Một Học Thuyết Thần Học Mới Về Nguyên Tội

0
2169


Tác giả: Stefano Moschetti [1]

Chuyển ngữ: Nguyễn Thế Minh

 

Sau một thời gian dài chuẩn bị, J. A. Sayes đã cho xuất bản tác phẩm viết về nguyên tội,[2] ở trong bộ sách tiếng tăm “Biblioteca de Autores Cristianos .” Trước đó, tác giả đã báo cho biết là sẽ đề xuất một học thuyết vừa mới mẻ mà cũng vừa trung thành với truyền thống: xét về mặt chủ yếu, nguyên tội được coi là việc toàn thể loài người bị đặt dưới ách áp bức của bạo quyền quỷ dữ, là ách nô lệ phải mang lấy do tội của ông tổ Adong, và nhờ ơn phép rửa tội mà chúng ta được giải thoát khỏi.

Sayes là một tác giả nổi tiếng, rất được biết đến, đặc biệt là qua các tác phẩm viết về Thánh Thể: cả một bộ chuyên khảo viết về Sự hiện diện thật của Đức Kitô trong Thánh Thể , và cuốn Tập khảo luận về mầu nhiệm Thánh Thể [3], cũng như cuốn viết về nguyên tội, bàn đến trong bài viết này. Tác phẩm viết về nguyên tội là một tập giáo khoa cấu trúc theo phương pháp lịch sử-thực chứng, nhằm chủ đích giới thiệu một công trình tổng hợp trọn vẹn và có hệ thống về toàn bộ chủ đề. Và như thế, tác giả đã thu góp cả một tổng hợp tài liệu phong phú về Cựu và Tân Ước, về các giáo phụ và về các thần học gia thời Trung cổ, cũng như đã dựa theo bối cảnh lịch sử của chúng mà giới trình các điều công đồng Trentô minh định, và các lời tuyên bố của Huấn quyền nói lên trong dịp xảy ra vụ khủng hoảng do Bajo và phe theo Giănxen (giansenisti) dấy lên; rồi cuối cùng đã bàn về các nhà thần học hiện đại. Tiếp liền theo sau phần tổng hợp lịch sử phong phú ấy là chương giới thiệu học thuyết mới của tác giả, được hậu thuẫn bởi cả một bộ tài liệu rút ra từ giáo huấn của các giáo phụ cũng như từ phụng vụ; và trong chương tổng kết, tác giả đã bàn về tình trạng loài người sa ngã: trí khôn và ý chí bị hư hỏng, dục vọng, khổ đau và sự chết hoành hành. Cộng vào đó là một phần phụ lục nói đến số phận các trẻ em chết mà không được chịu phép rửa tội.

Coi việc quỷ dữ áp bức là nhân tố chủ chốt trong vấn đề nguyên tội, học thuyết mới tự giới thiệu như chỉ là một giả thiết: “Xin được xác định rõ, không chút giới hạn, rằng ở đây, chúng tôi chỉ giới trình học thuyết của chúng tôi như là một giả thiết, bởi vì không ai có thể quên đi được cái khó khăn của một mầu nhiệm vượt hẳn lên trên khả năng của chúng ta. Dù sao, nếu học thuyết này không đưa dẫn được đến chỗ tán đồng, thì đức tin của Giáo Hội vẫn còn đó, và đó là đối tượng chính của công tác tìm hiểu này” [4]. Học thuyết được tóm lược như sau: “Nguyên tội là tội (bao giờ cũng hiểu theo nghĩa loại suy so với tội cá nhân hay là ‘tội mình làm’) phát sinh từ hành động lỗi phạm của ông tổ Adong, trong đó con người sinh ra, và qua đó con người chịu liên lụy với mầu nhiệm sự ác và hành động phản loạn của quỷ dữ đối với Thiên Chúa. Bằng cái chết và việc sống lại của Ngài, Đức Kitô là Đấng duy nhất giải cứu chúng ta ra khỏi tình trạng bị áp bức kia; sức năng cứu độ ấy của Ngài được truyền ban cho chúng ta qua phép rửa tội” [1][5]. Trong chiều hướng ấy, tác giả cũng đã để ý giải thích rõ rằng tình trạng áp bức kia không phải là tình trạng bị quỷ ám theo nghĩa hẹp, bởi lẽ việc làm chủ lý trí và ý chí vẫn còn nguyên; nhưng, nếu ở dưới sức áp bức của quỷ dữ thì con người không thể đi vào trong cuộc đối thoại cứu độ với Thiên Chúa, và về lâu về dài, cũng chẳng tránh cho khỏi được tội cá nhân.

Làm thế nào để lượng giá giả thiết ấy? Theo thiển ý, trước tiên, cần phải ghi ơn tác giả đã có công nêu bật khía cạnh ‘bẩm sinh’ của nguyên tội – một phần nào đã từng bị bỏ quên – cũng như cung ứng những tài liệu phụng vụ và giáo phụ phong phú để minh chứng. Công đồng Trentô cũng đã xác định rằng do hành động lỗi phạm trong vườn Địa đàng, ông tổ Adong đã làm mất đi sự thánh thiện và tình trạng công chính nguyên sơ trong đó, ông đã được đặt để ngay từ đầu; và như thế, ông đã phải gánh chịu cơn thịnh nộ và sự ruồng bỏ của Thiên Chúa, gánh chịu án chết, và với sự chết, phải chịu cảnh nô lệ dưới quyền lực của quỷ dữ [6]. Cũng tương tự như thế: sau khi nhắc lại rằng nguyên tội là “tình trạng thiếu mất đi sự thánh thiện và công chính ban sơ”, Giáo lý Hội Thánh Công Giáo nhận định thêm là: “Vì nguyên tổ phạm tôi, quỷ dữ đã phần nào thống trị trên con người, mặc dầu con người vẫn còn tự do. Hậu quả của nguyên tội là con người ‘phải làm nô lệ dưới quyền kẻ bá chủ sự chết là quỷ dữ’. Không biết ý thức về sự việc bản tính con người đã bị thương tổn, nghiêng chiều về sự dữ, thì sẽ vướng vào những nhầm lẫn trầm trọng trong lãnh vực giáo dục, chính trị, hoạt động xã hội và luân lý” (số 407).

Đức Gioan Phaolô II cũng đã nói đến tội thời nguyên sơ như là tình trạng dính líu với “mầu nhiệm sự ác”: đó là thành ngữ lấy từ cách dùng từ của thánh Phaolô, để “đưa dần chúng ta đến chỗ nhận ra cái đen tối không hiểu nổi ẩn giấu ở trong tội lỗi. Tội hẳn là sản phẩm của tự do con người; tuy nhiên, trong nơi sâu thẳm của lòng con người, có những yếu tố tác động và do vậy, tội nằm ở một bình diện vượt lên trên con người, ở chỗ lương tâm, ý chí và cảm tính của con người gặp phải sức đối chọi của những quyền lực đen tối mà thánh Phaolô coi là đang hoành hành ở giữa thế gian này, đến độ làm như đã đặt nặng ách thống trị trên toàn bộ thế giới” [1][7]. Vì thế, Đức Thánh Cha coi tình trạng nô lệ – dĩ nhiên là tương đối – dưới quyền lực của quỷ dữ, là một chiều kích của nguyên tội; tuy nhiên, như giáo lý của giáo hoàng cho thấy rõ, không thể nào đặt lên ở hàng đầu, làm như là nêu bật tình trạng áp bức do quỷ dữ, coi đó là yếu tố thực sự chủ yếu của nguyên tội.
 

CHIỀU KÍCH THỰC SỰ NHÂN LOẠI CỦA TÍNH LỖI PHẠM NGUYÊN SƠ

Ngay từ đầu, hẳn quỷ dữ, là tên cám dỗ, hằng không ngừng xúi giục tự do con người nổi dậy [1][8]; nhưng, dù sao nguyên tội vẫn là tình trạng lỗi phạm (situazione peccaminosa) thực sự của con người: do bởi quan hệ cá nhân con người có đối với Thiên Chúa, Đấng Tạo hóa và là Đấng ban giao ước, cũng như do sự việc sinh ra trong một bản chất mang tính liên đới, và đã nhuốm tội ngay từ lúc ban sơ.

Trong thông điệp Dominum et vivificanem (Đức Chúa và là Đấng ban sự sống), sau khi nhắc lại sự việc con người vì chiều theo ảnh hưởng tác hại của ông tổ láo khoét, mà đã tự tách ra khỏi tình trạng thông dự vào sự sống của Thiên Chúa, Đức Gioan Phaolô II đã đặt ngay câu hỏi: “Đến mức độ nào [trong việc tự tách ra]? Chắc hẳn không phải là theo mức độ tội phạm của một thần linh, của Satan. Tinh thần con người không đủ sức để đạt đến mức độ xúc phạm như thế. Trình thuật của Sách Sáng Thế cho thấy rõ sự khác biệt trong mức độ giữa ‘hơi thở sự dữ’ từ phía của kẻ là ‘tội phạm (hoặc sống trong tội) ngay từ đầu’ (quỷ dữ), đã từng ‘bị xét xử,’ và sự dữ nơi hành động bất tuân từ phía con người” [9].

Về mức độ xúc phạm từ phía loài người trong trường hợp nguyên tội, Đức Gioan Phaolô II đã có dịp bàn trở lại như sau, trong tông thư Mulieris dignitatem (Phẩm giá phụ nữ ): “Trong trường hợp nguyên tội, mức độ (trách nhiệm từ phía) loài người , thước đo bên trong của nó, nằm cả ở nơi ý chí tự do của con người; tuy nhiên, nguyên tội đồng thời cũng mang trong mình một biệt nét ‘quỷ quái’ nào đó, như Sách Sáng Thế [10] đã rõ ràng nêu bật. Tội làm cho trạng thái thống nhất ban đầu trong đó con người đã từng được hưởng tình trạng công chính nguyên thủy, bị đổ vỡ đi: việc kết hiệp với Thiên Chúa chính là nguồn cội của tình trạng thống nhất trong chính bản thân của con người, trong mối tương quan người nam và người nữ (communio personarum), rồi cuối cùng là trong các mối liên hệ với thế giới và với thiên nhiên […]. Như đã nói, không thể nhận thức cho thích đáng về nguyên tội mà không nghĩ về mầu nhiệm của việc tạo dựng loài người – có nam có nữ – giống hình ảnh Thiên Chúa. Bởi chính nhờ nghĩ về sự việc giống Thiên Chúa như vậy thì mới nhận ra được mầu nhiệm của việc ‘không-giống’ Thiên Chúa, và đó chính là tội, và đó chính là điều hiện rõ trong sự dữ đang hiện diện ở giữa lịch sử loài người […]. Hơn nữa, cần phải nhận rằng là Đấng Tạo Hóa và là Cha, Thiên Chúa đã bị thương tổn, ‘xúc phạm’ và lẽ tất nhiên là đã bị xúc phạm đến tận chính tâm tủy của việc ban tặng nằm trong ý định của Thiên Chúa đối với loài người. Tuy nhiên cùng lúc, chính bản thể con người – nam cũng như nữ – cũng bị thương tổn do sự dữ của tội lỗi chính con người gây ra” [11].

Giáo huấn trên đây của Đức Thánh Cha là một nỗ lực đào sâu những gì công đồng Trentô tuyên bố liên quan đến nguyên tội, đặc biệt là khi nhắc lại việc nguyên tội gây thương tổn cho mọi người, cũng như cho mỗi người [12]; một tình trạng lỗi phạm bao trùm mỗi một cá nhân trong loài người, theo tư cách là con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Nguyên tội làm cho chủ thể thiêng liêng mang xác thể của chúng ta ra sai lệch đi tận trong những chiều kích sâu thẳm, tức tận trong khả năng đặc thù của con người, khả năng cảm nhận Thiên Chúa; dù không có được những năng động của một thần trí (trí tuệ-ý chí) thuần túy, và phải chịu ảnh hưởng của các điều kiện tâm lý-xã hội (psicosociale ), thì khả năng cảm nhận kia của con người cũng được ‘trang bị’ với trí tuệ và tự do thực sự, rồi còn được thăng hoa – chứ không mảy may bị phân tán hay hủy tiêu mất đi – bởi nhận được ân sủng của Đức Kitô, ân sủng siêu nhiên.

Giải thích về nguyên tội bằng cách trực tiếp nhắm thẳng tới việc can dự vào thái độ phản loạn của Satan, là đưa cuộc thảo luận qua một bình diện khác, không đích xác, bình diện các thần linh thuần túy. Khi bàn đến bản chất nhân loại của con người sa ngã, Sayes đã khai triển các chủ đề thường đặt ra trong truyền thống về tình trạng suy đồi tương đối của trí tuệ và ý chí con người, và như thế đã nói đến cả dục vọng, khổ đau và sự chết đi kèm theo thân phận làm người. Hoàn toàn theo đúng giáo lý công đồng Trentô: nguyên tội là tình trạng suy đồi – tương đối – của con người, con người toàn diện, tức là trong hết mọi khía cạnh cuộc sống làm người, và ăn sâu nơi mỗi cá nhân như một thực trạng bẩm sinh.

Đúng, quả là có một mối liên đới nào đó giữa các thụ tạo thần linh, thiên thần cũng như loài người. Tình trạng áp bức – tương đối – phải chịu dưới quyền lực quỷ dữ trước khi nhận được ơn thánh ban qua bí tích rửa tội, và thái độ tỉnh táo đề phòng bằng cách đẩy mạnh đà tăng trưởng của đức tin, đức cậy và đức mến trong toàn bộ tiến trình phát triển đời sống kitô, quả là những yếu tố cần phải lưu ý đến; tuy nhiên, chắn hẳn đó không phải là yếu tố chủ yếu và cơ bản đến độ có thể dựa vào đó như là tình trạng dứt khoát quyết định để xây dựng một học thuyết mới về nguyên tội; đó chỉ là một tình cảnh lỗi phạm của riêng loài người, với những chiều kích cá nhân và xã hội của chúng ta. Nguyên tội nói lên tình trạng di truyền, bẩm sinh của con người sống quan hệ liên đới (với cá nhân và cộng đoàn, với tất cả) trước Thánh Giá quang vinh, cứu độ của Đức Kitô phổ quát; nguyên tội giúp cho nhớ rằng bởi liên đới trong ơn thánh cũng như trong tội lỗi, nên khi sinh ra bản tính của chúng ta không còn ở trong tình trạng nguyên sơ của thánh thiện và công chính như Thiên Chúa đã muốn. Hẳn là chúng ta còn có thể tìm thấy lại được tình trạng ấy, và trong một cách thức còn dồi dào phong phú hơn, bằng một cách duy nhất là đón nhận Thánh Giá Đức Kitô vinh quang,  ân huệ ban qua một cuộc hoán cải và chiến đấu thiêng liêng cam go.

Và quỷ dữ vẫn còn đó, không ngừng hoạt động, ra sức lôi kéo, xúi giục con người phản loạn; dù vậy, tình trạng lỗi phạm ban sơ, thực kiện cố hữu của thân phận con người, vẫn sừng sững trực diện với quan hệ chúng ta có đối với Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và giao ước; chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể đi vào như là Đức Chúa, với tất cả thái độ tôn trọng, trong tự do con người, trong tận “tâm can” đời sống cá nhân và cộng đoàn của con người: một Đấng Thiên Chúa hằng ra sức đưa dẫn loài người tội lỗi về lại với chính mình, do sức năng phục sinh của Đức Kitô thông ban qua các bí tích của Giáo Hội. Chỉ có một danh duy nhất qua đó chúng ta nhận được ơn cứu độ [13], và trong lịch sử, chỉ có một con đường duy nhất, hữu hiệu của việc hoán cải là con đường phép rửa-con đường Giáo Hội; theo cách thế chỉ một mình Ngài biết, Thiên Chúa liệu cho những người không do lỗi mình mà không nhận ra được con đường cứu độ duy nhất kia [14], cũng được dự phần vào sức năng phục sinh của Đức Kitô. Nếu chỉ trực tiếp chú tâm vào quỷ dữ và ảnh hưởng tác hại của nó thì có thể sẽ bị lạc lối, cũng như sẽ làm cho suy tư thần học về nguyên tội ra nghèo nàn đi. Dù Sayes đã có công trong việc trình bày một cách sáng tỏ giáo lý của Giáo Hội, thì tác phẩm của ông cũng cho thấy nhiều điểm có thể đưa tới nguy cơ làm cho suy tư thần học rơi vào tình trạng nghèo nàn ấy.
 

NGUYÊN TỘI VÀ THỰC TRẠNG LIÊN ĐỚI – DI TRUYỀN

Nói đến nguyên tội là nói đến tính chất liên đới – trong ơn thánh cũng như trong tội lỗi – của hết mọi người tự do; vì vậy, nhất thiết phải đào sâu trước tiên mối liên đới ấy trong Đức Kitô, một mối liên đới quan hệ đến toàn thể gia đình nhân loại, trong toàn bộ lịch sử cứu độ con người. Trong tác phẩm của Sayes, không thấy đề cập đến tính chất liên đới ấy; cũng không thấy bàn nhiều và rộng – như đáng phải – đến tính chất duy nhất của ơn cứu độ trong Đức Kitô, Đấng Cứu Độ của hết thảy mọi người, Đấng Cứu Độ duy nhất phổ quát.

Ngoài ra, liên quan đến bản tính liên đới và liên bản vị của con người, thì theo thiển ý, có thể đọc thấy một số điểm thiếu sót khác trong giải thuyết của tác giả. Sayes gợi lại cho thấy một cách thích đáng là giáo lý Giáo Hội về nguyên tội đã có được cơ hội triển phát tốt đẹp và những minh định chính xác, ngay ở giữa những giai đoạn khủng hoảng; chẳng hạn: cuộc khủng hoảng trong xã hội Rôma thời Âugutinô-Pêlagiô, cuộc khủng hoảng trong thế giới kitô giáo thời Trentô-Lutêrô. Cộng với các cuộc khủng hoảng vừa nhắc đến, cũng xin lưu ý thêm là chính cuộc khủng hoảng do đà phát triển đơn phương của các ngành khoa học xã hội và tâm lý (những thứ nguyên tội ‘thế tục’ theo các người do thái không có đức tin, Marx và Freud) gây ra, đã thúc đẩy việc đào sâu đức tin Giáo Hội để tìm hiểu rộng thêm giáo lý thần học về nguyên tội [15]. Cũng nên ghi lại lời dạy sau đây của Giáo lý Hội Thánh Công Giáo : “Giáo lý về nguyên tội – gắn liền với giáo lý về ơn cứu độ nhờ Đức Kitô – giúp ta biết nhận định sáng suốt về hoàn cảnh và hành động của con người nơi trần thế […]. Không biết ý thức về sự việc bản tính con người đã bị thương tổn, nghiêng chiều về sự dữ, thì sẽ vướng vào những nhầm lẫn trầm trọng trong lãnh vực giáo dục, chính trị, hoạt động xã hội và luân lý” [16].

Thánh Âugutinô là người đầu tiên đã nêu rõ thái độ lưu tâm như thế đến những đòi hỏi về mặt giáo dục và chính trị-xã hội, và đã bàn rộng về điểm đó một cách có hệ thống, theo lịch sử tính, trong tác phẩm Città di Dio (Thành đô Thiên Chúa) nhân vụ tranh luận với Pêlagiô; có điều là thánh nhân đã chú ý cách riêng tới cuộc khủng hoảng xảy đến trong xã hội Rôma, gây ra tình trạng giao động bất nhất làm xáo trộn các đức tính xã hội. P. Guilluy [17] nêu cho thấy là trong tác phẩm Città di Dio , thánh Âugutinô đã khai triển cả một thiên giáo lý đặc biệt đầy đủ về nguyên tội; và nếu đã làm như thế, thì chính là vì bao giờ ngài cũng cố đứng ở trong bình diện xã hội tính và liên đới tính của con người, để bàn đến vấn đề, bổ khuyết tốt đẹp cho những lối nhìn quá ‘sinh học’ đọc thấy trong các tác phẩm khác, cũng như để nêu lý chứng chống lại Pêlagiô.

Rất tiếc là Sayes đã không lưu ý cho đủ đến nguồn suối phong phú đó của giáo lý thánh Âugutinô về nguyên tội [18]; trong giáo lý đó, thánh Âugutinô đã nêu cho thấy tính cách giáo dục-xã hội của thần học: cuốn Città dell’uomo (Thành đô loài người ), một chứng từ về trạng thái tội phạm nguyên sơ, nói lên những thái độ vô-xã hội của các chứng tật kiêu căng và ích kỷ; thành đô ấy rồi sẽ mất hết đi những nghị lực xã hội, những nghị lực chính thực và trường cửu. Đối lại, bởi biết đón nhận Thánh Giá của Đức Kitô, và dấn bước theo sát gót ông tổ Adong mới đi trên các nẻo đường khiêm hạ, phục vụ vì bác ái, Città di Dio đã bừng khơi dậy những tiềm năng tươi trẻ trong lãnh vực chính trị-xã hội [19].

Cũng có thể nhận định tương tự đối với cuộc khủng hoảng trong thế giới kitô giáo Châu Âu hồi thế kỷ 16: các minh định của công đồng Trentô đã trở thành những yếu tố nền móng cho đà phát triển về mặt giáo hội và bí tích, và vì thế, về cả mặt nhân bản và xã hội; đó là điều bức thiết trong tình cảnh rối reng của thế kỷ. Sức năng hữu hiệu của phép rửa xóa đi tận gốc tình trạng thiếu mất sự thánh thiện nguyên sơ, và nhờ thế, đẩy mạnh được tình liên đới cộng đoàn giáo hội của Thân mình Đức Kitô, theo ơn gọi riêng và bậc sống của các cá nhân, trong đức ái và trong nỗ lực chung hầu dấn thân chiến đấu chống lại những hậu quả, những tàn tích nguyên tội để lại [20].

Là một công tác bổ ích việc đề xuất một học thuyết mới về nguyên tội, làm sao để nêu bật các chiều kích nội tại có tính cách thần học và xã hội như thế kia của nó; bởi đó là những gì thực sự cần thiết cho hoàn cảnh sống ngày nay. Trong chiều hướng ấy, Đức Gioan Phaolô II đã liên tục mở ra những lối ngả gợi hứng đầy khích lệ; chẳng hạn như qua các bài dạy giáo lý về Gia đình và tình yêu [21]. Ngoài việc bao giờ cũng chú tâm gợi lên viễn cảnh cứu độ, và đề cập rõ đến nguyên tội, các văn kiện giáo huấn của Đức Thánh Cha còn nhiều lần bàn rộng đến những cảnh huống xã hội có tầm ảnh hưởng quyết định lớn. Cách riêng, xin được nhắc lại phần hai của thông điệp (trích dẫn trên kia) về Thánh Linh: Thần Khí là Đấng sẽ chứng minh là thế gian sai lầm về tội lỗi . Thánh Linh sẽ đưa Giáo Hội đến chỗ hiểu lịch sử loài người là một lịch sử đã được cứu độ, qua việc Ngài đến hoặc trong lương tâm con người hoặc giữa cảnh thăng trầm liên đới của xã hội loài người, cho đến cả nguyên tội.

Phần chính của tông thư Mulieris dignitatem (Eva-Maria) là một hình thức thần học phong phú của việc ngẫm đọc trở lại về nguyên tội giữa bối cảnh các tương quan trong Giáo Hội và trong gia đình. Trong thông điệp Centesimus annus , Đức Thánh Cha đã nói cả đến giá trị chú giải của nguyên tội: “(…) được tạo dựng để sống trong tự do, con người mang theo trong mình vết thương gây ra do nguyên tội, là lỗi phạm hằng không ngừng lôi kéo con người về phía sự dữ, và làm cho con người nhất thiết cần đến ơn cứu độ. Chẳng những là một yếu tố cấu thành của mặc khải kitô, giáo lý ấy còn có một giá trị lớn về mặt chú giải, bởi nó giúp cho hiểu về thực tế của bản tính loài người. Con người hướng về với sự lành, nhưng lại có khả năng làm điều dữ, có thể vượt cao lên trên điều ưa thích trước mắt, nhất thời, nhưng cũng vẫn bị trói buộc để không thoát khỏi được điều đó. Hễ càng biết để ý đến sự kiện ấy và biết tránh đừng đem lợi ích xã hội xét chung chống lại quyền lợi các cá nhân, nhưng ngược lại, cố tìm cho ra những phương thức phối hợp hữu hiệu, thì trật tự xã hội càng được kiên vững” [22]. Tiếc là trong bản văn của Sayes không thấy có giáo lý truyền thống ấy, một giáo lý biết nhạy cảm đối với những cảnh huống xã hội ngày nay. Có thể nào thái độ trực tiếp để ý quá nhiều đến quỷ dữ lại không làm cho quên đi việc cần phải lưu tâm đến những cảnh trạng lỗi phạm của loài người, đang thật cần đến ơn cứu độ?

Nếu đem áp dụng rộng ra, vào lãnh vực các thứ nguyên tội ‘thế tục’ theo kiểu Marx và Freud quan niệm, thì sẽ thấy suy tư thánh Âugutinô trình bày trong tác phẩm Thành đô Thiên Chúa , hàm chứa rất nhiều điều cần được nói lên. Tình trạng thiếu mất ân sủng ban đầu đã làm cho các nguyên mẫu [23] cơ bản trong tâm lý con người biến dạng đi một cách trầm trọng: tình phụ tử, tình huynh đệ, tình vợ chồng, tình đồng nghiệp; con người sinh ra trong trạng huống thảm hại đến như thế về mặt thần học và do đó, cả về mặt nhân học. Chỉ một mình Đức Kitô – Đấng đã sống trọn, trong tình trạng nguyên tuyền, các mẫu gốc cơ bản (mà chính Ngài là chuẩn mực) qua cuộc sống, và đặc biệt là qua mầu nhiệm Phục sinh của Ngài – chỉ có Ngài mới đủ sức dẫn đưa chúng ta vào trong tình yêu Ngài để đến với Cha, qua các anh chị em đồng loại, và do vậy, Ngài làm cho chúng ta có khả năng tái tạo được những quan hệ tâm lý lành mạnh, mang đầy ân sủng.

Cũng lạ là tác giả của chúng ta (Sayes) đã không đề cập gì đến các trung gian phụ tùy của ân sủng như L. Ladaria [24] đã làm; đó là điểm cơ bản trong nỗ lực của thần học để tìm hiểu mầu nhiệm về tình liên đới giữa loài người, một tình liên đới thấm đậm ân sủng của Đấng trung gian độc nhất là Đức Giêsu Kitô, mà cùng lúc cũng hình thành từ nhiều mối trung gian phụ tùy phối kết hài hòa. Bàn về  Đức Maria và về vai trò trung gian phụ tùy vào Đức Kitô mà Mẹ đóng giữ, hiến chế tín lý Lumen gentium [25] đã nêu bật các điểm trên đây, là những điểm cần cho việc thấu hiểu, về mặt thần học, thực trạng liên đới bẩm sinh do nguyên tội, cũng như cách thức di truyền của nguyên tội từ nguồn gốc ông tổ Adong.
 

TÍNH CHẤT SIÊU NHIÊN TRONG ĐỨC KITÔ VÀ BẢN TÍNH LOÀI NGƯỜI SA ĐỌA

Một khía cạnh khác trong tình trạng lỗi phạm ban đầu cần được lưu ý và đào sâu thêm, đó là khía cạnh những quan hệ giữa bản tính loài người và tính chất siêu nhiên trong Đức Kitô; về khía cạnh này, xin xem bài viết “Giáo lý về tự nhiên và ân sủng” của H. de Lubac [26]. Nhiều lần, Sayes đã nhắc lại cách thích đáng rằng chẳng bao giờ có một con người ở trạng thái thuần túy tự nhiên cả; chỉ có thể khai triển giáo lý về nguyên tội trong viễn cảnh của một tình trạng ban đầu – tình trạng thánh thiện và công chính – hoàn toàn không nhất thiết phải có, tức vượt ra ngoài giới mức tự nhiên, thuộc lãnh vực siêu nhiên. Theo Sayes, nguyên tội không làm cho việc được nâng lên trên bình diện siêu nhiên trong Đức Kitô bị rút lại; hẳn là con người đã đánh mất đi tình trạng thánh thiện và công chính ban sơ, nhưng vẫn còn sống trong viễn ảnh Thiên đàng: nhờ ân sủng của Đấng chịu đóng đinh nhưng đã phục sinh, nhận được do việc trở lại qua phép rửa, cũng như do nỗ lực phấn đấu hằng ngày trong đời sống thiêng liêng. Vì thế, không sống trong tình trạng thuần túy tự nhiên, dù là mắc nguyên tội, bao giờ con người cũng sống trong bình diện siêu nhiên của bản tính sa đọa và được cứu độ. Vì là bản tính sa đọa, cho nên có một lỗ trống, một sự thiếu mất tình trạng thánh thiện và công chính ban sơ; và vì là bản tính được cứu độ, cho nên lỗ trống ấy có thể được ân sủng lấp đầy vượt quá cả mức sung mãn [27].

Sayes cũng nhận định rằng nỗ lực đào sâu giáo lý về trật tự siêu nhiên thì xét về mặt lịch sử, gắn liền với việc hiểu biết thần học về nguyên tội: qua con đường ấy, từ ngữ đã được chính Huấn quyền dùng đến [28] nhân vụ khủng hoảng do Bajo khơi dậy. Như thế là có một dấu chứng lịch sử cuối cùng cho thấy rằng nếu không đi qua con đường các quan hệ cần thiết và phối kết hài hòa giữa tự nhiên và siêu nhiên, giữa tạo dựng và nhập thể cứu độ – như đã nói – thì thần học nguyên tội không đứng vững. Toàn bộ lịch sử về nguyên tội – đã được Sayes trình bày kỹ lưỡng – nhắc lại điều đó: đi từ học thuyết tự nhiên (naturalismo ) theo Pêlagiô, qua chủ hướng duy tín hiện thể (fideismo attualistico : Thiên Chúa làm tất cả…) theo Lutêrô, cho đến các giả thuyết tiến hóa gần đây nhất, chủ trương đồng nhất hóa tạo dựng, nhập thể, cứu chuộc theo quan điểm đơn nhất trong đà tăng trưởng thuần thể. Có những dữ liệu cho thấy rõ là để phản ánh đầy đủ nội dung chủ yếu của nó, thì giáo lý về nguyên tội cần trình bày cho đúng đắn các quan hệ giữa siêu nhiên (trong Đức Kitô) và tự nhiên: một chiều kích siêu nhiên không bị cắt xén hay giảm thiểu để chỉ còn đơn thuần như là một thái độ mở rộng ra trước những thực tại siêu việt, cũng không phải như là một thứ hiện sinh thể (esistenziale – phạm trù hữu ích, nhưng quá tổng quát nên không nói lên được gì rõ ràng), nhưng biểu đạt rõ ân sủng của biến cố phục sinh, của ân huệ Thánh Linh đón nhận được qua các trung gian trong Giáo Hội. Suy tư của Sayes có thể mang lại nhiều lợi ích nếu biết – trong đà liên tục tiếp theo sau giáo lý rất quân bình của công đồng Vaticanô I – đón nhận một cách rộng rãi hơn giáo huấn và đường hướng quy-Kitô của công đồng Vaticanô II. Tuy thế, có điều lạ là không thấy tác giả trưng dẫn hiến chế tín lý về mạc khải Dei Verbum , ngay cả số 2 – là số minh nhiên bàn đến nguyên tội – cũng không.
 

CUỘC ĐỐI THOẠI GIỮA CÁC THẦN HỌC GIA THỜI NAY

Trong những thập kỷ vừa qua, thần học đã suy nghĩ rất nhiều về nguyên tội; đó là dấu chỉ tốt khi tư tưởng có lòng tin biết – đặc biệt vào những lúc sống qua những viễn cảnh hy vọng to lớn hoặc phải trải qua những giây phút khủng hoảng bi thảm – cố công đào sâu về những sự dữ cội rễ mà Đức Kitô đã đến giải thoát cho chúng ta. Sayes đã bàn dài rộng [29] và ra sức nhấn mạnh đến việc phân biệt thường dùng đến, giữa tội lỗi của thế giới (toàn bộ những phản-giá trị về mặt văn hóa gây trở ngại cho đời sống luân lý đạo đức và tôn giáo) và tình trạng lỗi phạm bẩm sinh từ thời đầu lịch sử nhân loại. Trong lãnh vực tế nhị này, cần phải minh bạch loại bỏ ngay mọi hình thức đồng nhất hóa giản lược. Trong thực tế, nguyên tội đâm rễ rất sâu vào trong tâm can con người, cũng như vào trong quan hệ liên đới giữa nhân loại: đó là một chiều kích thực sự thần học. Quên đi điều đó thì không những làm cho thực trạng con người ra méo mó đi trong các khía cạnh xã hội và cá nhân tế nhị nhất của nó, mà còn ngăn cản không cho nhận ra trọn vẹn được sức năng ơn cứu độ Đức Kitô mang lại: lòng tri ân của con người sẽ không đạt được đến mức tương xứng với giá trị cao quý của hồng ân nhận được. Hơn nữa, sự thiếu sót kia sẽ đi đến chỗ đẩy xa ra khỏi con đường cứu độ duy nhất: con đường hoán cải và Thánh Giá.

Tuy nhiên, một khi đã phân biệt giữa nguyên tội và tội lỗi thế giới, thì cần phải tìm hiểu chung về cả hai, trong cùng một cuộc sống: kitô và con người; ngoài ra, dù từ cách phân biệt nhiều lãnh vực cá biệt trong thần học có đọc thấy những hình thức loại suy khác nhau, thì bao giờ cũng quay quanh phạm trù tội lỗi. Như thế, trước Đức Kitô Cứu thế, tình trạng bẩm sinh của mỗi người được coi là tình trạng nguyên tội, bởi vì nó giống với tình trạng của người phạm tội cá nhân. Xét về mặt thiếu sót trong vai trò làm trung gian cho các giá trị tôn giáo, tình trạng tội lỗi thế gian cũng có thể giúp cho hiểu ra, theo cách loại suy, giây liên đới di truyền còn tận gốc hơn cả tình trạng nguyên tội. Đến đây thì cuộc đối thoại trở nên gay cấn hơn, bởi phải đối diện với những thái độ thiên vị, thiếu cảm thông và đầy ngờ vực; bởi chính các thần học gia cũng không thoát khỏi được vòng hậu quả của nguyên tội. Điểm quy chiếu thiết yếu cho mọi nỗ lực tìm hiểu vẫn mãi mãi là Truyền thống sống động của Giáo Hội và giáo lý do Huấn quyền Giáo Hội đưa ra. Dù có nổi bật trong việc trung thành đón nhận giáo lý đức tin, thì một phần nào Sayes đã tỏ ra hấp tấp trong cách đánh giá về lập trường của một số thần học gia đương thời.

Chẳng hạn, đó là thái độ đọc thấy trong cuộc Sayes đối thoại với hai nhà thần học của đại học Grêgôriana (Rôma), Flick và Alszeghy [30]. Sayes đồng ý và đánh giá cao cách nhận thức của hai tác giả này về thụ nguyên tội (peccato originale originato), tình trạng lỗi phạm trong đó con người sinh ra: trong tình trạng đó, nếu không có ân sủng của việc hoán cải qua phép rửa, thì con người hoàn toàn bất lực để bước vào cuộc đối thoại cứu độ, để yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, để giữ mình lâu dài cho khỏi rơi vào tội trọng (mình làm) cá nhân được. Trái lại, khi bàn về nguyên tội, tội Adong, thì cuộc trao đổi không diễn ra êm xuôi được: chính Sayes cũng xác nhận là thuyết độc tổ sinh học (monogenismo biologico ) “không nhất thiết gồm hàm trong (giáo lý) đức tin của Giáo Hội” [31]. Dĩ nhiên là tội Adong (và cả Evà, cũng như cộng đoàn nhân loại nguyên sơ) phạm là một tội đã thực sự xảy ra trong lịch sử; Phần phụ trương cuốn giáo lý của Hòa Lan [32] đã đề xuất nhiều giả thuyết về chủ đề này, được coi như là những ý kiến còn nằm trong vòng bàn cãi, tức còn chờ sự phán quyết chính thức của Giáo Hội.

Trong bất cứ giả thuyết nào khả dĩ chấp nhận được, thì tính chất trầm trọng của tội phạm nguyên tổ cũng xuất hiện ở hàng đầu do sự việc các vị không còn sống trong tình trạng siêu nhiên ban sơ. Thần học thời Trung cổ, nhất là trong thế kỷ 12, đã cố tìm xem có phải là từ nguyên sơ sống trong ân sủng siêu nhiên, Adong đã được tức khắc ban cho ơn thánh sủng qua chính hành động tạo dựng, ân sủng đón nhận với thái độ ứng đáp tự do, có công phúc, hay là điều này chỉ xảy ra sau đó mà thôi? Vì muốn tôn trọng cuộc bàn cãi với các ý kiến khác nhau, công đồng Trentô đã dùng một lối biểu đạt có tính cách khái quát – “constitutus (được đặt để) trong thánh thiện và ân sủng” [33]– để chỉ về tình trạng ân sủng ban sơ của ông tổ Adong. Biết vấn đề còn nằm trong vòng tự do bàn thảo, [34] Flick và Alszeghy đã đề xuất giải thuyết về một tình trạng công chính nguyên sơ có tính cách tiến hóa (giustizia originale evolutiva ), mong nhờ đó có thể đối thoại dễ dàng hơn với cách nhìn của khoa học thời nay. Dù sao thì nguyên tội vẫn là tình trạng chia cách khỏi Thiên Chúa Tạo hóa, Thiên Chúa của giao ước, và đòi phải có cho được cũng như cho rõ ràng, một thực trạng ân sủng siêu nhiên để hàn gắn.

Sayes tỏ ra lúng túng: tất nhiên là cần phải tôn trọng tự do trong việc lượng định, làm cho sáng tỏ và cải tiến các giả thuyết thần học, cũng như trong việc đề xuất những giả thuyết mới; nhưng xem ra tác giả đã đi quá khi nhận định rằng: “Do đó, chúng tôi tự hỏi không biết các yếu tố cấu thành học thuyết của Flick-Alszeghy có đi đúng với giáo lý của Giáo Hội hay không” [35]. Dù có để cho mỗi người được tự do quan niệm theo cách xét thấy có lợi nhất trong nỗ lực loan báo Tin Mừng sao cho hữu hiệu, thì thái độ cố chấp trộn lẫn với nghi ngờ chẳng phải là một cám dỗ hằng rình chực sẵn bên đó sao?

Ngay cả trong việc nhận định về cái chết thể lý, hậu quả của tội lỗi, Sayes cũng để lộ khuynh hướng có phần khắt khe. Rõ ràng là hoàn toàn không đúng khi quả quyết cho rằng cái chết thể lý chỉ đơn thuần là hệ quả tự nhiên của bản chất sinh học loài người: đó là giả thuyết do G. Matelet chủ xướng, cần phải mạnh mẽ bác bỏ [36]. Cái chết của con người không chỉ mang tính chất đơn thuần vật lý, bởi vì thực chất sự sống con người vượt hẳn lên trên sức sinh động của các yếu tố sinh học cấu thành nó. Các nguồn mạc khải (1Cr 15: 22; Rm 5:12-21) nói cho biết cái chết, thể lý và tâm linh, là hậu quả của nguyên tội. Vậy, muốn nói đến cái chết vật lý (theo giả thuyết nào đi nữa thì sự sống trong vườn Êđen cũng đã phải biến đổi: 1Cr 15: 51-54) hay là nói đến những khía cạnh thảm khốc đặc thù của sự chết? Kinh nghiệm thảm khốc? Bởi vì qua sự chết, hiện rõ tình trạng tách rời nguyên sơ ra khỏi Thiên Chúa của giao ước. Sayes cũng đã muốn hiểu cái chết vật lý là do tội lỗi mà ra [37]; nhưng điều cần là phải hiểu sao cho đúng theo nghĩa của Kinh Thánh, của huấn quyền, của ngôn từ chung; vì thế, là điều thích đáng việc dựa theo giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II để tầm cứu vấn đề [38].

*  *  *
Để kết thúc các suy tư trên đây, trước hết chúng tôi muốn được nói lên lời cảm tạ tác giả Sayes đã có công nêu bật một chiều kích – dù không phải là chủ yếu, nhưng vẫn cần được để ý tới để nắm giáo lý cho đầy đủ – trong vấn đề nguyên tội, chiều kích ‘quỷ quái’. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin lưu ý là nếu nhấn mạnh quá nhiều đến ảnh hưởng của ác quỷ thì sẽ làm mờ nhạt đi phần trách nhiệm của con người trong hành động lỗi phạm nguyên sơ. Sau khi cùng với công đồng Trentô gợi lại tình trạng nô lệ dưới ách Satan, Cuốn Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (số 407) đã kéo ngay chú ý nhìn về “bản tính thương tật (của con người), nghiêng chiều về sự dữ”; chỉ vì quên đi điều này mà không biết bao nhiêu sai lạc đã xảy ra. Với mầu nhiệm phục sinh, qua một cuộc đấu tranh thiêng liêng cam go, Đức Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi những ác hại và lầm lạc đó, và như thế, đã đưa chúng ta vào trở lại – một cách dồi dào vượt bực – trong ánh quang thần-nhân rạng ngời của phương án nguyên sơ Thiên Chúa Cha đã đề ra. Xét cho kỹ thì sẽ nhận ra tầm giá trị của một nỗ lực nhằm mục đích làm nổi bật “lòng tin của Giáo Hội” [39]: giá trị đích thực của công tác là ở đó.

Còn một điều bách thiết chưa được ứng đáp thỏa đáng, đó là làm sao để có được một học thuyết mới, khả dĩ – biết nhận chân giá trị và biết phối hòa các bước tiến bộ trong công tác nghiên cứu chú giải và lịch sử hiện đại mà – nêu bật tính chất quý hóa của tín điều về nguyên tội, ngỏ hầu con người biết rõ hơn về chính mình, về tính chất liên bản vị trong tội phạm của mình, về các “cơ cấu tội lỗi” có mặt trong mọi thời, mọi nơi và mọi nền văn hóa; bởi có thế con người mới đi đến chỗ tìm thấy và nhận thức được phương cách cứu chữa ở trong ân sủng dồi dào vượt bực Đấng Chịu Đóng Đinh vinh quang đã mang lại.           
                                                         


[1] Stefano Moschetti, linh mục Dòng Tên, là tác giả bài viết nguyên văn tiếng Ý, tựa đề “Una nuova teoria sul peccato originale,” đăng trong tạp chí La Civiltà Cattolica , tập số 3447, I (feb. 1994) 260-269.
[2] J. A. Sayes, Antropología del hombre caído. El pecado original , Madrid, Editorial Católica, 1991, xx-393, s.i.p.
[3] J. A. Sayes, La presencia real de Cristo en la Eucaristia , ivi, 1976; El Mistero Eucaristico , ivi, 1986.
[4] J. A. Sayes, Antropología del hombre caído. El pecado original , tr. 295.
[5]  Ibid ., tr. 332.
[6] Xin xem Denzinger-Schošnmetzer, số 1511.
[7] Reconciliatio et paenitentia , số 14.
[8] Xin xem Ep 6:10-17; 1Pr 5:8-9.
[9] Dominum et vivificanem , tr. 37.
[10] Xin xem St 3:1-5.
[11] Mulieris dignitatem , số 9.
[12] Xin xem Denzinger-Schošnmetzer, số 1513.
[13] Xin xem Cv 4:12.
[14] Xin xem Gaudium et Spes , số 22, trong tương quan với Lumen gentium , số 14 và Ad Gentes , số 7.
[15] Các “ông tổ” kia của trào lưc tục hóa hiện đại đã đưa ra một thứ vũ trụ quan theo quan điểm bất khả tri (agnostico ) và cũng đã đi tìm ở trong các năng động lực xã hội và tâm lý, nguyên do lịch sử của những tình trạng sôi động và thảm hại trong loài người: theo Marx, nguyên do của những tình trạng đó phát sinh từ việc đề ra quyền tư hữu đối với các phương tiện sản xuất, và hôn nhân một vợ một chồng; còn theo Freud thì từ hành động sát phụ trong bộ lạc du mục bán khai. Và như thế, H. Košster – trong tác phẩm Urstand, Fall und Erbsušnde. Von der Reformation bis zur Gegenwart , vol. II trong Handbuch der Dogmengeschichte , Freiburg-Basel-Wien, Herder, 1982 – đã minh nhiên nói đến những thứ nguyên tội truyền kiếp, thế tục (tt. 233-235). Về những nhận định liên qua đến các quan điểm trên đây, xin đọc G. Lafont, Dieu, le temps et l’être , Paris, Cerf, 1986, tt 21-128; cũng xin xem W. Kasper, Il Dio di Gesù Cristo , Brescia, Queriniana, 1984, tt. 33-59; về việc đối chiếu giữa các tình trạng tha hóa theo Marx và thánh Phaolô, xin xem F. Refoulé, Marx e S. Paolo: liberare l’uomo , Roma, Città Nuova, 1974; về những nhận định liên qua đến quan hệ giữa Freud và Kitô giáo, xin xem P. Grelot, Péché originel et rédemption à partir de l’épýtre aux Romains , Paris, Desclée, 1973.
[16] Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 407.
[17] P. Guilluy, La culpabilité fondamentale. Péché originel et anthropologie moderne , Gembloux, Duculot, 1975, tt. 58-63.
[18] Trong tác phẩm của Sayes, chỉ đọc thấy có hai trích dẫn liên quan đến giáo lý của thánh nhân, ở các trang 128 và 303.
[19] Xin xem Città di Dio , bản dịch của D. Gentili, trong Opera di S. Agostino , phần I, tập V/2, Roma, Città Nuova, 1988 (các cặp từ song đôi: khiêm hạ-kiêu căng : I, XIV, 13, I, 238t; tình yêu Thiên Chúa-tình yêu ích kỷ : I, XIV, 28, 361t; tự nhiên-ân sủng : I, XV, 2, 379t).
[20] Xin xem Denzinger-Schošnmetzer, số 1515.
[21] Khai triển qua các buổi tiếp kiến chung trong thời gian từ 3 tháng 9, 1979 cho đến 2 tháng 4, 1980: xin xem Giovanni Paolo II, Uomo e donna lo creò: catechesi sull’ amore umano , Roma, Città Nuova, Libr. Ed. Vaticana, 1985, tt. 40-43. 51-53, 81-83, 87 89, 125-128, 179-182, 190-193.
[22] Giovanni Paolo II, Centesimus annus , số 25.
[23] Đức Gioan Phaolô II cũng đã dùng đến từ này qua bài giáo lý trình bày trong buổi tiếp kiến chung ngày 12 tháng 3, 1980 (làm liên tưởng đến Jung và Freud): xin xem Uomo e donna , op. cit ., tr. 96.
[24] L. Ladaria, Antropologia teologica , Università Gregoriana – Piemme, Roma – Casale Monferrato (AL.), 1986, tt. 190-194.
[25]  Xin xem Lumen Gentium , số 56-63.
[26] H. de Lubac, “Piccola catechesi su natura e grazia,” trong Spirito e libertà , Milano, Jaca Book, 1980.
[27]  Xin xem Rm 5:15-17.
[28] Xin xem Denzinger-Schošnmetzer, số 1921-1923.
[29] Xin xem J. A. Sayes, Antropología del hombre caído. El pecado original , tt. 225-295.
[30] Xin xem ibid ., tt. 256-271 (cũng như trong nhiều đoạn khác).
[31] Ibid ., tr. 288.
[32] Il Supplemento a Il nuovo catechismo olandese , Leumann (TO), LDC, 1969 [29-42].
[33] Denzinger-Schošnmetzer, số 1511.
[34] Để trả lời cho vấn đề thì xem ra không có luận chứng nào vững cho bằng giáo thuyết của Egidio Romano, một thần học gia của thế kỷ 13, thuộc trường phái Âugutinô, dù có quan niệm theo kiểu Flick-Alszeghy hay Sayes.
[35] Sayes, op. cit ., tr 271.
[36] Xin xem G. Martelet, Libera risposta ad uno scandalo. La colpa originale, la sofferenza e la morte, Brescia, Queriniana, 1987, trong mục điểm sách của Civiltà Cattolica, 1989 I, 196-199.
[37] Xin xem Sayes, op. cit ., tt 359t.
[38] Xin xem ibid ., tr 287.
[39] Xin xem ibid ., tr 295.