Năm Đức Tin Với Thánh Tôma Aquinô: “Xin Cho Ý Cha Được Thể Hiện Dưới Đất Cũng Như Trên Trời” – Bài 20

0
1160


Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

 

NĂM ĐỨC TIN THEO THÁNH TÔMA – Bài 20

ĐỀ TÀI: KINH LẠY CHA

“XIN CHO Ý CHA ĐƯỢC THỂ HIỆN DƯỚI ĐẤT CŨNG NHƯ TRÊN TRỜI”

***

 

Lời cầu xin thứ ba trong Kinh Lạy Cha gây ra  cảm giác nặng nề nhất! Chúng ta liên tưởng đến lời cầu của Đức Giêsu trong Vườn Cây Dầu: “xin vâng theo ý Cha!”  Hình như thánh Tôma cũng ý thức điều đó và tìm cách thuyết phục chúng ta hãy sửa đổi quan điểm: ý Thiên Chúa không phải là cái gì nặng nề, bi đát! Thánh nhân giải thích cụm từ “ý muốn của Thiên Chúa” theo ba nghĩa: 1/ Thiên Chúa muốn cho chúng ta được cứu độ, nghĩa là sự sống đời đời. 2/ Thiên Chúa muốn chúng ta tuân giữ các giới răn vì chúng là những phương thế giúp chúng ta đạt đến sự sống đời đời. 3/ Thiên Chúa muốn cho chúng ta trở về trạng thái nguyên tuyền trước khi nguyên tổ phạm tội, nghĩa là khi ý chí con người suy phục Thiên Chúa, và từ đó mọi thành phần trong con người cũng được ổn định.

Điều gây ra khó khăn cho chúng ta khi đọc những lời này nằm ở chỗ là ý muốn của Thiên Chúa đã đã được thực hiện “ở trên trời” rồi, nơi các thánh nhân; còn chúng ta “dưới đất”  là những kẻ lữ hành, còn phải cố gắng nhiều để thực hiện ý muốn của Cha.  Thánh Tôma cũng lợi dụng cơ hội này để trình bày đạo lý về sự hợp tác giữa ân sủng của Chúa và nỗ lực của chúng ta. Chúng ta không xin rằng “Cha hãy thực hiện ý muốn của Cha”; chúng ta cũng không xin rằng “Chúng con sẽ thực hiện ý Cha”, nhưng là: “Xin cho ý Cha được thể hiện”, nhằm nêu bật vừa tác động của ơn thánh vừa nỗ lực của chúng ta, theo như lời thánh Augustinô: “Chúa dựng nên ta khi không có ta, nhưng sẽ không cứu ta nếu không có ta hợp tác”.

Có lẽ các chuyên viên chú giải Kinh Thánh không đồng ý với sự giải thích của thánh Tôma. Tuy nhiên thánh nhânvừa muốn dựa vào Lời Chúa vừa muốn đưa ra những suy tư dựa theo kinh nghiệm của mình.

Lời cầu xin này được liên kết với ơn minh luận (scientia) và chân phúc dành cho kẻ sầu khổ khóc lóc.

***

Ơn thứ ba mà Thánh Linh ban cho chúng ta là ơn minh luận.Thật vậy,Thánh Linh không chỉ ban ơn kính sợ và ơn sùng hiếu, – là một tâm tình âu yếm đối với Thiên Chúa như đã nói trên -, nhưng còn làm cho con người trở nên khôn ngoan.Đây là điều mà vua Đavít cầu xin Thiên Chúa: “Xin dạy con hiểu cho tường, xét cho đúng bởi vì con tin tưởng ở mệnh lệnh của Ngài” (Tv 119, 66). Và Thánh Linh dạy con người biết sống tốt đẹp nhờ ơn minh luận.

Trong những bài học liên quan đến sự minh luận và cao minh của con người, thì bài học cao cấp nhất là:không cậy dựa vào phán đoán riêng của mình, như sách Châm ngôn đã dạy: “chớ hề cậy dựa vào hiểu biết của con” (Cn 3,5). Thật vậy, những người tự mãn vềphán đoán của mình đến độ không tin vào người khác, thì thường bị coi là dại dột và họ thật là dại.Sách Châm ngôn đã khuyên: “Nếu con gặp một kẻ tự cho mình là khôn, thì thà hy vọng vào đứa ngu còn hơn là tin vào người ấy” (Cn 26, 12).

Chính nhờ đức khiêm nhường mà con người không tin vào những phán đoán chủ quan, bởi vì đức khiêm nhường đâm rễ nơi đức cao minh ta đọc trong sách Châm ngôn: “ở đâu đức khiêm nhường ngự trị thì ở đó cũng sẽ gặp người khôn ngoan; trái lại, kẻ kiêu ngạo thì chỉ tin tưởng chính bản thân họ thôi (x. Cn 11,2).

Vì vậy, nhờ ơn minh luận, Thánh Linh dạy chúng ta đừng làm gì theo ý muốn của mình nhưng hãy làm theo ý muốn của Thiên Chúa. Nhờ ơn này, chúng ta cầu xin Thiên Chúa để cho ý của ngài được thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Và ơn minh luận hiểu tỏ hiện trong lời cầu xin như vậy, bởi vì khi chúng ta thưa với Thiên Chúa rằng: “xin ý Cha được thể hiện”, thì chúng ta mang tâm trạng giống như một người bệnh  đến xin thầy thuốc hãy cho mình một cái gì đó. Người bệnh không bộc lộ ý muốn xin một điều gì cụ thể, nhưng phó thác cho ý muốn của thầy thuốc. Giả như hắn muốn làm theo ý của mình thì thật là ngu dại. Chúng ta cũng giống vậy: chúng ta đừng kêu xin Chúa điều gì khác, ngoài việc chu toàn ý muốn của Ngài , nghĩa là xin cho ý muốn của Chúa được hoàn tất nơi chúng ta.

Thực vậy, tâm hồn con người chỉ thực sự là ngay chính khi sống phù hợp với thiên ý, như Đức Kitô đã làm: “tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6, 38). Xét như là Thiên Chúa, Đức Kitô có cùng ý muốn với Thiên Chúa Cha. Xét như là con người, Đức Kitô có một ý muốn khác với ý muốn của Chúa Cha. Xét về phía ý chí con người Đức Kitô đã nói rằng Người không làm theo ý riêng của mình nhưng theo ý của Chúa Cha. Vì thế Người dạy chúng ta cầu nguyện và và khẩn xin rằng: “Xin cho ý Cha được thi hành”.

Nhưng lời cầu xin này có nghĩa gì? Vịnh gia đãchẳng nói rằng: “tất cả những gì Đức Chúa muốn, thì Người sẽ thực hiện ở trên trời cũng như dưới đất” (Tv 135,6) đấy ư? Nếu Chúa làm được tất cả mọi sự trên trời dưới đất, thì cầu xin “ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời” có ý nghĩa gì không?

Để hiểu điều này, nên biết rằng có ba điều mà Thiên Chúa muốn.Và chúng ta xin cho ba điều ấy được thực hiện.

1. SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI

Điều thứ nhất mà thiên chúa muốn cho chúng ta là sự sống đời đời. Thật vậy, phàm ai đã làm một vật vì một mục tiêu nhất định thì muốn cho vật ấy đạt được mục tiêu ấy. Thế mà Thiên Chúa đã tạo dựng con người không phải là không có mục đích. Thực vậy, Thánh vịnh có lời chép : “Phải chăng Chúa đã tạo dựng tất cả loài người vô ích?” (Tv 88, 48). Thế nhưng Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo một mục đích: không phải để hưởng những khoái cảm giác quan, bởi vì loài thú vật cũng có những điều ấy, nhưng là để cho họ được sự sống đời đời. Thiên Chúa muốn con người được sự sống đời đời. Khi một hữu thể đạt đến mục tiêu vì đó mà nó được làm ra thì người ta nói rằng nó được cứu thoát; khi nó không đạt đến mục tiêu thì người ta nói rằng nó bị hư mất.Thế mà, con người được Thiên Chúa tạo dựng để được sống vĩnh cửu.Vì thế khi đạt đến sự sống vĩnh cửu thì con người đã được cứu thoát, và đó cũng là điều mà Chúa muốn như có lời chép : “Ý muốn của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6, 40).

Ý muốn này đã được hoàn tất nơi các Thiên Thần và các Thánh trên thiên quốc, bởi vì các vị nhìn thấy Thiên Chúa, hiểu biết Ngài và hỷ hoan trong Ngài. Phần chúng ta, chúng ta mong ước cho ý muốn Thiên Chúa cũng được thành toàn nơi chúng ta là những người còn ở dưới đất, cũng như ý muốn ấy đã được hoàn tất nơi các Phúc nhân trên trời. Đó là điều mà chúng ta khẩn nài khi cầu nguyện: “Xin ý Cha được thể hiện nơi chúng con đang ở dưới thế này cũng như ý Cha đã thực hiện nơi các Thánh trên trời vậy”.

2. TUÂN GIỮ CÁC GIỚI RĂN CỦA CHÚA

Điều thứ hai mà chúa muốn nơi chúng ta là chúng ta tuân giữ các giới răn Chúa. Thật vậy, ai mong muốn một điều gì thì không những muốn điều ấy và còn muốn muốn mọi phương tiện để đạt được điều ấy.Khi muốn cho bệnh nhân được khoẻ mạnh, thì thầy thuốc cũng muốn cả sự kiêng cữ và các thuốc thang cùng với những gì cần thiết cho sức khỏe.Thiên Chúa muốn cho con người đạt được sự sống vĩnh cửu, cho nên Ngài muốn cho chúng ta thực hành những điều cần thiết để đạt được nó, và chúng ta đạt đến sự sống vĩnh cửu bằng cách tuân giữ các điều răn của Chúa. Chúa Giêsu đã dạy:“Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn” (Mt 19, 17). Thánh Phaolô cũng viết: “Anh em hãy thi hành việc thờ phượng hợp lý …, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12, 1-2).

Tốt bởi vì hữu ích, như Isaia đã viết: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, Đấng dạy ngươi những điều bổ ích, Đấng hướng dẫn ngươi trên đường ngươi đi” (Is 48, 17).

Đẹp lòng Chúa bởi vì thánh ý Chúa trở nên điều thích thú đối với kẻ yêu mến Ngài, mặc dù nó cực nhọc đối với những người khác, như lời của thánh vịnh: “Ánh sáng bừng lên chiếu rọi người công chính, niềm vui làm rạng rỡ kẻ lòng ngay” (Tv 97, 11).

Hoàn hảo bởi vì Thánh ý Thiên Chúa là điều tốt đẹp thiêng liêng, xét rằng Thiên Chúa đã muốn cho chúng ta “nên hoàn thiện, như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48).

Vì vậy khi chúng ta nói: “xin cho Ý Cha được thể hiện” thì chúng ta đang cầu xin Thiên Chúa ban ân sủng để tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa. Thánh ý này của Thiên Chúa đã thành toàn nơi những người công chính, được ám chỉ bằng lời “trên trời”, nhưng chưa thành toàn nơi những tội nhân, được ám chỉ bằng lời “dưới đất”. Vì thế chúng ta cầu xin rằng thánh ý Thiên Chúa được thể hiện ở dưới đất, nghĩa là nơi các tội nhân, cũng như được thể hiện ở trên trời, nghĩa là nơi những người công chính.

Nên ghi nhận là những lời lẽ được sử dụng trong kinh này đã hàm chứa một bài học. Lời kinh không nói rằng: “Cha hãy làm ý muốn của Cha”, và cũng chẳng nói: “Xin cho chúng con làm ý muốn Cha”, nhưng là: “Xin cho ý muốn Cha được thể hiện”. Thật vậy, để đạt đến sự sống vĩnh cửu cần có hai điều, đó là:ân sủng của Thiên Chúa và ý muốn của con người. Mặc dù Thiên Chúa tạo dựng con người mà không cần sự trợ giúp của con người, nhưng Người không thể cứu độ con người mà không có sự hợp tác của con người. Thánh Augustinô đã nói khi chú giải Tin Mừng Gioan: “Thiên Chúa dựng nên bạn mà không cần bạn, nhưng Ngài sẽ không thể cứu bạn mà không có bạn”. Thật vậy Thiên Chúa muốn sự cộng tác của con người. Tiên tri Dacaria nói: “Hãy trở lại với Ta và Ta sẽ trở lại với các ngươi” (Dcr 1, 3). Và thánh Phaolô cũng viết: “Tôi có là gì thì cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Ngài ban cho tôi đã không vô hiệu” (1 Cor 15, 10). Vì thế, bạn đừng quá cậy dựa vào sức bản thân, nhưng hãy tin tưởng vàoân sủng Chúa; đừng chối bỏ sự trợ giúp của Người, nhưng hãy cùng cộng tác với Người.

Vì thế Đức Giêsu không dạy chúng ta cầu nguyện: “xin cho chúng con thi hành Thánh ý”, để khỏi gây cảm tưởng là ân sủng Chúa chẳng làm gì cả. Và Người cũng không dạy chúng ta cầu nguyện: “Cha hãy thực hiện Thánh ý”, để khỏi gây cảm tưởng là ý chí và nỗ lực của chúng ta chẳng có giá trị gì. Nhưng Người dạy chúng ta cầu nguyện: “Xin cho Thánh ý Chúa được thể hiện” nghĩa là nhờ ân sủng Thiên Chúa và  sự dấn thân nỗ lực của chúng ta.

3. PHỤC HỒI TÌNH TRẠNG UYÊN NGUYÊN BAN ĐẦU

Điều thứ ba mà Thiên Chúa muốn là chúng ta được phục hồi tình trạng và phẩm giá của con người vào thuở ban đầu tạo dựng, khi mà tinh thần và linh hồn con người không bị xáo trộn do xác thịt và dục vọng, giác cảm.

Bao lâu linh hồn con người còn suy phục Thiên Chúa, thì thân xác thịt qui phục tinh thần đến nỗi không cảm thấy sự hủy hoại, sự chết, bệnh tật và những dục vọng. Thế nhưng từ khi nguyên tổ phạm tội, thì tinh thần và linh hồn chống lại Thiên Chúa, thì thân xác chống lại linh hồn và từ đó bắt đầu cảm nghiệm sự chết và bệnh tật, cũng như sự nổi loạn liên miên của dục tình chống lại tinh thần. Thánh Phaolô đã mô tả tình trạng này như sau: “Tôi thấy nơi thân thể mình một thứ luật khác gây chiến với luật của tin thần” (Rm 7,23), và: “xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn” (Gal 5, 17).

Bởi thế đã diễn ra một cuộc giao tranh liên tục giữa xác thịt và thần khí, và con người càng ngày càng tồi tệ hơn.Vì vậy, Thánh ý Thiên Chúa là muốn khôi phục tình trạng nguyên thủy của con người, ngõ hầu không còn bất cứ sự đối chọi nào giữa xác thịt và thần khí, như thánh Phaolô  đã giải thích: “Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh” (1 Tx 4, 3).

Thế nhưng, ý muốn này của Thiên Chúa không thể thành tựu ở đời này được, mà chỉ vào ngày phuc sinh của các thánh, khi đó thân xác sẽ phục sinh vinh hiển, không còn hư hoại nữa và sẽ chói ngời rực rỡ, như có lời chép: “Gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang;gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ” (1 Cr 15, 43).Thánh ý Thiên Chúa sẽ thành hiện thực nơi các thánh bằng sự chính trực, sự thông hiểu vả cuộc sống của họ.

Vì thế, khi nguyện rằng: “Xin cho Ý Cha được thể hiện”, thì chúng ta cầu xin Thiên Chúa thực hiện thánh ý Ngài ngay cả trong thân xác chúng ta nữa.Những lời “ở trên trời” được hiểu về tinh thần, còn “ở dưới đất” được hiểu về thân xác.

Lời cầu xin thứ ba của Kinh Lạy Cha hướng chúng ta đến mối phúc thật dành cho những người sầu khổ: “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an” (Mt 5, 5). Sự liên kết này rất dễ hiểu khi chúng ta ôn lại ba ý nghĩa đã được giải thích trên đây.

–  Trước hết, Thiên Chúa muốn và thúc đẩy chúng ta mong ước sự sống vĩnh cửu.  Bởi vì chúng ta mong ước sự sống vĩnh cửu, cho nên chúng ta sầu khổ khi chưa đạt được, như vịnh gia thốt lên :“Thật bất hạnh cho tôi, tôi phải chịu sống lưu đày quá lâu (xc. Tv 120, 5). Nơi các vị thánh, niềm mong ước sự sống vĩnh cửu đôi khi quá mãnh liệt đến nỗi các ngài mong ước được chết, dù rằng sự chết tự nó là điều phải tránh.Thánh Phaolô viết : “Chúng tôi luôn vững dạ tin tưởng, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa” (2 Cor 5, 8).

–  Dựa theo cách giải thích thứ hai, những ai tuân giữ các giới răn Chúa để vâng phục thánh ý Thiên Chúa, thì họ cũng đau khổ sầu não, bởi vì nếu những giới răn đó làm cho tâm hồn thanh thản, dịu dàng, nhưng đối với thân xác thì lại là những cay đắng, bởi lẽ các giới răn Chúa hành hạ thân xác liên lỉ, như thánh vịnh đã nói: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng” (Tv 126, 5).

–  Dựa theo cách giải thích thứ ba, bàn về cuộc chiến giằng co giữa thể xác và tinh thần, thì cuộc giao tranh này gây ra sầu khổ. Thật vậy, cuộc chiến nào cũng có thương vong, cuộc chiến của linh hồn cũng vậy: thế nào  linh hồn cũng bị  thương tích bởi thân xác, ít là vì các tội nhẹ.  Bởi vì linh hồn buộc phải đền tội cho nên sinh ra sầu khổ, như vịnh gia than thở:  “Mỗi đêm –  nghĩa là bóng đêm tội lỗi – rên siết đã nhiều, nên con mệt mỏi, trên giường ngủ, những thổn thức năm canh, từng giọt vắn dài, lệ tuôn đẫm gối – nghĩa là lương tâm của ta ” (Tv 6, 7).

Ai sầu khổ than khóc như thế thì sẽ đạt đến quê trời.Thiên Chúa sẽ chiếu cố dẫn chúng ta vào Nước của Ngài.