Năm Đức Tin Với Thánh Tôma Aquinô: “Xin Cứu Chúng Con Cho Khỏi Sự Dữ” – Bài 24

0
947


Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

 

NĂM ĐỨC TIN THEO THÁNH TÔMA – Bài 24

ĐỀ TÀI: KINH LẠY CHA

“XIN CỨU CHÚNG CON CHO KHỎI SỰ DỮ”

***

 

Xin đưa ra hai nhận xét về bài giáo lý liên quan đến lời cầu thứ bảy trong kinh Lạy Cha: nhận xét thứ nhất xét về nguyên bản Tân ước; nhận xét thứ hai xét về lời chú giải của thánh Tôma.

1/ Xét về nguyên bản Tân ước. Lời cầu “xin cứu chúng con khỏi sự dữ” chỉ có trong bản văn của Matthêu, và các học giả đặt vấn đề: đây là lời một lời cầu xin mới, hay chỉ là kéo dài lời cầu trước đó (“xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”)? Dù sao, điều đáng chúng ta để ý hơn là đối tượng của lời cầu: xin cứu khỏi sự dữ (ở số ít). Nguyên văn Hy-lạp ho poneros có thể hiểu theo hai nghĩa: a) cái xấu, điều dữ; b) kẻ xấu, kẻ ác (giống như ở Mt 13,19). Dựa theo các giáo phụ, Sách Giáo lý Hội thánh đã hiểu về “kẻ xấu”, nghĩa là Satan, ma quỷ (xem số 2851).

2/ Thánh Tôma giải thích những sự dữ ở số nhiều: xin Chúa cứu chúng ta khỏi tất cả mọi sự dữ, phần xác phần hồn. Tuy nhiên vì đã nói đến hai sự dữ là tội lỗi và chước cám dỗ trong những bài trước đây, cho nên ở đây tác giả chỉ dừng lại ở những ưu sầu nghịch cảnh, và giải thích ý nghĩa của sự giải thoát. Theo thánh Tôma, Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi những ưu phiền nghịch cảnh bằng bốn cách: a) không để cho chúng xảy đến; b) an ủi chúng ta khi gặp ưu sầu; c) ban những ân huệ khiến ta coi nhẹ những sầu khổ; d) biến đổi sự sầu muộn thành điều hữu ích, vì giúp ta tập đức kiên nhẫn.

Ý tưởng cuối cùng (rút ra điều tốt từ một cái xấu) nói lên sự khôn ngoan, khéo sắp xếp. Từ đó thánh Tôma liên kết với ơn “khôn ngoan” (sapientia: cao minh) của Thánh Linh, cũng như chân phúc dành cho kẻ “hiếu hòa”, nghĩa là kẻ nào giữ được an bình nội tâm, không bị xao xuyến trước những nghịch cảnh.

***

Sau khi đã dạy chúng ta xin ơn tha thứ tội lỗi và cách thức tránh  những cám dỗ, Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy xin được cứu thoát khỏi mọi sự dữ. Đây là một lời cầu khá rộng, bởi vì như thánh Augustinô đã nói, lời cầu xin này nhắm đến tất cả mọi sự dữ, tựa như các tội lỗi, bệnh tật, nghịch cảnh và buồn phiền. Chúng ta đã bàn về tội lỗi và cám dỗ rồi, bây giờ chỉ cần bàn về những thứ sự dữ khác, đó là những nghịch cảnh và buồn phiền trên đời này, mà Thiên Chúa giải thoát chúng ta bằng bốn cách:

1/ THỨ NHẤT, BẰNG CÁCH KHÔNG ĐỂ CHO CHÚNG TA PHẢI BUỒN PHIỀN THỐNG KHỔ

Tuy nhiên ít khi có vị thánh nào không phải chịu thống khổ ở đời này, bởi vì “tất cả những ai muốn sống đạo đức trong Đức Kitô Giêsu, đều sẽ bị bắt bớ” (2 Tm 3, 12). Dầu vậy, đôi khi một vài người được Thiên Chúa ban cho khỏi phải chịu đau khổ, khi Ngài biết rằng họ không có khả năng chịu đựng nó, cũng tựa như một y sĩ không dùng thuốc quá mạnh đối với một bệnh nhân yếu ớt. Sách Khải huyền nói đến đường lối ấy của Chúa như sau: “Ta đã để một cánh cửa mở trước mặt ngươi, không ai có thể đóng lại được, bởi vì ngươi có ít sức mạnh (Kh 3, 8, theo bản dịch Vulgata). Trên thiên quốc thì tất cả các thánh đều sẽ thoát khỏi hết mọi đau khổ, như có lời chép rằng: “Thiên Chúa sẽ giải thoát ngươi khỏi sáu cơn nguy ngập và đến cơn thứ bảy, chẳng con sự dữ nào chạm tới ngươi” (G 5,19). Sáu cơn nguy ngập có thể hiều về sau thời của cuộc đời hiện tại, và cơn thứ bảy là đời sống tương lai. Kinh thánh cũng nói: “Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa” (Kh 7, 16).

2/ THỨ HAI, THIÊN CHÚA SẼ GIẢI THOÁT CHÚNG TA BẰNG CÁCH AN ỦI KHI GẶP GIAN TRUÂN SẦU KHỔ

Thực vậy thánh Phalô đã kể lại về bản thân như sau: “Tại Asia chúng tôi đã phải chịu gian truân quá sức mức,  đến nỗi chúng tôi không còn hy vọng sống nổi” (2 Cor 1, 8), nhưng rồi người thêm: “nhưng Thiên Chúa, Đấng an ủi những kẻ yếu hèn, đã an ủi chúng tôi” (2 Cor 7, 6). Trước đó, vịnh gia cũng đã kể lại: “Lúc ưu tư đầy ắp cõi lòng, ơn Ngài an ủi khiến hồn con vui sướng” (Tv 93, 19).

3/ THỨ BA, THIÊN CHÚA CỨU KHỎI NHỮNG THỐNG KHỔ BẰNG CÁCH BAN MUÔN VÀN ÂN HUỆ KHIẾN CHO TA QUÊN ĐI NHỮNG SỰ DỮ ĐÃ CHỊU

Cũng giống như ông Tôbia đã nói: “Chúa chẳng thích thú gì những sầu khổ của chúng con, nhưng sau cơn bão tố Chúa đã cho yên bình trở về, và Chúa trút đổ niềm vui sau những lúc dàn dụa nước mắt” (Tb 3,22).  Vì thế chúng ta đừng sợ hãi những sầu khổ và gian truân ở đời này, ra như không thể nào chịu nổi,  bởi vì một đàng chúng ta có thể chịu đựng nhờ sự an ủi mà Chúa ban, đàng khác chúng không kéo dài, như thánh Phaolô đã nói : “một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” (2 Cr 4, 17). Nhờ những gian truân mà ta đạt tới sự sống vĩnh cửu.

4/ THỨ TƯ, BẰNG CÁCH BIẾN ĐỔI NHỮNG THỬ THÁCH GIAN TRUÂN THÀNH ĐIỀU TỐT

Chính vì thế Đức Kitô đã không dạy chúng ta cầu nguyện: “xin giải thoát chúng con khỏi gian truân” nhưng  là “xin giải thoát khỏi  sự dữ”, bởi vì đối với các thánh thì  những gian truân là cơ hội cho các ngài đạt được triều thiên, và vì thế làm cho các ngài hãnh diện  như thánh Phaolô đã nói: “chúng tôi còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng, ai quen chịu đựng thì được kể là người trung kiên, ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy. Sự trông cậy thì không thất vọng” (Rm 5, 3-5). Và các ngài đã lặp lại lời nguyện xin trong sách Tôbia : “Lạy Thiên Chúa của các tổ phụ chúng con, chúc tụng danh Ngài … bởi vì trong lúc gian truân, Ngài tha thứ các tội lỗi đã phạm” (Tb 3, 33).

Như vậy, Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi sự dữ của nỗi gian truân bằng cách biến nó thành điều tốt, và như vậy Ngài biểu lộ sự khôn ngoan tuyệt vời. Thực vậy, khôn ngoan là biết điều hướng sự dữ đến việc kiến tạo điều lành: nhờ sự gian truân mà ta thực hiện đức kiên nhẫn. Thực vậy, các nhân đức khác sử dụng những điều tốt nơi con người, còn đức kiên nhẫn thì sử dụng những điều xấu, vì thế nó chỉ cần thiết trong lúc xấu nghĩa là khi gặp gian truân, như đã viết trong sách Châm ngôn: “Nhờ đức kiên nhẫ, mà ta biết được sự khôn ngoan của con người” (Cn 19, 11).

Nhờ ơn Cao Minh (khôn ngoan), Thánh Linh dạy chúng ta cầu xin “Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ”. Khi đối phó những gian truân của cuộc đời một cách khôn ngoan, thì chúng ta đạt đến hạnh phúc, mà chúng ta bắt đầu nếm hưởng nhờ sự an bình tâm hồn.  Nhờ đức kiên nhẫn mà chúng ta  duy trì sự an bình nội tâm khi yên hàn cũng như lúc gian truân.  Vì thế ta hiểu được tại sao những kẻ yêu chuộng an bình được gọi là con cái Chúa, nghĩa là giống với Ngài, bởi vì không có gì, dù thuận lợi hay nghịch cảnh, có thể làm họ xao xuyến  cũng giống như Chúa. Do đó, “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5, 9).

Chúng ta kết thúc  kinh Lạy Cha với lời Amen, ra như đóng dấu ấn xác nhận tất cả những điều nguyện cầu.