Năm Đức Tin Và Giáo Lý Xã Hội Của Giáo Hội

0
974


Tác giả: José Bullón Hernández

Chuyển ngữ: Học Viện Đaminh

 

LTS: Phải chăng Học thuyết Xã hội của Giáo hội là một trong những học thuyết kinh tế chính trị, cũng tựa như học thuyết của chủ nghĩa tư bản hoặc chủ nghĩa xã hội? Nhiều người trong và ngoài Giáo hội vẫn nghĩ như vậy. Tác giả muốn sửa lại quan niệm ấy, và muốn cho thấy rằng:

1/ Giáo lý Xã hội nằm trong chính công tác loan báo Tin Mừng, bởi vì Tin Mừng chứa đựng một sứ điệp giải thoát con người khỏi những cảnh áp bức bất công (Lc 4,16-21).

2/ Giáo lý Xã hội cũng nhắc nhở Giáo hội về vài yêu sách của sứ điệp Tin Mừng, chẳng hạn như về chiều kích phổ quát, chiều kích xã hội, chiều kích cánh chung, chiều kích nhân bản.

3/ Giáo lý Xã hội tìm cách đem đức tin vào thực tại xã hội: người tín hữu thâm tín rằng tương lai tuyệt đối chỉ có ở bên kia thế giới, nhưng họ có bổn phận đem niềm hy vọng ấy để làm thay đổi thế giới hiện tại.

Đây là bài thuyết trình tại khóa học về Giáo lý Xã hội của Giáo hội tại Trung tâm Pablo VI, Madrid, ngày 10 tháng 9 năm 1012. Tác giả là một linh mục, giáo sư đại học San Damaso Madrid. Có nhiều ý tưởng được lặp đi lặp lại, ra như để cho người nghe được ngấm vào tâm khảm.

Lưu ý về việc dịch vài từ ngữ. Doctrinal social de la Iglesia, thường được dịch là: “học thuyết”, “giáo huấn”, “huấn quyền”, “đạo lý” xã hội. Chúng tôi dịch là “giáo lý”, cũng tương đương với danh xưng quen thuộc “giáo lý đức tin” (doctrina fidei). Tác giả muốn nhấn mạnh đến khía cạnh đạo lý bởi vì liên hệ đến sứ điệp đức tin. Evangelizacion được dịch là “loan báo Tin Mừng” (tuy nhiều nơi quen gọi là “Phúc âm hóa”).

Chữ viết tắt:

CIV = Tông huấn Caritas in veritate

EN = Tông huấn Evangelii nuntiandi

GS = Hiến chế Gaudium et Spes

GLXH = Giáo lý Xã hội của Giáo hội

LBTM = Loan báo Tin Mừng

TLHTXH = Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội

 

***

NHẬP ĐỀ: SỰ HIỂU BIẾT GIÁO LÝ XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI TRONG ĐỨC TIN KITÔ GIÁO

Tuy càng ngày GLXH càng được biết đến nhiều hơn, nhưng nó vẫn rất ít khi được sử dụng vào những hoàn cảnh cụ thể, và chắc hẳn là nó không được nhìn trong khung cảnh LBTM và không được coi như là một yêu sách của đức tin. Lý do có lẽ bởi vì nó không được hiểu biết đúng mức và không được trình bày thích đáng. Trong một buổi gặp gỡ tại Santiago de Chile với các giám mục vào ngày 29 tháng 9 năm 2008, Đức Hồng y Renato Raffaele Martino (nguyên chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý Hòa bình) đã xác nhận điều đó: “Một trong những vấn đề mà tôi gặp trong các cuộc viếng thăm các cộng đồng và quốc gia đó là mặc dù đã có những tiến bộ nhưng GLXH vẫn còn ít được sử dụng. Người ta không coi nó như thiết yếu cho việc LBTM vào các thực tại xã hội.”

GLXHCG bị chỉ trích và tẩy chay ở bên ngoài Giáo hội do những trào lưu chống tôn giáo, tựa như thuyết Mác-xít, bởi vì đối với họ, tôn giáo làm cho con người bị tha hóa, vì thế GLXH đi ngược lại chủ trương của họ là làm cách mạng bằng vũ lực.[1] Bên trong Giáo hội, GLXH cũng được nhìn và sử dụng với nhiều cách khác nhau. Vào thập niên 70- 80 của thế kỷ trước, một số đông tín hữu, trong đó có nhiều nhà thần học chuyên ngành, coi nó như một thứ giáo huấn chẳng giúp ích gì cho thực tại xã hội bởi vì nó dựa trên những nguyên tắc cố định, phi lịch sử, phổ quát và hằng cửu trong một nền triết học tân-kinh-viện cứng nhắc.[2] GLXH không biểu lộ cân xứng sứ điệp (Tin Mừng) trong chiều kích công cộng,[3] theo ý kiến của các nhà thần học như là G. Gutiérrez, J. B. Metz, và J. Alfaro.[4]

Mặt khác, hồi ấy chúng ta đang ở trong một thời kỳ mà, ngoài việc vạch ra những khiếm khuyết của GLXH, người ta còn muốn mở ra nhiều hướng đi khác biệt nếu chưa nói là tương phản: họ muốn xét lại GLXH và đổi tên thành “giáo huấn xã hội”, hoặc “định hướng xã hội”, hầu tránh mọi hình thức đạo lý giáo điều.[5]

Với ĐGH Gioan Phaolô II, GLXH trở thành một thực tại cốt yếu, có thể hướng dẫn đời sống xã hội dựa theo sứ điệp Kitô giáo; nó không còn là phụ tùng nhưng là thành phần cốt yếu của sứ điệp Tin Mừng, bằng cách đem sứ điệp vào lãnh vực xã hội, và đưa đức tin của Giáo hội vào những vấn đề của thế giới và xã hội. Thượng hội đồng Giám mục họp năm 1971 bàn về công bằng trên thế giới đã viết: “Hoạt động cho sự công bằng và tham gia vào việc thay đổi thế giới là một chiều kích thiết yếu (dimensión constitutiva) của việc rao giảng Tin Mừng, tức là sứ mạng của Giáo hội nhằm cứu chuộc nhân loại và giải phóng khỏi cảnh áp bức.”[6] Như vậy, GLXH có liên quan chặt chẽ với sứ điệp cứu độ, và loan báo sứ điệp ấy trong một phạm vi cụ thể, tức là những tương quan xã hội cùng với những vấn đề của nó, trong các lãnh vực kinh tế, chính trị, xã hội. Sứ điệp Tin Mừng nhắm tới sự cứu độ con người, và Giáo hội cần phải trình bày nó như là một sự phục vụ con người.

Nhờ GLXH, Giáo hội diễn tả đức tin trong chiều kích công cộng: tin kính Thiên Chúa có nghĩa là hướng về Ngài và chiêm ngưỡng Ngài, nhưng đồng thời cũng là nhìn nhận, giúp đỡ và quan tâm đến con người. Các ngôn sứ Cựu ước đã yêu cầu hãy liên kết việc phụng tự với việc thực hành công bằng; sự phụng tự sẽ không chân thực nếu thiếu sự nhìn nhận và quan tâm đến các phần tử của cộng đồng. GLXH cho biết rằng việc thờ phượng sẽ không chân chính nều thiếu đức công bằng. Tuy nhiên, việc hiểu đức tin như vậy vẫn chưa hoàn hảo nếu nó không được bổ túc bằng đức mến. Việc nhìn nhận và quan tâm đến tha nhân đòi hỏi lòng thương yêu và trao hiến. Tình yêu chân chính được chứng tỏ qua sự phục vụ. Yêu thương không phải là cảm xúc nhưng là những cử chỉ của lòng quảng đại và xả kỷ.

Cả ba thực tại – thờ phượng, công bằng và tình yêu – đều đi kèm với GLXH. Chúng ta hãy xem bằng cách nào nó trở thành việc LBTM, và nó đóng góp gì vào việc LBTM. Bài nói chuyện của tôi gồm ba điểm sau: 1/ GLXH nằm bên trong việc LBTM. 2/ Những đóng góp của GLXH vào việc LBTM. 3/ GLXH với Năm đức tin. Làm thế nào sống đức tin từ GLXH: những tiếng gọi, lối sống và hành động.

I. GIÁO LÝ XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI NẰM BÊN TRONG VIỆC LOAN BÁO TIN MỪNG

Đối với nhiều người, LBTM được hiểu là thông truyền lời dạy của Chúa Giêsu bằng việc giảng dạy và huấn giáo, thêm vào việc cử hành các mầu nhiệm đức tin; còn những việc khác, chẳng hạn như những công tác công bằng và bác ái, được coi như một sự hỗ trợ hữu ích nhưng không nằm trong nội dung của việc LBTM.

Tuy nhiên, chúng tôi có thể chứng minh rằng hoạt động xã hội, và do đó GLXH, là thành phần của việc LBTM. Dĩ nhiên cần phải giải thích: LBTM là gì, và hệ tại điều gì.

1. Loan Báo Tin Mừng: Ý nghĩa và nền tảng

LBTM là công bố Tin Mừng nhắm đến cuộc đời mới, một Tin Mừng làm thay đổi con người (Mc 1, 15). Như vậy, trọng tâm của nó là Tin Mừng lay động lương tâm[7] và làm biến đổi con người hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Vì thế việc LBTM không mới không cũ, nhưng là sự loan báo ơn cứu độ trở nên hiện thực vào thời đại đang sống, và làm thay đổi con người hôm nay bằng cách sử dụng những phương thế thích hợp nhất để đạt được công hiệu.

Chỉ có một Tin Mừng đã được Chúa Giêsu ủy thác để loan báo, chứ không cần sáng chế Tin Mừng nào khác. Tông huấn Evangelium nuntiandi đã nói: “Đối với Giáo hội, việc rao giảng sứ điệp Tin Mừng không phải là chuyện nhiệm ý, bởi vì đây là một bổn phận đã được Chúa ủy thác ngõ hầu mọi người tin theo và được cứu độ. Quả vậy, sứ điệp này rất cần thiết và độc đáo. Không thể nào thay thế nó, hoặc chế giảm pha phôi. Nó tượng trưng cho vẻ đẹp của mạc khải. Nó mang trong mình một sự khôn ngoan không thuộc về đời này.”[8] Do đó việc LBTM là một mệnh lệnh của Chúa, một đàng nó kèm theo kế hoạch yêu thương của Ngài đối với nhân loại, và đàng khác, nó mang theo nghĩa vụ phải thông đạt cách trung thành, trong hết mọi lãnh vực của cộng đồng nhân loại để làm nên “một thế giới mới” (Kh 21,5), “một trời mới và một đất mới” (Kh 21,1), để làm nên những người mới (2Cr 5, 17) sống phù hợp với đời sống Tin Mừng trong sự tinh tuyền, công bằng và chân lý (Ep 4, 23-24), trong tình đoàn kết và phục vụ hỗ tương (Cl 3, 9-10). Do đó cần LBTM cho các văn hóa cũng như các thể chế và cơ cấu bằng cách đưa Tin Mừng vào đó và làm cho chúng được tái sinh.

LBTM bao hàm sự gắn bó của con tim cũng như chứng tá của đời sống. Người loan báo Tin Mừng chấp nhận những chân lý được mặc khải, ôm ấp chúng trong tâm hồn và kết hợp với chương trình mà Chúa Giêsu đã loan báo, một chương trình phát sinh một lối sống hoàn toàn mới mẻ. Sứ điệp đổi mới được đón nhận, thấu hiểu, biến đổi, tuân thủ, loan báo và sống. Đó là điều mà tông huấn EN đã nói: “Việc loan báo chỉ đạt tới mức thành toàn khi sứ điệp được lắng nghe, chấp nhận, thấm nhuần và dẫn tới sự gắn bó với trót tấm lòng.”[9]

Việc LBTM đặt nền tảng không phải trên những ước mong của con người muốn khuếch trương một cộng đồng rộng lớn, nhưng là ở trên Thiên Chúa, cách riêng là nơi sứ vụ của Đức Giêsu như chúng ta đọc thấy nơi Lc 4, 16-22: Người được phái đến để loan báo Nước Thiên Chúa cho những kẻ nghèo hèn, những kẻ đã mất hy vọng, những kẻ lầm than cơ cực; Đức Giêsu đã mang lại Tin Mừng, những lời hứa của Thiên Chúa trở thành hiện thực: điều đã hứa thì nay được hoàn thành, con người được lôi ra khỏi cảnh áp bức, khỏi sự dữ, khỏi cảnh hờ hững và sự chết; mở ra một chân trời mới của ánh sáng, hoan hỉ và bình an; như vậy, Đức Giêsu đã hồi phục con người, mở ra cuộc sống mới, thay đổi tận gốc cuộc sống cá nhân và xã hội, định hướng cuộc đời về tương lai sung mãn, một tương lai vượt trên thời gian và không gian, tuy vẫn chi phối lịch sử khi làm thay đổi cuộc sống cá nhân và cộng đồng.

Đó là một sứ điệp mang lại sự giải phóng. Đây là một hằng số trong đường lối mà Thiên Chúa tác động vào lịch sử; Thiên Chúa hiện diện qua việc giải phóng Israel. Sách TLHTXH đã nói đến điều này khi bàn về sách Xuất hành: “Theo sách Xuất hành, Thiên Chúa nói với ông Mosê: Ta đã thấy nỗi thống khổ của dân ta bên Ai Cập, và Ta đã nghe tiếng rên siết của chúng trước mặt những kẻ đàn áp; Ta biết những cơ cực của chúng. Ta xuống để giái thoát chúng ra khỏi tay người Ai Cập và đưa chúng đến miền đất trù phú, chảy sữa và mật” (Xh 3,7-8). Sự gần gũi của Thiên Chúa – được gợi lên từ Danh của Ngài “Ta là Đấng Ta là” (Xh 3,13) – được biểu lộ qua việc giải thoát khỏi cảnh nô lệ và qua lời hứa được trở thành hành động lịch sử.”[10] Thiên Chúa đã kéo dân Người ra khỏi những tình trạng bất công và đàn áp, và đã liên kết họ với Người cách chung thủy, tạo nên một cộng đồng huynh đệ, một cuộc sống được giải thoát.

2. Giáo Lý Xã Hội Của Giáo Hội là một hành vi Loan Báo Tin Mừng

Hành vi cứu độ của Thiên Chúa gợi lên một cuộc sống trong công bằng và liên đới làm thay đổi con người. Vì thế LBTM là rao giảng và sống cuộc sống thần linh này. Thật vậy, GLXH thuộc lãnh vực LBTM trong một lãnh vực cụ thể là xã hội, bởi vì trình bày lòng nhân hậu của Thiên Chúa, tình thương của Ngài bằng cách thay đổi thế giới; sứ điệp của nó mang tính giải phóng bởi vì cứu thoát con người để họ sống cho tình yêu và công bằng, bằng cách tỏ cho thấy những giá trị và định hướng cho các thực tại văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội. Nhờ GLXH mà sự giải thoát của Tin Mừng được đưa vào lịch sử để cỗ võ một xã hội tốt đẹp hơn, phù hợp với Nước Trời. Nhờ GLXH, Giáo hội tiếp tục tác động của Thiên Chúa trong Đức Kitô như nhiệm vụ đã được trao phó: loan báo ơn cứu chuộc của Đức Kitô trong đời sống xã hội, bằng cách chấp nhận và làm thay đổi nó, đưa nó vươn lên khỏi những gì đang chèn ép con người: mù chữ, đói khát, bất công, cơ cực, bị gạt bỏ… Sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa đến giải thoát con người khỏi mọi cảnh nô lệ, và Giáo hội, bằng giáo lý xã hội, loan báo Tin Mừng bằng cách giải thoát khỏi những cảnh đàn áp và cộng tác vào sự thăng tiến con người. Sứ điệp Tin Mừng được hiện diện trong tầm mức nó làm hiện thực những lời của Chúa Giêsu: “Người mù được thấy, kẻ què được đi, người điếc được nghe, người phong được sạch, người chết chỗi dậy, và người nghèo được nghe Tin Mừng” (Lc 7, 22-23). GLXH được lồng trong sứ mạng LBTM như vậy: tố giác sự xấu trong xã hội, trofnh bày hành động giải thoát và mở ra một chân trời mới cho cuộc đời.

II. NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA GIÁO LÝ XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI VÀO VIỆC LOAN BÁO TIN MỪNG

Chúng ta sống trong một giai đoạn lịch sử được đánh dấu với sự toàn cầu hóa và những mạng lưới thông tin, đến nỗi không ai có thể sống bên lề những sự kiện xảy ra trên thế giới; chúng ta trở nên thành phần của sự toàn cầu hóa,[11] chúng ta sống trong một không gian toàn cầu, trong một thời điểm của cuộc khủng hoảng đặc biệt là về kinh tế, mà cũng là về chính trị, văn hóa, nhân bản và luân lý nữa. Đành rằng công nghệ và hoạt động kinh tế đã mang lại nhiều thiện ích và giải quyết nhiều vấn đề, nhưng chúng cũng tạo ra nhiều vấn đề mới, mà sự giải quyết chỉ có thể tìm thấy nơi các tiêu chuẩn nhân văn, và đặc biệt là luân lý và tôn giáo. Thật vậy, GLXH được đề ra như là con đường căn bản nhằm đem ánh sáng và những giá trị cốt yếu vào xã hội để vực nó dậy. GLXHCG là một sức mạnh của Tin Mừng, chiếu sáng nhờ Tin Mừng, bày tỏ chân lý và điều thiện cho thế giới. Vì vậy tôi muốn trình bày những đóng góp là GLXHHT mang lại cho cuộc LBTM trong lãnh vực xã hội.

1. Giáo Lý Xã Hội Của Giáo Hội với đặc tính phổ quát của việc Loan Báo Tin Mừng

Trong Tin Mừng, và cụ thể là ở đoạn chót, chúng ta đọc thấy sứ mạng mà Chúa Giêsu trao cho các môn đệ và do đó cho Hội thánh: “Anh em hãy đi và làm cho mọi dân tộc trở nên môn đệ, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy cho họ giữ những điều mà Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 19-20a).[12] Như vậy, việc LBTM mang chiều kính phổ quát; cần phải mang Tin Mừng cho khắp thế giới, không thiên vị một dân tộc hoặc văn hóa nào. Hội thánh nguyên thủy đã hiểu như vậy, và đã mang sứ điệp từ Giêrusalem đến Antiôkia, Hy lạp và Rôma; Hội thánh đã hiểu như vậy khi chuyển trao sứ điệp từ châu Âu sang châu Á, châu Phi, châu Mỹ. Không thể nào đặt biên cương cho Tin Mừng.

Chúng ta hãy đọc một đoạn của Evangelii nuntiandi về chiều kích phổ quát của việc LBTM: “Trải qua hai mươi thế kỷ, thỉnh thoảng các thế hệ Kitô hữu đã phải đương đầu với những trở ngại cho sứ mạng phổ quát. Một đàng là cơn cám dỗ của chính những người loan báo muốn hạn chế khu vực truyền giáo của mình, dưới nhiều danh nghĩa khác nhau; đàng khác là những kháng cự của những người mà Tin Mừng được mang đến. Hơn nữa, chúng ta phải đau buồn ghi nhận rằng công cuộc LBTM bị gây khó khăn, nếu chưa nói là ngăn cấm, bởi những nhà cầm quyền [….]. Tuy vậy chúng ta tin tưởng rằng, bất chấp những thử thách đau thương ấy, công tác của các vị tông đồ sẽ không thiếu vắng ở bất cứ nơi nào trên thế giới.”[13] Việc LBTM luôn mở ra chiều kích phổ quát bất chấp những chủ trương cục bộ, những kháng cự và ngăn cấm, bởi vì nội dung của nó mang tính phổ quát: ơn cứu độ dành cho tất cả mọi người, dành cho những người ở xa và không biết đến, và dành cho những người đã biết nhưng hoặc là ít đức tin hoặc là không sống đạo. Việc LBTM đến để trình bày, đào sâu, củng cố, nuôi dưỡng đức tin.[14] Sách TLHTXH đã nêu bật chiều kích phổ quát của việc LBTM khởi đi từ sứ mạng của Giáo hội: loan báo ơn cứu độ cho hết mọi người, mang Tin Mừng cho tất cả bằng cách chia sẻ những nỗi vui mừng và niềm hy vọng của họ (GS 1). Tin Mừng của Tình thương Thiên Chúa ban không và vô biên giới. Do đó, vì là kẻ phục vụ ơn cứu độ trong thế giới mà mình đang sống, Giáo hội loan báo và làm hiện thực sứ điệp tình thương, mang men Tin Mừng để làm khơi dậy tất cả mọi lãnh vực xã hội, dù là văn hóa, kinh tế hoặc chính trị…;[15] Giáo hội làm hiện thực sứ điệp giải thoát cách đặc biệt nhờ GLXH: “Nhờ GLXH, Giáo hội đảm đương việc loan báo mà Chúa Giêsu đã trao. Giáo hội làm hiện thực sứ điệp giải thoát và cứu chuộc của đức Kitô, Tin Mừng Nước Thiên Chúa trong những diễn biến lịch sử.”[16]

Nếu ôn lại các văn kiện của GLXH chúng ta sẽ thấy ngay chiều kích phổ quát của việc LBTM nằm trong đó. Giáo hội luôn quan tâm đến những vấn đề liên quan đến con người, cho dù là người vô tín ngưỡng;[17] và vì thế, Giáo hội quan tâm đến tình trạng của giới thợ thuyền (Rerum novarum), những điều kiện sinh sống do chủ nghĩa tự do cá nhân đã gây ra vào thâp niên 30 của thế kỷ trước (thời của Quadragesimo anno), những dị biệt và tranh chấp tại những miền khác nhau trên thế giới (Mater et magistra và Pacem in terris), và Giáo hội mang sứ điệp vào đó; cách riêng, từ sau công đồng Vaticanô II, Giáo hội mang sứ điệp của mình vào tất cả những thực tại phức tạp của xã hội, tham dự vào những lo âu và buồn phiền của nhân loại dù thuộc tín ngưỡng, văn hóa, chủng tộc nào đi nữa; Giáo hội nhận đó như của mình, vì biết rằng ơn cứu độ của Thiên Chúa được dành cho hết mọi người không trừ một ai. Nhìn từ viễn tượng này, ta hiểu được rằng GLXH đi đến tất cả mọi nhu cầu của nhân loại: cùng với những nhu cầu của giới công nhân và những tai hại của chủ nghĩa tự do, Giáo hội đương đầu với vấn đề kém phát triển, hoặc với thế giới lao động, và kể cả với thế giới toàn cầu hóa cùng với những khủng hoảng kinh tế, chính trị, văn hóa, luân lý, tôn giáo của nó.

Như vậy, nhờ GLXH, sứ điệp yêu thương và hy vọng của Thiên Chúa được đưa vào lãnh vực xã hội, trật tự tự nhiên được nâng cao. Một cách cụ thể, Giáo hội khám phá trong lãnh vực xã hội cùng với những cơ cấu và tổ chức của nó, những giá trị tích cực, chấp nhận chúng giống như xưa kia Đức Kitô đã làm, cứu chuộc chúng bằng cách mang lại cho chúng một ý nghĩa và hướng đi.[18] Giáo hội đi vào những vấn đề và những nơi cụ thể bởi vì Giáo hội cần phải mang đến ánh sáng Tin Mừng để kích động, nâng đỡ những nỗ lực nhằm giải thoát và thăng tiến con người. Giáo hội phục vụ ơn cứu độ trong khung cảnh lịch sử hôm nay, nơi con người sinh sống, nơi mà tình yêu Thiên Chúa đến tiếp xúc.

Như vậy GLXH loan báo Tin Mừng bằng cách mang men Tin Mừng vào trong xã hội. Như đức Phaolô VI đã nói hồi năm 1971, đứng trước những tình hình đa dạng và phức tạp, không được phép lùi bước, nhưng cần phải soi sáng chúng nhờ sứ điệp Tin Mừng: “Các cộng đồng Kitô hữu có nhiệm vụ phân tích khách quan tình hình của nước mình, làm sáng tỏ nhờ ánh sáng của Tin Mừng, rút ra những nguyên tắc suy tư, những quy tắc phán đoán và những định hướng hành động.”[19] GLXH loan báo và làm hiện thực Tin Mừng vào những mạng lưới chằng chịt của các tương quan xã hội; mang lại sự nhìn nhận, tôn trọng, đáng giá, thăng tiến và tình thương ngõ hầu con người có thể sống đời mình cách chân thực. Trong xã hội, cuộc sống con người được quyết định trong những lãnh vực khác nhau: kinh tế, giáo dục, chính trị… nhưng không thể nào bỏ qua Tin Mừng. GLXH mang lại sứ điệp cứu độ giải thoát, thâm nhập vào các tâm hồn để chuẩn gị cho họ hướng đến những dự án của tình yêu, công bằng, tự do và hòa bình.[20]

2. Chiều kích công cộng của sứ điệp

Mỗi người Kitô hữu phải sống đức tin cá nhân trong thực tại, và vì vậy đức tin cũng mang tính cách cộng đồng và công cộng. Cách riêng công đồng Vaticanô II, cụ thể là hiến chế Gaudium et Spes và những suy tư thần học tiếp theo,[21] cho chúng ta biết rằng là Kitô hữu có nghĩa là giải thích lý lẽ của niềm tin của mình, bộc lộ niềm tin trong thực tại xã hội. Tin là chấp nhận Thiên Chúa là Đấng cứu độ và giải thoát khỏi sự áp bức và bất công, và mang ơn cứu độ và giải thoát đến nơi nào con người bị đàn áp và xúc phạm. Vì thế sứ điệp không phải là cái gì ẩn kín nhưng cần trở thành công khai. Một đàng, đức tin trở thành một thực tại phê bình: tố giác những tình trạng bất nhân, những hình thức bóc lột, những mối dây ràng buộc làm mất tự do; đàng khác, nó đề ra một thực tại tốt đẹp hơn, dấn thân xây dựng một thế giới mới, bằng cách cải biến cái bất toàn xấu xa.

Một lối hiểu về bản chất đức tin như vậy không phải là sáng chế của một vài nhà tư tưởng, nhưng dựa trên Lời của Chúa trong Cựu ước cũng như trong Tân ước: Thiên Chúa tác động qua những việc giải phóng bằng cách tố cáo sự nô lệ và giải thoát (Xh 3); Thiên Chúa can thiệp để bênh vực kẻ bị bỏ rơi, và bài trừ sự bất công bằng cách làm thay đổi cuộc đời; vì thế sứ điệp của Thiên Chúa mang tính cách giải thoát, và nó ảnh hưởng đến cá nhân cũng như cộng đồng (sách Xuất Hành). Hành động của Thiên Chúa đạt đến sự sung mãn nơi Giao ước: Thiên Chúa liên kết với con người qua việc thiết lập việc thông hiệp sự sống với Ngài, và như vậy đánh dấu một lối sống mới. Ai đón nhận sứ điệp nghĩa là Giao ước với Thiên Chúa thì không những dâng hiến bản thân cho Ngài, nhưng còn đánh dấu một sự thay đổi cuộc đời bằng cách chung sống với đoàn dân của Thiên Chúa. Hiểu như vậy, việc kết hiệp với Thiên Chúa cũng được diễn tả qua một thực tại công cộng: thực hành công bằng, hiệp nhất với tha nhân, xóa bỏ những khoảng cách, giải thoát những kẻ bị áp bức giống như Thiên Chúa đã làm.[22]

Vì thế niềm tin vào Thiên Chúa mang một chiều kích xã hội: tin là dấn thân cho cuộc giải thoát, dựa trên sự giải thoát của Thiên Chúa.[23] Điều này được bộc lộ rõ rệt nơi hành động của Đức Giêsu, khi Người mang tin mừng đến những người nghèo, sự giải thoát cho những kẻ bị áp bức: những kẻ đã mất hy vọng khi gặp Người thì đã tìm thấy hy vọng (Lc 4,16-21; 7,22 tt). Những việc chữa bệnh là bằng chứng cho thấy Đức Giêsu đã khởi đầu cuộc giao chiến với quyền lực ma quỷ là kẻ thống trị con người, và mở đầu một kỷ nguyên cho hy vọng và công bằng (Mt 13; Mt 14, 35-36; Mt 15, 29-31; Lc 10, 17-20 và song song). Do đó, ai chấp nhận sứ điệp của Đức Giêsu thì cũng chấp nhận dấn thân cho yêu sách tình yêu, qua sự phục vụ và tranh dấu cho tự do, thăng tiến.

Trong GLXH, người ta thấy rằng sứ điệp Tin Mừng chi phối đời sống nội tâm và phụng tự cũng như chiều kính công cộng. LBTM cũng bao hàm việc trình bày minh bạch sứ điệp trong khung cảnh xã hội, để hướng dẫn kẻ bị áp bức biết nhận ra ý nghĩa cuộc đời. Vì thế, sứ điệp Kitô giáo chạm đến tất cả mọi định chế và cơ cấu xã hội. Cách riêng, từ sau hiến chế Gaudium et Spes, hoạt động của Giáo hội trong thế giới bắt nguồn không nguyên bởi lòng trắc ẩn đối với người cùng cực, nhưng nhất là từ chính sứ điệp Tin Mừng bao trùm tất cả mọi thực tại nhân sinh.[24]

Như vậy GLXH hoàn tất chu kỳ của việc LBTM: loan báo, tìm hiểu sứ điệp, cử hành, và thêm vào đó là hoạt động cho tình yêu và công bằng trên thế giới. Thượng hội đồng giám mục năm 1971 viết như sau: “Sứ mạng rao giảng Tin Mừng ngày hôm nay đòi hỏi rằng chúng ta phải dấn thân cho cuộc giải phóng toàn diện con người ngay từ lúc này, từ cuộc sống trần gian. Thật vậy, nếu sứ điệp Kitô giáo về tình yêu và công bằng không được diễn tả hữu hiệu ra hành động cho công bằng trên thế giới, thì khó lòng đạt được sự khả tín nơi những người thời nay.”[25] Sứ điệp Kitô giáo được trình bày như là ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người trong hết mọi hoàn cảnh sinh sống; tại nơi nào có thù ghét, lãnh đạm, bất công, thất vọng, gạt bỏ, ở nơi còn có lực lượng khống chế và áp bức con người. Tuy rằng chúng ta sẽ chỉ tìm thấy sự sung mãn trong tương lai, khi chúng ta sẽ gặp gỡ Thiên Chúa, nhưng điều ấy cần được thực hiện một cách nào đó ngay từ bây giờ, trong mức độ mà sự dữ bị đánh tan, và lòng con người được mở rộng đến chân lý, tình yêu, công bằng, cảm thông và liên đới giữa loài người; nói tắt, khi sự dữ bị đập tan trên thế giới (TLHTXH 45-48).[26] Rao giảng sứ điệp là bày tỏ tình yêu Thiên Chúa, và ở đâu có những sự kiện giải thoát thì ở đấy tình yêu đang thể hiện.

Qua GLXH, Giáo hội cho thấy con đường phục vụ con người, chống lại những mối đe dọa nhân phẩm và thăng tiến nhân quyền. Giáo hội cần đứng về phía con người để giúp con người tìm lại danh dự của mình: “Đức Kitô đã giải thoát chúng ta” (Gl 5,1); Đức Kitô đã lôi kéo con người ra khỏi cảnh nô lệ của sự dữ, tính ích kỷ, kiêu căng, tội lỗi và sự chết, Người đã giải thoát ta khỏi cuộc đời vô nghĩa, u mê không nhận ra chân lý, ngõ hầu có thể sống hòa hợp với bản thân và với xã hội; Người đã kết liễu những bất bình đẳng giữa loài người. Giáo hội buộc phải bênh vực sự bình đẳng giữa hết mọi người, không thể nào chấp nhận sự kỳ thị giàu-nghèo, trắng-đen, thông minh- ngu đần, có tín ngưỡng – vô tín ngưỡng; Giáo hội phải tiếp tục công trình của Thiên Chúa trong thế giới nơi mà nhiều lần nhiều cách, con người lại rơi vào cảnh bất công chênh lệch, để trả lại cho hết mọi người phẩm giá cá nhân và cộng đồng mà họ đã mất.[27]

Khi LBTM, Giáo hội trình bày tình yêu và ơn cứu độ cho tất cả mọi người (Sollicitudo rei socialis 41.4); tuy vậy, như là chứng nhân của tình thương cứu độ, Giáo hội “chọn lựa” những người nghèo, giống như Chúa Giêsu: sứ điệp tình yêu được dành ưu tiên cho những kẻ bị bỏ rơi để mang lại sự giải thoát cho họ (SRS 42.1 và 2).

3. Cánh chung – thăng tiến nhân bản

Rõ ràng là GLXH mang lại chiều kích này cho việc LBTM: một đàng, GLXH cho thấy rằng nếu không có thực tại chung quyết của Thiên Chúa thì những thực tại trần gian không thể thành tựu; đàng khác, chính vì nhìn đến các thực tại chung kết ấy mà GLXH nhấn mạnh đến việc cần phải thay đổi và nâng cao các thực tại của trần thế. Như thế GLXH kết hợp tương lai với hiện tại, nối kết thực tại thần linh với thực tại nhân bản, và đó chính là công cuộc LBTM.

Nhiều lần các Kitô hữu hoặc là muốn đi thẳng lên trời hoặc là bám chặt vào đất, nghĩa là hoặc chúng ta hướng lên trời mà quên trần thế, chỉ lo đến việc phụng tự và đời sống nội tâm, hoặc là chúng ta nhấn mạnh đến việc xây dựng một thế giới mới và gắng công sức vào các hoạt động cải cách xã hội mà chẳng nghĩ đến Chúa. Việc LBTM cần phải phối hợp cả hai thực tại: kẻ trung thành với Tin Mừng là người tập trung cuộc sống vào việc cầu nguyện, nâng cao cuộc đời của mình và của người khác lên cùng Thiên Chúa bởi vì biết rằng ơn cứu độ là ở nơi Chúa, nhưng đồng thời kẻ trung thành với Tin Mừng cũng là người tranh đấu cho một thế giới mới bằng cách làm cho Chân lý của Chúa được hiện diện trong thế giới.

Đức tin dạy chúng ta rằng sự thành toàn của thế giới là một việc cánh chung; Thiên Chúa sẽ thực hiện lời hứa trong tương lai. Nhưng lời hứa không hủy bỏ hiện tại; đó là một lời hứa năng động, định hướng lịch sử về tương lai; tất cả lịch sử nhân loại là lịch sử của sự hoàn thành tiệm tiến của lời hứa, và nó đưa hiện tại chuyển đến tương lai.

Tương lai diễn tiến qua sự hoàn tất các lời hứa của Thiên Chúa dọc theo dòng lịch sử; Giao ước, vương quốc Israel, cuộc hồi hương sau thời lưu đày, Vương quốc Thiên Chúa mà Đức Giêsu rao giảng đều cho thấy sự hoàn thành lời hứa và đồng thời mở ra những niềm hy vọng mới. Như vậy cánh chung là động cơ hướng dẫn lịch sử tiến tới tương lai, một tương lai trong đó Thiên Chúa sẽ tái tạo tất cả, nhưng đồng thời cũng quan tâm đến hiện tại. Điều này được thấy rõ nơi Đức Kitô: Nước Thiên Chúa là một thực tại cứu độ sẽ được viên mãn trong tương lai, tuy vậy nó đã chi phối hiện tại bằng cách thay đổi nó. Nước Thiên Chúa trở nên hiện tại qua việc giải thoát con người khỏi những tình trạng bóc lột và áp bức (Lc 4,16-27; 7,18-23).

Vì thế đức tin là hy vọng vào một tương lai sung mãn đang tác động trong lịch sử hiện tại, và là một cuộc dấn thân cho một thế giới mới; cần phải xây dựng “trời mới đất mới” bằng cách diệt trừ những sự dữ đang hoành hành. Nói cách khác, có một mối liên hệ giữa sứ điệp cánh chung và thăng tiến con người. Con người được kêu gọi bước ra khỏi thế giới để tiến tới mục tiêu trên cao, nhưng việc việc ra khỏi thế giới không có nghĩa là tìm chỗ ẩn náu trong một thế giới giả tạo, nhưng là ra khỏi sự lây nhiễm thói đời, và đảm nhận trách nhiệm trong thế giới bằng cách mang vào đời các chân lý hòa bình, liên đới, tình yêu, hy vọng… Sau khi đã đón nhận lời hứa của Chúa, người tín hữu chuyển thái độ chiêm ngắm tương lai sang hành động làm thay đổi thực tại. Sứ điệp quả là “cách mạng”, bởi vì làm lật đổ trật tự của áp bức bằng sự tự do, lật ngược giận ghét bằng tình yêu, lật ngược hận thù bằng tha thứ.[28]

GLXH giúp cho việc LBTM được hiểu biết và trình bày như là mối ăn khớp giữa chân lý vĩnh viễn của Thiên Chúa với việc thăng tiến con người. Ngày nay việc loan báo Tin Mừng đi qua con đường hành động làm thay đổi các thực tại xã hội, kinh tế và chính trị. Tương lai sung mãn nơi Thiên Chúa không nhắm mắt trước hiện tại, trái lại nó thúc đẩy một cuộc biến đổi những thực tại trần thế: “Đối với Giáo hội, hẳn nhiên là sự sung mãn và toàn hảo của ơn gọi Kitô hữu sẽ đạt được khi nào mỗi người được kết hiệp với cuộc Phục sinh của Đức Kitô, tuy nhiên niềm hy vọng của sự thành tựu ấy, thay vì ru ngủ con người thì lại làm nó thức tỉnh để cải thiện trái đất này, nơi mà gia đình nhân loại đang sinh sống, và phần nào có thể thoáng thấy một tia sáng của cuộc đời mai hậu. Chúng ta đừng lẫn lộn sự tiến bộ trần thế với Nước Đức Kitô, tuy nhiên việc góp phần vào cuộc cải thiện xã hội loài người cũng có liên quan với thăng tiến Nước Thiên Chúa.”[29] Tin Mừng được loan báo bằng cách cổ vũ một cuộc sống xứng đáng với nhân phẩm hơn; do đó việc LBTM liên quan đến sự thăng tiến con người, xét theo ba lý do: vì lý do nhân luận, con người mà Tin Mừng được mang đến là con người sống giữa những điều kiện kinh tế xã hội cần được chân lý giải phóng; vì lý do thần học, có một sự liên kết giữa chương trình tạo dựng và cứu chuộc liên quan đến những vấn đề bất công cần được chỉnh đốn; vì lý do của chính Tin Mừng, bởi vì khi cỗ vũ cho công lý và hòa bình là công bố tình yêu của Chúa.[30] GLXH kết hợp cánh chung với sự thăng tiến con người; GLXH tin vào tương lai sung mãn nơi Thiên Chúa và làm cho nó hiện diện bằng cách biến đổi con người và thế giới: con người cần được cứu chuộc và thế giới thường trái nghịch với tình yêu. GLXH loan báo Tin Mừng qua việc quan tâm đến con người nạn nhân của những bất công và mang ơn cứu độ bằng cách thăng tiến sự sống và yêu thương những ai thiếu tình thương.[31] GLXH tạo nên cuộc gặp gỡ giữa sứ điệp và lịch sử con người, loan báo Thiên Chúa để làm thay đổi lịch sử.

Dĩ nhiên là không thể nào đồng hóa tương lai với hiện tại, nước Thiên Chúa với hạnh phúc vật chất hoặc những kế hoạch chính trị xã hội, như chúng ta đọc thấy ở số 39b của hiến chế Gaudium et Spes. GLXH đã cảnh báo điều ấy khi khẳng định rằng dù tìm công lý trên đời, bình đẳng hoặc công ích mà không có Thiên Chúa, thì điều này chẳng có ích lợi gì cho con người; không thể đồng hóa hoạt động của con người với đức tin Kitô giáo bởi vì không thể nào phủ nhận chiều kích tôn giáo và siêu việt nằm trong bản tính con người.[32] Đồng thời GLXH trình bày đức tin như là một thực tại góp phần rất lớn cho việc xây dựng một thế giới mới, bởi vì nếu không có các tôn giáo lớn, nếu không có đức tin Kitô giáo và luân lý, thì không thể nào xây dựng một sự phát triển đích thực như đức Bênêđictô XVI đã khẳng định trong thông điệp Caritas in veritate: “Kitô giáo và các tôn giáo chỉ có thể góp phần vào sự phát triển nếu Thiên Chúa hiện diện trong lãnh vực công cộng, nếu ngài được nhắc đến trong văn hóa, xã hội, kinh tế và cách riêng là chính trị. GLXH đã ra đời để đòi ‘quyền công dân’ cho Kitô giáo”[33]; và ở cuối thông điệp ngài còn nói mạnh hơn nữa: “Nếu không có Thiên Chúa, con người không biết mình sẽ đi về đâu và cũng chẳng biết mình là ai […] Một thuyết nhân bản mà loại bỏ Thiên Chúa là một thuyết nhân bản phi nhân. Duy chỉ một thuyết nhân bản mở rộng đến Thiên Chúa mới có thể hướng dẫn chúng ta trong cuộc thăng tiến và thực hiện những hình thái của đời sống xã hội và văn minh.”[34] Như vậy GLXH mang tương lai của Thiên Chúa lại gần và thành hiện tại, bởi vì nó làm thay đổi thực tại nhờ việc trình bày những chân lý Tin Mừng. Trong thông điệp Caritas in veritate, đức Bênêđictô XVI đã dựa theo sứ điệp Kitô giáo để đưa ra những đề nghị cho những lãnh vực khác nhau của cuộc sống: trao tặng, vô vị kỷ, liên đới và công ích cho thực tại kinh tế (CIV 36- 37);[35] công bằng và huynh đệ trong các tương quan nhân bản, đối với cộng đồng nhân loại (CIV 53, 54, 58-61); nhân phẩm, tăng cường đời sống nội tâm đứng trước quyền lực của công nghệ (CIV 18, 68-70; 75-77); tìm chân lý và điều tốt thay vì hưởng thụ khoái lạc (CIV 51)…, ngõ hầu diệt trừ bất công, bất bình đẳng, bóc lột, cá nhân chủ nghĩa, là những cái làm tê liệt bước tiến của lịch sử và xúc phạm đến kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Đồng thời GLXH cũng giúp con người trên con đường cứu độ bởi vì cho thấy một mục tiêu rõ rệt, định hướng cuộc đời theo chân lý và điều thiện của Tin Mừng, và rồi thông truyền vào thế giới lao động, doanh nghiệp, sản xuất, chính trị và văn hóa.

Với GLXH, người Kitô hữu được kêu gọi xây dựng một thế giới mới từ đức tin: tạo ra những phương tiện để xích lại gần nhau, áp dụng công bằng xã hội, đảm nhận một tương lai phức tạp nhưng không ngã lòng bởi vì dựa trên Lời Chúa, và tương lai của thành Giêrusalem trên trời thúc đẩy luôn tiến tới,[36] bằng cách vượt thắng tính ích kỷ nhờ động lực đức tin, và nhờ sức mạnh của Thánh Linh để xây dựng một thế giới mới trong hòa bình, công lý và huynh đệ, thay thế cho những kế hoạch ích kỷ và các ý thức hệ độc tài.[37] Vì vậy, người Kitô hữu dấn thân vào thế giới này nhân danh Nước Thiên Chúa: “Theo sứ điệp Kitô giáo, thái độ của con người với con người bổ túc cho thái độ của con người đối với Thiên Chúa; việc đáp trả tình yêu Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta nhờ Đức Kitô, được biểu lộ nơi tình yêu và phục vụ con người. Tuy nhiên, tình yêu tha nhân không thể tách rời khỏi đức công bằng, bởi vì tình yêu bao hàm một sự đòi hỏi công bằng, nghĩa là nhìn nhận phẩm giá và những quyền lợi của tha nhân. Đối lại, chỉ trong tình yêu mà đức công bằng đạt được viên mãn nội tại.”[38]

4. Giáo Lý Xã Hội Của Giáo Hội loan báo tin mừng về một chủ nghĩa nhân bản mới

Trong GLXH chúng ta tìm thấy một lối hiểu biết về con người tiềm ẩn trong sứ điệp của Tin Mừng.

Hành động cộng đồng của GLXH. Trong một thế giới “toàn cầu hóa”, lẽ ra chúng ta phải sống như trong một đại gia đình; tuy nhiên, trên thực tế, mỗi người sống cách riêng tư chỉ nghĩ đến mình; tuy không phủ nhận người khác nhưng cũng chẳng liên kết đúng mức với họ; điều này trái ngược với bản chất của đức tin Kitô giáo mà Thiên Chúa đã thông đạt cho chúng ta, đó là sống trong hiệp thông. GLXH nhắc nhở chiều kích hợp nhất và cộng đồng của bản tính con người, đến nỗi nói được rằng sự kết hợp với tha nhân nằm trong chính định nghĩa của nhân vị (Populorum Progressio 43). Vì thế, GLXH có thể trình bày cho cộng đồng Kitô hữu cũng như cộng đồng nhân loại, một lối hiểu về nhân vị khả dĩ làm thay đổi cuộc sống của xã hội. Con người được Thiên Chúa dựng nên để sống trong hiệp thông (St 2,18-24; GS 24) và hướng đến sự hiệp thông sung mãn trong Thiên Chúa, dựa trên dòng suối yêu thương giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa là hiệp thông trong nội tại giữa Cha, Con, Thánh Linh, cũng như khi trao ban ra bên ngoài. Đây là khuôn mẫu cho mối liên lạc giữa loài người với nhau. Con người là “ngôi vị” khi ra khỏi chính mình để âu yếm sống với “ngôi vị” khác (GS 24). Con người gặp lại bản thân trong tình yêu Thiên Chúa, nhưng cũng có thể nói được rằng, con người chỉ gặp lại bản thân khi trao mình cho những người khác.

Như vậy GLXH có thể làm thay đổi cuộc sống con người, bởi vì con người chỉ thể hiện trọn vẹn khi sống và tăng trưởng cùng với những người khác. Dựa trên tình yêu hiệp thông của Thiên Chúa, Giáo hội cần phải kết hợp với những người khác: không chỉ dừng lại ở việc quan tâm đến người nghèo, những người bị đàn áp, nhưng còn liên kết với họ để chia sẻ và tìm ra cách giải quyết vấn đề của họ. Nhân danh Thiên Chúa của hiệp thông, Giáo hội trở thành hiệp thông, liên kết với tất cả những vấn đề của thế giới và đòi hỏi cuộc sống liên đới.

Phẩm giá con người. GLXH trình bày con người như là hình ảnh Thiên Chúa, một hữu thể có trí tuệ và tự do, có khả năng hiểu biết vạn vật và hiểu biết chính mình, có khả năng gặp gỡ chân lý và định hướng cuộc đời, và được mời gọi sống sung mãn (GS 12.15-17). Với một cái nhìn như vậy, GLXH có thể góp phần rất lớn vào việc nhìn nhận, tôn trọng, đánh giá và hợp tác giữa hết mọi nhân sinh. Trong một xã hội với nhiều lời tuyên bố lý thuyết về nhân quyền nhưng không kèm theo thực hành, thì GLXH công bố và thực hiện sự tôn trọng con người dựa theo lời của thánh Phaolô: “Không còn người Do thái hay Hy lạp, không còn nô lệ hay tự do, không còn nam hay nữ nữa, bởi vì tất cả anh em là một trong Đức Kitô Giêsu” (Gl 3,28).

Vì thế, GLXH là con đường cho việc LBTM trong xã hội qua việc công bố sự bình đẳng của tất cả mọi người, không loại trừ ai. Giáo hội hướng đến tất cả mọi người, kể cả người vô tín ngưỡng. Khi đương đầu với bất cứ vấn đề nào, đói khát, kém phát triển, lao động, tư hữu, Giáo hội nhìn tất cả trong viễn ảnh của sự bình đẳng giữa hết mọi người, bình đẳng không theo nghĩa là đồng đều như một, nhưng như là hợp nhất trong những dị biệt. GHXH góp phần vào sự bình đẳng trong nhân loại khi công bố kế hoạch của Thiên Chúa dành cho loài người: Ngài đã dựng họ khác nhau nhưng bình đẳng, khác biệt để hợp tác với nhau và chia sẻ cho nhau nhằm đến sự sung mãn (GS 29-32).

Một chủ nghĩa nhân bản toàn vẹn với những giá trị căn bản. Trải qua lịch sử nhân loại, luôn có nguy cơ nêu bật một vài chiều kích và hủy bỏ những chiều kích khác. Ngày nay, xem ra công nghệ có thể giải quyết tất cả mọi vấn đề nhân sinh, và do đó nó trở thành một thực tại điều khiển cuộc đời. Thế nhưng con người chỉ thành tựu qua sự phát triển tất cả mọi chiều kích: trí tuệ, kinh tế, chính trị, luân lý, tôn giáo, xã hội … Theo nghĩa này, GLXH thật là quan trọng, bởi vì nó nói đến sự phát triển toàn diện (PP 14-20):[39] con người không chỉ tăng trưởng bằng cách tích lũy tài sản, chức quyền, kiến thức, nhưng là bằng việc kích hoạt tất cả mọi tiềm năng của mình: tinh thần, vật chất, tôn giáo và luân lý; sự phát triển đích thực hệ ở chỗ “là” chứ không ở chỗ “có”. Và sự phát triển đích thực diễn ra qua việc thay đổi cuộc sống bản thân và cộng đồng. GLXH trình bày những giá trị cao quý của liên đới, sự thật, tình yêu, công ích, ban tặng nhưng không, suy tư, tăng trưởng nội tâm, tôn trọng sự sống. Như vậy, chúng ta tìm thấy những yếu tố căn bản cho việc LBTM trong thế giới.[40]

III. GIÁO LÝ XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI TRONG NĂM ĐỨC TIN

Làm thế nào sống đức tin dựa theo GLXH?

1. Năm đức tin

Năm đức tin được mở ra để kỷ niệm 50 năm khai mạc công đồng Vaticanô II; đây là một thời cơ thuận tiện để canh tân đời sống đạo, củng cố lòng tin tưởng cậy trông vào Thiên Chúa, trở lại con đường của chân lý và sự sống trong lịch sử chúng ta. Năm đức tin là cơ hội để tái khám phá, đào sâu đức tin, tiến xa hơn vào cuộc sống của Thiên Chúa là Đấng làm biến đổi và cứu độ. Để được vậy, cần phải tái khám phá Lời Chúa và Thánh Thể như là lương thực; lời dạy của Đức Kitô được giữ gìn sinh động nơi Lời và Thánh Thể. Vì thế, cần phải canh tân và tăng gia đức tin vào Chúa Giêsu, trở lại với Người như là Đấng Cứu Độ duy nhất, và sống cuộc đời mới. Nhưng chúng ta đừng quên rằng đức tin là một hồng ân dành cho nhân loại, và cần được công bố và sống trong thời mới, cũng tựa như công đồng Vaticanô II đã làm hồi đó. Vì vậy, cần phải dấn thân cho cuộc LBTM ngõ hầu khám phá niềm vui của đức tin và yêu thương hôm nay.

Đây là thời để nhớ lại đức tin, nghĩa là tăng cường việc suy tư ngõ hầu mỗi tín hữu hiểu biết đức tin và gắn bó với Tin Mừng cách ý thức hơn, để thông truyền tốt hơn, cũng như để tuyên xưng, cử thành và làm chứng cho đức tin vào thời đại đang sống: người tín hữu cần phải trình bày niềm tin của mình là gì, đâu là sức mạnh cho cuộc sống của cá nhân và của thế giới, cần phải chấp nhận nội dung của đức tin trong trí tuệ và tâm hồn, đem đức tin để cử hành các mầu nhiệm, và diễn tả đức qua các hành động, qua lối sống khả tín có sức thu hút người thời đại, với một ngôn ngữ dễ hiểu và thích ứng với ngày nay.

Sống đức tin cũng bao hàm tăng cường đức mến. Không dễ gì chấp nhận đức tin vào Thiên Chúa và vào đức Kitô hôm nay nếu thiếu quan tâm đối với con người với những thành công và thất bại của nó, nếu không để ý đến những thực tại đang làm hạ giá con người, nếu không gần với cuộc sống hiện tại. Vì thế đức tin cần được bày tỏ qua những việc làm. Đức tin mà thiếu đức mến thì không mang lại hoa trái, và đức mến mà thiếu đức tin thì là tình cảm thả nổi cho những nghi nan.

2. Giáo Lý Xã Hội của Giáo Hội có liên hệ với đức tin

Nó cho chúng ta biết sứ điệp Tin Mừng trong xã hội qua việc giúp chúng ta gần gũi với thực tại và những vấn đề của xã hội, nó cho thấy sứ điệp như là chân lý dành cho cộng đồng nhân loại; nó hướng dẫn cho biết thực trạng xã hội và có thể thay đổi bằng cách nào. Xét vì xã hội là một trong những lãnh vực mà người tín hữu gặp thấy những khó khăn để hiểu và sống đức tin, GLXH mang lại một sự hướng dẫn trong việc sống đức tin, một đàng qua việc nhắc nhở đến chiều kích công cộng của đức tin, đàng khác qua việc cung cấp những giá trị cần phải đem vào môi trường cuộc sống. Thực vậy trải qua lịch sử, GLXH đã giúp cho các tín hữu biết cách sống đức tin trong chiều kích xã hội, làm thế nào sống đức tin trong đời sống lao động, giữa những bất công, những nơi kém phát triển, giữa giới tài chánh, trong các mối quan hệ quốc tế, trong giới công nghệ, hoặc liên quan đến việc bảo vệ sự sống con người.[41] Đó là một đức tin trong tình yêu, bởi vì nhờ GLXH người tín hữu hiến dâng đời mình cho những người sống ngoài lề xã hội, những người bị bỏ rơi, những người cần được giúp đỡ bởi vì nhận ra nơi họ khuôn mặt của Chúa Kitô. Nhờ đức tin, chúng ta nhận ra dung nhan của Chúa nơi người đang cần đến tình thương, và chúng nhìn họ và thế giới bằng tình thương để thay đổi họ, qua việc thắng sự dữ và sống đức tin giữa những thử thách với niềm hy vọng.

Cách riêng GLXH cho thấy bằng cách nào đức tin có thể làm thay đổi thế giới, cho thấy đức tin như là một trong những sức mạnh cơ bản để mang lại ý nghĩa cho thế giới; nhờ đó chúng ta biết được hướng đi về tương lai. Sứ điệp Kitô giáo không đồng hóa với bất cứ thực tại nào của trần thế, bởi vì biết rằng ơn cứu độ ở bên kia trần thế này; tuy nhiên nhân danh niềm hy vọng mà Thiên Chúa sẽ ban, sứ điệp ấy tìm cách làm hiện thực bằng cách canh tân mọi sự. Vì lẽ ấy, GLXH hoạt động trong thế giới bằng cách thanh luyện khỏi những yếu tố trái nghịch với sự thật của Thiên Chúa, và kiện toàn hiện tại dù không dừng lại ở bất cứ dự án cụ thể nào. GLXH giúp cho ta nhìn và sống đức tin qua việc giải thoát và thăng tiến; đức tin là chân lý của một Thiên Chúa bày tỏ tình yêu, và vì thế, sẵn sàng giải phóng con người khỏi những cảnh áp bức; đức tin thực hiện sự giải phóng qua việc tố giác những tội lỗi đàn áp con người hoặc không cho nó tăng trưởng như là những con cái của Thiên Chúa. Bất cứ thông điệp nào, nhất là vào buổi đầu, đều đối diện với một thực tại xã hội, phân tích những bất toàn và khiếm khuyết của nó, và đưa ra những chân lý và phương tiện để tiến đến sự phát triển toàn diện và phổ quát, (Populorum Progressio), đứng trước cơn cám dỗ ù lì, thiếu dấn thân để cải thiện xã hội (Octogesima Adveniens), GLXH đề ra liên đới và tình yêu (Caritas in Veritate).

Một vài tiếng gọi cho những Kitô hữu hôm nay

Hiểu biết GLXH. Vào thời nay, cần phải hiểu biết bản chất của GLXH, vì nó đưa chúng ta vào thực trạng xã hội để từ đó chúng ta có thể đáp ứng những vấn đề của nó dưới ánh sáng đức tin. Nơi GLXH chúng ta tìm thấy những nguyên tắc soi sáng và hướng dẫn, và những hành động giúp chúng ta diễn tả đức tin. Vì thế cần phải cổ võ việc học hỏi GLXH, đem chiều kích xã hội của Tin Mừng vào các lớp huấn giáo, nhắc nhở việc thực hành công bằng bác ái trong các buổi cử hành phụng vụ. Nhờ vậy chúng ta sẽ góp phần vào việc giúp các cộng đồng của chúng ta ý thức hơn vai trò của mình trong thế giới.

Cổ vũ những hình thức liên đới và hiệp thông. Chúng ta thường sống riêng tư, dù vẫn biết rằng các Kitô hữu cần phải làm chứng cho tình hiệp thông. Vì thế chúng ta phải cố gắng cổ vũ những hoạt động cộng đồng trong các cộng đoàn, nêu bật trong các Thánh lễ rằng chúng ta là cộng đồng và phải sống hợp nhất với nhau; kêu gọi biết nhạy cảm trước những vấn đề của thế giới tựa như đói kém thiên tai, khủng hoảng kinh tế, bất công… Sự hiệp thông cần được diễn ra tình liên đới, cảm thông với những người nghèo và bị gạt bỏ, những người đau ốm, mù chữ, thất nghiệp. GLXH có thể góp phần cho tình liên đới khi chỉ ra những cảnh bất công áp bức, những nỗi cơ cực thống khổ, và kêu gọi chúng ta hãy biết chia sẻ tài sản của mình. Thánh Basiliô Cả đã viết một đoạn văn rất đẹp về việc để tài sản để phục vụ ích chung như sau: “Bạn nói, tôi đâu làm hại đến ai đâu, bởi vì tôi giữ lại vật của tôi? Bạn hãy nói cho tôi biết, cái gì là của bạn? Bạn đã lấy nó từ đâu ra, hay là bạn đã mang nó vào đời lúc sinh ra? Giống như người kia, muốn chiếm chỗ đầu trong rạp hát, đã đuổi hết mọi người muốn vào, chiếm làm của riêng mình một công trình được cống hiến cho hết mọi người. Những người giàu cũng như vậy đó. Họ đã chiếm lấy chỗ đầu một tài sản chung, và giữ lấy với danh nghĩa là kẻ đầu tiên đã chiếm hữu. Giả như mỗi người chỉ lấy đủ cái gì cần thiết và trao của dư thừa cho những người túng thiếu, thì sẽ không có ai giàu, nhưng cũng chẳng có ai nghèo hết.”[42] Vì vậy cần phải huấn luyện tình thần cộng đồng qua sự hợp tác, tham gia, trao đổi ý kiến, những công tác chung, khám phá những chiều kích của nhân sinh, và tìm cách làm triển nở những chiều kích ấy để phát triển toàn thể con người.

Ý thức phê bình và xây dựng đối với các thực tại kinh tế, chính trị và xã hội. Nhờ GLXH chúng ta biết cách cư xử khi đối diện với các thực tại kinh tế, chính trị và xã hội. Một đàng, chúng ta có khả năng phê bình, bởi vì nhận ra nhiều điều chưa phù hợp với chân lý Tin Mừng, vì vậy chúng ta tố giác những gì làm phương hại đến con người, sự phát triển sai lầm, những bất công của chủ nghĩa tự do, những bất cập của một xã hội công nghệ. Đàng khác, chúng ta không chỉ tố giác sự xấu nhưng cũng loan báo hướng đi tích cực từ đức tin: một chủ nghĩa nhân bản toàn diện, công bằng xã hội và công ích.

 
 
(Nguồn: http://www.instituto-social-leonxiii.org/index.php?option=com_content&view=article&id=879:el-ano-de-la-fe-y-la-dsi&catid=119:curso-2012)
 
_____________
 
[1] R. Alberdi-R. Belda, Introducción crítica al estudio del marxismo, Madrid 1977. Thuyết tự do cũng chỉ trích GLXH bởi vì họ cho rằng Giáo hội là tàn dư của những hình thức chính trị độc tài, không mở ra cho tự do, lý trí và khoa học, vì thế đi ngược lại hoạt động tự do của nhân vị và việc xây dựng đời sống dân chủ. Cfr. Varios, Ética y democracia, Vitoria 1989, 204 ss. 
[2] E. Chiavacci, Diccionario Teológico Interdisciplinar, Salamanca 1983, 360-372; J. Mª Diez Alegría, “De la doctrina social de la Iglesia al mensaje social del Evangelio”, en: Varios, El Vaticano II veinte años después, Madrid 1985, 331-358; J. C., SCANNONE, Teología de la liberación y doctrina social de la Iglesia, Madrid 1987, 186ss. 
[3] Chiều kích công cộng: dimension pública, cũng có thể dịch là “công khai”, đối lại với tư riêng, kín đáo. [ND] 
[4] G. Gutierrez, Teología de la liberación, Salamanca 1969; J. B. Metz, Teología del mundo, Salamanca 1971; La fe en la historia y en la sociedad, Madrid 1981; J. Alfaro, Esperanza cristiana y liberación del hombre, Barcelona 1975. 
[5] Trong ý kiến thứ nhất có thể xếp J. L. Gutiérrez, F. Guerrero y B. Sorge; trong ý kiến thứ hai có thể kể G. Jiménez và các thần học thuộc nhóm SELADOC tại châu Mỹ Latinh; các tác giả theo ý kiến thứ ba là J. Mª González Ruiz, V. Baillo, E. Chiavacci, và M.D. Chenu. 
[6] Thượng hội Đồng Giám mục 1971. Công bằng trên thế giới, Nhập đề 4-5 và II, 2.1-2. 
[7] EN 4. 
[8] EN 5. 
[9] EN 23. 
[10] TLHTXH 21. 
[11] ĐGH Gioan Phaolô II nhìn việc toàn cầu hóa như dưới chiều kích của sự liên đới, và ước ao cho tất cả mọi người đều được tham gia vào tiến trình này. X. Diễn văn dành cho ngoại giao đoàn cạnh Tòa thánh năm 2000. 
[12] Chúng ta gặp những đoạn song song ở Mc 16, 15-16, Lc 24, 47 và Cv 2, 38. Máccô mở rộng việc sứ vụ với những dấu lạ kèm theo việc tin theo Đức Giêsu (trừ quỷ, nói ngôn ngữ lạ, miễn nhiễm, chữa bệnh). Luca chỉ nói đến việc rao giảng danh Chúa Kitô để mọi người được ơn tha tội, và Công vụ tông đồ tiếp nối tư tưởng của Luca. 
[13] EN 50. 
[14] EN 52-53. 
[15] TLHTXH 60-62. 
[16] TLHTXH 63. 
[17] Người ta cũng nhận thấy sự mở rộng đến chiều kích phổ quát ngay từ tựa đề của các thông điệp. Cho đến năm 1963, các thông điệp được gửi đến các phần tử của Giáo hội: thượng phụ, tổng giám mục, giám mục, linh mục và giáo dân. Từ năm 1963, với thông điệp Pacem in terris, GLXH cũng được gửi đến những người thiện chí nữa. 
[18] TLHTXH 64. 
[19] ĐGH Phaolô VI, Tông thư Octogesima adveniens (OA) số 4. 
[20] TLHTXH 63. 
[21] Theo hướng đi của Gaudium et Spes, nhiều nhà thần học đã cố gắng phối hợp sứ điệp Kitô giáo với những thực tại trần thế, liên kết đức tin với việc biến đổi thực tại xã hội, chẳng hạn như: J. Alfaro, Esperanza cristiana y liberación del hombre, Barcelona 1975; Equipo de Seladoc, Panorama de la Teología Latinoamericana I-V, Salamanca 1975-1986. G. Gutiérrez, Teología de la liberación, Salamanca 1969; J. B. Metz, Teología del mundo, Salamanca 1971. 
[22] Nhiều chỉ thị và định chế Cựu ước, chẳng hạn như quan tâm đến khách ngoại kiều và di dân (Xh 22, 20; Đnl 10, 18), không bóc lột người nghèo (Dt 24, 14), tha nợ nần (Dt 15, 7-11), năm hoàn nguyên và ân xá (Lv 25, 17.8-17), cho thấy chiều kích công cộng của đức tin vào Thiên Chúa. Về ý nghĩa của các định chế này xem F. LAJE, La remisión de las deudas en la legislación del Antiguo Testamento, en L. Alvarez Verdes- M. Vidal (Ed.), La Justicia Social, Madrid 1993, 21-35. 
[23] J. Alfaro, Cristianismo y Justicia, Madrid 1973; R. Schnackenburg, Reino y Reinado de Dios, Fax 1974; J. L., Sicre, Con los pobres de la tierra, Madrid 1984. 
[24] GS 3, 11, 32; Populorum Progressio 13; Octogesima Adveniens 4-5; Sollicitudo rei socialis 1 và 31. 
[25] Giáo hội hoạt động giữa thế giới bằng việc loan báo và sống sứ điệp tình yêu của Thiên Chúa. Ý tưởng này đã được gợi lên từ GS 1-3 và 10, và được đào sâu ở các văn kiện của hành giám mục Mỹ châu Latinh, cũng như tông thư Octogesima adveniens của đức Phaolô VI (OA 1, 4), và kế đó trong thông điệp Sollicitudo rei socialis (SRS 41-42 và 46-48). 
[26] Sách TLHTXH khẳng định rằng con người cũng như xã hội chỉ gặp thấy sự sung mãn nơi Thiên Chúa, vì thế không thể thực hiện kế hoạch sung mãn ở đời này. Giáo hội cần nhắc nhở con người đừng rơi vào những ảo tưởng hoặc để bị lừa gạt với những lý thuyết kinh tế hay chính trị. Tuy nhiên, mặc dù kế hoạch tương lai của Thiên Chúa vượt xa những khả năng của thế giới này, chúng ta vẫn có thể và vẫn phải vượt thắng những yếu đuối của mình, nhờ ơn Chúa, và vẫn nhìn nhận đó chỉ là tạm bợ. Một tư tưởng tương tự cũng gặp thấy ở các số 49-58, khi nói rằng Giáo hội mang một sứ mạng bắt nguồn từ sứ điệp: loan báo ơn cứu độ, loan bao Vương quốc như là đối tượng của niềm hy vọng vào một thực tại thuộc tương lai nhưng vẫn gợi lên hoạt động trong hiện tại. 
[27] Giáo hội muốn bênh vực phẩm giá con người và đứng bên cạnh những người bị gạt ra bên lề. Đây là kết luận của các giám mục Mỹ châu Latinh tại Medellín, Puebla y Santo Domingo. Các thông điệp của đức giáo hoàng Gioan Phaolô II Laborem exercens (1981), Sollicitudo rei socialis (1987) y Centesimus annus (1991) cũng theo chiều hướng ấy. Đức Gioan Phaolô II không bàn trực tiếp đến phẩm giá con người, tuy nhiên khi đề cập đến lao động trong Laborem exercens, ngài yêu cầu tôn trọng các công nhân, và nói rằng chính người công nhân mang lại giá trị cho lao động. Trong thông điệp Sollicitudo rei socialis ngài đề cao tình liên đới và đòi hỏi rằng tất cả mọi người đều bình đẳng về giá trị. Trong Centesimus annus ngài bênh vực cho một xã hội trong đó có tự do, bình đẳng, trách nhiệm cho tất cả mọi người, một điều mà chủ nghĩa cộng sản cũng như tư bản không mang lại. 
[28] J. B. Metz nói đến đức tin như là một “ký ức cách mạng” ( lật đổ: memoria subversiva). Chúng ta tin vào Thiên Chúa được mạc khải nơi Đức Kitô, một Đấng lật ngược cuộc sống con người dù là cá nhân hay cộng đồng. Vì thế người tín hữu cần sống Tin Mừng bằng cách lật ngược thứ tự hiện hành. X. J. B. Metz, La fe en la historia y en la sociedad, Madrid 1979, 102. 
[29] Hội nghị các Giám mục châu Mỹ Latinh tại Medellín, Promoción Humana, 1 Justicia II, 5.2. 
[30] EN 31. 
[31] TLHTXH 66. 
[32] ĐGH Piô XI trong thông điệp Quadragesimo Anno, số 117 và 118, tẩy chay chủ nghĩa xã hội ôn hòa, bởi vì tuy đi tìm công bằng và bác bỏ sự đấu tranh giai cấp, nhưng nó khước từ chân lý tôn giáo và chỉ quan niệm một thế giới duy vật. 
[33] CIV 56, 11. 
[34] CIV 78. 
[35] Tất cả chương III của thông điệp, cụ thể các số từ 34 đến 42, nói đến các giá trị căn bản này. 
[36] OA 12. 
[37] OA 37, 48 và 49. Các thông điệp Sollicitudo rei socialis số 31 và Centesimus annus số 25 cũng theo hướng đó. 
[38] THĐGM 1971. Công bằng trên thế giới, II, 1.5, cũng như II, 2.1-2 và III, 1-9. 
[39] Chúng ta nên đặt thông điệp Caritas in veritate của đức Bênêđictô XVI trong bối cảnh ấy. Toàn thể thông điệp, đặc biệt là ba chương đầu tiên, cho thấy một cái nhìn toàn diện về sự phát triển. 
[40] CIV 1-6, 16-19, 34-36, 48-50, 74-77. 
[41] Các văn kiện như Rerum novarum, Mater et magistra, Gaudium et spes, Populorum progressio, Laborem exercens, Centesimus annus và Caritas in veritate đã tìm cách diễn tả đức tin trong những thực trạng khác nhau. 
[42] T. Gioan Kim Khẩu “Destruam Horrea mea” 7 (PG 31) 276; xem thêm Homilía super 1 Tim (PG 62) 562-563; In Génesim Sermo I, 4 (PG 54) 586; Homilia in Epist I ad Corintios XI, 5 (PG 61, 94); T. Grêgôriô Nazianzenô, Oratio XIV: De pauperum amore, (PG 35) 857-910.