Năm Đức Tin Với Thánh Tôma Aquinô: Kinh Lạy Cha – Bài 16

0
1808


Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

 

NĂM ĐỨC TIN THEO THÁNH TÔMA – Bài 16

ĐỀ TÀI:

KINH LẠY CHA

***

 

Trong Năm Đức tin, đức thánh cha mời gọi chúng ta học hỏi Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, với bốn phần: Tuyên xưng đức tin (Kinh Tin kính), Cử hành đức tin (Phụng vụ và các bí tích), Sống đức tin (Mười điều răn), Cầu nguyện (Kinh Lạy Cha). Một cách tương tự, chúng ta cũng học hỏi các bài giáo lý của thánh Tôma Aquinô qua các bài chú giải Kinh Tin kính, Kinh Lạy Cha, Mười điều răn. Thử hỏi: thánh Tôma dựa theo thứ tự nào?

Trong bài đầu tiên, chúng tôi đã trưng dẫn lời giải thích của thánh Tôma: để được cứu rỗi, cần phải thực hành ba nhân đức “Tin – Cậy – Mến”. Đối tượng của đức Tin là kinh Tin kính; đối tượng của đức Cậy là kinh Lạy Cha (những điều trông mong hy vọng); đối tượng của đức Mến là Mười điều răn (mến Chúa yêu người).

Chúng ta cũng có thể hình dung một cấu trúc khác nữa, đó là thứ tự đối đáp: sáng khởi từ Thiên Chúa và đáp trả từ con người.

Kinh Tin kính diễn tả sáng khởi của Thiên Chúa (những điều Chúa mạc khải, cùng với ân sủng và các bí tích, được nhắc đến trong phần cuối của tín biểu: “Tôi tin sự hiệp thông trong các sự thánh”, “Tôi tin ơn tha thứ”).

Kinh Lạy Cha diễn tả sự đáp trả của con người, cầu xin ơn Chúa để có thể thực hành những điều Chúa dạy (Mười điều răn). Những bài giáo huấn về Kinh Lạy Cha được chia làm bốn phần:

1. Mở đầu là một bài Dẫn nhập: giới thiệu giá trị của Kinh Lạy Cha.

2. Bài thứ hai chú giải những lời đầu của bản kinh: Lạy Cha / của chúng con / Đấng ngự trên trời.

3. Phần chính yếu là chú giải 7 lời cầu xin; mỗi lời cầu được gắn với một ơn Chúa Thánh Thần và với một mối phúc thật.

4. Bài cuối cùng là Kết luận: tóm tắt những điều cầu xin.

Hôm nay, chúng ta bắt đầu với bài dẫn nhập, gồm hai điểm chính.

1/ Trước tiên, thánh Tôma trình bày giá trị của Kinh Lạy Cha qua 5 đặc tính cần thiết của việc cầu nguyện, đó là:

a) tin tưởng,

b) ngay chính,

c) thứ tự,

c) thành tâm,

d) khiêm tốn.

2/ Sau đó, tác giả nói đến ba công hiệu bởi kinh này, đó là:

a) giải thoát chúng ta khỏi ba điều dữ;

b) giúp chúng ta đạt được những điều mong ước;

c) làm cho chúng ta trở thành thân mật với Thiên Chúa.

Chúng ta có thể xem bài dẫn nhập này như một tóm tắt thần học về việc cầu nguyện, được tác giả giải thích rộng hơn trong Sách Tổng luận thần học (II-II, quaestio 83, với 17 mục, mục thứ 9 bàn riêng về kinh Lạy Cha). Ngoài những bản văn Kinh thánh, thánh Tôma thường quy chiếu các giáo phụ, đặc biệt là thánh Augustinô (Thư gửi bà Proba).

***

DẪN NHẬP[1]

 

I. KINH LẠY CHA THỂ HIỆN TUYỆT VỜI 5 ĐẶC TÍNH CỦA LỜI CẦU NGUYỆN CHÍNH ĐÁNG

Trong tất cả các kinh  nguyện, Kinh Lạy Cha tuyệt vời nhất, bởi vì kinh này chứa đựng 5 đặc tính của lời cầu nguyện chính đáng, đó là : 1) tin tưởng, 2) ngay chính, 3) thứ tự, 4) thành tâm và 5) khiêm tốn.

1) Tin tưởng

Thật vậy, lời cầu nguyện được nâng đỡ bởi lòng tin tưởng phó thác, nhờ đó chúng ta có thể “mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng” (Dt 4,16), và “với niềm tin, không do dự”, bởi vì, như thánh Giacôbê đã nói, “một người do dự nghi nan thì đừng trông mong sẽ nhận được ơn Chúa ban”  (xc. Gc 1,6.7).

Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện mang lại cho chúng ta niềm tin tưởng, bởi vì đã được soạn ra bởi Vị Trạng sư của chúng ta trước tòa Thiên Chúa, Kẻ bầu cử rất khôn ngoan, Đấng “nắm giữ mọi kho báu của sự cao minh thông tuệ” (xc. Col 2, 3), Đấng mà thánh Gioan viết rằng:  “Chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Công Chính” (1Ga 2, 1). Vì thế thánh Cyprianô đã viết thật chí lý trong Khảo luận về Kinh Lạy Cha: “Vì đã có Đức Kitô là trạng sư bên cạnh Chúa Cha để biện hộ cho những tội lỗi chúng ta, chúng ta hãy để cho vị trạng sư lên tiếng”.

Kinh Lạy Cha còn mang lại sự bảo đảm và tin tưởng hơn nữa khi biết rằng: Đức Kitô là kẻ đã dạy chúng ta kinh nguyện thì cũng chính là kẻ, cùng với Chúa Cha, sẽ nhậm lời chúng ta cầu xin, ngõ hầu ứng nghiệm lời thánh vịnh: “Khi kêu đến Ta, Ta liền đáp lại” (Tv 91,15). Vì thế thánh Cyprianô đã nói : “Thật là một lời cầu nguyện của bạn hữu thân thiết khi chúng ta thưa chuyện với Thiên Chúa bằng chính những lời Người đã dạy[2]. Do đó chắc chắn thế nào kinh này cũng mang lại hoa trái, và theo lời thánh Augustinô, thì nhờ đọc kinh này mà Thiên Chúa sẽ tha thứ những tội nhẹ của chúng ta[3].

2) Ngay chính

Thứ đến, lời cầu nguyện của chúng ta phải ngay chính, nghĩa là phải xin Chúa ban những điều tốt lành cho chúng ta. Thánh Gioan Đamascô đã dạy rằng: “Cầu nguyện là xin Thiên Chúa ban cho những điều tốt lành cho mình”[4]. Điều này giải thích tại sao nhiều lần lời chúng ta cầu nguyện không được chấp nhận, đó là vì ta xin những điều không tốt cho mình, như thánh Giacôbê đã nói: “anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý” (Gc 4, 3).

Tuy nhiên, không dễ gì biết được cần phải xin những điều gì, bởi lẽ thật khó biết được những điều thật sự tốt lành đáng mong ước. Thật vậy, điều mong ước mà thích đáng thì lời cầu xin mới thích đáng. Thánh Phaolô đã nhận thức điều này khi viết: “Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải lẽ” (Rm 8, 26). Thế nhưng, Đức Kitô là Thầy chúng ta, đã đích thân dạy chúng ta phải xin những gì, khi các môn đệ thưa với Người : “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11, 1).

Vì thế lời cầu nguyện sẽ rất ngay chính khi chúng ta xin Chúa những điều mà chính ngài đã dạy chúng ta phải cầu. Thánh Augustinô đã nói: “nếu chúng ta muốn cầu nguyện một cách ngay chính và xứng hợp, thì cho dù ta dùng những lời lẽ gì đi nữa, nhưng ta chỉ được xin những điều đã được chứa đựng trong Kinh Lạy Cha mà thôi”[5].

3) Thứ tự

Lời cầu nguyện cần phải có thứ tự, cũng tựa như lòng ước muốn cũng cần phải có thứ tự. Thật vậy, lời cầu nguyện là sự bộc lộ của lòng ước muốn. Thế nhưng, trong những điều ước muốn và cầu xin thì trật tự đòi hỏi rằng chúng ta cần đặt những điều tốt về tinh thần lên trên những điều tốt về vật chất, cũng như những điều tốt trên trời lên trên những điều tốt ở dưới thế. Thật vậy, Chúa Giêsu đã khuyên chúng ta: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia – cái ăn, cái uống, sự sống – thì Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 33). Đó chính là điều mà Chúa Giêsu dạy chúng ta trong kinh Lạy Cha, trong đó tiên vàn chúng ta cầu xin những điều tốt trên trời, rồi đến những điều tốt ở dưới trần thế.

4) Thành tâm

Lời cầu xin cần phải thành tâm, bởi vì lòng nhiệt thành sốt sắng sẽ làm cho lời cầu nguyện trở thành hy lễ đẹp lòng Thiên Chúa, như vịnh gia đã diễn tả: “Suốt cả đời con, nguyện dâng lời chúc tụng, và giơ tay cầu khẩn danh Ngài. Lòng thoả thuê như khách vừa dự tiệc, môi miệng con rộn rã khúc hoan ca” (Tv 63, 5.6).

Lòng sốt sắng thường bị giảm bớt do những lời kinh rườm rà. Vì thế Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải tránh những lời lải nhải rườm rà: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng càng dài lời thì lời kinh càng được chấp thuận” (Mt 6, 7). Thánh Augustinô trong thư gửi Proba, cũng nói : “Hãy tránh những lời lải nhải. Tuy nhiên, đừng giảm bớt lòng tha thiết cầu khẩn, nhưng hãy nuôi dưỡng lòng nhiệt thành”. Đó cũng là lý do mà Chúa Giêsu đã muốn cho kinh Lạy Cha vắn gọn. Lòng nhiệt thành được nuôi dưỡng nhờ tình yêu trào ra từ đức ái, nghĩa là mến Chúa yêu người. Hai mối tình này được nêu bật trong Kinh lạy Cha. Lòng mến Chúa được thúc đẩy khi chúng ta hướng về Ngài và thưa “Cha ơi”; lòng yêu người được kích thích khi, cùng hiệp thông với mọi người, chúng ta cầu nguyện cho hết thảy mọi người khi đọc lên: “Lạy Cha của chúng con”, và “xin Cha hãy tha nợ cho chúng con”. Thật vậy, đó là điều mà lòng yêu người dẫn tới.

5) Khiêm tốn

Sau cùng, lời cầu nguyện phải khiêm tốn bởi vì Thiên Chúa: “đoái nghe tiếng kêu cầu của kẻ khiêm tốn, và không chê bỏ lời họ nguyện xin”(Tv 102, 18). Một lời cầu nguyện khiêm nhu chắc chắn được chấp nhận, như Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta trong dụ ngôn về người biệt phái và người thâu thuế (xc. Lc 18, 9-15). Lời cầu của bà Giuđitha (9, 16) cũng thế, bà thưa với Chúa : “Ngài là Thiên Chúa của kẻ khiêm nhu và  Đấng hộ phù kẻ bị bỏ rơi”.

Sự khiêm nhu này được thi hành trong Kinh Lạy Cha. Thật vậy, người ta khiêm nhường thực sự  khi không dám dựa trên sức lực riêng của mình, nhưng  đợi trông tất cả nơi quyền năng Thiên Chúa, Đấng mà họ kêu khấn van xin.

II. KINH LẠY CHA TUYỆT VỜI BỞI VÌ MANG LẠI BA ĐIỀU ÍCH LỢI

Xét về những lợi ích, kinh Lạy Cha mang lại ba hồng ân sau đây:

1. Thứ nhất, đây là một phương thuốc hữu dụng và hiệu quả chống lại sự xấu, bởi vì:

  Giải thoát chúng ta khỏi những tội lỗi đã phạm, như vịnh gia đã xưng thú: “chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con; mọi tín hữu đều xin điều đó” (xc. Tv 32, 5.6). Khi tên trộm lành cầu nguyện trên thập giá, anh ta đã được ơn tha thứ, bởi vì Chúa đã trả lời anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23, 43). Một cách tương tự, nhờ lời cầu nguyện, người thâu thuế trở về nhà và được nên công chính rồi (xc. Lc 18, 14).

  Giải thoát chúng ta khỏi nỗi sợ hãi khi gặp cám dỗ, gian truân và buồn khổ. Thánh Giacôbê nói rằng: “Ai trong anh em buồn sầu ư? Hãy (bình thản) cầu nguyện” (xc. Gc 5, 13).

  Giải thoát chúng ta khỏi những sự ngược đãi và khỏi mọi kẻ thù. Thật vậy, sách Thánh Vịnh đã nói: “Con thương nó, nhưng nó lại vu oan; phần con, con chỉ biết cầu nguyện”(Tv 109, 4).

2. Thứ hai, cầu nguyện là phương tiện hữu ích và hiệu quả để đạt được những điều chúng ta ước muốn.

Đức Giêsu đã hứa rằng: “Tất cả những gì anh em cầu xin thì anh em cứ tin là mình đã nhận được rồi” (xc. Mc 11, 24). Và nếu những điều chúng ta cầu xin không được chấp nhận, thì có thể là vì chúng ta chưa thực hiện điều Chúa dạy  là “hãy cầu nguyện thường xuyên, không mệt mỏi” (xc. Lc 18, 1), hoặc có thể vì chúng ta không cầu xin những điều tốt cho ơn cứu độ của chúng ta, như thánh Augustinô đã nói : “Thiên Chúa là Đấng tốt lành, thường thì Ngài không ban cho chúng ta những gì chúng ta mong muốn, ngõ hầu ban cho chúng ta điều mà lẽ ra chúng ta phải mong mong ước”. Thánh Phaolô cũng có kinh nghiệm tượng tự, khi Người đã 3 lần cầu xin Thiên Chúa giải thoát ngài khỏi một cái gai đâm vào da thịt, nhưng không được Thiên Chúa nghe lời (xc. 2 Cor 12, 8).

3. Thứ ba, lời cầu nguyện hữu ích bởi vì biến đổi chúng ta trở thành những người thân thuộc  với Thiên Chúa để có thể tin tưởng nói lên rằng: “Ước chi lời con nguyện như hương trầm bay toả trước Thánh Nhan” (Tv 141, 2).


[1] Bản dịch Việt ngữ của Phó tế Giuse Nguyễn Thanh Tâm O.P.

[2] De oratione dominica

[3] Enchiridion, số 78

[4] De fide orthodoxa, III, c.24

[5]  Lettera ad Probam,