Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.
Câu dẫn nhập ngắn (c. 24a) liên kết dụ ngôn Cỏ lùng (13,24b-30) với hai dụ ngôn tiếp theo (cc. 31a.33a). Chủ đề “gieo giống” cũng là chủ đề của dụ ngôn trước; các từ móc là “gieo” (speirô), “giống” (sperma) và “ruộng” (agros).
Hai dụ ngôn ngắn, Hạt cải và Men (cc. 31-33), đưa chúng ta tới với diễn từ về các dụ ngôn Đức Giêsu giảng cho công chúng. Dụ ngôn Hạt cải, với một câu mở tương tự 13,24, được liên kết với dụ ngôn trước bằng những từ móc “con người” (anthrôpos), “gieo” (speirô), “ruộng” (agros) và “giống” (sperma). Dụ ngôn Men có nhiều điểm khác biệt hơn. Hai dụ ngôn này có bố cục song song trong phần thứ nhất, còn kết luận thì khác nhau.
Các câu 34-35 đưa tới một kết luận cho bài Diễn từ công cộng. Tác giả Mt đưa độc giả trở lại với cc. 2-3 và cc. 10.13. Câu 35b tương ứng với Tv 78,2 LXX, vì có số phức en parabolais (“Mở miệng ra, tôi sẽ kể các dụ ngôn); còn c. 35c không tương ứng với một bản văn Kinh Thánh nào cả và cũng không thuộc ngôn ngữ Mt.
Với c. 36a, chúng ta được đưa trở lại với Mt 13,1-2: thể văn đóng khung. Câu hỏi của các môn đệ kèm theo câu trả lời của Đức Giêsu được đối lại ở c. 51, với câu hỏi của Đức Giêsu và câu trả lời của các môn đệ.
2.- Bố cục
Nếu xác định cấu trúc theo kiểu quen thuộc của Mt, chúng ta có thể cho rằng đoạn văn đọc hôm nay có ba phần A, B và C, với một câu mở và một câu kết như sau:
Mở (13,24a)
A. Các dụ ngôn:
(1) Dụ ngôn 1 : “Cỏ lùng” (13,24b-30):
a) Trình bày sự việc (cc. 24b-26),
b) Mẩu đối thoại giữa chủ nhà và các đầy tớ (cc. 27-30);
(2) Dụ ngôn 2 : “Hạt cải” (13,31-32),
(3) Dụ ngôn 3 : “Men” (13,33);
B. Lý do nói bằng Dụ ngôn (13,34-35);
C. Dụ ngôn Cỏ lùng được giải thích (13,36-42; c. 36 là câu dẫn nhập):
a) Giải thích bài dụ ngôn từng từ một (cc. 37-39),
b) “Bài khải huyền nhỏ” (cc. 40-43);
Kết (13,43).
3.- Vài điểm chú giải
– Cỏ lùng (zizania, 25): Đây là một loại cỏ ăn bám, độc hại. Khắp vùng Trung Đông đầy loại cỏ này. Nó bị coi là một dạng thoái hóa, biến chất, của lúa mì. Trong thân nó, có một thứ nấm thường tiết ra một chất độc.
– Hạt cải (31): Tiếng Hy Lạp là kokkos sinapeôs. Cây sinapi (ta tạm dịch là “cây cải”) là một loại cây rau thông dụng bên Paléttina, có thể cao tới ba hoặc bốn thước, dạng mộc với các cành tỏa rộng. Lá của nó có thể làm rau. Hạt của nó không phải là nhỏ nhất trong các loại hạt (đường kính khoảng 1mm), nhưng nhỏ nhất trong các loại hạt được người ta gieo trồng, được dùng làm mù-tạc, thuốc và thức ăn cho chim. Tục ngữ Do Thái dùng hạt này mà chỉ những gì nhỏ nhất. Sách Mishna coi cây cải đen (brassica nigra) là loại cây trồng ngoài cánh đồng. Nhưng tại Paléttina và nhiều nơi khác, người ta trồng trong vườn nhà.
– Nó trở thành cây to (32): Trong Cựu Ước, cây cho đàn chim trú ngụ là một hình ảnh quen thuộc để diễn tả một vương quốc hùng mạnh đảm bảo che chở các thần dân (x. Ed 17,23; 31,6; Đn 4,9; 11,18). Trong nền văn chương khải huyền, kinh sư hoặc targum, “chim” tượng trưng các dân ngoại đang kéo đến thật đông. Ở đây, Mt nêu bật đặc tính cánh chung của dụ ngôn khi phóng đại kích thước của cây rau thành “một cây to”.
– Chim trời tới làm tổ trên cành (32): Chi tiết này không phải là không thể xảy ra, bởi vì chim chóc thích ăn hạt cải.
– Vùi vào (33): dịch sát là “giấu trong” (enekrypsen). Động từ này đi với văn cảnh (x. cc. 35.44)
– Ba thúng bột (33): “Thúng” là từ được chọn để dịch từ saton Hy Lạp. Saton là một đơn vị đo lường ngũ cốc và bột, tương đương với 13-15 lít. Đây là một lượng bột lớn, khi đã dậy men thì có thể làm ra bánh cho khoảng 150 người ăn. Mt nhấn mạnh đến tính hữu hiệu của men.
– Công bố (35): Động từ “công bố”, ereugomai, hiếm khi được dùng. Nghĩa chữ là “mạc khải”, nhưng cũng có thể là “gây ồn ào”, “thốt ra”, “diễn tả”.
– Các gương mù gương xấu (40): Trong Kinh Thánh, skandala nhắm đến những sự vật chứ không nhắm đến những con người (x. Mt 18,6-7). Đây là những điều làm cho người khác “vấp”, nghĩa là không đi vững vàng trong đường lối Thiên Chúa.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Nhìn vào cuộc sống, ta thấy Thiên Chúa ở trong tình trạng ẩn mình, Ngài không can thiệp cách rõ ràng hiển nhiên. Người ta có thể sống không cần và còn chống lại Ngài mà dường như chẳng phải chịu hậu quả gì. Ngài biến mất hoàn toàn đàng sau các thế lực và các quyền hành đang thống trị sân khấu thế giới và đang can thiệp vào trong đời sống chúng ta cách quyết liệt. Tất cả tình trạng này vẫn là một chướng kỳ khiến con người khó mà coi trọng Thiên Chúa và tin cậy nơi Ngài. Điều này cũng đúng cho bản thân và công trình của Đức Giêsu, đúng cho cả cộng đoàn các tín hữu là Hội Thánh. Do bản tính, chúng ta hướng về sự to lớn, sức mạnh, sự hào nhoáng, sự hiển nhiên, sự cao cả, chứ chúng ta không nghiêng về sự chờ đợi, sự kiên trì nhẫn nại. Các giáo huấn của Đức Giêsu hôm nay giúp chúng ta suy nghĩ lại cách suy tưởng và xử sự của chúng ta.
Đức Giêsu đến không như một nhà chiến thắng oai hùng, có sức thuyết phục và thống trị mọi người. Con đường Người theo và công trình của Người gây nhiều mệt nhọc. Cái chết của Người trong tình trạng bất lực và bị bỏ rơi dường như cung cấp một dấu chỉ rõ ràng cho thấy Người không đáng giá gì và ta không thể tin cậy nơi Người.
Đức Giêsu biết hoàn cảnh khó chịu này, nhưng Người không thay đổi cách xử sự: Người là và vẫn là Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người (x. Ga 1,14), Người đã đi vào trong tình trạng lệ thuộc, yếu đuối và mỏng dòn của cuộc sống con người. Người vẫn là Người Tôi Tớ của Thiên Chúa, không gây ồn ào, không tỏ ra hào nhoáng (x. Mt 12,15-21).
* Dụ ngôn 1 : “Cỏ lùng” (24-30)
Tuy nhiên, Đức Giêsu cũng muốn giúp chúng ta hiểu đúng đắn hoàn cảnh này và ngăn cản chúng ta rút ra những kết luận vội vã. Chúng ta không được chỉ nhìn vào ngày hôm nay, và khép mình lại trong khoảnh khắc hiện tại. Dụ ngôn Cỏ lùng có mục đích ấy.
Dụ ngôn Cỏ lùng là một tấn kịch có hai cảnh. Cảnh thứ nhất diễn ra hai nhân vật và hành động đối lập: Trên cùng một mảnh đất, ông chủ và kẻ thù đã gieo hai loại giống khác nhau, lúa tốt và cỏ lùng là loại cỏ ăn hại. Cảnh thứ hai mở ra với sự can thiệp của các đầy tớ: Họ hỏi một câu hỏi thừa là chẳng lẽ ông chủ lại không gieo giống tốt, mà như vậy thì do đâu có cỏ lùng. Câu hỏi không cần thiết, nhất là bởi vì họ không hỏi vì sao có quá nhiều cỏ lùng như thế. Có ai lại ngạc nhiên khi thấy trong một thửa ruộng xuất hiện thứ cỏ không thể tránh được?
Câu trả lời của ông chủ thật đáng ngạc nhiên. Ông biết rõ ràng là kẻ thù đã làm điều đó. Tuy nhiên, có kẻ thù nào lại có ý tưởng đó và lại có đủ hạt giống cỏ lùng mà gieo ngay trong đêm như thế! Nếu họ lén lút gặt lúa chín hoặc đốt cánh đồng, thì còn dễ hiểu hơn. Đàng khác, gợi ý của các đầy tớ là nhổ cỏ lùng cũng dễ hiểu, vì người ta vẫn làm như thế. Vậy mà ông chủ lại không đồng ý, ông bảo: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt” (c. 30). Như thế, bài dụ ngôn không muốn mô tả cách làm ruộng thông thường.
Mọi chuyện trở nên rõ ràng khi đến cuối. Các thợ gặt, chứ không phải là các đầy tớ đã đến hỏi, trước tiên sẽ thu gom cỏ lùng, bó thành bó mà đốt đi. Thông thường người ta làm cách khác: cỏ lùng chưa được nhổ đi sẽ bị thợ gặt quẳng trên đất, sau đó được thu gom lại cho gà ăn hoặc để đốt đi.
* Dụ ngôn 2 : “Hạt cải” (31-32)
Bằng dụ ngôn tiếp theo, Đức Giêsu mời độc giả quan tâm đến sự tương phản giữa hạt cải lúc đầu và cây to ở hồi kết thúc. Hạt cải là một thứ bé nhỏ và không đáng ai để ý, nhưng sẽ không cứ ở trong tình trạng nhỏ bé mãi; nó sẽ phát triển nhiều và mọi người phải nhìn nhận nó. Một chi tiết lạ: người nọ gieo “(chỉ) một ” hạt cải trong ruộng/cánh đồng. Hẳn chúng ta nhớ lại bài dụ ngôn trước (13,24), nhưng ở đây rõ ràng không phải là vấn đề gieo và gặt, mà là vấn đề đặc tính của cây cải mà Đức Giêsu muốn vận dụng để giới thiệu Nước Trời.
Chuyện xảy ra cho Nước Trời cũng như vậy: khởi đầu trong tình trạng bé nhỏ, khiêm tốn; nhưng kết cuộc sẽ là một kết quả đầy sức thuyết phục. Dụ ngôn này là một lời “loan báo” đầy sức an ủi và khích lệ cho những ai chưa thấy các nỗi niềm chờ mong thiên sai được thể hiện nơi công trình của Đức Kitô.
* Dụ ngôn 3 : “Men” (33)
Dụ ngôn về men lấy lại bài học của dụ ngôn trên. Hình ảnh “men” lấy từ nhà bếp. Bà nội trợ có thể mua men hoặc tự làm lấy. Đây là sự tương phản giữa phần khởi đầu nhỏ bé và khối lượng bột to lớn ở cuối. Khởi đầu với một chút men, không mấy ai để ý; nhưng trong đó đã chứa đựng tất cả sức bung mở trong tương lai. Như men đã được “giấu ẩn” trong bột, Nước Thiên Chúa lúc khởi đầu là một thực tại không ai thấy; chỉ sang giai đoạn thứ hai, ta mới thấy được sức mạnh của chút men ấy. Sự nhỏ nhoi khiêm tốn của chút men khiến làm ta không ngờ tới tác động của nó trên khối bột; đó cũng sẽ là tác động của Nước Thiên Chúa trong lòng nhân loại. Cũng như tình trạng nhỏ bé là một điều kiện quan trọng để hạt cải phát triển (c. 31), tình trạng giấu ẩn, hòa trộn với bột là điều kiện thiết yếu để cho men có thể tác động.
Động tác “vùi” (“giấu”) men vào trong bột hẳn muốn gợi ý đến tình trạng ẩn giấu của chân lý. Tình trạng ẩn giấu của sự thật trong các dụ ngôn (c. 35) và tình trạng ẩn giấu của kho báu trong ruộng (c. 44) tương ứng với men bị “vùi/giấu”. Hội Thánh có nhiệm vụ vén mở cho thấy chân lý giấu ẩn bằng lời nói và việc làm (10,26-27; x. 5,13-16). Khi làm như thế, Hội Thánh làm cho thế giới “dậy men”.
* Tại sao nói bằng Dụ ngôn? (34-35)
Tác giả Mt cắt ngang diễn từ các dụ ngôn bằng cách đưa vào một “bản tóm tắt” hoạt động rao giảng của Đức Giêsu. “Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn” (c. 34). Câu văn này được TM Mc dùng để kết thúc “phân đoạn” các dụ ngôn (x. Mc 4,33-34); được đưa vào trong văn cảnh Mt, ta không hiểu rõ lý do bao nhiêu. Rất có thể tác giả Mt đưa câu ấy vào đây để ngưng một chút trong diễn từ dài về các dụ ngôn và để đào sâu những nguyên do thần học đã đưa Đức Giêsu đến chỗ chuộng ngôn ngữ dụ ngôn hơn là ngôn ngữ thông thường (x. c. 11). Sau đó, câu 35 với hai vế song song (c. 35b và 35c) giúp hiểu rằng mục đích của Đức Giêsu là trình bày những gì dược giấu kín. Cũng như ở 13,14-15, ở đây lại xuất hiện mối bận tâm biện giáo của Mt, đó là xác nhận thể văn dụ ngôn bằng một chứng từ Kinh Thánh. Lần này ngài trích Tv 78,2, trong đó mầu nhiệm tạo dựng được kể dưới dạng các câu bí hiểm. Tác giả Mt coi mọi bản văn Kinh Thánh Cựu Ước có một giá trị ngôn sứ. Rõ ràng Kinh Thánh đã tiên báo là Đấng Mêsia sẽ nói bằng dụ ngôn! Tuy nhiên, dân chúng lại không hiểu những gì Người đã nói. Chỉ các môn đệ mới hiểu, nên bây giờ Người rút về nhà với các ông. Thật ra, dụ ngôn Men là dụ ngôn cuối cùng Đức Giêsu công bố từ trên thuyền cho dân chúng, rồi sau đó Người về nhà và tiếp tục bài giảng với các môn đệ (c. 36).
Vậy dân chúng ở lại bên ngoài. Họ đã làm điều gì xấu khiến Đức Giêsu phải quay lưng lại với họ như thế? Dựa theo ngữ cảnh của Mt 13, thì chúng ta phải nói: họ không làm gì xấu cả. Đây là cách tác giả báo trước những điều sẽ xảy ra trong cuộc sống tương lai của Đức Giêsu. Dân chúng sẽ đưa Đức Giêsu đến thập giá, có nghĩa là họ sẽ liên tục loại trừ các sứ giả cho đến khi loại được cả vị Sứ Giả tối cao.
* Dụ ngôn Cỏ lùng được giải thích (36-43)
Đức Giêsu bỏ đám đông đang nghe Người tại điểm này và cùng với các môn đệ về nhà, nơi xuất phát (x. 13,1). Nay Người giảng dạy cho các môn đệ. Đời môn đệ là như vậy: suốt đời, họ phải học với “vị thầy duy nhất” là Đức Giêsu (x. 23,8). Tác giả gọi bài này là “dụ ngôn các Cỏ lùng trong ruộng” (hê parabolê tôn zizaniôn tou agrou) vì bài học nhắm vào điểm này.
Đức Giêsu đã giải nghĩa từng hình ảnh một . Danh mục ở cc. 37-39 chuẩn bị cho phần áp dụng ở cc. 40-43. Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Đến c. 41, ta thấy Con Người chính là vị Thẩm phán trần gian. Người nắm trong tay không những công việc gieo giống, mà cả việc thu hoạch và như thế là toàn thể lịch sử thế giới. Trong TM Mt, Con Người là Chúa tể xét xử, Người tháp tùng Hội Thánh suốt hành trình xuyên qua tình trạng cô đơn, đau khổ, để đi đến sự sống lại. Ruộng là thế gian (chứ không phải là Hội Thánh; Hội Thánh luôn hiện hữu chỉ trong sứ mạng truyền giáo cho thế gian). Hạt giống tốt là con cái Nước Trời (x. 8,12). Chúng ta không biết chính xác “con cái Nước Trời” là ai, nhưng toàn thể TM I cho thấy làm thế nào, thay vì dân Israel, “Dân ngoại” (ethnê) mang hoa trái (x. 21,43) sẽ trở thành “con cái Nước Trời”. Các cỏ lùng là “con cái Ác Thần”. Kẻ thù là ma quỷ, nó vẫn đang hoạt động, như ở 13,19, trong lúc này. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần của cuộc phán xét.
Sau những giải thích chuẩn bị, bây giờ tác giả Mt diễn tả mối quan tâm của ngài; ngài nhấn mạnh trên khía cạnh tiêu cực. Cũng như chủ nhà sẽ thu gom cỏ lùng lại vào lúc gặt và “lấy lửa đốt đi” (x. 3,12), chuyện cũng sẽ xảy ra như thế cho các con cái Ác Thần vào lúc tận thế. Ở đây, trên mặt đất này, các sự việc “trộn lẫn” với nhau: bên cạnh những người tốt, có những kẻ xấu. Sự gần kề này là một chướng kỳ. Các môn đệ trong nhà phải để ý đừng thuộc về “những kẻ làm gương mù gương xấu” (skandala) và “những kẻ làm điều gian ác” (anomia), đang có cả ở bên trong lẫn bên ngoài Hội Thánh.
Thiên Chúa lại không phải can thiệp, ngăn cản những kẻ xấu hành động và chặn đứng tất cả những lối xử sự bất công của họ sao? Đây lại không phải là nhiệm vụ của Đấng Mêsia: tách biệt người lành kẻ dữ và thiết lập những tương quan vĩnh viễn trong sáng sao (x. 3,12)? Chúng ta nhớ đến phản ứng của Giacôbê và Gioan khi cả nhóm không được một làng Samari tiếp đón: “Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?” (Lc 9,54). Đức Giêsu dùng dụ ngôn để dạy cho loài người chúng ta biết chấp nhận hoàn cảnh pha trộn này. Người không có nhiệm vụ chia cắt rõ ràng và vĩnh viễn người lành với người dữ. Người quy tụ các môn đệ quanh Người và dạy cho họ biết con đường của Người; như Người, cả họ nữa, họ cũng phải rảo qua con đường ấy trong thế giới này.
Nếu trong cuộc sống trần thế này, vẫn còn tình trạng gần kề, chưa tách biệt, điều đó không có nghĩa là hoàn cảnh này sẽ kéo dài mãi, là làm tốt làm xấu thì cũng như nhau! Đức Giêsu cho biết, số phận của người lành kẻ dữ sau này sẽ hoàn toàn khác nhau. Những người tốt, vì đã ra sức thi hành ý muốn của Thiên Chúa, sẽ được đón vào trong Nước Trời và thuộc về gia đình Thiên Chúa, sẽ được Ngài nhìn nhận là con cái (x. 5,9). Họ sẽ được sống trong ánh sáng và niềm vui chan hòa; chính họ cũng sẽ chói chan hạnh phúc. Những kẻ khác, vì đã không quan tâm đến thánh ý Thiên Chúa, đã đi theo tính ích kỷ và còn muốn lôi kéo người thân cận theo, sẽ bị loại khỏi cộng đoàn này.
+ Kết luận
Xuyên qua hình ảnh cỏ lùng, Đức Giêsu nói lên sự kiên nhẫn của Thiên Chúa đối với loài người: về phương diện thực vật, cỏ lùng không thể biến thành lúa tốt, nhưng trên bình diện thiêng liêng, kẻ xấu có thể trở thành người tốt, nếu họ được người khác nêu gương sáng, tác động để họ biết vận dụng những ơn lành Thiên Chúa vẫn ban cho họ.
Xuyên qua hình ảnh hạt cải và nắm men, Đức Giêsu cho thấy rằng một tình trạng khởi đầu không nổi rõ không có nghĩa là kết thúc cũng như thế. Chỉ đến cuối, khi cây cải đã lớn lên và bột đã dậy men, người ta mới biết có cái gì ẩn giấu trong hạt cải và men. Cũng thế, Nước Trời (Thiên Chúa) trên mặt đất đang hiện diện, không viên mãn và xán lạn, nhưng trong sức mạnh dồi dào, và sẽ tỏ rõ ra vào lúc kết thúc. Vậy, ai ước ao thuộc về Đức Kitô, cần phải có một tầm nhìn rộng rãi và kiên nhẫn.
Như vậy, Nước Thiên Chúa đã khởi sự với công việc loan báo Tin Mừng, nhưng tình trạng hiện nay còn rất khiêm tốn (chưa đủ thuyết phục) và không rõ ràng (người tốt kẻ xấu đang lớn lên với nhau). Chỉ sau khi đã trải qua một hành trình dài, trong tình trạng tranh tối tranh sáng, Nước Thiên Chúa mới tỏ hiện rõ ràng là một cuộc quy tụ toàn thể vũ trụ vào sống trong bình an của Thiên Chúa.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Phương pháp làm việc của con người và Thiên Chúa thật khác nhau. Tiêu chuẩn các đầy tớ nêu ra diễn tả một khát vọng vẫn dày vò các người của Thiên Chúa, như Giêrêmia, Gióp, những người nghèo của Đức Chúa. Gioan Tẩy Giả cũng đã chia sẻ mối bận tâm ấy khi giới thiệu Đấng Mêsia đến sẽ làm việc quyết liệt: như rìu đã đặt sẵn nơi gốc cây (x. Mt 3,10), như nia đã sẵn sàng để rê lúa (x. Mt 3,11; Lc 3,17); một phép rửa trong lửa đang chờ đợi mọi người (x. Mt 3,11; Lc 3,16). Người ta cũng tạo lập những nhóm “những người hoàn hảo” tách khỏi những người khác: đó là những người Pharisêu, “những người tách biệt”, và những người Exêni ở Qumrân, “các con cái ánh sáng”, “những người công chính”. Đây chính là những đầy tớ của ông chủ trong dụ ngôn. Tuy nhiên, vì có hiểu biết và kiên nhẫn vô biên, Thiên Chúa đã và vẫn xử sự cách khác.
2. Thiên Chúa không muốn triệt tiêu sự dữ, nghĩa là những kẻ dữ, nhưng muốn họ sống còn và sống chung với những người tốt. Hẳn là Ngài hiểu tính hợp lý trong đề nghị của các đầy tớ, nhưng Ngài đã phải xử sự ngược đời, là vì cỏ lùng sống đan quyện với lúa tốt, nên nếu nhổ cỏ lùng, thì khó tránh được chuyện nhổ cả lúa tốt. Với lại, nếu cỏ lùng không thể thành lúa tốt (về thực vật học), kẻ xấu lại có thể trở thành người tốt (trong đời sống thiêng liêng). Sự hiểu biết và kiên nhẫn của Thiên Chúa là nhằm cứu độ mọi người. Đàng khác, sự xấu và sự thiện đan quyện với nhau tinh vi đến nỗi không dễ gì mà phân tách ra. Thật ra không phải là với những cuộc tiêu diệt mà người ta xây dựng được Nước Thiên Chúa, nhưng là với sự kiên nhẫn và tin tưởng.
3. Những gì mà loài người thấy như là một chướng kỳ thật ra lại là một điềubí nhiệm nằm trong chương trình Thiên Chúa: sự bé bỏng và yếu đuối không gây phương hại mà đúng hơn lại tạo điều kiện cho thành công tương lai. Nếu Nước Thiên Chúa trở thành một định chế tự thỏa mãn về mình và hết là một hạt cải, thì Nước ấy thiếu mất điều kiện tăng trưởng. Chỉ khi biết mình yếu đuối, con người cậy dựa vào Thiên Chúa, con người mới nên mạnh mẽ (x. 2 Cr 12,9). Các tín hữu cần phải bỏ các điểm tựa và các duyên cớ trần tục, trở thành nghèo khó, khiêm nhường, yếu đuối, để Họi Thánh có được những đặc tính như Đấng Sáng Lập thần linh muốn cho có.
4. Dụ ngôn Men trong bột khiến chúng ta nhớ đến một phương pháp mục vụ mà các sứ giả Tin Mừng đều nhớ: họ được đề nghị sống âm thầm, khiêm tốn, nhỏ bé, để có thể chuyển sức mạnh Tin Mừng vào trong lòng thế giới và biến đổi thế giới từ bên trong. Một tư tưởng khác đến từ thư 1 Pr 1,1: “Tôi là Phêrô, Tông Đồ của Đức Giêsu Kitô, kính gửi những người được Thiên Chúa kén chọn, những khách lữ hành đang sống tản mác trong các xứ”. Các Kitô hữu sống tản mác, sống tình trạng diaspora. Trong tiếng Hy Lạp, diaspora là hành động gieo hạt: Vậy các Kitô hữu là hạt giống Thiên Chúa gieo vào trong thế giới, để cuối cùng toàn thế giới trở thành một cánh đồng của Thiên Chúa, mang những hoa quả tốt lành.