Mt 22,34-40: Điều Răn Trọng Nhất

0
921


Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.

 
1.- Ngữ cảnh
 
Trong cấu trúc văn chương của TMMt, đoạn văn 22,34-40 phải được coi như một bài tường thuật về một cuộc tranh luận nữa của Đức Giêsu với các đối thủ, là các đại diện Do Thái giáo chính thức. Họ tìm cách gài bẫy Đức Giêsu bằng chính những lời nói của Người (cc. 15 và 35) về những vấn đề ngày càng thêm quan trọng: nộp thuế cho Xêda, là vấn đề đặt đối lập các nhóm Hêrôđê, Pharisêu và Nhiệt Thành (Quá Khích) với nhau; sự sống lại của kẻ chết, là vấn đề được phái Xađốc đặt ra; điều răn lớn nhất, là mối bận tâm của người Do Thái tuân thủ luật Môsê nghiêm nhặt, tức phái Pharisêu. Các vấn đề ấy được đặt ra cho mộtvị Rabbi: “Thưa Thầy” (didaskale; x. cc. 15.24.36); đây là danh hiệu cho thấy là họ hiểu Đức Giêsu đứng vào vị trí nào. Vấn đề cuối cùng được chính Đức Giêsu nêu ra sẽ là vấn đề “con vua Đavít” (22,41-46). Đây là bốn vấn đề thường được người Do Thái thời Đức Giêsu tranh luận nhiều nhất.
Có lẽ bản văn hôm nay cũng phác lại mộtcuộc gặp gỡ nào đó giữa Đức Giêsu và mộtvị tôn sư của Do Thái giáo; vị này hẳn là muốn làm sáng tỏ hoặc đào sâu các điều răn. Ở Mc 12,28-34 và Lc 10,25-28, ta không thấy có giọng điệu bút chiến như ở bản văn Mt (x. c. 34). Riêng trong bản văn Mt, vị thông luật hỏi là để “thử” Đức Giêsu.
2.- Bố cục

            Bản văn có thể chia thành ba phần:

            1) Câu chuyển tiếp: Người Pharisêu quy tụ lại (22,34);

            2) Câu hỏi về điều răn trọng nhất: mục tiêu và nội dung (22,35-36);

            3) Câu trả lời của Đức Giêsu (22,37-40).

3.- Vài điểm chú giải
 

– Điều răn nào là điều răn trọng nhất (36): Do Thái giáo vẫn đang đi tìm một nguyên tắc thống nhất. Các kinh sư cũng tìm cách xác lập một hệ thống tổng hợp với các đường hướng chủ đạo: Đavít xác định mười một điều (Tv 15,2-5), Isaia sáu (Is 33,15), Mikha ba (Mk 6,8), Amốt hai (Am 5,4), và Khabacúc một (Kb 2,4). Đây là bản tóm lược của Rabbi Simbai (tk III).
– Yêu mến (37): Động từ Híp-ri ’âhav có một loạt ý nghĩa, từ tình yêu tính dục đến tình yêu đối với người trong gia đình, đối với bạn bè, sự trung thành trong đời sống chính trị đến tình yêu đối với Thiên Chúa. Theo cách giải thích của người Do Thái về Đnl 6,5, “tình yêu đối với Thiên Chúa” được diễn tả trước tiên bằng những hành vi vâng phục, trung thành với Torah. Yêu mến Thiên Chúa là hy sinh mạng sống vì các điều răn của Người.
– Hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn (37): Theo nhân học Híp-ri, “trái tim” (lòng) là cơ sở của tình cảm; còn “linh hồn” là phương diện sinh lực của con người. “Trí khôn” (dianoia) là từ Hy Lạp cũng có ý nghĩa như “trái tim” theo ngôn ngữ Híp-ri. Tác giả Mt đã lấy từ Mc 12,30 (“lòng, linh hồn, trí khôn và sức lực”), nhưng bỏ “sức lực” và chọn giữ lại “trí khôn” để có bộ ba. Cả ba danh từ này được dùng theo nghĩa tổng hợp: tình yêu đối với Thiên Chúa phải trọn vẹn, huy động tất cả con người, thậm chí phải chết.
– Yêu người thân cận (39): Ngữ cảnh của Lv 19,11-18 là như sau: Đây là những điều khoản luân lý căn bản của Thiên Chúa liên hệ đến người thân cận, kể cả người yếu thế về mặt xã hội hoặc một đối thủ tại tòa án. Song song với “yêu” là: không trộm cắp, cư xử sai lệch, nói dối, thề gian, lừa gạt, cướp đoạt, nguyền rủa, xét xử bất công, vu khống, thù ghét. Lv 19,34 thêm: không vi phạm quyền lợi của tha nhân.
– Thân cận (39): Theo bản văn căn bản Lv 19,18 và theo hầu như cách giải thích Lv 19,18 của toàn thể Do Thái Paléttina, “thân cận” (đồng loại) đây là người Israel mà thôi, những người đã được Thiên Chúa ban Lề Luật cho. Chỉ những người ngoại quốc đang sống tại đất Israel, cũng đước áp dụng một nền công lý này, mới được kể vào số “người thân cận” (Lv 19,34); sau này, chỉ những người dự tòng mới được coi như thế. Đức Giêsu theo truyền thống Mt đã mở rộng nghĩa của từ ngữ này mà áp dụng cho tất cả mọi người (x. Mt 5,43-48; 7,12; 19,19).
– Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ (40): Đức Giêsu không chỉ đặt hai điều răn này đứng đầu 613 quy định của Luật Môsê, như thể ở bên cạnh các quy định ấy; Người còn làm thành một tổng hợp. “Luật và các Ngôn sứ” là cách gọi tên bộ Kinh Thánh Do Thái (tức Cựu Ước thu hẹp), cũng có thể hiểu là ý muốn của Thiên Chúa đã được ghi giữ trong Kinh Thánh.
4.- Ý nghĩa của bản văn

* Câu chuyển tiếp: Người Pharisêu quy tụ lại (34)

Bản văn hôm nay vẫn nằm trong chiều hướng các cuộc tranh luận các nhóm đại diện Do Thái giáo chính thức gây ra với Đức Giêsu. Tuy vậy, các hoàn cảnh tiêu cực này vẫn không ngăn cản Đức Giêsu cống hiến những mạc khải hoặc giáo huấn quan trọng.

Để đáp lại tin tức về sự thất bại của phái Xađốc, người Pharisêu đã họp nhau lại.

* Câu hỏi về điều răn trọng nhất (35-36)
 

Một người thông luật trong nhóm đã hỏi để “thử” (peirazôn) Người (c. 35), như họ đã từng làm (x. Mt 22,15.18). Tuy nhiên, câu hỏi này cũng có lý do của nó: các trường phái và các vị thầy Israel vẫn đang cống hiến những lối phân phối và giải thích Lề Luật (Torah) khác nhau. Họ đã phân tích Luật ra thành 613 điều khoản khác nhau. Các kinh sư đã chọn chủ trương giữ luật thật chi li (“vị luật”). Xu hướng vị luật tỉ mỉ này làm phát sinh khi thì niềm vui do tuân giữ được trọn vẹn các điều khoản, khi thì sự tự mãn kiểu Pharisêu (x. Lc 15,29), khi thì sự lo lắng vì không tuân giữ được tất cả (x. Mt 19,18). Dù sao, cần phải tìm ra một nguyên tắc thống nhất giúp người ta biết định hướng trong cuộc đời và nhất là biết cách quyết định trong các chọn lựa thực tiễn. Vì thế, câu hỏi của vị thông luật để “thử” Đức Giêsu có lý do: không chỉ là một tranh luận lý thuyết nhà trường, nhưng cũng có một nhu cầu thực tế. Bởi vì có khi họ đã phải chỉ cho biết những điều răn nào không được vi phạm, cho dù người ta có bị giết, hoặc phải dạy điều gì là quan trọng nhất đối với Lề Luật và các điều răn này dẫn xuất từ các điều răn khác thế nào. Vì vậy, họ có nói tới một kơlal (tiếng Híp-ri có nghĩa là phổ quát tính, nguyên tắc căn bản, tóm tắt, danh hiệu) và một guph (tiếng Híp-ri có nghĩa là phần thân, phần cốt yếu) trong Lề Luật.
* Câu trả lời của Đức Giêsu (37-40)
 
Câu trả lời của Đức Giêsu cũng chẳng độc đáo, dù là trong lời nhắc lại giới răn tình yêu đối với Thiên Chúa, hay trong lời nhắc nhớ về tình yêu đối với người thân cận. Cả hai điều răn này đều được nói đến trong Lề Luật, và bất cứ người Israel tốt lành nào cũng đều ghi nhớ mà tuân giữ. Đức Giêsu đã chỉ làm một việc là trích sách Đệ nhị luật (6,4-5) và Lêvi (19,18). Nếu có lạ là ở chỗ Người đã đặt hai điều răn này ngang hàng với nhau: “cũng giống” (homoia) có nghĩa là điều răn thứ hai cũng đáng được quan tâm tuân giữ như đối với điều răn thứ nhất, tức là Người nối kết hai điều răn với nhau và dành cho chúng vị trí cao nhất. Hơn nữa, Đức Giêsu còn tuyên bố rằng “tất cả Luật (Môsê) và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy”, có nghĩa là hai điều răn này diễn tả trọn vẹn thánh ý Thiên Chúa trong Kinh Thánh, do đó hàm chứa tất cả mọi điều răn khác, hay là tất cả các điều răn khác quy về hai điều răn này. Như thế yêu mến người thân cận có nghĩa là phải dành cho người thân cận một sự chăm sóc, một tình yêu y như dành cho Thiên Chúa. Nói cách khác, người thân cận cũng phải được yêu mến “hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn”. Không cần phải phân biệt giữa ba từ ngữ này, bởi vì hy-ngữ thường dùng hai từ “trái tim” và “trí khôn” để dịch từ lev Híp-ri (= trái tim). Câu văn có nghĩa là phải vận dụng tất cả bản thân mà yêu mến Thiên Chúa.

Như vậy, câu trả lời của Đức Giêsu đã rõ. Phải yêu mến người khác với trọn vẹn bản thân mình, tức là trong thực tế không chỉ bằng lời nói, còn về phương diện con người, bằng cách giúp đỡ tận tình, nồng nhiệt. Cách đặt ngang hàng hai điều răn như thế, chúng ta đã thấy trong Bài Giảng trên núi, trong đó Đức Giêsu mời gọi người ta làm hành vi phượng tự sau khi đã giao hòa với người anh em (5,23-24) và yêu mến cả kẻ thù như Thiên Chúa yêu họ (5,44-48).

Có thể nói ở c. 40, tác giả Mt tóm tắt cái nhìn của ngài về hai điều răn trọng nhất. Công thức “Luật (Môsê) và các sách ngôn sứ” đưa chúng ta trở lại với hai đoạn trung tâm ở 5,17 và 7,12. Ở đó, bản văn nói rằng Đức Giêsu làm trọn Lề Luật và các ngôn sứ , và cả hai khối này tập trung vào hoàng kim quy tắc. Như vậy, c. 40 hàm ý là Lề Luật và các sách ngôn sứ được hoàn tất qua Đức Giêsu. Đồng từ “tùy thuộc vào” (kremannymi en) cho chúng ta biết quan niệm của tác giả Mt về Lề Luật. Hai điều răn này, cũng như hoàng kim quy tắc, chính là nguyên tắc căn bản hướng dẫn việc giải thích Bài Giảng trên núi, cũng như Lề Luật và các sách Ngôn sứ.

+ Kết luận

Câu trả lời của Đức Giêsu không phải là câu trả lời của một kinh sư, dù Người được các người Pharisêu coi như thế. Đây là câu trả lời của vị Chúa Tể Lề Luật. Chính Người công bố Luật và chính Người hoàn tất Luật (x. 5,17). Chính do sự kiện Đức Giêsu hoàn tất Luật mà Người mang lại cho Luật tính chất mới mẻ đích thật. Tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân không phải chỉ là những thái độ con người bị buộc phải có; hai tình yêu này nhập thể nơi bản thân Đức Giêsu. Chính vì Người đã đến dùng cuộc đời, cái chết và sự sống lại của Người mà hoàn tất “Luật và các Ngôn sứ”, mà Người có thể công bố với giọng uy quyền rằng toàn thể Giao ước cũ đều “tùy thuộc” vào việc yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Chính nơi Người mà không những Lề Luật, dưới dạng điều răn, mà cả lời hứa ân phúc, được các Ngôn sứ loan báo, đã được thực hiện trọn vẹn.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Khi tuyên bố về điều răn trọng nhất (“hai trong một”), Đức Giêsu đã công bố sự giải phóng tuyệt vời cho con người. Bây giờ, ta chỉ còn phải tuân giữ hai điều mà thôi. Người nào chu toàn thật sự những gì được yêu cầu trong hai điều răn này thì có thể chắc chắn là đã hoàn tất Lề Luật và thực hiện ý muốn của Thiên Chúa (x. Mt 7,12; Gl 5,14; Rm 13,8-10). Đây chính là điều Thiên Chúa nhắm khi tạo thành con người. Họ được tạo nên để vâng phục Thiên Chúa như chủ và chúa của mình, và cũng để yêu thương Ngài như cha của mình. Thế mà sự vâng phục chỉ nên trọn vẹn trong tình yêu mà thôi.

2. Người thân cận không phải chỉ là người thuộc về cùng một dân tộc, ở trong cùng một quốc gia, nói cùng một ngôn ngữ. Bất cứ ai cũng có thể là người thân cận của tôi, nhưng không phải lúc nào cũng thế. Tránh né luật yêu thương bằng cách nói đến những người thân cận ở xa, để lơ đi những người ở bên mình đang cần được mình quan tâm, là một cám dỗ dễ rơi vào. Chính tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu của Thiên Chúa phải là mẫu mực cho tình yêu của con người đối với nhau.

3. Yêu thương anh em không phải chỉ bởi vì Thiên Chúa yêu cầu, để vâng lời Thiên Chúa. Liên hệ giữa hai tình yêu này không phải là một liên hệ pháp lý, võ đoán, mà là liên hệ nội tại: ta không thể yêu mến Thiên Chúa nếu không yêu thương anh em. Trong khi yêu thương người khác vì chính họ, ta yêu mến Thiên Chúa vì chính Người. Chỉ có một tình yêu duy nhất, vì con người chỉ có một con tim. Ta có thể suy ngẫm lại bài thánh ca đức mến của thánh Phaolô để thêm xác tín về điểm này (1 Cr 13,4-6).

4. Sự liên kết giữa tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với người thân cận, đồng thời sự khác biệt giữa hai tình yêu đó, giúp ngăn cản một sự tách biệt giữa tôn giáo và xã hội, giữa bản tính bên trong và đời sống bên ngoài. Yêu mến bản thân mình có thể được nhờ tình yêu đối với Thiên Chúa; chính tình yêu đối với Thiên Chúa đưa tới chỗ không tuyệt đối hóa bản thân, mà lại có một sự nội tâm hóa mới, đồng thời có một tình yêu nồng nàn hơn đối với người thân cận.