Mt 4,1-11: Cám Dỗ Tại Hoang Địa

0
2302


Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.

 

Bản Văn Tin Mừng: Mt 4,1-11[1]

1 Bấy giờ Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. 2 Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. 3 Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!” 4 Nhưng Người đáp: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”.

5 Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, 6 rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”.

7 Đức Giê-su đáp: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”.

8 Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, 9 và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi”. 10 Đức Giê-su liền nói: “Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.

11 Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người.

***

1.- Ngữ cảnh

Đoạn văn này nằm trong Phần Mở của Tin Mừng Matthew, mà chúng ta có thể xác định vị trí theo lược đồ sau đây:

A = Lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả và câu trích Is 40,3 (Mt 3,1-4)

B = Gioan và Đức Giêsu: cuộc đối đầu giữa các niềm hy vọng Đấng Messiah (Mt 3,5-15)

C = Con yêu dấu của Thiên Chúa Cha đăng quang Messiah, với câu nhắc đến Is 42,1 (Mt 3,16-17)

B’= Đức Giêsu và ma quỷ: Loại trừ niềm hy vọng Đấng Messiah trần tục (Mt 4,1-11)

A’= Lời rao giảng của Đức Giêsu và câu trích Is 8,23–9,1 (Mt 4,12-17). Kết luận và chuyển mạch (Mt 4,18-25).

Trong phân đoạn này, tác giả Matthew đã vận dụng các đoạn Cựu Ước mà ta có thể thấy qua bảng đối chiếu sau:

Mt 4,1

1 Bấy giờ Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ.

Đnl 8,2-3

2 Anh (em) phải nhớ lại tất cả con đường mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đã dẫn anh (em) đi suốt bốn mươi năm nay trong sa mạc, để bắt anh (em) phải cùng cực; như vậy Người thử thách anh (em) cho biết lòng dạ anh (em), xem anh (em) có giữ các mệnh lệnh của Người hay không. 3 Người đã bắt anh (em) phải cùng cực, phải đói, rồi đã cho anh (em) ăn man-na là của ăn anh (em) chưa từng biết và cha ông anh (em) cũng chưa từng biết, ngõ hầu làm cho anh (em) nhận biết rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng ĐỨC CHÚA phán ra.

Mt 4,2

2 Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói.

Xh 34,28

28 Ông ở đó với ĐỨC CHÚA bốn mươi ngày bốn mươi đêm, không ăn không uống, và ông viết trên những bia các điều khoản của giao ước, tức là Thập Điều.

x. Đnl 9,9

9 Khi lên núi để nhận các bia đá, những tấm bia giao ước mà ĐỨC CHÚA đã lập với anh em, tôi đã ở trên núi bốn mươi ngày bốn mươi đêm, không ăn bánh, không uống nước.

Mt 4,4

4 Nhưng Người đáp: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”.

Đnl 8,3

3 Người đã bắt anh (em) phải cùng cực, phải đói, rồi đã cho anh (em) ăn man-na là của ăn anh (em) chưa từng biết và cha ông anh (em) cũng chưa từng biết, ngõ hầu làm cho anh (em) nhận biết rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng ĐỨC CHÚA phán ra.

Mt 4,6

6 rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”.

Tv 91,11-12

(LXX)

11 bởi chưng Người truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường, 12 và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá.

Mt 4,7

7 Đức Giê-su đáp: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”.

Đnl 6,16

16 Anh em đừng thách thức ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, như anh em đã thách thức ở Ma-xa.

Mt 4,8

8 Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy.

Đnl 34,1

1 Từ đồng bằng Mô-áp, ông Mô-sê lên núi Nơ-vô, tới Pít-ga, đối diện với Giê-ri-khô, và ĐỨC CHÚA cho ông xem thấy tất cả miền đất: miền Ga-la-át cho đến Đan.

Mt 4,10

10 Đức Giê-su liền nói: “Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.

Đnl 6,13

13 Chính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), là Đấng anh (em) phải kính sợ; chính Người là Đấng anh (em) phải phụng thờ; anh (em) sẽ nhân danh Người mà thề.

Mt 4,11

11 Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người.

Xh 11,4

4 Ông Mô-sê nói: “ĐỨC CHÚA phán thế này: vào quãng nửa đêm, Ta sẽ rảo khắp Ai-cập.

x. Đnl 32,11

11 Tựa chim bằng trên tổ lượn quanh, giục bầy con bay nhảy, xoè cánh ra đỡ lấy rồi cõng con trên mình.

Tv 91,10-11

10 Bạn sẽ không gặp điều ác hại, và tai ương không bén mảng tới nhà, 11 bởi chưng Người truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường.

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành năm phần:

1) Mở (4,1-2);

2) Cám dỗ thứ nhất (4,3-4);

3) Cám dỗ thứ hai (4,5-7);

4) Cám dỗ thứ ba (4,8-10);

5) Kết (4,11).

3.- Vài điểm chú giải

– Thần Khí dẫn vào hoang địa (1): Chính là Thần Khí đã xuống trên Đức Giêsu tại sông Jordan nay dẫn (anagó) Người vào hoang địa.

– Hoang địa (1): Đây là một đề tài quan trọng của Kinh Thánh, vì hoang địa gây ảnh hưởng trong suốt lịch sử Dân Thiên Chúa. Lịch sử này đã ghi lại hai kỷ niệm có vẻ mâu thuẫn nhau, nhưng thật ra là hai mặt của cùng một hoàn cảnh.

+ (1) Thời gian ở trong hoang địa trước tiên được trình bày như là thời kỳ sống lý tưởng của Dân được Thiên Chúa tuyển chọn. Trong thời kỳ này, lý tưởng tôn giáo của họ phát triển phong phú và họ sống lý tưởng này ở mức hoàn hảo.

+ (2) Thời kỳ này cũng còn được coi như một thử thách, thậm chí một hình phạt dành cho tội lẩm bẩm kêu ca và bất phục tùng. Quả thật, hoang địa vừa là nơi con người tách mình khỏi trần thế để được thanh luyện, vừa là nơi thử thách.

– Để chịu quỷ dữ cám dỗ (1): Đây là một sự chọn lựa nằm trong chương trình của Thiên Chúa. Tư cách Messiah của Đức Giêsu cần được thử thách. Và sự thử thách này là một chặng cần thiết trong ơn gọi của Đức Giêsu, trong tư cách Israel mới.

– Quỷ dữ (1): Từ ngữ Hy Lạp “diabolos” có nghĩa là “kẻ vu khống”, “kẻ tố cáo” (động từ diaballó, “tố cáo”; “kết án”). Bản Thánh Kinh LXX đã dùng “diabolos” để dịch từ “satan” trong tiếng Hipri (Hy Lạp: satanas). Trong Kinh Thánh, “quỷ” xuất hiện ra như là kẻ tố cáo (x. Dcr 3,1-5; G 1,1–2,1-8; Tv 109,6),[2] ông hoàng của thế gian (Ga 12,31; 14,30),[3] tên cám dỗ (G 1,8-12; 2,1-6; 2Sm 24,1tt; 1Sb 21,1; Kn 2,24; 1Tx 3,5; 1Cr 7,5; 2Cr 11,3-15; Rm 16,17-20…).[4] Dù với tên gọi nào, “quỷ” cũng là một “đối thủ” (nghĩa nguyên thủy của từ satan), một kẻ thù của Thiên Chúa và của loài người, nghĩa là chống lại sự thiện. Xem trong Mt: 6,13; 8,28; 12,22; 12,24; 13,25; 16,23…[5]

– Người ăn chay suốt bốn mươi ngày bốn mươi đêm (2): Con số 40 chỉ một thời gian khá dài và có sắc thái là một sự hoàn tất với kết quả tích cực là giải phóng và xây dựng con người. So với Luca, Matthew thêm “bốn mươi đêm” để ám chỉ thời gian Đức Giêsu ở trong hoang địa tương đương với thời gian Moses ăn chay trên núi cao để rồi sau đó được Đức Chúa ban cho các điều khoản của Giao ước (Xh 34,28; x. Xh 25,18).[6] Nhưng cũng có thể Matthew muốn ám chỉ đến Elijah nữa (x. 1V 19,8: ăn chay trong hành trình tiến về núi Horeb). Hai dung mạo vĩ đại này, đại diện cho Lề Luật và các Ngôn sứ, sẽ tái xuất hiện trong cuộc Hiển Dung của Đức Giêsu (cuộc Hiển Dung này chính là cuộc thần hiển. Sau đó sẽ có việc thiết lập Giao Ước mới nhờ cuộc Khổ Nạn–Phục Sinh của Đức Giêsu). Có lẽ Matthew muốn nói rằng, việc Đức Giêsu ăn chay đã tóm kết cách nào đó kinh nghiệm của Moses và Elijah, cũng như các cám dỗ sẽ tóm kết lịch sử của Israel tại hoang địa.

– Nếu ông là Con Thiên Chúa (3): Cám dỗ này do bởi quỷ và thử thách dưới chân thập giá do bởi người Do Thái (Mt 27,40)[7] song song với nhau: chúng nhắm đến tư cách Messiah của Đức Giêsu. Đây cũng là một lời thách thức Đức Giêsu làm lại các cử chỉ của Moses, để chứng tỏ thời đại thiên sai đã đến. Không có lời nhắc đến man-na, nhưng câu trả lời của Đức Giêsu khiến nghĩ đến man-na.

– Đã có lời chép rằng (4): “Gegraptai” là thì hoàn thành (perfect) ở thái bị động của động từ “graphó”, “viết”. Thái bị động này thay tên Thiên Chúa, nên có thể hiểu là “Thiên Chúa đã viết”.

– Vinh hoa của các nước ấy (8): Tiếng Hy Lạp “Doxa”, “vinh quang”, đây là một từ ngữ Kinh Thánh để chỉ sự lộng lẫy huy hoàng hoặc giàu sang, sung túc, được tỏ ra bên ngoài.

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Mở (1-2)

Bản văn này được liên kết với bài tường thuật về phép Rửa. Tại sông Jordan, Thần Khí Thiên Chúa đã được ban cho Đức Giêsu, nay cũng Thần Khí ấy lại dẫn Người vào hoang địa. Chiều hướng của bản văn là: Bởi vì Đức Giêsu đến hoàn tất nỗi chờ mong của dân Người, nhất thiết Người phải đảm nhận mọi chiều kích của lịch sử dân Người: ở tại Ai Cập (Mt 2,13-15),[8] đi qua sông Jordan (Mt 3,13-17),[9] cám dỗ trong hoang địa (Mt 4,1-11). Qua các cám dỗ, Đức Giêsu cho thấy Người chấp nhận trọn vẹn thánh ý Chúa Cha; Người loại trừ mọi thứ cung cách Messiah mà Thiên Chúa không muốn (mà chính Gioan Tẩy Giả đã hình dung), để chấp nhận làm một Messiah chịu đóng đinh.

Tất cả bài tường thuật về ăn chay và cám dỗ tập trung vào các biến cố của cuộc Xuất Hành. Dân Israel cũng là “con yêu dấu của Thiên Chúa”, nhưng tất cả hành trình trong hoang địa cho thấy họ đã là một đứa con nổi loạn và thất trung (x. Đnl 6,16; 17,2.7; ch. 32–34; Ds 14,22; các Tv: Tv 78,18-41; 81,11; 95,8; 96,6; các ngôn sứ: Gr 7,22; Ed 20,5; Is 63,10. Xem các tác giả Tân Ước: Dt 3,16; Gđ 5). Quả thật, ngôn ngữ của câu đầu đã khiến chúng ta nhớ đến Đnl 8,2 (LXX) và như ám chỉ đến hoàn cảnh của Israel tại hoang địa: “… Thiên Chúa đã dẫn (égagen; Matthew: an-ago)…, như vậy Người thử thách (ekpeirasè; Matthew: peirasthénai)…”. Bản văn Đệ Nhị Luật nói rằng, Thiên Chúa “thử thách” dân để “biết lòng dạ anh em, xem anh em có giữ các mệnh lệnh của Người hay không”. Còn ở đây, trong bản văn Matthew, “thử thách” là để phá hỏng và kẻ “thử thách” là quỷ, chứ không phải là Thiên Chúa. Tại hoang địa, Đức Giêsu vừa tóm kết kinh nghiệm của Moses và Elijah, vừa tóm kết lịch sử của dân Israel trong hoang địa.

Sức con người có thể nhịn ăn nhịn uống được đến thế? Chắc chắn là có, như trường hợp thánh Phanxicô Assisi sau này. Nhưng ở đây, tác giả còn muốn nói một điều khác: cũng như trong trường hợp Moses, ở đây chính Thiên Chúa nâng đỡ Đức Giêsu, vì Người tin tưởng gắn bó với Thiên Chúa. Nếu như thế, cảm giác đói sau bốn mươi ngày, chính là một thử thách: Phải chăng Thiên Chúa đã bỏ rơi Đức Giêsu? Cám dỗ thứ nhất được tháp vào điểm này.

* Cám dỗ thứ nhất (3-4)

Trong cám dỗ này, quỷ thách thức Đức Giêsu lặp lại các cử chỉ của Moses, nhưng không phải bằng cách làm mưa man-na, nhưng bằng cách rút bánh ra từ các tảng đá. Đây cũng là một thách thức nhắm vào tư cách Messiah của Đức Giêsu. Từ ngữ “nếu” nhằm gieo một sự hoài nghi vào tâm trí Đức Giêsu (x. Mt 27,40).[10] Trong cả hai trường hợp, ở đây và trên thập giá, quỷ (ở đây; trên đồi Sọ: quỷ hiện thân nơi “những người qua lại”) thúc đẩy Đức Giêsu sử dụng những quyền lực thiên sai để thoát khỏi một hoàn cảnh nguy hiểm (đói ở hoang địa; chết trên thập giá).

Thiên Chúa đã để cho Israel đi qua thử thách là cái đói, để kiểm chứng lòng tín thác của họ (x. Đnl 8,2-3). Họ đã lẩm bẩm kêu ca, tiếc nuối Ai Cập. Đức Giêsu cũng cảm thấy đói; Người có thể nghĩ rằng Thiên Chúa đã bỏ rơi mình. Quỷ gợi ý cho Người, trong tư cách là “Con Thiên Chúa”, tin vào quyền năng làm phép lạ của mình, và như thế là xúi giục Đức Giêsu nghi ngờ và bất phục tùng Thiên Chúa. Đức Giêsu dứt khoát dựa vào Kinh Thánh (sách Đnl;
“gegraptai”)
để nói “không” với quỷ; Người tiếp tục cậy dựa hoàn toàn vào Thiên Chúa (x. Mt 27,43).[11] Sách Khôn Ngoan nói rằng: “Lời Ngài mới giữ gìn chăm sóc những ai hằng tin tưởng vào Ngài” (Kn 16,26). Tin Mừng Gioan cho thấy là lương thực mà Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, vẫn dùng chính là thi hành ý muốn của Chúa Cha (x. Ga 4,34).[12] Đấng Messiah không có nhiệm vụ vun trồng những ảo tưởng dễ dãi, nhưng thức tỉnh niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa.

* Cám dỗ thứ hai (5-7)

Sau cám dỗ thứ nhất, Đức Giêsu đã náu mình vào trong sự che chở của Thiên Chúa. Với câu Tv 91,11, quỷ đề nghị Người, vẫn trong tư cách “Con Thiên Chúa”, gieo mình từ nóc Đền Thờ xuống đất: đây hẳn là đáp lại sự chờ đợi của dân chúng, vì họ được loan báo là Đấng Messiah sẽ xuất hiện trên núi Sion, cũng được đồng hóa với Đền Thờ (các sách ngụy thư Ét-ra IV [13,34-37]; Khải huyền Barúc [40,12]). Dù sao đây cũng vẫn là xúi Đức Giêsu vận dụng sự che chở của Thiên Chúa vào hướng xấu, như Israel đã làm, khi đòi hỏi Thiên Chúa can thiệp (x. Xh 17,1-7; Ds 14,22; Đnl 6,16; Tv 95,8-11).[13] Đây chính là áp đặt ý muốn của con người cho Thiên Chúa. Cùng một chiều hướng như thế, trong Matthew, có các truyện các đối thủ Đức Giêsu xin những dấu lạ từ trời (Mt 12,38-42)[14] hoặc đề nghị Người xuống khỏi thập giá (Mt 27,49);[15] trong Luca, có giai thoại các môn đệ muốn xin lửa xuống thiêu hủy thành không hiếu khách (Lc 9,54).[16] Đức Giêsu vẫn dứt khoát trả lời “không”; bằng câu Đnl 6,16. Người không muốn ép Thiên Chúa phải can thiệp khi mà Thiên Chúa không định như thế; Người vẫn tiếp tục tín thác vào Thiên Chúa.

Chúng ta ghi nhận trong hai cám dỗ đầu, quỷ quy về tư cách “Con Thiên Chúa”, như thế là xác nhận lời công bố tại sông Jordan (x. Mt 3,17).

* Cám dỗ thứ ba (8-10)

Cám dỗ cuối cùng không còn chút che đậy nào nữa: quỷ đề nghị Đức Giêsu thờ phượng nó. Cám dỗ này gồm tóm khát vọng cổ xưa nhất của Israel (sở hữu đất Canaan). Để làm thế, hẳn là nó bày ra trong trí của Đức Giêsu tất cả quang cảnh các nước thế gian, như xưa kia Moses đứng trên đỉnh Nơvô mà nhìn vào Đất Hứa (x. Đnl 31,1-4)[17] và gợi ý cho Đức Giêsu một giải pháp: bái lạy nó. Đây là cám dỗ con bê vàng, muốn tự tạo cho mình một thần linh mà mình có thể điều khiển. Đức Giêsu vẫn dứt khoát nói “không”, bằng câu Đnl 6,13: Thiên Chúa không phải là một Đấng mà người ta có thể mặc cả với; Ngài đòi hỏi tin tưởng và vâng phục vô điều kiện. Dĩ nhiên, Đức Giêsu, Tôi Trung của Thiên Chúa, không từ bỏ kế hoạch chinh phục thế giới, nhưng chinh phục bằng thập giá. Đất Hứa là lãnh địa bao la mà Người sẽ nhận khi sống lại (x. Mt 28,18: theo lời hứa ở Tv 2,6-8).[18] Sau này, chúng ta thấy các môn đệ Người không hiểu được chọn lựa này (Phêrô: Mt 16,23). Đức Giêsu sẽ chấp nhận cái đói, các nỗi nhục nhã, những thất bại, cái chết, để chu toàn ý muốn của Thiên Chúa.

* Kết (11)

Câu kết của bản văn là một ghi chú thần học hơn là một sứ điệp lịch sử. Sự thống trị mà Đức Giêsu đã từ chối nay vẫn được ban cho Người. Trong tâm thức dân gian, các thiên sứ là những tôi tớ của Thiên Chúa (x. Mt 16,27),[19] bây giờ đến phục vụ Đức Giêsu, lệ thuộc Người. Đức Giêsu không nhận một vương quyền trần thế, nhưng chia sẻ chính quyền thống trị của Thiên Chúa.

Rõ ràng Nước Trời đã đến gần loài người, bởi vì thiên triều đang vây quanh Người Con yêu dấu của Thiên Chúa. Nhưng các thiên sứ chỉ can thiệp sau khi Đức Giêsu đã chiến thắng cám dỗ. Sau này, khi Người đã thắng được cám dỗ muốn vận dụng “hơn mười hai đạo binh thiên thần” (Mt 26,53) để tránh thoát thập giá, khi Người vẫn phó thác cuộc đời vào tay Chúa Cha, các thiên sứ lại đến hầu hạ Người, qua việc loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các môn đệ (x. Mt 28,2-7).[20]

+ Kết luận

Các cám dỗ nhắm tấn công Đức Giêsu trong tư cách Messiah và Người Con vâng phục và trung thành của Thiên Chúa. Quỷ xúi Đức Giêsu lạm dụng lời quyền năng của Người, rồi xúi Người ỷ lại vào quan hệ giữa Người với Thiên Chúa, và cuối cùng, xúi Người bỏ đi lòng trung nghĩa với Thiên Chúa. Chiến thắng của Người rất quan trọng. Nó xóa đi những bóng tối đã tích tụ lại trong lịch sử dân Thiên Chúa và nó cũng gợi ra chiều hướng dấn thân phục vụ ơn cứu độ. Thay vì chọn làm một Messiah-Phù Thủy hay một Messiah-Thủ lãnh, Đức Giêsu chọn làm Messiah-Tôi Tớ Khiêm Nhường. Khi đó, Người vẫn là Người Con vâng phục, và cũng là Israel chân chính và hoàn hảo.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Trung thành đọc và suy gẫm Lời Chúa, chúng ta sẽ khám phá ra liên tục lòng nhân ái của Thiên Chúa đối với chúng ta. Từ đó, chúng ta có thể yên tâm phó thác cuộc sống cho Ngài, không phải tính toán để bảo vệ cuộc sống mình, để rồi rơi vào các cám dỗ. Cám dỗ luôn luôn xoay quanh Lời Chúa, hoặc để vi phạm hoặc để lái Lời Chúa khỏi ý nghĩa đúng đắn. Con rắn mưu mô trong Sáng Thế chương 3 đã bóp méo Lời Chúa: “Có thật Thiên Chúa bảo: ‘Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?… ‘Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra…” (St 3,1.5). Tên cám dỗ trong bài Tin Mừng Matthew đã bảo Đức Giêsu dùng Lời Chúa để biến đá thành bánh hoặc đã uốn nắn ý nghĩa của Thánh vịnh để đưa Đức Giêsu đến chỗ thử thách Thiên Chúa. Đức Giêsu không áp đảo Lời Chúa; Người vâng phục Lời Chúa, Người nhận Lời Chúa từ Thiên Chúa.

2. Quỷ đã đề nghị cho Adam trở thành Thiên Chúa (St 3,5).[21] Nó cũng gợi ý cho Đức Kitô sử dụng quyền lực thiên sai của mình như một đặc quyền hay như một vũ khí. Nói cho cùng, tội lỗi luôn luôn là một ý chí hùng cường. Thế mà Thiên Chúa lại cứu con người khỏi tội lỗi bằng sự yếu đuối của Đức Kitô. Muốn được Thiên Chúa can thiệp tức khắc vào đời sống mình có nghĩa là nghi ngờ sự quan phòng thông thường của Ngài, nghi ngờ quyền năng và lòng nhân lành của Ngài. Ai thử thách Thiên Chúa, thì không có đức tin hoặc có một đức tin đang chao đảo, nên mới chờ đợi các phép lạ.

3. Các cám dỗ không chỉ là chuyện một ngày hay bốn mươi ngày, mà là cả đời Đức Giêsu. Luôn luôn có những sức mạnh bên ngoài, như các môn đệ (Mt 16,22),[22] các kẻ thù (Mt 12,38; 27,41),[23] và cả những khát vọng của bản thân Người (Mt 26,39; 27,46)[24] tìm cách đưa Người đi theo nẻo đường quỷ vạch ra cho Người. Người đã chọn, Người sẽ phải liên tục chọn nói “không” với quỷ và thưa “xin vâng” với Chúa Cha (x. Dt 5,8).[25]

4. Đức Giêsu nói “không” với quỷ, nhưng cũng phải nói “không” với chính mình, bởi vì con đường Người theo kềm hãm các khát vọng và những đòi hỏi của bản tính tự nhiên. Các phản ứng của Người trước đau khổ, những tủi nhục, những thất bại, thì cũng giống như mọi người. Người không thể phạm tội, nhưng Người có thể chọn con đường chung của mọi người, là sự thỏa thuê. Vinh quang không phải là một tội, mà còn là một quyền Người có thể dùng. Sự rút lui của quỷ chứng tỏ đây không những là một chiến thắng của chủ trương Messiah khiêm nhường và phục vụ như tôi tớ, mà còn là một chiến thắng riêng của Đức Giêsu. Người đã không nhường bước cho một nẻo đường tiện nghi thoải mái, đã không muốn hưởng trước một thành công; nhưng Người đã tôn trọng con đường đã được chọn cho Người dù phải hy sinh, thiệt thòi. Rời khỏi hoang địa, không những Người được thánh hiến mà còn đủ tư cách Messiah.

 

 

 

 

 

 


[1] Bản Thánh Kinh Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh

[2] x. Dcr 3,1-5: 1 Người lại cho tôi thấy thượng tế Giê-su-a đang đứng trước mặt thần sứ của ĐỨC CHÚA;còn Xa-tan đứng bên phải ông để tố cáo ông. 2 Thần sứ của ĐỨC CHÚA nói với Xa-tan: “Ước gì ĐỨC CHÚA trừng phạt ngươi, hỡi Xa-tan;ước gì ĐỨC CHÚA, Đấng đã tuyển chọn Giê-ru-sa-lem, trừng phạt ngươi, hỡi Xa-tan; ước gì ĐỨC CHÚA, Đấng đã tuyển chọn Giê-ru-sa-lem, trừng phạt ngươi. Người này lại chẳng phải là thanh củi đã được kéo ra khỏi lửa sao?” 3 Bấy giờ, ông Giê-su-a, áo xống dơ bẩn, đứng trước mặt vị thần sứ. 4 Vị này lên tiếng nói với những người đang đứng trước mặt mình rằng: “Hãy cởi áo dơ bẩn của ông ấy ra, và nói với ông: “Này, ta đã gỡ tội cho ngươi”. và mặc cho ông lễ phục huy hoàng. Hãy đội lên đầu ông ấy mũ tế thanh sạch”. 5 Người ta đã đội lên đầu ông mũ tế thanh sạch và mặc cho ông áo xống thanh sạch, trong khi đó thần sứ của ĐỨC CHÚA đứng.

G 1,1–2,1-8: 1 Xưa ở đất Út có một người tên là Gióp. Ông là một con người vẹn toàn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác. 2 Ông sinh được bảy người con trai và ba người con gái. 3 Ông có một đàn súc vật gồm bảy ngàn chiên dê, ba ngàn lạc đà, năm trăm đôi bò, năm trăm lừa cái và một số rất đông tôi tớ. Ông là người giàu có nhất trong số các con cái Phương Đông. 4 Các con trai ông có thói quen luân phiên tới nhà nhau tiệc tùng và cho người đi mời ba cô em gái đến ăn uống với họ. 5 Mỗi khi hết vòng tiệc tùng, ông Gióp cho gọi họ đến để thanh tẩy họ; rồi ông dậy thật sớm, dâng lễ toàn thiêu cho mỗi người trong họ, vì ông tự nhủ: “Biết đâu các con trai ta đã chẳng phạm tội và nguyền rủa Thiên Chúa trong lòng!” Lần nào ông Gióp cũng làm như thế.

6 Vậy một ngày kia, các con cái Thiên Chúa đến trình diện ĐỨC CHÚA; Xa-tan cũng đến trong đám họ. 7 Bấy giờ ĐỨC CHÚA phán với Xa-tan: “Ngươi từ đâu tới?” Xa-tan thưa với ĐỨC CHÚA: “Rảo quanh cõi đất và lang thang khắp đó đây”. 8 ĐỨC CHÚA phán với Xa-tan: “Ngươi có để ý đến Gióp, tôi tớ của Ta không? Thật chẳng có ai trên cõi đất này giống như nó: một con người vẹn toàn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác!” 9 Nhưng Xa-tan thưa lại với ĐỨC CHÚA: “Có phải Gióp kính sợ Thiên Chúa mà không cầu lợi chăng? 10 Chẳng phải chính Ngài đã bao bọc, chở che nó tư bề, nó cũng như nhà cửa và tài sản của nó sao? Ngài đã ban phúc lành cho công việc do tay nó làm, và các đàn súc vật của nó lan tràn khắp xứ. 11 Ngài cứ thử giơ tay đánh vào mọi tài sản của nó xem, chắc chắn là nó nguyền rủa Ngài thẳng mặt!” 12 ĐỨC CHÚA phán với Xa-tan: “Được, mọi tài sản của nó thuộc quyền ngươi, duy chỉ có con người của nó là ngươi không được đưa tay đụng tới”. Rồi Xa-tan rút lui khỏi nhan ĐỨC CHÚA.

13 Vậy một ngày kia, các con trai con gái ông đang ăn tiệc uống rượu ở nhà người anh cả của họ, 14 thì một người đưa tin đến nói với ông Gióp: “Trong lúc bò của ông cày ruộng và lừa cái ăn cỏ bên cạnh, 15 dân Sơ-va đã xông vào cướp lấy; còn các đầy tớ, chúng dùng gươm giết chết, chỉ có mình tôi thoát nạn về báo cho ông hay”. 16 Người ấy còn đang nói thì một người khác về thưa: “Lửa của Thiên Chúa từ trời giáng xuống đã đốt cháy chiên dê và đầy tớ; lửa đã thiêu rụi hết, chỉ có mình tôi thoát nạn về báo cho ông hay”. 17 Người này còn đang nói thì một người khác về thưa: “Người Can-đê chia thành ba toán ập vào cướp lấy lạc đà; còn các đầy tớ, chúng dùng gươm giết chết, chỉ có mình tôi thoát nạn về báo cho ông hay”. 18 Người ấy còn đang nói, thì một người khác về thưa: “Con trai con gái ông đang ăn tiệc uống rượu trong nhà người anh cả của họ, 19 thì một trận cuồng phong từ bên kia sa mạc thổi thốc vào bốn góc nhà; nhà sập xuống đè trên đám trẻ; họ chết hết, chỉ có mình tôi thoát nạn về báo cho ông hay”.

20 Bấy giờ ông Gióp trỗi dậy, xé áo mình ra, cạo đầu, sấp mình xuống đất, sụp lạy 21 và nói: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. ĐỨC CHÚA đã ban cho, ĐỨC CHÚA lại lấy đi: xin chúc tụng danh ĐỨC CHÚA!”.

22 Trong tất cả những chuyện ấy, ông Gióp không hề phạm tội cũng không buông lời trách móc phạm đến Thiên Chúa.

21 Một ngày kia, con cái Thiên Chúa đến trình diện ĐỨC CHÚA; Xa-tan cũng đến trong đám họ, để trình diện ĐỨC CHÚA. 2 Bấy giờ, ĐỨC CHÚA phán với Xa-tan: “Ngươi từ đâu tới?” Xa-tan thưa với ĐỨC CHÚA: “Rảo quanh cõi đất và lang thang khắp đó đây”. 3 ĐỨC CHÚA phán với Xa-tan: “Ngươi có để ý đến Gióp, tôi tớ của Ta không? Thật chẳng có ai trên cõi đất này giống như nó: một con người vẹn toàn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác! Nó vẫn kiên vững trong đường lối vẹn toàn của nó, dù ngươi đã vô cớ xúi giục Ta chống lại, để tiêu diệt nó”. 4 Và Xa-tan thưa lại với ĐỨC CHÚA: “Da đổi da! Tất cả những gì người ta có, người ta đều sẵn sàng cho đi để cứu mạng sống mình. 5 Ngài cứ thử giơ tay đánh vào xương vào thịt nó xem, chắc chắn là nó sẽ nguyền rủa Ngài thẳng mặt!” 6 ĐỨC CHÚA phán với Xa-tan: “Được, nó thuộc quyền ngươi, nhưng ngươi phải tôn trọng mạng sống nó”. 7 Rồi Xa-tan rút lui khỏi nhan ĐỨC CHÚA.

Vậy Xa-tan hành hạ ông Gióp, khiến ông mắc phải chứng ung nhọt ác tính từ bàn chân cho tới đỉnh đầu. 8 Ông ngồi giữa đống tro, lấy mảnh sành mà gãi.

Tv 109,6: 6 Xin cho kẻ dữ nổi lên chống nó, bên phải nó, đặt một người cáo tội đứng kèm.

[3] Ga 12,31; 14,30: 31 Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài! 14 30 Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy.

[4] 2Sm 24,1tt: 1 ĐỨC CHÚA lại nổi giận với Ít-ra-en, và Người xúi giục vua Đa-vít gây hoạ cho họ. Người phán: “Hãy đi đếm dân Ít-ra-en và người Giu-đa”.

1Sb 21,1: 1 Xa-tan đứng lên chống Ít-ra-en và xúi giục vua Đa-vít thống kê dân số Ít-ra-en.

Kn 2,24: 24 Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết.

1Tx 3,5: 5 Chính vì vậy mà không chịu nổi nữa, tôi đã sai người đi hỏi cho biết lòng tin của anh em ra sao, sợ rằng tên cám dỗ đã cám dỗ anh em, và công lao khó nhọc của chúng tôi trở nên vô ích.

1Cr 7,5: 5 Vợ chồng đừng từ chối nhau, trừ phi hai người đồng ý sống như vậy trong một thời gian, để chuyên lo cầu nguyện; rồi hai người lại ăn ở với nhau, kẻo vì hai người không tiết dục nổi mà Xa-tan lợi dụng để cám dỗ.

2Cr 11,3-15: 3 Nhưng tôi sợ rằng như xưa con rắn đã dùng mưu chước mà lừa dối bà E-và thế nào, thì nay trí lòng anh em cũng dần dần đâm ra hư hỏng, mất sự đơn sơ đối với Đức Ki-tô như vậy. 4 Quả thật, nếu có ai đến rao giảng một Đức Giê-su khác với Đức Giê-su mà chúng tôi rao giảng, hay nếu anh em lãnh nhận một Thần Khí nào khác với Thần Khí anh em đã lãnh nhận, hoặc nếu anh em lãnh nhận một Tin Mừng nào khác với Tin Mừng anh em đã đón nhận, thì anh em sẵn lòng chịu đựng được ngay. 5 Tôi nghĩ rằng tôi chẳng có thua gì các Tông Đồ siêu đẳng kia. 6 Giả như tôi có thua kém về khoa ăn nói, thì về sự hiểu biết, tôi chẳng thua kém đâu! Trong mọi dịp và trước mặt mọi người, chúng tôi đã tỏ cho anh em thấy điều đó rồi. 7 Phải chăng tôi có lỗi, vì đã hạ mình xuống để tôn anh em lên, khi rao giảng không công cho anh em Tin Mừng của Thiên Chúa? 8 Tôi đã bóc lột các Hội Thánh khác, ăn lương của họ, để phục vụ anh em. 9 Hồi ở giữa anh em, những khi lâm cảnh túng thiếu, tôi đã chẳng phiền luỵ ai, bởi vì các anh em từ Ma-kê-đô-ni-a đến đã cung cấp đầy đủ những gì tôi cần. Trong mọi dịp, tôi đã tránh không trở nên gánh nặng cho anh em, và tôi cũng sẽ còn tránh như vậy. 10 Nhân danh chân lý của Đức Ki-tô ở trong tôi, tôi xin nói với anh em rằng: chẳng ai cấm được tôi có niềm vinh dự đó trong các miền xứ A-khai-a. 11 Tại sao thế? Có phải vì tôi không yêu mến anh em chăng? Có Thiên Chúa biết! 12 Điều tôi làm, tôi sẽ tiếp tục làm, để những kẻ muốn có cơ hội tự phụ là những người ngang hàng với chúng tôi, không còn cơ hội đó nữa. 13 Vì những kẻ đó là tông đồ giả, là thợ gian xảo, đội lốt tông đồ của Đức Ki-tô. 14 Lạ gì đâu! Vì chính Xa-tan cũng đội lốt thiên thần sáng láng! 15 Vậy có gì là khác thường khi kẻ phục vụ nó đội lốt người phục vụ sự công chính. Chung cục, chúng sẽ lãnh nhận hậu quả công việc chúng đã làm.

Rm 16,17-20: 17 Thưa anh em, tôi khuyên nhủ anh em hãy coi chừng những kẻ gây chia rẽ và làm cớ vấp ngã, vì đi ngược lại với đạo lý anh em đã học hỏi; anh em hãy xa lánh họ. 18 Hạng người đó chẳng phục vụ Đức Ki-tô, Chúa chúng ta, mà phục vụ chính cái bụng của mình. Họ dùng những lời ngọt ngào nịnh bợ mà quyến rũ những tâm hồn đơn sơ. 19 Thật vậy, ai ai cũng biết rằng anh em vâng phục Thiên Chúa; bởi thế tôi lấy làm vui vì anh em. Nhưng tôi muốn cho anh em khôn ngoan làm điều tốt, trong sạch không làm điều xấu. 20 Thiên Chúa là nguồn bình an, chẳng bao lâu nữa sẽ đè bẹp Xa-tan, bắt nó phải ở dưới chân anh em. Nguyện xin Đức Giê-su, Chúa chúng ta, ban ân sủng cho anh em.

[5] Mt 6,13; 8,28; 12,22; 12,24; 13,25; 16,23…: 13 xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. 8 28 Khi Đức Giê-su sang bờ bên kia, và đến miền Ga-đa-ra, thì có hai người bị quỷ ám từ trong đám mồ mả ra đón Người; chúng rất dữ tợn, đến nỗi không ai dám qua lại lối ấy. 12 22 Bấy giờ họ đem đến cho Đức Giê-su một người bị quỷ ám vừa mù lại vừa câm. Người chữa anh ta, khiến anh nói và thấy được. 24 Nghe vậy, những người Pha-ri-sêu nói rằng: “Ông này trừ được quỷ chỉ là nhờ dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun”. 13 25 Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. 16 23 Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.

[6] Xh 34,28: 28 Ông ở đó với ĐỨC CHÚA bốn mươi ngày bốn mươi đêm, không ăn không uống, và ông viết trên những bia các điều khoản của giao ước, tức là Thập Điều.

x. Xh 25,18: 18 Ngươi sẽ làm hai tượng thần hộ giá bằng vàng gò, ngươi sẽ làm các tượng ấy ở hai đầu nắp.

[7] Mt 27,40: 40 vừa nói: “Mi là kẻ phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào!”.

[8] Mt 2,13-15: 13 Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” 14 Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập. 15 Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.

[9] Mt 3,13-17: 13 Bấy giờ, Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình. 14 Nhưng ông một mực can Người và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” 15 Nhưng Đức Giê-su trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính”. Bấy giờ ông Gio-an mới chiều theo ý Người. 16 Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. 17 Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”.

[10] x. Mt 27,40: 40 vừa nói: “Mi là kẻ phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào!”.

[11] x. Mt 27,43: 43 Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! Vì hắn đã nói: “Ta là Con Thiên Chúa!”.

[12] x. Ga 4,34: 34 Đức Giê-su nói với các ông: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người.

[13] x. Xh 17,1-7: 1 Toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en nhổ trại rời sa mạc Xin, đi từ chặng này đến chặng khác, theo lệnh của ĐỨC CHÚA. Họ đã đóng trại ở Rơ-phi-đim, nhưng tại đấy không có nước cho dân uống. 2 Dân gây sự với ông Mô-sê. Họ nói: “Cho chúng tôi nước uống đi!” Ông Mô-sê nói: “Tại sao anh em lại gây sự với tôi? Tại sao lại thử thách ĐỨC CHÚA?” 3 Ở đó, dân khát nước nên đã kêu trách ông Mô-sê rằng: “Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập để làm gì? Có phải là để cho (chúng) tôi, con cái (chúng) tôi, và súc vật của (chúng) tôi bị chết khát hay không?” 4 Ông Mô-sê kêu lên cùng ĐỨC CHÚA: “Con phải làm gì cho dân này bây giờ? Chỉ một chút nữa là họ ném đá con!” 5 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê: “Ngươi hãy đi lên phía trước dân, đem theo một số kỳ mục Ít-ra-en; cầm lấy cây gậy ngươi đã dùng để đập xuống sông Nin, và đi đi. 6 Còn Ta, Ta sẽ đứng ở đằng kia trước mặt ngươi, trên tảng đá ở núi Khô-rếp. Ngươi sẽ đập vào tảng đá. Từ tảng đá, nước sẽ chảy ra cho dân uống”. Ông Mô-sê đã làm như vậy trước mắt các kỳ mục Ít-ra-en. 7 Ông đặt tên cho nơi ấy là Ma-xa và Mơ-ri-va, nghĩa là thử thách và gây sự, vì con cái Ít-ra-en đã gây sự và thử thách ĐỨC CHÚA mà rằng: “Có ĐỨC CHÚA ở giữa chúng ta hay không?”.

Ds 14,22: 22 Không một ai trong những người đã thấy vinh quang của Ta và những dấu lạ Ta đã làm bên Ai-cập và trong sa mạc, nhưng đã thách thức Ta cả mười lần và đã không chịu nghe theo tiếng Ta.

Tv 95,8-11: 8 [Người phán]: “Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơ-ri-va, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc, 9 nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm. 10 Suốt bốn mươi năm, dòng giống này làm Ta chán ngán, Ta đã nói: Đây là dân tâm hồn lầm lạc, 11 chúng nào biết đến đường lối của Ta, nên Ta mới thịnh nộ thề rằng: Chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta”.

[14] Mt 12,38-42: 38 Bấy giờ có mấy kinh sư và mấy người Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ”. 39 Người đáp: “Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giô-na. 40 Quả thật, ông Giô-na đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy. 41 Trong cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa. 42 Trong cuộc phán xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với thế hệ này, và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa.

[15] Mt 27,49: 49 Còn những người khác lại bảo: “Khoan đã, để xem ông Ê-li-a có đến cứu hắn không!”.

[16] Lc 9,54: 54 Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?”.

[17] x. Đnl 31,1-4: 1 Ông Mô-sê đến nói những lời này với toàn thể Ít-ra-en. 2 Ông bảo họ: “Hôm nay tôi đã được một trăm hai mươi tuổi, tôi không thể đi ra đi vào được nữa, và ĐỨC CHÚA đã bảo tôi: ‘Ngươi sẽ không được sang qua sông Gio-đan kia.’ 3 Chính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), sẽ dẫn đầu anh (em) sang qua sông, Người sẽ tiêu diệt các dân tộc ấy cho khuất mắt anh (em), để anh (em) chiếm đất của chúng. Chính ông Giô-suê sẽ dẫn đầu anh (em) sang qua sông, như ĐỨC CHÚA đã phán. 4 ĐỨC CHÚA sẽ xử với chúng như đã xử với các vua người E-mô-ri là Xi-khôn và Ốc, và với đất nước của chúng: Người đã tiêu diệt chúng.

[18] x. Mt 28,18: 18 Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất”.

Tv 2,6-8: 6 rằng: “Chính Ta đã đặt vị quân vương Ta tuyển chọn, lên trị vì Xi-on, núi thánh của Ta”. 7 Tân vương lên tiếng: Tôi xin đọc sắc phong của CHÚA, Người phán bảo tôi rằng: “Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con. 8 Con cứ xin, rồi Cha ban tặng muôn dân nước làm sản nghiệp riêng, toàn cõi đất làm phần lãnh địa.

[19] x. Mt 16,27: 27 “Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm”.

[20] x. Mt 28,2-7: 2 Thình lình, đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên; 3 diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. 4 Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi. 5 Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: “Này các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh. 6 Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, 7 rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Đấy, tôi xin nói cho các bà hay”.

[21] St 3,5: 5 Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác”.

[22] Mt 16,22: 22 Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!”.

[23] Mt 12,38; 27,41: 38 Bấy giờ có mấy kinh sư và mấy người Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ”. 27 41 Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người.

[24] Mt 26,39; 27,46: 39 Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”. 27 46 Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: “Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni”, nghĩa là “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”.

[25] x. Dt 5,8: 8 Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục.