Nền Tảng Của Bí Tích Thánh Thể

0
555


Tim Gray

 

I. TỔNG QUAN

Bí tích Thánh Thể “là nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Kitô giáo”.[1] Nơi Bí tích Thánh Thể, hiến lễ của Đức Giêsu trên Thánh Giá được hiện tại hóa. Hiến lễ của Đức Giêsu là chóp đỉnh của lịch sử cứu độ. Tất cả các hiến lễ trong Cựu Ước đều tiên báo hiến lễ của Đức Kitô, hiến lễ hoàn tất và vượt hẳn mọi hiến lễ khác.[2] Các hiến lễ với con vật được dâng, đặc biệt là hiến lễ Vượt Qua của con chiên, báo trước hiến lễ tối hậu của Đức Giêsu, Đấng chính là Chiên Thiên Chúa. Hiến lễ của Đức Giêsu đền thay cho tội lỗi chúng ta và thiết lập sự hiệp thông giữa tất cả các thành viên của Giáo Hội và Thiên Chúa nhờ máu của Người.

II. CỰU ƯỚC

Khi Isaac đang vác bó củi dùng cho việc tế lễ trên núi Moria cùng với cha mình là Abraham, ông đã hỏi cha một câu hỏi đơn sơ mà khiêu khích: “Có lừa, có củi đây, còn chiên để làm lễ toàn thiêu đâu?” (St 22,8). Câu hỏi này chắc hẳn như hàng tấn gạch đổ ụp xuống Abraham vì ông đang đem đứa con yêu dấu của mình lên núi Moria để hiến tế nó như Đức Chúa đã truyền. Abraham, tổ phụ của niềm tin, đã đáp lại con mình bằng lời ngôn sứ, một lời đáp đầy tín thác: “Chiên làm lễ toàn thiêu, chính Thiên Chúa sẽ liệu, con ạ” (St 22,8). Thiên Chúa lo liệu cho Abraham và Isaac, đến phút cuối, Isaac được để lại, rồi một con cừu đực mắc trong bụi cây bị phát hiện. Tuy nhiên, quả là lạ khi chúng ta để ý thấy đó là con cừu đực được hiến tế chứ không phải là một con chiên (con cừu non): Abraham đã được tiên báo, Chúa sẽ lo liệu cho ông một con chiên – và thế là đã xảy ra như vậy.

Quả thực, sự kiện tế nhị nhưng đầy ý nghĩa này được tác giả sách Sáng Thế thừa nhận, vì người thuật chuyện bình luận về danh xưng mà Abraham đã đặt cho nơi hiến tế Isaac như thế này: “Ông Abraham đặt tên cho nơi này là “ĐỨC CHÚA sẽ liệu”. Bởi đó, bây giờ có câu: “Trên núi ĐỨC CHÚA sẽ liệu” (St 22,14). Cần lưu ý rằng, Abraham đã nói, Đức Chúa “sẽ liệu” chứ không phải là “đã liệu”. Abraham nhận thấy con cừu đực không phải là hiến lễ cuối cùng mà Thiên Chúa muốn hiến tế. Trong tương lai, một con chiên sẽ được hiến tế để chuộc đền tội lỗi một lần và mãi mãi. Abraham và Israel sẽ đăng trình suốt lịch sử cứu độ trong viễn tượng về ngày mà Đức Chúa sẽ lo liệu con chiên là chính Người.

Con chiên trở thành một hy lễ quan trọng đối với Israel trong cuộc xuất hành khỏi ách nô lệ Ai Cập. Vào đêm Lễ Vượt Qua, dân Israel được lệnh bắt một con chiên đực vô tì vết, sát tế rồi ăn thịt nó (Xh 12,1-13). Moses cẩn thận lập ra những quy định điều hành cuộc hiến tế, chẳng hạn như việc không được làm gẫy một cái xương nào của con chiên (Xh 12,46). Đêm ấy, khi thiên sứ của Đức Chúa đến, người đã vượt qua những nhà nào có dấu máu của con chiên Vượt Qua. Máu của con chiên đã mang lại ơn cứu độ. Tuy nhiên, Chiên Vượt Qua không phải là con chiên mà Abraham đã tiên báo. Mà đúng hơn, chiên Vượt Qua là dấu chỉ của Con Chiên thật của Thiên Chúa đã đến rồi, đó là Đức Giêsu.[3]

Sau này, Isaia đã nói lời ngôn sứ cho dân Israel bị lưu đày ở Babylon: sẽ đến ngày Thiên Chúa đem đến một cuộc xuất hành mới, sẽ cứu chuộc Israel và khôi phục lại vương quốc. Chương 52 sách Isaia mô tả cuộc xuất hành mới này, sách kể rằng, cuộc xuất hành ấy sẽ vĩ đại hơn cuộc xuất hành đầu tiên, vì họ sẽ không cần phải làm một cuộc xuất hành mới ấy trong cảnh vội vàng. Sau khi loan báo cuộc xuất hành mới, Isaia lập tức mô tả chiên Vượt Qua mới của cuộc xuất hành mới, mà bây giờ chúng ta hiểu là bài ca thứ tư về Người Tôi Trung Đau Khổ (Is 52,13-53,12). Trong bài ca này, Isaia mô tả Người Tôi Trung Đau Khổ sẽ được “hiến tế làm lễ vật đền tội”, sẽ “gánh lấy tội lỗi của họ” như thế nào (Is 53,10-11). Điều này nghe giống như con chiên mà Abraham đã nói, Thiên Chúa sẽ liệu. Quả thực, Isaia mô tả Người Tôi Trung Đau Khổ chính là chiên Vượt Qua:Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng hề mở miệng; như con chiên bị đem đi làm thịt, như chiên câm nín trước những kẻ xén lông, người chẳng hề mở miệng (Is 53,7).Người tôi trung đau khổ trở nên con chiên được chờ đợi.

III. TÂN ƯỚC

Khi Gioan Tẩy Giả thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, ông đã kêu lên: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian!” (Ga 1,29). Công bố của Gioan về Đức Giêsu sẽ trọn vẹn ý nghĩa đối với người Do Thái, những người cùng với Abraham, đã thấy trước rằng, Đức Chúa sẽ lo liệu một con chiên, và với Isaia, đó chính là con chiên sẽ chuộc đền tội lỗi trần gian. Gioan Tẩy Giả đã vén mở trước:Chúa Giêsu đồng thời vừa là Người Tôi Trung Đau Khổ im lặng chịu đem đi làm thịt và mang lấy tội lỗi muôn người, vừa là Chiên Vượt Qua đầu tiên, biểu tượng cho việc Cứu Chuộc Israel trong cuộc Vượt Qua đầu tiên.[4]

Người môn đệ được Đức Giêsu yêu mến trong Tin Mừng Gioan, đã mô tả cuộc vượt qua và cái chết của Đức Giêsu bằng cách làm nổi bật sự thật, Đức Giêsu là Chiên Vượt Qua. Tác giả Gioan thuật lại cho chúng ta rằng, giờ mà Đức Giêsu bị đóng đinh trên Thập giá là giờ thứ sáu, đúng là giờ mà chiên Vượt Qua được sát tế trong Đền Thờ: “Hôm ấy là ngày áp lễ Vượt Qua, vào khoảng giờ thứ sáu” (Ga 19,14). Đức Giêsu là Chiên Vượt Qua thật, được hiến tế cho tất cả mọi người. Điều này trở nên rõ ràng trong đoạn mô tả về cuộc Khổ Hình Thập Giá. Tác giả Gioan đã viết rằng, lính tráng được lệnh đến đánh gẫy các ống chân những người bị đóng đinh, vì người Do Thái muốn họ được chôn cất trước lúc mặt trời lặn, tức là lúc đánh dấu khởi đầu ngày Sabath. Tác giả Gioan thuật lại, lính tráng đánh gẫy các ống chân của hai người trộm cướp bị đóng đinh, nhưng khi đến chỗ Đức Giêsu, họ thấy Người đã chết. Một trong những người lính, để bảo đảm rằng Đức Giêsu chết thật, đã đâm ngọn giáo của mình vào cạnh sườn Đức Giêsu, từ chỗ đó, máu cùng nước chảy ra. Tác giả Gioan nhận thấy rằng, thất bại của những người lính muốn đánh gãy ống chân Đức Giêsu đã hoàn trọn điều luật sách thánh liên quan đến chiên Vượt Qua: “Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập” (Ga 19,36). Moses đã qui định không được để một khúc xương nào của con chiên Vượt Qua bị gãy, và vì thế, lính tráng không đánh gãy bất kỳ khúc xương nào của Chiên Vượt Qua thật là Đức Giêsu.

Câu hỏi của Isaac: “còn chiên để hiến tế đâu?” được tác giả Gioan trả lời: Là Con Chiên trên Thập giá, và tên của Người là Giêsu. Isaac, người con yêu dấu duy nhất, còn Abraham là cha yêu của ông, đã tiên báo hiến lễ tối hậu, hiến lễ ấy xảy ra trên đồi Calvariae, khi Cha trên trời chấp nhận hiến lễ của người con yêu dấu duy nhất của Người là chính Đức Giêsu. Chẳng phải là ngẫu nhiên khi đồi Calvariae là một phần của rặng núi Moria, tức chính là nơi mà Abraham đã đặt tên từ trước: “Đức Chúa sẽ liệu”. Đức Giêsu, Đấng mà Isaia đã tiên báo, sẽ tiến đến chỗ sát tế với sự hiền lành của con chiên.

Ngày Khổ Hình Thập Giá không phải là thời điểm cuối cùng mà Gioan thấy cuộc hiến tế của Chiên Thiên Chúa. Theo sách Khải Huyền, Gioan thấy Chiên Thiên Chúa bị giết chết “vào ngày của Chúa” (Kh 1,10), đây là một từ chuyên môn để chỉ ngày Sabath (hay Chúa Nhật) – ngày mà các Kitô hữu đã qui tụ lại để cử hành Bí tích Thánh Thể – ngày của tuần lễ mà Đức Giêsu đã trỗi dậy từ cõi chết. Có lẽ suốt buổi cử hành phụng vụ trong ngày đó, Gioan đã xuất thần. Một trong nhiều thị kiến của mình, Gioan thấy “một Con Chiên đang đứng, trông như thể đã bị giết” (Kh 5,6), và rồi hai mươi bốn kỳ mục và các thiên sứ trên trời lớn tiếng hát lên:Ngài xứng đáng lãnh nhận cuốn sách và mở ấn niêm phong, vì Ngài đã bị giết và đã lấy máu đào chuộc về cho Thiên Chúa… Xứng đáng thay Con Chiên đã bị giết (Kh 5,9.12).

Con Chiên đã bị giết xuất hiện, vì trong phụng vụ trên trời, hiến lễ con chiên hiện diện thường hằng – giống như Con Chiên trong Bí tích Thánh Thể của phụng vụ dưới trần, tức là cuộc phụng vụ dự phần và cho thấy trước phụng vụ trên trời. Máu của Đức Giêsu là máu của cuộc xuất hành mới, cuộc xuất hành giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Dưới trần, chúng ta phụng thờ Con Chiên như Người được phụng thờ trên trời. Cũng vậy, trong Thánh Lễ chúng ta được mời gọi ca tụng và tạ ơn Con Chiên: “Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận…!”.

KẾT LUẬN

Vì Đức Kitô đã chết cho chúng ta, nên Thánh Phêrô nhắc nhở các Kitô hữu sống một cuộc sống xứng đáng với Người: Anh em hãy biết rằng, không phải nhờ những của chóng hư nát là vàng hay bạc mà anh em đã được cứu chuộc khỏi lối sống phù phiếm do cha ông của anh emtruyền lại, nhưng nhờ bửu huyết của Đức Kitô là ConChiên vẹn toàn, vô tì tích (1Pr 1,18-19).

Đời xưa, những ai vì mắc nợ mà phải làm nô lệ thì có thể được chuộc lại bằng vàng hay bạc – tức là trả hết nợ của họ. Thánh Phêrô giải thích rằng, Đức Giêsu đã chuộc chúng ta khỏi tội nợ, không phải bằng tiền bạc – nhưng thật ra là bằng cái giá cao hơn nhiều, tức bằng máu của Đức Kitô, Con Chiên vô tì tích của Thiên Chúa. Thế nên Thánh Phaolô giải thích: “Anh em không còn thuộc về mình; vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1Cr 6,19-20).

Nơi cuộc Vượt Qua đầu tiên, dân Israel không chỉ sát tế con chiên là đủ, mà họ còn phải ăn thịt con chiên ấy nữa (Xh 12,8). Cũng tương tự như vậy nơi cuộc Vượt Qua mới: Đức Giêsu truyền lệnh cho chúng ta ăn thịt của Con Chiên Vượt Qua – Chiên Thiên Chúa. Vì Đức Giêsu là Con Chiên, nên chúng ta ăn thịt của Người, từ thân thể của Người đã bị đổ máu và chịu chết trên Thập giá. Khi Đức Giêsu dạy chúng ta điều này, rất nhiều người đã phản ứng bằng sự ngờ vực, họ nói: “Lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi?” (Ga 6,60).

Trong thời Cựu Ước, Israel bị cấm uống máu các con vật, song Đức Giêsu lại nói: “Thật, tôi bảo thật các ông, nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình” (Ga 6,53). Ra như Đức Giêsu đang mâu thuẫn với khoản luật mà sách Levi nói đến: “Các ngươi không được ăn máu của bất cứ xác thịt nào, vì mạng sống của mọi xác thịt là máu nó; bất cứ ai ăn máu sẽ bị khai trừ” (Lv 17,14). Thiên Chúa đã cấm Israel uống máu các con vật bởi vì đó là sức sống của chúng; Thiên Chúa không muốn Israel thông phần vào mạng sống của thú vật. Tuy nhiên, họ có thể ăn thịt của một số tế vật nhất định, vì việc ăn thịt của những con vật biểu thị sự thông phần vào cái chết của chúng; Thiên Chúa đã muốn Israel chết đi cho bản tính loài vật.

Vậy, tại sao Đức Giêsu truyền lệnh cho chúng ta ăn thịt và uống máu của Người? Thưa, bởi vì Thiên Chúa muốn chúng ta thông phần vào cái chết và sự Phục Sinh của Đức Giêsu. Khi chúng ta uống máu của Đức Giêsu, chúng ta không thông phần vào máu của các thụ tạo, nhưng là của Đấng Tạo Thành; không phải là máu của các thú vật, nhưng của Chiên Thiên Chúa!Trong Bí tích Thánh Thể chúng ta được mời gọi để chia sẻ sự sống của Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu đã dạy:Chính tôi là bánh hằng sng từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng là thịt tôi đây (Ga 6,51).

Trong khi cử hành Bí tích Thánh Thể, nhờ lời của Đức Kitô và sự khẩn cầu Chúa Thánh Thần, bánh và rượu trở nên Mình và Máu thật của Đức Kitô.[5] Nhờ việc rước lấy những ân huệ là mình và máu Đức Kitô, chúng ta chia sẻ sự sống đời đời của Thiên Chúa. Như Thánh Phêrô đã nói rõ, qua Bí tích Thánh Thể, chúng ta trở thành “những người thông phần bản tính Thiên Chúa” (2Pr 1,4).

Chúng ta cần đón nhận việc Hiệp Thông Thánh Thể (Hiệp Lễ) với lòng sùng kính và yêu mến lớn lao, vì Thánh Phaolô đã cảnh báo chúng ta:Vì thế, ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì phạm đến Mình và Máu Chúa. Mỗi người phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này (1Cr 11,27-28).

Đây là lý do tại sao Giáo Hội mời gọi chúng ta thường xuyên lãnh nhận Bí tích Thống Hối. Thánh Phaolô đã nói về việc tẩy trừ tội lỗi, để rồi chúng ta có thể lãnh nhận Con Chiên với lòng thanh sạch:Anh em hãy tẩy trừ men cũ để trở thành khối bột mới, vì anh em là bánh không men. Quả thế, Chiên Vượt Qua của chúng ta là Đức Kitô đã chịu hiến tế. Vậy chúng ta hãy mừng lễ, không phải với men cũ, là lòng gian tà và độc ác, nhưng với bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật (1Cr 5,7-8).

Theo sách Khải Huyền, vào lúc kết thúc của lịch sử sẽ có một yến tiệc vĩ đại trên tròi. Bí Tích Thánh Thể chính là sự thưởng nếm trước yến tiệc ấy. Những ai đã tẩy sạch áo mình trong máu Con Chiên sẽ được mời (Kh 7,14). Khi Gioan được thị kiến về đại yến trên trời này, một thiên sứ đã loan báo: “Hạnh phúc thay những ai được mời dự tiệc cưới của Con Chiên” (Kh 19,9). Chúng ta được mời gọi để hợp đoàn cùng các thiên sứ và thánh nhân trên trời trong việc phụng thờ Chiên Thiên Chúa, Đấng đã xóa bỏ tội trần gian.

 

 

 


[1]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 11; Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1324.

[2]Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 614.

[3]x.Ibid., số 1340.

[4]Ibid., số 608.

[5]Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1333.