Một Thoáng Mùa Vọng

0
589


Fr. Joseph Nguyễn Hiển, OP.

Việc cử hành trọng thể adventus Domini (Chúa đến) lan rộng nhanh chóng và có sự tương hỗ giữa Đông phương và Tây phương. Đối với thánh Augustin, việc cử hành này như là một dấu chỉ của sự duy nhất của Đức tin trong Giáo hội hoàn cầu[1]. Ngày nay, khi nói đến Mùa Vọng, chúng ta hiểu đó là thời gian chuẩn bị và đợi chờ trong niềm vui về ngày sinh nhật Đức Giêsu và đó là thời gian khởi đầu của Năm Phụng vụ mới của Giáo hội Công giáo nghi thức Roma.

I. SỰ XUẤT HIỆN CỦA THIÊN CHÚA

Hạn từ Hy lạp “ parousia ” được dùng trong những thế kỷ đầu của Giáo hội được dịch sang tiếng latin là “ adventus ” nhằm nói đến sự đến của ai đó hay ai đó sẽ đến. Hạn từ này được dịch ra tiếng Việt là Mùa Vọng. Trong ngôn ngữ Kitô giáo, adventus nói trước tiên về mầu nhiệm Nhập thể của Thiên Chúa. Mùa Vọng được đặt chung trong chu kỳ của lễ Noël, ý nói đặc biệt đến việc chuẩn bị cho lễ đón Chúa đến (praeparatio adventus Domini)[2].

II. MÙA VỌNG KHỞI ĐẦU MỘT NĂM PHỤNG VỤ MỚI

Khởi đầu của Mùa Vọng luôn rơi vào Chúa nhật gần nhất với lễ thánh Andre tông đồ, ngày 30 tháng 11 và được kết thúc vào ngày 25 tháng 12, ngày lễ Giáng Sinh. Mùa Vọng là sự đợi chờ trong niềm vui về sự giáng sinh của Thiên Chúa : adventus Domini, được thực hiện cả trong khía cạnh lịch sử và trong ơn cứu độ : sự xuất hiện của Thiên Chúa trong thân xác phàm nhân, và vì thế, năm phụng vụ mới được bắt đầu.

Những bài đọc của Mùa Vọng xoay quanh chủ để xuất hiện một hài nhi và sự canh tân sám hối. Bài đọc Chúa nhật thứ nhất nói về sự viễn mãn của thời gian. Những Chúa nhật tiếp theo 2 và 3 làm vang vọng tiếng mời gọi của ngôn sứ Gioan Baotixita về việc chuẩn bị “ con đường của Thiên Chúa ”. Chúa nhật thứ 4 đề cập tới biến cố Truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria (năm B), cho thánh Giuse (năm A) hoặc về cuộc thăm viếng của Đức Maria đến nhà bà Elisabeth (năm C)[3].

III. NGUỒN GỐC

Đã từ thế kỷ IV, Mùa Vọng là một thời gian phụng vụ. Công đồng Saragose năm 380 đã mời gọi các tín hữu cần để ý đến thời gian này của Giáo hội, đặc biệt từ ngày 17 tháng 12 đến lễ Hiển Linh : những chay tịnh, cầu nguyện và tụ họp cầu nguyện là những khiá cạnh đầu tiên của việc chuẩn bị lễ Giáng Sinh. Vào thời kỳ này, người ta thực hành trước lễ Noël một thời gian chay tịnh và cầu nguyện. Dom P. Guéranger trong L’Année liturgique (Năm Phụng vụ)[4], tường thuật lại những ghi nhận của thánh Grégoire de Tours, trong quyển thứ 2 Histoire des Francs rằng, thánh Perpetuus (+ 490), vị tiền nhiệm của ngài khoảng năm 480 đã truyền cho các tín hữu ăn chay 3 lần trong tuần, bắt đầu từ lễ thánh Martin de Tours cho đến lễ Noël. Chúng ta cũng đọc thấy trong canon thứ 9 của Công đồng Mâcon năm 582 chỉ định về ăn chay trong mùa Noël bắt đầu từ lễ thánh Martin de Tours cho tới Noël trong các ngày thứ 2 thứ 4 và thứ 6. Một vài năm trước đó tại Công đồng Tours lần thứ 2 năm 567, chỉ định cho các thầy dòng thực hành ăn chay từ đầu tháng 12 cho đến lễ Noël. Việc thực hành này nhanh chóng được mở rộng thành 40 ngày trọn cho cả các tín hữu và được gọi là Chay của thánh Martin[5]. Sau này, thời gian bốn mươi ngày từ lễ thánh Martin đến Noël được giảm xuống còn bốn tuần. Điều này đã xảy ra vào thế kỷ thứ VI, dưới triều đại Đức Giáo Hoàng Grégoire Cả ở Roma[6]. Người ta chuẩn bị lễ Noël trong bốn tuần và được coi như một “ mùa chay của Noël ”. Việc chay tịnh này được lan rộng nhanh chóng ở Anh Quốc, Italia, Đức và Tây Ban Nha…

Những Chúa nhật của Mùa Vọng được tập trung vào việc tưởng nhớ trong niềm vui về sự giáng sinh của Đức Giêsu vào ngày 25 tháng 12. Tuy nhiên, chủ đề sám hối vốn rõ ràng trước đây thì ngày nay bị mờ nhạt đi.

Công đồng Vatican II coi Mùa Vọng thuộc về thời gian tưởng niệm mầu nhiệm Đức Kitô trong công trình cứu chuộc của Thiên Chúa đối với con người : “Giáo Hội còn phô diễn trọn mầu nhiệm Chúa Kitô qua chu kỳ một năm, từ Nhập Thể, Giáng Sinh, đến Thăng Thiên, Hiện Xuống, cùng với sự mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày Chúa lại đến ” (Hiến chế về Phụng vụ 102).

IV. NÉT TRUYỀN THỐNG TRONG MÙA VỌNG

Điểm chính yếu của Mùa Vọng là sự đợi chờ. Điều này được diễn ra trong từng giai đoạn.

Một trong những truyền thống được biết nhiều nhất đó là việc thắp sáng những ngọn nến (thường là 4 cây nến) trong một vòng cây được bện bằng một loại lá cây xanh : chẳng hạn lá cây sapin hay thiên tuế, được gọi là nguyệt quế Mùa Vọng và được đặt trong rất nhiều nhà thờ và cả trong các gia đình. Thói quen này phát triển nơi anh em Tin lành Luther ở Đức vào thế kỷ XVI. Một cách gián tiếp, truyền thống này lan truyền sang Bắc Mỹ bởi những người lưu vong từ Đức, và đã thâm nhập vào thế giới kitô giáo từ năm 1950. Vòng nguyệt quế bằng các lá cây và trang hoàng các dây rubans được treo trước các cửa nhà nhằm bày tỏ ý nghĩa của sự bình an và tiếp đón. Tập tục này phát xuất từ các quốc gia anglo-saxons.

Chúa nhật thứ nhất, sau lời chúc lành cho vòng nguyệt quế, một lời cầu nguyện được đọc lên và một cây nến được thắp sáng. Phần cử hành này được lập lại trong 3 Chúa nhật tiếp theo. Vòng nguyệt quế là biểu tượng chiến thắng và vinh quang ; nó nhắc nhở rằng ánh sáng đã chiến thắng bóng tối. Đức Giêsu Kitô đến viếng thăm chúng ta.

Từ Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng, trong mỗi gia đình, những đứa trẻ được mời gọi làm những cái nôi hàm ý nói đến sự hiện của Giáng Sinh. Mỗi tối, tất cả gia đình sẽ tụ họp chung quanh cai nôi này, có Đức Maria và Thánh Giuse đang đợi chờ Hài Nhi Giêsu và đọc những lời cầu nguyện.
 

Viết theo:

1.- Chavasse Antoine, Le sacramentaire Gélasien, Paris, Tournai, Desclée & C°, 1958.

2.- Guide des traditions et coutumes catholiques, Paris, Bayard, 2004.

3.- Guéranger dom Prosper, L’année liturgique, Le Mans, Fleuriot, 1841.

4.- Hild dom Jean, “ L’Avent ”, La Maison-Dieu 59, 1959, p. 10-24.

5.- Jounel Pierre, “ l’Année ” dans A.G. Martimort, L’Eglise en prière, vol 4 : “ la liturgie et le temps ”, nouvelle édition, Paris, Desclée, 1983, p. 104-111.

6.- Saint Hilaire de Potiers, trong tác phẩm Traité des mystères, Paris, Cerf, coll. “ Source chrétienne ” 19, 1947

 

[1] Xem thánh Augustin, Sermon 202, (PL 38, 1033).
[2] Chúng ta tìm thấy lần đầu tiên cụm từ Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị đón Chúa đến « praeparatio adventus Domini » trong bản văn của Amalaire de Metz ở thế kỷ thứ 9. Xem trong PL, 105, p. 1218.
[3] Xem Pierre Jounel, « l’année », dans A.G. Martimort, L’Eglise en prière, vol 4 : « La liturgie et le temps », nouvelle édition, Paris, Desclée, 1983, p. 104-111.
[4] Dom Prosper Guéranger, L’année liturgique, Le Mans, Fleuriot, 1841.
[5] Những việc ăn chay trong Mùa Vọng được khởi đầu ở Gaules và ở Tây Ban Nha từ thế kỷ thứ 4. Ở Pháp, dấu vết này được tìm thấy trong chứng tá thánh Hilaire de Potiers, trong tác phẩm Traité des mystères, Paris, Cerf, coll. « Source chrétienne » 19, 1947, p. 64-68.
[6] Antoine Chavasse, Le sacramentaire Gélasien, Paris, Tournai, Desclée & C°, 1958, p. 414.