Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
NĂM ĐỨC TIN THEO THÁNH TÔMA – Bài 25
ĐỀ TÀI: KINH LẠY CHA
“KẾT LUẬN”
***
Mở đầu cho những bài huấn giáo về kinh Lạy Cha, thánh Tôma đã nêu bật giá trị của “Lời kinh Chúa dạy” (xem bài 16). Sau khi đã chú giải nội dung, tác giả kết thúc với bản tóm tắt đối tượng của bảy lời cầu xin, được phân chia thành hai nhóm: những điều tốt cần ước mong, và những điều xấu cần xa tránh. Tất cả tóm lại trong bốn điều: vinh quang Thiên Chúa, sự sống vĩnh cửu, ơn công chính, những của cải đời này.
Dĩ nhiên còn nhiều cách để tóm lược các lời cầu xin này, và chính thánh Tôma đã cung cấp cho ta một thí dụ trong sách Tổng luận thần học, mà chúng tôi sẽ giới thiệu ở cuối bài này.
TÓM TẮT
Để tóm lại những điều đã nói về ý nghĩa Kinh Lạy Cha, nên biết là Lời kinh Chúa dạy chứa đựng tất cả những gì mà chúng ta mong ước, cũng như những điều mà chúng ta phải xa tránh.
I. NHỮNG ĐIỀU TỐT ĐÁNG MONG ƯỚC
1/ Trong những điều thiện hảo đáng mong ước, thì ta mong ước nhất điều mà ta yêu mến nhất, đó là chính Thiên Chúa. Vì thế lời xin đầu tiên là vinh quang của Thiên Chúa, vì thế chúng ta nói: “chúng con nguyện Danh Cha cả sáng”.
2/ Kế đó chúng ta xin Chúa ban cho chúng ta ba điều liên quan đến chúng ta.
– Thứ nhất là xin cho được sự sống đời đời, qua những lời “xin Nước Cha trị đến”.
– Thứ hai là xin thi hành ý Thiên Chúa và chu toàn sự công chính của Người, qua những lời “xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.
– Thứ ba là xin những điều cần thiết cho cuộc sống hằng ngày, qua những lời “xin cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày”.
Đức Kitô đã nói trong Tin mừng Matthêu : “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài, còn tất cả những thứ kia, Ngài sẽ thêm cho” (Mt 6, 33). Những lời này nhắc đến ba điều thiện mà ta ước mong như vừa kể trên, tức là:
– Thứ nhất, sự sống vĩnh cửu: Nước Thiên Chúa.
– Thứ hai, thánh ý Thiên Chúa: sự công chính của Ngài
– Thứ ba, những của cải cần thiết cho cuộc đời này: tất cả những điều còn lại.
II. NHỮNG ĐIỀU PHẢI TRÁNH
Những điều phải xa tránh gồm tất cả những gì trái ngược với bốn điều thiện mà ta mong muốn: vinh quang Thiên Chúa, sự sống vĩnh cửu, sự công chính và các việc lành, những của cải vật chất cần thiết ngay tại thế.
1/ Thứ nhất là vinh quang Thiên Chúa
Chẳng có gì, dù xấu hay tốt, trái nghịch với vinh quang Thiên Chúa. Thực vậy, nếu là điều xấu thì sẽ bị Chúa phạt, còn nếu là điều tốt thì sẽ được Chúa thưởng, và rút cục tất cả đều làm nổi bật vinh quang của Chúa, như lời của ông Eliud nói với ông Gióp: “Giả như bạn phạm tội thì làm chi được Ngài ?… nếu bạn sống ngay lành, thì bạn làm cho Chúa được cái gì?” (G 35,6-7).
2/ Đối tượng thứ hai của ước muốn là sự sống vĩnh cửu
Đối lại là tội lỗi, bởi vì tội lỗi làm cho chúng ta mất sự sống vĩnh cửu. Vì thế để xua đuổi tội lỗi, chúng ta cầu khẩn “xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.
3/ Đối tượng thứ ba của ước muốn là sư công chính và những việc lành
Đối lại là những cơn cám dỗ, bởi vì chúng ngăn cản chúng ta làm việc lành; vì thế chúng ta cầu khẩn “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.
4/ Đối tượng thứ bốn của ước muốn là những thứ cần thiết cho cuộc sống đời này
Đối lại là những gian truân nghịch cảnh; bởi thế chúng ta cầu xin cho được thoát những sự dữ ấy “xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ”.
***
Trong sách Tổng luận thần học (Summa Theologica II-II, q.83, a.9, c.), thánh Tôma trình bày đối tượng của các lời nguyện xin trong kinh Lạy Cha theo một thứ tự khác.
Đối tượng của lời cầu nguyện là những điều ước ao mà chúng ta bày tỏ lên Chúa. Trước hết, chúng ta phải ước ao cứu cánh, rồi đến các phương tiện để đạt cứu cánh.
A. Trước hết, chúng ta cần phải ước ao cứu cánh
Cứu cánh của chúng ta là Thiên Chúa.
1/ Vì thế trước hết, chúng ta hướng đến cứu cánh qua việc ước muốn vinh quang Thiên Chúa, tức là yêu mến chính Thiên Chúa: xin cho Danh Cha cả sáng.
2/ Rồi chúng ta ước muốn được hưởng vinh quang Chúa, nghĩa là yêu mến chúng ta ở trong Chúa: xin cho Nước Cha trị đến.
B. Để đạt cứu cánh, tức là hạnh phúc, chúng ta nghĩ đến những phương thế hữu ích
1/ một cách trực tiếp và chính yếu, nhờ công phúc lập được do việc tuân phục Chúa: xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
2/ một cách gián tiếp, như dụng cụ giúp chúng ta lập công phúc: xin cho chúng con bánh hằng ngày, hiểu về bánh Thánh Thể và các bí tích khác, cũng như hiểu về bánh vật chất nghĩa là những lương thực cần để sống.
3/ rồi chúng ta xin Chúa cất đi những ngăn cản chúng ta đạt đến hạnh phúc, gồm ba điều:
a) một là tội lỗi, vì nó trục xuất ta ra khỏi Nước Chúa: Xin tha nợ chúng con
b) hai là cơn cám dỗ vì nó làm chúng ta trì trệ trong việc thi hành ý Chúa: xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ. Chúng ta không xin cho khỏi bị cám dỗ thử thách, nhưng xin đừng ngã theo cơn cám dỗ.
c) ba là những gian truân trên đời làm chúng ta thiếu mất những gì cần thiết để sống: xin cứu chúng con khỏi sự dữ.
Chúng ta có thể nhận thấy rằng tất cả xoay quanh “hạnh phúc của con người”, chủ đề của luân lý theo thánh Tôma, như chúng ta sẽ thấy trong bài tới, bắt đầu loạt huấn giáo về các điều răn.