Mt 13,44-52: Giá Trị Vô Vong

0
1704


Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.

 
1.- Ngữ cảnh

Diễn từ của Đức Giêsu bằng các dụ ngôn liên hệ đến các khó khăn và những ngờ vực xuất phát từ tình trạng tương phản giữa hoàn cảnh hiện tại và các nỗi chờ mong nhắm đến Nước Trời và Đấng Mêsia. Nếu khi Đức Giêsu xuất hiện, quyền chúa tể của Thiên Chúa cũng bắt đầu được khẳng định, thì tại sao sứ điệp của Người không được mọi người vui mừng đón nhận? Tại sao Thiên Chúa không buộc người ta phải nhìn nhận Ngài bằng một loạt những chiến thắng lẫy lừng? Tại sao Ngài không thiết lập những phân biệt rõ ràng? Trong dụ ngôn Người gieo giống, Đức Giêsu đã cho thấy rằng hạt giống tốt chỉ có thể sinh hoa kết quả trên một mảnh đất tốt, tức là tính hữu hiệu của sứ điệp cốt yếu tùy thuộc những người đón nhận sứ điệp và tùy thuộc cách sống của họ. Với các dụ ngôn Hạt cải và Men, Người cho thấy rằng một khởi đầu bé nhỏ không loại trừ một sức phát triển to lớn và một  khả năng đạt hiệu quả lớn lao. Các dụ ngôn Cỏ lùng giữa lúa tốt và Lưới cá cho thấy rằng vẫn còn tình trạng người tốt kẻ xấu ở bên nhau, nhưng không kéo dài vĩnh viễn. Giá trị cao vời của Nước Trời, niềm vui vô biên đi liền với việc khám phá ra giá trị ấy và sự dấn thân phải có khi đã thuộc về Nước Trời, tất cả những điểm này đều được làm sáng tỏ xuyên qua các dụ ngôn Kho báu và Ngọc quý. Đức Giêsu muốn loại bỏ các hiểu lầm và giúp các thính giả có lối sống thanh thoát thích hợp. 

2.- Bố cục

Có thể chia bản văn thành ba phần: 

1) Ba Dụ ngôn

a) Dụ ngôn 1: Kho báu chôn giấu (13,44),

b) Dụ ngôn 2: Ngọc quý (13,45-46),

c) Dụ ngôn 3: Chiếc lưới (13,47-48).

2) Dụ ngôn Chiếc lưới được giải thích (13,49-50).

3) Hiểu các Dụ ngôn: Dụ ngôn 8 kết luận các Dụ ngôn (13,51-52).
 
Hoặc cũng có thể cho rằng bản văn có năm đơn vị:

1) Dụ ngôn 1: Kho báu chôn giấu (13,44);

2) Dụ ngôn 2: Ngọc quý (13,45-46);

3) Dụ ngôn 3: Chiếc lưới (13,47-48);

4) Dụ ngôn Chiếc lưới được giải thích (13,49-50);

5) Hiểu các Dụ ngôn: Dụ ngôn 8 kết luận các Dụ ngôn (13,51-52). 

3.- Vài điểm chú giải

– Nước Trời giống như một  kho báu (44): Không phải là Nước Trời được ví với một  kho báu, nhưng là “những gì xảy ra” khi một người khám phá ra một kho báu được so sánh với “những gì xảy ra” (hoặc phải xảy ra) khi một người khám phá ra Nước Trời.

– Kho báu chôn giấu trong ruộng (44): Vào thời Thượng Cổ, vì không có hoặc có rất ít nhà băng, hơn nữa Paléttina lại phải chịu nhiều cuộc chiến tranh do vị trí ở giữa Ai Cập và Mêsôpôtamia, người ta giữ của cải an toàn bằng cách chôn xuống đất. Do đó, thỉnh thoảng, có người khám phá ra một  khối của cải chôn dưới đất, chẳng hạn một cái chum chứa những đồng tiền vàng hay các loại đá quý.

– Thương gia (45): Emporos là người buôn bán sỉ, vừa xuất vừa nhập hàng. Vào thời Đức Giêsu, ngọc quý thường được nhập từ Ấn Độ.

– Chiếc lưới (47): Sagênê, “chiếc lưới”, có kích thước dài khoảng 250 đến 450m và rộng khoảng 2m; mỗi đầu có thắt một  sợi dây.

– Thả xuống biển (47): Blêtheisê, động từ ballô ở dạng participe aoriste passif để nói quanh thay tên Thiên Chúa. Động từ với dạng ấy có nghĩa là chiếc lưới đã được thả xuống biển rồi, và do chính Thiên Chúa thả.

– Anh em có hiểu (51): Trong dụ ngôn Người gieo giống, chúng ta đã thấy tầm quan trọng tác giả gán cho động từ “hiểu”. Ở đây, Đức Giêsu hỏi về tất cả những gì Người đã nói bằng dụ ngôn cho đám đông. Câu trả lời thật gọn: “Thưa hiểu (Nai)”. Ngữ cảnh cho thấy là những người trả lời là những môn đệ đã hỏi Đức Giêsu trước đây (x. c. 36). Nhưng khi không nêu ra chủ từ minh nhiên, tác giả Mt muốn ám chỉ bất cứ độc giả nào, bất cứ Kitô hữu nào. Chính câu trả lời này đưa người ta đi từ tình trạng “đám đông” sang tình trạng “môn đệ”.

– Kinh sư (52): Cộng đoàn Mt đã có những định chế (“Nhóm Mười Hai”: 10,1; Phêrô: 16,18-19). Dựa theo bản văn ở đây, rất có thể trong lòng cộng đoàn cũng có các “thầy dạy” được gọi là “kinh sư” vì cộng đoàn vẫn tôn trọng cái gốc Do Thái của mình. 

4.- Ý nghĩa của bản văn

Các câu dẫn nhập 31, 33, 44 và 45 của các dụ ngôn Hạt cải, Men, Kho báu và Ngọc quý và cấu trúc các dụ ngôn rất giống nhau.

* Dụ ngôn 1 và 2: Kho báu chôn giấu và Dụ ngôn Ngọc quý (44-46)

Những gì Đức Giêsu kể về việc khám phá ra kho báu và ngọc quý thật đơn giản và rõ ràng. Rất có thể đây là một người thợ đi cày trong ruộng của người khác và đã khám phá ra một kho tàng gồm các đồng tiền và vật trang sức được chôn trong ruộng. Dĩ nhiên là ông rất vui mừng, vì ông không bao giờ dám mơ tới khối của cải này. Cũng lưu ý là ông tìm ra kho báu không phải như một  phần thưởng cho công lao khó nhọc hay do bác ái. Quan trọng là việc ông sẽ làm bây giờ.

Ông sẵn sàng hy sinh tất cả mọi nguyện vọng và dự phóng cũng như mọi lo toan để thủ đắc cho được thửa ruộng. Cách xử sự của nhân vật này không lương thiện về mặt luân lý, nhưng điều này không làm tác giả bài dụ ngôn phải bận tâm. Đức Giêsu kể lại một hoạt cảnh của đời thường, như sau này Người kể truyện người quản lý bất lương, những người làm vườn nho sát nhân: Người không nhắm tới tính luân lý. Điều này ta thấy rõ nơi truyện người đi săn ngọc quý: không hề có bận tâm gì đến tính luân lý. Trong cả hai trường hợp (khám phá kho báu và tìm được viên ngọc quý), vấn đề được đề cập là khám phá ra và nhận biết ý nghĩa của một thứ có giá trị lớn lao và tuyệt mỹ, và đây là chuyện một người hết sức vui sướng hy sinh tất cả những lợi lộc và vận dụng mọi phương tiện mà thủ đắc một điều gì; “ông bán tất cả những gì mình có” (cc. 44.46). Điểm nhắm của tác giả các dụ ngôn là điểm ấy. Đấy chính là Nước Trời; Nước Trời cao trọng hơn bất cứ tài sản nào.

Trong sứ điệp về Nước Trời, Đức Giêsu loan báo rằng Thiên Chúa Cha đứng về phía chúng ta. Với quyền năng trổi vượt của Ngài, Chúa Cha là Chúa tể độc nhất, Ngài nắm mọi sự trong tay. Mặc dù thế giới đang có những vô trật tự, những sự dữ và những tai họa, Ngài vẫn tốt lành với tất cả chúng ta và muốn ban cho chúng ta được thành công trọn vẹn và hạnh phúc viên mãn trong sự hiệp thông với Ngài. Thực tại này trước tiên phải được khám phá ra và hiểu đúng. Thực tại này chính là một kho báu được chôn giấu; tự nó, nó không buộc ai nhận biết nó cả. Có nhiều thứ khác lôi cuốn hơn nhiều, dường như quan trọng và hứa hẹn hơn nhiều. Chúng ta phải mở lòng mình ra và để mình bị chinh phục bởi sự kiện Thiên Chúa, tình yêu của Ngài đối với chúng ta và sự hiệp thông của chúng ta với Ngài có một giá trị vô song và không bao giờ bị vượt quá. Với sự hiểu biết này, niềm vui gia tăng và đồng thời cũng gia tăng ước muốn được đi vào làm chủ một giá trị như thế.

Kho báu ấy không phải là phần thưởng cho chúng ta. Chúng ta chỉ có thể thủ đắc nó bằng cách vận dụng tất cả sức lực chúng ta. Không phải để tự nhiên mà có sự kiện chúng ta thuộc về Thiên Chúa. Có biết bao ước muốn, mục tiêu, giá trị, nhiệm vụ trong đời sống chúng ta, nhưng chúng ta phải đặt chúng đàng sau để thuộc về Thiên Chúa. Trên tất cả mọi sự, cần phải có sự quy hướng về Thiên Chúa, liên kết với Ngài và chịu trách nhiệm trước mặt Ngài. Tất cả các giá trị khác, như gia đình, nghề nghiệp, địa vị xã hội, của cải, tiện nghi, sức khỏe, lợi lộc, những thú vui… không phải là những giá trị và tiêu chuẩn tối hậu, nhưng phải được đưa vào trong dây liên kết với Thiên Chúa và được cứu xét trước nhan Ngài và theo ý muốn của Ngài. Tất cả tùy thuộc việc thuộc về Thiên Chúa, mà chúng ta chỉ thuộc về Thiên Chúa nhờ luôn ý thức sống trước nhan Ngài. Càng hiểu giá trị của việc thuộc về Thiên Chúa, ta càng sống vui, cho dù có những mệt nhọc, bề bộn với công việc và phải từ bỏ nhiều điều.

* Dụ ngôn 3: Chiếc lưới và Dụ ngôn Chiếc lưới được giải thích (47-50)

Dụ ngôn Chiếc lưới song song với dụ ngôn Lúa tốt vả Cỏ lùng (cc. 24-30.36-43), và nêu lên cũng những vấn đề như nhau. Trong dụ ngôn trước, “cánh đồng” tượng trưng Nước Trời; trong dụ ngôn sau là “chiếc lưới”.

Tại hồ Ghennêxarét, có hơn hai mươi loại cá. Bao lâu cá còn ở trong hồ hoặc ở trong lưới, chúng bơi loạn xạ, lớn nhỏ lẫn lộn, có thứ cá ăn được, có thứ không. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng luôn luôn như thế. Khi lưới được kéo lên bờ, các người dân chài ngồi lựa: cá tốt thì được gom lại, cá xấu thì bị quăng đi. Tư thế “ngồi” của các dân chài có thể khiến nhớ tới tư thế “ngồi” Con Người thẩm phán thế gian (19,28; 25,31; 26,64). Các tính từ “tốt” (kalos) và “xấu” (sapros, “vô ích”) khiến ta nhớ tới hình ảnh các cây với trái của chúng (x. 7,16-20; 12,33), hiểu là các việc làm hoặc lời nói. Bằng dụ ngôn này, Đức Giêsu lại hướng mắt nhìn về cuộc phán xét cuối cùng và về số phận hoàn toàn khác nhau của người tốt và người xấu. Ở đây, trên mặt đất này, dường như chúng ta có quan tâm đến Thiên Chúa hay không, cũng không quan trọng gì; giữa người tốt và người xấu, không hề có sự phân biệt nào. Dường như tốt xấu cũng như nhau. Cộng đoàn Kitô hữu, tượng trưng Nước Trời, là một cộng đoàn đa tạp. Nhưng Đức Giêsu lưu ý chúng ta: Anh em đừng để mình bị lừa! Anh em đừng tưởng rằng mọi sự sẽ cứ như thế mãi! Anh em hãy biết chắc rằng sẽ có một cuộc phân biệt rõ ràng, nên hãy sống hôm nay thế nào để khi đến cuối, anh em được Thiên Chúa đón nhận!

Thật ra, việc Người giảng dạy đã là một  tiên báo về phán xét: Người đang ở tại “hồ” (13,1-2), có một  đám đông “đã tụ họp lại” (“gom cá”) trên bờ, trong khi Đức Giêsu “ngồi” trên thuyền và nói bằng dụ ngôn. Lời nói của Người đã gây ra sự phân biệt giữa dân chúng và các môn đệ. Cuộc phân biệt này báo trước cuộc phán xét sau này. Những gì Đức Giêsu đã gây ra lúc này sẽ được lặp lại vào ngày phán xét. 

Kết luận dụ ngôn Chiếc lưới, tác giả TM I nêu lên một chi tiết tương tự trong dụ ngôn Cỏ lùng: “các thiên sứ sẽ … quăng kẻ xấu vào lò lửa” (x. 13,31). Các Kitô hữu đang đau khổ vì sự hiện diện của những kẻ xấu, tác giả an ủi họ bằng cách cho biết rằng cuộc phán xét cánh chung đã gần kề; cuộc phán xét này sẽ tái lập thế quân bình cho cuộc sống của họ.

* Hiểu các Dụ ngôn: Dụ ngôn 8 kết luận các Dụ ngôn (51-52)

Dụ ngôn Vị kinh sư này là một  câu trả lời cho câu hỏi và lời xin của các môn đệ (cc. 10.36). Họ là những người đã hiểu sứ điệp hàm chứa trong bài giảng của Đức Giêsu. “Hiểu” không chỉ có nghĩa là “nắm được ý nghĩa” mà còn là “chấp nhận”, “làm cho nên hiện thực trong đời sống mình”. Nếu đúng như thế, các môn đệ đã trở thành những người thực sự bước theo Đức Giêsu, họ đã là “con cái Nước Trời” (c. 38). Do đó, họ cũng là những kinh sư mới, những thầy dạy mới trong Nước Trời. Kinh sư Kitô hữu đề nghị cả các chân lý cũ (palaia) lẫn các chân lý mới (kaina) trong giáo huấn của mình. Cũng rất có thể đây là cách tác giả tự giới thiệu về mình.

+ Kết luận

Tất cả các dụ ngôn đều nói với chúng ta về Nước Trời. Chúng đều ưu tiên mạc khải về Đức Giêsu, là biến cố trung tâm của lịch sử, biến cố đánh dấu cuộc gặp gỡ chung kết giữa trời với đất: nơi Đức Giêsu, Nước Trời vĩnh viễn đến gần con người. Các bài dụ ngôn cũng cho thấy rằng việc từ bỏ theo Tin Mừng không phải là phương tiện để đạt tới Nước Trời, nhưng là hậu quả của việc khám phá ra Nước Trời.

Sự lộn xộn và rối loạn thật đáng kể. Có biết bao giá trị và mục tiêu xuất hiện ra như là quan trọng và hứa hẹn cho ta được hạnh phúc. Đức Giêsu đánh tan mây mù và làm sáng tỏ. Người cho thấy điều gì là quan trọng, chúng ta phải vận dụng sức lực quá giới hạn của mình vào chuyện gì. Điều quan trọng là luôn luôn sống với tinh thần trách nhiệm và đặt quan hệ với Thiên Chúa tại trung tâm đời ta. Như thế, chúng ta có thể nhìn về kết cuộc không hề nao núng.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Vấn đề không phải chỉ là dời các giá trị khác ra phía sau để nhường bước cho giá trị lớn là Nước Trời, nhưng là coi mọi sự khác không còn giá trị nữa trước giá trị duy nhất là Nước Trời. Người ta chỉ thật sự là Kitô hữu nếu hiểu rằng Nước Trời là “tất cả” trong cuộc đời, cần thiết hơn cả cơm bánh mỗi ngày. Suy biết như thế là “hoán cải”, thay đổi lòng trí. Nhưng chỉ dừng lại mà chiêm ngắm sự cao cả của Nước Trời thì không đủ, còn cần phải quyết định, phải chọn lựa, phải nỗ lực suốt đời để chiếm lấy giá trị này. Truyện người thanh niên giàu có minh họa rất rõ điểm này (Mt 19,21.27.29).

2. Nước Trời là một  điều thiện hảo được đặt vừa tầm tay mọi người, nhưng không phải là mọi người đều “tìm thấy” Nước Trời bởi vì không phải là mọi người đều đi tìm kiếm Nước Trời. Tìm kiếm là điều kiện thiết yếu để có thể gặp được Nước Trời (x. Mt 10,39; 12,29; 17,14; 18,13). Điều này đúng ngay cho cả bình diện trí thức: khi nghiên cứu, nếu chúng ta không có ý tìm điều gì, thì chúng ta sẽ không thấy các trang sách nói gì cả; chỉ khi nào cố ý tìm một điểm gì đó, chúng ta mới thấy sách có vô vàn gợi ý về điểm đó. Dù vậy, Nước Trời không phải là kết quả đương nhiên của cuộc tìm kiếm, Nước Trời vẫn là một ân ban.

3. Niềm vui là tiêu chuẩn cho thấy người ta đang kinh nghiệm về các giá trị cách sâu sắc. Tôi có thể tự hỏi về niềm vui tôi đã cảm nhận khi nghe được sứ điệp về Nước Trời: tôi có vui mừng không? Các giá trị Nước Trời đã đi vào đời tôi, tôi có cảm thấy vui không? Ai có Thiên Chúa thì có tất cả; Thiên Chúa đủ cho tôi rồi. Tôi có xác tín về điều này chăng?  Do đang còn mang não trạng “thế gian”, do đang lo lắng sợ mất điều gì đó hoặc thiếu điều gì đó, do cứ muốn nắm được mọi sự trong tay, do muốn lên chương trình sống hoàn toàn theo ý mình, chúng ta có thể đang còn vấp phải dữ kiện căn bản này: một  mình Thiên Chúa có thể lấp đầy một con tim hiến dâng trọn vẹn cho Ngài.

4. Cuộc sống con người ở trần gian còn đang ở trong tình trạng tranh tối tranh sáng. Một  ngày nào đó, khi đến ngày phán xét, mọi sự sẽ trở nên sáng tỏ. Rất có thể hôm nay cuộc sống thật của người ta còn đang được che giấu dưới một cái mặt nạ đạo đức, nhưng đến ngày đó, “mặt thật” của con người sẽ lộ rõ: người ta chỉ hoàn toàn là “xấu” nếu tận đáy lòng, người ta chỉ tìm kiếm chính mình, thay vì tìm kiếm một mình Thiên Chúa.