Một Nguyên Nhân Mới Cho Tiến Trình Phong Thánh

0
544


Học Viện Đa Minh

 

Ngày 11 tháng 7 năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tự sắc Maiorem hac dilectionem mở thêm một con đường mới cho tiến trình phong thánh. Cho đến nay, có hai con đường chính để mở hồ sơ phong thánh, đó là: tử đạo; thực hành nhân đức anh hùng; bây giờ thêm một con đường nữa là hiến dâng mạng sống mình cho tha nhân, sẵn sàng đón nhận cái chết chắc chắn vì muốn theo gương Chúa Giêsu, Đấng đã trao hiến mạng sống mình cho chúng ta.

1/ Con đường tử vì đạo là bằng chứng cao cả nhất của việc bắt chước Chúa Kitô. Thủ tục phong thánh đòi hỏi: a) Nạn nhân tự tình chấp nhận cái chết vì Chúa Giêsu. b) Nạn nhân bị sát hại bởi người căm thù đức tin (odium fidei) hoặc một nhân đức Kitô giáo. 3/ Nạn nhân tha thứ cho kẻ sát hại mình, theo gương Chúa Giêsu.

2/ Con đường thực hành nhân đức anh hùng đòi hỏi sống các nhân đức hướng Chúa (tin cậy mến) cũng như các nhân đức nhân bản (khôn ngoan, công bình, hùng mạnh, tiết độ) và các nhân đức tùy thuộc (khó nghèo, vâng phục, khiết tịnh, khiêm nhường) “cách nhanh nhẹn, dễ dàng và lạ thường” trong một thời gian dài (thường tối thiểu là 10 năm), cho thấy một lối sống phù hợp với Tin mừng.

3/ Tuy nhiên, còn một con đường khác nữa cho đến nay chưa được nhìn nhận: đó là những người, theo gương Chúa Giêsu, đã dâng hiến mạng sống vì anh em. Trường hợp này có phần giống với các vụ tử đạo, nhưng không có kẻ sát hại (tự nguyện chấp nhận cái chết). Nó cũng giống phần nào với việc thực hành các nhân đức anh hùng, nhưng có thể chỉ là trong thời gian ngắn. Ở điều 2, Tự sắc đã nêu lên vài tiêu chí để tiến hành thủ tục phong thánh: a) tự ý chấp nhận cái chết chắc chắn và trong thời gian ngắn, do đức ái thúc đẩy; b) có liên hệ giữa việc hiến mạng sống và việc kết liễu cuộc đời; c) thực hành các nhân đức Kitô giáo, ít là cách bình thường, trước khi hiến dâng mạng sống; d) tiếng tăm thánh thiện, và những dấu lạ, ít là sau khi qua đời; e) một phép lạ sau khi qua đời, do lời chuyển cầu của người tôi tớ Chúa.

Chúng ta có thể liên tưởng đến tới những nữ tu phục vụ các bệnh nhân mắc bệnh dịch Ebola ở châu Phi, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng. Chúng ta cũng có thể liên tưởng đến Đức Cha Jean Cassaigne hy sinh cuộc đời cho các bệnh nhân phong cùi ở Di linh (mặc dù là cái chết của ngài mang tính dài hạn chứ không phải ngắn hạn!).

Dù sao đi nữa, cả ba nguyên nhân chung quy cũng chỉ là cách thức diễn đạt một điểm cốt lõi của Kitô giáo, đó là đức mến là sợi dây nối kết tất cả mọi nhân đức.

Dưới đây, catechesis.net xin giới thiệu cùng quý bạn đọc bản Việt ngữ Tự sắc Maiorem hac dilectionem do tu sĩ Phêrô Trịnh Minh Phú, OP. chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Ý.

**************

 

 

TÔNG HIẾN
DƯỚI DẠNG TỰ SẮC
CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

“MAIOREM HAC DILECTIONEM”

VỀ SỰ HIẾN DÂNG MẠNG SỐNG CHO THA NHÂN

 

“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”
Ga, 15,13

 

Thật đáng khâm phục và tôn vinh những người Kitô hữu đã dõi bước theo sát Chúa Kitô và thực thi giáo huấn của Người, tự nguyện hiến dâng mạng sống mình cho tha nhân và kiên trì cho đến chết vì lý tưởng này.

Quả thật, hành vi anh hùng hiến dâng mạng sống, được gợi hứng và kiện cường nhờ Đức Ái, đã diễn tả cách chân thực và đầy đủ và mẫu mực hành trình noi gương bắt chước Đức Kitô. Vì thế, họ đáng được cộng đoàn các tín hữu dành cho một lòng tôn kính giống như những người đã chấp nhận chịu chết vì đạo hoặc hay thực hành các nhân đức Kitô giáo đến mức anh hùng.

Với ý kiến đồng thuận của Bộ Tuyên Thánh trong Phiên họp khoáng đại vào ngày 27 tháng 09 năm 2016 đã nghiên cứu vấn đề xem các Kitô hữu ấy có đáng được tuyên chân phước hay không, tôi quyết định phải tuân thủ các quy tắc sau đây:

Điều 1

Hiến dâng mạng sống là một nguyên do mới trong tiến trình tuyên chân phước và tuyên thánh, khác biệt với nguyên do tử vì đạo nhân đức anh hùng.

Điều 2

Để hành động hiến dâng mạng sống có giá trị và công hiệu cho tiến trình phong chân phước của một Tôi Tớ Chúa, cần phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:

a. Hiến dâng mạng sống cách tự nguyện và ý thức, dũng cảm đón nhận cái chết chắc chắn và trong thời gian ngắn vì Đức Ái.

b. Mối liên hệ giữa việc hiến dâng mạng sống và cái chết sớm.

c. Thực hành, ít nhất là trong mức độ bình thường, các nhân đức Kitô giáo trước khi hiến dâng mạng sống, và rồi cho đến khi chết;

d. Có tiếng tăm thánh thiện và các dấu lạ, ít là sau khi qua đời.

e. Cần có phép lạ cho việc tuyên chân phước, diễn ra sau cái chết của Người Tôi Tớ Chúa và nhờ lời chuyển cầu của vị ấy.

Điều 3

Tiến trình điều tra cấp giáo phận và Phúc trình (Positio) được quy định bởi Tông hiến Divinus perfectionis Magister vào ngày 25 tháng Giêng năm 1983 trong Acta Apostolicae Sedis Vol. LXXV (1983, 349-355), và bởi Normae servandae in inquisitionibus ab Episcopis facendis in Causis Sanctorum ngày 7 tháng 2 cùng năm đó, trong Acta Apostolicae Sedis Vol. LXXV (1983, 396-403), ngoại trừ những điều sau đây:

Điều 4

Phúc trình về hiến dâng sống phải trả lời cho điểm nghi vấn sau đây: An constet de heroica oblatione vitae usque ad mortem propter caritatem necnon de virtutibus christianis, saltem in gradu ordinario, in casu et ad effectum de quo agitur. (Có chứng lý rõ ràng về việc dũng cảm hiến dâng mạng sống cho đến chết vì Đức Ái cũng như về các nhân đức Kitô giáo, xét trong hoàn cảnh này và những gì luật quy định không.)

Điều 5

Các điều sau đây trong Tông hiến vừa nói được điều chỉnh như thế này:

Điều 1

Vị Giám mục cùng các vị khác được luật coi như ngang hàng, trong phạm vi của quyền tài phán, hoặc tự mình hoặc dựa trên thỉnh cầu của các tín hữu hoặc của các đoàn thể hợp pháp và người đại diện của họ, có thẩm quyền điều tra về đời sống, các nhân đức, sự hiến dâng mạng sống, hoặc việc tử đạo hoặc danh tiếng của sự thánh thiện, của sự hiến dâng mạng sống và của sự tử đạo, các tiếng đồn phép lạ, cũng như hình thức tôn kính từ lâu (nếu có) đối với Vị Tôi Tớ Chúa xin được phong thánh.

Điều 2,5

Cuộc điều tra các tiếng đồn phép lạ cần phải được thực hiện riêng biệt với cuộc điều tra về nhân đức, về sự hiến dâng mạng sống và về sự tử đạo.

Điều 7,1

Viên chức Tường trình (Relator) có nhiệm vụ nghiên cứu các hồ sơ được trao cho mình, cùng với các cộng sự viên bên ngoài Thánh Bộ, chuẩn bị các phúc trình về các nhân đức, về sự hiến dâng mạng sống và về sự tử đạo.

Điều 13,2

Nếu Hội đồng của Bộ (Congresso) xét thấy rằng vụ án đó được điều tra theo các tiêu chuẩn pháp luật, thì phải quyết định vụ án này cho một vị viên chức Tường trình, vị này, cùng với một cộng sự viên bên ngoài Bộ, sẽ thảo Tường trình về nhân đức, sự hiến dâng mạng sống, sự tử đạo, tuân theo những quy tắc của ngành phê bình hạnh tích các thánh.

Điều 6

Các điều sau đây trong Normae servandae in inquisitionibus ab Episcopis facendis in Causis Sanctorum được điều chỉnh như sau:

Điều 7

Vụ án có thể là mới hoặc cũ. Vụ án được gọi là mới nếu việc tử đạo, các nhân đức hoặc hành động hiến dâng mạng sống của vị Tôi Tớ Chúa có thể được chứng minh qua lời khai của các nhân chứng. Vụ án được coi là cũ khi các chứng cứ liên quan đến việc tử đạo hoặc các nhân đức chỉ có thể rút từ các nguồn tài liệu viết.

Điều 10, 1

Trong các vụ án mới hoặccũ, một bản tiểu sử có giá trị lịch sử về vị Tôi Tớ Chúa, nếu có hoặc nếu không thì cần phải có một bài tường thuật chi tiết theo niên biểu về cuộc đời sống và các hoạt động của vị Tôi Tớ Chúa, về các nhân đức, về sự hiến mạng sống, về sự tử đạo, về tiếng tăm thánh thiện hoặc các phép lạ, mà không bỏ qua những điều dường như trái ngược hoặc ít thuận lợi cho chính vụ án đó.

Điều 10, 3

Chỉ trong những vụ án mới, cần phải có danh sách những người có thể góp phần khám phá chân lý về các nhân đức hoặc hiến dâng mạng sống hoặc tử đạo của vị Tôi Tớ Chúa, cũng như tiếng tăm về sự thánh thiện và các phép lạ, hoặc danh sách những người có thể những người phản đối những điều ấy.

Điều 15, a

Một khi đã nhận được bản báo cáo, vị Giám mục phải gửi đến Chưởng lý hoặc các chuyên gia khác tất cả những gì đã thu thập được cho đến lúc này, để vị ấy có thể chuẩn bị những câu hỏi hợp lý, nhằm thực hiện cuộc điều tra và đưa ra ánh sáng chân lý về sự sống, sự hiến dâng mạng sống hoặc sự tử đạo, về tiếng tăm thánh thiện và sự hiến dâng mạng sống hoặc sự tử đạo của vị Tôi Tớ Chúa.

Điều 15, b

Trong các vụ án cũ, các câu hỏi chỉ liên quan đến tiếng tăm về sự thánh thiện, hiến dâng mạng sống, sự tử đạo vẫn còn tồn tại, và lòng sùng kính (nếu có) được thể hiện đối với vị Tôi Tớ Thiên Chúa trong quãng thời gian gần đây.

Điều 19

Để chứng minh việc tử đạo, việc thực hành các nhân đức, hiến dâng mạng sống và tiếng tăm về các phép lạ của vị Tôi Tớ Chúa thuộc về một Dòng tu, các nhân chứng được trưng dẫn phần lớn phải là những người bên ngoài; trừ khi điều này không thể làm được, vì lý do đặc biệt liên quan đến đời sống của vị Tôi Tớ Chúa.

Điều 32

Tiến trình điều tra các phép lạ cần phải được diễn ra riêng biệt với tiến trình điều tra về các nhân đức, về sự hiến dâng mạng sống hoặc về sự tử đạo, và phải tuân hành các quy tắc sau đây.

Điều 36

Cấm không được tổ chức trong các thánh đường bất cứ buổi lễ hoặc hình thức tán dương Vị Tôi Tớ Chúa mà sự thánh thiện về đời sống còn đang cứu xét theo luật. Ngay cả bên ngoài thánh đường, cần tránh những hành vi nào có thể dẫn các tín hữu hiểu lầm rằng, cuộc điều tra, được Đức Giám mục thực hiện về đời sống, các nhân đức, sự tử đạo và sự hiến dâng mạng sống của vị Tôi Tớ Chúa, bao hàm sự chắc chắn về việc tuyên thánh trong tương lai cho vị Tôi Tớ Chúa.

Với tông thư mang hình thức tự sắc này, tôi truyền phải tuân giữ những điều đã ấn định trong tất cả mọi phần, bất chấp mọi điều trái nghịch, cho dù đặc biệt. Tôi quyết định công bố tự sắc này qua việc đăng trong nhật báo “L Osservatore Romano”,và có hiệu lực kể từ ngày ban hành, và sau đó sẽ được đưa vào Acta Apostolicae Sedis.

 

Ban hành tại Rôma, gần Đền thánh Phêrô, ngày 11 tháng 07

Năm thứ 5 triều đại Giáo hoàng của tôi

Phanxicô