Năm Đức Tin Với Thánh Tôma Aquinô: Kinh Tin Kính Dân Thiên Chúa (3/3) – Bài 52

0
1053


Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

 

NĂM ĐỨC TIN THEO THÁNH TÔMA – Bài 52

ĐỀ TÀI:

KINH TIN KÍNH DÂN THIÊN CHÚA (3)

***

Trong bài hôm nay, chúng tôi sẽ trình bày phần còn lại của bản kinh (số 14-30), với các đề mục: Thánh mẫu, Tội nguyên tổ, Hội thánh, Thánh Thể, Cánh chung. Chúng ta có thể nhận thấy hầu hết những tín điều này được xác nhận tại các công đồng vào thời Trung cổ và Cận đại.

Thánh mẫu (số 14-15)

* số 14: Đức Maria là Thiên mẫu (Công đồng Ephesô); trọn đời trinh khiết; vô nhiễm nguyên tội.

* số 15: Đức Maria hồn xác lên trời. Vai trò chuyển cầu. Mẹ của Hội thánh (Lumen gentium).

Tội nguyên tổ (số 16-18)

* số 16: Khẳng định tội nguyên tổ. (Tình trạng thánh thiện và công chính vào buổi đầu; tội của ông Ađam và được truyền lại, chứ không phải do bắt chước: Công đồng Trentô).

* số 17: Công trình cứu chuộc của đức Kitô.

* số 18: Sự cần thiết của bí tích rửa tội, kể cả cho các nhi đồng (Công đồng Trentô).

Hội thánh  (số 19-23)

* số 19: Những yếu tố cấu thành Hội thánh:  một (duy nhất, hợp nhất), thánh thiện, công giáo, tông truyền, hữu hình và vô hình (Lumen gentium).

* số 20: Đặc ân bất khả ngộ khi truyền thông gia sản đức tin (Lumen gentium, 25).

* số 21: Duy nhất và đa dạng trong Hội thánh: duy nhất trong đức tin, phụng tự, dây hiệp thông; đa dạng trong nghi điển phụng vụ; khác biệt trong gia sản thần học và tâm linh (Lumen gentium).

* số 22: Niềm tin và hy vọng vào sự hợp nhất Hội thánh.

* số 23: Hội thánh cần thiết cho sự cứu độ.

Thánh Thể  (số 24-26)

* số 24: Thánh lễ thực sự là hy lễ (Công đồng Trentô).

* số 25: Chúa Kitô thực sự hiện diện trong bí tích, nhờ sự biến đổi gọi là “transsubstantiatio”.

* số 26: Chúa Kitô hiện diện thường xuyên trong bí tích. Việc tôn thờ Thánh Thể.

Cánh chung (số 27-30)

* số 27: Hội thánh trong thế giới: Nước Thiên Chúa và các giá trị trần thế.

* số 28: Đời sống vĩnh hằng. Luyện tội.  Cánh chung trung thời. Sự phục sinh.

* số 29: Thiên đàng. Hội thánh thiên quốc.

* số 30: Sự hiệp thông các thánh.

***

TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

 

IV. THÁNH MẪU MARIA

14. Chúng tôi tin Đức Maria là Mẹ trọn đời đồng trinh của Ngôi Lời Nhập Thể, Thiên Chúa và là Đấng cứu chuộc chúng tôi, Chúa Giêsu Kitô (x. Dz.-Sch. 251-252).  Do một đặc ân, Đức Maria đã được cứu chuộc một cách khác thường (x.  Lumen gentium, 53), vì nhìn thấy công nghiệp của Con mình mà Mẹ được giữ khỏi mọi vấn vương tội truyền (x. Dz.-Sch. 2803), và nhờ ân sủng đặc biệt Mẹ đã vượt lên trên tất cả mọi loài thụ tạo (x.  Lumen gentium, 53).

15. Liên kết chặt chẽ bằng sợi dây chặt chẽ và bất khả ly với mầu nhiệm nhập thể và cứu thế (x.  Lumen gentium, 53, 58, 61), đức thánh Trinh Nữ Maria vô nhiễm nguyên tội, sau cuộc đời dương thế đã được đem cả linh hồn và cả xác lên hưởng vinh quang trên trời (x. Dz.-Sch. 3903), và, giống như Con chí thánh của mình đã sống lại từ cõi chết và đạt tới trước số phận dành cho tất cả những người công chính. Chúng tôi tin đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Eva mới, Mẹ Giáo Hội (x. Lumen gentium, 53, 56, 61, 63; x. AAS LVI, 1964, 1016), ở trên trời vẫn tiếp tục làm Mẹ các chi thể của Chúa Kitô, cộng tác với việc sinh dưỡng và phát triển đời sống Thiên Chúa trong hết những người đã được cứu chuộc (x. Lumen gentium 62).

V. TỘI NGUYÊN TỔ

16. Chúng tôi tin mọi người đã phạm tội nơi ông Ađam, nghĩa là tội do Adong phạm nhưng truyền hậu quả lại cho mọi người, vì mọi người có cùng bản tính như ông. Tình trạng này không còn như trước khi bản tính con người đã sa đoạ, được dựng nên trong sự thánh thiện và công chính, và con người được thoát khỏi tội và cái chết. Vì thế bản tính sa đọa đã được truyền lại cho tất cả mọi người, thiếu mất ơn thánh mà trước đây nó đã được trang điểm, năng lực tự nhiên bị thương tổn, và bị cái chết thống trị. Đó là ý nghĩa câu nói: mọi người đều sinh ra trong tội. Với Công đồng Triđentinô, chúng tôi xác nhận rằng tội nguyên tổ đã truyền lại cùng với bản tính loài người, “không vì bắt chước mà vì truyền sinh” và chính vì thế nó gắn với mỗi người” (Dz-Sch. 1513).

17. Chúng tôi tin rằng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, bằng hy sinh thập giá đã cứu chuộc chúng ta khỏi tội tổ tông và khỏi mọi tội riêng mình phạm, đến nỗi theo lời thánh Phao-lô, “ở đâu tội chất đống lên, ở đấy có ơn thánh tràn ngập” (Rm 5,20).

18. Chúng tôi tuyên xưng lòng tin vào một phép rửa duy nhất, do Đức Giêsu Kitô là Chúa chúng ta, đã thiết lập để tha tội. Vậy, phải rửa tội cho cả trẻ em mới sinh, chưa thể phạm tội cá nhân, ngõ hầu khi sinh ra đã thiếu ân sủng siêu nhiên, các em được sinh lại “bởi nước và bởi Chúa Thánh Thần”, nghĩa là sinh vào đời sống thần linh trong Chúa Giêsu Kitô (x. Dz-Sch. 1514).

VI. HỘI THÁNH

19. Chúng tôi tin kính Hội thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, do Chúa Kitô đã xây dựng trên tảng đá Phêrô. Hội thánh là Nhiệm Thể Chúa Kitô, vừa là xã hội hữu hình với các cơ quan phẩm trật, vừa là một cộng đoàn thiêng liêng; đó là Hội thánh dưới trần gian, Dân Chúa trên đường lữ hành, mang theo các ân trạch trên trời và Hội thánh được đầy tràn ân phúc trên trời. Hội thánh là hạt giống và hoa trái đầu mùa của Nước Trời, nhờ Hội thánh mà sự nghiệp và cuộc thụ nạn của Đấng cứu chuộc sẽ được tiếp tục trải qua các thế hệ, và sẽ chỉ hoàn tất cách hoàn hảo trong vinh quang thiên đàng (x.  Lumen gentium, 8, 5).

Các bí tích

Theo dòng thời gian, Chúa Giêsu thành lập Hội thánh của Người nhờ các bí tích trào ra từ sự viên mãn của mình (x. Lumen gentium, 7, 11). Thật vậy, nhờ các bí tích, Hội thánh làm cho mọi người được tham dự vào mầu nhiệm cái chết và sống lại của Chúa Kitô, được lãnh ơn của Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống và sức hoạt động (Lumen gentium, 7, 12, 50). Hội thánh quả là thánh thiện, mặc dầu bao gồm trong lòng mình nhiều người tội lỗi, bởi vì Hội thánh không có sự sống nào khác là sự sống ơn thánh; nếu các phần tử nuôi dưỡng nhờ ơn thánh thì chắc chắn là họ được nên thánh; nếu họ tách ra khỏi sự sống đó thì sẽ mắc tội và những vết nhơ trong linh hồn, làm cho sự thánh thiện của Hội thánh không được phát triển. Bởi vậy Hội thánh buồn sầu và đền tội vì các lầm lỗi đó, tuy nhiên Giáo Hội có thẩm quyền giải thoát con cái mình khỏi các lầm lỗi nhờ Máu Chúa Kitô và ân ban Chúa Thánh Linh.

Nhiệm Vụ truyền bá chân lý

20. Thừa hưởng các lời Thiên Chúa hứa, là con của Abraham theo Thánh Thần, là Israel mới, đầy lòng cung kính các vị tổ phụ và tiên tri, được thiết lập trên nền tảng Tông đồ  (x. Ep 2,20) để truyền bá lời hằng sống từ đời nọ sang đời kia, được uỷ thác quyền chăn chiên nơi vị kế nghiệp Thánh Phêrô và nơi các giám mục thông hảo cùng Toà Thánh, được Chúa Thánh Thần luôn luôn trợ lực, Hội thánh có nhiệm vụ trông coi, giảng dạy, cắt nghĩa và truyền bá Chân Lý mà Thiên Chúa mạc khải xưa kia  cách ẩn hiện nơi các tiên tri và một cách sung mãn nơi Chúa Kitô. Vì thế chúng tôi tin “tất cả Lời Chúa đã được ghi chép và truyền lại, mà Giáo Hội dạy phải tin như điều mạc khải, hoặc công bố trong thể như một tín điều hoặc qua huấn quyền thông thường phổ quát” (x. Dz-Sch. 3011). Chúng tôi tin rằng đấng kế vị thánh Phêrô được ơn bất khả ngộ khi ngài tuyên bố ex cathedra với tư cách là chủ chiên và thầy dạy của toàn thể các tín hữu (x.Dz.-Sch. 3074); (chúng tôi tin rằng) cả giám mục đoàn cũng hưởng ơn đó, khi đồng thi hành quyền giáo huấn tối thượng với  Đức Gíao Hoàng  (x.  Lumen gentium, 25).

Hội thánh duy nhất trong khác biệt

21. Chúng tôi tin rằng Hội thánh do Chúa Kitô sáng lập và được Chúa Kitô cầu nguyện cho, là duy nhất trong mối dây đức tin, phụng tự và hiệp thông phẩm trật. Giữa lòng Hội thánh,  có sự đa dạng phong phú về nghi điển phụng vụ, sự khác biệt hợp pháp về gia sản thần học và tâm linh cũng như các kỷ luật địa phương; sự đa dạng không những không làm thiệt hại mà còn biểu lộ sự hợp nhẩt (x. Lumen gentium, 23).

22. Công nhận rằng, ở bên ngoài cơ cấu Hội thánh Chúa Kitô “còn có nhiều yếu tố của sự thánh thiện và chân lý: những yếu tố này là của riêng Hội thánh Chúa Kitô cho nên thúc đẩy tiến tới sự hiệp nhất Công Giáo” (x.  Lumen gentium, 8), tin tưởng nơi Chúa Thánh Thần đang thúc đẩy mọi người môn đệ Chúa Kitô lòng khao khát hiệp nhất (x.  Lumen gentium, 15), chúng tôi hy vọng các Kitô hữu chưa hiệp nhất với Giáo Hội duy nhất có ngày sẽ gặp nhau trong một đoàn chiên với  một Chúa chiên.

23. Chúng tôi tin rằng Hội thánh là cần thiết cho phần rỗi, bởi vì Chúa Kitô là trung gian duy nhất và là con đường cứu độ duy nhất, đang hiện diện trong Giáo Hội là nhiệm thể Người (x.  Lumen gentium, 14). Nhưng ý định cứu độ của Thiên Chúa bao trùm hết mọi người: do đó những người thành tâm thiện chí trên thế giới, tuy không được biết Phúc Âm Chúa Kitô và Hội thánh của Người, nhưng vẫn đang thành tâm đi kiếm Thiên Chúa và  nhờ ơn thánh, cố gắng tuân hành ý Chúa được biết qua lương tâm chỉ dẫn, thì họ vẫn có thể đạt được ơn cứu độ, mà chỉ Thiên Chúa con số những người đó là bao nhiêu (x.  Lumen gentium, 16).

VII. BÍ TÍCH THÁNH THỂ

Chúa Kitô hiện diện trong hình bánh và rượu

24. Chúng tôi tin Thánh Lễ do linh mục cử hành thay mặt Chúa Kitô, nhờ phép Truyền Chức, và được dâng nhân danh Chúa Kitô và Nhiệm Thể của Người, là lễ hy sinh núi sọ hiện diện một cách bí tích trên bàn thờ. Chúng tôi tin rằng cũng như xưa kia bánh và rượu được thánh hiến do Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly đã trở nên Thân Thể và Máu của Người sắp dâng làm của lễ trên thập giá vì chúng ta, thì ngày nay bánh và rượu được thánh hiến do các linh mục cũng trở nên Mình và Máu Thánh của Chúa Kitô đang ngự trị hiển vinh trên trời. Chúng tôi tin rằng Chúa Giêsu hiện diện cách huyền nhiệm nhưng đích thực, thực sự và bản thể, dưới những hình thể của bánh và rượu mà giác quan chúng ta nhìn thấy (x. Dz.-Sch. 1651).

Bánh và rượu được biến thể

25.  Vì vậy trong bí tích này Chúa Kitô chỉ có thể hiện diện bằng cách biến đổi tất cả bản thể bánh thành Thân Thể của Người và tất cả bản thể rượu thành Máu của Người, mặc dù giác quan chúng ta vẫn thấy giữ nguyên các đặc tính của bánh và rượu. Sự biến đổi huyền diệu ấy được Giáo Hội diễn tả đúng và thích hợp bằng thuật từ trans-substantiatio (biến đổi bản thể). Khi tìm cách hiểu rõ mầu nhiệm này, các nhà thần học muốn giải thích thế nào đi nữa thì cũng cần phải khẳng định rằng bản thể khách quan của bánh và rượu sau khi đã được thánh hiến thì không còn tồn tại nữa, mà chỉ có là Thân Thể và Máu đáng kính của Chúa Giêsu ngự thật dưới những hình thể của bánh và rượu (x. Dz.-Sch. 1642, 1651-1654; thông điệp Mysterium Fidei ); Chúa Giêsu đã muốn như thế để ban mình làm của nuôi chúng ta và liên kết  chúng ta trong Nhiệm Thể của Người.

Chúa Kitô hiện diện trên các bàn thờ

26. Sự hiện hữu của Chúa Kitô vinh hiển trên trời là duy nhất, không thể phân chia và không thể nhân cấp, nhưng hiện diện cách bí tích trên các bàn thờ ở nhiều nơi trên thế giới khi cử hành  Thánh lễ. Sau Thánh lễ, Người còn hiện diện trong bí tích cực thánh, nơi nhà tạm như là trung tâm sống động của mỗi nhà thờ. Đối với chúng ta, thật là một bổn phận rất dịu dàng được đến tôn kính, thờ lạy, trong Bánh Thánh mà mắt ta xem thấy, Ngôi Lời nhập thể mà mắt ta lại không thấy, tuy Ngài không bỏ trời mà vẫn hiện diện trước mặt chúng ta.

VIII. CÁNH CHUNG

Nước Thiên Chúa trên trần gian

27. Chúng tôi cũng tuyên xưng rằng Nước Thiên Chúa khơi mào ở thế gian trong Hội thánh Chúa Kitô, nhưng không thuộc về thế gian này (x. Ga 18,36), mà hình bóng sẽ qua đi (x. 1Cr 7,13); sự phát triển của Hội thánh không thể so sánh với sự tiến bộ của văn minh,  khoa học và kỹ thuật trần thế, nhưng hệ tại ở việc tìm hiểu thấu đáo hơn “những sự phong phú khôn lường của Chúa Kitô” (Ep 3,8),  hy vọng mạnh mẽ hơn vào những của cải trên trời, và đáp trả hăng say hơn tình yêu của Thiên Chúa, và ban phát rộng rãi hơn ân sủng và sự thánh thiện cho loài người. Tuy nhiên, do cũng tình yêu Thiên Chúa thúc đẩy, Giáo Hội luôn lo lắng mưu cầu điều tốt thế tạm đích  thực của nhân loại. Tuy Hội thánh không ngừng nhắc nhở con cái mình rằng họ không có quê hương ở dưới thế này (x. Dt 13,14), nhưng cũng luôn giục giã mọi người, tuỳ theo ơn gọi và phương tiện của mình, hãy góp phần  vào việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, dựa trên công lý, hoà bình, và hiểu biết huynh đệ giữa mọi người,  quảng đại giúp đỡ các anh em xấu số, cách riêng những nghèo nàn túng quẫn. Vì thế mối quan tâm của Hội thánh, Hiền thê Chúa Kitô, đối với những nhu cầu, những niềm vui và hy vọng, những nỗ lực và băn khoăn của con người, không nhằm gì khác hơn là làm sao ở gần mọi người để toả chiếu ánh sáng Chúa Kitô cho họ và để tập hợp tất cả trong Người là Đấng Cứu Tinh duy nhất của họ. Mối quan tâm ấy không hề có nghĩa là Hội thánh hòa đồng vào hoạt động trần thế, hoặc giảm bớt khát vọng mong đợi Chúa của mình và Vương quốc vĩnh cửu.

Giáo Hội bên kia thời gian

28. Chúng tôi tin vào cuộc sống muôn đời. Chúng tôi tin rằng các linh hồn tất cả những người an nghỉ trong ơn thánh Chúa, hoặc còn phải thanh lọc trong lửa luyện tội, hoặc khi lìa xác được Chúa đem lên đưa về thiên đàng như người trộm lành xưa, tất cả đều họp  Dân Chúa đã vượt ranh giới sự chết; sự chết sẽ bị tiêu diệt vĩnh viễn vào ngày Phục sinh khi các linh hồn ấy sẽ được kết hợp với thân xác.

Giáo Hội trên hạnh phúc thiên đàng

29. Chúng tôi tin rằng đoàn ngũ đông đảo các linh hồn tụ họp chung quanh Chúa Giêsu và Mẹ Maria trên thiên đàng, họp thành Hội thánh khải hoàn trên Trời, nơi đây trong hạnh phúc vĩnh cửu các vị được hưởng tôn nhan Thiên Chúa tỏ tường (x. 1Ga 3,2; Dz.-Sch. 1000), và tuy với cấp bậc và cách thế khác biệt,  các vị được cùng các thiên thần tham dự vào việc cai quản thần linh với Chúa Kitô trong vinh quang, và các vị không quên cầu bầu cho chúng ta và nâng đỡ sự yếu hèn chúng ta trong tình tương trợ huynh đệ (x.  Lumen gentium, 49).

Đời sống vĩnh cửu

30. Chúng tôi tin vào sự hiệp thông của tất cả mọi tín hữu trong Chúa Kitô, những người còn sống đời lữ thứ trần gian, những người đã qua đời và còn ở đang được thanh luyện, các vị thánh trên trời, tất cả họp thành một Hội Thánh; chúng tôi tin rằng trong mối hiệp thông hiệp này, tình yêu lân tuất của Thiên Chúa và của các Thánh luôn luôn sẵn sàng nghe  lời chúng ta cầu xin, như Chúa Giêsu đã phán: “Hãy xin thì sẽ được” (x. Lc 10,9-10; Ga 16,24). Vì thế vững vàng trong niềm tin cậy chúng tôi trông đợi ngày kẻ chết sống lại và sự sống đời sau.

Chúc tụng Thiên Chúa ba lần thánh. Amen.