Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
(Bài thuyết trình với các linh mục
đang giúp mục vụ tại các giáo xứ
do anh em Đaminh phụ trách).
Nhập đề
Người được mời thuyết trình về các giáo xứ là một kẻ đã thụ phong linh mục được 40 năm nhưng chưa từng đi coi xứ, cũng tương tự như năm ngoái, người ấy được đức giám mục Vinh mời phụ trách lớp thường huấn cho các cha xứ về hôn nhân trong giáo luật, mặc dù chưa bao giờ làm lễ cưới.
Dù vậy tôi không từ chối lời mời chia sẻ đề tài “việc đảm nhận giáo xứ trong lịch sử dòng” bởi vì tôi đang nghiên cứu những vấn đề liên quan đến giáo xứ và dòng tu cho số báo Thời sự thần học sắp tới, và nhận thấy đây là một câu chuyện nóng bỏng không phải chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Thật là một cơ hội may mắn khi cuộc gặp gỡ của chúng ta diễn ra vào lúc chuẩn bị Thượng hội đồng giám mục sắp nhóm họp vào tháng 10 để bàn về việc “Loan báo Tin mừng cách mới mẻ” trong đó giáo xứ giữ một vị trí quan trọng.[1] Vì thế chúng ta không chỉ kiểm điểm những thành tích và khuyết điểm trong quá khứ, mà còn muốn hoạch định một đường hướng cho tương lai của tỉnh dòng. Nói thế có nghĩa là những suy tư của chúng ta không chỉ liên quan đến những anh em hiện đang làm việc ở các giáo xứ mà cho tất cả anh em trong tỉnh dòng, đặc biệt những người giữ trách nhiệm đào tạo.
Bài thuyết trình này được chia làm bốn phần. Trước hết, chúng ta hãy điểm qua những vấn đề liên quan đến thần học giáo xứ kể từ công đồng Vaticanô II. Thứ hai, chúng ta bước sang những vấn đề đặt ra cho dòng tu liên quan đến việc đảm nhận giáo xứ. Thứ ba, sau khi đã có một khái niệm về những vấn đề trong bối cảnh của Giáo hội phổ quát, chúng ta trở về với dòng Đaminh ở Việt Nam. Thứ bốn, vài suy tư và đề nghị để kết luận.
I. LỊCH SỬ THẦN HỌC VỀ GIÁO XỨ
Chúng ta đã biết là thánh Tôma Aquinô không viết một khảo luận về Giáo hội trong bộ Tổng luận thần học, bởi vì vào thế kỷ XIII Giáo hội chưa phải là một đề tài tranh luận sôi nổi. Ngài chỉ đề cập đến Giáo hội khi bàn đến Đức Kitô là thủ lãnh và khi bàn đến các bí tích. Như mọi người đã biết, Giáo hội đã hiện hữu từ thế kỷ I nhưng môn Giáo-hội-học thì mới ra đời hồi thế kỷ XVI.
Một cách tương tự như vậy, giáo xứ là một thực thể hiện hữu từ lâu, nhưng mới trở thành một đề tài suy tư thần học kể từ công đồng Vaticanô II. Việc suy tư thần học không chỉ dừng lại ở lý thuyết nhưng mang theo nhiều kết luận thực hành, cách riêng khi phải đối phó với những thách đố mục vụ của thời đại hôm nay. Chỉ cần biết rằng có những ý kiến đòi dẹp bỏ các giáo xứ bởi vì nó lỗi thời rồi; nhưng vấn đề là sẽ lấy gì mà thay thế nó?
Trong phần thứ nhất của bài thuyết trình, tôi xin trình bày hai điểm: a) lịch sử giáo xứ; b) quan điểm thần học về giáo xứ.
A. Lịch sử giáo xứ
Giáo xứ là gì? Chúng ta nên phân biệt giữa từ ngữ và nội dung.
– Xét về từ ngữ, ở Việt nam, trước đây, xứ là tiếng gọi ngoài Bắc (và đi theo cha xứ, hay chánh xứ); trong Nam gọi là họ hay họ đạo (và đi theo cha sở , hay chánh sở). Với cuộc di cư năm 1954, người Bắc mang cái “xứ” vào Nam, và biến cái “họ” thành một chi nhánh của xứ (họ lẻ). Dù sao thì cả hai danh từ xứ (gợi lên ý tưởng “xứ sở quê hương”) và họ (gợi lên ý tưởng “họ hàng thân thuộc”) đều muốn nói lên một sự ràng buộc với gia đình họ hàng thân tộc; nói tắt, nó nói lên một cộng đồng.
– Trong tiếng Latinh, paroecia (từ đó phiên âm ra tiếng Pháp là paroisse và tiếng Anh là parish) bắt nguồn từ paroikia. Trong nguyên ngữ Hy lạp, paroiken có nghĩa là “sống gần”, và tính từ paroikos có nghĩa “láng giềng”. Vì thế paroikia được gồm bởi những người “sống gần nhau”. Đó là nói theo nghĩa thông thường. Tuy nhiên trong bản dịch LXX paroikein có nghĩa là sống tha hương, nghĩa là tại nơi mà mình không có hộ khẩu. Cựu ước cũng như Tân ước áp dụng paroikia cho cộng đoàn tín hữu, được coi như là những người ngoại kiều (Ep 2,19), tạm trú (1Pr 2,11), lữ hành (Dt 11,13), giống như dân Israel xưa kia sống lưu vong bên Ai cập (Cv 7,6.29; 13,27).
Vào lúc đầu, paroikia áp dụng cho toàn thể Dân Thiên Chúa lữ hành trên đời, nghĩa là Hội thánh ekklesia. Với sự phát triển của các giáo đoàn, từ thế kỷ II, nó được áp dụng cho một cộng đồng tín hữu tại một địa phương được ủy thác cho một giám mục. Nói cách khác, trong những thế kỷ đầu tiên, paroikia tương đương với “giáo phận”. Sang thời Trung cổ, khi vùng phụ trách của giám mục được gọi là dioecesis (nên biết là tổ chức hành chánh Đế quốc Roma, dioecesis là một “trấn” gồm có nhiều “tỉnh”), thì paroikia mới ám chỉ vùng do linh mục phụ trách; cha xứ được gọi là parochus.
Sau khi đã xác định từ ngữ, chúng ta đi vào thực chất.
1/ Từ đầu cho đến công đồng Trentô
Lịch sử của các giáo xứ tiến triển qua nhiều chặng. Như vừa nói, trong những thế kỷ đầu tiên, đơn vị hành chánh của Giáo hội địa phương là giáo phận, thường chỉ giới hạn tại các thành phố, và đặt dưới sự điều khiển của các giám mục. Đành rằng giám mục có những cộng sự viên (các linh mục, trợ tá và những tác viên khác), nhưng các linh mục sống chung với giám mục tại nhà thờ chánh tòa, và khi cần thì được cử đến các nhà thờ khác trong thành phố để dâng Thánh lễ, rồi sau đó trở về Tòa giám mục.
Với sự tăng trưởng của Giáo hội, nhiều nhà thờ được cất lên ở thôn quê. Các linh mục được cử đến đây một cách thường trực để cử hành các bí tích. Một yếu tố đáng để ý là một số lãnh chúa cũng xây cất các thánh đường và đề cử các ứng viên phụ trách các nhà thờ “tư gia” ấy. Khỏi nói ai cũng đoán được, việc đào tạo các linh mục làm “thầy cúng” như vậy rất sơ sài. Họ cũng chẳng thấy mình liên đới với giám mục và các linh mục khác.
Công đồng Trentô đã muốn lấy lại cho các giám mục quyền bổ nhiệm các cha xứ, đồng thời buộc các giám mục phải đào tạo linh mục tại các chủng viện. Giáo xứ trở thành một đơn vị hành chánh của giáo phận, được ủy thác cho cha sở, dưới quyền chỉ đạo của giám mục.
2/ Từ Trentô đến Vaticanô II
Quan điểm thần học về giáo xứ của công đồng Trentô được thu nhận nơi bộ giáo luật 1917. Giáo xứ được coi như một đơn vị hành chánh của giáo phận, cần có ranh giới rõ rệt, với một nhà thờ riêng biệt, được đặt dưới sự quản trị của một linh mục làm cha xứ. Dù sao, bộ giáo luật dành nhiều khoản cho cha xứ hơn là cho giáo xứ. Cha xứ được ủy thác việc coi sóc các linh hồn (cura animarum), cách riêng qua việc giảng dạy và ban bí tích.
Công đồng Vaticanô II đã phát triển một hình ảnh mới về Giáo hội: a) Giáo hội không phải là một cơ chế pháp luật gồm bởi hành giáo phẩm (chóp đỉnh là Giáo hoàng), nhưng là Dân Thiên Chúa, trong đó các tín hữu đều có trách nhiệm đối với việc loan báo Tin mừng; b) Giáo hội được thể hiện cụ thể tại một cộng đoàn địa phương cử hành Thánh lễ, dưới sự chủ tọa của Giám mục. Giáo hội phổ quát là sự thông hiệp giữa các cộng đoàn địa phương.
Những quan điểm về Giáo hội địa phương cũng làm thay đổi quan điểm thần học về giáo xứ, nhấn mạnh đến cộng đoàn hơn là cha xứ. Đang khi đó, bộ mặt của các giáo xứ cũng bị thay đổi do nhiều yếu tố khác:
– Cuộc di dân từ thôn quê lên thành thị biến các giáo xứ thành phố trở thành “tứ chiếng”: dân cư thành phố thuộc nhiều gốc gác khác nhau, với nhiều phong tục khác nhau.
– Các giáo xứ đông đảo khiến cho các tín hữu không còn cảm thấy tính “gia đình” của nhà Chúa. Họ tụ họp nhau quanh những phong trào, hội đoàn, hoặc “cộng đoàn cơ bản”.
– Do cuộc sống “tục hóa” tại các thành phố, giáo xứ không còn là trung tâm sinh hoạt của người tín hữu nữa. Ngoài nhà thờ, họ còn lui tới các trung tâm văn hóa, thương mại, giải trí khác.
Đó là tình hình tại các xứ đạo toàn tòng (tại châu Âu và châu Mỹ latinh), từ đó đặt ra vấn đề “tái loan báo Tin mừng” (re-evangelization) hoặc “loan báo Tin mừng cách mới mẻ”. Tình hình tại các nước truyền giáo còn phức tạp hơn nữa, bởi vì còn nhiều người chưa được nghe loan báo Tin mừng.
B. Thần học về giáo xứ
Có thể nói được là thần học về giáo xứ mới ra đời từ công đồng Vaticanô II. Trước đó, giáo xứ chỉ là một đơn vị hành chánh của giáo phận được giao cho cha xứ chăm sóc (cura animarum). Sau công đồng, thần học về giáo xứ được thành hình nhấn mạnh đến chiều kích cộng đồng, làm thể hiện Giáo hội.
Chúng ta sẽ xét qua thần học về giáo xứ dưới ba khía cạnh: 1/ đạo lý; 2/ giáo luật; 3/ mục vụ.
1/ Đạo lý
Dựa theo các bản văn của công đồng Vaticanô II, người ta nêu bật hai yếu tố sau đây của giáo xứ: cộng đồng Giáo hội địa phương, truyền giáo.
a) Cộng đồng Giáo hội
Theo công đồng, Giáo hội là cộng đồng Dân Thiên Chúa, chứ không phải là một tổ chức pháp lý do hàng giáo phẩm lãnh đạo. Một cách tương tự như vậy, Giáo xứ được quan niệm trước hết như là một cộng đồng tín hữu (communitas fidelium) nơi thể hiện Giáo Hội địa phương.
Ý tưởng về giáo xứ làm hiện diện Hội thánh tại một nơi đã được Vaticanô II nói tới hai lần: trong Hiến chế về Hội thánh số 28, và Hiến chế về Phụng vụ số 42.
– Hiến chế về Hội thánh số 28b: trong mỗi cộng đồng tín hữu địa phương, các linh mục ra như làm cho Giám mục hiện diện… Dưới quyền của Giám mục, họ thánh hóa và cai quản phần của đoàn chiên của Chúa được giao cho mình, làm cho Hội thánh phổ quát nên hữu hình tại địa sở của mình, và đóng góp rất lớn vào việc xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô.
– Hiến chế về Phụng vụ số 42: Các giáo xứ, được thiết lập từng nơi và đặt dưới sự điều khiển của một mục tử thay mặt cho Giám mục, làm hiện diện Hội thánh hữu hình được thành lập khắp hoàn vũ.
b) Một yếu tố khác của giáo xứ là tính cách sinh động, truyền giáo.
Giáo xứ được quan niệm như là một chủ thể làm chứng cho đức Kitô trước mặt thế giới. Điều này được nhắc tới trong sắc lệnh về Tông đồ giáo dân (số 10b, 18a, 30c) và sắc lệnh về hoạt động Truyền giáo số 15b, 37a. Chúng tôi chỉ xin trưng dẫn đoạn số 10 của văn kiện về Tông đồ giáo dân.
Giáo xứ trình bày một kinh nghiệm quý báu về việc tông đồ cộng đồng, xét vì nó quy tụ những dị biệt nhân tố và lồng ghép chúng vào tính cách phổ cập của Hội thánh. Trong các giáo xứ, các giáo dân nên phát triển thói quen làm việc chặt chẽ cùng với các linh mục, đưa ra cho cộng đồng Hội thánh những vấn đề riêng tư, những vấn đề của thế giới, những câu hỏi liên can tới phần rỗi nhân loại, để cùng cứu xét, thảo luận và giải quyết chung. Tùy theo khả năng của mình, các giáo dân hãy cộng tác với những dự án tông đồ và truyền giáo của họ đạo của mình.[2]
Những điều vừa nói được Đức Gioan Phaolô II lặp lại trong tông huấn “Người tín hữu giáo dân” (Christifideles laici, 30/12/1988) số 27. Giáo xứ làm thể hiện Hội thánh tại một địa phương, không những vì biểu lộ tính cách thông hiệp khi cầu nguyện, tham dự Thánh lễ, nhưng còn qua các sinh hoạt cộng đồng nhằm đem Hội thánh vào cuộc sống thực tại của nghề nghiệp, môi trường xã hội. Đó là chiều kích truyền giáo của giáo xứ.
2/ Giáo luật
Điều 515§1 của Bộ giáo luật (1983) định nghĩa giáo xứ như sau:
“Giáo xứ là một cộng đồng tín hữu, được thiết lập cách bền vững ở trong Giáo hội địa phương, và việc săn sóc mục vụ được ủy thác cho Cha Sở làm chủ chăn riêng, dưới quyền của Giám mục giáo phận”.
Ta có thể vạch ra bốn yếu tố.
a) Giáo xứ là một “cộng đồng các tín hữu” (certa communitas fidelium). Bộ luật cũ đặt yếu tố “lãnh thổ” như là căn bản của giáo xứ; nhưng bộ luật hiện hành lấy yếu tố “cộng đồng” lằm căn bản, không những nhằm nhấn mạnh rằng con người quan trọng hơn lãnh thổ, nhưng nhất là muốn nói tới việc những con người ấy hợp lực để chung nhau hoạt động, dưới sự điều khiển của một chủ chăn.
b) Cộng đồng ấy được thiết lập cách bền vững (stabiliter). Tự nó, tiếng “cộng đồng tín hữu” có thể áp dụng vào một hội đoàn, một phong trào, thậm chí một buổi hội họp (chẳng hạn “cộng đoàn phụng vụ”). Nhà lập pháp muốn thêm từ ngữ “bền vững” để muốn nói rằng cộng đồng giáo xứ không phải là nay họp mai tan, hoặc có thể quy tụ tùy theo ý muốn cá nhân. Giáo xứ có tính cách bền vững theo pháp lý, xét rằng nó được thành lập do một nghị định của giám mục, với những hậu quả pháp lý của nó.
c) “ở trong Giáo hội địa phương”: nằm nêu bật mối liên hệ giữa giáo xứ với giáo phận. Giáo xứ không phải là Giáo hội địa phương, nhưng chỉ là thành phần của nó.
d) “việc săn sóc mục vụ được ủy thác cho Cha Sở làm chủ chăn riêng, dưới quyền của Giám mục giáo phận”. Giáo xứ là một cộng đồng gồm bởi các thành phần khác nhau của Dân Chúa (giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân), nhưng được giao cho một linh mục làm chủ chăn nhằm cho thấy rằng căn bản của đời sống cộng đồng giáo xứ là tác vụ Lời Chúa và Mình Chúa. Linh mục làm nhịp cầu nối kết giữa cộng đồng giáo xứ với giáo phận dưới sự lãnh đạo của giám mục.
Điều 515§1 chưa cung cấp tất cả khái niệm thần học về giáo xứ[3]; nhưng từ đó cũng mang theo nhiều thay đổi về thể chế.
(i) Yếu tố quan trọng trong giáo xứ là cộng đồng, chứ không phải là lãnh thổ. Vì thế, có thể thiết lập những giáo xứ “tòng nhân” chứ không tòng thổ (đ. 518). Có lẽ ở Việt Nam, người ta nghĩ đến giáo xứ dựa theo ngôn ngữ (thí dụ giáo xứ Việt kiều ở bên Hoa kỳ, Úc, hoặc giáo xứ cho người Vinh ở TPHCM), nhưng còn nhiều tiêu chuẩn khác (thí dụ giáo xứ đại học, dành cho các sinh viên). Trong bộ luật cũ, mỗi giáo xứ buộc phải có nhà thờ riêng; bộ luật hiện hành không đòi hỏi điều đó.
(ii) Thành phần cốt yếu của giáo xứ là các giáo dân. Họ là những nhân sự chủ động. Bộ giáo luật dự trù sự tham dự của các giáo dân vào việc quản trị giáo xứ qua các hội đồng mục vụ (điều 536), một thực thể khá quen thuộc ở Việt Nam nhưng chưa được nói đến ở trong bộ luật cũ 1917.
(iii) Hai thể chế mới được đặt ra liên quan đến cha xứ và cha phó.
– Cha xứ. Có ba dạng cha xứ: (a) một cha xứ cho một giáo xứ; (b) một đội cha xứ cho một giáo xứ; (c) một đội cha xứ cho nhiều giáo xứ. Tiếc rằng ở Việt Nam, chúng ta chưa mang ra thực hành hình thức đội cha xứ (équipe, team).
– Cha phó. Có hai dạng cha phó (điều 545§2): (a) một cha phó cho một xứ để lo cho toàn thể giáo xứ, hoặc một phần giáo xứ, hoặc một nhóm người cụ thể; (b) một cha phó cho nhiều xứ, đặc trách một hai vài công tác nào đó (chẳng hạn mục vụ công nhân). Hình như ở Việt Nam chưa có cha phó liên xứ.
3/ Mục vụ
Từ những điều vừa nói trên, chúng ta có thể phác họa căn cước của một giáo xứ như sau.
Giáo xứ là một cộng đồng thể hiện Giáo hội tại một địa phương. Do đó giáo xứ cần phải biểu lộ những đặc tính của một cộng đồng Giáo hội, đó là: martyria, leiturgia, koinonia, diakonia, missio[4].
a) martyria: làm chứng tá. Giáo xứ là một cộng đồng lắng nghe Lời Chúa và làm chứng tá có đức tin bằng lời giảng và bằng đời sống.
b) liturgia: cử hành phụng vụ. Giáo xứ là một cộng đồng được triệu tập để ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa, đặc biệt qua việc cử hành Thánh lễ là nguồn mạch và chóp đỉnh của cuộc sống và hành động.
c) koinonia: hiệp thông. Giáo xứ là một cộng đồng hiệp thông: hiệp thông giữa những cá nhân trong giáo xứ, hiệp thông giữa những hội đoàn, những tầng lớp xã hội. Sự hiệp thông của giáo xứ còn mở rộng ra sự hiệp thông với giáo phận và Giáo hội phổ quát.
d) diakonia: phục vụ. Giáo xứ là một cộng đồng phục vụ, mở rộng đến việc đáp ứng những nhu cầu tinh thần và vật chất của các phần tử, cũng như của những người láng giềng.
e) missio: truyền giáo. Giáo xứ chia sẻ sứ mạng đem Tin mừng cho những người chưa biết Chúa, hoặc những người đã lìa bỏ nhà thờ.
Để làm sáng tỏ những điều vừa nói, ta hãy đối chiếu mô hình của giáo xứ cổ điển với mô hình sau công đồng.
+ Mô hình cổ điển
– mũi nhọn mục vụ: chú trọng đến các việc đạo đức, các cuộc rước kiệu; giáo lý nhắm vào thiếu nhi để chuẩn bị rước lễ, thêm sức
– tác nhân: cha xứ bao thầu hết
– hợp tác: không có hội đoàn, không có hội đồng mục vụ
– hoạt động xã hội: không có
+ Mô hình hiện tại
– mũi nhọn mục vụ: loan báo Tin mừng qua việc đào tạo giáo lý cho người lớn cũng như thiếu nhi; giúp cộng đồng tham gia phụng vụ cách ý thức nhờ những lớp học Kinh thánh.
– tác nhân: cha xứ được sự hỗ trợ của giáo dân trong việc điều hành
– hợp tác: giáo xứ gồm nhiều hội đoàn thể, tạo nên cộng đồng của các cộng đồng
– hoạt động xã hội: ngoài những công tác bác ái từ thiện, còn quan tâm đến những vấn đề xã hội (ma túy, người già neo đơn), thăng tiến nếp sống (di dân, thất nghiệp,v.v…)
Bức tranh vừa rồi đòi hỏi một sự thay đổi não trạng, cách riêng từ phía cha xứ
– Một mình cha xứ không làm nên giáo xứ. Giáo xứ gồm bởi tất cả các tín hữu. Nhiệm vụ chính của cha xứ không phải chỉ lo xây nhà thờ cho bằng xây dựng cộng đồng.
– Việc xây dựng cộng đồng đòi hỏi một năng khiếu mới: cha xứ cần có tài lãnh đạo để huy động các “lực lượng” trong giáo xứ. Trước đây, nhiều khi cha xứ coi mình như một ông xã trưởng, một viên chức hành chánh, chỉ lo các thủ tục như là giảng dạy, ban hành bí tích. Bây giờ cha xứ cùng làm việc với các phần tử khác (giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân) để chu toàn sứ vụ.
– Dù sao, cộng đồng giáo xứ không chỉ an tâm với những “con chiên ngoan đạo”, nhưng còn để ý đến những người chưa người chưa biết Chúa, những người đã lìa bỏ nhà thờ.
II. CÁC DÒNG TU VỚI MỤC VỤ GIÁO XỨ
Trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu hai điểm: 1/ ôn lại lịch sử của việc các tu sĩ đảm nhận công tác giáo xứ; 2/ những suy tư của các tu sĩ về mục vụ giáo xứ. Xin thú thực rằng tôi học được điểm thứ nhất (lịch sử) khi đọc các tài liệu thuộc điểm thứ hai (suy tư). Một cách cụ thể, cho đến nay trên mạng internet, đã có những tài liệu suy tư về phía các Dòng Cát-minh (OCD), Dòng Tên, Dòng Phan-sinh (OFM). Dòng Đaminh chỉ có vài điểm rời rạc trong hiến pháp và công vụ tổng hội, chứ chưa có một văn kiện hệ thống.
A. Lịch sử
Như ai nấy đều biết, có nhiều dạng thức dòng tu trong lịch sử: đan sĩ, kinh sĩ, hành khất, tông đồ.
– Theo bản chất, các dòng đan tu không phụ trách giáo xứ. Thế nhưng trên thực tế, chỉ ít lâu sau khi được thành lập, nhiều đan viện đảm nhận mục vụ giáo xứ, và thậm chí phụ trách các đơn vị tương đương với giáo phận, được đặt tên là abbatia nullius (ngày nay đổi thành abbatia territorialis, “đan viện tòng thổ”). Đối với các kinh sĩ thì việc phụ trách giáo xứ là chuyện bình thường, do hoàn cảnh lịch sử của thời Trung cổ.
– Ở đây, chúng ta muốn lưu ý cách riêng đến các dòng hành khất ra đời vào thế kỷ XIII (Phan-sinh, Đa-minh, Aâu-tinh, Cát-minh) và các dòng ra đời trong các thế kỷ sau. Những dữ liệu sau đây lấy từ tài liệu của dòng Phan-sinh và Dòng Tên.
1). Ngay từ khi mới thành lập Dòng Đa-minh và dòng Phan-sinh đã tiếp xúc với các giáo xứ để giảng thuyết, nhưng họ không đảm nhận giáo xứ. Tại sao vậy? Nhiều lý do được đưa ra: a) có lẽ bởi vì họ muốn hiến thân cho một sứ vụ mang tầm phổ quát chứ không muốn bị cầm chân tại một giáo xứ; b) có lẽ vì họ muốn sống khó nghèo, hoàn toàn phó thác cho Chúa Quan phòng, đang khi mà các giáo xứ thì có bổng lộc (beneficium) chắc chắn. Dù sao cũng đừng nên quên rằng các tu sĩ thi hành sứ vụ giảng thuyết ngay tại các thánh đường tu viện, chứ không phải chỉ tại nhà thờ giáo xứ.
2). Tuy nhiên, chính vì sứ vụ phổ quát mà các dòng vừa nói lại đảm nhận giáo xứ, cũng tựa như các dòng đan tu trước đây. Thực vậy, tại những giáo đoàn đã ổn định, thì mục vụ giáo xứ do các linh mục giáo phận đảm nhận, nhưng tại những miền truyền giáo, những vùng chưa có đạo thì sao? Đó là lý do mà từ đầu thế kỷ XIV dòng Phan-sinh đã đảm nhận giáo xứ bên Bosnia. Điều này đã mở ra một trừ lệ và cũng là một truyền thống: các dòng tu được phép đảm nhận giáo xứ tại các vùng truyền giáo mà thôi. Tại những vùng đã đạo gốc, có thêm hai lý do để các tu sĩ không đảm nhận giáo xứ: a/ lý do pháp lý: các nhà giáo luật tranh cãi về tính cách hợp pháp của việc giao các giáo xứ cho các dòng tu; vấn đề này mãi đến thế kỷ XVI mới ngã ngũ, với quyết định là Tòa thánh dành riêng cho mình thẩm quyền ký thác giáo xứ cho các dòng tu; b/ lý do tu đức: các dòng tu thuộc về bậc trọn lành; nhưng chưa có cha xứ nào làm thánh[5]; từ đó có cơ sở để kết luận rằng việc coi xứ không thích hợp cho sự thánh thiện.
3). Từ thế kỷ XVIII tình hình đã bị lật ngược vì nhiều lý do:
– Tại các miền truyền giáo (châu Mỹ Latinh, châu Á, châu Phi), việc đảm nhận các giáo xứ được xem như chuyện bình thường. Đừng kể những giáo phận đã được Tòa thánh trao cho một dòng phụ trách, tại nhiều nơi khác thì giám mục chỉ cho phép các tu sĩ đến hoạt động với điều kiện là họ đảm nhận một giáo xứ.
– Tại châu Âu, tiếp theo các cuộc cách mạng chính trị, chính quyền dẹp bỏ các dòng tu, và chỉ cho phép các giáo xứ hoạt động. Vì thế để tồn tại, các tu sĩ phải “trá hình” làm cha xứ.
Thực tế là như vậy, nhưng trên lý thuyết, các dòng tu vẫn tỏ ra dè dặt đối với mục vụ giáo xứ, bởi vì đời sống ở giáo xứ đi ngược với đời tu, cụ thể là nghịch với đời sống chung và tuân giữ lời khấn vâng lời. Vì thế, việc miễn chuẩn hiến pháp cho các tu sĩ chỉ nên ban vì một lý do khẩn trương hơn, đó là phần rỗi các linh hồn. Tóm lại, việc coi xứ là một trừ lệ, chứ không phải là thông lệ.
4). Công đồng Vaticanô II (sắc lệnh Christus Dominus số 35) đã yêu cầu các dòng tu giáo sĩ hãy đảm nhận các giáo xứ khi được các giám mục yêu cầu vì nhu cầu của các linh hồn. Các giáo xứ có thể thiết lập ngay tại nhà thờ của tu viện.
Quyết định của công đồng đã làm đảo lộn truyền thống lâu đời của các dòng tu. Theo thống kê của Dòng Phan-sinh (OFM) vào năm 2003, có 27% tu sĩ (nghĩa là gần 1/3 tổng số) hoạt động trong các giáo xứ.
Khi bước sang lịch sử Dòng Tên, chúng ta thấy những thay đổi còn chóng mặt hơn nữa. Cho đến năm 1950, tổng quyền Janssens còn nhắc nhở rằng Dòng vẫn chống lại việc đảm nhận giáo xứ. Tuy vậy đến khi bế mạc công đồng Vaticanô II năm 1965, thì dòng đã đảm nhận 1228 giáo xứ. Vì thế tổng hội (Congregatio generalis) năm ấy đã tuyên bố rằng không được tuyên bố việc coi xứ là trái ngược với hiến pháp. Tuy nhiên, việc trao giáo xứ cho Dòng phải có phép của tổng quyền. Ngày 8/12/1979, Tổng quyền Arrupe đã viết thư xác nhận những tiêu chuẩn phải hội đủ khi nhận giáo xứ. Tổng quyền Kolvenbach nhiều lần nhấn mạnh đến việc cần biểu lộ căn tính của dòng trong các giáo xứ dòng Tên. Nói gì thì nói, cho đến năm 1995, thì trên toàn thế giới có 3200 tu sĩ làm việc trong 2000 giáo xứ. Cũng nên biết là nhiều tu sĩ hoạt động tại giáo xứ cách “bất hợp pháp”, theo nghĩa là với tư cách cá nhân. Tỉ lệ của những xứ này không phải là nhỏ. Vào năm 2005, tại hai nước Tây ban nha và Bồ đào nha, có 41 giáo xứ được ủy thác cho dòng (với 70 tu sĩ làm việc), nhưng có đến 130 giáo xứ không được ủy thác trên pháp lý, với 50 linh mục làm chánh xứ với danh nghĩa cá nhân và 90 linh mục cộng tác.
B. Suy tư về Dòng tu và mục vụ giáo xứ
1/ Nói chung
Trước đây, người ta đắn đo một câu hỏi nguyên tắc: Dòng có nên nhận xứ hay không? Trước tình trạng khan hiếm linh mục, công đồng Vaticanô II đã yêu cầu các dòng tu đảm nhận giáo xứ, và họ đã nhận lời. Vì thế phải đặt lại câu hỏi một cách khác: làm thế nào để sống đặc sủng của dòng tại môi trường giáo xứ?
Các cha dòng Cát-minh, Phan-sinh, Dòng Tên đều trả lời rằng các dòng tu có thể sống đặc sủng của mình tại các giáo xứ. Chính tại các giáo xứ mà chúng ta có thể mang ra áp dụng linh đạo của mình, và chia sẻ với các giáo dân truyền thống tâm linh của mình. Dĩ nhiên, điều này giả thiết rằng một giáo xứ do cha dòng phụ trách có những nét khác với giáo xứ của linh mục giáo phận, không những vì có nhiều linh mục hơn mà còn vì được sinh động nhờ các phong trào đoàn thể gắn với dòng.
2/ Dòng Đaminh
Trong Sách Hiến pháp và Chỉ thị của dòng, chỉ có hai số (số 127-128) bàn về giáo xứ, trong mục nói về việc rao giảng Lời Chúa cho các tín hữu.
Công vụ Tổng hội Roma năm 1983 số 38 cho biết rằng tổng hội Walberberg ủy thác Tổng quyền thực hiện một cuộc nghiên cứu về những đường hướng tông đồ trong các giáo xứ và đền thánh, nhưng không đả động gì đến kết quả công trình. Tổng hội Rôma ghi nhận rằng nhiều anh em hiện thời đang hoạt động trong các giáo xứ (nhưng không cung cấp số liệu), và cũng không quên ghi nhận một sự tiến triển trong quan điểm của dòng về việc đảm nhận giáo xứ: từ chỗ “không đếm xỉa” (ignorare) đến chỗ “làm ngơ” (tolerare) và cuối cùng “nhìn nhận” rằng giáo xứ là một môi trường hoạt động tông đồ của Dòng. Các tu sĩ hãy đặt trọng tâm của tác vụ ở việc loan báo Tin mừng, qua việc rao giảng đạo lý, liên đới với những người nghèo. Các tu sĩ hãy đào tạo cho các giáo dân để họ tham gia vào công tác này.
Tổng hội 2010 khuyến khích các giáo xứ của Dòng hãy thúc đẩy các hình thức sau đây như là những ưu tiên của sứ vụ Đa Minh tại đó: giảng Lời Chúa, huấn luyện Kinh Thánh và thần học cho cả giáo dân và tu sĩ, dấn thân tin mừng cho những người người nghèo nhất và quan tâm tới những người còn xa lạ với Giáo Hội. Tương tự như vậy, các cộng đoàn trên hãy khuyến khích sự hợp tác tông đồ với các lãnh vực giảng thuyết khác của Giáo hội địa phương, đặc biệt là mục vụ xã hội, dấn thân cho nhân quyền, hỗ trợ cho một số mục vụ chuyên ngành và đào tạo các chuyên viên mục vụ (số 182). Tổng hội lưu ý cách riêng đến tính cách cộng đoàn của đời sống Đaminh: điều này cần được biểu lộ qua đời sống tu viện, việc cử hành phụng vụ, và ngay cả cách thi hành sứ vụ (số 183-184).
Tuy nhiên, thiết tưởng chúng ta không nên giới hạn những quy định của Hiến pháp và tổng hội vào những khoản vừa trích dẫn, nhưng nên có một tầm rộng hơn: những gì nói về sứ vụ giảng thuyết nói chung, hoạt động tông đồ và truyền giáo đều có thể áp dụng vào môi trường giáo xứ.
III. GIÁO XỨ TRONG TỈNH DÒNG ĐAMINH VIỆT NAM
Sau khi đã thu thập dữ kiện về thần học giáo xứ cũng như về các dòng tu với mục vụ giáo xứ, bây giờ chúng ta bước sang phần thứ ba, bàn về chuyện chúng mình: các giáo xứ trong tỉnh dòng Việt Nam.
Theo tôi nghĩ, đây là một vấn đề phức tạp bởi vì nó có một truyền thống lịch sử và trong hiện tại nó mang tính đa dạng. Vì thế tôi xin chia làm hai mục: lịch sử và phân loại.
A. Lịch sử
Lịch sử dòng Đaminh Việt Nam gắn liền với giáo xứ. Chuyện dễ hiểu. Dòng Đaminh được mời sang làm việc truyền giáo tại địa phận Đông Đàng ngoài năm 1757. Công tác này đương nhiên kèm theo nhiệm vụ làm giám mục (đại diện tông tòa) và đảm nhiệm giáo xứ (mặc dù giáo luật thời đó không dùng từ paroecia tại các miền truyền giáo mà chỉ gọi là quasi-paroecia, hoặc christianitas). Có điều đáng nói là trong suốt 200 năm trời, các cha Đaminh không có tu viện nào hết. Điều này cũng dễ hiểu thôi: Tỉnh dòng Rất thánh Mân côi chỉ có một tu viện duy nhất, đó là trụ sở giám tỉnh, đặt tại tu viện Santo Domingo Manila. Có lẽ đây là tội tổ tông của dòng Đaminh ở Việt Nam: chúng ta có nhiều kinh nghiệm về nếp sống ở nhà xứ hơn là nếp sống ở cộng đoàn. Tội tổ tông là một thứ gen truyền lại cho nhiều thế hệ: có những anh em ở nhà xứ cho đến lúc gần chết mà vẫn chưa muốn trở về cộng đoàn.
Tình trạng không thay đổi nhiều lắm trong giai đoạn hai của lịch sử dòng Đaminh Việt Nam. Tuy đời sống tu viện đã được thành lập tại Hải dương, Nam định, nhưng chỉ dành cho việc đào tạo (tập viện và học viện). Sau khi ra trường, các cha lại ra nhà xứ.
Với cuộc di cư 1954, tình hình thay đổi. Dòng Đaminh bỏ hết các cơ sở ngoài Bắc: các giáo phận cũng như các giáo xứ. Đối với các giáo phận miền Đông đàng ngoài, dòng Đaminh chấm dứt trách nhiệm với việc thành lập hàng giáo phẩm ngày 24 tháng 11 năm 1960.
– Tuy nhiên khi đi vào Nam, một số cha dẫn theo đoàn chiên của mình, và được đưa định cư tại Lạc Lâm, Ngọc đồng, Cao xá. Đây là thế hệ các giáo xứ thứ nhất tại miền Nam.
Giáo xứ Lạc Lâm – Giáo phận Đà Lạt
Giáo xứ Ngọc Đồng – Giáo phận Xuân Lộc
Giáo xứ Thánh Tâm – Giáo phận Xuân Lộc
Giáo xứ Cao Xá – Giáo phận Phú Cường
– Sau công đồng Vaticanô II, theo chiều hướng chung của Giáo hội, các tu viện Phú nhuận, Gò vấp cũng nhận coi sóc giáo xứ tại chính nhà thờ của mình (1967). Đây là thế hệ giáo xứ thứ hai ở miền Nam.
Giáo xứ Đaminh – Ba Chuông – Giáo phận Sài Gòn
Giáo xứ Mân Côi – Giáo phận Sài Gòn
Giáo xứ Mai Khôi – Giáo phận Sài Gòn
– Sau biến cố 1975[6], anh em đảm nhận thêm nhiều giáo xứ trong hai giáo phận Saigon, Xuân lộc: Hòa bình, Minh đức, Tân Hiệp, (Long Bình, Minh Hòa, Bưng Kè). Tạm gọi đây là thế hệ thứ ba. Việc nhận thêm giáo xứ là một giải pháp cho những anh em ra trường mà không có chỗ làm việc.
Giáo xứ Minh Đức – Giáo phận Sài Gòn
Giáo xứ Hòa Bình – Giáo phận Sài Gòn
Giáo xứ Tân Hiệp – Giáo phận Xuân Lộc
– Từ năm 2000, anh em mở rộng tầm hoạt động xa hơn địa giới Saigòn-Xuân lộc, hoặc làm phó xứ hoặc làm chánh xứ ở Tây Ninh, Kontum, Đà nẵng, và đặc biệt là tại miền Bắc. Chúng ta đặt tên là thế hệ thứ bốn. Nhiều lần chúng ta xin đức giám mục giao một xứ để có địa bàn hoạt động (chứ không phải là giám mục mời chúng ta đến).
Giáo xứ Thánh Mẫu Hòa Bình – Giáo phận Phú Cường
Giáo xứ Hòa Thạnh – Giáo phận Phú Cường
Giáo xứ Bông Trang – Giáo phận Bà Rịa
Giáo xứ Martinô – Giáo phận Xuân Lộc
Giáo xứ Konrờbàng – Giáo phận Kontum
Giáo xứ An Thượng – Giáo phận Đà Nẵng
Giáo xứ Trung Song – Giáo phận Vinh
Giáo xứ Bố Sơn – Giáo phận Vinh
Giáo xứ Kim Bịch – Giáo phận Hải Phòng
Giáo xứ Lai Ổn – Giáo phận Thái Bình
Giáo xứ Đại Điền – Giáo phận Thái Bình
Giáo xứ Cát Đàm – Giáo phận Thái Bình
Giáo xứ Khoái Đồng – Giáo phận Bùi Chu
Giáo xứ Phương Trung – Giáo phận Hà Nội
Giáo xứ Di Trạch – Giáo phận Hà Nội
Giáo xứ Yên Hợp – Giáo phận Hưng Hóa
Giáo xứ Yên Phú – Giáo phận Hưng Hóa
Giáo xứ Mậu Đông – Giáo phận Hưng Hóa
Giáo xứ Lộc Bình – Giáo phận Lạng Sơn
B. Phân loại
Niên giám năm 2011 của tỉnh dòng đã liệt kê 25 giáo xứ và với 35 anh em làm việc với chức vụ chánh xứ hoặc phó xứ, đó là chưa kể các phó tế hoặc sinh viên thực tập.
Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ, thì phải nói rằng các giáo xứ chỉ là một danh từ “loại suy”, bởi vì mang nhiều hình dạng. Tôi xin đưa ra bốn tiêu chuẩn để phân loại.
1/ Tiêu chuẩn thứ nhất để phân loại là tính cách pháp lý
Theo đó có nghĩa là có hợp đồng giữa giáo phận với Tỉnh dòng hay không. Đây là một điều mà giáo luật đòi hỏi và dòng cũng lặp lại nhiều lần (Giáo luật điều 520§2; Tổng hội 1983 số 41)
Theo chỗ tôi biết, quá nửa giáo xứ không có hợp đồng, và đôi khi hình như giáo xứ được giao cho một anh em theo danh nghĩa cá nhân, chứ không giao cho tỉnh dòng.
2/ Tiêu chuẩn thứ hai là đời sống cộng đoàn
a) những xứ gắn liền với tu viện thì giả thiết là có đời sống cộng đoàn: bề trên tu viện làm chánh xứ, và anh em tu viện cũng cộng tác vào việc mục vụ. Đó là các tu viện Phú nhuận, Gò vấp, Mai khôi.
b) những xứ khác tạm gọi là xứ lẻ, theo nghĩa là cha xứ (hoặc có cha phó) sống ngoài tu viện hoặc tu xá. Tuy nhiên không phải là ít trường hợp hai ba anh em sống chung trong một giáo xứ.
3/ Tiêu chuẩn thứ ba xét theo tỉ lệ giáo dân
a) những xứ di cư năm 1954 thì toàn tòng công giáo;
b) những xứ khác thì tỉ lệ người công giáo cao thấp khác nhau.
Sự phân loại này quan trọng, bởi vì những xứ đạo mà con số công giáo còn thấp phải cảm thấy bổn phận truyền giáo mạnh mẽ hơn. Tiếc rằng ít khi chúng ta nghĩ đến điều ấy.
4/ Tiêu chuẩn thứ bốn xét theo địa lý nhân văn
a) các xứ ở thành phố, và cụ thể là TPHCM. Não trạng người thành phố cởi mở hơn. Trình độ văn hóa cao hơn. Các giáo dân có nhiều lựa chọn hơn: họ có thể đi lễ ở nhà thờ khác; đối lại, nhiều người đến dự lễ tại nhà thờ của chúng ta lại không phải là con chiên của giáo xứ;
b) các giáo xứ di cư từ miền Bắc (Lạc lâm, Hố nai, Cao xá). Trước đây các cha xứ có nhiều uy tín (hét ra lửa); nhưng với thời gian, uy tín của các linh mục giảm dần. Các cha chỉ còn lo việc mục vụ, chứ không thể giữ vai trò làm cảnh sát đêm hôm đi bắt những người đánh cờ bạc.
c) các giáo xứ khác: hoặc là ở thôn quê, hoặc ở ven ô, và đặc biệt là khi người công giáo chỉ là thiểu số. Các linh mục sẽ lo lắng nhiều chuyện, từ xây nhà thờ cho đến các công tác xã hội. Nói khác đi, các cha xứ phải xây dựng giáo xứ theo nghĩa vật chất cũng như tinh thần.
IV. NHỮNG THÁCH ĐỐ
Chúng ta bước sang phần thứ bốn, gợi ý những điểm suy tư khởi đi từ những thách đố, được phân làm hai nhóm: những thách đố do mục vụ giáo xứ nói chung, và những thách đố do sứ vụ Đaminh nói riêng.
A. Những thách đố do mục vụ giáo xứ
Những thách đố này được đặt ra do hình ảnh mới về giáo xứ cũng như do sự thay đổi hoàn cảnh xã hội.
1/ Thách đố do sự thay đổi hình ảnh giáo xứ (đã nói trên đây)
– Từ đơn vị hành chánh đến cộng đồng đức tin.
– Từ cộng đồng đức tin đến cộng đồng truyền giáo
2/ Thách đố do hoàn cảnh xã hội
– Hiện tượng tục hóa. Từ tục hóa có thể hiểu theo nhiều nghĩa. Theo một nghĩa chung chung hơn cả, chúng ta tạm hiểu tục hóa theo nghĩa là tôn giáo không còn ảnh hưởng gì đến lối suy tư và hành động nữa. Thí dụ: nhiều đôi hôn nhân công giáo cũng ly dị giống như bao nhiêu hôn nhân khác; các tín hữu công giáo cũng chửi thề, trộm cắp, gian lận giống như những người không có đức tin. Có lẽ họ vẫn đi lễ, nhưng đức tin không ảnh hưởng gì đến cuộc sống.
– Hiện tượng di dân. Hiện tượng di dân sẽ đặt ra nhiều vấn đề cho giáo xứ nơi đi và nơi đến. Đối với nơi đi, giáo xứ chỉ còn ông già bà cả và các thiếu nhi. Đối với nơi đến, người di dân không cảm thấy đây là nhà của mình, không được quan tâm săn sóc.
– Hiện tượng đô thị hóa. Người thành thị có trình độ học thức cao hơn ở thôn quê, vì thế họ không dễ dàng vâng theo lệnh của Giáo hội. Nếp sống thành thị tự do hơn, với nhiều trào lưu văn hóa khác nhau. Tính cách cộng đồng lỏng lẻo hơn ở thôn quê, bởi vì người ta ít quen biết nhau. Trong điều kiện như vậy, thử hỏi: làm thế nào chủ chăn biết đoàn chiên của mình?
– Hiện tượng “hậu hiện đại”. Thuật ngữ này khá hàm hồ cũng tựa như “toàn cầu hóa”. Nhờ những phương tiện truyền thông, con người ngày nay biết được thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, và có thể bắt liên lạc với những người sống cách xa vạn dậm. Nhưng điều trớ trêu là những người hay “chat” trên mạng lại khó nói chuyện với những người sống bên cạnh mình. Dù sao, nền văn minh hiện đại đề cao cảm nghiệm chủ quan, và coi nhẹ các định chế, các chân lý khách quan bền vững.
B. Những thách đố do sứ vụ của Dòng
Mỗi lần hội thảo, anh em chúng ta thường nêu bật hai đặc trưng của Dòng Đaminh: cộng đoàn và sứ vụ. Cộng đoàn cho sứ vụ, và sứ vụ của cộng đoàn. Trên thực tế, chúng ta chưa sống trọn lý tưởng đó. Người ta có thể trách các anh em nhà xứ là không sống cộng đoàn, nhưng có lẽ các anh em sống tại tu viện và tu xá cũng chẳng sống cộng đoàn: chúng ta có thể ăn chung, đọc kinh chung, nhưng chưa lên một kế hoạch chung, dám chia sẻ những dự án chung. Chúng ta đảm nhận một công tác nào đó do sở thích cá nhân chứ không phải nhân danh cộng đoàn.
Những suy tư sau đây được gợi ý từ văn kiện của anh em Phan sinh: các anh em nhấn mạnh đến tình huynh đệ trong mục vụ giáo xứ (còn dòng Cát-minh và dòng Tên thì để ý đến đời sống tâm linh). Chúng ta có thể dùng châm ngôn “Contemplata aliis tradere” làm đề tài suy nghĩ: người tu sĩ Đaminh trao cho tha nhân điều đã chiêm niệm; điều chiêm niệm không phải là chân lý thần học, nhưng là cảm nghiệm gặp gỡ Đức Kitô trong cộng đoàn.
1/ Rao giảng Lời
Rao giảng Lời Chúa là một mục tiêu của dòng chúng ta. Nhưng chúng ta đã biết lắng nghe Lời Chúa chưa? Chúng ta lấy bài của người khác để giảng, hay là chúng ta giảng từ sự thâm tín của mình? Chúng ta có biết lắng nghe không, lắng nghe Thiên Chúa cũng như lắng nghe anh em? Chúng ta có ham mê học hỏi không? Nếu mình không thích học hỏi thì làm sao truyền đạt cho giáo dân sự say mê tìm hiểu chân lý?
2/ Cử hành phụng vụ
Chúng ta vẫn còn đồng hóa phụng vụ với chữ đỏ (đọc và làm những gì đã được viết bằng chữ đỏ), hay chúng ta xác tín rằng phụng vụ là cuộc cử hành Đức Kitô hiện diện giữa chúng ta? Chúng ta quan tâm đến phụng vụ cộng đoàn đến mức nào, hoặc tìm lý do bận rộn để khỏi tham dự các buổi đọc kinh chung? Sẽ còn tai hại hơn nữa, nếu chúng ta coi nhẹ đời sống cầu nguyện, bởi vì chúng ta cắt đứt mối dây thân tình với Thiên Chúa, với nguy cơ là chúng ta sẽ chỉ là những cán bộ tôn giáo, chứ không phải là chứng nhân của Đấng phục sinh nữa? Chúng ta có để ý đến việc huấn luyện đời sống cầu nguyện cho giáo xứ không?
3/ Cộng đoàn
Việc xây dựng cộng đồng giáo xứ là một mục tiêu ưu tiên trong mục vụ ngày nay. Nhưng chúng ta có thể làm chứng tá cho kinh nghiệm sống cộng đoàn hay không? Chúng ta có quen làm việc chung với anh em, thảo luận một kế hoạch chung, chia sẻ những niềm vui nỗi buồn trong sứ vụ không? Chúng ta đưa dám mang ra áp dụng những hướng mở của bộ giáo luật về hình thức chia sẻ trách nhiệm qua các “đội ngũ” (équipe) cha xứ, khác với tương quan hệ trật giữa cha chánh và cha phó. Nhờ thói quen đối thoại huynh đệ, chúng ta mới hy vọng đối thoại với những người khác chính kiến, tín ngưỡng.
4/ Phục vụ và truyền giáo
Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi, Tình yêu đã khiến Chúa Kitô trở thành người phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Chúng ta dễ mang não trạng quan liêu, bởi vì các giáo sĩ và tu sĩ được trọng vọng. Vì được trọng vọng cho nên chúng ta muốn hưởng thụ địa vị đã có, chứ chưa dám ra khỏi biên cương, đến với những môi trường xa lạ.
KẾT LUẬN
Bài thuyết trình đã dài. Đến lúc phải kết thúc. Chắc chắn là những cuộc trao đổi ý kiến giữa các anh em sẽ nảy ra nhiều đề nghị. Tôi chỉ mạn phép nêu lên vài câu hỏi cho tỉnh dòng.
Trong bức thư gửi cho tỉnh dòng Nhật (ngày 27/8/2005), cha tổng quyền Peter Hans Holvenbach đã đặt ra những câu hỏi sau thế này: đâu là những nét đặc trưng của một giáo xứ Dòng Tên? Chúng ta có thể nói đến một yếu tố Y-nhã trong tác vụ giáo xứ mà chúng ta hay không? Tác vụ giáo xứ giữ vị trí gì trong kế hoạch tông đồ của tỉnh dòng? Đâu là mẫu người tu sĩ Dòng tên thích hợp cho công tác các giáo xứ tại Nhật hôm nay? Cần phải chuẩn bị con người đó như thế nào? Để đào tạo các tu sĩ đảm nhận chức vụ chánh xứ, cần nhưng môn học nào và những thứ kinh nghiệm gì? Những tu sĩ Dòng Tên hiện đang làm việc tại giáo xứ đã được đào tạo cân xứng chưa và đã được cập nhật như thế nào?
Nếu phải trả lời những câu hỏi đó cho Tổng quyền của Dòng Đaminh, thì không rõ cha giám tỉnh sẽ thưa thế nào? Điều đáng buồn là mặc dầu chúng ta có nhiều anh em hoạt động tại các giáo xứ, nhưng đến khi cần đề cử một cha xứ thì tìm mãi không ra. Những thí dụ gần đây về các xứ Lạc Lâm, Cao xá, Ngọc đồng đã cho thấy lỗ hổng đó.
Nếu có ai hỏi “Giám đốc Trung tâm học vấn Đaminh nghĩ gì về việc đào tạo các cha xứ tương lai cho tỉnh dòng?”, thì tôi xin trả lời rằng: nhiệm vụ của Trung tâm học vấn Đaminh không phải là đào tạo các cha xứ. Đây là điều khác biệt với các chủng viện mà chúng ta cần nhấn mạnh. Tuy nhiên, một thách đố cho kế hoạch đào tạo của tỉnh dòng là cần phải biết nhìn đến các môi trường hoạt động tông đồ khác nhau, nhắm đến các tác vụ bên ngoài và bên trên môi trường giáo xứ, đáp ứng nhu cầu của các giáo phận cũng như của Giáo hội Việt Nam. Tôi muốn nói đến các chuyên viên có khả năng đóng góp cho các ủy ban của Hội đồng giám mục về Kinh thánh, thần học, phụng vụ, giáo lý, mục vụ gia đình, mục vụ di dân,v.v… Dĩ nhiên những ai sẽ được cử làm việc tại giáo xứ cần được trang bị với những khóa huấn luyện bổ túc.
Dù sao, xin phép phát biểu một cảm tưởng riêng để kết thúc. Chúng ta cần phải vượt qua não trạng cổ điển trong tỉnh dòng: ai học giỏi thì ở lại nhà trường làm giáo sư, ai học dốt thì đi coi xứ. Không, cần phải đào tạo tu sĩ Đaminh simpliciter, khao khát sự nên thánh và phần rỗi các linh hồn. Nếu một tu sĩ lè phè, thì dạy học cũng lè phè, đi vào cộng đoàn cũng lè phè, ra nhà xứ cũng lè phè. Sống lè phè thì thoải mái, đỡ mệt; nhưng rồi mình đã đánh mất điều quan trọng nhất, đó là lý tưởng, ý nghĩa cuộc đời. Khi mất lý tưởng thì cuộc đời quả thật là vô vị.
***
THƯ TỊCH
I. Văn kiện Giáo hội
– Công đồng Vatican II. Hiến chế về phụng vụ. Hiến chế về Hội thánh. Sắc lệnh về Giám mục. Sắc lệnh về truyền giáo
– Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Tông huấn Christifideles laici, số 26-27.
– Bộ Giám mục, Kim chỉ nam về tác vụ giám mục (22/2/2004)
II. Tài liệu của Dòng Đaminh và các dòng tu
A. Dòng Đaminh
– Sách Hiến pháp và Chỉ thị
– Công vụ tổng hội Rôma 1983 và Rôma 2010
B. Văn kiện của các dòng tu (xếp theo thứ tự thời gian)
1. Dòng Cát-minh nhặt phép (OCD)
– Testimoni dell’esperienza di Dio. Piano Globale Della Parrocchia Carmelitana, Villa de Leyva (Colombia) 2 – 9 maggio 2001
2. Dòng Tên
– Pedro Arrupe (tổng quyền), Algunas directrices sobre el apostolado parroquial (8/12/1979).
– Peter Hans Kovenbach (tổng quyền), Thư gửi tỉnh dòng Nhật bản về việc đảm nhận giáo xứ (27/8/2005).
– Elías Royón (giám tỉnh Tây-ban-nha), El Don y la Misión en las Parroquias confiadas a Jesuitas (31/7/2006)
– Các tỉnh dòng Mỹ châu Latinh: Parroquias servidoras de la mision de Cristo. Nuestro proyecto jesuita de parroquia a la luz de la V Conferencia episcopal de America latina y el Caraibe (Abril 2008).
3. Dòng Anh em hèn mọn (OFM)
– Inviati per Evangelizzare in Fraternità e Minorità nella parrocchia, Sussidio per la pastorale parrocchiale, a cura del Segretariato generale per l’Evangelizzazione (Roma 6/1/ 2009)
III. Thư tịch
Miguel Paya Andrés, “Parroquia”, in: Nuevo Diccionario de Catequetica, dir. Por V.M.Pedrosa et al., ed. San Pablo Madrid 1999.
L. Meddi, “Nuove immagini della parrocchia, in che senso?” in: Orientamenti pastorali 49 (2001)/5, 39-47.
————-
Chú thích bổ túc
– Phân loại: pháp lý. Hợp đồng tạo ra sự bền vững. Khi không có hợp đồng, thì giám mục có thể đòi lại bất cứ lúc nào. Khuynh hướng ngày nay tại Việt Nam là giám muc sẽ rút lại, bởi vì số tân linh mục giáo phận mỗi năm mỗi tăng.
– Ôn lại lịch sử. Vào năm 1954, khi các cha đưa các xứ di cư và lập nghiệp: Cha Sự được 38 tuổi đời và 17 năm linh mục, Cha Dụ được 34 tuổi đời và 15 năm linh mục, Cha Thông 38 tuổi đời và 15 năm linh mục, Cha Khoa được 38 tuổi đời và 17 năm linh mục, Cha Độ 43 tuổi đời và 16 năm linh mục.
– Cuốn sách Congar: Vaste monde ma paroisse, Tesmoignage chrétien 1959?
[1] Tài liệu làm việc của Thượng hội đồng 2012, số 81.
[2] Lưu ý: ở đây công đồng dùng tiếng “familia ecclesiastica: gia đình Hội thánh”; chúng ta có thể dịch là “họ đạo”, ví Hội thánh như họ tộc.
[3] Điều 515§1 trích dẫn các văn kiện sau đây của công đồng Vaticanô II: PV 42; HT 26; GM 30; GD 10; TG 37. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo ở số 21 còn bổ túc thêm vào định nghĩa của Bộ Giáo luật : “Giáo xứ là nơi mọi tín hữu có thể tập họp để cử hành bí tích Thánh Thể mỗi Chúa nhật. Giáo xứ đưa dân Kitô hữu vào sinh hoạt thông thường của đời sống phụng vụ, và tập hợp họ để cử hành phụng vụ, giảng dạy cho họ giáo lý cứu độ của Đức Kitô; thực thi đức mến Chúa trong các công việc từ thiện và huynh đệ”.
[4] Những điểm này lấy từ tài liệu về mục vụ giáo xứ của Dòng Phan-sinh (xem thư mục).
[5] Thánh Gioan Maria Vianney thuộc thế kỷ XIX.
[6] Niên giám tỉnh dòng 1975 liệt kê các giáo xứ sau đây: Lạc Lâm, Ngọc đồng, Thánh Tâm, Cao xá, cộng thêm hai tu viện Phú nhuận và Gò vấp.