = lời nói, câu truyện. Thần thoại = câu truyện thần tiên). Tuy nhiên, lắm lần “thần thoại” cũng được hiểu là chuyện giả tưởng, bịa đặt (huyền thoại) hoặc chỉ là những truyện giải trí (truyền kỳ, cổ tích), hoặc cùng lắm là rút ra một bài học răn đời (ngụ ngôn). Thực ra, những quan niệm đó cũng hàm chứa trong ngôn ngữ Âu châu: mythe (tiếng Pháp) hoặc myth (tiếng Anh). Chúng ta thử tìm hiểu bản chất của các thần thoại cũng như những sự phân loại của chúng.

I. Khái niệm

Các danh từ mythe (tiếng Pháp) và myth (tiếng Anh) đều bắt nguồn từ tiếng hy lạp mythos. Tự nó, mythos có nghĩa là “ý tưởng”; hoặc “lời phát biểu ý tưởng”; hoặc “lời nói chuyển thông tư tưởng”; hoặc “sứ điệp”. Thế nhưng dần dần, các triết gia Hy lạp (tựa như ông Senophanes, và nhất là nhóm sophists – biện luận) đã đặt ra sự phân biệt giữa mythos với logos. Tuy cả hai cùng là ngôn ngữ (lời nói) để diễn tả một câu truyện, nhưng mythos bị coi là truyện hoang đường, còn logos bàn về truyện đứng đắn[1]. Từ đó, trong các ngôn ngữ Âu châu, mythos mang một ý nghĩa tiêu cực (đồng hoá với truyện hoang đường, giả tưởng). Mãi đến thế kỷ XX, nhờ sự phát triển của các khoa học về tôn giáo, mythos mới được đánh giá đúng chỗ nhờ sự xác định chức năng của nó trong đời sống xã hội. Dĩ nhiên, tùy theo quan điểm về bản chất của mythos, mà người ta dịch ra tiếng Việt là: “thần thoại, thần tích, thần kỳ, chuyện thần tiên, huyền thoại, truyền kỳ, dã sử”. Như sẽ thấy sau, một đàng những từ ngữ ấy không đồng nghĩa; đàng khác, nội dung của các mythos không phải luôn luôn là các thần tiên. Vì lý do đó, chúng tôi xin tạm giữ nguyên văn từ mythos theo nguyên gốc hy lạp. Trước hết, chúng ta hãy rảo qua những quan điểm khác nhau trong lịch sử tư tưởng châu Âu, từ chỗ chỉ trích đến chỗ phân biệt các thể loại khác nhau cùng với những chức năng của chúng[2].

A. Chỉ trích

Dựa theo sự phân biệt và đối chọi giữa mythoslogos, mythos thường bị gán nhãn hiệu là chuyện thần tiên, hoang đường, ảo tưởng. Các mythos bị chỉ trích từ phía các triết gia hy lạp cổ truyền, các tác giả Kinh thánh, cũng như về phía các nhà phê bình tôn giáo ở thời cận đại.

1/ Các triết gia hy lạp cổ truyền

Ông Senophanes (thế kỷ VI trước CN) cho rằng mythos là kết quả của sự phóng dọi óc tưởng tượng vào thế giới thần tiên. Giả như loài trâu ngựa biết nói, ắt là chúng cũng sẽ bày ra các thần thoại về trâu bò. Nên biết là ông Senophanes chỉ trích các mythologies (thần thoại) của các thi sĩ Hesiodus (tk IX trước CN) và Homerus (tk VIII trước CN), chứ không phải là các mythos của các dân tộc khác.

Ông Plato (k.428-k.348 trước CN), tuy chỉ trích các mythos (bởi vì chúng chỉ là chuyện hoang đường), nhưng cũng nhận ra vai trò hữu ích của chúng, chẳng hạn như khuyên răn đạo đức.

Ông Evemerus (hay Euhemerus tk IV trước CN) giải thích nguồn gốc các mythos là do tiến trình nhân-cách-hoá các hiện tượng thiên nhiên, hoặc thần-thánh-hoá các nhân vật lịch sử.

2/ Kinh Thánh

Có lẽ chịu ảnh hưởng bởi sự đối chọi của các triết gia hy lạp giữa mythos và logos (dựa trên tiêu chuẩn sự thực hay giả tưởng), mà các tác giả Kinh thánh cũng chỉ trích các mythos (đồng hoá với chuyện hoang đường), bởi vì đức tin dựa trên chân lý về lịch sử cứu độ. Chúng ta có thể nhận thấy não trạng này ở đoạn văn 1Tim 1,4; 4,7; 2Tim 4,4; Tt 1,14; 2 Pr 1,16.

Các giáo phụ cũng lặp lại luận cứ đó. Tuy nhiên, khi chấp nhận rằng nhiều đoạn văn Kinh thánh không thể giải thích theo nghĩa đen mà phải theo nghĩa ám dụ (sensus allegoricus), các giáo phụ mở lối cho những công trình nghiên cứu thời cận đại về mythos, tức là: không nên đánh giá sự thực của mythos theo phạm trù của tư tưởng triết học, nhưng cần phải khám phá ý nghĩa biểu tượng của mythos.

3/ Thời cận đại

Nói chung, các nhà phê bình tôn giáo vào thời cận đại không tỏ ra thiện cảm đối với mythos. Đối với họ, các mythos (hiểu là thần thoại, truyền kỳ) biểu lộ tình trạng ấu trĩ của nhân loại: đứng trước các hiện tượng thiên nhiên huyền bí, con người sơ khai tìm lối giải thích bằng cách gán ghép cho các thần linh ở thế giới siêu đẳng. Tiêu biểu cho ý kiến này là Auguste Comte (1798-1857), Lucien Lévy-Bruhl (1857-1939).

Một điều trớ trêu là trong khi các giáo phụ cố gắng chứng tỏ rằng đức tin Kitô giáo dựa trên lịch sử cứu độ chứ không dựa trên các mythos, thì các nhà nghiên cứu tôn giáo đối chiếu (Religionsgeschichtliche Schule, Histoire comparée des religions) cho thấy rằng Kinh thánh cũng chứa đựng nhiều mythos giống nhiều tôn giáo cổ truyền ở miền Cận Đông, chẳng hạn như những truyện về việc tạo dựng trời đất, lụt hồng thủy. Vài nhà chú giải (David Friedrich Strauss 1808-1874; Rudolph Bultmann 1884-1976) cũng chấp nhận rằng Kinh thánh chứa đựng mythos (huyền thoại), vì thế họ xướng ra thuyết “giải huyền” (demythologization) Kinh thánh.

B. Đánh giá

Sang thế kỷ XX, giá trị của các mythos được nhìn nhận nhờ sự đóng góp của nhiều môn học: ngôn ngữ, tâm lý, tôn giáo. Nên lưu ý là các mythos nói đây không còn là những thần thoại của các thi sĩ Hesiodus và Homerus ở Hy lạp, nhưng là cả một kho tàng thu thập từ những nền văn minh khác nhau trên khắp thế giới. Những mythos của các tôn giáo thì khác hẳn với thần thoại (mythologia) của các thi sĩ.

Nếu muốn nắm bắt được giá trị của các mythos thì cần phải hiểu bản chất của chúng. Chúng mang một hình thức văn chương đặc biệt: chúng không phải là chuyện bịa đặt hoang đường cũng chẳng phải là chuyện giải trí, nhưng chúng diễn tả một chân lý mang tính cách tôn giáo.

1/ Xét về ngôn ngữ, văn thể của các mythos mang tính cách biểu tượng (symbol), khác hẳn với ngôn ngữ triết học và cũng khác với ngôn ngữ hoang đường. Thực vậy, có nhiều hình thức ngôn ngữ khác nhau để diễn đạt chân lý: chân lý triết học được phát biểu qua các luận cứ; chân lý toán học và vật lý được diễn tả qua các phương trình toán số. Ngôn ngữ biểu tượng diễn tả chân lý theo đường lối riêng biệt, mà ta cần phải tìm một chìa khoá để giải thích. Nói cách khác, cần phải vượt qua não trạng đối chọi mythoslogos, dựa trên mô hình “ảo tưởng / sự thực”. Cả hai đều diễn tả sự thực nhưng mỗi bên sử dụng một ngôn ngữ riêng. Hiểu như vậy, ta có thể chấp nhận rằng Kinh thánh cũng chứa đựng mythos, theo nghĩa là cũng sử dụng ngôn ngữ biểu tượng (hoặc: thuật ngữ huyền thoại), cần được giải thích theo kỹ thuật riêng của nó. Ngôn ngữ biểu tượng trở nên cần thiết khi phải diễn tả những thực tại vượt trên phạm trù thời gian và không gian.

2/ Xét về khung cảnh, các mythos không được thuật lại bên cạnh bếp lửa (như bà ngoại kể chuyện cổ tích cho các cháu nghe), nhưng được kể lại trong khung cảnh một lễ nghi tôn giáo. Các mythos thuật lại nguồn gốc của tín ngưỡng, lịch sử cứu độ. Mục tiêu của các mythos không phải là tiêu khiển giải trí nhưng là để cho cộng đoàn tín hữu ôn lại cội nguồn của mình và tiếp xúc với các thần linh[3]. Mythos là truyện về những sự kiện vào hồi khởi nguyên, do các thần tiên chủ động, nhờ đó mà vũ trụ và nhân loại hiện hữu hôm nay.

Để hiểu rõ thêm bản chất của các mythos, chúng ta nên đối chiếu với các thể văn tương tự: các sự tích, cổ tích, thần tích, ngụ ngôn, truyền thuyết, huyền thoại, sử thi.

C. Phân biệt

1/ Gốc tích (Etiological tales). Văn chương bình dân của dân tộc nào cũng ghi lại nhiều truyện nói về gốc tích của một sự vật (một hòn đá, một ngọn núi), chẳng hạn như sự tích hòn Vọng phu, sự tích trầu cau, sự tích bánh dày bánh chưng, vv. Các truyện này muốn giải tích gốc tích (etiology, gốc bởi tiếng hy lạp aitia = nguyên nhân) của một thực thể, và không quan tâm đến vấn đề thực hư. Còn mythos thì đi xa hơn, lùi về tận thời khởi nguyên (arkhê), tìm hiểu nền tảng hiện hữu của vạn vật.

2/ Truyện thần tiên; thần tích (Fairy tales, Folklore tales) xem ra cũng có nhiều nét giống như mythos, bởi vì kể lại sự can thiệp của các thần tiên. Tuy nhiên, sự khác biệt nằm ở chỗ các truyện thần tiên không nhắm đến một sự thực (một câu truyện xảy ra vào “thời xưa”) và nhấn mạnh tới khía cạnh kỳ diệu (chẳng hạn Phù đổng thiên vương); còn các mythos thì muốn bộc lộ một sự thực vào hồi nguyên thủy.

3/ Ngụ ngôn (Fables) nhằm đưa ra một bài học luân lý, còn vấn đề thực hư của cốt truyện không quan trọng. Trong các ngụ ngôn, các động vật có thể trở thành nhân vật chính của câu truyện, chứ không hẳn là thần tiên.

4/ Truyền kỳ, truyền thuyết (Legends) thường đề cao (tới mức phóng đại) một nhân vật lịch sử nào đó (một anh hùng, nhân tài) đã có công đối với dân tộc. Sử thi (epic) cũng có thể xếp vào loại này. Những truyền thuyết dựa trên một căn cứ lịch sử, còn các mythos thì vượt lên biên cương thời gian.

Đó là nói tổng quát, chứ trên thực tế, sự phân biệt giữa mythos với các loại vừa kể không lúc nào cũng rõ rệt. Đặc trưng của mythos nằm ở chỗ chức năng tôn giáo, như sẽ thấy sau.

II. Xếp loại

Dựa theo các đề tài chính, các mythos được phân ra những loại sau đây: nguồn gốc vũ trụ, nguồn gốc các thần, nguồn gốc nhân loại, sự cứu độ, cánh chung.

A. Nguồn gốc vũ trụ (cosmogony). Nói đúng ra, chủ tâm của các mythos này không phải luôn luôn là tìm câu trả lời triết học về nguyên nhân sự hiện hữu của vạn vật, cho bằng khẳng định nền tảng của vũ trụ. Nên biết là không phải tất cả các dân tộc đều nói đến việc Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ từ hư vô (creatio ex nihilo). Sự tạo dựng đôi khi chỉ là sự nhào nặn một chất liệu đã có sẵn, chẳng hạn như nước, quả trứng. Đôi khi bên cạnh đấng tạo hoá còn có một cộng sự viên hay tên đặc công phá họai, vì thế không lạ gì mà nhiều mythos nói đến cuộc giao tranh vào lúc khai nguyên. Dù sao, những cặp đối nghịch không thiếu khi bàn về nguồn gốc vũ trụ, chẳng hạn: trời / đất; sáng / tối.

B. Thần phả (theogony), bàn về nguồn gốc các thần. Tuy nhiên, đề tài này được khai triển nơi các thi sĩ Hy lạp (thần Athena sinh từ đầu của thần Zeus) và các tôn giáo đa thần (chẳng hạn ở Ấn độ: Brahma thoát từ rốn của Vishnu) hơn là nơi các tôn giáo sơ khai.

C. Nguồn gốc loài người (anthropogony). Nguồn gốc vũ trụ và nguồn gốc loài người thường gắn liền với nhau, bởi vì vũ trụ là thế giới của con người. Có nơi nói tới con người được Thiên Chúa dựng nên trên mặt đất; nhưng cũng có nơi nói rằng xứ sở nguyên thủy con người là ở trên trời nhưng tại vì phạm tội nên mới bị đày xuống hạ giới. Con người được nhào nặn từ bùn (Yoruba, Nigeria), hoặc từ hòn đá (Indonesia), từ đất (Oceania), từ con thú (Đông Nam Á). Mặt khác, khi bàn đến nguồn gốc loài người, các mythos còn kéo dài sang nguồn gốc các định chế xã hội (chẳng hạn như hôn nhân, gia đình, quyền bính), hoặc cho chính Tạo hoá quy định hoặc do một sứ giả nhà trời; thậm chí do một đặc công mách bảo kế họach thiên đình cho nguyên tổ. Tới mức này, sự phân biệt giữa mythos và etiology (gốc tích) không còn rõ rệt nữa. Dĩ nhiên, mỗi bộ tộc hay dân tộc cũng có mythos kể lại nguồn gốc của mình (tựa như truyền thuyết của dân Việt về bà Âu cơ, vua Hùng).

D. Cứu thế (soteriology). Nếu có những mythos kể lại rằng vào nguyên sơ Thượng đế sống gần gũi với con người, nhưng vì con người phạm tội cho nên Thượng đế rút lên trời, thì cũng có những mythos kể lại những lần tiên thánh giáng trần để cứu độ nhân loại hay thế giới khỏi bị diệt vong. Chúng ta có thể trích dẫn một thí dụ nơi các lần giáng thế (avatar) của thần Vishnu, đặc biệt dưới hình dạng của Krishna.

E. Cánh chung (eschatology). Cái chết là một thực tại không thể nào phủ nhận được. Cái chết là cái gì trái nghịch với bản tính con người. Cái chết không phải là chuyện “tự nhiên”, thế thì nó từ đâu đến? Theo vài mythos, vào lúc khởi nguyên, không có cái chết. Sự chết xuất hiện do sự sai lầm vụng dại của nguyên tổ. Theo Kinh thánh, sự chết lẻn vào thế gian vì sự bất tuân của nguyên tổ. Theo một mythos ở Melanasia, ban đầu con người khi đến tuổi già thì lột xác và hoàn sinh giống như rắn vậy; nhưng có một bà già sau khi lột xác về nhà thì bị đứa cháu la hoảng vì thấy một người lạ mặt; vì thương cháu, bà xuống sông lấy bộ xác cũ về, và thế là bà khoác lấy cái chết cho cả nhân loại! Tại vài nơi khác, sự chết xảy đến do sự quyết định của Đấng Tạo hoá, chẳng hạn như bên Phi châu người ta kể lại rằng Thượng đế sai con tắc kè đến báo cho nguyên tổ rằng họ sẽ được sống, và sai con thằn lằn đến báo cho nguyên tổ rằng họ sẽ chết; tiếc thay con thằn lằn tới trước, vì thế mà nhân loại phải chết!

Tuy vậy, cũng có vài mythos coi sự chết của con người là chuyện thường tình cũng như sự sinh, tuân theo luật tuần hoàn sinh tử của vũ trụ: mặt trăng cũng chẳng có lúc mọc, lúc già, lúc lặn đấy ư?

Ngoài sự chết của con người, vài mythos cũng nói đến sự tận cùng của toàn thế giới, với những mô hình khác nhau. Có khi vũ trụ xoay vần theo chu kỳ của bốn mùa vận hành, vì thế xem ra tận thế là điều xảy ra thường xuyên: chết đi để sống lại, hồi sinh. Có mythos nói đến sự tàn phá vũ trụ đã một thời xảy ra do một trận lụt lớn (hay một thiên tai nào đó: động đất, đói, dịch, vv), và sau đó được tái tạo. Nhiều mythos khác tiên báo tận thế do một thiên tai trong tương lai.

Dĩ nhiên, những chủ đề vừa nói thay đổi tùy mỗi địa phương. Thậm chí, đối với một cộng đồng, một mythos cũng có thể được biến hoá do sự tiếp thu với các nền văn hoá khác, hoặc do sự mài dũa của các ngôn sứ, các triết gia, các nhà thần học. Điều này có thể được nhận thấy nơi Kinh thánh: kho tàng mythos cổ điển của miền Cận đông đã được nhào nặn lại cho hợp với niềm tin vào Thiên Chúa của giao ước. J. Dournes cũng đã phân tích sự biến thái các mythos của các dân tộc miền Tây nguyên Việt Nam (Jarai, Bahnar, Rhadée) do sự tiếp xúc với các nền văn hoá (Kmer, Chăm, Việt) hoặc tôn giáo khác (Kitô giáo)[4]. Đó là chưa kể các mythos biến thành thần thoại, cổ tích.

III. Vai trò. Chức năng.

Trước đây, khi mythos được đồng hoá với truyện thần thoại hoang đường, thì giá trị của chúng cùng lắm cũng chỉ là để giải trí mua vui. Nhưng khi mythos được đánh giá đúng mức trong bối cảnh của các lễ nghi tôn giáo, thì người ta nhận thấy vai trò quan trọng của chúng.

1/ Mục tiêu của mythos không phải là sự suy luận về bản tính các thần linh cho bằng sự tiếp xúc với các vị. Các mythos được thuật lại trong các lễ nghi nhằm làm tái diễn lại những biến cố đã xảy ra lúc khởi nguyên, nhờ vậy các tín đồ có dịp sống lại những giây phút thánh thiêng và tham dự vào sinh hoạt của chốn vĩnh cửu.

2/ Nhờ sống lại thời buổi khởi nguyên như vậy, cộng đồng cũng có dịp ôn lại những nền tảng của mình: các quy tắc về tín ngưỡng, luân lý, định chế xã hội. Các mythos đề ra những khuôn mẫu về cách cư xử, cách ăn nết ở cho các phần tử trong cộng đồng. Từ đó, các mythos cũng giữ vai trò siết chặt thêm dây liên kết của cộng đồng.

3/ Xét vì các mythos được thuật lại trong các lễ nghi tôn giáo, cho nên chúng cũng chia sẻ vài chức năng của các lễ nghi mà chúng ta sẽ bàn trong chương tới. Ở đây chỉ cần nêu bật vai trò canh tân và phục hồi của nó. Sau khi tham dự lễ nghi tôn giáo, các phần tử cảm thấy mình được đổi mới tinh thần, nhận được nguồn sinh lực mới. Điều này không những chỉ ảnh hưởng tới các cá nhân mà cả đến cả cộng đoàn nữa.

4/ Đó là những chức năng của mythos được lồng trong bối cảnh của tôn giáo. Các nhà tâm lý và xã hội học cũng nêu bật vai trò tương tự của mythos kể cả trong một môi trường phản tôn giáo. Chẳng hạn như Karl Jung cho thấy sự cần thiết của mythos (hiểu như là những biểu tượng) đối với sự quân bình tâm lý. Con người không thể nào chỉ sống dựa trên lý luận triết học, nhưng còn cần đến biểu tượng của tâm linh, của óc tưởng tượng. Lịch sử nhân loại cho thấy rằng kể cả những phong trào cách mạng của lý trí chống lại tôn giáo cũng tạo ra những mythos mới, tựa như những khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, huynh đệ”, hoặc “vô sản chuyên chế”, “cơm no áo ấm”, “độc lập, tự do, hạnh phúc”. Đó không phải là những viên thuốc an thần, nhưng là những lý tưởng tranh đấu động viên nhân lực của một cộng đồng xã hội. Nói khác đi, mythology bị khai trừ khỏi văn hoá kỹ thuật hiện đại vì bị xếp vào thời kỳ ấu trĩ của nhân loại, nhưng nó lại được thay thế bằng ý thức hệ (ideology), cũng với chức năng tương tự. Đó là chưa nói đến những truyện “giả tưởng”(fiction) trong tiểu thuyết, xinê và cả khoa học nữa.

———————————–

[1] Có thể ví như sự khác biệt giữa “thần thọai” và “thần luận” (thần học, giáo lý).

[2]K.W. Bolle, Myth and Mythology, in: Encyclopaedia Britannica (1976, 15th ed.), vol. XII, p.793-804. G. Betori, Mito, in: Nuovo Dizionario di Teologia Biblica (ed. Paoline1988), p.993-1012.

[3] Trong số những tác giả góp phần vào việc đánh giá các mythos, chúng ta không thể nào bỏ qua ông Mircea Eliade, Myth and Reality, New York 1963; Aspects du Mythe, Paris 1963.

[4] J. Dournes, Mito. La funzione del mito presso gli autoctoni indocinesi, in: Y. Bonnefoy, Dizionario delle mitologie e delle religioni, Rizzoli, Milano 1989, vol. II, p.1181-1184.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here