Nền Phong Hóa Việt Nam và Vấn Đề Quan Hệ Đồng Tính

0
647


Giuse Nguyễn Văn Quýnh

 

Lời ngỏ: Linh mục Louis Nguyễn Anh Tuấn – đặc trách Mục vụ Hôn nhân và Gia đình – sẽ trình bày chủ đề: “Hôn nhân” đồng tính dưới cái nhìn đức tin trong buổi Sinh hoạt chuyên đề lúc 14g30 ngày 23.11.2013 tại Trung tâm Mục vụ TGP TPHCM. Để quý đọc giả dễ dàng tiếp thu bài chia sẻ của Linh mục Louis một cách thấu đáo, xin giới thiệu với quý đọc giả về tình trạng đồng tính tại Việt Nam hiện nay qua bài viết sau.

Quan hệ đồng tính đang là đề tài nóng bỏng, không chỉ trên sách báo và các trang mạng mà còn trong các buổi chuyên đề và các hội nghị mang tầm mức quốc tế. Bởi lẽ, người ta không còn ngần ngại, kiêng kỵ, tránh né bàn thảo vấn đề nhạy cảm này như trước đây. Vì thế, chúng ta không thể bỏ qua vấn đề thời sự xã hội, đang làm đau đầu các nhà chức trách dân sự, cũng như những vị lãnh đạo các tôn giáo.

Cùng với nỗi thao thức của dân tộc, chúng ta hãy tìm hiểu về “Phong hóa Việt Nam và mối quan hệ đồng tính”, xem “Hôn nhân đồng tính” có phù hợp với phong hóa của dân tộc 4000 năm văn hiến, hầu có một quyết định đúng đắn về vấn đề gai góc này. Trong khuôn khổ của một bài viết ngắn, chúng ta sẽ lần lượt bàn bạc theo các tiểu mục sau đây:

1. Thế giới đồng tính
2. Ý kiến của các chuyên gia
3. Hôn nhân đồng tính
4. Đồng tính tại Việt Nam
5. Phong hóa Việt Nam
6. Một lời đề nghị

Trước khi bàn về “Nền Phong Hóa Việt Nam và Vấn Đề Quan Hệ Đồng Tính”, có lẽ chúng ta cần tìm hiểu đôi nét về thế giới đồng tính, về hôn nhân đồng tính và đồng tính tại Việt Nam.

I. THẾ GIỚI ĐỒNG TÍNH

Thế giới đồng tính gồm những người khi được sinh ra trên cõi đời này, đã mang sẵn trong cơ thể mình những yếu tố để trở thành đồng tính. Chính xu hướng đồng tính đã khiến họ luôn suy nghĩ, hành động và nói năng hướng về người cùng phái tính. Họ muốn chiếm đoạt con tim cũng như dành trọn con tim mình cho những người đồng phái.

Thế nhưng, không phải sự đồng tính nào cũng do bẩm sinh, do cơ cấu tự nhiên hay do di truyền, vì có sự đồng tính đắc thủ:

Trước hết, do môi trường giáo dục trong gia đình đã đẩy họ đến việc đồng tính. Chẳng hạn, một người cha quá nghiêm khắc có thể làm cho người con gái của mình ghét người khác phái, nên cô ta tìm đến với người đồng phái. Ngược lại, một bà mẹ quá độc đoán, quá gắn bó với con trai có thể tạo nên một phản ứng đối nghịch nơi thanh niên này, làm cho anh ta tránh xa phụ nữ và tìm đến với người đồng phái.

Thứ đến, do hoàn cảnh và môi trường xã hội khiến họ có những sinh hoạt đồng tính. Thí dụ: Những người phải sống chung với nhau trong ký túc xá, trên tàu biển, trong nhà tù, nơi không có người khác phái, thì họ cũng có thể trở thành những người đồng tính.

Cuối cùng, do ảnh hưởng trong thời kỳ phát triển, bị dồn nén về tâm lý, hoặc do những khó khăn của đời sống tình cảm, sinh lý, vợ chồng…

Thống kê cho biết có khoảng 20% con người trong thế giới này có khuynh hướng đồng tính.

Tuy nhiên, thế giới đồng tính không đơn giản như người ta tưởng, mà hết sức phức tạp và khó phân định. Để dễ hiểu, chúng ta có thể chia ra thành 4 loại; và để dễ nhớ, chúng ta ghi nhận 4 chữ đầu LGBT:

L là chữ đầu của Lesbian: những người đồng tính nữ.
G là chữ đầu của Gay: những người đồng tính nam.
B là chữ đầu của Bisexual: những người vừa đồng tính vừa không đồng tính.
T là chữ đầu của Transgender: những người đổi giống từ đàn ông sang đàn bà hoặc từ đàn bà sang đàn ông.

II. Ý KIẾN CỦA CÁC CHUYÊN GIA

Theo truyền thống chung của các nền văn hóa Đông Tây: Các mối quan hệ đồng tính kèm theo các sinh hoạt tình dục, luôn bị coi là bất bình thường, là bệnh hoạn. Khoa Tâm lý và Khoa Tâm thần học cũng xếp xu hướng và hành động đồng tính vào danh sách bệnh lý. Hơn nữa, xét về mặt luân lý và đạo đức, những sinh hoạt tình dục này còn bị xem là vô luân, là một trọng tội.

Thế nhưng, Tiến sĩ Tâm lý Trần Mỹ Duyệt (Hoa Kỳ) lại đưa ra những báo cáo của các nhà chuyên môn như sau: “Hiệp Hội Các Nhà Tâm Thần Học (1973) và Hiệp Hội Các Nhà Tâm Lý Học Hoa Kỳ (1975) đã loại khỏi danh sách những hội chứng tâm bệnh những suy nghĩ và hành động đồng tính. Và năm 1990, Cơ Quan Y Tế Thế Giới cũng công nhận đồng tính không phải là tâm bệnh. Cuối cùng, năm 2001, Hiệp Hội Các Nhà Tâm Thần Học Trung Hoa cũng đã loại bỏ sinh hoạt đồng tính khỏi danh sách tâm bệnh”.

Tại Việt Nam, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết: “Từ năm 1990, Tổ chức Y tế Thế giới đã loại bỏ đồng tính ra khỏi danh sách bệnh tâm thần. Việt Nam cũng không có cơ sở y tế nào chữa bệnh đồng tính. Đứng ở góc độ y tế thì đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới không phải là một loại bệnh nên y học không thể can thiệp và chữa khỏi”.

III. VẤN ĐỀ HÔN NHÂN ĐỒNG TÍNH

Chính vì Khoa Tâm lý và Khoa Tâm thần học đã “xóa sổ tâm bệnh” của những người đồng tính, nên 4 thành phần của thế giới đồng tính (LGBT) đã phần nào bớt tự ti mặc cảm về thân phận “chẳng giống ai” của mình. Từ đó, họ cũng được xã hội và gia đình có cái nhìn cảm thông và khoan dung hơn trước. Thế nên, họ “thừa thắng xông lên” đòi quyền được kết hôn và nhận con nuôi như những người bình thường. Nghĩa là họ muốn có quyền: kết hôn giữa hai người đàn bà với nhau, giữa hai người đàn ông với nhau, giữa hai người đàn ông đổi giống, giữa hai người đàn bà đổi giống, và giữa hai người vừa đồng tính vừa không đồng tính. Điều này sẽ gây ra nhiều khó khăn và phức tạp cho đời sống hôn nhân và gia đình vốn đang gặp quá nhiều thử thách trong thời đại ngày nay.

Theo WHĐ, đăng tải vào ngày 18.7.2013 thì ngày 17 tháng Bảy 2013, Anh quốc đã trở thành quốc gia thứ 15 hợp pháp hóa “Hôn nhân đồng giới”. Quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới là Hà Lan (2001). Các quốc gia khác đã công nhận hôn nhân đồng giới gồm có: Bỉ (2003), Tây Ban Nha (2005), Canada (2005), Nam Phi (2006), Na Uy (2008), Thụy Điển (2009), Bồ Đào Nha (2010), Iceland (2010), Argentina (2010), Đan Mạch (2012), Uruguay (2013), New Zealand (2013) và Pháp (2013).

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế: “Hầu hết các quốc gia thừa nhận ‘Hôn nhân đồng tính’ đều có quy định quá độ trong luật pháp: Ban đầu là thừa nhận quyền của người đồng tính, tiếp đó là việc chung sống như vợ chồng của người đồng tính, rồi mới quy định về việc thừa nhận ‘Hôn nhân đồng tính’”.

IV. THỰC TRẠNG ĐỒNG TÍNH TẠI VIỆT NAM

Ông Lê Quang Bình – Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế, xã hội và môi trường (iSEE) – cho biết: “Hiện nay, ở nước ta có khoảng 1,6 triệu người đồng tính, song tính và chuyển giới”.

Thành phần xã hội có nhiều người đồng tính nhất, chính là những người làm nghệ thuật hay giới nghệ sĩ, như: diễn viên, ca sĩ, người mẫu… Đây cũng là “thế giới” dễ bị đồng tính hoặc lây đồng tính nhất. Những người đồng tính luôn tìm kiếm bạn tình và họ thường xuyên nhắm tới các sinh viên nam, có ngoại hình ưa nhìn nhưng hoàn cảnh khó khăn, để lôi kéo, dụ dỗ, bao nuôi làm bạn tình. Thực tế, có nhiều nam sinh viên chấp nhận việc đó, và họ từ người bình thường trở thành người đồng tính, rồi lưỡng tính, và không biết rút cục mình mang giới tính gì?

Theo Vnmedia trong bài viết ngày 16.8.2012: “Bí ẩn đời sống của thế giới đồng tính nam”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội Khuất Thu Hồng nói: “Trong một nghiên cứu gần đây nhất của chúng tôi với hơn 5000 người thì có 1,4% số nam giới được hỏi cho biết họ bị hấp dẫn bởi người cùng giới với mình”. Bà Hồng cho biết thêm: “Trong một nghiên cứu nhỏ hơn cho thấy, những người đồng tính phân bố khắp các nhóm xã hội, ở khắp vùng miền, ở mọi độ tuổi, có thể nói ở đâu cũng có người đồng tính. Do bị kỳ thị nên những người này không dám bộc lộ vấn đề của mình, không tìm đến các dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý xã hội… để được giải đáp thắc mắc. Đặc biệt, để che đậy sự thật và để không bị kỳ thị, nhiều người đồng tính đã phải sống ‘cuộc sống hai mặt’. Rất nhiều người trong số đó dù không muốn nhưng vẫn phải kết hôn với phụ nữ. Nhưng trong thực tế, họ còn có cuộc sống khác nữa, đó là có bạn tình đồng giới”.

Chính vì thế, Tiến sĩ Hồng cảnh báo: “Việc phải sống trong cuộc sống bí mật khiến cho những người đồng tính nam khó tiếp cận dịch vụ, cộng thêm với sự kỳ thị càng khiến cho họ e ngại, dẫn đến tăng khả năng lây lan bệnh tình dục, cụ thể là HIV”.

Đồng quan điểm này, Bạn Nguyễn Trường Vũ, Trưởng nhóm “Ước Mơ Tuổi Trẻ”, phân tích: “Có rất nhiều lý do để lý giải về tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người đồng tính tăng cao. Bên cạnh sự thiếu hụt dịch vụ thì việc giáo dục truyền thông cũng yếu kém và hạn chế. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, chưa nói đến giáo dục sức khỏe sinh sản, tình dục hay tình dục đồng tính, giáo dục trong trường học cũng chưa hề có thông tin nào đối với người đồng tính và nguy cơ họ sẽ gặp phải”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Huệ, Trưởng phòng can thiệp và giảm tác hại, thuộc Ủy ban Phòng chống HIV/AIDS TPHCM, cho biết: “Khảo sát của Ủy ban cùng Viện Pasteur TPHCM cho thấy có đến 14% bệnh nhân HIV là người đồng tính nam quan hệ tình dục cùng giới. Con số này tuy thấp hơn nhóm gái mại dâm và tiêm chích ma túy, song vẫn đáng báo động”.

V. NỀN PHONG HÓA VIỆT NAM

Trước khi bàn luận về phong hóa, có lẽ chúng ta cùng nhìn về bối cảnh xã hội Việt Nam ngày nay: Bước vào thiên niên kỷ thứ ba, nền văn minh nhân loại tiến bộ quá nhanh, nhanh đến nỗi nền giáo dục luân lý và đạo đức không theo kịp đà tiến của tri thức và tư duy. Thế nên, con người mới “èo uột” về nhân cách và luân lý, từ đó sinh ra các “căn bệnh chủ nghĩa”, như: chủ nghĩa tự do (thích làm gì thì làm), chủ nghĩa cá nhân (chỉ biết sống cho mình mà không quan tâm đến người khác), chủ nghĩa hưởng thụ (thích tiêu xài, hưởng lạc thú, thỏa mãn bản thân, tận hưởng sung sướng), chủ nghĩa duy lợi (lợi dụng người thân bạn bè, đánh giá cuộc sống theo những món lợi), chủ nghĩa tương đối (tất cả chỉ là tương đối). Chính vì thế, đời sống luân lý cũng theo đó mà tụt dốc thê thảm: người ta tự do luyến ái, tự do sinh hoạt tình dục, tự do sống thử sống chung; ly dị, ly thân là chuyện thường tình; nạo thai, phá thai chẳng mấy người quan tâm; quan hệ đồng tính cũng công khai lộ diện. Tóm lại, thời đại ngày nay, đạo đức ngày càng xuống cấp, phong hóa ngày càng suy đồi.

Trong khi đó, theo truyền thống văn hóa Việt Nam từ ngàn xưa: “Nam nữ thụ thụ bất thân” (trai gái không được nắm tay nhau). Sau này, quan niệm nghiêm nhặt ấy cũng giảm bớt nhưng cũng phải có phép tắc gia phong. Khi người con trai và con gái tới tuổi trưởng thành thì phải xin phép cha mẹ đôi bên, để tìm hiểu tính tình và gia cảnh của nhau, hầu đi đến đời sống hôn nhân gia đình.

Giá trị truyền thống ấy của người Việt Nam được thể hiện và lưu giữ một cách rõ nét qua những câu ca dao. Bởi lẽ, ca dao là kho tàng văn chương bình dân của người Việt, được xem là viên ngọc lấp lánh; thời gian càng qua đi, viên ngọc càng thêm toả sáng. Trong các chủ đề được ca dao đề cập đến thì tình yêu đôi lứa là một đề tài phong phú nhất, một đề tài muôn thuở của kiếp người. Chúng ta có thể chia làm 3 thời kỳ: Tình yêu, Hôn nhân và Gia đình.

1 – Tình yêu

Khi người con gái “Xuân xanh xấp xỉ tới tuổi cập kê” (Truyện Kiều) thì đám trai làng sẽ chạy theo làm quen. Có thể là một câu hỏi bâng quơ nhưng diễn đạt bằng những câu thơ thật trữ tình, hy vọng được cô gái trả lời:

“Cô kia tát nước bên đàng
Sao cố múc ánh trăng vàng đổ đi.”

Hoặc chàng trai hỏi cô thôn nữ bằng một câu hỏi ỡm ờ, gợi ý xa xôi:

“Hôm qua tát nước đầu làng
Để quên chiếc áo trên cành hoa sen
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà.”

Có lúc chàng trai mạnh dạn hơn, nhưng không kém phần lãng mạn nên thơ, một thứ tình yêu mộc mạc chân quê, pha trộn hương đồng gió nội:

“Cô kia cắt cỏ một mình
Cho tôi cắt với chung tình làm đôi
Cô còn cắt nữa hay thôi
Cho tôi cắt với làm đôi vợ chồng.”

Đôi khi chàng trai tỏ tình một cách nhẹ nhàng và rất thơ mộng:

“Hỏi xa anh lại hỏi gần
Hỏi em phỏng độ đương xuân thế nào
Thấy em là gái má đào
Lòng anh chỉ muốn ra vào kết duyên.”

Những lời tỏ tình thật ý vị và dễ thương, nhưng cũng thật mạnh mẽ:

“Thấy em đẹp nói đẹp cười
Đẹp người đẹp nết ra vào đoan trang
Vậy nên anh gửi thư sang
Dù sao anh quyết lấy nàng mà thôi.”

Đối với phái yếu, có lúc các cô gái cũng mạnh dạn tỏ tình với các chàng trai, nhưng các cô phải rất thận trọng, kín đáo, rào trước đón sau:

“Anh đà có vợ con chưa
Mà anh ăn nói ngọt ngào có duyên
Mẹ già anh ở nơi nao
Để em tìm vào hầu hạ thay anh.”

Còn trong những dịp hội hè, đình đám, các chàng trai cô gái của hai làng lân cận, cũng có những câu tỏ tình thật nhẹ nhàng, bóng bẩy như có chất thơ. Chẳng hạn, bên con trai hỏi:

“Bây giờ mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?”

Bên con gái đáp lại:

“Mận hỏi thì đào xin thưa
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.”

Hay tình tứ, lãng mạn hơn:

“Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ trước gió biết vào tay ai.”

Thật là những câu đối đáp hết sức thi vị, mượn ngoại cảnh để bày tỏ nỗi lòng. Dù văn chương bình dân nhưng nhiều khi còn trữ tình và thơ mộng không kém văn chương bác học.

2 – Hôn nhân

Trong thực tiễn, việc dựng vợ, gả chồng của người Việt trải qua hàng ngàn năm. Nhưng phải là con trai đi hỏi vợ: “Trâu đi tìm cọc” chứ không có cảnh: “Cọc đi tìm trâu” bao giờ! Quan hệ vợ chồng phải là quan hệ tình cảm giữa hai người khác giới, tức là tình yêu nam nữ, để tạo nên một gia đình truyền thống: yêu thương và hạnh phúc. Hãy nhìn những hình ảnh thật đẹp của một đôi vợ chồng luôn có nhau trong cuộc sống:

“Sáng trăng giải chiếu hai hàng
Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ.
Đêm hè gió mát trăng thanh
Em ngồi canh cửi còn anh vá chài.
Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.”

Hơn nữa, hôn nhân truyền thống của người Việt Nam phải là một vợ một chồng, chứ không phải đa thê hay đa phu:

“Người ta thích lấy nhiều chồng
Tôi đây chỉ thích một ông thật bền.
Thật bền như tượng đồng đen
Trăm năm quyết với cùng em một lòng.”

Thật vậy, hôn nhân là nỗi khao khát của các chàng trai cô gái, nhất là người con gái. Cô nào không kiếm được chồng quả là bất hạnh.

“Ði đâu mà chẳng lấy chồng
Người ta lấy hết chổng mông mà gào.
Gào rằng: đất hỡi trời ơi!
Sao không thí bỏ cho tôi chút chồng?
Ông trời ngoảnh cổ lại trông:
Mày hay kén chọn, ông không cho mày!”

3 – Gia đình

Một khi đã thành vợ chồng, các đức tính nhường nhịn, hòa thuận, thủy chung lại được đề cao trong cuộc sống hôn nhân, nhằm hướng đến một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

“Tay bưng dĩa muối chấm gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau.”

Nhất là người vợ, luôn giữ lòng thủy chung son sắt, gắn bó keo sơn với người bạn đời:

“Chồng ta áo rách ta thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người.”

Chiều chồng và chuẩn bị món ăn thức uống cho chồng cũng là đức tính của người phụ nữ Á Đông. Họ cảm thấy đó là niềm vui, là bổn phận, và xa hơn nữa, là hạnh phúc:

“Đốt than nướng cá cho vàng
Đem tiền mua rượu cho chàng uống chơi.”

Thật vậy, tình yêu nam nữ vẫn là khát vọng hạnh phúc của con người từ xưa cho đến ngàn sau. Điều ấy đã được ông cha ta thể hiện một cách rõ nét qua những câu ca dao thật đẹp và chan chứa tình người, một tình yêu mãnh liệt đến vô cùng:

“Yêu anh cốt rũ xương tàn
Yêu anh đến thác vẫn còn yêu anh.”

Vợ chồng đầu ấp tay gối trong yêu thương, đầm ấm và hạnh phúc ngập tràn.

“Cổ tay em trắng lại tròn,
Ðể cho ai gối đã mòn một bên?
Gối chăn gối chiếu không êm
Gối lụa không mềm bằng gối tay em.”

Bức tranh tình yêu trai gái và hạnh phúc vợ chồng tuyệt đẹp như thế, đã in sâu vào tâm thức người Việt từ bao đời nay. Vì thế, “hôn nhân đồng giới” là không phù hợp với quan niệm truyền thống về hôn nhân và gia đình của dân tộc Việt Nam. Cũng không hợp với thuần phong mỹ tục của người dân Việt. Đúng vậy, trong kho tàng văn chương bình dân, cha ông ta có câu rằng:

“Ðàn ông nằm với đàn ông
Như gốc như gác như chông như chà.
Ðàn ông nằm với đàn bà
Như lụa như lĩnh như hoa trên cành.”

Ngày nay, trong Luật Hôn nhân Gia đình (HNGĐ) hiện hành, khoản 5 điều 10 quy định: “Cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính”. Vì thế, mọi “Hôn nhân đồng giới” đều bất hợp pháp, là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn tồn tại hai luồng ý kiến. Thứ nhất, những người ủng hộ cho rằng đã đến lúc phải nhìn nhận thực tế, thậm chí có thể sửa luật để cho phép “Hôn nhân đồng tính”. Thứ hai, những người phản đối thì không đồng ý sửa luật HNGĐ hiện hành.

4 – Về phía Chính quyền

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, Luật Hôn nhân và Gia đình nên tiếp tục “cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính” (tinnong.vn ngày 22.04.2013).

Theo giải thích của UBND Thành phố, hiện nay, hiểu biết của xã hội về đồng tính còn rất hạn chế. Đa số đang hiểu sai về người đồng tính. Tuy nhiên, Luật quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính” là phù hợp với thuần phong mỹ tục, và truyền thống của người Việt Nam cũng như mục đích của việc kết hôn.

UBND thành phố Hà Nội nêu rõ: “Việc sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình tiếp tục quy định ‘cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính’ như Luật hiện hành, không can thiệp vào việc sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính, không quy định về quyền và nghĩa vụ giữa các bên cùng giới tính trong quan hệ chung sống như vợ chồng, để đảm bảo sự phù hợp về tâm, sinh lý của các cặp vợ chồng và phong tục, tập quán của người Việt Nam”.

Đồng quan điểm với UBND thành phố Hà Nội, Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng: “Kết hôn giữa những người đồng giới có thể xem là một hiện tượng không những không phù hợp với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống gia đình Việt Nam mà còn là hiện tượng phản khoa học, trái ngược với quy luật phát triển bền vững của xã hội”.

Lý do mà Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa đưa ra, là vì hôn nhân được xác lập trên cơ sở sự kết hôn của người cùng giới tính sẽ không đảm bảo được chức năng của hôn nhân gia đình là tái sản xuất ra con người để duy trì nòi giống. Vì vậy, việc “cấm kết hôn giữa những người đồng giới” cần được tiếp tục duy trì.

5 – Về phía Giáo quyền

Trong buổi tọa đàm: “Đồng tính – Tình yêu, Hôn nhân và những trăn trở” vào ngày 19.2.2011, tại Trung tâm Mục vụ TGP TPHCM, Linh mục Louis Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Thư ký Ủy ban Gia Đình trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Trưởng ban Mục vụ Gia Đình TGP TPHCM, phát biểu: “Tân Ước mặc khải rằng ‘Thiên Chúa là Tình Yêu’, mà tình yêu bao giờ cũng là một tương quan giữa những ngôi vị khác biệt. Thiên Chúa muốn con người có giới tính nam nữ, để làm cơ sở sinh học cho một thực tại ái tình, là lực hút để người nam, người nữ kết hợp nên một xương, một thịt và sinh sôi nảy nở với sự chúc lành của Thiên Chúa. Ý nghĩa của tình yêu dựa trên giới tính khác biệt nam nữ là yêu thương nhau, nâng đỡ nhau và sinh con có trách nhiệm trong tình yêu thương để phản chiếu một Thiên Chúa Tình Yêu, là Thiên Chúa phong nhiêu, nghĩa là Thiên Chúa sự sống, hằng sống” (chuongtrinhchuyende.com ngày 22.02.2011).

Trong bài viết: “Quan hệ của Giáo hội Công giáo về đồng tính luyến ái”, Linh mục Giuse Têrêsa Trần Anh Thụ nhận định khá đầy đủ: “Xét dưới khía cạnh khách quan, quan hệ đồng tính luyến ái tự nó là một hành động ngược lại với ý nghĩa và mục đích của tình dục, do đó đi ngược với trật tự tự nhiên. Tuy nhiên, nhìn dưới khía cạnh chủ quan, chỉ Thiên Chúa mới có quyền xét đoán; có tội hay không là tùy lương tâm mỗi người trước mặt Chúa. Hơn nữa, có khuynh hướng đồng tính luyến ái không phải là một tội, do đó nhìn người đồng tính luyến ái với cái nhìn cảm thông là thái độ nền tảng trong cách cư xử của người Kitô hữu”.

Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Giám mục phụ tá TGP TPHCM – trong ngày Đại Hội Gia Đình TGP năm 2013, nhận định: “Ban Tổ chức chọn chủ đề ‘Mãi mãi là Gia đình’ vì cuộc sống gia đình ngày nay đang bị đe dọa và luôn có nguy cơ tan rã. Ngoài những nguyên nhân đã có trước đây như ly dị, ly thân, bất hòa… thế giới ngày nay còn xuất hiện những tư tưởng, trào lưu làm phá vỡ cấu trúc và bản chất của gia đình, chẳng hạn như vấn đề ‘Hôn nhân đồng tính’. Với cách diễn giải dí dỏm về tình trạng ‘Hôn nhân đồng tính’, Đức cha đặt vấn đề: Nếu thiếu cha hoặc mẹ thì gia đình ấy có còn là gia đình? và có đúng với bản chất của gia đình không?” (tgpsaigon.net ngày 25.6.2013).

Thật vậy, Giáo lý Hội Thánh Công giáo số 2358 có viết: “Ðừng quên một số người đã có khuynh hướng đồng tính luyến ái thâm căn. Ðối với đa số những người này, khuynh hướng lệch lạc ấy là một thử thách. Chúng ta phải đón nhận họ với lòng tôn trọng, thông cảm và tế nhị, tránh đối xử bất công. Cả những người này cũng được mời gọi thực hiện ý Chúa trong cuộc sống và, nếu là Kitô hữu, họ nên kết hợp các khó khăn gặp phải do hoàn cảnh đặc biệt của mình với hy tế thập giá của Chúa”.

VI. MỘT LỜI ĐỀ NGHỊ

Vấn đề được đặt ra không chỉ riêng với người Công giáo, mà cho tất cả mọi người Việt Nam, là nếu chấp nhận “Hôn nhân đồng tính” thì việc đầu tiên phải làm là định nghĩa lại: Bản chất của gia đình là gì? Mục đích của hôn nhân là gì? Vai trò làm chồng, làm vợ là gì? Trách nhiệm làm cha, làm mẹ là gì? Thế nào là sinh con nối dõi tông đường?

Chẳng hạn, một đứa trẻ sinh ra cần phải được hưởng đầy đủ, cân bằng sự giáo dục và tình thương yêu của cả cha lẫn mẹ. Một đứa trẻ được một cặp đồng tính nhận nuôi sẽ có nguy cơ phát triển lệch lạc, và tạo ra một thế hệ lệch lạc. Nền tảng gia đình, vì thế, sẽ bị phá vỡ. Nhất là, “Hôn nhân đồng tính” không phù hợp với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống gia đình Việt Nam.

Chính vì những lý do trên, xin tha thiết đưa ra một lời đề nghị cùng các vị hữu trách: “Với 4000 năm văn hiến của dân tộc Việt Nam, chúng ta hãy giữ vững ‘Hôn nhân truyền thống’, để bảo tồn nòi giống Lạc Hồng và duy trì phong hóa hết sức tốt đẹp của tiền nhân”.

(Nguồn: Bản tin Hiệp Thông số 79 của Hội đồng Giám mục Việt Nam)