Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
NĂM ĐỨC TIN THEO THÁNH TÔMA – Bài 46
ĐỀ TÀI:
CHÚ GIẢI KINH TIN KÍNH ĐẠI KẾT (1)
***
Sau bài giới thiệu, hôm nay chúng ta bắt đầu đi vào phần thứ nhất của bản giải thích đại kết tín biểu Constantinopolis.
***
PHẦN I
CHÚNG TÔI TIN KÍNH MỘT THIÊN CHÚA
Phần này được chia làm ba tiết: 1) Một Thiên Chúa; 2) Cha toàn năng; 3) Đấng Tạo thành và sự tạo dựng.
TIẾT 1: CHÚNG TÔI TIN KÍNH MỘT THIÊN CHÚA
A. Những thách đố
Lời tuyên xưng đức tin có một Thiên Chúa gặp những khó khăn sau đây:
– Những người vô thần. Họ không chấp nhận có thực thể nào ngoài thế giới hữu hình này. Theo họ, ý niệm Thiên Chúa chỉ là sự phóng dọi của những mơ ước và sợ sệt của con người.
– Có những người hữu thần, tuy nhìn nhận có những lực lượng vượt trên thế giới hữu hình, nhưng tự hỏi không biết các lực lượng ấy có một hay nhiều, ở bên trên vũ trụ hoặc nội tại trong vũ trụ.
– Các tôn giáo nhất thần (cách riêng Do-thái-giáo và Hồi giáo) khó chấp nhận đạo lý Chúa Ba ngôi, vì xem ra nó trái với niềm tin nơi một Chúa duy nhất.
– Chính nhiều người Kitô hữu cũng thấy khó hiểu đạo lý về Chúa Ba ngôi: họ đòi hỏi phải tìm một ngôn ngữ nào đơn giản hơn.
B. Ý nghĩa của lời tuyên xưng
Người Kitô hữu tuyên xưng có một Thiên Chúa; nhưng đồng thời Thiên Chúa duy nhất được hiểu như là Cha, Con và Thánh Thần. Giáo hội tiên khởi đã tiếp nhận đức tin có một Chúa từ Cựu ước, và sang thế kỷ thứ hai, đã khẳng định lòng tin nơi một Chúa tạo thành và cứu chuộc, chống lại Marcion (tách rời Chúa của Cựu ước và Chúa của Tân ước). Sang thế kỷ thứ 4, tiếp theo những lạc giáo khác nhau (nhất là của Ario), Giáo hội mới phát biểu mối tương quan giữa Tam vị với những từ ngữ chính xác. Công đồng Nicea (325) khẳng định rằng Con “bởi bản thể của Cha” (ek tes ousias tou Patros“, “đồng bản thể với Cha” (homousios tou Patros). Công đồng Constantinopolis (381) tuyên bố Thánh Thần là Thiên Chúa, “xuất phát từ Cha, được phụng thờ và tôn vinh với Cha và với Con”. Sự duy nhất của Thiên Chúa được khẳng định trong bản thể (ousia); còn sự phân biệt xảy ra giữ các ngôi vị (hypostasis). Dù sao sở dĩ Thiên Chúa duy nhất mà lại được hiểu như ba là tại vì dựa vào sự mặc khải của các công trình cứu chuộc trong lịch sử. Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha, và nói rằng Cha với Con là một (Ga 10,30; 17,11). Đức Kitô đã cầu xin Cha sai Thánh Thần xuất phát từ Cha (Ga 15,26) đến thế giới để ban sự sống và dẫn đưa tới chân lý toàn vẹn (Ga 16,7).
Đức tin về Thiên Chúa Ba ngôi không phải là kết quả của suy tư triết học, nhưng là toát lược mặc khải về Thiên Chúa mà chúng ta biết được nhờ đức Kitô. Thiên Chúa tỏ mình ra như là sự sống và là tình yêu, muốn thông ban mình cho thế giới đã xa lìa Chúa vì tội lỗi. Thiên Chúa Cha giao-hoà thế giới với mình qua sự nhập thể, sứ vụ và cuộc khổ nạn của Con hằng hữu của mình. Chính trong Con mà Thiên Chúa chia sẻ thân phận con người kể cả cái chết, ngõ hầu ban cho nhân loại ơn tha tội, phục sinh và đời sống bất diệt (Ga 3,16). Qua Thánh Thần, Thiên Chúa đã làm cho Đấng chịu chết trên thập giá được sống lại bất tận, và sẽ hoàn tất cuộc biến đổi tất cả hoàn vũ. Tóm lại, chính đức Kitô đã nói cho ta biết rằng nơi Thiên Chúa sự sống hằng-hữu đồng nghĩa với trao ban hỗ tương và thông hiệp; nói khác đi, Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu hằng hữu giữa Cha và Con được tỏ hiện nơi thập giá của đức Kitô và nơi sự phục sinh nhờ quyền năng Thánh Thần.
Mầu nhiệm Chúa Ba ngôi không thể tách rời khỏi thập giá và sự phục sinh. Thập giá là sự khẳng định rằng tình yêu của Chúa mạnh hơn tội lỗi và sự chết. Sự phục sinh xác nhận rằng tình yêu ấy bao giờ cũng thắng.
C. Đức tin có một Thiên Chúa trong thời đại hôm nay
– Ngôn ngữ diễn tả tín điều trở thành khó hiểu. “substantia” trong ngôn ngữ cận đại có khi được dùng theo nghĩa là “chất thể, vật liệu”; “essentia” trở thành xa lạ vì coi như quá siêu hình; “persona” thì được hiểu như là ý thức cá biệt trong tâm lý hiện đại.
– Không thiếu Kitô hữu đồng hóa Thiên Chúa với Cha, còn Con và Thánh Thần thì hoặc là dưới quyền của Cha, hoặc là hai cách thế mà Cha tỏ mình cho nhân loại. Đức tin Kitô giáo tuyên xưng sự duy nhất trong Thiên Chúa đồng thời với sự thông hiệp giữa Ba ngôi ngay từ muôn thởi cũng như trong công trình tạo dựng, cứu chuộc. Không có ngôi nào hoạt động riêng rẽ.
– Đứng trước trào lưu vô thần hiện đại, các tín hữu cần phải tìm hiểu các hình thức và căn nguyên khác nhau của nó. Tuy nhiên sự phản ứng lại thuyết vô thần không thể dừng lại ở cấp độ lý thuyết. Luận cứ hùng hồn hơn cả dẫn tới sự minh chứng Thiên Chúa hiện hữu là đời sống của người tín hữu, thí dụ khi họ đương đầu với một thảm cảnh của cuộc đời, hoặc qua một sức sống phong phú bắt nguồn từ đức tin. Mặt khác, không thiếu những lý chứng lý đối kháng với các hình thức vô thần.
1) Đối lại với những chủ trương rằng khoa học có thể giải thích vũ trụ cách hữu lý rồi, ta cần vạch ra rằng sự giải thích ấy không bao giờ đầy đủ: vũ trụ xét như là một toàn thể không có lý-hữu do nội tại.
2) Đối lại với những người phủ nhận Thiên Chúa xét vì thế giới đầy dẫy tội ác và đau khổ, thì chúng ta có thể nói rằng chính sự ác và đau khổ là dấu hiệu của của cái hữu hạn, và vì vậy thức đẩy lý trí con người phải đi tìm cách giải thích lý do ở bên trên thế giới. Người Kitô hữu không có nắm trong tay chìa khóa để giải quyết vấn đề tội ác và sự dữ; nhưng họ tin rằng nơi thập giá của đức Kitô, Thiên Chúa đã chia sẻ sự đau khổ và cái chết của con người. Nhờ tình liên đới đó Ngài đã mở đường cho chúng ta lưới thắng sự tuyệt vọng.
3) Đối lại với những người cho rằng tôn giáo chỉ là sản phẩm của ảo tưởng, hay nói khác đi, con người không cần tới tôn giáo, chúng ta nhận thấy rằng lịch sử đã chứng minh ngược lại. Thực vậy, không có thời đại hay nơi nào mà con người không có tôn giáo, tuy không hẳn theo nghĩa là gia nhập một đạo nào, nhưng theo nghĩa là nhận thức về một thực tại tối hậu, tuyệt đối. Trải qua mọi thời đại ta thấy con người gặp thấy lòng tin vào Thiên Chúa nền tảng của sự hiện hữu và ý nghĩa sự sống. Niềm tin ấy trở nên nguồn hy vọng giữa những đau khổ, thất bại, cũng như nâng đỡ những nỗ lực kiến tạo những hình thức công bằng trong xã hội.
– Đứng trước những thách đố của các tôn giáo nhất thần, chúng ta phải tỏ bày rằng niềm tin nơi Thiên Chúa Ba ngôi không đi ngược với niềm tin nơi tính cách duy nhất của Thiên Chúa. Do-thái-giáo cũng có nói tới vài thực tại biểu hiện của Thiên Chúa Siêu việt muốn gần gũi với chúng ta, thí dụ: Danh thánh Chúa, Vinh quang Chúa (Shekinah), Luật Chúa (Torah), Sự Khôn ngoan Thượng trí. Đối với những tôn giáo ở Á châu và Phi châu coi thần tính xuất hiện nơi nhiều nhân vật hay kể cả động vật hay thảo mộc, người Kitô hữu tự vấn xem phải chăng chúng ta đã để Thiên Chúa ở nơi quá cao siêu, xa cách với đời sống thường nhật của con người? Làm sao chứng tỏ rằng Thiên Chúa rất gần gũi với con người, bởi vì Ngài là Thiên Chúa đã tỏ mình ra như là Cha, Con và Thánh Thần.
TIẾT 2: CHA TOÀN NĂNG
Tiết thứ hai bày tỏ lòng tín thác, khi tuyên xưng rằng sự sống và sự chết của chúng ta đều nằm trong bàn tay săn sóc của Chúa vừa là cha yêu thương chúng ta vừa là đấng toàn năng nắm giữ tất cả sự vận hành của vũ trụ và lịch sử.
A. Thách đố
Nhiều người gắn chặt hình ảnh “cha” với người gia trưởng trong chế độ phụ hệ, quyết định mọi sự cách độc đoán.
B. Ý nghĩa niềm tin
Trong kinh tin kính, Thiên Chúa được tuyên xưng là “Cha toàn năng”, còn những ưu phẩm khác (tỉ như: hằng hữu, khôn ngoan, trung thành) không được nói tới. Chữ “toàn năng” có thể hiểu như là một danh từ (Chúa là Cha và là Đấng Toàn năng), hoặc như một tính từ (Chúa là cha toàn năng).
Vào thời sơ khởi của Giáo hội, có rất nhiều chủ thuyết về quyền năng tuyệt đối trên đời tựa như: định mạng, các thần thánh, và thậm chí tại Rôma, Hoàng đẽ cũng được tôn sùng như thần linh. Đối lại với các thuyết ấy, người Kitô hữu quả quyết rằng: chỉ có một Đấng Toàn năng, đó là Thiên Chúa, Cha của đức Giêsu Kitô.
Trong Cựu ước, Thiên Chúa đã được gọi là cha của dân tộc Israel (Đnl 32,6) bởi vì Ngài đã tạo dựng và lập thành nên họ; tình cha có nghĩa là lòng chăm nom săn sóc và thương xót (Hs 11,1t; Gr 3,19), chính vì vậy mà mối tình đó cũng được so sánh với lòng mẹ (Is 49,15; 66,13); tuy nhiên Israel không bao giờ kêu cầu Chúa như là “Mẹ”.
Trung tâm của Tân ước là giáo huấn về Thiên Chúa như là cha. Đức Kitô gọi Thiên Chúa là cha từ lúc còn thơ ấu cho tới khi hấp hối trong vườn cây dầu, và những lời phó thác trước khi trút hơi trên thập giá. Cách riêng Phúc âm theo thánh Gioan cho thấy rằng tiếng Cha không phải chỉ là một trong những danh xưng của Chúa, mà là một lối xưng hô độc đáo nhất của đức Giêsu. Đức Giêsu không những tỏ ra mối liên lạc thắm thiết của mình với Cha, nhưng còn tỏ ra tình thương của Cha với nhân loại khi trao ban Con của Ngài cho họ. Trong Phúc âm, đức Giêsu dạy chúng ta hãy gọi Thiên Chúa là “Cha của chúng con”. Theo thánh Phaolô, Thiên Chúa là cha chúng ta bởi vì Ngài là cha của đức Giêsu, người đã cho phép chúng ta chia sẻ vào mối tình thắm thiết cha con qua dưỡng hệ. Thánh thần liên kết chúng ta với Con thì cũng gắn chặt chúng ta với nhau như anh chị em cùng cha, không còn kỳ thị chia rẽ nữa (x. Rm 8,14-15; Gal 4,6).
Từ “Toàn năng” (Pantokrator) được dùng trong Cựu ước để nói về quyền năng của Thiên Chúa vượt thắng kẻ thù, vượt thắng mọi hình thức hỗn độn; quyền năng ấy được biểu lột cách đặc biệt trong việc tạo dựng vũ trụ, và sẽ tỏ lộ vào thời cánh chung (Is 9,6). Trong Tân ước, tiếng “Pantokrator” xuất hiện 2 lần (2 Cr 6,18-19 và Kh 1,8), trong khung cảnh phụng vụ, ngợi khen, bày tỏ lòng tin tưởng, hy vọng dựa vào Thiên Chúa Đấng trung tín, làm chủ thời gian và mọi biến cố lịch sử. Dù sao, Tân ước tuyên xưng Thiên Chúa toàn năng không phải một cách trừu tượng, nhưng là qua việc cứu chuộc. Quyền năng Thiên Chúa tỏ lộ qua việc Nhập thể, đi vào thế giới mà Ngài đã dựng nên, để đương đầu với lực lượng xem ra muốn phủ nhận quyền của Ngài khi đóng đinh đức Giêsu. Thiên Chúa bày tỏ quyền năng trên tội lỗi và sự chết khi cho đức Kitô sống lại. Do đó Thiên Chúa là Đấng Toàn năng bởi vì Ngài nắm giữ định mạng của thế giới và vạn vật, tuy dù chúng ta thấy có sự dữ, tội lỗi, sự chết trước mắt. Quyền năng cứu rỗi của Thiên Chúa sẽ được bộc lộ hoàn toàn vào lúc thời gian chấm dứt, khi mọi sự được kiện toàn trong đức Kitô.
C. Trong thời đại hôm nay
Cần phân biệt hình ảnh với thực chất. Khi gọi Thiên Chúa là cha, tiên vàn chúng ta nói đến mối liên hệ hằng hữu với Chúa Con, một liên hệ về nguyên ủy chứ không phải về sinh sản (như quan niệm của vài tôn giáo đa thần). Nhiều giáo phụ đã muốn diễn tả mối liên hệ ấy bằng những hình ảnh khác, tựa như nguồn với dòng sông, mặt trời với tia sáng. Từ ngữ “cha/con” được đức Giêsu xử dụng để nói lên mối liên hệ đặc biệt của Ngài đối với Thiên Chúa, mối liên hệ đã có từ muôn thuở, và được bày tỏ ra trong sự Nhập thể. Ngoài ra sự mặc khải Thiên Chúa là cha cũng có ảnh hưởng đến chúng ta, những người Kitô hữu, vì được gọi chia sẻ cùng với đức Kitô vào sự tình cha con ấy; hậu nhiên, chúng ta liên kết với nhau thành một gia đình đức tin, yêu mến và cầu nguyện lẫn cho nhau, tuy rằng chúng ta không được quên rằng Thiên Chúa cũng là cha của hết mọi loài (1 Cr 8,6), yêu thương săn sóc hết mọi thụ tạo. Do đó mà người Kitô hữu cũng được kêu gọi chia sẻ những niềm vui nỗi khổ với hết mọi người trong gia đình nhân loại, bất luận là bạn hay thù. Đó là nội dung goi ghém trong cái danh xưng “cha”; từ ngữ này không có liên hệ tới một phái tính nào (nam hay nữ), cũng như không gói ghém hình ảnh của một người cha võ đoán. Xét vì đức Giêsu đã gọi Chúa là cha, nên khó có thể bỏ tiếng ấy, hoặc đổi lại thành “Mẹ”.
Cũng vậy, khi gọi Thiên Chúa là “Đấng Toàn năng”, chúng ta đừng hiểu rằng Ngài muốn làm gì thì làm; nhưng theo như nguôn gốc Hy-lạp “Pantokrator“, chúng ta tin rằng Ngài cầm giữ và cai quản mọi vật. Chúng ta tin rằng Ngài an bài hết mọi sự. Việc tuyên xưng rằng chỉ có Ngài mới là Đấng Toàn năng mang lại niềm tin rằng tất cả mọi thế lực khác (chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ nghệ, quân sự, ý hệ và kể cả tôn giáo) sẽ không đứng vững khi phải đối chất với Ngài vào lúc chung thẩm.
Tuy nhiên lòng tin nơi Thiên Chúa Cha toàn năng gặp sự thách đố của những người nghi ngờ khi đứng trước những tai ương và bất công xã hội. Truyền thống Kitô giáo trả lời rằng sự dữ là hậu quả của tự do, một hồng ân Chúa ban cho con người. Thực ra, sự trả lời ấy không thỏa đáng lắm xét vì có những sự dữ xảy ra ngoài tầm trách nhiệm của con người. Câu trả lời cuối cùng nằm ở chỗ Thiên Chúa đã thắng sự dữ, đau khổ và sự chết nơi công cuộc giao hòa do Con Chúa thực hiện. Đức Kitô đã lãnh lấy sự đau khổ của thế giới, và đã toàn thắng các lực lượng của tội lỗi và sự chết; cuộc toàn thắng ấy sẽ hoàn tất trong thế giới mai hậu. Đó là niềm hy vọng của chúng ta. Trong hiện tại, người Kitô hữu cầu xin Thiên Chúa sức mạnh để đương đầu chống lại với quyền lực sự dữ.
TIẾT 3: THIÊN CHÚA ĐẤNG TẠO THÀNH
Lời tuyên xưng này nói lên rằng vũ trụ không tự nó mà có, nhưng là do Chúa đã dựng nên. Thiên Chúa không những đã ban cho vũ trụ sự hiện hữu vào lúc khởi nguyên, nhưng Ngài vẫn còn tiếp tục là nguồn sống và cứu cánh của nó.
A. Thách đố
Có những người dựa vào khoa học để quả quyết rằng vũ trụ này tự lập, chẳng có nguồn gốc nào và cũng chẳng cần ai nâng đỡ. Một trào lưu khác tuy vẫn tin rằng vũ trụ này bắt nguồn từ Thiên Chúa nhưng nay nó đã thoát sự kiểm soát của Ngài: những sự khai thác thiên nhiên bừa bãi, những tiến bộ của kỹ thuật và y học gây ra những vấn đề ô nhiễm, chiến tranh hóa học, đe dọa tới sự sống trên địa cầu.
B. Ý nghĩa
Lời tuyên xưng “Đấng Tạo thành trời đất muôn vật hữu hình” nhằm đáp lại những lạc giáo nhị nguyên xuất hiện vào những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo; họ phân biệt thế giới hữu hình đối lại với vô hình, loài vật chất đối lại với loài thiêng liêng, Chúa của Cựu ước và tạo dựng đối lại với Thiên Chúa của Tân ước và của đức Kitô. – Lời tuyên xưng cũng muốn chống lại những triết thuyết Hy lạp chủ trương vũ trụ tự hữu hay đã có từ đời đời.
Niềm tin vào Thiên Chúa tạo thành vũ trụ đã có từ Cựu ước, từ những trang đầu của sách Sáng thế. Vũ trụ này được thành hình nhờ quyền năng của Thiên Chúa. Ngài đã tác thành và gìn giữ vũ trụ do lòng thương và thượng trí. Tân ước lồng việc tạo dựng trong bối cảnh cứu chuộc và cánh chung, cũng như trong liên hệ với Ba ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa Đấng tác tạo lúc khởi nguyên, hằng tác tạo liên lỉ và sẽ tái tạo trong tương lai (Mc 13,19; Ep 2,10; Kh 1,8); Cuối cùng Thiên Chúa sẽ là tất cả trong vạn vật (1Cr 15,28) và sẽ có trời mới đất mới (2 Pr 3,13; Kh 21,1). Ngoài ra Thiên Chúa tạo dựng, cứu chuộc trong đức Kitô, trung tâm của mọi thụ sinh (Ga 1,1-18; Cl 1,15-17; Ep 1,9-10; Dt 1,2-3).
C. Trong thời đại hôm nay
Lòng tin nơi Thiên Chúa Đấng Tạo thành hàm ngụ rằng thế giới này là món quà của Chúa ban, tự bản chất là tốt. Lòng tin nơi Thiên Chúa “Đấng tạo thành trời đất muôn loài hữu hình và vô hình” nhìn nhận rằng thế giới này không phải chỉ gồm những gì giác quan nhìn thấy được, mà còn có những thực tại ở trên giác quan và thậm chí ở trên tầm trí của chúng ta. Lòng tin ấy cũng hàm ngụ rằng mạng sống của ta cũng như mọi loài hiện hữu đều có tính cách mỏng dòn, và tất cả đều tùy thuộc vào quyền năng của Chúa.
Vũ trụ này mang dấu tích của tình thương và thượng trí của Chúa. Giáo hội ca ngợi vinh quang của Thiên Chúa phản ánh nơi vạn vật, cũng như tạ ơn Ngài vì Ngài luôn bảo tồn mọi loài cho được hiện hữu.
Mặt khác, Thiên Chúa muốn trao cho con người, được dựng nên theo hình ảnh của Ngài, trách nhiệm cộng tác vào việc quản trị vũ trụ. Điều đó có nghĩa là con người được tự do để phát triển thế giới văn hóa (trong đó bao gồm nghệ thuật, khoa học và kỹ thuật). Tuy nhiên kinh nghiệm cho thấy con người đã ngạo mạn muốn dành quyền bá chủ vạn vật, lạm dụng tự do của mình qua những sự khai thác tài nguyên vô độ hoăc phá hủy môi sinh. Nhờ việc cứu chuộc và tái tạo trong đức Kitô, người tín hữu cần phải ý thức trách nhiệm đối với thiên nhiên. Lòng tin nơi sự tạo dựng đòi hỏi việc sử dụng khoa học và kỹ thuật cách thận trọng và có trách nhiệm, chống lại những gì phá hoại sự sống, và đề cao giá trị của mạng sống con người quý hơn vật chất.