Năm Đức Tin Với Thánh Tôma Aquinô: “Xin Cha Cho Chúng Con Hôm Nay Lương Thực Hằng Ngày” – Bài 21

0
1414


Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

 

NĂM ĐỨC TIN THEO THÁNH TÔMA – Bài 21

ĐỀ TÀI: KINH LẠY CHA

“XIN CHA CHO CHÚNG CON HÔM NAY LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY”

***

 

Ba lời cầu xin trong phần đầu của Kinh Lạy Cha mang tính chúc tụng. Bốn lời cầu xin trong phần thứ hai mang tính khẩn nài. Hôm nay chúng ta bắt đầu học hỏi lời cầu xin thứ bốn, mở đầu cho phần thứ hai.

Chắc hẳn đây là lời cầu xin được “hội nhập văn hóa” hơn cả, với mặt trái và mặt phải của nó. Cho đến công đồng Vaticanô II, các tín hữu Việt Nam cầu xin: “Xin Cha cho chúng tôi rày hằng ngày dùng đủ”. Ngày nay, chúng ta xin “Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”. Nhưng đó là dịch theo ý, chứ nếu muốn dịch sát nguyên văn thì phải nói: “Xin cho chúng con hôm nay bánh mỗi ngày”. Lý do của sự “thích nghi” đã quá rõ: ở Việt Nam người ta dùng “cơm” (cơm bữa) chứ không dùng “bánh” (bánh hằng ngày) như là ở vùng Địa trung hải. Đó là mặt phải của bản dịch; nhưng mặt trái của nó là bản dịch bỏ qua một suy tư của nhiều giáo phụ về chữ “bánh”: nó còn có nghĩa thiêng liêng nữa, ám chỉ Chúa Giêsu là bánh từ trời, và đặc biệt là bánh Thánh Thể.

Thánh Tôma phân tích nội dung của lời kinh để khám phá ra những bài học luân lý khi cầu xin Chúa ban những của cải trần thế: cần tránh 5 thói xấu:

1/ Ước mong nhiều điều không cần thiết (xin “bánh” là lương thực cần để sống, chứ không xin những xa hoa).

2/ Chiếm đoạt tài sản của người khác (xin bánh của “chúng con” chứ không xin bánh của người khác).

3/ Tham lam vô độ (xin bánh “hôm nay” chứ không phải là cả năm).

4/ Tiêu pha hoang phí.

5/ Vô ơn (cần phải biết mọi sự tốt lành đều bởi Chúa).

Thánh Tôma liên kết lời cầu xin này với ơn dũng cảm (hoặc: sức mạnh, mạnh bạo) của Chúa Thánh Linh, và chân phúc dành cho kẻ đói khát sự công chính (Mt 5,6).

***

XIN CHO CHÚNG CON HÔM NAY BÁNH MỖI NGÀY

 

Đôi khi một người uyên thâm học rộng có thể trở nên rụt rè, vì thế họ cần có tâm hồn dũng cảm để khỏi bị gục ngã trước những thử thách. Ơn dũng cảm cho Thánh Linh đổ xuống. Thánh Linh “ban sức mạnh cho ai mệt mỏi; kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng” (Is 40, 29). Ngôn sứ Êdêkien  cũng nói về Ngài như thế này: “Một thần khí đã nhập vào tôi … và làm cho chân tôi đứng lên” (Ed 2, 2). Ơn dũng cảm được Thánh Linh ban để giúp trái tim con người không bị suy sụp vì sợ những thử thách, nhưng luôn tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ cho tất cả những gì cần thiết cho mình. Bởi vậy, Thánh Linh, Đấng ban cho ta sự dũng mạnh, thì cũng dạy chúng ta hãy xin Thiên Chúa ban cơm bánh. Vì thế người ta gọi Ngài là Thần Khí dũng cảm.

Một điều cần biết là, trong ba lời cầu xin trên đây, chúng ta cầu xin những sự của tốt thiêng liêng. Cho dù những điều này đã được khởi đầu ở thế gian này, nhưng chúng sẽ chỉ thành toàn trong cuộc sống vĩnh cửu sau này mà thôi. Thực vậy, khi cầu xin “Danh Cha được nên thánh” là chúng ta xin cho sự thánh thiện của Chúa được nhận biết; khi cầu xin “Vương quốc của Cha đến” là chúng ta xin cho được thông phần vào sự sống đời đời; khi cầu xin “Ý Cha thể hiện” là chúng ta xin cho Ý Chúa được hoàn tất nơi chúng ta. Tất cả những sự của tốt này đã hiện thực một phần nào ngay tại thế gian này, nhưng chỉ sẽ thực hiện trọn vẹn trong đời sống vĩnh cửu.

Vì thế cần phải xin Chúa ban một vài điều tốt có thể trọn vẹn ngay từ đời này.  Do đó Thánh Linh dạy chúng ta hãy cầu xin những điều tốt cần thiết cho cuộc sống hiện tại ở đời này, hầu cho thấy rằng kể cả những điều tốt ở trần thế cũng là do Chúa ban cho ta. Thánh Linh dạy chúng ta nguyện cầu: “Xin cho chúng con hôm nay bánh hằng ngày”.

Bằng những lời này, Chúa dạy chúng ta phải tránh 5 thứ tội mà chúng ta dễ phạm khi ước muốn những sự vật trần thế.

Tội thứ nhất là ham muốn quá mức, đi tìm cái vượt quá thể trạng hoặc điều kiện của mình, vì không hài lòng với những gì mình có. Chẳng hạn như một anh lính không muốn mặc y phục của người lính nhưng muốn mặc đồ sĩ quan; một giáo sĩ không thích mặc như giáo sĩ mà muốn mặc đồ của Giám mục. Bởi vì thói xấu này đã ràng buộc quá chặt ý muốn của con người vào những thứ tạm bợ, cho nên khiến cho con người quên đi những của tốt thiêng liêng. Đức Giêsu dạy chúng ta phải tránh xa thói xấu đó khi Người dạy chúng ta chỉ cầu xin bánh ăn, nghĩa là nhu cầu cần thiết cho cuộc sống hiện tại, tương xứng với điều kiện của mỗi người. Chúa không dạy chúng ta phải cầu xin những thứ cao lương mỹ vị, chọn lọc và tinh xảo, nhưng là cầu xin “bánh ăn”, là thứ cần thiết, nếu thiếu nó thì không ai sống nổi, và cũng là thứ lương thực phổ biến của mọi người, như sách Huấn ca đã nói: “nước, bánh và áo mặc là những thứ cần thiết cho sự sống” (Hc 29, 27). Vì thế thánh Phaolô đã khuyên: “Nếu có cơm ăn áo mặc, ta hãy hài lòng” (1 Tm 6, 8).

Tội thứ hai là của những người vì muốn chiếm hữu của cải trần thế cho nên đã gây tổn hại cho người khác hoặc lường gạt họ. Đây là một thói xấu rất nguy hiểm, bởi vì những của cải bị đánh cắp thì rất khó được hoàn trả nguyên vẹn. Thánh Augustnô  nói: “tội lỗi không thể thứ được, nếu như người ta không hoàn trả nguyên vẹn những gì đã lấy cắp” (Ep. 153,6,20), và thánh Grêgôriô tiếp: “Những kẻ trộm cắp ăn cái bánh đầy tội lỗi”. Đức Giêsu đã dạy chúng ta tránh xa tội này, khi Người dạy chúng ta cầu xin “bánh” của “chúng ta”, chứ không xin bánh của người khác. Thực vậy những tên trộm cắp thường ăn bánh của người khác, thay vì ăn bánh của mình.

Tật xấu thứ ba nhấn mạnh vào việc lo lắng quá đáng. Có những người chẳng bao giờ thoả mãn với những gì đã có, nhưng luôn mong muốn có nhiều hơn nữa. Cái khuynh hướng ấy hẳn là rối loạn, bởi vì lòng ham muốn cần phải được điều chỉnh bởi sự cần thiết. Sách Châm ngôn đã có lời cầu xin: “Xin đừng để con túng nghèo, cũng đừng cho con giàu có; chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng” (Cn 30, 8). Đức Giêsu cũng dạy chúng ta tránh xa thói xấu này bằng những lời cầu nguyện sau : “Xin Cha cho chúng con hôm nay bánh mỗi ngày”, nghĩa là dùng đủ cho một ngày hoặc một khoảng thời gian.

Thói xấu thứ tư là tính tham lam. Tính xấu này bắt nguồn từ lòng ham muốn vô độ những của cải thế gian. Có những người muốn ăn tiêu trong một ngày khối lượng có thể sử dụng cho nhiều ngày. Họ không cầu xin bánh ăn trong ngày, nhưng xin bánh ăn cho cả 10 ngày sau đó. Và để đạt được nhiều của cải, họ phải chi tiêu rất nhiều, đưa đến tình trạng là sử dụng hoang phí tất cả những gì mình có, như lời chép trong sách Châm Ngôn : “kẻ say sưa ăn nhậu ắt sẽ phải túng nghèo (Cn 23, 21), và sách Huấn Ca cũng khuyên : “Một người thợ say sưa sẽ không giàu có được” (Hc 19, 1).

Tật xấu thứ năm là vô ơn bội nghĩa. Kẻ nào có nhiều của cải thì dễ kiêu căng, và không nhận ra rằng những gì mình có là bởi Thiên Chúa ban cho. Đây là một tội rất lớn, bởi vì tất cả mọi điều tốt mà chúng ta có, dù là thiêng liêng hay vật chất, đều là bởi Chúa,  theo như lời của vua Đavít : “Mọi sự chúng con dâng lên Ngài, đều do Ngài mà có,  bởi tay Ngài mà ra” (1 Sbn 29, 14). Để tránh xa tật xấu này, Đức Giêsu đã dạy chúng ta cầu xin rằng: “Xin cho chúng con bánh” để chúng ta biết rằng tất cả mọi sự đều bởi Thiên Chúa.

Chúng ta có một chứng tích về điều này. Đôi khi ta thấy rằng có người rất giàu sang mà họ chẳng rút tỉa một lợi ích nào từ sự giàu sang đó, nhưng họ chỉ thấy những tai hại về thể chất lẫn tinh thần. Thực vậy, có những người giàu đã chết vì sự tài sản của mình. Sách Giảng Viên thuật lại: “Dưới ánh mặt trời, tôi đã nhìn thấy một sự dữ, đó là một sự dữ lớn đối với con người. Có kẻ được Thiên Chúa ban của cải, tài sản và vinh dự. Người ấy muốn gì được nấy, chẳng thiếu thốn chi. Nhưng Thiên Chúa không cho người ấy hưởng những thứ đó, mà lại cho một người khác hưởng. Đó cũng là một chuyện phù vân, một sự dữ làm tôi đau đớn” (Gv 6, 1-2), và “Dưới ánh mặt trời, tôi đã thấy một sự dữ làm tôi đau đớn, đó là người giữ của lại chuốc hoạ vào thân, và con ông ta phải trắng tay” (Gv 5, 12). Vì thế chúng ta cầu xin Thiên Chúa rằng những của cải mang lại ích lợi cho chúng ta. Đó là điều mà chúng ta xin “Xin cho chúng con bánh”, nghĩa là “xin làm cho những tài sản trở nên hữu ích cho chúng con”.  Có như vậy thì chúng ta tránh khỏi rơi vào tình trạng được nói trong sách Gióp : “Thức ăn sẽ biến chất và trở thành nọc độc giết người. Của cải nó đã ngốn, ắt nó phải mửa ra, Thiên Chúa sẽ tống ra khỏi lòng nó” (G 20, 14-15).

Một tật xấu khác mà chúng ta nhận thấy nơi những sự vật trần thế là sự lo lắng thái quá. Thật vậy, có những người ngay từ hôm nay đã lo lắng điều gì sẽ xảy ra trong năm tới, thế rồi họ luôn áy náy xôn xao. Nhưng Chúa đã dạy: “anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây” (Mt 6, 31). Vì thế Người dạy chúng ta hãy cầu xin bánh hôm nay, nghĩa là những gì cần thiết cho hiện tại.

Nhưng còn có hai loại bánh khác nữa: bánh Thánh Thể và bánh Lời Chúa (Thánh Ciprianô, De oratione dominica ). Chúng ta cầu xin để cho bánh Thánh Thể, mà Giáo Hội thánh hiến mỗi ngày, mang lại cho chúng ta ơn cứu độ nhờ việc lãnh nhận bí tích. Đức Giêsu đã nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 51). Còn thánh Phaolô  cảnh giác: “Ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình” (1 Cor 11,29).

Trong Kinh Lạy Cha, chúng ta cũng cầu xin bánh Lời Chúa, đó là thứ bánh mà Đức Giêsu đã nói: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4, 4). Vì thế khi xin Cha ban bánh thì chúng ta cũng xin ban Lời của Ngài.

Từ đó nảy ra niềm hạnh phúc được hứa ban cho kẻ đói khát sự công chính. Thực vậy, khi con người đạt được những của tốt thiêng liêng, thì lại càng ước mong hơn nữa. Từ lòng ước mong này sinh ra sự đói khát, và từ sự đói khát sinh ra sự thõa mãn của đời sống vĩnh cửu mà chúng ta đang hướng đến.