Mt 22,15-21: Nộp Thuế Cho Xêda

0
1247


Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.

1.- Ngữ cảnh

Tiếp sau phân đoạn Mt 21,23–22,14 về các dụ ngôn là bốn giai thoại tường thuật các thức Đức Giêsu đánh bại các đối thủ trong các cuộc tranh luận tại Đền Thờ. Có thể gọi đây là các “truyện về tranh luận”. Nét tiêu biểu của các truyện này là người tường thuật không quan tâm đến lập trường của các đối thủ của Đức Giêsu. Ông thường cho thấy: hoặc các đối thủ giăng một  cái bẫy bằng câu hỏi hiểm độc (cc. 15-22), hoặc câu hỏi của họ tạo ra cơ hội cho một  câu trả lời (cc. 34-40). Nếu có nói đến lập trường của họ, thì chỉ nói rất ngắn gọn (cc. 23.42), vì cần phải nói ra cho cuộc tranh luận. Các đối thủ của Đức Giêsu được mô tả giống như các diễn viên ranh ma nhưng thừa thãi. 

Hình thái của bốn truyện cũng có đặc tính của cuộc tranh luận tại lớp học, trong đó các học trò đặt câu hỏi cho thầy (22,16.24.36). Theo một  lược đồ của truyền thống kinh sư Do Thái, các tranh luận nhà trường được bố trí thành bốn bậc với độ mạnh tăng dần và được đặt tên như sau:

1- [K]hokmâh (“sự khôn ngoan”): Đây là một tranh luận về quy tắc phải theo khi liên hệ đến những bản văn pháp luật;

2- Haggadâh (“truyện ký”): Đây là một  lối giải thích các bản văn Kinh Thánh bề ngoài mâu thuẫn với nhau;

3- Bôrut (“sự tầm thường”): Đây là một  tranh luận nhắm biến niềm tin thành một trò hề;

4- Derek ‘erets (“đường đất”): Đây là một  tranh luận về những nguyên tắc cơ bản của đời sống luân lý.

Chúng ta có thể cho rằng tác giả Mt đã trình bày các đoạn văn trong chương 22 từ c. 15 đến c. 46 theo lược đồ này, nhưng ngài đảo thứ tự truyền thống, bằng cách đặt haggadâh vào cuối cuộc đối chất, hầu nêu bật tính tiệm tiến của cuộc đối chất cho đến câu hỏi cuối cùng của Đức Giêsu (x. c. 42):

1- [K]hokmâh: 22,15-22,

2- Bôrut: 22,23-33;

3- Derek ’erets: 22,34-40,

4- Haggadâh: 22,41-46.

Ba tranh luận đầu được gợi lên bởi ba nhóm đại diện Do Thái giáo chính thức. Họ tìm cách gài bẫy Đức Giêsu bằng chính những lời nói của Người (cc. 15 và 35) về những vấn đề ngày càng thêm quan trọng: nộp thuế cho Xêda, là vấn đề đặt đối lập các nhóm Hêrôđê, Pharisêu và Nhiệt Thành (Quá Khích) với nhau; sự sống lại của kẻ chết, là vấn đề được phái Xađốc đặt ra; điều răn lớn nhất, là mối bận tâm của người Do Thái tuân thủ luật Môsê nghiêm nhặt, tức phái Pharisêu. Các vấn đề ấy được đặt ra cho một vị Rabbi: “Thưa Thầy” (didaskale; x. cc. 15.24.36); đây là danh hiệu cho thấy là họ hiểu Đức Giêsu đứng vào vị trí nào. Nhưng cứ mỗi lần Đức Giêsu lại đưa họ đến một câu hỏi triệt để hơn. Để rồi cuối cùng, Người chủ động đặt rõ ràng cho họ câu hỏi phát sinh do dự hiện diện của Người giữa họ trong Đền Thờ, và như thế Người buộc họ phải lấy lập trường dứt khoát.
 
2.- Bố cục

            Bản văn có thể chia thành ba phần:

            1) Toan tính của các đối thủ của Đức Giêsu (22,15);

            2) Cuộc gặp gỡ với vấn đề nộp thuế cho Xêda (22,16-17);

            3) Câu trả lời của Đức Giêsu (22,18-21):

                     a) lật mặt nạ bằng nhận định mở đầu (c. 18),

                     b) lật mặt nạ bằng cách dùng đồng tiền nộp thuế (cc. 19-21a),

                     c) giáo huấn quan trọng nhất của Đức Kitô: tìm kiếm Thiên Chúa (c. 21b).

Bài đọc phụng vụ bỏ câu kết của cuộc tranh luận (c. 22).
 
3.- Vài điểm chú giải

– Người Pharisêu… người thuộc phe Hêrôđê (1-2): Những người Pharisêu đại diện cho thái độ không khoan nhượng về tôn giáo. Họ nhất định không bỏ mất tự do của Dân Thiên Chúa trước chính quyền Rôma. Còn người thuộc phe Hêrôđê thì ủng hộ Rôma, bởi vì Đế quốc nâng đỡ các tiểu vương xuất thân từ gia đình Hêrôđê Cả.

– Người chân thật… chẳng vị nể ai (16): Đây là hai đòi hỏi mà các kinh sư luôn phải nhớ mà đáp ứng: trung thành với Lề Luật và không cả nể, thiên vị.

– Được phép… hay không (17): “Đưọc phép” (exestin) [và “không được phép”] là công thức  tiêu biểu của TM Mt (12,2.4.10.12; 14,4; 19,3; 20,15; 27,6). Câu hỏi “được phép không?” thường được người tín hữu Do Thái đặt ra cho mình và cho các kinh sư. Tầm mức của câu hỏi có tính quy thần: dưới mắt Thiên Chúa, tức dưới ánh sáng của Lề Luật, có được phép nộp thuế không? Như thế, câu hỏi không được đặt ra trên bình diện Luật dân sự hoặc thời cơ chính trị.

– Nộp thuế (17): Ngoài nhiều khoản thu được bổ cho tất cả các công dân trong Đế quốc (thuế cầu đường, thuế quan…), các tỉnh phải đóng một  thứ cống (Lt. tributum) cho hoàng đế, để bày tỏ sự thuần phục. Người Do Thái rất ghét thứ cống thuế này, còn Nhóm Quá Khích thì buộc phải coi việc từ chối nộp thuế này như một bổn phận tôn giáo.

– Đồng tiền nộp thuế (19): Người Do Thái chỉ có quyền đúc tiền đồng, chứ không được đúc tiền bạc. Như vậy các đồng tiền của họ có giá trị nhỏ nên không được phép dùng để đóng thuế. Họ phải dùng đồng quan (dênarion). Chẳng hạn, đồng quan của hoàng đế Tibêriô có một  bên là hình cái đầu hoàng đế, bên kia là hình bà Livia, mẹ của hoàng đế, được coi như nữ thần hòa bình.
 
4.- Ý nghĩa của bản văn

*  Toan tính của các đối thủ của Đức Giêsu (15)

Câu 15 mở đầu cho toàn phân đoạn (cc. 15-46). Các đối thủ của Đức Giêsu lần lượt xuất hiện: tại Đền Thờ, các thượng tế và kinh sư đã can thiệp (21,15), kế đó là các thượng tế và kỳ mục trong dân (21,23), rồi đến các thượng tế và người Pharisêu (21,45), bây giờ đến lượt những người Pharisêu và những người thuộc phe Hêrôđê (22,15). Sau này những người thuộc nhóm Xađốc cũng đến (22,23), và cuối cùng lại là những người Pharisêu (22,35.41). Họ vẫn chống nhau, nhưng bây giờ họ liên minh với nhau để chống một kẻ thù “chung”.

Hôm nay nhóm Pharisêu nhắm rút được một  tuyên bố (logos) của Đức Giêsu, để lời ấy trở thành một  cái bẫy hại Người. 

* Cuộc gặp gỡ với vấn đề nộp thuế cho Xêda (16-17)

Ở đây những người Pharisêu sai các môn đệ của họ (thật ra người Pharisêu không có môn đệ, mà là các kinh sư) cùng đi với những người thuộc phe Hêrôđê mà gài bẫy Đức Giêsu. Ở Mc 12,14-15, câu hỏi của họ vừa có tính lý thuyết (“có được phép nộp thuế?”) vừa thực tiễn (“chúng tôi có phải nộp thuế?”); ngược lại trong Mt, câu hỏi chỉ có tính lý thuyết (như ở Lc 20,20-26). Thật ra câu hỏi của họ hết sức nham hiểm. Lời đầu tiên họ nói, rất dài, nhắm ru ngủ các nghi ngờ, là một lời khen hết sức giả hình (c. 16: captatio benevolentiae): họ chào Người là “Thầy” (Rabbi); họ đề cao sự chân thành, khả năng, tính chí công vô tư của Người.

Thật ra, Đức Giêsu đúng là như thế, nhưng nơi môi miệng của những sứ giả do người Pharisêu thù nghịch gửi đi, các lời của họ rỗng tuếch và không lương thiện. Từ đó, họ xin Người ban giáo huấn về một vấn đề phức tạp; họ “nhả chất độc ra” (c. 17): một câu hỏi dứt khoát và đột ngột: “có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?”. Nếu trả lời “có”, Đức Giêsu sẽ khiến dân chúng nổi giận, vì Người tỏ ra là người nghiêng theo Đế quốc; và người Pharisêu chẳng bỏ lỡ cơ hội mà đánh đổ tất cả uy tín của Người trước mặt dân chúng. Còn nếu trả lời “không”, Người sẽ bị coi là chống chính quyền Rôma; và phe Hêrôđê có lẽ sẽ là những người đầu tiên tố cáo Người là người muốn phá rối trị an.

Hơn nữa, câu hỏi còn có tầm mức thần học, bởi vì các nhóm Do Thái cực đoan coi việc sử dụng đồng bạc ngoại quốc như một kiểu thờ ngẫu tượng, mà điều răn thứ hai lên án: không được đưa các hình ảnh hoàng đế hoặc các biểu hiệu tượng trưng quyền bính của ông vào Đền Thờ để khỏi làm giảm thiểu vương quyền của Đức Chúa (Yhwh). Khi các tổng trấn (chẳng hạn Philatô) đã tìm cách làm như thế để hạ nhục người Do Thái, các vị này đã gặp phải phản ứng chống đối gay gắt nhất. Những người thuộc Nhóm Quá Khích (Nhiệt Thành) dứt khoát không nhận quyền Hoàng đế nên cũng không đóng thuế. Họ không đặt vấn đề về lý thuyết hay thực hành. Nhưng người Pharisêu thì chọn một  thái độ trung dung; họ đã chấp nhận đóng thuế để đổi lấy tự do tôn giáo. Vậy câu hỏi đặt ra cho Đức Giêsu rất nham hiểm, để Người không có ngõ thoát: “có được nộp thuế hay không?”. Nhưng Đức Giêsu thấy rõ cái bẫy.

* Câu trả lời của Đức Giêsu (18-21)

Trước tiên, Đức Giêsu lật mặt nạ của họ bằng nhận định mở đầu: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ đạo đức giả” (c. 18). Người cho thấy Người không phải là kẻ khù khờ. Họ đã mở đầu câu chuyện rất mềm mỏng (c. 16b) không phải vì họ tha thiết tìm kiếm chân lý của Thiên Chúa, nhưng chỉ vì muốn đưa Người vào thế lưỡng nan, để hại Người. Họ đáng bị gọi là “những kẻ đạo đức giả” theo hai nghĩa: trước tiên, bởi vì họ giả bộ rất quan tâm đến một vấn đề thời sự; kế đó, bởi vì khi sử dụng đồng quan để giao dịch buôn bán, họ đã minh nhiên nhìn nhận quyền của Hoàng đế từ lâu rồi.

Kế đó, dù câu hỏi được đặt ở bình diện lý thuyết, Đức Giêsu đã chuyển sang bình diện thực hành để trả lời (“Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế”, c. 19). Nếu họ cũng như mọi người Do Thái có trong túi các đồng quan Rôma, mặc dù có các hình ảnh và dòng chữ bất kính, ngẫu tượng, điều đó có nghĩa là họ đã có một giải pháp cho vấn đề. Tại sao khi dùng đồng quan ấy (của Đế quốc) mà giao dịch buôn bán thì họ không áy náy bao nhiêu, mà bây giờ “trả về Xêda” (nộp thuế) thì họ lại áy náy đến thế? Nếu có vấn đề ở đây, thì họ đã giải quyết từ lâu rồi: được phép nộp thuế. Trong lãnh vực tiền bạc, họ đã nhìn nhận họ lệ thuộc Xêda.

Nhưng rồi Đức Giêsu đi quá câu hỏi được đặt ra: chỉ có một điều quan trọng nhất, mà họ hoàn toàn có thể làm ngay khi phải sống dưới ách đô hộ, đó là “trả về Thiên Chúa”, điều thuộc về Người (c. 21b). Đây là điều Đức Giêsu đã không ngừng nói đến kể từ khi ra đi hoạt động: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33. Xem Bài giảng trên núi). Khi nói như thế, Đức Giêsu không có ý thiết lập hai trật tự khác nhau là Quốc gia và Hội Thánh như hai điểm quy chiếu khác nhau, cũng không biện minh cho việc quy phục Hoàng đế. Người chỉ muốn đặt các vấn đề vào đúng chỗ của chúng. Thật ra các vấn đề liên hệ đến Hoàng đế chẳng là gì so với các vấn đề liên hệ đến Nước Thiên Chúa. Người ta đã hỏi Đức Giêsu về thuế, chứ không hỏi gì về các đòi hỏi của Thiên Chúa cả. Người không tìm cách tránh né, vì không thể được, nhưng khi trả lời, Người cũng chỉ đặt mỗi chuyện vào đúng chỗ của nó. Các đối thủ chẳng còn biết tiếp tục câu chuyện như thế nào nữa. Các quyền của Hoàng đế đã không bị vi phạm, nhưng các quyền của Thiên Chúa thì đã được khẳng định rất mạnh. Người ta hoàn toàn có thể thỏa mãn các đòi hỏi của Thiên Chúa trong khi vẫn đóng thuế cho Hoàng đế.  

+ Kết luận 

Thật ra, Đức Giêsu không muốn thiết lập hai trật tự khác nhau song song, trong đó Thiên Chúa và Xêda đều là chúa tể; Người cũng không dạy về thái độ tùng phục Hoàng đế. Người chỉ muốn đặt các vấn đề vào đúng vị trí của chúng. Người không phủ nhận rằng cũng có thể có những xung đột, và đôi khi phải chọn lựa (x. Cv 4,18-20). Nhưng Người muốn nói rằng xung đột ấy không có ở chỗ người Pharisêu muốn thấy có. Bởi vì người nào thật sự tùng phục Thiên Chúa và sống trong niềm chờ mong Nước Trời và sự công chính của Thiên Chúa, thì có thể nhìn nhận tính chính đáng cũng như những giới hạn của những quyền của Xêda (x. 1 Pr 2,13-16).
 
5.- Gợi ý suy niệm

1. Chúng ta hoàn toàn có thể lấy lại lời người Pharisêu khen ngợi Đức Giêsu, nhưng gột rửa sạch mọi toan tính giả hình, để thưa với Đức Giêsu. Đức Giêsu đúng là Đấng chân thật: Người không uốn cong các đòi hỏi của chân lý hoặc luật luân lý theo các nhận định về thời cơ hoặc nhằm thành công cho riêng mình. Người chính là Sự Thật (x. Ga 14,6). Đức Giêsu dạy đường lối của Thiên Chúa: đây không phải là Luật Môsê hay sự khôn ngoan loài người của các triết gia và các nhà luân lý; Người là “ánh sáng cho thế gian” dẫn đưa chúng ta (Ga 8,12), để chúng ta khỏi đi trong bóng tối. Người chẳng vị nể ai: Người là Đấng cứu độ mọi người (x. 1 Tm 2,3-6), nên không bận tâm về màu da, chủng tộc, trình độ trí tuệ, hoàn cảnh xã hội của con người (x. Ga 3,28).

2. Thiên Chúa vẫn dành chỗ cho Hoàng đế. Nếu hết lòng với Thiên Chúa, con người có thể và phải chu toàn các quy định của Hoàng đế (chính quyền) trên nhiều lãnh vực, nhưng trọn vẹn bản thân thì thuộc về Thiên Chúa và không được từ chối Người bất cứ điều gì của mình. Thiên Chúa đòi hỏi một điều hoàn toàn khác với việc từ chối nộp thuế cho Xêda, Người đòi hỏi một điều to lớn hơn vô cùng. Người đòi hỏi chính bản thân con người, cách tuyệt đối và trọn vẹn (“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng…”).

3. Quyền dân sự nằm trong bình diện trần thế, là bình diện phải lệ thuộc các thực tại của bình diện tôn giáo. Ở trong bình diện trần thế, Đức Giêsu nhìn nhận rằng việc nộp thuế cho chính quyền Rôma chẳng có gì là vô luân hay phạm thánh cả. Thánh Phaolô có viết: “Anh em nợ ai cái gì, thì hãy trả cho người ta cái đó: nộp sưu cho người đòi sưu, trả thuế cho người đòi thuế, sợ người phải sợ, kính người phải kính” (Rm 13,7). Người Kitô hữu không được viện cớ là mình phải chu toàn các bổn phận tôn giáo để miễn chuẩn các bổn phận đối với quốc gia hoặc trong quốc gia. Chúng ta là công dân Nước Trời (x. Pl 3,19-20), nhưng sống tư cách ấy tại một quê hương trần thế.