Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
NĂM ĐỨC TIN THEO THÁNH TÔMA – Bài 45
ĐỀ TÀI:
TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN ĐẠI KẾT
***
Thế là chúng ta đã rảo qua các bản văn huấn giáo của thánh Tôma về ba nhân đức Tin Cậy Mến, dựa theo Kinh Tin kính, Kinh Lạy Cha, Mười điều răn. Như đã nói trong phần giới thiệu, hoàn cảnh xuất xứ của các bài huấn giáo này là loạt bài giảng vào mùa Chay năm 1273 tại Napoli.
Để bổ túc phần học hỏi đức tin, chúng tôi xin giới thiệu một bản văn giải thích Kinh Tin kính mang tính cách đại kết trong thế kỷ XX do Ủy ban “Đức Tin và Định chế” (Foi et Constitution, Faith and Order) phát hành năm 1993.
Ủy ban “Đức tin và Định chế” chuyên trách về thần học trong Hội đồng Đại kết các Giáo hội (World Council of Churches), với nhiệm vụ nghiên cứu những khía cạnh thần học nhằm tiến tới sự hợp nhất các Kitô hữu. Theo quan điểm của ủy ban, sự hợp nhất các Kitô hữu có nghĩa là sự thông hiệp trong đức tin, trong đời sống làm chứng tá Phúc âm và trong sứ mạng truyền giáo. Để tiến tới sự thông hiệp đó, cần phải qua ba chặng sau đây: 1) cùng nhau tuyên xưng một đức tin tông truyền; 2) nhìn nhận rằng các Giáo hội khác cũng có chung những yếu tố tông truyền đó, đặc biệt là: bí tích rửa tội, Thánh thể và những tác vụ; 3) thiết lập những cơ cấu chung nhằm bảo đảm việc chung nhau làm chứng tá, cũng như những cơ quan có thẩm quyền quyết định về đường lối hành động và giảng dạy.
Tại phiên họp ở Santiago de Compostela (Tây ban nha) từ 4 đến 13 tháng 8 năm 1993[1], Ủy ban chú trọng đến chặng đầu tiên: việc tuyên xưng đức tin tông truyền. Đại hội đã chấp thuận bản văn giải thích kinh Tin kính, kết quả của 10 năm làm việc và tham khảo, mang tựa đề: Tuyên xưng một niềm tin. Cắt nghĩa đại kết đức tin tông truyền, như đã được tuyên xưng trong tín biểu Nicea-Constantinopolis (381) [2].
Như đã biết, sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo cũng đã dựa trên kinh Tin kính để cắt nghĩa đức tin công giáo. Nhưng giữa hai văn kiện ta thấy có những khác biệt đáng kể về phương pháp. 1) Sách Giáo lý dựa trên Tín biểu các thánh tông đồ (mà nguồn gốc là tín biểu rửa tội của Giáo hội Rôma); còn ủy ban “Đức tin và Định chế” thì dùng kinh Tin kính của công đồng Nicea Constantinopolis, là một bản tuyên xưng đức tin được dùng trong cả các Giáo hội Tây phương lẫn Đông phương. 2) Sách Giáo lý trình bày đạo lý của Giáo hội công giáo; còn văn kiện này thì không những nêu lên những điểm đồng nhất và dị biệt giữa các Giáo hội, nhưng còn vạch ra những thách đố của thời đại nữa.
Đường lối trình bày đi theo thứ tự như sau:
1/ Trước hết, tìm hiểu ý nghĩa của lời tuyên tín, đặt trong bối cảnh lịch sử của nó, cũng như xét tới nền tảng Kinh thánh của lời tuyên tín.
2/ Sau đó, cần phải giải thích cho các Kitô hữu ở thời đại hôm nay, vạch ra những điểm đồng nhất và những điểm tranh luận giữa các Giáo hội, đồng thời với việc tìm hiểu những thách đố của thời đại đứng trước lời tuyên xưng ấy.
Toàn thể Kinh tin kính được chia ra làm ba phần tương ứng với hoạt động của Ba Ngôi Thiên Chúa. Trong mỗi phần, một vài điểm nổi bật được nêu lên để bình giảng.
I. Trong phần thứ nhất (Chúng tôi tin kính một Thiên Chúa), có ba điểm sau đây:
1) Một Thiên Chúa;
2) Cha toàn năng;
3) Đấng Tạo thành và sự tạo dựng.
II. Trong phần thứ hai (Chúng tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô), cũng có ba điểm được nêu lên:
1) Đức Giêsu Kitô đã nhập thể vì phần rỗi chúng ta;
2) chịu đau khổ và chết vì chúng ta;
3) đã sống lại và toàn thắng mọi lực lượng của sự dữ.
III. Trong phần thứ ba (Chúng tôi tin kính Thánh Thần, Hội thánh và Sự sống đời sau), thì bản văn nói tới 4 điểm:
1) Chúa Thánh Thần;
2) Hội thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền;
3) Một phép rửa để tha tội;
4) Người chết sống lại và sự sống đời sau.
Như vậy tổng cộng lại tất cả có 10 điểm, nghĩa là 10 tiết mục bình giải.
Trước khi đi vào từng tiết mục, nên lưu ý một điểm. Thường thì lời tuyên xưng đức tin bắt đầu bắng tiếng “tôi tin kính” (Credo), ở số ít. Thế nhưng kinh Tin kính của công đồng Nicea Constantinopolis bắt đầu với động từ ở số nhiều (“Chúng tôi tin kính”, Credimus in; nguyên bản hy lạp: Pisteuomen eis). Lý do của sự khác biệt là tại chỗ trong các tín biểu dùng vào nghi thức rửa tội, chủ từ đặt ở số ít (“Credo, Tôi tin kính”) vì muốn nói lên sự thâm tín của người dự tòng; còn tín biểu của công đồng thì đặt chủ từ ở số nhiều: “chúng tôi tin kính”, hiểu ngậm là sự tuyên xưng đức tin của toàn thể các nghị phụ. Nhưng ngày nay, khi đọc tín biểu ấy, bắt đầu bằng tiếng “chúng tôi” (như trong các nhà thờ nói tiếng Anh: We believe), người tín hữu bày tỏ sự thông hiệp với toàn thể Giáo hội trong cùng một niềm tin. Đức tin là một hồng ân Chúa ban cho mỗi người, nhưng không phải lẻ loi mà là trong sự thông hiệp với các phần tử khác trong Giáo hội.
Sau bài dẫn nhập hôm nay, từ bài tới chúng tôi sẽ đi vào nội dung. Dĩ nhiên, chúng tôi chỉ tóm tắt tư tưởng chính, chứ không thể dịch sát văn bản dày hơn 100 trang chữ nhỏ. Chúng tôi sẽ chia ra làm bốn bài:
1. Chúng tôi tin kính Một Thiên Chúa (Phần I)
2. Chúng tôi tin kính Một Chúa Giêsu Kitô (Phần II)
3. Chúng tôi tin kính Chúa Thánh Thần (Phần III. Vì phần này dài cho nên tách làm hai bài)
4. Hội thánh duy nhất … Sự sống đời sau.
1. Trong số 205 đại biểu, phái đoàn Giáo hội Công giáo có 32 người (trong đó có 4 vị Giám mục); những thành phần khác gồm 50 đại biểu của các Giáo Hội Chính thống, 45 của Giáo hội cải cách, 38 Luther, 27 Anh giáo, 27 Methodist, 25 thuộc các Giáo hội khác.2. Confessing the One Faith. An Ecumenical Explication of the Apostolic Faith as it is confessed in the Nicene-Constantinopolitan Creed.