Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
NĂM ĐỨC TIN THEO THÁNH TÔMA – Bài 14
ĐỀ TÀI:
TÔI TIN XÁC LOÀI NGƯỜI NGÀY SAU SỐNG LẠI
***
Trước khi đọc bài chú giải của thánh Tôma về mục XI của Tín biểu các thánh Tông đồ, xin nêu lên vài nhận xét về bản văn.
1/ Bản dịch tiếng Việt lặp lại “tôi tin”, còn nguyên bản Latinh chỉ viết một lần “tôi tin” cho toàn thể phần thứ ba của Tín biểu (Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần). Như đã có dịp lưu ý, chính Thánh Linh là chủ động của sự thánh hóa và hợp nhất Giáo hội , vì thế cũng là chủ động của ơn tha thứ; ngoài ra, Thánh Linh là nguyên ủy của đời sống mới nơi người Kitô hữu cũng sẽ là Đấng hoàn tất công trình này qua việc cho thân xác sống lại để họ chia sẻ hạnh phúc vĩnh cửu.
2/ Trong việc phát biểu tín điều, chúng ta thấy có ít là hai công thức: a) carnis resurrectio (sự sống lại của thân xác), b) resurrectio mortuorum (sự sống lại của người chết). Công thức thứ nhất được dùng trong Tín biểu các thánh Tông đồ, có lẽ vì muốn chống lại phái ngộ giáo: họ không chấp nhận rằng thân xác sẽ sống lại bởi vì họ coi thân xác là xấu xa tội lỗi. Qua lời tuyên xưng sự sống lại, Giáo hội khẳng định rằng thân xác cũng được cứu độ. Công thức thứ hai được dùng trong Tín biểu công đồng Constantinopolis, phù hợp với ngôn ngữ của 1 Cr 15. Lời tuyên xưng này muốn nói lên rằng ơn cứu độ chi phối toàn thể con người (cả hồn cả xác) và tất cả mọi người (hết mọi sinh linh).
2/ Thánh Tôma coi tín điều phục sinh thân xác như là một công trình của Thánh Linh trong Hội thánh: ngài làm cho linh hồn được nên thánh, và làm cho thân xác được sống lại. Có lẽ tác giả nghĩ đến “tứ chung” (bốn sự sau cùng), cho nên bài này được kết cấu theo số 4: có bốn điểm phải suy nghĩ; và mỗi điểm bao gồm bốn điều.
***
TÔI TIN THÂN XÁC SỐNG LẠI
Thánh Linh không chỉ thánh hóa linh hồn những người thuộc về Hội thánh nhưng do quyền năng của Ngài, thân xác của chúng ta sẽ được sống lại. Thánh Phaolô viết cho tín hữu Rôma (4,24): “Chúng ta tin vào Đấng đã làm cho Đức Giê-su, Chúa chúng ta, sống lại từ cõi chết”, vào cho các tín hữu Corintô: “Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà những kẻ chết được sống lại” (1Cr 15,21). Như vậy chúng ta tin rằng những người chết sẽ được sống lại. Về điều này cần xét đến bốn điểm: (1) niềm tin này mang lại những lợi ích gì cho chúng ta; (2) đặc điểm của thân xác phục sinh, dù là người lành hay người dữ; (3) trạng thái của những người lành và (4) trạng thái của những người dữ.
A. NHỮNG LỢI ÍCH CỦA NIỀM TIN
Liên quan đến điểm thứ nhất, niềm tin và hy vọng vào sự sống lại mang cho chúng ta bốn điều lợi ích sau đây.
1. Trước hết, nó cất đi nỗi buồn phiền gây ra bởi những người quá cố. Thật vậy không ai mà không đau đớn về cái chết của người thân hay bạn bè. Nhưng niềm hy vọng người đó sẽ sống lại sẽ làm giảm đi sự đau đớn ấy. Thánh Tông đồ viết cho các tín hữu Thesalonica: “Thưa anh em, về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng” (1Tx 4,13).
2. Thứ hai, nó cất đi nỗi sợ hãi cái chết. Nếu ai không hy vọng vào một cuộc sống khác và tốt hơn sau cái chết, thì chắc chắn người đó rất lo sợ về cái chết, và có thể sẵn sàng phạm bất kỳ một tội ác nào miễn là tránh cái chết. Nhưng vì chúng ta tin vào một đời sống khác sẽ đến với chúng ta sau khi chết, cho nên chúng ta không sợ cái chết, cũng chẳng làm hành vi sai trái để tránh nỗi sợ này. Tác giả thư gửi Hip-ri viết: Như vậy, nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ” (Hr 2,14-15).
3. Thứ ba, nó nhắc nhở ta hãy tỉnh thức và nhiệt thành làm việc thiện. Giả như cuộc sống chỉ giới hạn vào đời này mà thôi thì chúng ta sẽ chẳng có một động lực lớn để hành động cao cả bởi vì cho dù làm bất cứ việc gì đi nữa thì nó cũng chẳng có ra gì so với niềm khao khát sự vĩnh cửu chứ không chỉ là cái gì hữu hạn hoặc chỉ trong một thời gian hữu hạn. Trái lại, chúng ta tin rằng nhờ những việc làm ở đời này chúng ta sẽ nhận được phần thưởng đời đời trong sự phục sinh; vì thế chúng ta hăng say muốn làm điều tốt, như thánh Phaolô quả quyết:“Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta quả là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cr 15,19).
4. Cuối cùng, nó giúp chúng ta tránh xa điều dữ. Cũng như niềm hy vọng đạt được phần thưởng sẽ thúc giục chúng ta làm điều tốt, thì nỗi sợ về sự trừng phạt dành cho những hành động gian ác sẽ giúp chúng ta tránh xa điều dữ. Chúa đã dạy: Ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống ; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5,29).
B. CÁC ĐẶC ĐIỂM CỦA NHỮNG NGƯỜI SỐNG LẠI
Thân xác của những người sống lại, dù là kẻ lành hay kẻ dữ, sẽ có bốn đặc điểm như sau:
1. Sự đồng nhất của thân xác phục sinh. Thân xác ấy cũng là một với thân xác hiện nay về xương và thịt. Vài người chủ trương rằng thân xác hiện tại bị hủy hoại và sẽ không sống lại, nhưng họ nó đi ngược với thánh Tông đồ: Cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt” (1Cr 15,53). Kinh thánh khẳng định rằng nhờ quyền năng Thiên Chúa, chính thân xác này sẽ chỗi dậy để sống. Ong Gióp đã tuyên bố với bạn hữu rằng: “Tôi biết rằng vào ngày chót, tôi sẽ chỗi dậy từ đất, và tôi sẽ mặc lấy da, và thân xác, tôi sẽ nhìn ngắm Thiên Chúa” (G 19,26).
2. Điều kiện thứ hai liên quan đến phẩm tính của thân xác phục sinh. Thân xác phục sinh khác với thân xác hiện tại ở chỗ bất khả diệt: những người lành và những người dữ đều có thể xác bất khả diệt, tuy rằng người lành sẽ hưởng vinh quang vĩnh viễn còn người dữ bị luận phạt mãi mãi. Cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt ; và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử” (1Cr 15,53). Vì thân xác sẽ bất diệt và bất tử nên sẽ không cần thức ăn hay tương quan vợ chồng. Chúa Giêsu đã trả lời cho người Sa-đốc rằng: “Trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời” (Mt 22,30). Điều này trái ngược với niềm tin Do thái giáo và Hồi giáo. Ong Gióp nói: “Kẻ xuống âm phủ … sẽ chẳng trở về mái nhà xưa” (G 7,10).
3. Thứ ba, tình trạng nguyên vẹn của thân xác phục sinh: cả người tốt lẫn kẻ xấu sẽ chỗi dậy với thân xác nguyên tuyền, là điều thuộc về bản tính tòan vẹn của con người. Sẽ không còn người mù, người què hay bất kỳ tàn tật nào, như thánh Tông đồ đã viết: Những kẻ chết sẽ chỗi dậy mà không còn hư nát” (1Cr 15,52), nghĩa là không còn phải chịu những hư nát như hiện nay nữa.
4. Tuổi của thân xác phục sinh. Tất cả đều sống lại trong độ tuổi hoàn hảo nhất, đó là độ tuổi 32 hoặc 33. Điều này là bởi vì những ai chưa đến tuổi này thì chưa đạt được sự hoàn hảo, còn ai qua tuổi này rồi thì đã mất đi sự hoàn hảo. Do đó, trẻ em và thanh niên sẽ được thêm những gì họ thiếu còn người già thì sẽ được hồi phục lại những gì đã mất. Thật vậy thánh Phaolô đã viết rằng tất cả chúng ta cần đạt tới tình trạng của con người toàn thiện tới, tới tầm tuổi viên mãn của Đức Ki-tô” (Ep 4,13).
C. TRẠNG THÁI CỦA CÁC PHÚC NHÂN
Thân xác những người lành sẽ nhận được một vinh quang đặc biệt, bởi vì thân xác vinh quang của các phúc nhân sẽ được bốn đặc điểm.
1. Sự sáng chói. Chúa Giêsu nói với các môn đệ:“Vào thời tận thế, người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe” (Mt 13,43).
2. Bất khả thụ nạn (không thể đau khổ). Theo lời thánh Tông đồ: “Gieo xuống (thân xác) thì hèn hạ, mà chỗi dậy thì vinh quang” (1Cr 15,43). Còn sách Khải huyền thì Chúa nói rằng: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt những kẻ được tuyển chọn. Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,4).
3. Sự nhanh nhẹn. Sách Khôn ngoan viết: “Họ sẽ rực sáng như tia lửa bén nhanh khắp rừng sậy” (Kn 3,7).
4. Tính tinh diệu. Thánh Phaolô khẳng định với tín hữu Côrintô : “Gieo xuống là thân thể động vật, mà chỗi dậy là thân thể thiêng liêng” (1Cr 15,44). Điều này không muốn rằng thân thể trở thành thiêng liêng hoàn toàn, nhưng có nghĩa là một thân thể hoàn toàn dưới ảnh hưởng của thần khí.
D. TRẠNG THÁI CỦA NHỮNG NGƯỜI BỊ LUẬN PHẠT
Trạng thái của người bị luận phạt thì tương phản hoàn toàn với các phúc nhân. Họ phải chịu một hình phạt đời đời, và cũng mang theo bốn đặc tính gây ra khổ sở cho họ.
– Thật vậy thân xác của họ sẽ đen đủi chứ không chói sáng: “Mặt của chúng sẽ bị thiêu hủy hoàn toàn” (Is 13,8).
– Thứ đến, thân xác họ sẽ chịu khổ cực tuy không thể bị hủy hoại. Thân xác họ bị thiêu đốt trong lửa nhưng sẽ không bị hủy diệt. Ong Isaia viết: “Giòi bọ rúc rỉa chúng sẽ không chết, lửa thiêu đốt chúng sẽ không tàn lụi” (Is 66,24).
– Thứ ba, thân xác họ sẽ nên nặng nề bởi vì ra như linh hồn sẽ bị trói buộc vào thân xác ấy, như thánh vịnh nói: “Các vua chúa bị xiềng xích” (Tv 149,8).
– Cuối cùng, cả linh hồn và thân xác họ sẽ ở trong một tình trạng xác thịt nào đó, và có thể áp dụng lời của ông Gioel : “Thú vật sẽ mục nát trong những điều nhơ bẩn của chúng” (Ge 1,17).