Mt 26,14-27,66: Cuộc Khổ Nạn Của Đức Giêsu

0
5469


Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.

Bản Văn Tin Mừng: Mt 26,14-27,66 [1]

26 14 Bấy giờ, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, đi gặp các thượng tế 15 mà nói: “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu”. Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. 16 Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su.

17 Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Đức Giê-su: “Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?” 18 Người bảo: “Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy: “Thầy nhắn: thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy”. 19 Các môn đệ làm y như Đức Giê-su đã truyền, và dọn tiệc Vượt Qua.

20 Chiều đến, Đức Giê-su vào bàn tiệc với mười hai môn đệ. 21 Đang bữa ăn, Người nói: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy”. 22 Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Người: “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?” 23 Người đáp: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. 24 Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!” 25 Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?” Người trả lời: “Chính anh nói đó!”.

26 Cũng trong bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy”. 27 Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này, 28 vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội. 29 Thầy bảo cho anh em biết: từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy”.

30 Hát thánh vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ ra núi Ô-liu. 31 Bấy giờ Đức Giê-su nói với các ông: “Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy. Vì có lời đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và đàn chiên sẽ tan tác. 32 Nhưng sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Ga-li-lê trước anh em”. 33 Ông Phê-rô liền thưa: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã”. 34 Đức Giê-su bảo ông: “Thầy bảo thật anh: nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần”. 35 Ông Phê-rô lại nói: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy”. Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy.

36 Bấy giờ Đức Giê-su đi cùng với các ông đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni. Người nói với các môn đệ: “Anh em ngồi lại đây, Thầy đến đàng kia cầu nguyện”. 37 Rồi Người đưa ông Phê-rô và hai người con ông Dê-bê-đê đi theo. Người bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến. 38 Bấy giờ Người nói với các ông: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy”. 39 Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”. 40 Rồi Người đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ, liền nói với ông Phê-rô: “Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao? 41 Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn”. 42 Người lại đi cầu nguyện lần thứ hai và nói: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha”. 43 Rồi Người lại đến, thấy các môn đệ vẫn đang ngủ, vì mắt họ nặng trĩu. 44 Người để mặc các ông mà đi cầu nguyện lần thứ ba, nói lại cũng một lời đó. 45 Bấy giờ Người đến chỗ các môn đệ và nói với các ông: “Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao? Này, đến giờ Con Người bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi. 46 Đứng dậy, ta đi nào! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới!”.

47 Người còn đang nói, thì Giu-đa, một người trong nhóm Mười Hai, đã đến. Cùng đi với hắn, có cả một đám người đông đảo mang gươm giáo gậy gộc. Họ được các thượng tế và kỳ mục trong dân sai đến. 48 Kẻ nộp Người đã cho họ một dấu hiệu, hắn dặn rằng: “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy!” 49 Ngay lúc đó, Giu-đa tiến lại gần Đức Giê-su và nói: “Ráp-bi, xin chào Thầy!”, rồi hôn Người. 50 Đức Giê-su bảo hắn: “Này bạn, bạn đến đây làm gì thì cứ làm đi!” Bấy giờ họ tiến đến, tra tay bắt Đức Giê-su. 51 Một trong những kẻ theo Đức Giê-su liền vung tay tuốt gươm ra, chém phải tên đầy tớ của thượng tế, làm nó đứt tai. 52 Đức Giê-su bảo người ấy: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm. 53 Hay anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao? Người sẽ cấp ngay cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần! 54 Nhưng như thế, thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được? Vì theo đó, mọi sự phải xảy ra như vậy”. 55 Vào giờ ấy Đức Giê-su nói với đám đông: “Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến bắt? Ngày ngày tôi vẫn ngồi giảng dạy ở Đền Thờ thì các ông không bắt. 56 Nhưng tất cả sự việc này xảy ra là để ứng nghiệm những lời chép trong sách Các Ngôn Sứ”. Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết.

57 Họ bắt Đức Giê-su, rồi điệu đến thượng tế Cai-pha. Các kinh sư và kỳ mục đã tề tựu sẵn đó. 58 Ông Phê-rô theo Người xa xa, đến tận dinh thượng tế. Ông vào bên trong ngồi với bọn thuộc hạ, xem kết cuộc ra sao.

59 Còn các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng thì tìm chứng gian buộc tội Đức Giê-su để lên án tử hình. 60 Nhưng họ tìm không ra, mặc dầu có nhiều kẻ đã đứng ra làm chứng gian. Sau cùng, có hai người bước ra, 61 khai rằng: “Tên này đã nói: tôi có thể phá Đền Thờ Thiên Chúa, và nội trong ba ngày, sẽ xây cất lại”. 62 Bấy giờ vị thượng tế đứng lên hỏi Đức Giê-su: “Ông không nói lại được một lời sao? Mấy người này tố cáo ông gì đó?” 63 Nhưng Đức Giê-su vẫn làm thinh. Vị thượng tế nói với Người: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết: ông có phải là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa không?” 64 Đức Giê-su trả lời: “Chính ngài vừa nói. Hơn nữa, tôi nói cho các ông hay: từ nay, các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến”. 65 Bấy giờ vị thượng tế liền xé áo mình ra và nói: “Hắn nói phạm thượng! Chúng ta cần gì nhân chứng nữa? Đấy, quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa, 66 quý vị nghĩ sao?” Họ liền đáp: “Hắn đáng chết!”.

67 Rồi họ khạc nhổ vào mặt và đấm đánh Người. Có kẻ lại tát Người 68 và nói: “Ông Ki-tô ơi, hãy nói tiên tri cho chúng tôi nghe đi: ai đánh ông đó?”.

69 Lúc đó ông Phê-rô đang ngồi ngoài sân. Một người đầy tớ gái đến bên ông và nói: “Cả bác nữa, bác cũng đã ở với ông Giê-su, người Ga-li-lê đó chứ gì?” 70 Ông liền chối trước mặt mọi người mà nói: “Tôi không biết cô nói gì!” 71 Ông đi ra đến cổng, thì một người tớ gái khác thấy ông, liền nói với những người ở đó: “Bác này cũng đã ở với ông Giê-su người Na-da-rét đấy”. 72 Nhưng ông Phê-rô lại thề mà chối: “Tôi không biết người ấy”. 73 Một lát sau, những người đứng đó xích lại gần ông Phê-rô mà nói: “Đúng là bác cũng thuộc bọn họ. Cứ nghe giọng nói của bác là biết ngay”. 74 Bấy giờ ông Phê-rô liền thề độc mà quả quyết rằng: “Tôi thề là không biết người ấy”. Ngay lúc đó, có tiếng gà gáy. 75 Ông Phê-rô sực nhớ lời Đức Giê-su đã nói: “Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần”. Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.

271 Trời vừa sáng, tất cả các thượng tế và kỳ mục trong dân cùng nhau bàn kế hại Đức Giê-su, để xử tử Người. 2 Sau đó, họ cho trói Người lại và giải đi nộp cho tổng trấn Phi-la-tô.

3 Bấy giờ, Giu-đa, kẻ đã nộp Người, thấy Người bị kết án thì hối hận. Hắn đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế và kỳ mục 4 mà nói: “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan”. Nhưng họ đáp: “Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh!” 5 Giu-đa ném số bạc vào Đền Thờ và ra đi thắt cổ. 6 Các thượng tế lượm lấy số bạc ấy mà nói: “Không được phép bỏ vào quỹ Đền Thờ, vì đây là giá máu”. 7 Sau khi bàn định với nhau, họ dùng tiền đó tậu “Thửa Ruộng Ông Thợ Gốm” để làm nơi chôn cất khách ngoại kiều. 8 Vì vậy mà thửa ruộng ấy gọi là “Ruộng Máu” cho đến ngày nay. 9 Thế là ứng nghiệm lời Ngôn Sứ Giê-rê-mi-a: “Họ đã lượm lấy ba mươi đồng bạc, tức là cái giá mà một số con cái Ít-ra-en đã đặt khi đánh giá Người. 10 Và họ lấy số bạc đó mà mua “Thửa Ruộng Ông Thợ Gốm”, theo những điều Đức Chúa đã truyền cho tôi”.

11 Đức Giê-su bị điệu ra trước mặt tổng trấn; tổng trấn hỏi Người: “Ông là vua dân Do-thái sao?” Đức Giê-su trả lời: “Chính ngài nói đó”. 12 Nhưng khi các thượng tế và kỳ mục tố Người, thì Người không trả lời một tiếng. 13 Bấy giờ ông Phi-la-tô hỏi Người: “Ông không nghe bao nhiêu điều họ làm chứng chống lại ông đó sao?” 14 Nhưng Đức Giê-su không trả lời ông về một điều nào, khiến tổng trấn rất đỗi ngạc nhiên.

15 Vào mỗi dịp lễ lớn, tổng trấn có lệ phóng thích cho dân chúng một người tù, tuỳ ý họ muốn. 16 Mà khi ấy có một người tù khét tiếng, tên là Ba-ra-ba. 17 Vậy khi đám đông đã tụ họp lại, thì tổng trấn Phi-la-tô nói với họ: “Các ngươi muốn ta phóng thích ai cho các ngươi đây? Ba-ra-ba hay Giê-su, cũng gọi là Ki-tô?” 18 Bởi ông thừa biết chỉ vì ghen tị mà họ nộp Người.

19 Lúc tổng trấn đang ngồi xử án, thì bà vợ sai người đến nói với ông: “Ông đừng nhúng tay vào vụ xử người công chính này, vì hôm nay, tôi chiêm bao thấy mình phải khổ nhiều vì ông ấy”.

20 Nhưng các thượng tế và kỳ mục lại xúi đám đông đòi tha tên Ba-ra-ba mà giết Đức Giê-su. 21 Tổng trấn hỏi họ: “Trong hai người này, các người muốn ta tha ai cho các người?” Họ thưa: “Ba-ra-ba!” 22 Tổng trấn Phi-la-tô nói tiếp: “Thế còn ông Giê-su, cũng gọi là Ki-tô, ta sẽ làm gì đây?” Mọi người đồng thanh: “Đóng đinh nó vào thập giá!” 23 Tổng trấn lại nói: “Thế ông ấy đã làm điều gì gian ác?” Họ càng la to: “Đóng đinh nó vào thập giá!” 24 Tổng trấn Phi-la-tô thấy đã chẳng được ích gì mà còn thêm náo động, nên lấy nước rửa tay trước mặt đám đông mà nói: “Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các người liệu lấy!” 25 Toàn dân đáp lại: “Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi!” 26 Bấy giờ, tổng trấn phóng thích tên Ba-ra-ba cho họ, còn Đức Giê-su, thì ông truyền đánh đòn, rồi trao cho họ đóng đinh vào thập giá.

27 Bấy giờ lính của tổng trấn đem Đức Giê-su vào trong dinh, và tập trung cả cơ đội quanh Người. 28 Chúng lột áo Người ra, khoác cho Người một tấm áo choàng đỏ, 29 rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: “Vạn tuế Đức Vua dân Do-thái!” 30 Rồi chúng khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy mà đập vào đầu Người. 31 Chế giễu chán, chúng lột áo choàng ra, và cho Người mặc áo lại như trước, rồi điệu Người đi đóng đinh vào thập giá.

32 Đang đi ra, thì chúng gặp một người Ky-rê-nê, tên là Si-môn; chúng bắt ông vác thập giá của Người. 33 Khi đến nơi gọi là Gôn-gô-tha, nghĩa là Đồi Sọ, 34 chúng cho Người uống rượu pha mật đắng, nhưng Người chỉ nếm một chút mà không chịu uống. 35 Đóng đinh Người vào thập giá xong, chúng đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau. 36 Rồi chúng ngồi đó mà canh giữ Người.

37 Phía trên đầu Người, chúng đặt bản án xử tội viết rằng: “Người này là Giê-su, vua dân Do-thái”. 38 Cùng bị đóng đinh với Người, có hai tên cướp, một tên bên phải, một tên bên trái.

39 Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu 40 vừa nói: “Mi là kẻ phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào!” 41 Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người mà nói: 42 “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là Vua Ít-ra-en! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền! 43 Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! Vì hắn đã nói: “Ta là Con Thiên Chúa!” 44 Cả những tên cướp cùng bị đóng đinh với Người cũng sỉ vả Người như thế.

45 Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. 46 Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: “Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni”, nghĩa là “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” 47 Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói: “Hắn ta gọi ông Ê-li-a!” 48 Lập tức, một người trong bọn chạy đi lấy miếng bọt biển, thấm đầy giấm, buộc vào đầu cây sậy và đưa lên cho Người uống. 49 Còn những người khác lại bảo: “Khoan đã, để xem ông Ê-li-a có đến cứu hắn không!” 50 Đức Giê-su lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn.

51 Ngay lúc đó, bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Đất rung đá vỡ. 52 Mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy. 53 Sau khi Chúa trỗi dậy, các ngài ra khỏi mồ, vào thành thánh, và hiện ra với nhiều người. 54 Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Đức Giê-su đều rất đỗi sợ hãi và nói: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa”.

55 Ở đó, cũng có nhiều người phụ nữ đứng nhìn từ đàng xa. Các bà này đã theo Đức Giê-su từ Ga-li-lê để giúp đỡ Người. 56 Trong số đó, có bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Ma-ri-a mẹ các ông Gia-cô-bê và Giô-xếp, và bà mẹ các con ông Dê-bê-đê.

57 Chiều đến, có một người giàu sang tới. Ông này là người thành A-ri-ma-thê, tên là Giô-xếp, và cũng là môn đệ Đức Giê-su. 58 Ông đến gặp ông Phi-la-tô để xin thi hài Đức Giê-su. Bấy giờ tổng trấn Phi-la-tô ra lệnh trao trả thi hài cho ông. 59 Khi đã nhận thi hài, ông Giô-xếp lấy tấm vải gai sạch mà liệm, 60 và đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá, dành cho ông. Ông lăn tảng đá to lấp cửa mồ, rồi ra về. 61 Còn bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a ở lại đó, quay mặt vào mồ.

62 Hôm sau, tức là khi ngày áp lễ đã qua, các thượng tế và những người Pha-ri-sêu kéo nhau đến ông Phi-la-tô, 63 và nói: “Thưa ngài, chúng tôi nhớ tên bịp bợm ấy khi còn sống có nói: “Sau ba ngày, Ta sẽ trỗi dậy”. 64 Vậy xin quan lớn truyền canh mộ kỹ càng cho đến ngày thứ ba, kẻo môn đệ hắn đến lấy trộm xác rồi phao trong dân là hắn đã từ cõi chết trỗi dậy. Và như thế, chuyện bịp cuối cùng này sẽ còn tệ hại hơn chuyện trước”. 65 Ông Phi-la-tô bảo họ: “Thì có sẵn lính đó, các ngươi hãy đi mà canh giữ theo cách các ngươi biết!” 66 Thế là họ ra đi canh giữ mồ, niêm phong tảng đá và cắt lính canh mồ.

***

I. – BỐ CỤC

     Bản văn công bố trong Chúa Nhật Lễ Lá có thể chia thành:

          1/. Khởi đầu cuộc Thương Khó (26,1-16)

               – Cảnh 1: Mt 26,14-16 – Judas phản bội Đức Giêsu

          2/. Bữa tiệc Vượt Qua cuối cùng của Đức Giêsu (26,17-29)

               – Cảnh 2: Mt 26,17-19 – Các môn đệ chuẩn bị Lễ Vượt Qua

               – Cảnh 3: Mt 26,20-25 – Đức Giêsu tiên báo việc phản bội

               – Cảnh 4: Mt 26,26-29 – Bữa tối cuối cùng (Khai mạc Tiệc Thánh Thể)

          3/. Tại Gethsemane (26,30-56)

               – Cảnh 5: Mt 26,30-35 – Đức Giêsu tiên báo sự phân tán và hứa qui tụ lại

               – Cảnh 6: Mt 26,36-46 – Đức Giêsu cầu nguyện tại Núi Olives

               – Cảnh 7: Mt 26,47-56 – Đức Giêsu bị bắt

          4/. Tại dinh Thượng tế (26,57–27,10)

               – Cảnh 8: Mt 26,57-58 – Đức Giêsu và Phê rô vào dinh Thượng tế

               – Cảnh 9: Mt 26,59-66 – Luận tội trước tòa Thượng tế

               – Cảnh 10: Mt 26,67-68 – Cuộc hành hạ đầu tiên

               – Cảnh 11: Mt 26,69-75 – Phêrô chối Đức Giêsu

               – Cảnh 12: Mt 27,1-2 – Đức Giêsu bị nộp cho Pontius Pilate

               – Cảnh 13: Mt 27,3-10 – Judas không trả tiền lại được và tự tử

          5/. Đức Giêsu bị người Roma kết án (27,11-31)

               – Cảnh 14: Mt 27,11-26 – Cuộc xử án trước tòa Pontius Pilate

               – Cảnh 15: Mt 27,27-31 – Đức Giêsu bị đánh đòn và chế nhạo

          6/. Đức Giêsu bị đóng đinh (27,32-61)

               – Cảnh 16: Mt 27,32-38 – Đường thập giá và đóng đinh

               – Cảnh 17: Mt 27,39-44 – Chế nhạo Con Thiên Chúa

               – Cảnh 18: Mt 27,45-50 – Đức Giêsu từ trần

               – Cảnh 19: Mt 27,51-54 – Thiên Chúa trả lời cho các chết của Đức Giêsu

               – Cảnh 20: Mt 27,55-56 – Các phụ nữ tại chân thập giá

               – Cảnh 21: Mt 27,57-61 – Đức Giêsu được an táng

          7/. Đức Giêsu sống lại và hai kết thúc của Tin Mừng Matthew (27,62–28,20)

               – Cảnh 22: Mt 27,62-66 – Đặt lính canh mồ

               – Cảnh 23: Mt 28,1-8 – Mồ trống

               – Cảnh 24: Mt 18,9-10 – Đức Giêsu hiện ra với các phụ nữ

               – Cảnh 25: Mt 28,11-15 – Kết 1: Lính canh mồ tung tin thất thiệt

               – Cảnh 26: Mt 28,16-20 – Kết 2: Lệnh ra đi truyền giáo

II. – CHÚ GIẢI VÀ Ý NGHĨA CỦA BẢN VĂN

Cuộc Thương Khó là giai đoạn trọng yếu trong cuộc đời của Đức Giêsu. Đây cũng là trang đen tối trong cuộc đời của Người. Các môn đệ bị bắt chợt, bởi vì họ chờ đợi Thầy họ lên ngai vàng chứ không phải là cái chết thập giá.

1. Mt 26,14-16 – Judas phản bội Đức Giêsu

Phân đoạn này được liên kết với Mt 26,1-5: một trong Nhóm Mười Hai (x. “các môn đệ”, câu 1) là Judas đi gặp các đối thủ của Đức Giêsu, là các thượng tế (x. các câu 3-5), và khởi động biến cố đã được Đức Giêsu tiên báo ở câu 2. Không có liên kết trực tiếp nào với truyện xức dầu.

Phân đoạn này cũng được liên kết với phân đoạn đến sau: Ở Mt 26,47-50, Judas sẽ đưa kế hoạch ra thực hiện; ở Mt 26,21-25, một lần nữa hắn sẽ đóng một vai trò quyết định; ở Mt 27,3, hắn sẽ trả ba mươi đồng bạc lại cho các thượng tế. Trong phân đoạn Mt 26,14-16, Judas cũng hầu như là diễn viên duy nhất, vì ở câu 15b, các thượng tế có phản ứng là do hắn gợi ý.

Các lý do khiến Judas phản bội đã không được nói đến. Tác giả Tin Mừng Matthew chỉ ghi chính xác rằng, đây là “một người trong Nhóm Mười Hai” (Mt 26,14). Rõ ràng biết Đức Giêsu và bước theo Người vẫn không đảm bảo gì (x. Mt 7,21-23; 25,12). Có một sự tương phản nổi bật giữa Judas và người phụ nữ xức dầu cho Đức Giêsu (x. Mt 26,6.13): hắn làm do tham lam, còn bà ấy làm do lòng thành kính. Quả thật, lý do khiến Judas phản bội, theo cả bốn Tin Mừng, là tiền bạc; nhưng Judas lại bán Thầy chỉ với “ba mươi đồng bạc” là giá mạng sống của một tên nô lệ (x. Xh 21,32). Khi ghi nhận điểm này, tác giả Tin Mừng Matthew cho thấy Đức Giêsu bị hạ nhục đến độ nào, cũng như hành vi phản bội thì ty tiện đến đâu.

Nhưng ý nghĩa tiên quyết của bản văn là mọi sự đã được Đức Giêsu tiên báo và nay xảy đến đúng theo ý muốn của Thiên Chúa (Mt 26,1-2). Bóng tối khủng khiếp của cuộc Thương Khó nay bắt đầu với sự phản bội của Judas, một trong Nhóm Mười Hai. Dọc theo bài tường thuật cuộc Thương Khó, tác giả cho thấy gương mặt của Đức Giêsu luôn ở trung tâm: Người chịu đau khổ; Người biết đau khổ có ý nghĩa gì; Người liên tục đẩy các biến cố đi tới và cung cấp một lời giải thích. Các độc giả cần phải hiểu rằng đây là một câu truyện về Đức Giêsu, chứ không phải là một câu truyện về các đối thủ của Người. Điều này có nghĩa là Judas cũng chỉ là một gương mặt nhỏ bé sẽ thỉnh thoảng xuất hiện mà thôi.

2. Mt 26,17-19 – Các môn đệ chuẩn bị Lễ Vượt Qua

Bài Tin Mừng Matthew này song song với bài Tin Mừng Marco (Mc 14,21-22) gồm có ba giai đoạn: chuẩn bị (các câu 17-19), nghi thức Do Thái (các câu 20-25), nghi thức mới của Kitô giáo (các câu 26-30).

Bài tường thuật của Tin Mừng Matthew, bắt đầu với một chi tiết về thời gian: “Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men” (Mt 26,17). Đức Giêsu kết thúc kinh nghiệm cộng đoàn với các môn đệ bằng một bữa ăn tối từ biệt. Bữa ăn này được các tác giả Tin Mừng thứ I đặt vào trong khung cảnh cuộc cử hành lễ Vượt Qua. Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men… lễ Vượt Qua (Mt 26,17): Thật ra, Lễ Bánh Không Men bắt đầu sau lễ Vượt Qua; nhưng tác giả Tin Mừng Matthew, cũng như Fl. Joseph dùng tên này để gọi trọn lễ mừng bắt đầu với lễ Vượt Qua.[2] Ta thấy tác giả Tin Mừng Matthew dùng đồng thời hai kiểu gọi này khiến chúng ta có thể coi là hai kiểu gọi này có cùng một ý nghĩa (x. Mt 26,2). Các môn đệ đến thưa “với Đức Giêsu” (tó Iésou) và hỏi Người là họ phải dọn cho Người (“cho Thầy”: soi) ăn lễ Vượt Qua ở đâu: chúng ta được nhắc rằng, chúng ta đang bàn những chuyện liên hệ đến Đức Giêsu và lễ Vượt Qua của Người.

Đức Giêsu vẫn làm chủ tình hình: Người lấy sáng kiến và bố trí việc cử hành lễ Vượt Qua: Người không chỉ sai hai môn đệ (như trong Tin Mừng Marco) mà là các môn đệ (“các môn đệ”, câu 17; “các anh”, câu 18) đi vào thành Jerusalem, vì đó là nơi duy nhất người ta có thể cử hành lễ Vượt Qua (x. Đnl 16,16). Các ông đến nhà “một người kia”: “Người kia” (ho deina), là một người không cần nêu tên hay lý lịch ra ở đây (tác giả Tin Mừng Marco nhấn mạnh hơn). Điều tác giả muốn cho thấy là chính Đức Giêsu truyền lệnh. Người không phải là một kẻ biết trước cách lạ lùng những điều đáng kể nhất sẽ xảy ra; Người truyền lệnh, và thế là điều Người nói đã xảy ra. Ngay “một người kia” cũng chỉ biết nghe theo lệnh của Thầy. Nhà của ông ấy hoàn toàn được dành cho Người sử dụng, chứ không chỉ vì nay đã gần kề lễ Vượt Qua và Người cần một căn phòng. Ta thấy rõ: Người không biện minh cho lệnh truyền bằng cách nói rằng là người lạ, Người không dễ tìm ra một nơi để mừng lễ Vượt Qua nay đã gần kề; Người nói: “Thời của Thầy (ho kairos mou) đã gần tới”. “Thời (kairos)” của Người (trong Tin Mừng Gioan: “thời”: Ga 7,6.8; “giờ”: Ga 2,4; 7,30; 8,20; 12,23; 13,1; 17,1) chính là giai đoạn cuối cùng trong sứ mạng của Người, cuộc Thương Khó. Người nói trong tư cách là người biết thời gian và cộng tác không chỉ cách thụ động nhưng chủ động, tích cực vào việc làm cho chương trình Chúa Cha đã hoạch định được hoàn tất.

Các môn đệ đã làm như Đức Giêsu truyền lệnh (câu 19. xem các “công thức về hoàn tất” trong Mt 1,20-25; 21,2-7; 28,15). Đối với tác giả Tin Mừng Matthew, tư cách môn đệ chính là thuộc về gia đình những anh chị em của Đức Giêsu, cùng thực thi ý muốn của Cha trên trời (Mt 12,50). Do đó, cả nhóm môn đệ được sai đi và cả nhóm đã làm đúng lệnh truyền: một sự vâng lời gương mẫu.

3. Mt 26,20-25 – Đức Giêsu tiên báo việc phản bội

Sau câu mở đầu ngắn ngủi nói về thời gian và hoàn cảnh (câu 20), có một mẩu đối thoại được kết cấu rất khéo. Đức Giêsu nêu lên một nhận định tổng quát là một môn đệ sẽ phản bội Người (câu 21). Các môn đệ kinh ngạc phản ứng: “Chẳng lẽ con sao, thưa Ngài?” (méti egó eimi, kyrie) (câu 22). Đức Giêsu cho một câu trả lời chính xác ở câu 23. Rồi Người củng cố lời loan báo ở câu 24 bằng một tiên báo mới về đau khổ của Người và một lời lời tuyên bố “khốn” đối với kẻ phản bội. Câu 25 nhắc lại câu 22: lần này Judas cũng hỏi y như các anh em khác, nhưng gọi Đức Giêsu là “Rabbi, Thầy”: “Chẳng lẽ con sao, thưa Thầy?” (méti egó eimi, rabbi: câu 25). Với câu “Chính anh nói đó”, Đức Giêsu đã nói lời cuối cùng. Như thế, Người nói lời đầu tiên và lời cuối cùng trong phân đoạn này. Lời Người nói ở các câu 23-24 là lời dài nhất. Cách kết cấu của đoạn văn cho thấy rõ chính Đức Giêsu, chứ không phải là các môn đệ hay Judas, đang làm chủ tình hình.

Chi tiết về thời gian “chiều đến (opsias)” mở đầu hai phân đoạn tiếp theo. Giờ đã muộn, bởi vì phải ăn lễ Vượt Qua ban đêm (x. Xh 12,8. Theo tập tục, phải ăn xong trước nửa đêm). Đức Giêsu vào bàn tiệc: Người nằm trên giường tiệc, theo đúng tập tục. Đang khi các ngài ăn, có hai truyện xảy ra (các câu 21 và 26).

Bữa tiệc đang diễn tiến, Đức Giêsu ngắt ngang để loan báo hơn là tố giác hành vi phản bội và kẻ phản bội. Các môn đệ rất buồn (lypoumenoi sphodra). Từng người một đã hỏi “Chẳng lẽ con sao”, nghĩa là “Chắc chắn không phải là con chứ? Chẳng lẽ lại có thể là con sao?”. Các ông chưa bao giờ nghĩ rằng Đức Giêsu lại có thể bị phản bội, nên các ông hy vọng là Đức Giêsu sẽ đưa ra một câu trả lời phủ định để các ông được miễn trách nhiệm. Và các ông bày tỏ lòng tín nhiệm vào Người bằng cách gọi Người là “Thưa Ngài (= Lạy Chúa, Kyrie)”.

Vậy kẻ phản bội là ai thì vẫn là một câu hỏi được bỏ ngỏ đối với các môn đệ. Thế là Đức Giêsu loan báo một cách rõ ràng hơn: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy” (câu 23). “Đĩa, tryblion” có lẽ là tên để gọi thứ bột nhão (paste) làm bằng các trái vả, táo, chà là, hạnh đào, hạnh nhân, quế, trộn với rượu hay dấm rượu. Sau khi uống chén thứ nhất, người ta chấm rau diếp và các thứ rau khác vào thứ bột này mà ăn. Tác giả viết là “kẻ vừa mới chấm chung”, vì dùng động từ “embapsas” (aor. part. của embaptó, “chấm vào”) khiến các môn đệ không thể hiểu mập mờ là bất cứ ai được.

Câu 24 gồm ba phần:

– Câu 24a là một lời tiên báo mới về cái chết của Con Người, đi với Mt 26,2. Động từ “ra đi; đi ([h]ypagein)”, hiểu là tới cuộc Thương Khó và cái chết. “Theo như lời đã chép”, tức theo Kinh Thánh, là kiểu nói tổng quát hóa: Ngoại trừ một vài đoạn rõ ràng, điều quan trọng đối với Giáo Hội tiên khởi là Kinh Thánh có làm chứng về cái chết của Đức Giêsu (x. 1Cr 15,3-4). Chính xác tín này giúp cho các Kitô hữu tiên khởi tìm ra nhiều đoạn trong Kinh Thánh nói về cái chết của Đức Giêsu.

– Câu 25b là một lời tuyên bố “khốn” tương tự Mt 18,7. Rõ ràng chương trình của Thiên Chúa không xóa tội cho con người, kể cả tội của kẻ phản bội.

– Câu 24c thường được gọi là câu “tov” (thà…) theo kiểu nói Semite (x. Mt 5,29-30; 18,8-9). Kiểu nói này nhấn mạnh tối đa trên tội của Judas: điều ông sắp làm rõ ràng là một “tội trọng”. Cho dù ở đây không có ý gì rõ ràng nói đến sự kết án đời đời dành cho Judas, ý tưởng đó vẫn bàng bạc: đoạn Mt 18,8-9, trong đó có chuỗi tương tự “khốn”“thà”, có nói đến hỏa ngục và “lửa đời đời”.

Sau lời tuyên bố trên của Đức Giêsu, câu 25 có nét gì đó quái gở, bởi vì cứ y như thể Judas không hiểu Đức Giêsu có ý nói gì. Thái độ này hoàn toàn ngược lại với nỗi buồn thê thảm nơi các môn đệ khác (câu 22). Judas cũng hỏi cùng một câu hỏi như các bạn khác, chỉ có điều ông gọi Đức Giêsu là “Rabbi”, ông không thông hiệp với anh em. Tin Mừng thứ I rất cẩn thận trong việc dùng các danh hiệu mà gọi Đức Giêsu. Kiểu thưa gửi “rabbi” không giống với “thầy”, đây là kiểu tiêu biểu dành cho những người ở ngoài; chỉ Judas dùng kiểu gọi này (ở đây và Mt 26,49). Chúng ta nhớ đến Mt 23,8, là nơi “rabbi” được nêu ra như một danh hiệu mà các kinh sư Do Thái yêu thích, nên cộng đoàn Kitô hữu phải tránh. Vậy Judas đã ở bên ngoài rồi; cộng đoàn có thể làm gì được cho ông nữa? Đức Giêsu đã ngắn gọn xác nhận câu hỏi của Judas: “Sy eipas”. Câu này có thể hiểu nhiều cách tùy ngữ cảnh: hoặc là “Chính anh nói điều đó” (đó là lời anh nói, chứ không phải tôi), hoặc là một xác nhận điều người khác đã nói (“Anh đã nói ra điều đó”). Rõ ràng theo ngữ cảnh, Đức Giêsu xác nhận không chần chừ rằng Judas sẽ là kẻ phản bội. Bằng chính những lời của mình, Judas lãnh trách nhiệm về điều ông đã nói. Bản văn kết thúc với các lời này.

4. Mt 26,26-29 – Bữa tối cuối cùng (Khai mạc Tiệc Thánh Thể)

Như với truyện thứ nhất vừa rồi ở câu 21, tác giả Tin Mừng Matthew nhắc đến hoàn cảnh bữa ăn (câu 26a), đưa vào bầu khí lễ Vượt Qua Do Thái. Ngoài ra, các câu nói về bánh và về chén ở câu 26 và các câu 27-28a hoàn toàn song song. Chỉ đến cuối câu nói về chén, câu 28b, sự đối xứng này mới không còn. Có thể nói, toàn bản văn là một “báo” về những gì Đức Giêsu đã làm và đã nói, chứ không nói đến việc các môn đệ đã ăn bánh uống rượu hoặc đã phản ứng thế nào trước các lời Người nói.

Tác giả Tin Mừng Matthew không kể toàn bộ nghi thức mà chỉ nhắc lại hai cử chỉ tiêu biểu của đại lễ này: bẻ bánh và phân phát bánh (mở đầu); rót đầy chén lần nữa (kết thúc), mỗi hành vi có kèm theo một công thức chúc tụng (eulogésas: hiểu là “chúc tụng” Thiên Chúa). Đức Giêsu vẫn ở tại trung tâm câu chuyện (tên “Giêsu” được nhắc lại).

Nghi thức bẻ bánh (trong tiệc Vượt Qua, các đại lễ khác và hằng ngày) là việc của người chủ gia đình. Thường các lời chúc tụng đọc trên bánh là: “Xin chúc tụng Ngài…, lạy Thiên Chúa chúng con, vua vũ trụ, Ngài làm cho bánh đâm chồi từ mặt đất” (Ber. 6,1). Đức Giêsu bẻ bánh và phân phát cho các môn đệ: hành vi này khiến độc giả nhớ đến hai lần Người nhân bánh ra nhiều tại Galilee (Mt 14,19; 15,36). Khi làm cử chỉ này trước mặt các môn đệ, Đức Giêsu muốn nói rằng, nay giữa họ đã có một sự hợp nhất mới về tương quan; họ cũng là một gia đình. Tuy nhiên, Đức Giêsu lại đọc những lời khác với nghi lễ và truyền lệnh “hãy ăn”, khiến các môn đệ hiểu rằng, đây là chuyện bắt buộc chứ không tùy nghi. Ngoài ra, khung cảnh tiệc Vượt Qua với chiên bị giết, khiến lời Đức Giêsu nói về “mình Người” có một âm vang hiến tế. Nói cho cùng, Người không trao một tấm bánh nguyên, nhưng những mảnh bánh bẻ ra, điều này tượng trưng thân mình Người sẽ phải bầm dập tan nát. Các môn đệ “ăn mình” Đức Giêsu có nghĩa là nhận lấy cho mình vụ việc mà vì đó Người đã phải chết, là cũng như Người, phải bẻ đời sống mình ra hầu phục vụ sự thiện hảo của mọi người. Tuy nhiên, một ý nhắm đến cái chết của Đức Giêsu chỉ xuất hiện lần đầu tiên với những lời giải thích Người nói sau này, tương đối còn mơ hồ với bánh, rồi rõ ràng với chén.

Bữa tiệc kết thúc bằng việc chủ nhà rót đầy chén rượu lần nữa rồi chuyền cho mọi thành viên. Đây là chén đầy cuối cùng, người ta chuyền tay nhau mà uống. Lời chúc tụng đọc trên rượu là: “Xin chúc tụng Ngài, lạy Thiên Chúa chúng con, vua vũ trụ, Đấng tạo thành hoa quả của cây nho”. Trong trường hợp này, Đức Giêsu cũng lại đọc những lời khác với nghi thức kèm theo một mệnh lệnh, “hãy uống”. Rượu mà Đức Giêsu trao phải “nhắc lại” máu mà chẳng bao lâu nữa, Người sẽ đổ ra trên thập giá. Nếu các môn đệ được mời uống máu Người có nghĩa là họ cũng phải có khả năng đổ máu ra như Đức Giêsu. Chúng ta ghi nhận rằng các môn đệ được mời uống chung một chén. Lý do: giao ước được đặt nến móng trên cái chết của Người; tất cả những ai uống chén này thì thông phần vào cái chết của Người;cái chết của Người liên kết tất cả lại với nhau.

Việc bẻ bánh và uống chung một chén rượu như thế được liên kết với cái chết của Người.

Trong bản văn, câu 28 nhấn mạnh đến việc tha tội, thì có liên hệ không với Mt 1,21: Đức Giêsu, là Đấng Emmanuel, sẽ cất tội đi cho dân chúng (x. Mt 9,6.8).

Câu 29 nhấn mạnh đến tình bằng hữu giữa Đức Giêsu với các môn đệ thì liên hệ với Mt 1,23: Đức Giêsu, là Đấng Emmanuel, sẽ ở cùng các môn đệ (x. Mt 28,20). Điều này cũng hàm chứa ý tưởng về tình bằng hữu giữa các môn đệ với nhau (x. Mt 18).

5. Mt 26,30-35 – Đức Giêsu tiên báo sự phân tán và hứa quy tụ lại

Câu 30 là câu chuyển tiếp đưa ta từ bữa tiệc Vượt Qua ra cảnh trên Núi Olives. Các câu 31-35 là một đoạn đối thoại gồm hai lời tiên báo của Đức Giêsu (các câu 31-32 và 34) và hai lời phản đối của Phêrô (các câu 33 và 35ab). Hai lời tiên báo được liên kết bằng công thức chìa khóa “đêm nay” (các câu 31 và 34). Lời phản đối đầu của Phêrô nhắm vào lời “vấp ngã” (skandalizesthai, các câu 31 và 33 hai lần) của Đức Giêsu, còn lời phản đối thứ hai nhắm đến từ “chối” (aparneisthai, các câu 34-35). Một lời phản đối tương tự của tất cả các môn đệ được bố trí theo cách giao hoán nhắc lại câu 31 và kết thúc phân đoạn (câu 35c). Sau này, hai lời tiên báo sẽ được kể lại (các câu 56 và 69-75).

Cuộc khổ nạn cũng như sự phản bội của các môn đệ không phải là chuyện tình cờ. Đức Giêsu đã quan tâm báo trước cho họ: đây không còn phải là sự sa sút của một môn đệ, nhưng là “tất cả” (pantes), chính xác là “tất cả anh em”, những người môn đệ gần gũi nhất, trung thành nhất (câu 31). Họ sẽ xấu hổ vì đã ở với Người, vì đã tin vào các lời Người nói. Sự vấp phạm của các môn đệ khi thấy Người bị bắt rồi bị kết án tử hình, cũng dễ hiểu. Chính Ngôn Sứ Zechariah đã báo trước (Dcr 13,7). Tuy nhiên, Đức Giêsu cũng ban một sứ điệp hy vọng: cộng đoàn các môn đệ sẽ lại được quy tụ sau tấn bi kịch; Đức Giêsu lại ban cho họ một điểm hẹn mới là Galilee (câu 32), sau điểm hẹn là Nước của Chúa Cha (câu 29). Điểm này không loại trừ điểm kia, nhưng lệ thuộc vào nhau. Đức Kitô Phục Sinh sẽ trở lại các nơi Người đã hoạt động công khai để bằng tư cách Đấng Phục Sinh, chuẩn nhận cho các lời Người đã loan báo. Đến đây, tác giả Tin Mừng Matthew đã nối lời loan báo về sự phản bội của Phêrô (các câu 33-34). Ông đã phản đối kịch liệt. Nhưng cũng chính ông đã phản bội Thầy ồn ào hơn những người khác. Cho dù Phêrô tỏ ra như là phát ngôn nhân của nhóm môn đệ, ở đây ông đã phá vỡ tình liên đới của nhóm, khi nói rằng cho dù “tất cả” (pantes) có vấp ngã vì Đức Giêsu, ông vẫn không sa sút. Ông là một ngoại lệ lớn lao mà!

Điều đáng ghi nhận là câu tiên báo trung tâm về cuộc hiện ra của Chúa Phục Sinh tại Galilee ở câu 32 rõ ràng được tách khỏi phấn kết thúc lời tiên báo đầu. Thế nhưng khi phản ứng, Phêrô không trả lời cho lời tiên báo này, mà chỉ phản ứng lại nửa đầu của lời tiên báo thôi. Sau này, qua các phụ nữ, vị thiên sứ phải nhắc lại nửa thứ hai cho các môn đệ (Mt 28,7.10). Rõ ràng các môn đệ đã không nghe được phần này của lời tiên báo ở giữa. Nhưng chắc chắn độc giả không được bỏ qua. Các độc giả phải nghe được lời loan báo về Phục Sinh và không được mất tinh thần.

Đức Giêsu đã nói thẳng với Phêrô bằng một tiếng “amen” mở đầu (câu 34). “Đêm nay” (en tauté té nykti) đối lại với tiếng “chẳng bao giờ” (oudepoti) mạnh mẽ của Phêrô. Nội đêm nay, ông sẽ chối Thầy không dưới ba lần. Như vậy, bằng câu trả lời ấy, Đức Giêsu đã tách Phêrô khỏi nhóm môn đệ, nhưng theo cách tiêu cực. Phêrô không những sẽ chạy trốn, mà còn chối Thầy đến ba lần! So với việc các môn đệ chạy trốn, hành vi của ông tệ gấp đôi. “Chối” (aparneisthai) có nghĩa là “kháng cự lại, không nhận, tuyệt giao, nói không, khước từ, đồng ý từ bỏ”. Đối với người xưa, gà gáy là một cách chỉ giờ vào ban đêm. Giờ gà gáy được coi như là giờ liền ngay nửa đêm, và như thế là còn một khoảng thời gian dài trước lúc bình minh. Khi tiệc Vượt Qua kết thúc thì đã gần nửa đêm. Như thế, khoảng hai hoặc ba giờ sau thì Phêrô chối Thầy.

Phêrô long trọng phi bác lời Đức Giêsu: ông sẽ không chối Người bao giờ: “Dầu có phải chết với Thầy” (câu 35)! Ở Mt 16,21-24, một đoạn trong đó có các ngữ căn “skandal” (vấp ngã)“aparneisthai” (chối), Phêrô đã tìm cách ngăn cản Đức Giêsu đừng nghĩ tới đau khổ; ông nói với giọng hẳn là hốt hoảng: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy” (Mt 16,22). Đức Giêsu đã trả lời ông bằng cách gọi ông là “tảng đá vấp” (skandalon) và đã kêu gọi các môn đệ hãy “chối” (aparneisthai) chính mình. Dường như Phêrô chẳng học được bài học nào cả. Các môn đệ khác cũng không hơn gì (x. Mt 26,35).

6. Mt 26,36-46 – Đức Giêsu cầu nguyện tại Núi Olives

Truyện Đức Giêsu cầu nguyện tại Vườn Gethsemane rất cô đọng. Các câu 36-38 giới thiệu khung cảnh và lệnh Đức Giêsu truyền cho ba môn đệ canh thức với Người. Ba môn đệ này được tách riêng ra, nhưng ta không thấy sự khác biệt nào giữa hai nhóm môn đệ. Ba đoạn ngắn sau (các câu 39-41, 42-43, 44-45a) có cùng cấu trúc và cách diễn tả như nhau. Những từ quan trọng là “canh thức” (grégorein: 3 lần), “cầu nguyện” (proseuchesthai: 5 lần)“với” (meta: các câu 36. 38. 40). Đoạn văn này gợi cho độc giả nhớ tới truyện Đức Giêsu thay đổi hình dạng trên núi (Mt 17,1; x. Mt 26,30), vì Người cũng đưa ba môn đệ ở đây đi. Độc giả cũng nhớ lại mẩu đối thoại của Đức Giêsu với bà mẹ các con ông Zebedee, trong đó có nói đến uống chén của Đức Giêsu (Mt 20,22). Còn lời cầu nguyện của Đức Giêsu nhắc nhớ tới Kinh Lạy Cha.

Bản tường thuật này rất thật, nhưng cũng có tính dụ ngôn. Đức Giêsu nhận định về hoàn cảnh của Người trước mặt các môn đệ (ít ra trước mặt những người được đánh giá cao nhất) lúc này có thể nghe Người cho dù không hiểu Người. Đây là một kinh nghiệm Đức Giêsu chấp nhận đến cùng vì vâng phục Chúa Cha và Người trình bày cho các môn đệ như là chương trình sống của Người.

Đức Giêsu đưa các môn đệ đến một thửa đất gọi là Gethsemane (tiếng Hipri có nghĩa là “ép dầu”). Người bỏ các môn đệ lại đàng sau mà không giao cho họ việc gì cả, chỉ đưa ba môn đệ chọn lọc đi theo. Tác giả Tin Mừng Matthew bỏ tên hai người con ông Zebedee để làm nổi gương mặt Phêrô. Cảnh này nhắc nhớ đến truyện hiển dung (Mt 17,2-8). Trên núi cao, các môn đệ nhìn thấy Đức Giêsu trong tư cách Thiên Chúa; ở đây họ trải nghiệm về Người trong nỗi phiền muộn của con người. Tác giả đưa vào cơn hấp hối bằng một động từ rất ý nghĩa: “bắt đầu” (erxato); động từ này đã được ngài dùng để loan báo những khúc quanh quyết định trong hoạt động của Đấng Cứu Thế. Gethsemane không chỉ đơn giản là một khúc quanh, nhưng mở ra giai đoạn chung kết của chương trình cứu thế. Lúc này, tâm trạng của Đức Giêsu là buồn rầu, lo sợ, khắc khoải; sự chắc chắn và cương quyết Người vẫn tỏ ra nay như đã tan biến cả. Người hoang mang xao xuyến, cần có ai để tâm sự, cần một nơi để nương tựa (“canh thức với Thầy”: Mt 26,38.40). Người diễn tả nỗi khắc khoải bằng những lời Kinh Thánh (x. Tv 41,6.12; 42,5 LXX). Đây là cảm giác về cái chết, về thất bại, về kết cục bất công và không vinh quang: “perilypos” có nghĩa tối thượng cấp là “buồn rầu cùng cực”, nay còn được tăng thêm bằng cụm từ “đến chết” được (heos thanatou). Đây là một hoàn cảnh tâm lý không sao chịu nổi. Từ “heos” ở đây không rõ, vì có hai nghĩa: nghĩa mục đích (buồn đến mức muốn chết) và nghĩa hậu quả (buồn có thể làm cho chết).

Đức Giêsu đã mời ba môn đệ “canh thức với Thầy” (các câu 38 và 40). Không phải chỉ ở đây mà ngay từ đầu, Đức Giêsu đã nhấn mạnh đến đòi hỏi hiệp thông này (“đi cùng với các ông”, câu 36; “đưa theo Người”, câu 37). Theo tác giả Tin Mừng Matthew, “canh thức” là thái độ riêng của người tín hữu (x. Mt 6,13; 24,37-51; 25,1-13), vậy mà ba môn đệ không thể “canh thức và cầu nguyện” được. Ở trên núi Hiển Dung cũng như ở đây, Đức Giêsu chờ đợi ba môn đệ làm một điều gì đó đặc biệt, nhưng họ đều không làm được. Trong tình trạng kiệt quệ, Người đã “sấp mặt xuống đất” (Mt 26,39): Hẳn là tác giả cũng muốn nói đến tình trạng kiệt quệ của Đức Giêsu như trong Tin Mừng Marco (Mc 14,35); tuy nhiên, “sấp mặt xuống đất” là sự “phủ phục” nhằm bày tỏ sự tôn kính đối với một người nào (x. St 17,3.17; Ds 14,5; 16,4;…), ở đây là “phủ phục” trước nhan Thiên Chúa để cầu nguyện. Cảm nhận về thất bại, nỗi đau khổ, lo sợ khắc khoải không thể lung lạc lòng tin của Đức Giêsu; Người vẫn quay về với Thiên Chúa và gọi là Cha, hẳn vẫn là tiếng “Abba” quen thuộc, Người vẫn giữ được sự thân mật với Thiên Chúa: Người gọi Thiên Chúa là “Thưa Cha của con” (pater mou; câu 42), để bày tỏ thái độ con cái thẳm sâu. Người vẫn tin tưởng vào thánh ý của Thiên Chúa và ký thác vào bàn tay Thiên Chúa, như Người đã từng khuyến khích các môn đệ (x. Mt 6,10), dù lúc này nỗi đớn đau cay đắng chồng chất đã được gom lại thành hình ảnh “chén” (x. Mt 20,22). Lần này, không phải là Satan (Mt 4,1-11) hoặc Phêrô (Mt 16,23) gợi ý cho Người tránh đi, mà là chính lòng dạ của Người. Tuy nhiên, Người cũng chiến thắng vì Người luôn đặt ý Người sau thánh ý Chúa Cha. Chính vì thế, cuối cùng Người lại tìm lại được sự vững vàng và làm chủ được tình thế; Người bình thản ra gặp các đối thủ (câu 46).

7. Mt 26,47-56 – Đức Giêsu bị bắt

Bản văn này có ba cảnh nhỏ: Đức Giêsu bị bắt do cái hôn của Judas (các câu 47-50); người đầy tớ vị thượng tế bị chém đứt tai (các câu 51-54); các lời bình phẩm Đức Giêsu nói với dân chúng và nhận xét kết thúc (các câu 55-56a). Có những từ móc nối làm cho bản văn nên cô đọng: đám đông được “các thượng tế và kỳ mục” sai đến (câu 47) và từ “bắt” (các câu 48 và 50) đưa chúng ta trở lại với khởi đầu của bài tường thuật về cuộc Thương Khó (Mt 26,3-4). Judas lại gọi Đức Giêsu là “rabbi” như ở Mt 26,25. Họ “tra tay bắt (epebalon tas cheiras epi)” Người, việc này đã được Người tiên báo (Mt 17,22; x. 26,45).

Hành vi bắt Đức Giêsu được mở ra bởi Judas, “một người trong Nhóm Mười Hai” (câu 47; x. Mt 26,14), cái kiểu gọi mà Hội Thánh tiên khởi phải ghi nhớ với sự buồn phiền và nhục nhã. Tên phản bội đi đến với một nhóm đông người, mang gươm và gậy, do các thành viên vị vọng của Thượng Hội Đồng gửi đến. Hành vi mà người tông đồ làm là hôn Thầy (câu 50), một cử chỉ thường môn sinh làm để bày tỏ lòng quý mến và kính trọng. Tác giả Tin Mừng Matthew ghi là ông “hôn thắm thiết” (katephilésen). Đức Giêsu gọi ông là “etairos (đồng nghiệp, bạn)”: Tác giả Tin Mừng Matthew đã sử dụng từ này ở Mt 20,13 và Mt 22,12, lần đầu như một cách nói để giữ khoảng cách, khẳng định vị trí trên dưới, lần sau với giọng đe dọa. Vậy đây không phải là một từ để nói về tình bạn chân thật, mà là một từ mỉa mai. Rồi Đức Giêsu cho biết rằng, chuyện này chẳng bất ngờ đối với Người; Người nói: “Bạn đến đây vì mục đích này, nghĩa là để phản bội tôi (ep’ho parei)” (câu 50). Thật ra có nhiều cách giải thích câu này, nhưng giải thích không như là một thách thức, cũng không phải là một đọan tuyệt dứt khoát, nhưng là một lời trách pha lẫn hy vọng, là đơn giản nhất.

Đức Giêsu vừa nói xong, thì họ “tra tay bắt Người” (câu 50b). Từ “bàn tay” (cheir) khiến độc giả nhớ lại lời tiên báo của Đức Giêsu ở Mt 17,22 và Mt 26,45.

Một môn đệ (Phêrô: Ga 18,10) liền vung gươm bảo vệ Người, chém đứt tai người đầy tớ của thượng tế (câu 51). Chỉ có Tin Mừng Matthew nhấn mạnh rằng, Đức Giêsu phản đối dùng vũ lực, vì con đường của vũ lực không giải quyết được gì, mà lại còn có thể làm hại chính người sử dụng. Câu 52b, “tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm”, nhắc lại câu đối nghĩa thứ năm trong Bài Giảng trên núi, “Đừng chống cự người ác” (Mt 5,39). Nếu muốn, Đức Giêsu có thể điều khiến “mười hai đạo binh (legion) thiên thần” mà bảo vệ Người (câu 53). Một “đạo binh” lúc đó gồm 5.600 người; toàn quân đội của hoàng đế là 25 “đạo binh”. Vậy Đức Giêsu có thể gọi khoảng 70.000 thiên thần đến trợ giúp Người, nhưng Người từ khước chứng tỏ quyền lực của Người. Điều này khiến các độc giả nhớ đến chước cám dỗ thứ hai ở Mt 4,5-7, khi Đức Giêsu từ chối nhờ các thiên thần trợ giúp, nếu như Người nhảy từ nóc Đền Thờ xuống. Do vâng phục Thiên Chúa, Con Thiên Chúa, có tất cả quyền lực trên trời dưới đất, đã từ chối biểu dương quyền lực của Người. Đến đây, Đức Giêsu kết thúc các lời Người nói với các môn đệ bằng cách quy chiếu về Kinh Thánh. Cũng giống như ở Mt 12,26 và Mt 22,43, “nhưng như thế thì (pos oun)” đưa vào một câu hỏi mà thính giả phải trả lời. Người cho hiểu rằng, nếu Người không vâng theo ý muốn của Thiên Chúa và nếu Người làm một cuộc biểu dương quyền lực của Thiên Chúa, Kinh Thánh mang lời chứng về chương trình của Thiên Chúa không thể ứng nghiệm được.

Rồi Người quay ra nói với đám đông “mang gươm giáo gậy gộc” (câu 47): Người là một tên cướp sao? Mỗi ngày Người vẫn ngồi giảng dạy trong Đền Thờ, tức là một công việc được nhìn nhận (x. Mt 21,23-24). “Ngày ngày” (kath’ hémeran) cho hiểu là không phải chỉ vài ngày.

Tác giả kết thúc phân đoạn với một nhận xét: “Tất cả sự việc này xảy ra là để ứng nghiệm những lời chép trong sách Các Ngôn Sứ” (câu 56). Công thức này tương ứng với câu mở của lời trích thứ nhất về Kinh Thánh nên trọn ở Mt 1,22: “Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng Ngôn Sứ”, và tạo ra một cấu trúc đóng khung cho toàn thể câu truyện về Đức Giêsu: phải hiểu cuộc đời Đức Giêsu từ đầu đến cuối như là một sự ứng nghiệm Kinh Thánh. “Các Ngôn Sứ” ở đây có thể hiểu rộng ra là các bản văn Kinh Thánh (Cựu Ước). Đây là chìa khóa để hiểu cuộc đời Đức Giêsu.

Bản văn kết thúc với câu 56b: “Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết”. Các độc giả đã được chuẩn bị cho sự kiện này rồi, ở Mt 26,31. Người chăn chiên đã bị đánh; đàn chiên bị tan tác là hậu quả đương nhiên.

Chúng ta ta ghi nhận từ đầu cho đến cuối, Đức Giêsu làm chủ biến cố. Một cách rất uy dũng, Người phản ứng lại với Judas (câu 50a), với các môn đệ quá nhiệt thành (các câu 52-54), và với đám đông vũ trang đến bắt Người (câu 55). Người nêu bật quyền lực thần linh của Người, cho dù vì muốn vâng phục Cha Người, Người không biểu dương quyền lực này (câu 53). Vẻ uy hùng của Đức Giêsu trong Tin Mừng Matthew được diễn tả rõ nét hơn trong Tin Mừng Marco. Như thế, bài tường thuật Tin Mừng Matthew bắc một cây cầu đưa tới bài tường thuật Ga 18,1-11.

8. Mt 26,57-58 – Đức Giêsu và Phêrô vào dinh Thượng tế

Đoạn dẫn nhập ngắn này được liên kết với các câu 48, 50, 55 bởi động từ “nắm lấy, bắt lấy” (krateo) và gợi nhớ đến Mt 26,3-4, vì tại đây, các nhà lãnh đạo dân chúng đã “nhóm họp” trong “dinh của vị thượng tế”. Câu 57 dọn đường cho các câu 59-66, câu 58 dọn đường cho các câu 69-75.

Những kẻ đi bắt Đức Giêsu điệu Người đến dinh thượng tế Caiaphas (câu 57). Các kinh sư và kỳ mục đã tề tựu về đó, nhưng đây không phải là một cuộc gặp gỡ chính thức của Thượng Hội Đồng. Chúng ta phải chờ đến sáng hôm sau mới thấy: ngay từ sớm, “toàn thể Thượng Hội Đồng” (câu 59) đã họp lại, có lẽ vẫn tại nhà Caiaphas, để cứu xét vụ việc.

Bây giờ chúng ta để ý đến Phêrô: ông theo Đức Giêsu “xa xa” (câu 58). Khoảng cách như thế liên kết với động từ “bước theo” (akoloutheó) chuẩn bị các độc giả đi đến phân đoạn các câu 69-75. Phêrô cũng đến “dinh” (aulé) của vị thượng tế và “vào bên trong”. Sau Mt 26,3, các độc giả vẫn hiểu “aul锓dinh”, nhưng đến câu 69, họ lại ghi nhận rằng Phêrô ngồi “bên ngoài” (en té aulé), thường được dịch là “ngoài sân”. Phải chăng Phêrô đã di chuyển trong khi Đức Giêsu bị tra vấn? Không phải. Chính cái nhìn của người tường thuật đã di chuyển: lúc đầu, nhìn diễn tiến câu truyện từ Gethsemane, ngài ghi nhận Phêrô “vào bên trong”, nhưng ở câu 69, nhìn từ phòng họp Thượng Hội Đồng, ngài thấy Phêrô ngồi “bên ngoài”. Vậy theo Tin Mừng Matthew, Phêrô ngồi ở đâu? Vì “aulé” vừa có nghĩa là cái sân vừa có nghĩa là quần thể các tòa nhà quanh sân, tác giả Tin Mừng Matthew có hai cách nhìn: ở câu 58, ngài muốn Phêrô phải ở gần tối đa với sự kiện trong Thượng Hội Đồng, có thể để có một chứng nhân tận mắt. Tuy nhiên, ở câu 69, Phêrô phải ở ngoài, nơi “người đầy tớ gái (paidiské)” và những người khác đang ở đó, và từ đó ông dễ dàng chạy ra ngoài.

9. Mt 26,59-66 – Luận tội trước tòa Thượng tế

Lời kết tội đến nhanh (các câu 59-66) và như thế là chấm dứt phiên tòa Do Thái và tôn giáo. Tác giả Tin Mừng Matthew mô tả khái quát. Trước tiên có một cuộc thẩm vấn dựa theo các lời tố cáo của các chứng nhân (các câu 59-61). Như vậy, cuộc thẩm vấn gồm hai thì:

– a) Cứu xét các lời kết tội (các câu 61-63a) và các nghi vấn (các câu 63b-64);

– b) Bản án do thượng tế tuyên bố (các câu 65-66).

Cuối cùng bản án đã được công bố không phải trên những gì Đức Giêsu đã nói hoặc đã làm, nhưng trên những gì người khác đã nghĩ và nói về Đức Giêsu. Và họ đã làm đúng thể thức vì “hai người” làm chứng (các câu 60-61; x. Đnl 19,15). Lời tố cáo có thể có giá trị nhất đối với những người xử án là tố cáo Đức Giêsu là Messiah giả hiệu; mà thật ra Người không bao giờ tuyên bố như thế, nhưng không khó gì mà không suy ra được là Người nhận mình là “Messiah”, là Đấng Thiên Chúa sai đến. Thật ra, nếu Đức Giêsu là Messiah theo kiểu quân sự chính trị mà dân chúng đang chờ mong thì không sao; đàng này Người lại là Messiah kết án giới chức và các vị thầy chính thức của Do Thái giáo. Họ không chống Đấng Messiah, nhưng Đấng Messiah không theo hướng của các vị thầy Do Thái đã xác định.

Một lần nữa, tác giả nhắc đến “các thượng tế”, tức nhóm nổi bật trong Thượng Hội Đồng và “toàn thể Thượng Hội Đồng” (câu 59). Vậy Hội Đồng Tối Cao, thời ấy đã có 71 thành viên, đã nhóm họp chính thức. Ngay từ đầu, họ đã tìm những chứng gian để chống Đức Giêsu. Họ không tìm một cuộc xử công minh, nhưng chỉ nhắm đạt cho được cái chết của Đức Giêsu như họ đã dự tính (x. Mt 26,4).

Thượng tế đã nhắc lại dưới dạng câu hỏi lời tuyên xưng của Phêrô tại Caesarea: “Ông có phải là Đấng Kitô Con Thiên Chúa không?”. Đây là đỉnh cao hoặc tổng hợp của Kitô học trong Tin Mừng Matthew, được đặt vào miệng của vị quan tòa để nêu bật sự mù quáng chủ ý, tội lỗi của ông và của dân ông. Trong khi đó, tác giả Tin Mừng Gioan lại cho tổng trấn Roma tuyên bố về tư cách vua Messiah của Đức Giêsu cho người Do Thái (x. Ga 19,14), còn tác giả Tin Mừng Matthew đặt vào miệng uy quyền tôn giáo tối cao của Do Thái giáo. Dù sao, Đức Giêsu không phải là Messiah theo kiểu ái quốc như các nhà chức trách và đám đông vẫn chờ đợi, hoặc nhà ảo thuật như Satan gợi ý, nhưng là Con Thiên Chúa, ngoan ngoãn đi theo tiếng nói và các đề nghị của Ngài. Tuy nhiên, câu trả lời của Đức Giêsu còn quan trọng hơn; Người không nhắc lại danh hiệu “Messiah” hoặc “Con Thiên Chúa”, tuy có chấp nhận cách gián tiếp, nhưng nại đến một danh hiệu khác và những sấm ngôn còn minh nhiên hơn. Người loan báo, như cho các tông đồ trong bài diễn từ cánh chung, một quang cảnh sẽ khẳng định tính khách quan của các danh hiệu được gán cho Người: “Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng” (Đn 7,13; x. Tv 110,1), tức là chia sẻ quyền lực với Thiên Chúa. Thế là Thượng Hội Đồng nối tiếp vị thượng tế, quyết định về cái chết của Đức Giêsu. Tuy nhiên, bản án của họ chẳng những không chặn đứng được điều Đức Giêsu vừa nói, mà còn mở đường cho nên thành sự. “Từ nay” (ap’arti) là công thức nêu bật một sự đoạn tuyệt với quá khứ và khởi đầu một thời đại mới. Thời đại mới này bắt đầu vào lúc họ tuyên bố cái chết của Đức Giêsu. Kể từ lúc đó, các đối thủ của Đức Giêsu ca bài hát chiến thắng, nhưng Đấng Messiah cũng bắt đầu khẳng định về bản thân Người cho tới cuộc Quang lâm chung cuộc.

10. Mt 26,67-68 – Cuộc hành hạ đầu tiên

Cuộc hành hạ sau đó rất có thể là ở trong sân dinh thượng tế. Trò chế nhạo họ bày ra là một trò chơi của trẻ em. Họ bịt mắt tù nhân, đang rồi bảo đoán xem ai đã đánh mình. Ở đây hẳn còn có một lý do khác để họ chơi trò này: Đức Giêsu đã nhận và bị kết tội là “Ngôn Sứ”. Đức Giêsu đã chấp nhận chương trình của Người tôi tớ, các sỉ nhục và chế nhạo, với ý thức và với nghị lực. Sứ mạng của vị Ngôn Sứ quả thật không dễ.

11. Mt 26,69-75 – Phêrô chối Đức Giêsu

Đoạn này được liên kết với các câu 58-59: “Ông Phêrô… vào bên trong ngồi”. Cũng giống trường hợp các câu 36-46, đoạn văn này gồm ba phần. Giữa một câu giới thiệu ngắn (câu 69a) và một kết luận nặng nề (các câu 74b-75), có ba lời chối (các câu 69b-70. 71-72. 73-74a). Các nơi chốn thay đổi. Các nhân vật cũng thay đổi. Tầm mức của hành vi cũng thay đổi.

Tác giả cắt ngang truyện Đức Giêsu để bắt đầu một phân đoạn mới. Phêrô đã được nhắc đến ở câu 58, nay trở thành tâm điểm của sự chú ý. Trong cuộc xử án, ông ngồi “ở bên ngoài” trong “dinh/tòa” (aulé); độc giả dễ dàng nghĩ rằng đây là sân ngoài phòng xử. Một người “đầy tớ gái” vô danh (paidiské) đến nói với ông rằng, ông đã “ở với” ông Giêsu, người Galilee. “Với Đức Giêsu” là từ chìa khóa của toàn chương 26, vì trong đó, đề tài là việc “ở với Đức Giêsu” của các môn đệ. Khi nào tác giả nói đến việc các môn đệ “ở với” Đức Giêsu, là nhắm tới sự suy sụp của các ông (Mt 26,23.38.40.51); còn khi nói tới việc Đức Giêsu “ở với” các môn đệ, tác giả muốn nói đến sự trung tín của Người (Mt 26,18.20.36; x. câu 29).

Phêrô phản ứng mạnh mẽ và chối mọi sự. Ông không muốn biết đến những gì người tớ gái vừa nói. “Trước mặt mọi người, emprosthen pantón” cho hiểu rằng một đàng lời trò chuyện là công khai, một đàng nhắc tới Mt 10,33: “Ai chối (arnésetai) Thầy trước mặt (emprosthen) thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”. Đây là một lời nhắc nhở rất nặng cho độc giả, vì gợi đến cuộc phán xét chung. So với Đức Giêsu đang ở trước tòa án thượng tế, Người không chối, Người nhìn nhận, ta thấy hoàn cảnh của Phêrô tương đối ít nguy hiểm hơn, vì chỉ là một người đầy tớ gái nói.

Ông đi ra ngoài thêm một chút nữa, “ông đi ra đến cổng” (câu 71). Lại một người tớ gái khác thấy ông, thì lưu ý những người ở đó hầu như cũng bằng những lời như trước: “Bác này cũng đã ở với ông Giêsu người Nazareth đấy”. Vùng địa lý đã thu hẹp lại, vì không còn là “miền Galilee”, nhưng là “thôn làng Nazareth”. Có vẻ như vòng vây siết chặt hơn, làm rõ gương mặt của Phêrô hơn. Ông càng sợ. Ông chối Đức Giêsu lần thứ hai bằng những lời mạnh mẽ: “Tôi không biết người ấy” (câu 72). Ông tránh nhắc đến cả tên Đức Giêsu, mà gọi bằng kiểu bất kính “người ấy” (anthropos). Lời này lại khiến độc giả nhớ đến các bản văn nói về phán xét cuối cùng. Vào ngày phán xét, Con Người sẽ nói “Ta không biết các ngươi” với những ai không sẵn sàng cho Người (Mt 25,12; x. 7,23). Phêrô hỗ trợ lời chối bằng một lời thề. Thế là ông đã có bạn đường là vua Herod Antipater, vị này đã dính líu vào vụ giết Gioan Tẩy Giả do một lời thề với một cô gái (Mt 14,7), và một bạn đường khác là vị thượng tế, vị này vừa thề với Đức Giêsu (Mt 26,63); nhưng ông không là bạn đường của Đức Giêsu, Đấng đã cấm các môn đệ thề vì bất cứ lý do gì (Mt 5,33-37).

Đến lúc này Phêrô đã được mọi người ở đó chú ý đến, thế mà ông lại đang tìm mọi cách để rút lui cho thoát chuyện này. Những người ở chung quanh đến gần ông và xác nhận những gì người tớ gái vừa nói: “Đúng là bác cũng thuộc bọn họ” (câu 73). Bây giờ vòng tròn đã siết lại chỉ còn là “bọn họ/những người ấy”, tức là các môn đệ của Đức Giêsu, đồng bạn của Phêrô thôi. Những người này nêu lý do: chính giọng nói đã tố giác ông. Đó là vì giọng Aram thuộc miền Galilee của Phêrô (x. câu 70) khác với giọng nói ở Jerusalem. Đến đây, Phêrô hoàn toàn hốt hoảng. Ông bắt đầu rủa và thề (= thề độc). Từ “rủa” (katathematizó) xuất hiện trong Tin Mừng Matthew ở đây như là lần đầu tiên trong nền văn chương cổ. Động từ này dẫn xuất từ danh từ “katathema” (= anathema). Tiếp đầu ngữ “kata” nhằm nhấn mạnh. Tuy là động từ ngoại động (transitive), ta không thấy túc từ. Phải chăng Phêrô rủa mình là nếu ông không nói thật thì sẽ gặp tai họa? Hay là ông rủa những ai đang đứng đó? Thật ra đối tượng là chính Đức Giêsu (“người ấy”).

Thình lình gà gáy (câu 74b). Thế là Phêrô nhớ lại lời tiên báo của Đức Giêsu (câu 35), mà ông đã ra sức bác bỏ. Lời tiên báo ấy đã được ứng nghiệm từng chữ. Bây giờ ông đi vào con đường còn tối; ông tránh được những người hỏi phiền phức, nhưng ông khóc nức nở vì hối hận. Dù ông không được nhắc tên nữa, ta biết ông sẽ được tha thứ, vì đã có mặt tại ngọn núi Galilee (Mt 28,16-20).

Phêrô là diển hình cho người Kitô hữu có “đức tin yếu kém”, vì pha trộn sự tin tưởng với sợ hãi (Mt 14,28-31), đức tin với phi bác (Mt 16,16-20), bội giáo và hối hận. Dù sao quyền năng của Đấng Emmanuel, Đức Giêsu Kitô, mạnh hơn sự sa sút đen tối nhất của người môn đệ. Việc Phêrô chối điều trung tâm nhất của đức tin, “ở với Đức Giêsu”, là rất nặng. Tuy nhiên, Đức Kitô là Đấng trung tín và mạnh thế hơn. Do đó, cuối cùng, câu truyện Phêrô lại trở thành một câu truyện về niềm hy vọng.

12. Mt 27,1-2 – Đức Giêsu bị nộp cho Pontius Pilate

Thật ra Jerusalem không phải là một thành “tự do”; đặc biệt về vấn đề tư pháp, người Do Thái lệ thuộc pháp chế Roma. Các thành viên Thượng Hội Đồng Do Thái muốn chấm dứt nhanh vụ việc Giêsu, thì cũng nhất thiết phải tủi nhục đệ trình vấn đề lên tổng trấn Roma, Pontius Pilate, nổi tiếng cứng rắn và bài Do Thái. Thế là trời vừa sáng, tất cả các đối thủ quen thuộc của Đức Giêsu trói Người lại và điệu đến dinh tổng trấn. Mới là thẩm phán, bây giờ họ lại đóng vai người tố cáo và làm chứng.

13. Mt 27,3-10 – Judas không trả tiền lại được và tự tử

Tới đây chúng ta nghe tường thuật về Judas. Câu truyện Phêrô có liên hệ với truyện Judas, vì đây là hai môn đệ duy nhất đã theo Đức Giêsu vào cuộc Thương Khó của Người, nhưng lại không cung cấp được một quang cảnh xứng với ơn gọi của họ. Judas đã nhận ra sự sai lầm của mình, hẳn là vì điều ông nhắm trước tiên không phải là đưa Thầy đến chỗ bị kết án. Tuy nhiên, sai lầm của ông là không đi thú nhận điều này với đúng những người ông phải đến gặp. Ông nghĩ rằng ông đã lý một hợp đồng sai trái, nên trả tiền lại để rút lại hợp đồng. Và y như thể hành vi trả lại tiền không nói lên hết, ông tự kết tội mình (“tôi đã phạm tội”, [h]émarton) và minh oan cho Đức Giêsu (“oan”, “vô tội”, athóon: Mt 27,4). Lý luận của ông đúng, nhưng thiếu cơ sở hoặc ngây ngô. Các thủ lãnh đã có một kế hoạch rõ ràng, chứ không phải chỉ bị động theo sự phản bội của ông, do đó ông có làm gì cũng không kéo lui được sự việc. Hẳn là Judas đã tưởng mình làm một nhân vật chìa khóa trong tấn bi kịch Đấng Messiah, nay khám phá ra là mình chỉ là một dụng cụ tùy thời. Thế là ông nổi giận, căm tức, nổi điên (ném bạc vào Đền Thờ) và cuối cùng tuyệt vọng để đi đến chỗ tự tử.

14. Mt 27,11-26 – Đức Giêsu bị kết án; dân Do Thái lãnh trách nhiệm về cái chết của Đức Giêsu

Bản văn này có ba phân đoạn:

– a) Các câu 11-14: Đức Giêsu bị hỏi cung bởi Pontius Pilate, nhân vật chính. Vấn đề duy nhất: Đức Giêsu có phải là “Vua dân Do Thái” không. Câu 12 nói đến vai trò năng động của các nhà lãnh đạo Do Thái nhằm kết tội Đức Giêsu, nhưng Pontius Pilate không bao giờ ngỏ lời trực tiếp với họ cả. Tuy nhiên, lại chính là những gương mặt phụ thuộc này đã tạo ra sự chuyển biến các các biến cố.

– b) Các câu 15-23: Pontius Pilate vẫn là diễn viên có quyền tối thượng, còn Đức Giêsu không còn vai trò tích cực nào nữa. Bây giờ chính đám đông đối thoại với Pontius Pilate. Câu hỏi quyết định là: “Các ngươi muốn ta phóng thích ai cho các ngươi đây?” (câu 17; x. câu 21). Thế rồi các dung mạo phụ thuộc là các nhà lãnh đạo Do Thái (câu 18), vợ quan Pontius Pilate (câu 19) lại xuất hiện để tác động lên Pontius Pilate. Đến câu 20, các nhà lãnh đạo trở thành chủ động, gây ảnh hưởng dứt điểm lên dân chúng. Đến khi tổng trấn hỏi là phải đối cử với Đức Giêsu thế nào, chính dân chúng trả lời ông hai lần: “Đóng đinh nó vào thập giá!” (các câu 22-23: stauróthétó).

– c) Các câu 24-26: cao điểm và kết luận. Câu 24 và câu 25 như là một bức tranh bộ đôi. Pontius Pilate phủ nhận mọi trách nhiệm, còn dân chúng nhận lấy mọi trách nhiệm về cái chết của Đức Giêsu. Cuối cùng Pontius Pilate đã chiều theo ý họ.

Bản văn này nhắc nhớ tới cuộc xử trước Thượng Hội Đồng ở Mt 26,59-66. Vị thẩm phán hỏi về lý lịch của Đức Giêsu (Mt 26,63; 27,22), và Người khẳng định cách gián tiếp (Mt 26,24; 27,11) hoặc im lặng (Mt 26,62-63; 27,12-13) dù người ta tố cáo thế nào (Mt 26,62; 27,13). Cả hai phiên tòa kết thúc bằng lời tuyên bố có tội và cuộc hành hạ (Mt 26,67-68; 27,26-31). Mt 27,24-25 không những nhắc đến Mt 27,4, mà cả Mt 23,35-36.

Bản văn này còn gợi đến phần đầu của Tin Mừng Matthew (chương 2). Cả hai nơi đều nói đến “Vua dân Do Thái” (Mt 2,2; 27,11). Tại cả hai nơi, chính là dân ngoại (các hiền sĩ và vợ Pontius Pilate) đã nhờ một giấc mộng mà tuyên bố về sự thật. Tại cả hai nơi, “cả thành Jerusalem” cùng với “các thượng tế và các kinh sư trong dân” (x. Mt 2,3-4). Ở đầu, Đức Giêsu thoát nạn, còn các anh hài Bethlehem bị giết thế vào chỗ của Người (Mt 2,16-18). Còn ở đây, Đức Giêsu không thoát được nữa. Chu kỳ truyện Đức Giêsu đã khép kín.

Đức Giêsu bị điệu đến tòa tổng trấn. Tức khắc, quan Pontius Pilate hỏi Người có phải là “Vua dân Do Thái” không (câu 11). Câu này sẽ có thể đưa đến chỗ bị kết án là phạm thượng đối vối hoàng đế Roma. Thế nhưng quan đã không kết án gì cả. Đức Giêsu trả lời như ở Mt 26,64: “Chính ngài nói đó”. Câu trả lời này vừa là một khẳng định vừa là một cách giữ khoảng cách với Pontius Pilate: nếu câu hỏi của quan có màu sắc chính trị, thì câu trả lời của Đức Giêsu là một câu phủ định. Đến đây, tác giả nhắc qua các kỳ mục và thượng tế, và ghi nhận Đức Giêsu không trả lời họ khiến ta nhờ lại Mt 26,62-63. Sự thinh lặng của Người là sự thinh lặng của người công chính bị kết tội, hoặc của Người Tôi Trung của Đức Chúa (x. Tv 38,14-15; 39,10; Is 53,7).

Câu hỏi của ông Pontius Pilate: “Ông không nghe bao nhiêu điều họ làm chứng chống lại ông đó sao?” nêu bật sự thinh lặng của Đức Giêsu, một sự thinh lặng lạ lùng của một người rõ ràng không hề bận tâm đến việc cứu lấy mạng sống mình trước mặt quan tòa. Thái độ này khiến ông “ngạc nhiên” (thaumazein), một phản ứng tích cực. Dù sao, Pontius Pilate biết rõ rằng sự thinh lặng của Đức Giêsu không hề có nghĩa là Người nhận tội và như thế, Người không phải là một tên nổi loạn làm chính trị.

Đến đây tổng trấn vận dụng một tập tục: cho phép dân chúng xin tha một tù nhân. Lúc đó, có một người tù “khét tiếng” (episémos, “biết rõ, trổi vượt, nổi tiếng”) là Barabbas (có nghĩa là “con của Abba”). Pontius Pilate cũng không nói với các kỳ mục và thượng tế. Ông cũng không cho dân chúng chọn bất cứ tù nhân nào, mà yêu cầu họ chọn ngay một trong hai người này: “Barabbas hay Giêsu, cũng gọi là Kitô?” (Mt 27,17). Pontius Pilate đã tinh tế sắp xếp như thế, vì ông biết giới lãnh đạo đã nộp Đức Giêsu chỉ vì ghen tị (Mt 27,18; x. Mt 9,33-34; 12,23-24; 21,15-16): đoàn dân đã từng hoan hô Đức Giêsu khi Người vào Thành Thánh (Mt 21,9), một đoàn dân mà giới lãnh đạo sợ họ phản đối (Mt 26,5), sẽ có cơ may bảo vệ Đức Giêsu.

Ông đang ngồi xử án thì vợ ông cho người đến nói về giấc chiêm bao và xin ông đừng nhúng tay vào vụ này (x. các giấc chiêm bao: Mt 1,20; 2,12-13.19.22). Cũng như ở Mt 2,1-12 và Mt 15,21-28, một người ngoại lại thấy rõ trong khi một vị vua Do Thái và các nhà lãnh đạo Do Thái giáo thì bị mù. Bà vợ Pontius Pilate can thiệp như là chứng nhân thứ hai về sự vô tội của Đức Giêsu. Chứng nhân thứ nhất là Judas (Mt 27,4). Tuy nhiên, tin nhắn của bà đã không thể xoay chuyển dòng trôi của các biến cố. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Do Thái ra sức xúi giục đám đông đòi tha Barabbas và xử tử Đức Giêsu.

Sau những thông tin đó, Pontius Pilate lại xuất hiện với câu hỏi ở câu 17. Lần này ông nhận được câu trả lời rõ ràng: Barabbas phải được phóng thích. Tổng trấn hỏi, đám đông quyết định. Giới lãnh đạo Do Thái không cần xuất hiện nữa. Pontius Pilate hỏi tiếp: “Thế còn ông Giêsu, cũng gọi là Kitô, ta sẽ làm gì đây?”. Đám đông trả lời: “Đóng đinh nó vào thập giá!” (các câu 21-22). “Tất cả” (mọi người, câu 22) đều trả lời; tiếng “không” của dân chúng dành cho Đấng Messiah thật rõ ràng. “Tất cả/mọi người” (pantas, câu 22) đi trước “toàn dân” (pas [h]ó laos) ở câu 25. Một lần nữa, Pontius Pilate lại nêu vấn nạn, bởi vì Đức Giêsu không làm điều gì gian ác cả (câu 23). Như thế, ông đồng ý với ý kiến của vợ. Tuy nhiên, ông đã không dùng quyền “imperium” để bảo vệ người vô tội. Ông đã tính toán sai và tự rơi vào bẫy. Bởi vì dân chúng muốn ông thả Barabbas, ông nghĩ là ông phải kết án Đức Giêsu. Dĩ nhiên, ông đâu có bị chèn ép thật sự. Ông không hề hỏi dân chúng là ông phải làm gì với Đức Giêsu. Không một ai có thể ngăn cản ông, là tổng trấn Roma, thả cả người tù thứ hai, mà ông tin là vô tội. Nhưng ông đã không làm việc này. Bài tường thuật được kết cấu theo cách khiến độc giả không tức khắc nhận ra là Pontius Pilate lúc này không bị buộc phải hành động như ông đang làm. Thay vì thế, độc giả lại có cảm tưởng là Pontius Pilate xoay chuyển quyết định sang cho dân chúng và bây giờ ông phải làm điều họ muốn. Và điều dân chúng muốn cũng quá rõ: “Họ càng la to: “Đóng đinh nó vào thập giá !”” (câu 23). Vị toàn quyền tên là Pontius Pilate, mà tác giả Tin Mừng Matthew cố ý gọi là “tổng trấn” (hégemon), nay trở thành đấu thủ “dự bị”.

Pontius Pilate thấy rằng không thể thay đổi ý muốn của dân chúng; giống như các nhà lãnh đạo Do Thái, ông muốn tránh một vụ ồn ào. Ông lấy nước rửa tay trước mặt mọi người. Đây không phải là nghi thức thanh tẩy một người có tội, mà là nghi thức của Kinh Thánh nhằm miễn cho mình khỏi chịu trách nhiệm về việc đổ máu người nào (x. Đnl 21,1-9). Dĩ nhiên, ông không nại đến Thiên Chúa; ông chỉ long trọng tuyên bố ông “vô can trong vụ đổ máu” Đức Giêsu.

Chúng ta thấy ở trong Kinh Thánh có những sự kiện tương tự: 2Sm 3,28; Mt 27,4. Với cùng một kiểu diễn tả của các thượng tế (“Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh!”; Mt 27,4), Pontius Pilate đẩy trách nhiệm đổ máu sang cho dân chúng: “Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các người liệu lấy!” (Mt 27,24). Sau câu chuyện của Judas (câu 4) và vợ ông (câu 19), Pontius Pilate là người thứ ba làm chứng rằng Đức Giêsu vô tội, không những cho các nhà lãnh đạo Do Thái và dân chúng, mà còn cho cả độc giả hôm nay nữa. Nhưng như thế Pontius Pilate có vô can không? Khi liên kết câu 4 với câu 24 (như kiểu “đóng khung”), tác giả đã đặt Pontius Pilate vào cùng một chuỗi với Judas và các thượng tế rồi. Ông giống như một người trong họ, cho dù ông cố gắng náu mình đàng sau trò nghi thức rửa tay va tránh đồng lõa trong tội ác đối với Đức Giêsu.

Tác giả ghi nhận toàn dân (laos) đáp lại nghi thức rửa tay của Pontius Pilate nhằm tránh trách nhiệm. Chúng ta có thể lấy làm lạ là ở câu 24, tác giả nói đến “đám đông” (ochlos), còn ở đây là “dân” (laos). Trong Bản LXX cũng như trong Tin Mừng Matthew, “laos” có nghĩa là “dân Thiên Chúa, Israel”, còn “ochlos” là một đám người đông đảo. Có những tác giả cho rằng “laos” tương đương với “ochlos”. Có những tác giả khác thì bảo rằng, toàn thể dân Thiên Chúa chọn hôm ấy đã sát cánh với giới lãnh đạo để nói “không” với Đức Giêsu. Hẳn là tác giả Tin Mừng Matthew không có ý nói là toàn dân Thiên Chúa, tức từng cá nhân người Israel, vào ngày hôm đó đã kết án Đức Giêsu. Nhưng ngài muốn gợi ý là hoạt cảnh này phác ra những gì sẽ trở nên rất rõ sau Phục Sinh: tiếng “không” của “toàn thể” dân Israel.

Vậy, ngược lại với Pontius Pilate, dân chúng lãnh lấy trách nhiệm giết Đức Giêsu. Họ cũng dùng những lời có âm vang Kinh Thánh: “Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi” (x. công thức: St 31,16; Xh 17,3; nội dung: 2Sm 3,28-29; 1V 2,32-33). Họ đã chấp nhận trách nhiệm dối với cái chết của Đức Giêsu và cả hình phạt của Thiên Chúa sẽ xảy ra khi thành Jerusalem bị tàn phá.

Pontius Pilate đã làm những gì dân chúng yêu cầu. Ông phóng thích Barabbas và cho đánh đòn Đức Giêsu, như bước đầu của án tử hình. Không thấy có việc tuyên án. Không phải là luật không buộc làm. Không phải là tác giả Tin Mừng Matthew lờ đi để khỏi gán cho Pontius Pilate cái tội tày trời. Chỉ là vì bây giờ vị tổng trấn chỉ còn là một cái “bung xung”, chỉ biết làm những gì dân chúng yêu cầu. Ông “trao” (động từ “paradidomi” xuất hiện lần cuối cùng trong Tin Mừng Matthew) Đức Giêsu vào chặng cuối, đóng đinh vào thập giá.

15. Mt 27,27-31 – Đức Giêsu bị đánh đòn và chế nhạo

Đoạn văn này có cấu trúc đồng tâm như sau:

– Câu 27: Trong dinh, lính tập trung (synégagon) cả cơ đội lại quanh Đức Giêsu.

– Câu 28: Chúng lột áo Người ra (ekdysantes), khoác cho Người một tấm áo choàng (chlamys).

– Câu 29a: Đặt một vương miện gai trên đầu (epi tés kephalés) và trao cho một cây sậy (kalamos).

– Câu 29b: Chế nhạo (enepaixan) Đức Giêsu và tôn vinh Đức Vua dân Do Thái (basileus tón Ioudaión).

– Câu 30: Lấy cây sậy (kalamos) mà đập vào đầu Người (eis tèn kephalèn).

– Câu 31a: Sau khi chế giễu (hote enepaixan), chúng lột (exedysan) áo choàng (chlamys), và cho Người mặc áo lại.

– Câu 31b: Điệu (apégagon) Người đi đóng đinh.

Trung tâm của bản văn là cuộc tôn vinh nhằm chế nhạo “Đức Vua dân Do Thái”. Những người duy nhất làm một chuyện gì đó trong toàn bản văn là những người lính. Tên mà họ gọi Đức Giêsu (“Vua dân Do Thái”) tương ứng với lời kết án của Pontius Pilate (Mt 27,11) cũng như cảnh chế nhạo sau phiên xử trước Thượng Hội Đồng với tên gọi “Kitô” tương ứng với câu hỏi của thượng tế (Mt 26,68; x. câu 63). Hai cảnh chế nhạo liên hệ với nhau bằng việc khạc nhổ (Mt 26,67; 27.30).

Lính tráng của Pontius Pilate chịu trách nhiệm về Đức Giêsu. Họ đưa Người “vào trong dinh (praitórion)”, có lẽ là vào sân trong của dinh vua Herod. Hẳn là tác giả phóng đại khi nói tập trung cả “cơ đội” (speira) lại, bởi vì một speira là một phần mười một binh đoàn (legion), tức khoảng 500-600 người. Họ chế nhạo và hành hạ Đức Giêsu. Trước hết, họ lột áo và trao cho Người ba vật mô phỏng các biểu hiệu của một vị vua Cận Đông: áo choàng (chlamys) đỏ tươi thay vì hoàng bào màu đỏ tía, một vương miện bằng gai thay vì một vương miện vòng nguyệt quế bằng vàng, và một cây sậy làm gậy thay vì một vương trượng bằng gỗ hay vàng. Sau đó, họ quỳ gối chúc tụng chế nhạo vị vua ăn mặc như thế. Từ ngữ “chế nhạo” được dùng ở đây (câu 19b), ở các câu 31 và 41; ở Mt 20,19, khi tiên báo về cuộc Thương Khó, Đức Giêsu cũng đã báo trước rằng Người sẽ bị nhạo báng: Người là vị vua bị khinh miệt thậm tệ.

Các biểu hiệu vương quyền có thể được dùng theo những mục đích khác. Ở câu 30, lính tráng khạc nhổ vào Người, như các nhà lãnh đạo Do Thái đã làm ở Mt 26,67. Như thế, cả người Do Thái lẫn Dân Ngoại đều tích cực và độc ác tham gia vào việc hành hạ và giết Đức Giêsu. Rồi lính lấy cây gậy liên tục đập (vì thế tác giả dùng etypton, thì vị hoàn của động từ typtó, “đập”) lên đầu Người. Người bị đau nhiều, vì trên đầu có vòng gai.

Trò nhạo báng thô bạo đã chấm dứt. Đức Giêsu phải trả áo choàng lại, và nhận lại áo của Người. Con đường lên Đồi Golgotha bắt đầu.

Toàn cảnh vừa rồi được bao trùm trong sự mỉa mai. Vua Giêsu mặc bộ áo của thằng khùng và bị biến thành trò hề lố bịch. Khác với Tin Mừng Marco, Tin Mừng Matthew cho thấy cuộc “tôn vinh báng bổ” chưa phải là kết thúc. Thái độ phục tùng giả dối ở câu 29b tràn ra thành bạo lực ở câu 30, còn “vương trượng” biến thành cây gậy để đánh đập. Độc giả “sống” cảnh này thế nào? Phải chăng vương quyền của Con Thiên Chúa vẫn sáng chói ở đây như ở Mt 26,64? Hoặc đã đến lúc vương quyền ấy bị che phủ hoàn toàn?

16. Mt 27,32-38 – Đường thập giá và đóng đinh

Các bản văn nói về các chặng đường đi lên Đồi Golgotha rất vắn tắt, chứ không chi tiết như Đàng Thánh Giá. Chúng ta chỉ có giai thoại ông Simon và các phụ nữ Jerusalem khóc than.

“Đang đi ra” (câu 32). Chúng ta hiểu là đi ra ngoài thành, chứ không phải ra khỏi dinh, bởi vì các cuộc hành hình thường được thực hiện ở bên ngoài thành. Tác giả không nói rõ là Đức Giêsu vác cả cây thập giá, hay là chỉ vác thanh ngang. Đến chỗ nào đó, họ “gặp một người Cyrene, tên là Simon”, tình cờ. Hẳn ông là một người Do Thái, quê Cyrene, là thành có một phần tư dân cư là Do Thái. Bọn lính bắt vác thập giá của Đức Giêsu hẳn là vì Người đã kiệt sức. Không biết ông Simon có sẵn sàng vác thập giá chăng, và hẳn có phải đây là thanh ngang. Các độc giả có thể nhớ đến lời Đức Giêsu ở Mt 16,24: ai muốn làm môn đệ Người, “hãy vác thập giá mình mà theo”. Thế nhưng, có những chi tiết không đi với nhau: ở đây là thập giá của Đức Giêsu, còn ở kia là chính thập giá của người môn đệ. Ở đây ông Simon bị ép vác thập giá, còn ở kia là đời môn đệ tự do chọn lấy.

Khi đến Golgotha, tiếng Aram có nghĩa là “Đồi Sọ”, họ cho Đức Giêsu “uống rượu pha mật đắng” (câu 34). tác giả Tin Mừng Marco nói đến thứ rượu có những chất làm giảm đau; tác giả Tin Mừng Matthew thì nghĩ đến Tv 68 LXX: Đức Giêsu hoàn tất Thánh vịnh này khi bị hành hạ, bị chế nhạo và phải uống rượu đắng.

Cuộc đóng đinh của Đức Giêsu được nhắc đến vắn tắt, không hề nhắc đến những chi tiết thê thảm độc dữ. Tác giả quan tâm đến việc quân lính chia nhau áo xống của Người, vỉ khiến ngài nhớ đến Tv 21,19 LXX (rõ hơn cả trong Mc 15,24). Mục đích của ngài ở đây cũng như ở những chỗ khác khi ngài nhắc đến Tv 22 (LXX 21) là cho thấy rằng, những đau khổ của Đức Giêsu đều đã được tiên báo trong Kinh Thánh, được Lời Thiên Chúa yểm trợ. Bản án được treo trên thập giá khiến độc giả nhớ lại câu hỏi của Pontius Pilate (Mt 27,11) và trò chế nhạo của bọn lính (Mt 27,29), và biết rằng đây là chuyện của người Roma. Họ vẫn biết vương quyền thật sự của Đức Giêsu nằm ở đâu (x. Mt 2,1-12) dù Người đã vào thành Jerusalem như một vị vua nghèo hèn (basileus prays) theo Zechariah (Dcr 21,5), để rồi ngày nào đó sẽ xét xử muôn dân (Mt 25,34. 40).

Đến đây, “hai tên cướp (léstai)” được nhắc đến lần đầu tiên, có thể là những tên gian phi, hay là thành viên của nhóm Nhiệt Thành. Đức Giêsu được đóng đinh ở giữa, hẳn đây là một ám chỉ kín đáo đến vương quyền của Người, một ngày kia sẽ ngự tòa với con nhà Zebedee bên phải và bên trái (x. Mt 20,21.23). Tuy nhiên, hình ảnh “Đức Vua Israel” bị đóng đinh giữa hai tên cướp lại đưa đến một trận chế nhạo khác.

17. Mt 27,39-44 – Chế nhạo Con Thiên Chúa

Trong khi giai thoại trước tường thuật các biến cố rất ngắn ngủi, bản văn này lại cung cấp nhiều chi tiết. Hai lần chế nhạo đầu (các câu 39-40.41-43) được cấu trúc tương tự. Trước tiên những kẻ chế nhạo được giới thiệu, rồi những điều họ nói được tường thuật. Cả hai lần, Đức Giêsu đều bị thách thức xuống khỏi thập giá (katabéthi [katabató] apo tou staurou); cả hai lần, Người đều bị chế nhạo như là Con Thiên Chúa; cả hai lần, Người đều bị thách là cứu lấy chính mình (sózó + đại từ phản thân). Lần chế nhạo này nhắc đến lý do khiến Đức Giêsu bị tòa án Do Thái xét xử (x. câu 40: Mt 26,61.63). Lần chế nhạo thứ hai, dài hơn, do các nhà lãnh đạo Do Thái, thì có khoảng cách: họ không trực tiếp nói với Người. Ở câu 43, khi chế nhạo Đức Giêsu, chính các nhà lãnh đạo đã dùng Tv 21,9 theo bản LXX để nói ra những gì tác giả muốn nói với các độc giả. Lần chế nhạo thứ hai nêu lý do của phiên tòa Roma (x. câu 42: Mt 27,11). Về lần chế nhạo thứ ba, do những tên cướp cùng bị đóng đinh, chúng ta không có chi tiết nào.

“Kẻ qua người lại đều nhục mạ (eblasphémoun) Người và lắc đầu” (câu 39). “Blasphémein” có thể là “nói phạm thượng” hay là “nói điều xấu về”. Tuy nhiên, từ ngữ này khiến nhớ lại cuộc xử trước Thượng Hội Đồng: tại đấy, Con Thiên Chúa và vị Thẩm Phán thế giới là Đức Giêsu bị kết tội nói phạm thượng (eblasphémésen; Mt 26,65). Và giờ đây, các đối thủ đang “nói phạm thượng” đến Người! Trong Kinh Thánh, “lắc đầu” là cử chỉ tiêu biểu của việc “làm trò cười” Có nhiều bản văn nói tới cử chỉ này (x. Ac 2,15; Is 37,22; Tv 109,25), nhưng rõ ràng tác giả khai thác đặc biệt Tv 21 LXX (Tv 21,8; x. 21,7 LXX: oneidos [câu 44]; 21,9.22 LXX: sózó [các câu 40-41]; 21,9.21 LXX: ryomai [câu 43]).

Họ nhắc lại nhưng phóng đại lời Đức Giêsu nói về Đền Thờ (x. Mt 26,61) và chế nhạo Người đã tự cho mình là Con Thiên Chúa (x. Mt 26,63-64). Vì Người đã cho rằng Người có quyền lực lớn lao, thì hãy xuống khỏi thập giá. Chắc chắn Người có thể xin Cha Người phái mười hai cơ binh thiên thần, có thể phá hủy và xây lại Đền Thờ (Mt 26,53.61), thì cũng có thể xuống khỏi thập giá, nhưng Người đã dạy môn đệ: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất” (Mt 16,25). Nếu bây giời Người không xuống khỏi thập giá, thì Người qua được trắc nghiệm của giáo huấn Người. Độc giả cũng không thể không nhớ lại lời của Satan ở đầu Tin Mừng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa…” (Mt 4,3.6). Truyện phép rửa và cám dỗ (Mt 3,17; 4,3.6) và Mt 27,40.43.54 là một đóng khung. Như thế, đến cuối hành trình của Đức Giêsu, những đối thủ Do Thái của Người đã nhận lấy vai trò của Satan, và thế là Đức Giêsu lại trải nghiệm cuộc cám dỗ cuối cùng của Satan. Người đã chống lại được và đã chứng tỏ Người là Con Thiên Chúa. Người là Đấng ngay khi phải chết vẫn vâng theo ý muốn của Thiên Chúa và thay vì tự cứu lấy mình thì để mặc việc ấy vào tay Thiên Chúa. Như vậy, Đức Giêsu chịu đóng đinh không cần trả lời các chế nhạo của các đối thủ.

Pha chế nhạo thứ hai dài nhất và quan trọng nhất. Bây giờ các nhà lãnh đạo Do Thái (thượng tế, kinh sư, kỳ mục) lại xuất hiện để tấn công Đức Giêsu lần cuối trước khi Người tắt thở. Cũng như trong lần tiên báo đầu tiên về Thương Khó (Mt 16,21), ba nhóm này đều được nhắc tới, họ chế nhạo một cách tinh vi. Họ không nói trực tiếp với Đức Giêsu, cũng không nói với nhau như trong Tin Mừng Marco (Mc 15,21); họ nói công khai, với mọi người, và trên hết, nói với các độc giả: “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình”. Quả thật, Đức Giêsu đã cứu nhiều người (x. Mt 8,25; 9,27; 14,30). Những phép lạ chữa lành đủ loại cho hiểu rằng Người mới là Đấng sẽ “cứu thoát” Israel (Mt 1,21). Thế rồi chẳng phải do đức tin, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã tuyên xưng Đức Giêsu là “Vua Israel”, theo Pontius Pilate (Mt 27,11) và theo bản án trên thập giá (Mt 27,37). Rõ ràng họ bắt tay với người Roma để tiêu diệt Đức Giêsu.

Họ tiếp tục dùng lời lẽ của quân vô đạo mà chế diễu Đức Giêsu (câu 43; x. Tv 21,9 LXX). Lời lẽ của họ bây giờ còn gian xảo hơn câu 42, vì họ nói cả về Thiên Chúa: “Hắn cậy vào Thiên Chúa”. Họ càng chứng tỏ họ có đầu óc vô đạo khi nhắc lại lời Đức Giêsu khẳng định Người là “Con Thiên Chúa”. Câu Kn 2,18 rất giống với Mt 27,43. Hẳn tác giả Tin Mừng Matthew có nghĩ tới Kn 2,5 nói về người công chính là con Thiên Chúa. Nhưng Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa” theo một nghĩa hoàn toàn khác (x. Mt 3,17; 11,27; 14,33; x. Mt 16,16; 17,5).

Tác giả Tin Mừng chỉ nhắc đến pha chế nhạo thứ ba, vì cũng một nội dung như thế. Cả những tên cướp cũng chế nhạo Người. Không hề có tình liên đới nào trong đau khổ (khác Lc 23,40-43). Trong cuộc cám dỗ cuối cùng, Đức Giêsu hoàn toàn cô đơn. Không có một ai trong dân Israel đứng về phía Người.

18. Mt 27,45-50 – Đức Giêsu trút hơi thở cuối cùng

Câu 45 là mở đầu cho biến cố trung tâm, cái chết của Đức Giêsu. Bóng tối bao phủ mắt đất trong vòng ba giờ. Sau đó, Đức Giêsu kêu lần thứ nhất ở câu 46, lần thứ hai ở câu 50, cả hai lần đều “lớn tiếng” (phóné megalé), rồi liền tắt thở. Trong các câu 47-49, giữa hai tiếng kêu lớn, tác giả cho thấy dân chúng đứng đó không hiểu, lại còn chế nhạo nữa, chi tiết này được đóng khung bởi các quy chiếu về Elijah (các câu 47.49). Lần cho uống thứ hai là trung tâm (câu 48). “Sósón” (“cứu”; câu 49) là phân từ tương lai duy nhất trong Tin Mừng Matthew, nhằm nhắc lại các lời chế nhạo ở các câu 40-42.

Tác giả không giải thích “ý nghĩa” của giờ thứ sáu, tức giữa trưa, hay của hiện tượng bóng tối bao trùm cả mặt đất trong vòng ba giờ, tương tự như trong Lc 23,45. Dù sao, bóng tối vào lúc này không phải là một hiện tượng thiên nhiên, mà là do Thiên Chúa can thiệp. “Đất” (gé) theo cách dùng của Tin Mừng Matthew có nghĩa là “trái đất”; nếu ngài muốn nêu ý nghĩa “vùng, miền” (= Judea), thì ngài sẽ kết nối thêm một thuộc tính (x. Mt 2,6. 20-21; 4,15; 9,26.31; 10,15; 11,24; trừ Mt 5,5; 23,35).

Cùng với thánh Alberto Cả, nhiều học giả hiểu “bóng tối” là khởi đầu những việc diệu kỳ Đức Kitô thực hiện trên thập giá. Nếu vậy, “bóng tối” thuộc về chuỗi những việc lạ lùng xảy ra sau khi Đức Giêsu tắt thở (màn trướng Đền Thờ xé đôi, động đất, người chết sống lại, và cả tiếng kêu lớn cuối cùng của Người nữa). Tuy nhiên, cách giải thích này không vững, bởi vì ở câu 51, có sự thay đổi giọng văn bằng từ “kai idou”, “Và này!” hoặc “Thế rồi, đây!”, báo cho biết có điều gì mới đang bắt đầu. Tác giả phân biệt rõ ràng giữa những gì xảy ra trước khi Đức Giêsu tắt thở và những gì xảy ra ngay sau đó. Phải chăng “bóng tối” là một dấu chỉ về nỗi buồn của trời cao (x. Am 5,18; 8,9-10; Ge 2,2; 3,15; Xp 1,15; Is 13,10-11; Gr 15,9)? Hay đây chính là mặt trời che mặt đi vì tủi nhục, không muốn nhìn xem điều đang xảy ra? Cứ đứng tại bình diện tường thuật, có thể giải thích được. Vào giờ thứ sau, trời ra tối tăm. Không có lời giải thích nào cả. Tối tăm toàn diện, không thoát được. Bóng tối bao trùm cả thế giới. Không có chuyện gì xảy ra cả trong vòng ba giờ (có những đoạn song song: Kh 8,1; 2Edr 7,30-31). Vũ trụ im hơi lặng tiếng. Câu 45 y như thể là một khoảng không. Hẳn là có chuyện kinh thiên động địa sắp xảy ra?

Sau ba giờ, bóng tối kết thúc, còn truyện cái chết của Con Thiên Chúa vẫn tiếp diễn. Vào khoảng giờ thứ chín (= 3g chiều), Đức Giêsu kêu một tiếng lớn. Tác giả không ghi thời gian chính xác; ngài không hề quan tâm đến một thời gian biểu mang tính khải huyền, cũng như đã chẳng ghi lại thời gian đóng đinh, là giờ thứ ba, như trong Mc 15,25. Chúng ta cũng không được giải thích “tiếng kêu lớn” (phóné megalé), một thuật ngữ của Kinh Thánh (x. St 27,34; 1Sm 28,12 LXX; Gđt 4,9; 7,23; Is 36,13; Ed 11,13), là Thiên Chúa lên tiếng xét xử hoặc thậm chí tiếng kêu xét xử của vị Thẩm Phán Thế giới, là Con Người. Dựa theo ngữ cảnh, đây là tiếng kêu của một người đang cầu nguyện (x. Tv 17,7 LXX; 21,3.6.24 LXX; 68,4 LXX; Ed 11,13. Anaboaó thường được dùng trong Bản LXX để nói về việc cầu nguyện lớn tiếng). Nội dung của lời cầu nguyện là Tv 22,2, tiếng kêu phó thác của Đức Giêsu.

Câu 46 vẫn gây ra nhiều vấn nạn: Đức Giêsu bày tỏ lòng tin tưởng vào Thiên Chúa hay là diễn tả sự thất vọng? Theo quan điểm thứ nhất, các nhà chú giải cho rằng, Tv 22 đưa đến kết thúc là lời ca ngợi ở các câu 23-32. Cứ cho đi là tác giả nghĩ đến toàn thể hay phần lớn Tv 22, các câu trích lại chỉ nói đến hoàn cảnh eo hẹp của Đức Giêsu (Mt 27,35: Tv 22,19; các câu 21-29. 39: x. Tv 22,8; câu 43: x. Tv 22,9; câu 46: Tv 22,2), chứ không có chỗ nào trong bản văn gợi ý là phải nghĩ đến Tv 22,23-32. Hơn nữa, câu 46 là đỉnh cao của một chuỗi sự kiện: Trước tiên, Đức Giêsu bị các môn đệ (Mt 26,56), rồi bị cả Phêrô (Mt 26,69-75) bỏ rơi; cuối cùng, Người hoàn toàn cô đơn ở giữa đám kẻ thù, và bây giờ dường như bị cả Thiên Chúa bỏ rơi. Sự tiệm tiến trong tường thuật như thế dường như không cho phép hiểu là Đức Giêsu bày tỏ sự tin tưởng?

Vậy với Tv 22,2, chúng ta nghe ra tiếng than của Đức Giêsu, vì cảm thấy bọ Thiên Chúa bỏ rơi, đang kêu lên với Thiên Chúa của Người bằng những lời lẽ của thánh vịnh. Bóng tối bên trong và bóng tối bên ngoài tương ứng với nhau trong các câu 45-46. Trong tình trạng tối tăm hoàn toàn này, không còn có thể thấy được gì về uy quyền của Đức Giêsu, lúc này ý thức về giờ của Người và về chương trình của Thiên Chúa trong các biến cố (x. Mt 26,2.18.45). Đức Giêsu kêu lên nỗi đau đớn và cảm nhận bị bỏ rơi, Người kêu to, chứ không cam chịu theo ý muốn của Thiên Chúa. Ở đây, nỗi đau không được thắng vượt hay chấp nhận bên trong; đơn giản, nó đang ở đó, rất đau đớn và tăm tối, y như bóng tối chung quanh Người.

Tuy nhiên, Đức Giêsu không chỉ kêu vào bóng tối vô danh; Người kêu to, hầu như với giọng kết án nữa, với Thiên Chúa. Mặc dù không thấy Thiên Chúa (bóng tối nuốt trửng mọi sự), ở đây không còn có một ai để Người quay về trong tình trạng bị bỏ rơi ngoài Thiên Chúa. Trong lời cầu nguyện, Đức Giêsu thưa với Thiên Chúa trực tiếp (ngôi thứ hai). Người không dùng lời lẽ của Người, nhưng ngôn ngữ cầu nguyện có sẵn của Kinh Thánh.

Nội dung lời kêu của Đức Giêsu: “Eli, Eli, lema sabachthani?” (“Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni”) như thế nào? Từ “Eli” tương ứng với bản văn Hipri của Tv 22,2, nhưng nó cũng có thể là kiểu nói Hipri trong ngôn ngữ Aram. “Lema” thì đúng là từ Aram (chứ không phải là “lama” của tác giả Tin Mừng Marco). Còn “sabachthani” thì chắc chắn là Aram. Vậy bản văn Tv 22,2 trong Tin Mừng Matthew không phải là bản phóng tác từ bản văn Hipri, nhưng là bản văn Aram được chuyển tự đúng đắn. Có thể tác giả Tin Mừng Matthew đã thay đổi bản văn Tin Mừng Marco, vì ngài muốn cho thấy rõ làm thế nào người ta lại có thể làm lời cầu nguyện này với lời gọi ông Elijah, hoặc bởi vì ngài nghĩ rằng tiếng kêu tương ứng sát hơn với bản văn Tv 22,2 tiếng Aram mà ngài đã quen. Bản văn Hy Lạp lại không hoàn toàn theo bản LXX.

Đức Giêsu không nhận được một câu trả lời nào từ phía Thiên Chúa, nhưng rất có thể Thiên Chúa trả lời qua những người đang đứng đó. Họ ghi nhận rằng thế này: “Hắn ta (houtos, “tên này”, có thể hàm ý khinh bỉ) gọi ông Elijah!”. Rõ ràng họ nghĩ đến Elijah không như một dung mạo cánh chung, nhưng như một đấng trợ giúp trong những hoàn cảnh khó khăn, theo kiểu hiểu đạo đức bình dân. Còn đối với các độc giả đã quen lời Thánh Vịnh, để hiểu được tiếng kêu của Đức Giêsu, đây là một sự bóp méo nhạo báng ác độc. Như thế, Đấng chịu đóng đinh bị nhạo báng lần cuối cùng. Những kẻ nhạo báng này hẳn là người Do Thái chứ không phải là đám lính, vì họ đã quen với nền đạo đức Do Thái bình dân. Rồi, một người đã đi thấm đầy giấm vào miếng bọt biển buộc vào đầu cây sậy mà đưa lên cho Đức Giêsu; nếu người này là lính, hẳn đã dùng mũi giáo mà đâm vào miếng bọt biển cho tiện. Có lẽ nhóm còn lại tiếp tục nhạo báng.

Như thế, khác với tác giả Tin Mừng Marco, tác giả Tin Mừng Matthew phân biệt giữa người cho Đức Giêsu thứ gì đó mà uống (câu 48) với những người khác tiếp tục nhạo báng (câu 49). Phải chăng người kia đã làm một việc tốt? Trong Tin Mừng Marco, đấy cũng là một cách nhạo báng ác độc. Câu trả lời một phần tùy thuộc cách giải thích động từ “aphei” (“khoan đã/bỏ đi”), một phần tùy vào cách hiểu “oxoi”“giấm/rượu”. Nếu chúng ta hiểu “aphei” theo nghĩa cổ điển như là một mệnh lệnh cách độc lập (“bỏ đi, dừng lại đi”), thì có vẻ những người chế nhạo khác ở câu 49 muốn cản bạn họ làm một việc tốt. Nếu hiểu động từ này theo nghĩa sau này như là một từ để mời hoặc lưu ý không có nghĩa độc lập (“thế thì…, xem nào…”), thì những người chế nhạo khác đang ủng hộ bạn của họ. Nghĩa sau này có lý hơn, vừa do phương diện ngữ học, vừa do ý nghĩa thực tế của từ ngữ “oxos”. “Oxoi” có thể là một thứ rượu chua rẻ tiền hoặc “giấm”. Nếu có nghĩa là rượu chua, thì việc cho Đức Giêsu uống vừa nhắm giải khát vừa nhắm kéo dài sự sống cho Người. Hợp lý hơn nên cho rằng tác giả muốn nhắc độc giả nhớ đến Tv 68,22 LXX (đã được gợi đến ở câu 34), từ đó ngài rút ra ý là “giấm”. Như vậy, việc đưa giấm cho Đức Giêsu uống là đề hành hạ Người, tương tự ở câu 34. Và như vậy, ở câu 49, các đồng bạn của người kia không ngăn cản anh ta làm một việc tốt, nhưng đang hỗ trợ trò nhạo báng của anh ta. Những người này, cũng như những người ở các câu 40.42, chẳng hề nghĩ rằng Elijah thật sự có thể “cứu” được Đức Giêsu.

Như vậy, Đức Giêsu hoàn toàn cô đơn, bị cả Thiên Chúa lẫn loài người bỏ rơi. Không giống như trong Tin Mừng Luca và Tin Mừng Gioan, trong Tin Mừng Matthew không có một người tốt lành nào đứng bên thập giá của Người.

Thế là sang câu 50, Người kêu một tiếng lớn thứ hai, rồi “trút linh hồn”. Nhiều nhà chú giải cho rằng đây là một tiếng kêu không lời và là một tiếng kêu chiến thắng (Thánh Gioan Kim Khẩu, Ambrosio, Thomas Aquinas). Trong thực tế, tác giả nhấn trên những điểm khác. Tiếng kêu cuối cùng của Đức Giêsu không hề biện minh cho tư tưởng về phán xét, chiến thắng, thời đại mới đang đến. Người “lại (palin) kêu một tiếng lớn (phóné megalé)” đưa trở lại với câu 46, còn “kêu” (kraxas) nhắc lại Tv 22 (x. Tv 22,3.6 LXX). Như thế, tác giả Tin Mừng Matthew đã hiểu tiếng kêu cuối cùng của Đức Giêsu rõ ràng như tiếng kêu thứ hai để cầu nguyện, tức không nhất thiết là không lời. Và như thế, tác giả chỉ đơn giản nói rằng, Đức Giêsu kêu lên Thiên Chúa một lần nữa, rồi chết.

19. Mt 27,51-54 – Thiên Chúa trả lời cho cái chết của Đức Giêsu

“Kai idou”, “Và này!” hoặc “Thế rồi, đây!” cho thấy một phần mới được mở ra. Kế đó trong các câu 51-52 với giọng văn hoàn toàn khác hẳn phần trước, một chuỗi biến cố được kể nhanh mà không được giải thích, có năm câu ngắn với chủ ngữ ở đầu và động từ ở thì aorist trạng thái bị động. Chuỗi các biến cố của các câu 51-52 được kết lại ở câu 53 bằng một câu dài hơn chứa hai động từ chính được đưa vào bằng một phân từ. Câu 53 không đưa ra một chủ từ mới, nhưng cung cấp thêm chi tiết, điều này chứng tỏ câu kết này (nói về người chết) là câu quan trọng hơn cả, và năm câu kia dẫn đến kết luận này như tới một cao điểm. Các câu nhỏ được liên kết với nhau bằng những từ móc nối (“rung” [seió] / “động đất” [seismos], các câu 51. 54; “rung, vỡ” [schizó], câu 51 hai lần; “mồ mả”“ [mnémeion], các câu 52-53; “trỗi dậy” [egeiró] / “trỗi dậy” [egersis], các câu 52-53; “nhiều xác/người” [polys], các câu 52-53; “thánh” [hagios], các câu 52-53). Câu 54 có vai trò như một lời hoan hô các phép lạ trước (các câu 51-53). Tham gia vào việc hoan hô này, không chỉ có viên đại đội trưởng, mà còn có những người của ông.

Có những điểm liên kết chặt chẽ bản văn này với truyện Phục Sinh ở Mt 28,1-10, khiến ta hiểu đây là một bản văn báo trước Phục Sinh: “trỗi dậy” (egeiró/egersis) của các câu 52-53 đưa đến Mt 28,6-7; “mồ mả” (mnémeion) của các câu 52-53 đưa đến Mt 28,8; “rung / động đất” (seió / seismos) đưa đến Mt 28,2.4; và ngữ căn “sợ: (phob-)” ở câu 54 đưa đến Mt 28,4-5.8.10. Bởi vì các biến cố được mô tả ở các câu 51-53 đã xảy đến bất ngờ và bột phát, hợp lý là không có những liên kết với các phân đoạn trước, ngoại trừ đối với những người lính ở câu 54 (x. câu 36).

Các biến cố xảy ra dồn dập. Trước hết, “bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới” (câu 51). Trong Đền Thờ, không chỉ có một bức màn trướng duy nhất, nhưng ở đây tác giả chỉ nói đến “bức màn trướng” (to katapetasma). Thường ở Đền Thờ, có một tấm màn phân cách Gian Cực Thánh, nơi mà chỉ thầy thượng tế được vào trong Ngày Xá Tội, với phần còn lại của Đền Thờ (x. Xh 26,31-35; Lv 16,2) và tấm màn ở cổng chính ngăn cách Sân Israel với tòa nhà Đền Thờ (x. Xh 26,36-37; 38,18). Nếu là tấm màn che Gian Cực Thánh, thì sẽ giải thích theo hướng phụng tự: Gian Cực Thánh lâu nay không ai thấy được, nay mở ra cho mọi người. Nếu là tấm màn ở ngoài, thì sẽ giải thích như là một dấu chỉ về thảm họa đã từng được Đức Giêsu tiên báo (Mt 23,37–24,2; x. 26,61; 27,25). Đây là tấm màn duy nhất thấy được và công chúng có thể đến đó mà nhìn thấy những gì đã xảy ra. Lại có những bản văn liên kết cửa chính Đền Thờ với những dấu chỉ về thảm họa loan báo cuộc tàn phá Đền Thờ. Cả hai tấm màn đều có thể được giải thích theo hai cách trên, bởi vì việc tàn phá Đền Thờ có nghĩa là chấm dứt nền phụng tự.

Đối với các độc giả đã biết lời Đức Giêsu tiên báo về việc tàn phá Đền Thờ (Mt 23,38–24,2) và biết rằng Người có quyền phá hủy Đền Thờ và trong ba ngày thì xây lại (Mt 26,61), mặc dù Người đã không làm, họ thiên hơn về cách giải thích theo hướng Đền Thờ bị phá hủy. Chính Thiên Chúa đang bắt đầu cho những gì Đức Giêsu tiên báo xảy ra: thái bị động “bị xé ra” (eschisthé, aor. pass. của động từ schizó, “xé ra”) cho hiểu là Thiên Chúa hành động. Tấm màn bị xé rách hoàn toàn, từ trên xuống dưới, thành hai, nên không thể chắp nối lại được: nó bị phá hủy hoàn toàn bởi một sự can thiệp của Thiên Chúa. Cũng có thể quan niệm biến cố này là cách diễn tả một lời than van (x. St 37,29.34; 2V 2,12): chính Thiên Chúa thương khóc cái chết của Đức Giêsu bằng cách xé “áo” của nhà Người.

“Đất rung đá vỡ” (câu 51b), đây cũng là những thái bị động để nói rằng Thiên Chúa đang hành động: eseisthé, aor. pass. seió, “rung”; eschisthésan, aor. pass. schizó. Trong Kinh Thánh, động đất là dịp để Thiên Chúa tỏ mình ra; động đất thuộc về việc Thiên Chúa tỏ mình ra vào thời cánh chung, vào lúc phán xét chung (x. chẳng hạn Is 5,25; 24,18; Ed 37,7 LXX; Ge 2,10; 3,16; Nk 1,5-6; Kg 2,6; Xp 14,5). Với sự kiện màn trướng Đền Thờ bị xé toang thành hai, độc giả nghĩ đến một phán xét của Thiên Chúa; với những hiện tượng đất rung đá vỡ, tức một trận động đất siêu nhiên, tư tưởng ấy được đào sâu thêm: chính Thiên Chúa sẽ xuất hiện. Với lại, nếu đá đã vỡ ra trong một trận động đất dữ dội, thì mồ mả phải mở ra, và người chết có thể trỗi dậy (câu 52).

Các hiện tượng ở câu 52 cũng được mô tả bằng thái bị động thay tên Thiên Chúa: “aneóchthésan”, aor. pass. anoigó, “mở ra”; “égerthésan”, aor. pass. egeiró, “trỗi dậy”. Chính Thiên Chúa mở các huyệt và cho các thánh trỗi dậy. Theo ngữ cảnh và trong ngôn ngữ Kinh Thánh, “thánh” đồng nghĩa với “công chính”. Từ “Abel” đến “Zechariah” (x. Mt 23,35), con số các vị này rất đông. Phải chăng đây là khởi đầu của cuộc phục sinh cánh chung, khi đó mọi người công chính sẽ sống lại? Tuy nhiên, bản văn không nói đến một cuộc phục sinh toàn diện những người công chính, mà là “xác” của “nhiều” vị thánh. Vậy, đây quả là việc Thiên Chúa làm, nhưng không phải là cuộc phục sinh mọi người công chính vào thời cánh chung; cùng lắm, có thể cho rằng đây là dấu chỉ của thời cuối cùng.

Câu 53 xác nhận rằng không nên giải thích việc nhiều xác thánh trỗi dậy theo hướng trực tiếp và một chiều là biến cố khải huyền cánh chung. Bởi vì sau khi sống lại, thay vì được trải nghiệm niềm vui của cuộc sống cuối cùng với Thiên Chúa, các ngài đi vào Jerusalem, mà đây là là nơi Đức Giêsu Phục sinh không đi vào! Jerusalem đã từng ném đá và giết các Ngôn Sứ và những đại diện của Thiên Chúa , nên sắp bị Thiên Chúa trừng phạt (Mt 23,37-39). Đối với các độc giả, “thành thánh” (hagia polis) Jerusalem là thành đã gây ra cái chết cho Đức Giêsu, vì “toàn dân” đã sẵn sàng cho máu của Người đổ xuống trên họ và trên con cháu họ (Mt 27,25). Vậy các thánh đã qua đời nay hiện ra tại Jerusalem và hiện ra với nhiều người là dấu chỉ cho thấy cuộc phán xét của Thiên Chúa sắp xảy ra. Vậy đây là một điềm báo không có gì tốt lành cho dân thành Jerusalem.

Bây giờ, không những viên sĩ quan ngoại giáo mà cả những người lính dưới quyền ông đã phản ứng như một dàn đồng ca trước trận động đất và những sự kiện đi kèm theo. Khác với đoạn Mc 15,39, phản ứng của họ không phát xuất từ cái chết của Đức Giêsu mà là từ những gì xảy ra sau cái chết của Người. Dựa vào văn cảnh, có thể nói lời “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa” (câu 54) đầy ắp ý nghĩa của một lời tuyên xưng đức tin Kitô giáo. Đáng lưu ý là các người lính ngoại giáo phản ứng rất khác với những người Do Thái chế nhạo ở các câu 39-44. Trong khi những kẻ nhạo báng yêu cầu người bị đóng đinh nhận mình là Con Thiên Chúa hãy chứng thực điều đó bằng khả năng quyền lực của chính mình, những người lính ngoại giáo lại dựa trên những gì Thiên Chúa đã làm mà nói rằng Đức Giêsu thật là Con Thiên Chúa. Như vậy, Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, điều này chỉ được chứng thực bởi chính Thiên Chúa mà thôi. Dù có bị những kẻ nhạo báng thách thức, Đức Giêsu từ chối bày tỏ bất cứ quyền lực gì, Người chứng thực điều đó chỉ bằng sự vâng phục. Chỉ duy Thiên Chúa mới có thể mạc khải Đức Giêsu chính là Con của Người, và ở đây là tuyên xưng của những người lính đang đáp lại mạc khải ấy. Việc những người lính ngoại giáo nhắc lại lời tuyên xưng của các môn đệ ở Mt 14,33 và Mt 16,16 cho thấy lệnh truyền của Đức Giêsu đang được thực hiện: Tin Mừng phải đến với muôn dân (Mt 28,19-20). Và đây là mặt khác của cuộc phán xét của Thiên Chúa trên Israel.

20. Mt 27,55-56 – Các phụ nữ tại chân thập giá

Đoạn văn ngắn ngủi này tách biệt khỏi câu 54, vì các bà “đứng nhìn từ đàng xa”. Các bà được nhắc đến ở đây để làm cầu nối đưa tới câu truyện an táng (Mt 27,61) và Phục Sinh (Mt 28,1-10).

Quang cảnh các phụ nữ “đứng nhìn từ đàng xa” cho hiểu là Đức Giêsu không bị mọi môn đệ bỏ rơi, cho dù trước khi xảy ra cuộc đóng đinh, tác giả Tin Mừng Matthew chỉ nói đến các đối thủ của Người đang chế nhạo Người là kẻ bị mọi người bỏ rơi. Lời nhắc đến các phụ nữ ở đây là một niềm an ủi, một Tin Mừng. “Từ đàng xa” (apo makrothen) do thận trọng hay là vì chưa dấn thân hẳn (trường hợp Phêrô ở Mt 26,58)? Bản văn không xác định ở đây. Chúng ta phải chờ đọc tiếp.

Ba phụ nữ được xác định (câu 56): bà Maria Magdalene, bà Maria mẹ của các ông James và Joseph, và bà mẹ các con ông Zebedee. Bà Maria Magdalene đóng một vai trò chìa khóa trong cả bốn Tin Mừng (x. Mc 16,1tt; Lc 8,2; 24,10; Ga 20,11-18). Còn bà Maria mẹ các ông James và Joseph hẳn được các độc giả Tin Mừng Matthew biết rõ do hai người con. Chắc chắn bà không phải là mẹ Đức Giêsu, cho dù theo Mt 13,55, Người có “anh em” là James và Joseph; nếu không, hẳn bà này đã được gọi là “mẹ Đức Giêsu”. Phải chăng bà là mẹ của ông James con ông Alphaeus theo Mt 10,3? Chúng ta không rõ. Còn người phụ nữ thứ ba, mẹ các con ông Zebedee là Gioan và James, chúng ta đã gặp ở Mt 20,20. Đi từ ghi nhận “các bà này đã theo Đức Giêsu từ Galilee”, ta hiểu bà này gần gũi với Nhóm Mười Hai. Vì sao bà lại thế chỗ bà Salômê ở Mc 15,40? Phải chăng tác giả Tin Mừng Matthew không còn biết gì về người phụ nữ mà tác giả Tin Mừng Marco gọi là Salome, nên ngài đã thay thế bằng tên một bà mà ngài biết rõ, giống như ở Mt 27,32, ngài không nhắc đến tên của các con ông Simon Cyrene? Hay là bởi vì ngài biết rằng mẹ của các con ông Zebedee được gọi là Salome, nên ngài chỉ xác định thêm?

Các bà sẽ tái xuất hiện (Mt 27,61; 28,1-10). Đến sáng Phục Sinh, các bà sẽ là những nhân vật chính đón nhận sứ điệp của hoạt động cứu độ của Thiên Chúa. Còn đang ẩn mình trong bóng tối của thập giá, các bà phác ra khởi đầu của một câu truyện về hành động của Thiên Chúa, hành động này sẽ tỏ hiện vào sáng Phục sinh trong ánh sáng chan hòa. Theo nghĩa này, các bà là những người của Thiên Chúa mang niềm hy vọng.

21. Mt 27,57-61 – Đức Giêsu được an táng

Bài tường thuật việc ông Joseph Arimathea an táng Đức Giêsu được soạn ngắn ở các câu 57-60. Ngoại trừ câu 58b, trong cả đoạn, ông là chủ ngữ duy nhất hành động. Đến cuối câu 60, ông lại biến mất. Có những từ “móc” tạo một cầu nối giữa cuộc đóng đinh và truyện Phục Sinh: (“mộ”: mnémeion): Mt 27,52-53; 28,8; (“xác”: sóma): Mt 27,52. 58. 59; (“[núi] đá”: petra): Mt 27,51. 60; (“[tảng] đá”: lithos): Mt 27,66; 28,2.

Bản văn kết thúc bằng một ghi chú rời ra, nói về các phụ nữ, với giọng văn tương tự câu 55. Các bà không có gì phải làm trong việc an táng Đức Giêsu; các bà chỉ có việc ở gần bên. Câu này cũng chuẩn bị cho truyện Phục Sinh.

Ông Joseph, sinh tại Arimathea, một người giàu có và là một môn đệ của Đức Giêsu. Arimathea được cho rằng ở gần Lod (Diospolis) về phía tây Judea, dường như cũng được gọi là “Armathem”. Tin Mừng Marco 15,43 ghi nhận ông là một “thành viên có thế giá của Hội Đồng”. Nhưng vào thời tác giả Tin Mừng Matthew, cái hố ngăn cách giữa các môn đệ Đức Giêsu và các nhà lãnh đạo Do Thái lớn đến nỗi ngài không còn có thể tưởng tượng ra được là một thành viện của Thượng Hội Đồng lại thân thiện với Đức Giêsu (trong Tin Mừng Matthew, không có lời khen nhà thông luật như của Mc 12,34, mà là câu Mt 22,34). Vì thế, người Do Thái đạo đức thành viên của Thượng Hội Đồng vẫn mong đợi Triều Đại của Thiên Chúa (Mc 15,43) đã biến thành một môn đệ của Đức Giêsu. Thế thì ít ra có một môn đệ đã không bỏ Đức Giêsu. Ông là một người giàu: thế thì nếu được Thiên Chúa giúp đỡ, không phải là không thể tìm ra đường chui qua lỗ kim (x. Mt 19,24-26).

Ông đến vào lúc “chiều tối” (opsia): chúng ta không biết chính xác giờ nào. Tuy nhiên, đến câu 62, chúng ta sẽ thấy là tác giả Tin Mừng Matthew đồng ý với tác giả Tin Mừng Marco 15,42. Ông gặp quan Pontius Pilate và xin thi hài Đức Giêsu. Hẳn là những người giàu có dễ gặp tổng trấn hơn. Với lại, chúng ta biết rằng, tuy Pontius Pilate yếu ớt và lưỡng lự, lúc này không phải là ông không có hảo ý đối với Đức Giêsu. Đàng khác, có khi thi hài của các tử tội được người Roma trả về cho gia đình hoặc bạn bè để chôn cất, nếu như không còn gì phải đáng ngại về mặt chính trị. Pontius Pilate đã đồng ý với ông Joseph mà không cần điều tra gì thêm (x. Mc 15,44-45).

Trong bản văn Tin Mừng Matthew không đề cập đến việc ông Joseph “hạ xác” (kathelón) như Tin Mừng Marco 15,46, phải chăng lính Roma đã hạ thi hài xuống, và Joseph chỉ việc nhận lấy? Ga 19,31-32 cũng giả thiết là lính đã hạ Đức Giêsu khỏi thập giá. Cũng lạ là không có việc tắm xác, mà đối với người Do Thái, đây là việc quan trọng nhất phải làm cho một thi hài. Cũng không có chỗ nào nói đến việc tẩm liệm, ướp thuốc thơm. Sau khi người phụ nữ vô danh ở Bethania đã làm một cử chỉ báo trước việc này (Mt 26,12), thì việc này không cần nữa. Tác giả chỉ nói rằng, Joseph bọc thi hài vào trong một “tấm vải gai (sindón) sạch” (Mt 27,59). “Sindón” có thể là tên loại vải, hoặc hình dạng chữ nhật của tấm vải. Vào thời ấy, các thi hài thường được mặc cho một chiếc áo dài bằng vải gai. Động từ entylissó (“gói, bọc”) không phù hợp với thói tục đó, vì làm ta nghĩ đến một tấm vải. “Sạch” hẳn là vì không có vết hoen ố, do chưa bao giờ được dùng.

Ông Joseph đặt Đức Giêsu vào “ngôi mộ mới, được đục sẵn trong núi đá, dành cho ông” (câu 60). Chúng ta không biết chi tiết nào khác, ngoài tảng đá to được ông lăn ra mà lấp cửa mộ. Dựa vào Tin Mừng Marco 16,5 với cách thế thiên sứ ngồi và Tin Mừng Gioan 20,5-7 cho biết ở ngoài có thể thấy được khăn liệm, có thể suy ra là mới an táng Đức Giêsu là một mặt phẳng dài hoặc một cái máng, chứ không phải là một cái hốc nhỏ đục trên tường để đẩy thi hài vào. Cần ghi nhận là Đức Giêsu được an táng theo cách danh giá. Người không bị chôn cất cách vô danh trong nghĩa địa Do Thái dành cho những tên gian phi hay chỉ được chôn trong một nghĩa địa dành cho người nghèo. Ở đây, Người được an táng theo cách cao quý, trân trọng. Dù nhiều điều không được nói đến (tắm, xức dầu, than khóc), không hề có dấu gì chứng tỏ là có sự vội vã vì sắp bắt đầu ngày Sabbath. Do đó, ấn tượng vẫn là Đức Giêsu được an táng với tất cả sự tôn kính dành cho Người.

Rồi ông Joseph lại biến mất khỏi bài tường thuật (câu 61). Hai trong ba phụ nữ đã được nhắc đến ở các câu 55-56 ở lại: bà Maria Magdalene và bà “Maria khác”, tức mẹ của ông James và Joseph. Các bà không góp phần vào việc an táng. Các bà cũng không cần làm người chứng về vị trí của ngôi mộ như trong Mc 15,47, bởi vì bây giờ Đức Giêsu được mai táng không phải trong bất cứ ngôi mộ nào, nhưng là trong ngôi mộ gia đình của bạn đồng môn là ông Joseph, nên vị trí ngôi mộ được biết rõ. Thế thì tại sao lại nhắc đến các phụ nữ? Tác giả chỉ nói rằng họ “ngồi đối diện” (kathémenai apenanti) với ngôi mộ. Họ có mặt để làm gạch nối với truyện Phục Sinh: bây giờ các bà biết rằng trong mộ, thi hài của Đức Giêsu đang được đặt ở đó, để rồi đến sáng ngày thứ nhất trong tuần, các bà sẽ là những người đầu tiên khám phá ra ngôi mộ trống và gặp Đức Giêsu Phục Sinh (Mt 28,1-10), và sẽ thành những người đi loan báo sự Phục Sinh cho các môn đệ (Mt 28,10-11). Vậy các bà sống trước “cuộc canh thức Vượt Qua” mà nay các chúng ta cử hành. Ngôi mộ là con dấu đóng trên cuộc đời trần thế của Đức Giêsu; nhưng câu truyện từ đây sẽ bắt đầu lại cho một diễn tiến mới.

22. Mt 27,62-66 – Mồ được canh giữ

Phân đoạn này tường thuật những gì xảy ra tại dinh Pontius Pilate và tại mộ Đức Giêsu vào ngày sau khi an táng Đức Giêsu, nghĩa là kể lại cách các thượng tế, với phép của Pontius Pilate, đã niêm phong ngôi mộ và đã đặt tại đó một toán lính canh.

Tác giả Tin Mừng Matthew kể cho biết các thượng tế và những người Pharisees đã quy tụ (synagesthai) đến dinh Pontius Pilate vào ngày hôm sau việc chuẩn bị ngày Sabbath. Vào lần thứ nhất (Mt 26,3), họ đã quyết định bắt và giết Đức Giêsu; vào lần thứ hai (Mt 26,57), họ đã yêu cầu kết án Người tử hình; bây giờ họ muốn đảm bảo là thi hài của Người được giữ yên trong mộ. Sẽ đến một lần thứ tư (Mt 28,12), khi đó họ bảo lính tráng cứ phao tin thất thiệt là thi hài của Đức Giêsu đã bị đánh cắp. Tất cả nỗ lực của họ đều tập trung vào một Giêsu đã chết. Cùng với các thượng tế, nhóm Pharisees tỏ ra là những đối thủ chống phá quyết liệt nhất cả bản thân lẫn công trình của Đức Giêsu.

Chính các thượng tế đã nộp Đức Giêsu cho Pontius Pilate để đạt được cái chết cho Người (Mt 27,1tt). Kể từ đó, tất cả những gì liên hệ đến Đức Giêsu đều tùy thuộc quyết định của Pontius Pilate, như ta đã thấy qua việc Joseph Arimathea xin thi hài Đức Giêsu (Mt 27,57). Còn các thượng tế và các người Pharisees tìm cách đảm bảo là thi hài của Đức Giêsu vẫn còn trong mộ. Họ xin Pontius Pilate giữ sao cho ngôi mộ không bị xâm hại cho đến ngày thứ ba.

Lời thỉnh cầu của họ dựa trên một cái nhìn về quá khứ, nghĩa là về các lời tiên báo của Đức Giêsu là Người sẽ sống lại, và cũng dựa trên một cái nhìn về tương lai, nghĩa là về lời các môn đệ Đức Giêsu loan báo Thầy đã sống lại. Họ vẫn nhớ tất cả các thông tin về cuộc phục sinh của Đức Giêsu, làm họ coi là lừa dối dân chúng. Theo họ lý luận, nền tảng duy nhất cho các sứ điệp ấy rất có thể là một cuộc cướp xác. Do đó, họ ra sức ngăn chặn cuộc trộm xác này. Chi tiết lính canh mộ cũng cho hiểu là sự dữ đang thắng thế: Đức Giêsu dường như hoàn toàn thất bại; nhà giải phóng đã bị khóa miệng và nay được an táng trong mồ rồi.

Khi thưa với Pontius Pilate bằng danh hiệu “ngài” (kyrie; chỉ có ở đây), họ đã công nhận ông là người làm chủ hoàn cảnh và có quyền lấy một quyết định (keleuson, “xin quan lớn truyền”); họ không quan tâm đến chuyện có một “Chúa” khác.

Họ không nói tên Giêsu ra, nhưng gọi Người bằng một tên khinh bỉ: “tên bịp bợm ấy” (ekeinos ho planos: x. Mt 24,11; Ga 7,12. 47) và nhắc lại một lời Người đã nói khi còn sống. Mặc dù đã đưa được Người đến cái chết, họ vẫn còn sợ những hậu quả của lời Người giảng dạy. Họ nói đến “trỗi dậy vào ngày thứ ba”. Chúng ta không rõ họ ghi nhận điều này vào dịp nào (còn các môn đệ: Mt 16,21; 17,23; 20,19). Họ xin Pontius Pilate lấy một quyết định liên hệ đến ba điểm phải tránh: việc các môn đệ di chuyển thi hài Đức Giêsu; loan báo cho dân chúng rằng Đức Giêsu đã sống lại; chuyện bịp cuối cùng này sẽ tệ hại hơn chuyện trước. Đây là các hậu quả dây chuyền. Ta hiểu các thượng tế đang tự giới thiệu như là những người bảo vệ chân lý và che chở dân chúng. Chúng ta ghi nhận là ở đầu và ở cuối chương nói về cái chết của Đức Giêsu, chúng ta gặp các thượng tế bên cạnh Pontius Pilate. Và hai lần, Pontius Pilate đều để mặc cho các thượng tế tự đưa ra các biện pháp (x. Mt 27,24 và 27,65). Lần này, Pontius Pilate giao cho họ một toán lính. Ông đổ hết trách nhiệm lên họ: “theo cách các ngươi biết”. Đây cũng là những biện pháp con người dùng để đối lập với quyền năng của Thiên Chúa. Và họ đã làm hai việc: niêm phong mộ và cắt lính canh (câu 66).

+ Kết luận

Bài tường thuật cuộc Thương Khó của Đức Giêsu đã được mỗi tác giả Tin Mừng viết lại theo bút pháp riêng. Độc giả bắt gặp được ở đấy các đau khổ, thể lý và luân lý, của Đấng Cứu Thế, nhưng đấy không phải là ý nhắm của các ngài. Ngược lại, các ngài gỡ Đức Giêsu khỏi mọi nỗi lo lắng, sợ hãi, quay quắt, ngờ vực, khi cho ta thấy Người làm chủ tình hình với một uy quyền tối cao. Tác giả Tin Mừng Matthew cũng cho thấy Đức Giêsu chiến đấu không phải là với sự yếu đuối của một con người, nhưng với sự sáng suốt và sức mạnh của một Thiên Chúa. Trong những đau đớn cùng cực của cuộc đóng đinh, không một tiếng rên rỉ, tiếng thét gào thốt ra trên môi miệng Người. Quả thật, tác giả có nhắc lại các giờ phút cuối cùng của một cuộc tử đạo, nhưng đầy tính cách thần linh; tác giả không nhắm gợi lên sự thương cảm, nhưng là sự thán phục và tin tưởng nơi Đức Giêsu. Cho dù bị kết án tử hình, Đức Giêsu vẫn là Đấng Cứu Thế, Con Người, Đức Chúa (Mt 26,22.64; 27,43). Thay vì gặp mặt đối mặt với Đức Kitô lịch sử, khiêm nhường và đau khổ, độc giả lại tiếp cận với Chúa Kitô Phục Sinh.

Cuộc Thương Khó cho thấy sự hạ mình thẳm sâu của Đức Kitô, nhưng cũng là bằng chứng về lòng vâng phục tối cao của Người với Chúa Cha. Đây không phải là một thất bại, mà là một chiến thắng. Tại đây, chúng ta gặp vấn đề của các cộng đoàn tiên khởi: không phải là làm cho người ta chấp nhận cuộc Thương Khó của Đấng Cứu Thế, mà là chấp nhận tình trạng hiện tại của Người là Đức Chúa Vinh Quang, mặc dù có kết cục nhục nhã.

III. – GỢI Ý SUY NIỆM

1. Đức Giêsu không thiếu kín đáo mà tố giác Judas; Người nhắc nhở, để ông có thể xét lại và quay lại, nhưng ông không nói gì cả: ông lưỡng lự hoặc ông không muốn quay lại. Để soi sáng và trấn an các môn đệ và có lẽ cũng để cố gắng kéo Judas trở về thêm một lần nữa, Đức Giêsu nhận định và tình hình: đây không phải là chuyện không may do người môn đệ phản bội, nhưng là điều nằm trong chương trình của Chúa Cha. Số phận của Đức Giêsu do Chúa Cha quyết định, nhưng điều này không xóa đi hay giảm thiểu trách nhiệm của kẻ phản bội: “Thà người đó đừng sinh ra thì hơn” (Mt 26,24).

2. Với sự giúp đỡ của Pontius Pilate, các đối thủ của Đức Giêsu đã khử trừ được Người. Cái chết của Đức Giêsu đã kết thúc ảnh hưởng của Người trên dân chúng: Đối với dân chúng, Người là một tên lừa bịp (Mt 27,63); đối với Thiên Chúa, Người là một kẻ nói phạm thượng (Mt 26,65). Kiểu nói “tên bịp bợm ấy” tổng hợp cách mà giới lãnh đạo Do Thái đánh giá công trình của Đức Giêsu. Tuy nhiên, điều vẫn còn đó và sẽ có thể tiếp tục gây ảnh hưởng trên dân chúng, đó là các lời Người đã nói và các môn đệ của Người.

3. Trong tiệc Thánh Thể, như trong tiệc Vượt Qua xưa kia, tín hữu không được chỉ ở tư thế khán giả, nhưng phải cảm thấy mình được lôi kéo can dự vào trực tiếp. Thánh Lễ cũng tái diễn lễ Vượt Qua, nên người tham dự không chỉ tưởng niệm cuộc giải phóng của một đoàn dân xa lạ, nhưng sống biến cố giải phóng chính mình.

4. Các môn đệ đã hoàn toàn thất bại khi ở trong Vườn Olives với Đức Giêsu. Họ không canh thức nổi với Người (câu 38); họ ngủ. Trong Kinh Thánh, giấc ngủ đồng nghĩa với cái chết, sự bất động, sự tê cứng. Ít ra các trinh nữ quên mang dầu cũng còn thú nhận thiếu sót của mình; ở đây các môn đệ không nói được một lời cáo lỗi: “Mắt họ nặng trĩu” (câu 43), nhưng như thế có nghĩa là họ hoàn toàn quên, hoàn toàn ở ngoài tấn bi kịch lớn nhất mà họ đang chứng kiến: Đức Giêsu đi vào cuộc Thương Khó của Người, nhưng cộng đoàn đã không đi theo Người.

 

 

 

 


[1] Bản Thánh Kinh Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh

[2] Fl. Joseph (Bell. 5,99; Ant. 2. 317; 17. 2134; 18. 29; 20. 106)