Năm Đức Tin Với Thánh Tôma Aquinô: “Xin Đừng Để Chúng Con Sa Chước Cám Dỗ” – Bài 23

0
1318


Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

 

NĂM ĐỨC TIN THEO THÁNH TÔMA – Bài 23

ĐỀ TÀI: KINH LẠY CHA

XIN ĐỪNG ĐỂ CHÚNG CON SA CHƯỚC CÁM DỖ

***

 

Lời cầu xin thứ sáu trong kinh Lạy Cha đã gây ra nhiều cuộc tranh luận trong lịch sử thần học. Bản dịch tiếng Việt tương đối “hiền” bởi vì chỉ xin Chúa đừng để chúng ta sa chước cám dỗ, nhưng nguyên bản của Tin mừng Matthêu thì nói “mạnh” hơn:  “Xin đừng dẫn vào (hay đưa vào) chước cám dỗ”. Chẳng lẽ Chúa lại “cám dỗ” chúng ta, nghĩa là xúi chúng ta phạm tội, chống lại Ngài? Không thể được, bởi vì Thiên Chúa không thể nào cám dỗ chúng ta (x. Gc 1,1-3).

Để trả lời cho vấn nạn ấy, các giáo phụ đã giải thích rằng “peirasmos” trong tiếng Hy-lạp không chỉ có nghĩa là “cám dỗ” nhưng còn “thử thách”: Thiên Chúa thử thách lòng trung thành của các tôi tớ. Luôn tiện cũng nên biết là,theo ông Lê Gia (Tiếng nói nôm na, TPHCM  1999), “cám” do chữ “cảm” là động lòng, “dỗ” do chữ “dụ” là rủ rê, dẫn dắt, lừa dối; cám dỗ là làm cho rung động trong lòng mà rủ rê họ theo mình (trang 73). “Thử” là xem xét, lựa chọn; còn “thách” (do chữ “thích”) là đúng với, hợp với; thử thách là xem xét thử coi có đúng không (trang 1204 và 1094).
Trong bài huấn giáo lần này, thánh Tôma giải thích ba điểm:

1/ Cám dỗ là gì?

Nên hiểu là “thử thách”, theo hai nghĩa: a) Thử thách để chứng tỏ khả năng làm điều tốt (điều này Chúa đã làm nơi các thánh); b) Thử thách để chứng tỏ khả năng thắng sự dữ: điều này thực sự là “cám dỗ”. Chúa không thể nào làm điều này.Vậy thì ai làm? Câu trả lời là: xác thịt, ma quỷ, thế gian.

2/ Ai cám dỗ?

Thánh Tôma phân tích hoạt động của “ba thù” vừa kể: xác thịt, ma quỷ, thế gian. Có lẽ điều đáng để ý là ma quỷ, bởi vì cơn cám dỗ của nó thường bị trá hình là điều tốt.

3/ Làm thế nào thoát được chước cám dỗ?

Nhờ lời cầu nguyện, ngõ hầu đừng chiều theo chước cám dỗ. Chúa ban ơn thánh để ta chống được chước cám dỗ, và đặc biệt nhờ ơn soi sáng thông hiểu để ta biết điều phải làm. Tư tưởng này dẫn đến sự liên kết với ơn “thâm hiểu” và chân phúc dành cho kẻ có tâm hồn trong trắng.

Có những người  đã phạm tội, rồi sau đó họ mong ước được ơn tha thứ, vì thế họ đithú tội và thống hối, nhưng  họ lại không cố gắng hết mình  để khỏi tái phạm.Làm như thế là không hợp lý, bởi vì một đàng họ khóc lóc về những tội đã phạm, đàng khác họ lại tích lũy thêm sự khóc lóc khi trở lại con đường tội lỗi. Thật vậy, Isaia đã viết: “Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa, nhưng hãy học làm điều lành” (Is 1, 16).  Vì vậy trong lời cầu xin trước đây, Đức Kitô đã dạy chúng ta hãy cầu xin ơn tha thứ tội lỗi, còn trong lời cầu xin này, Người dạy chúng ta hãy cầu xin ơn tránh xa tội lỗi, nghĩa là đừng bị dẫn vào chước cám dỗ, kẻo chúng ta sẽ rơi vào tội lỗi, bằng lời cầu : “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.

Liên quan đến lời cầu xin này, có ba câu hỏi được đặt lên: 1/Cám dỗ là gì ?2/  Con người bị cám dỗ vì đâu và do ai? 3/ Làm thế nào thoát khỏi cám dỗ?

I. CÁM DỖ LÀ GÌ?

Cám dỗ  chẳng qua cũng chỉ là dò xét hay thử thách; vì thế cám dỗ ai có nghĩa là thử luyện  nhân đức của người ấy. Điều này có thể thực hiện bằng hai cách, dựa theo hai sự đòi hỏi của nhân đức, đó là: làm điều tốt và tránh điều xấu, như lời  thánh vịnh : “hãy làm lành lánh dữ” (Tv 34, 15). Vì thế, nhân đức của một người sẽ bị thử thách lúc thì xét nhưđiều tốt phải làm,lúc thì xét như điều xấu phải tránh.

1/ Trong trường hợp thứ nhất, bạn chịu thử thách để xem bạn có sẵn sàng làm điều tốt không; và nếu bạn sẵn sàng làm điều tốt thì chứng tỏ rằng nhân đức của bạn thật lớn.  Đó cũng là cách thức mà Thiên Chúa đôi khi dùng để thử thách con người. Không phải Thiên Chúa không biết nhân đức của người đó, nhưng Ngài muốn làm như thế để cho mọi người nhận biết nhân đức của người ấy và trở nên gương lành cho họ.Vì mục tiêu đó mà Thiên Chúa đã thử thách ông Abraham và ông Gióp. Cũng vì ý định ấy mà Thiên Chúa thường gửi thử thách gian truân đến những người công chính; ngõ hâu nhờ sự kiên trì chịu đựng những nỗi gian truân, nhân đức của họ sẽ được tỏ lộ và họ thăng tiến trên  đường nhân đức.  Ông Môsê đã nói với dân Dothái thế này: “Thiên Chúa của anh em đã thử thách anh em cho biết anh em có yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ không.”(Đnl 13, 4).Như vậy Chúa thử thách (“cám dỗ”) để kích thích điều tốt.

2/ Cách thứ hai để thử thách nhân đức của một người là xúi giục làm điều xấu. Nếu họ chống cự mãnh liệt và không đồng tình với điều xấu đó, thì đó là bằng chứng của một nhân đức lớn, còn nếu họ bị khuất phục bởi chước cám dỗ thì rõ ràng là nhân đức của họ không ra gì. Tuy nhiênThiên Chúa chẳng bao giờ thử thách theo kiểu này, bởi lẽ, như thánh Giacôbê đã nói, Thiên Chúa không xúi giục ai làm điều xấu (Gc 1,13).

II. CON NGƯỜI BỊ CÁM DỖ VÌ ĐÂU VÀ DO AI?

Con người bị cám dỗ làm điều xấu bởi ba cách: 1/ bởi xác thịt, 2/ bởi ma quỷ, 3/ bởi thế gian.

1/ Con người bị cám dỗ bởi xác thịt bằng hai cách

Trước hết, xác thịt kích thích làm điều xấu, bởi vì nó đi tìm những khoái lạc, cách riêng các khoái lạc xác thịt mà thường là tội lỗi, bởi vì một khi đã chiều theo chúng thì con người chểnh mảng những việc tinh thần. Thánh Giacôbê đã viết: “mỗi người bị cám dỗdo dục vọng của mình lôi cuốn, rồi dục vọng cưu mang và đẻ ra tội lỗi” (Gc 1, 14-15).

Thứ đến, xác thịt cám dỗ bằng làm cho con người xao lãng điều tốt. Thật vậy, bản chất của tinh thần là vui thích với những chuyện thiêng liêng; nhưng xác thịt nặng nề thì  cản trở tinh thần, bởi vì “thân xác hư nát này khiến cho linh hồn ra nặng” (Kn 9, 15), và thánh Phaolô viết trong thư gửi tín hữu Rôma: “Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa; nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi” (Rm 7, 22-23). Sự cám dỗ xác thịt có sức mạnh khôn lường, bởi vì kẻ thù của ta, tức là xác thịt, thì hợp nhất với ta, và như ông Boêthius đã nói : “không có điều tệ hại nào nguy hiểm hơn cho bằng kẻ nội thù”[1].

Đối lại với xác thịt, ta cần phải tỉnh thức: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ” (Mt 26, 41).

2/ Ma quỷ cám dỗ cực kỳ ác độc

Thật vậy, sau khi thân xác đã bị khuất phục, thì một kẻ thù khác nổi lên, đó chính là ma quỷ, và chúng ta cũng cần phải chiến đấu một cách mãnh liệt . Thánh Phaolô đã nói : “Chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao” (Ep 6, 12). Chính vì lý do này, ma quỷ được đặt tên là  “kẻ cám dỗ” (Mt 4,3; 1 Tx 3,5).

Ma quỷ tỏ ra rất mưu mẹo khôn khéo khi cám dỗ. Giống như một vị tướng tài ba cầm quân đánh chiếm vây hãm một thành trì, ma quỷ quan sát những điểm yếu của người mà nó muốn tấn công, và nó cám dỗ người ấy ở vị trí mà sức phòng thủ yếu ớt hơn cả. Vì vậy, sau khi con người đã chế ngự được thân xác, thì ma quỷ sẽ cám dỗ họ ở những nết hư tật xấu, tựa như giận hờn, kiêu ngạo, và những nết xấu khác. Thánh Phêrô đã viết: “Ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 P 5, 8).

Khi cám dỗ, ma quỷ sử dụng một “chiến thuật đôi”. Trước tiên, nó không vội vàng cho đương sự một điều gì xấu, nhưng hắn đưa ra một điều có vẻ tốt, để bắt đầu lừa họ tử bỏ ý định ban đầu, và dần dẫn dễ dắt họ đến chỗ phạm tội. Thánh Phaolô cũng đã từng cảnh báo các tín hữu Côrintô : “Lạ gì đâu! Vì chính Xa-tan cũng đội lốt thiên thần sáng láng!” (2 Cor 11, 14).Một khi đã dẫn đưa người đó đến phạm tội thì  ma quỷ lại trói buộc họ vào tội lỗi, và ngăn cản không để họ thoátkhỏi. Tóm lại, ma quỷ thực hiện hai việc:  thứ nhất là ma quỷ lừa phỉnh con người, và thứ hai là ma quỷ giam hãm người bị lừa dối đó trong tội lỗi.

3/ Kẻ cám dỗ thứ ba là thế gian, bằng hai cách

Thứ nhất, thế gian cám dỗ chúng ta bằng lòng ham muốn những của cải vật chất cách  thái quá và vô độ, như thánh Phaolô đã viết: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc” (1 Tm 6, 10).

Cách thứ hai, thế gian dùng những kẻ bách hại và các bạo chúa để cám dỗ chúng ta bằng cách gieo vào lòng sự sợ hãi, vì thế sách Gióp có lời chép : “Cả chúng tôi nữa cũng bị tối tăm phủ lấp” (G 37, 19), và thánh Phaolô viết thêm: “những ai muốn sống đạo đức trong Đức Ki-tô Giê-su, đều sẽ bị bắt bớ” (2 Tm 3, 12). Tuy nhiên Đức Giêsu đã trấn an các môn đệ: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn” (Mt 10, 28).

III. LÀM THẾ NÀO THOÁT KHỎI CÁM DỖ?

Chúng ta đã biết cám dỗ là gì, và cũng đã hiểu con người bị cám dỗ cách nào và bởi ai; bây giờ, chúng ta thử xét xem bằng cách nào  con người được giải thoát khỏi những cám dỗ?

Về điểm này, cần lưu ý  rằng Đức Giêsu Kitô dạy chúng ta cầu xin không phải là khỏi bị cám dỗ, nhưng là xin những ơn trợ giúp để chúng ta không ngã theo vào chước  cám dỗ . Thật vậy, khi vượt thắng và chế ngự các cám dỗ, thì con người sẽ nhận được triều thiên chiến thắng bất hoại (xc. 1 Cor 9, 25; 1 P 5, 4). Vì vậy thánh Giacôbê  đã khuyên: “Anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều” (Gc 1, 2). Sách Huấn Ca cũngthêm : “Con ơi, nếu con muốn dấn thân phụng sự Đức Chúa, thì con hãy chuẩn bị tâm hồn để đón chịu thử thách” (Hc 2, 1). Đó là lý do vì sao chúng ta được dạy hãy cầu xin cho khỏi sa chước cám dỗ, nghĩa là đừng thuận theo nó; và thánh Phaolô  đã  bình luận: “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1 Cor 10, 13). Thực vậy, chịu cám dỗ là chuyện thường tình của con người; thuận theo chước cám dỗ mới là của ma quỷ.

Nhưng có người phản bác rằng: phải chăng Thiên Chúa dẫn ta vào chước cám dỗ, bởi vì lời kinh nói rằng “xin chớ dẫn chúng con vào chước cám dỗ”?

Xin trả lời thế này.Cần hiểu “Chúa dẫn vào chước cám dỗ” theo nghĩa là Chúa cho phép nó xảy ra,  khi rút lại ơn thánh tại vì những tội lỗi đã phạm trước đây. Một khi ta đã mất ơn Chúa thì dễ rơi vào tội lỗi. Vì lý do ấy, chúng ta cùng thưa với Chúa như vịnh gia: “Xin đừng sa thải con lúc tuổi đà xế bóng, chớ bỏ rơi khi sức lực suy tàn” (Tv 70, 9).

Trái lại, Thiên Chúa nâng đỡ con người để khỏi sa chước cám dỗ nhờ nhiệt tình của đức mến. Đức mến dù có ít ao đi nữa, thì cũng đủ để phòng ngừa chúng ta khỏi bất kỳ tội lỗi nào, như sách Diễm Ca có lời chép: “Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu” (Dc 8, 7). Cũng vậy, Thiên Chúa nâng đỡ  chúng ta bằng ánh sáng của sự thông hiểu, nhờ đó chúng ta hiểu biết điều cần  phải chu toàn. Thật vậy,nhà hiền triết Aristốt đã nói : “Mọi tội nhân đều là kẻ ngu muội”. Xét vì Chúa đã hứa qua miệng các ngôn sứ rằng “Ta sẽ làm cho con nên khôn ngoan, Ta sẽ chỉ cho ngươi con đường phải theo” (Tv 31,8), cho nên vua Đavit đã xin Chúa ban ơn ấy: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, xin đoái nhìn và thương đáp lại, toả ánh sáng cho đôi mắt rạng ngời, để con khỏi ngủ giấc ngàn thu; để kẻ thù con không thể nói: “Ta đã thắng nó rồi,” và đối thủ không được mừng vui vì thấy con gục ngã” (Tv 12, 4-5).

Chúng ta nhận được những điều ấy nhờ Ơn Thâm hiểu, nhờ đó nếu không chiều chước cám dỗ, thì chúng ta giữ được tâm hồn trong trắng, và được chúc phúc như được viết trong Tin Mừng Matthêu: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5, 8). Nhờ vậy Đức Kitô sẽ dẫn chúng ta  sẽ đạt tới sự hưởng kiến Thiên Chúa.


[1] De consolatione philosophiae III,5.