Nghị Định Về Việc Trục Xuất Các Tu Sĩ – Vấn Đề 106

0
1066


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 – 709)

***

VẤN ĐỀ 106

NGHỊ ĐỊNH VỀ VIỆC TRỤC XUẤT CÁC TU SĨ

(đ. 699 – 700)

 

A. Nhà chức trách có thẩm quyền để ban hành nghị định trục xuất

1/. Trong một Hội Dòng (thuộc quyền Giáo hoàng hay Giáo phận): Bề trên Tổng Quyền và Hội Đồng Cố Vấn.

2/. Trong một đan viện tự trị (nghĩa là không có bề trên cao cấp nào khác ngoài bề trên của đan viện, hoặc không liên kết với một Dòng nào khác để cho Bề trên Dòng ấy có một quyền hành thật sự đối với đan viện, theo quy định của hiến pháp): Đức Giám Mục Giáo phận.

a/. Trong các Hội Dòng, Bề trên Tổng Quyền sẽ triệu tập Hội Đồng Cố Vấn (gồm ít nhất bốn vị). Các ngài sẽ cứu xét cách tập đoàn những chứng cớ của cáo trạng cũng như những lời biện hộ của bị cáo. Họ sẽ bỏ phiếu kín có nên trục xuất hay không. Nếu đa số chấp nhận có cơ sở cho việc trục xuất, thì Bề trên sẽ ra nghị định trục xuất, trong đó phải trình bày những lý do về pháp luật và về sự kiện (nếu không thì nghị định sẽ vô hiệu). Sắc lệnh cần phải dành cho đương sự quyền được thượng cầu lên cấp trên (Bộ Đời Sống Thánh Hiến), trong vòng 10 ngày kể từ khi được thông tri.

b/. Trong các đan viện tự trị, thẩm quyền ban hành nghị định trục xuất thuộc về Giám mục Giáo phận. Nghị định cũng phải nêu rõ các lý do, và cho phép thượng cầu.

B. Sự phê chuẩn nghị định (đ. 700)

1/. Nghị định chỉ có hiệu lực sau khi được phê chuẩn bởi:

a/. Bộ Đời Sống Thánh Hiến, nếu là Dòng Tòa Thánh (và đan viện biệt lập về pháp lý).

b/. Đức Giám Mục của tu viện nơi tu sĩ đó được bổ nhiệm, nếu là Dòng Giáo phận.

2/. Vì vậy nhà chức trách đã ký nghị định (Bề trên Tổng Quyền hoặc Giám mục Giáo phận) phải chuyển đạt nghị định cùng với toàn bộ hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền để duyệt lại và phê chuẩn nghị định.

C. Thông tri nghị định và thượng cầu (đ. 700)

Sau khi được phê chuẩn, nghị định phải được thông tri cho đương sự bằng thư bảo đảm có ký nhận, hoặc bằng miệng trước mặt hai nhân chứng.

Trong vòng mười ngày từ khi được thông tri, đương sự có quyền thượng cầu lên Bộ Đời Sống Thánh Hiến (kể cả trong trường hợp Bộ đã phê chuẩn nghị định của Bề trên Tổng Quyền hoặc của Giám mục). Để được như vậy, đương sự phải tuyên bố ý định thượng cầu qua một thư gửi cho Bề trên Tổng Quyền hoặc cho Giám mục, tùy theo trường hợp (đ. 1737 §l). Nếu có thượng cầu, hiệu lực của nghị định sẽ bị đình chỉ. Nếu không có thượng cầu, sau mười ngày, tu sĩ bị coi như bị trục xuất.