Mục Đích Và Phương Pháp: Khác Biệt Giữa Khoa Học Và Tôn GIáo

0
1525


Phùng Văn Hóa

 

Gần đây có vài ba sự kiện khoa học có liên quan đến tôn giáo khiến ta phải lưu tâm. Một nhóm 24 nhà khoa học đứng đầu là Craig Venter, một trong những cha đẻ của dự án hệ di truyền con người (human genome) đã công bố trên tạp chí khoa học một khám phá mới, giải thích cách thức họ khởi đầu dùng một tế bào sống cộng thêm một nhiễm sắc thể nhân tạo (synthetia chromosome) để hoàn toàn biến đổi tế bào nhân tạo mới. Dư luận bàn tán nhiều về khám phá này, báo chí gọi Craig Vente, người không hề che giấu cái tham vọng vượt trên tư duy thông thường là ông đang muốn chơi trò làm Thượng Đế (nguồn BBC ngày 26/5/2010). Còn Tòa Thánh Vatican thì đang chờ đợi thêm dữ kiện trước khi đưa ra những hướng dẫn về luân lý và đạo đức.

Trước hết cần xác định một điều đó là, cũng như bất cứ một ngành nhân văn nào, tôn giáo được hình thành phát triển là bởi và cho con người. Hiểu như thế thì để có thể đánh giá cách đúng đắn về một tôn giáo nào đó chúng ta không thể không xét đến mối tương quan của nó với đời sống và đời sống ở đây được hiểu bao gồm không ngoài hai phạm vi triết học và khoa học. Nói là hai, không phải là để phân chia thành hai giai đoạn khác nhau nhưng nó luôn song hành trong một thế tương tác hữu cơ một khi ta hiểu triết học là nguyên lý của đời sống và khoa học như là phương pháp để thực hành nguyên lý ấy.

Ai cũng biết Đạo Chúa chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi triết học Aristote. Đang khi đó triết học này trong thực chất lại chỉ là một thứ vật lý học trá hình. Vật lý học trong thời đại ấy mặc dầu vẫn còn phôi thai nhưng dẫu sao nó vẫn là một khoa học và khoa học này nhắm đến cái đích là để giải thích về căn nguyên tạo thành vũ trụ. Chính do nơi ảnh hưởng đó mà triết học Trung Cổ mới đưa ra định nghĩa cho triết học thế này: “Triết học là khoa học về vạn vật, lấy nguyên nhân tối cao để giải thích chúng” (La philosophie est la science des choses par leurs causes suprêmes). Có thể nói, kể từ thời Trung cổ, tất cả nỗ lực chịu ảnh hưởng của Kinh Viện học (Scholastique) đều chỉ biết xoay quanh cái trục “Nguyên Nhân Tối Cao” còn được gọi là Đấng Tạo Hóa đó mà thôi.

Tuy nhiên triết học trung cổ ảnh hưởng bởi Aristote ấy đã phải đối phó với hết cơn khủng hoảng này đến cơn khủng hoảng khác mà cao trào của nó chính là Thuyết Tiến Hóa của Darwin. Theo thuyết này thì Sự Sống không phải được tạo thành bởi một Đấng Thần Linh nào hết mà là do nơi cuộc tiến hóa, và luận điểm gây sốc nhất có lẽ cho đến nay vẫn còn tồn tại đó là con người sinh ra bởi khỉ? Xưa nay đạo giáo vẫn nhất trí giảng dạy Đấng Tạo Hóa sinh ra con người mà nay lại nói bởi khỉ thì sao mà chịu cho thấu? Mặc dầu thế, sau những cuộc đấu khẩu, kể cả những vụ án trừng trị những kẻ tuyên truyền thuyết tiến hóa được gọi là những “vụ án con khỉ” và đặc biệt là cuộc tranh luận giữa giám mục Wilberforce và Huxley tại đại học Oxford năm 1860 thì giáo hội dường như đã xoay chiều.

Từ đầu TK 20 thay vì dùng Thánh kinh để phi bác thuyết tiến hóa, các nhà chú giải, ngược lại đã ra công ra sức giải thích sao cho Thánh Kinh có thể phù hợp với các khám phá khoa học. Tuy nhiên có thể nói tất cả những nỗ lực ấy đều đã thất bại. Với những tiến bộ không ngừng trong lãnh vực vĩ mô, con người đã đặt chân lên tới mặt trăng, còn trong vi mô thì đã có những thí nghiệm biến đổi gien và tạo ra được cả tế bào mới như đã biết. 

Chúng ta không thể phủ nhận sự tiến bộ vượt bậc của khoa học nhưng đồng thời cũng phải công nhận sự thất bại của giáo hội trong việc muốn dung hòa đức tin với khoa học. Khoa học và đức tin không thể cùng sóng đôi đồng hành. Khoa học càng tiến bộ bao nhiêu thì càng xa rời tôn giáo bấy nhiêu đến nỗi tất nhiên sẽ phế bỏ nó. Lại vừa mới đây, nhà vật lý nổi tiếng Stephen Hawking, tác giả của nhiều công trình khoa học như: “Lược sử về thời gian, Lý thuyết về bức xạ, về Hố Đen (black Holes)” v.v… cũng đồng thời là thành viên chính thức của giáo hoàng học viện khoa học, ông đã trả lời hãng Thông Tấn ABC News về sự thắng thế của khoa học đối với tôn giáo: “Có một sự khác biệt giữa tôn giáo và khoa học. Tôn giáo dựa trên quyền bính, khoa học dựa trên quan sát và lý trí. Khoa học sẽ chiến thắng bởi vì nó có kết quả” (Nguồn Dũng Lạc 10/6/2010). Trước khi phân tích sự khác biệt giữa khoa học và tôn giáo thiết tưởng cũng nên xem xét lời tiên báo “Khoa học sẽ chiến thắng bởi vì nó có kết quả”. Chẳng biết ý của vị giáo sư này khi nói đến cái kết quả do khoa học đem lại cho nhân loại là gì nhưng theo tôi kết quả ấy cần thể hiện trên hai phương diện, đó là sự hiểu biết và hạnh phúc.

Có lẽ cũng chẳng cần phải đợi đến một tương lai xa xôi nào đó con người mới có được thành quả do khoa học đem lại: “Chúng ta là những người hiểu biết nhất trong lịch sử văn minh nhưng cũng là những người khốn khổ nhất. Các học sinh trung học của chúng ta biết nhiều về những định luật vật lý của vũ trụ hơn cả nhà khoa học tài ba nhất trong thời Aristote. Nhưng dù đầu óc chúng ta đầy ắp kiến thức, con tim chúng ta thì lại trống rỗng” (Tiến sĩ Billy Graham – Bình an trong Thượng Đế). Đầu óc thì đầy ắp kiến thức, cái gì, ở đâu cũng biết ngay cả trẻ em cũng vậy, còn con tim thì trống rỗng. Trống rỗng ở đây là thiếu vắng tình yêu, sự cảm thông. Hay nói cách khác sự thiếu tình yêu đó đồng nghĩa với vô cảm trước khổ đau, bất công của con người… Một khi tình yêu thiếu vắng thì sự buồn chán sẽ thâm nhập, điều ấy là đương nhiên: “Hiện nay số người buồn chán trên thế giới nhiều hơn bất cứ thời nào khác, chúng ta biết thế và chúng ta có quá nhiều trò vui. Dân chúng trống rỗng đến nỗi không thể tự giải khuây. Họ phải mướn người khác làm cho họ vui, chọc cho họ cười, gây cho họ cười, gây cho họ cảm giác được ấm cúng hạnh phúc và dễ chịu trong giây lát, quên cái cảm giác trống rỗng ghê rợn và cô độc” (Billy Graham Sđd).

Hiểu biết rất nhiều, cái chi cũng biết, thế nhưng vẫn cô đơn lạc lõng trống rỗng, tại sao lại như vậy? Đó là bởi con người là loài có cả xác lẫn hồn, tức phần vật chất và tâm linh. Con vật đói thì đi kiếm cái ăn, động tình thì đi giao phối. Nhưng con người ngoài hai cái bản năng đó ra nó còn cần đến một thứ khác đó là thỏa mãn cho tâm linh mình. Khoa học dù có đem lại sự hiểu biết, phương tiện sinh sống đến đâu đi nữa thì nó cũng không thể đáp ứng được nhu cầu tâm linh. Nhu cầu ấy con người chỉ có thể tìm gặp ở nơi tôn giáo và có nhận ra được điều ấy thì ta mới có thể trả lời được câu hỏi tại sao với biết bao thế lực mạnh mẽ chỉ muốn chăm chắm tiêu diệt tôn giáo nhưng rồi nó vẫn cứ tồn tại, trong khi đó đã có không biết bao nhiêu là nền văn minh, bao nhiêu chế độ thế trần đã sụp đổ…

Khoa học có lãnh vực của nó và lãnh vực ấy chỉ có thể bó gọn trong phạm vi vật chất. Ngược lại tôn giáo không phải chỉ quan hệ trong lãnh vực tinh thần nhưng nó lại quyết định cho cả vật chất. Con người làm chủ mọi tạo tác như đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng… nhưng cái làm chủ đó không phải xác thân nhưng là tinh thần tức tư tưởng. Có ý nghĩ ăn mới ăn, có ý nghĩ đi mới đi v.v… Nói cách khác xác thân chỉ là cái dụng cụ của tư tưởng. Chính là tư tưởng điều khiển mọi hành vi của ta chứ không phải ngược lại. Mặt khác tư tưởng chủ đạo không những chỉ cho những hành vi mà còn cho cả việc thiện ác. Có tư tưởng thiện mới làm thiện, trái lại tư tưởng ác sẽ làm việc ác. Mặc dầu tư tưởng là cái quyết định chứ không phải thân xác thế nhưng nếu không có thân xác thì tư tưởng lại không biết dựa vào đâu để thể hiện. Phần việc của khoa học là để lo cho thân xác và chỉ có thế mà thôi. Còn tôn giáo thì việc của nó tuy chỉ để lo cho tâm linh nhưng nếu tâm linh an thỏa thì thân xác cũng được sung túc. Đức Kitô nói: “Trước hết hãy lo tìm kiếm Nước Chúa và sự công chính của Ngài thì mọi điều ấy (cuộc sống xác thân) sẽ được thêm cho các ngươi” (Mt 6, 33).

Cuộc khủng hoảng dữ dội như hiện nay đang thấy cả về phía những kẻ chống đối cũng như những người muốn bảo vệ phải chăng đã không nhận ra được con đường tâm linh của giáo hội ? Vì không nhận ra được tính chất tâm linh ấy nên một người như Hawking, một thành viên của giáo hoàng học viện, mới nêu lên sự khác biệt giữa khoa học và tôn giáo một cách hết sức hàm hồ như thế. Quả đúng là có sự khác biệt, nhưng không phải giữa một bên là lý trí bên kia là quyền bính, nhưng là sự khác biệt cả trong mục đích lẫn phương pháp. 

I- Khác biệt về mục đích

Khoa học trước khi được sử dụng để đem lại ích lợi cho cuộc sống thì nó là bản tính hiếu tri ở nơi con người. Bản tính ấy khi còn ở dạng sơ khai, thuần túy đó chỉ là sự tò mò. Thấy con chim bay lượn trên trời, có người nhìn ngắm cách thích thú và ước ao giá mình cũng bay lên được như nó. Kẻ đó về nhà ngẫm nghĩ, suy tính mày mò để làm ra đôi cánh, cột vào hai cánh tay, nhờ vào sức gió đẩy may ra có thể bay lên. Đây là những bước tiến chập chững đầu tiên của nhà phát minh ra máy bay v.v… Những nhà phát minh ấy thoạt đầu họ đâu có nghĩ gì tới mục đích mà khoa học đem lại cho cuộc sống? Những phát minh khoa học ấy tự thân nó có được chỉ là vì tính hiếu tri mà thôi và tính hiếu tri ấy có thể chế ra những phương tiện hữu dụng cho cuộc sống nhưng cũng có thể có hại. Nobel phát minh ra thuốc nổ, có thể dùng để phá núi làm đường nhưng cũng có thể phá hoại cầu cống hoặc nổ banh xác quân thù… A. Einstein phát minh lý thuyết chế tạo bom nguyên tử để rồi ân hận suốt đời. Và gần đây là phương pháp sinh sản vô tính, làm biến đổi gien, tạo tế bào mới…

Bản thân tính hiếu tri không xấu nhưng nó có thể sử dụng vào việc xấu lý do là bởi cái gọi là “TRI” ấy chỉ là tri thức chứ không phải trí tuệ. Tri thức là sự hiểu biết chỉ bó gọn trong phạm vi hiện tượng giới, tức là những cái biết do phân biệt như tai nghe, mắt thấy, tư duy này nọ… Toàn bộ những cái biết do phân biệt mà có ấy sở dĩ gọi là hiện tượng bởi vì chúng có lúc có, có lúc không. Còn duyên thì gọi là có, hết duyên thì mất. Mắt nhìn cảnh vật trời mây non nước dòng sông, cô lái đò v.v… nhưng nhắm mắt thì lại không thấy hoặc chỉ chốc lát sau mây cũng trôi mà thuyền cũng chẳng còn thấy đâu nữa…

Những cái biết phân biệt như thế đều là giả, không thật nhưng bởi vì vô minh nên con người lại luôn đắm chấp cho nó là thật có, nào vợ con tôi, nhà cửa xe cộ của tôi, danh dự địa vị chức quyền của tôi. Chúng không thật có lại cho là thật thế nên khi nó mất đi, tan biến đi, cát bụi trở về bụi cát thì than thở khổ não, trách trời óan đất !!!. Con người vì u mê nên mới cứ như con thiêu thân lao mình vào chỗ chết mà không biết. Tôn giáo đưa đến một con đường sống, đường sống ấy chính là đường Sự Thật: “Nếu các ngươi cứ ở trong Đạo của Ta thì thật là môn đệ Ta. Các ngươi sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải thoát các ngươi” (Ga 8, 31). Biết sự thật chính là Cái Biết Trí Tuệ vô phân biệt, nó khác hẳn với cái biết mang tính phân biệt của tri thức khoa học. Do nơi mục đích khác nhau thì tất nhiên để đạt được mục đích ấy, phương pháp cũng phải khác.

II- Khác biệt về phương pháp 

Có quan điểm cho rằng khoa học và đức tin tôn giáo không chống trái nhau bởi vì chúng cùng trên đường đến một chân lý duy nhất. Điều ấy có thể đúng nếu chân lý ấy được gọi bằng cái tên là Đấng Thiên Chúa Tạo Hóa có nghĩa Đấng ấy đã tạo dựng nên thế giới vật chất này. Thế nhưng Đấng được gọi là Tạo Hóa ấy thực chất chỉ là cái tên, một thứ khái niệm chứ không phải Thực Tại. Cũng chính bởi Thiên Chúa của thần học chỉ là khái niệm, thế nên như chúng ta biết đã có không biết bao nhiêu là loại thần học khác biệt và chúng luôn bất đồng với nhau.

Con đường khoa học theo đuổi trước sau vẫn chỉ là quan sát và thực nghiệm. Quan sát tức là từ nguyên nhân này để đến một kết quả kia. Cứ theo dõi cái chuỗi nhân quả đó mà nhà khoa học đưa ra khẳng định thế này thế khác. Mặc dầu vậy khẳng định nào cũng phải đưa vào thực nghiệm thì mới có được kết quả cuối cùng. Hễ công trình nào mà được tiến hành bằng quan sát và thực nghiệm như thế đều được gọi là khoa học. Tuy vậy, tất cả các công đoạn quan sát và thực nghiệm ấy đều có đối tượng là vật chất, không thể khác và đây chính là điểm hoàn toàn khác biệt với tôn giáo.

Tại sao vậy? Bởi lẽ đối tượng của khoa học là vật chất còn của tôn giáo lại là tâm linh. Vật chất thuộc lãnh vực hữu hình, có thể thấy, nghe, nếm, ngửi, đụng chạm, nghĩ suy. Trái lại tâm linh thì vô hình không thể thấy nghe cảm nhận nghĩ suy (kiến văn giác tri). Những cái mà khoa học có thể quan sát thực nghiệm đương nhiên chỉ là vật chất và khoa học cũng chỉ có thể chấp nhận đến cái ngưỡng dục giới ấy mà thôi. Đang khi đó lãnh vực tâm linh cũng là khoa học nhưng cái ngưỡng của nó thì vô biên, chẳng những gồm cả sắc giới mà còn cả vô sắc.

Việc quan sát thực nghiệm của khoa học là thuộc phạm vi vật chất hữu hình còn trong tâm linh lại thuộc lãnh vực tư tưởng. Việc quan sát ở đây tức là quan sát tư tưởng ở nơi chính mình để rồi đạt đến chỗ có thể dừng (đình chỉ) nó lại. Dừng lại tư tưởng mình, đây chính là công cuộc thực nghiệm trong tôn giáo. Tư tưởng là nơi phát xuất của toàn bộ hành vi thiện ác nhưng nếu không quan sát được nó thì không sao có thể dừng nó được. Cứ chạy theo tìm cầu những cái ở bên ngoài mình đó là vô minh mê lầm. Trái lại biết quay vào bên trong mà dừng đó lại là người có trí tuệ. Tổ Lâm Tế nói: “Chỗ ông dừng một niệm là Cây Bồ Đề, ông một niệm không thể dừng được là cây vô minh”. Nhà Thiền nói: “Dừng một niệm” thì một niệm ở đây Nhà Đạo chúng ta gọi là ý riêng. Dừng một niệm cũng tức là bỏ ý riêng mình đi. Khoa học một khi chỉ biết nhắm vào đối tượng vật chất để mà quan sát thực nghiệm như thế thì cũng chẳng khác nào mài gạch mà mong có ngày thành gương soi, gốc một khi đã vô minh thì ngọn làm sao có thể khác? Vì vậy cái mà nó tưởng rằng… thắng được tôn giáo chẳng qua chỉ là việc giơ chân đạp mũi nhọn, khó thể nào tránh khỏi Ngày Thịnh Nộ của Chúa, ai mà đương cự nổi? (Kh 6, 17).