Một Cái Nhìn Về Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo: Sứ Điệp Xã Hội Trong Kinh Thánh – 02

0
1250


Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp (OP),

Giám mục Giáo Phận Vinh.

 

MỘT CÁI NHÌN VỀ GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO

***

***

PHẦN MỘT

NGUỒN GỐC & HÌNH THÀNH

SỨ ĐIỆP XÃ HỘI TRONG KINH THÁNH

 
Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày ban hành thông điệp “Tân sự”, Đức Gioan Phaolô II đã nhìn lại nguồn gốc và quá trình phát triển của toàn bộ Giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Qua một bản văn cô đọng của thông điệp “Lao động con người”, ngài cho thấy đặc điểm của Giáo huấn xã hội của Giáo Hội nằm ở đường chéo xuyên qua hai điểm căn bản: Một mặt, sứ vụ muôn thuở của Kitô giáo về việc rao giảng Tin Mừng cứu độ cho muôn dân; mặt khác, đòi hỏi thích nghi không ngừng với những thách đố và biến đổi khôn lường của thế giới. Việc nối kết giữa truyền thống với đương đại, giữa nguyên tắc nền tảng và giá trị muôn thuở với những vấn đề thời sự tạo thành nét tiêu biểu và đặc sắc của Giáo huấn xã hội.

Khi đề cập đến đề nghị của Tin Mừng về sự cần thiết “gạn đục khơi trong”, biết “lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ” (Mt 13,52), Đức Gioan Phaolô II đã viết tiếp những dòng sâu sắc về nguồn gốc Kinh Thánh của Giáo huấn xã hội như sau: “Giáo huấn xã hội của Giáo Hội bắt nguồn từ Kinh Thánh, khởi đi từ sách Sáng Thế, đặc biệt từ Tin Mừng, và từ các văn kiện của các thánh Tông đồ. Ngay từ đầu, giáo huấn này đã nằm trong giáo huấn của chính Giáo Hội, trong quan niệm của Giáo Hội về con người và về đời sống xã hội. Hơn nữa, nền luân lý xã hội này đã được dày công xây dựng và phát triển dần dần tùy theo nhu cầu của các giai đoạn lịch sử. Gia sản truyền thống này sau đó đã được kế thừa và khai triển bằng giáo huấn của các Giáo chủ về “các vấn đề xã hội” hiện đại, khởi đầu bằng thông điệp Tân sự[1].

Giám mục Jean-Charles Descubes, chủ tịch Ủy ban về Gia đình và Xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Pháp, đã trình bày một cách ngắn gọn: “Tư tưởng xã hội của Giáo Hội bắt nguồn nơi ngôn từ và hành động của Đức Giêsu. Tin Mừng và các bản văn Tân Ước là quy chiếu của nó. Qua những đề xướng và suy tư, các Kitô hữu đã cấu tạo và tiếp tục xây dựng tư tưởng xã hội này. Huấn quyền của Giáo Hội hợp thức hóa nó”[2].

Chương thứ I của quyển sách này sẽ trình bày sơ lược sứ điệp xã hội của Kinh Thánh, bắt đầu từ các Ngôn sứ, ngang qua giáo huấn của Đức Kitô cho đến những chọn lựa của cộng đồng Kitô hữu tiên khởi. Có thể coi đây như “suối nguồn” của thần học luân lý, cũng như của Giáo huấn xã hội của Giáo Hội.

1. THIÊN CHÚA, SỞ HỮU CHỦ DUY NHẤT

Trong truyền thống Do Thái – Kitô giáo, “vận mệnh phổ quát của tài sản” đã trở thành một đề tài căn bản và xuyên suốt từ Cựu Ước sang Tân Ước. Ruộng đất chính là một tặng vật Thiên Chúa ban cho toàn thể nhân loại. Người là sở hữu chủ duy nhất và tất cả hoa màu ruộng đất vẫn thuộc về Người. Để tránh tình trạng tài sản tập trung vào tay một số điền chủ, nhất là để người nghèo có cơ hội tham dự vào tài sản chung này, Luật Giao ước cấm bán đứt ruộng đất. Sách Lêvi ghi rõ: “Đất thì không được bán đứt, vì đất là của Ta, còn các ngươi chỉ là ngoại kiều, là khách trọ nhà Ta. Trong toàn xứ sẽ thuộc quyền sở hữu của các ngươi, các ngươi phải cho người ta quyền chuộc lại đất. Nếu người anh em của (các) ngươi lâm cảnh túng thiếu và phải bán một phần sở hữu của nó, thì người có quyền chuộc, tức là người bà con gần nhất, sẽ đến chuộc lại cái mà người anh em nó đã bán”(Lv 25,23-25)[3].

Kinh Thánh lặp đi lặp lại quyền căn bản của mọi người là được tham dự vào hoa màu ruộng đất để bảo vệ và làm phát triển cuộc sống. Trong xã hội tiền công nghiệp, quyền có ruộng đất là một quyền sinh tử, được Thiên Chúa ban đồng đều cho mọi người, không loại trừ một ai và cũng chẳng hề thiên vị riêng ai. Cựu Ước đặt việc chiếm hữu tài sản trong mối tương quan không chỉ giữa con người với của cải, mà còn trong mối tương quan với đồng loại và với Thiên Chúa. Tất cả hữu thể nhân loại đã được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và có tương quan bình đẳng với người khác như những thành viên của gia tộc, xã hội, đất nước.

Tác giả Thánh Vịnh viết: “Chúa làm chủ Trái đất cùng muôn vật muôn loài, làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư” (Tv 24,1). Người trao tặng Trái đất cho con người để “cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2,15). Nhưng quản trị nói đây không đồng nghĩa với chủ sở hữu, nhất là chủ sở hữu tuyệt đối, bởi vì Thiên vẫn là chủ sở hữu duy nhất của tất cả ruộng đất.

Từ hồng ân và liên đới này, Alain Durand có lý khi viết: “Thái độ tôn kính Đấng Tạo Hóa được thể hiện ngang qua việc tôn trọng quyền (sở hữu) này. Hôm nay, chúng ta tỏ ra đồng thuận hay đi ngược với hành động tạo dựng của Thiên Chúa theo mức độ chúng ta trân trọng cuộc sống của tất cả mọi người hay chúng ta loại trừ cuộc sống của một số người. Hiện tượng ô nhục của đói nghèo, xét như một hiện tượng xã hội, gây tổn thương cho nhân loại trong phần sâu thẳm nhất, vì đó chính là tâm điểm phát xuất lòng quảng đại của Thiên Chúa đối với tất cả mọi người. Hành động loại trừ người nghèo – bởi vì mọi người nghèo đang bị loại trừ trong xã hội giàu sang – đi ngược lại chủ trương qui tụ tất cả mọi người của Thiên Chúa”[4].

Toàn bộ Cựu Ước, đặc biệt là sách Ngũ Thư và các Ngôn sứ, giới thiệu mô hình một xã hội mới tự do, bình đẳng, huynh đệ và liên đới, hoàn toàn đối lập với chế độ chính trị của các nước lân cận[5]. Trong giai đoạn đầu, dân tộc Israel đã cố gắng thể hiện mối tương quan công bằng, huynh đệ và liên đới này qua cơ chế chính trị – xã hội đặc biệt: Cơ cấu xã hội được tổ chức dựa trên tương quan huyết thống của các chi tộc. Hoàn toàn chưa có vua quan hay giai cấp thống trị. Thiên Chúa là Đức Chúa và Vua của dân tộc, còn tất cả mọi người Israel đều là anh em với nhau, cùng một quyền lợi, nghĩa vụ và phẩm giá như nhau[6].

Qua trung gian của Môsê, Thiên Chúa đã thiết lập với dân tộc Israel một giao ước tại Sinai: Thiên Chúa sẽ là Đức Chúa của dân Israel, trong khi đó Israel sẽ trở thành “dân tộc được tuyển chọn” (Xh 19, 3-8). Người hứa ban cho dân Israel “một vùng đất chảy sữa và mật” làm gia nghiệp[7], nhưng đồng thời đòi hỏi vùng đất hứa này phải ở trong tầm tay của tất cả mọi người, đặc biệt những người nghèo hèn và khốn khổ nhất. Sách Dân số (26, 52-56; 33,54) và sách Giosuê (13-21) kể lại tỉ mỉ cách thức phân chia đất đai để làm sao mỗi gia đình có một nguồn vốn kinh tế như nhau.

“Đức Chúa phán với ông Môsê rằng: Đất đai sẽ được phân chia cho những người ấy theo số tên đã ghi. Đông người thì ngươi sẽ chia cho phần lớn hơn làm gia nghiệp, và ít người thì ngươi sẽ chia cho phần nhỏ hơn làm gia nghiệp; ngươi sẽ cho mỗi chi tộc phần gia nghiệp tương xứng với số người đã được kiểm tra. Nhưng phải bắt thăm để chia đất”[8].

Cựu Ước cũng công nhận quyền tư hữu và triệt để ngăn cấm không được lấy tài sản của tha nhân. Luật giao ước ghi rõ: “Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, bò lừa hay bất cứ vật gì của người ta” (Xh 20,15.17). Nhưng vượt bên trên quyền tư hữu này, Kinh Thánh luôn nhấn mạnh đến một quyền nguyên thủy, nền tảng và tự nhiên, đó là cho phép mọi người được tham dự vào tài sản chung của Trái đất, nhất là khi họ ở trong hoàn cảnh khốn cùng.

2. YÊU SÁCH VỀ CÔNG BẰNG VÀ LIÊN ĐỚI

Các Ngôn sứ đào sâu và khai triển hơn nữa quyền lợi của người nghèo. Chính các vị đã đưa ra nhiều xác quyết triệt để, theo đó các nghi thức thờ phượng Đức Chúa, các lễ nghi phụng tự, các buổi cầu kinh, các ngày lễ, các lễ vật toàn thiêu, hành hương hay các đền đài tráng lệ… chẳng có giá trị tôn giáo nào cả, nếu không chu toàn những đòi hỏi căn bản về công bằng và liên đới.

Ngôn sứ Giêrêmia cho chúng ta thấy công bằng và liên đới chính là hành động tôn thờ đích thực nhất mà Đức Chúa mong đợi. Trái lại, bất công đồng nghĩa với hành động thất trung. Vì vậy, Đức Chúa lên án vua Giơhôgiakim:

“Khốn thay kẻ xây nhà xây cửa
mà không đếm xỉa đến lẽ công bằng
Khốn thay kẻ xây lầu son gác tía
mà chẳng màng chi đến điều chính trực
Khốn thay kẻ bắt anh em mình làm lụng vất vả
mà không tính công sá, không trả thù lao”
(Gr 22, 13).

Ngôn sứ Amos cũng đi theo định hướng chung này. Ông kịch liệt chống lại các thứ tế tự nặng hình thức, nhưng vắng bóng công bằng và thiếu tâm tình tôn giáo:

Lễ lạt các ngươi, Ta chán ghét khinh thường;
hội hè của các ngươi, Ta chẳng hề thích thú.
Các ngươi có dâng lên Ta lễ toàn thiêu…
Những lễ vật của các ngươi, Ta không vui nhận

Chiên bò béo tốt các ngươi đem hiến tế,
Ta chẳng đoái hoài.
Hãy dẹp bỏ tiếng hát om sòm của ngươi
Ta không muốn nghe tiếng đàn của ngươi nữa.
Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào,
cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn
(Am 5,21-24)

Theo ngôn sứ Isaia, để lời cầu nguyện được Thiên Chúa chấp nhận, chúng ta “phải tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bằng, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ (Is.1,13-17). Chúng ta có thể trích dẫn nhiều bản văn tương tự. Dựa trên tư tưởng xuyên suốt và nhất quán trong Kinh Thánh, G. von Rad có lý để kết luận rằng “trong Cựu Ước chẳng có một quan niệm nào giữ vai trò quan trọng trong mối tương quan sinh tử giữa người với nhau như quan niệm công bằng (sedaqah)”. Và ông lưu ý thêm: cần ý thức rằng “chữ công bằng trong ngôn ngữ của chúng ta không những phiến diện, mà nhiều lần còn dịch sai nguyên ngữ (sedaqah) trong tiếng Hebreo”[9].

Thật vậy, sedaqah có một nội dung rất phong phú và phức tạp. Nhãn giới của nó cũng rất rộng, vượt khỏi những phạm trù chật hẹp của quan niệm pháp lý, triết học và ngay cả ý nghĩa luân lý của “công bằng”. Theo nguyên ngữ, Sedaqah trước tiên có nghĩa là thái độ ngay thẳng, phù hợp với giới luật, với bổn phận, với lẽ phải. Người công bằng là người chu toàn trách vụ và có khả năng đảm nhận trọn vẹn mọi tương quan căn bản đối với Thiên Chúa, cũng như đối với anh em (Is. 32,1; Am 6,12).

Trước hết, đối với Thiên Chúa, sedaqah (công bằng) là một nhân đức tôn giáo, một thái độ sống của một người tín đồ đạo hạnh. Người công bằng là người tín đồ sống và hành động phù hợp với giới răn của Đức Chúa, luôn thực thi ý định của Đức Chúa, cố gắng bước đi trong huấn giới của Người[10]. Do đó, người công bằng trở thành người tôi tớ hoàn thiện và bạn hữu của Người[11].

Theo ý nghĩa này, công bằng đồng nghĩa với công chính. Người công bằng là người chính trực và thánh thiện, hay ít nhất không bị chỉ trích và lên án, bởi vì đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tôn giáo[12]. Trái lại, bất công đồng nghĩa với thất trung, gian tà, lươn lẹo, tội lỗi (St 18,22tt).

Đối với anh chị em đồng loại, người công bằng là người có mối tương quan tốt với đồng loại, sống công chính và liêm khiết, nhưng đồng thời cũng là người nhân hậu và bác ái (Tb 7,6; 9,6; 14,9), yêu thương mọi người, đặc biệt những người nghèo khổ, vì họ thường là nạn nhân của bạo lực và bất công[13].

Tóm lại, theo quan điểm Cựu ước, công bằng không phải chỉ là một thứ hạnh kiểm cá nhân: Người công bằng được đánh giá tốt chỉ vì đã giữ trọn một số luật lệ, mà đúng hơn, đây là một thái độ sống theo giao ước, trong đó luôn đề cao mối tương quan tôn giáo đối với Thiên Chúa và chiều kích huynh đệ – liên đới đối với anh chị em. Công bằng đích thực, không chỉ giới hạn trong mối tương quan giữa mình với Chúa hay giữa hai cá nhân với nhau, mà phải mở rộng ra với Đấng Khácngười khác. Đây là thái độ sống chân thành và liên đới. Nhiệm vụ căn bản của cộng đồng Dân Chúa không những giúp các thành viên chu toàn nghĩa vụ công bằng, mà cần cố gắng thể hiện lý tưởng công bằng đó qua các cơ cấu xã hội – chính trị cụ thể.

Một nét độc đáo khác của Cựu Ước là quan niệm về quyền lợi. Khi Kinh Thánh nói về “quyền lợi” thì thường không nhằm bảo vệ quyền lợi của những người có tiền, có của, có danh vọng và chức quyền, mà trước tiên là quyền lợi của những người không tiền, không quyền, không thế, sống vất vưởng bên lề xã hội. Các tiên tri nhiều lần mạnh mẽ lên tiếng bênh vực quyền lợi của đám lê dân chống lại tầng lớp giáo sĩ và vua quan. Tiếng nói sang sảng của các vị đã đánh thức lương tâm ngái ngủ của Dân Chúa suốt dọc lịch sử dân tộc Israel. Khi suy niệm về Giao ước và tình yêu của Thiên Chúa đối với dân tộc được tuyển chọn, tác giả sách Đệ nhị luật kêu gọi dân Israel trung thành với Giao ước, đặc biệt những gì liên hệ đến công bằng và liên đới:

“Anh (em) không được bóc lột người làm thuê nghèo khó bần cùng, dù người ấy là một người của anh (em) hay là một ngoại kiều ở trong đất nước của anh (em). Chính trong ngày hôm ấy, anh (em) phải trả công cho họ, đừng để Mặt Trời lặn mà không trả công, vì họ nghèo khổ v à nóng lòng mong đợi được trả công; như vậy họ sẽ không kêu lên Đức Chúa tố cáo anh (em), và anh (em) sẽ không mang tội (…).

Anh (em) không được làm thiệt hại đến quyền lợi của ngoại kiều và cô nhi, không được giữ áo của người góa bụa làm đồ cầm. Anh (em) hãy nhớ mình đã làm nô lệ bên Ai Cập, và Đức Chúa – Thiên Chúa của anh (em) – đã giải thoát anh (em) ra khỏi đó. Vì vậy, tôi truyền anh (em) thực hành điều đó.

Khi anh (em) gặt lúa trong ruộng mình, mà bỏ sót một bó lúa trong ruộng, thì không được quay lại để lấy; bó lúa ấy dành cho ngoại kiều và cô nhi quả phụ; như vậy, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), sẽ chúc phúc cho anh (em) trong mọi việc anh (em) làm.

Khi hái oliu, thì anh (em) không được trở lại tìm trái sót; những trái đó dành cho ngoại kiều và cô nhi quả phụ”[14].

Các ngôn sứ tiếp tục truyền thống này và hăng say bảo vệ quyền lợi người nghèo chống lại chính vua quan, cũng như những người quyền thế trong dân tộc Israel. Một lần nữa, ngôn sứ Amos lên tiếng:

            “Hãy nghe đây, hỡi những kẻ đàn áp người cùng khổ
            và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ.
            Các ngươi thầm nghĩ:
            Bao giờ ngày mồng một qua đi,
            cho ta còn bán lúa;
            bao giờ mới hết ngày sabát, để ta bày thóc ra?
            Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại,
            Cho quả cân nặng thêm
            Ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ.
            Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần,
            đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ;
            cả lúa nát, gạo mục, ta cũng đem ra bán”.
            Đức Chúa đã lấy thánh danh
            Là niềm hãnh diện của Gia-cóp mà thề:
            Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng”[15].

Đối với tác giả sách Isaia đệ tam, cách ăn chay đích thực, mà Thiên Chúa mong muốn, luôn đòi hỏi phải nối kết công bằng với liên đới và yêu thương. Vắng bóng liên đới và yêu thương mọi hình thức khổ chế, cũng như lễ nghi tế tự sẽ đánh mất ý nghĩa tôn giáo của nó:

            “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao:
            Mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc,
            Trả tự do cho người bị áp bức, đập tan gông cùm?
            Chẳng phải chia cơm cho người đói,
            rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ;
            thấy ai mình trần thì cho áo che thân,
            không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?
            Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông,
            vết thương ngươi sẽ mau lành.
            Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước,
            vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi.
            Bấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhận lời,
            ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: “Có Ta đây!” (Is 58, 6-9).

Theo các bản văn vừa trích dẫn ở trên, thái độ công bằng, nhân ái và liên đới hàm chứa một giá trị tôn giáo cao hơn lễ nghi tế tự. Dĩ nhiên, các ngôn sứ không phủ nhận giá trị của các lễ nghi tế tự. Nhưng theo các ông, lễ nghi tế tự này chỉ mang ý nghĩa tôn giáo khi đi đôi với liên đới. Chính trong viễn tượng đó, ngôn sứ Osea dám xác quyết: “Ta muốn công bằng chứ không phải tế tự, và nhận biết Thiên Chúa hơn là lễ vật toàn thiêu” (Os 6,6).

3. SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC GIÊSU

Theo các trình thuật Tin Mừng, Con Thiên Chúa giáng trần đã tự nguyện chia sẻ kiếp người với anh em đồng loại, đảm nhận những vấn đề nhân loại với tư cách một con người như trăm triệu con người khác. Người cũng chăm chỉ học hỏi, khám phá những bí mật của cuộc đời, cũng bị cám dỗ, chống đối, khổ đau, buồn sầu … Suốt 30 năm trời ẩn dật tại Nazareth, Người đã hòa mình tối đa với đại chúng, chia sẻ điều kiện sống và số phận hẩm hiu của họ. Người đã hội nhập sâu thẳm và âm thầm đến độ ngay cả đồng hương của Người cũng không nhận ra một khác biệt nào giữa Người với họ (Mc.6,1-3).

Dĩ nhiên, tinh thần nhập thế và nhập thể của Đức Kitô không chỉ thu gọn vào việc mặc lấy thân xác con người, mà Người còn muốn trở nên người tôi tớ để phục vụ anh em đồng loại và mời gọi mọi người sống theo tinh thần phục vụ ấy[16]. Đức Kitô yêu thương mọi người, nhưng đặc biệt ưu ái những người nghèo khổ, những người bị áp bức, đày đọa hay bị xã hội bỏ quên. Chính Người đã sinh ra trong hang bò lừa, giữa chốn không cửa không nhà, như trăm triệu “con nhà kẻ khó khác” (xc. Lc 2,1-8). Và, tại chính quê hương Nazareth, Người đã mượn bản văn của ngôn sứ Isaia để chính thức công bố với đồng hương chương trình hành động của mình: “Thần linh Chúa ngự trên tôi, vì Người đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức và công bố năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18).

Trước đó ít lâu, khi ông Gioan tiền hô nghe nói về hoạt động của Người, từ trong tù ông đã sai môn đệ đến hỏi Người có phải là Đấng thiên sai hay không? Người thẳng thắn trả lời họ: “Các anh về thuật lại cho ông Gioan những gì mắt thấy tai nghe: người mù xem thấy, kẻ què đi được, người phong cùi được lành sạch, người điếc nghe được, kẻ chết sống lại, người nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt. 11,4-5). Qua câu trả lời gián tiếp này, Người muốn khẳng định rằng dấu chỉ hiển nhiên của Đấng thiên sai là hành động lựa chọn đứng về phía những người nghèo khổ, bé mọn, tật nguyền và xấu số.

Người tự nguyện đồng hóa với những người đói khát, rách rưới, trần truồng, bệnh tật, đau yếu, tù tội… Bất cứ những gì đụng chạm đến họ là đụng chạm đến chính bản thân Người. Tất cả những gì chúng ta làm cho họ là làm cho chính Người. Và tất cả những gì chúng ta từ chối không làm cho một trong những người bé mọn nhất trong nhân loại khổ đau này là đã từ chối chính Người (x. Mt 25, 31-45).

Câu chuyện người phụ nữ ngoại tình diễn tả một cách sâu sắc và độc đáo thái độ “phá chấp” và tấm lòng nhân ái của Đức Giêsu. Lần kia các Kinh sư và Biệt phái dẫn một người phụ nữ bị bắt quả tang đang ngoại tình đến trước mặt Đức Giêsu. Họ nêu vấn đề để gài bẫy và lấy cớ tố cáo Người: Theo Luật Môsê, chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà như thế này. Còn thầy, thầy nghĩ sao? Biết thâm ý của họ, Đức Giêsu yên lặng, cúi xuống thong thả lấy ngón tay viết trên đất. Đến khi họ thúc giục mãi, Người mới ngẩng đầu lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Nghe câu trả lời vừa đanh thép vừa nhân ái đó, họ lần lượt rút lui, bắt đầu từ những người cao niên nhất. Khi chỉ còn lại một mình đối diện với người phụ nữ, Người ân cần hỏi chị: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?”. Người phụ nữ bàng hoàng đáp: “Thưa Người, không ai cả”. Đức Giêsu ôn tồn nói: “Tôi cũng không lên án chị. Chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa!” (x. Ga 8, 2-11).

Đức Giêsu đã sống nhân ái, “vô chấp”, tự do, thênh thang như đất trời bao la, nên Người cũng muốn cho các môn đệ bước theo con đường rộng mở đó: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái nữa (…). Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho Mặt Trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,38-39. 43-45).

Đức Giêsu không bao giờ công nhận tiền tài, danh vọng hoặc quốc gia, đảng phái, tổ chức xã hội và ngay cả Giáo Hội như mục tiêu tối thượng của cuộc sống. Con người có những quyền lợi tự nhiên và một sứ mệnh vượt trên thực tại thế trần, mà tất cả quyền bính ở trần gian phải tôn trọng. Nếu người Do Thái thần thánh hóa luật “hưu lễ”, biến nó thành bất khả xâm phạm và nhiều khi còn đặt nó trên chính con người, thì Đức Giêsu đã thẳng thắn và cương quyết xác định mối tương quan giữa con người với luật lệ: “Ngày sabát vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát”. Do đó, cơ cấu xã hội, chính trị, luật pháp, văn hóa, tôn giáo… chỉ có ý nghĩa trong viễn tượng phục vụ và làm triển nở con người. Không thể đảo lộn mức thang giá trị để biến hay bắt con người làm vật hy sinh cho những cơ chế đó[17].

Đạo tình thương và Tin Mừng cứu rỗi của Người được gửi đến mọi người, nhưng luôn ưu tiên cho những người nghèo khổ và tội lỗi. Người triệt để đấu tranh chống lại tội lỗi, bất công, hận thù, nhưng luôn đối xử từ bi, nhân hậu và nhẫn nại đối với các tội nhân. Phải chăng, Người đến trần gian để cứu chữa những người tội lỗi, chứ không phải những người mạnh khỏe? Vì vậy, Người sẵn sàng bỏ lại đó 99 con chiên không lạc, để lên đường vất vả, ngược xuôi kiếm tìm một con chiên lạc? (Lc 15, 4-7).

Với cách hiểu như vậy, chúng ta thấy rằng Đạo của Đức Giêsu là Đường dẫn đưa chúng ta tiến về Nhà Cha, nhưng không bao giờ cho phép chúng ta hờ hững, lãnh đạm với anh em đồng loại. Đạo của Người cũng chẳng hề giới hạn trong những “giới răn”: đừng giết người, đừng trộm cắp, chớ gian dâm…, mà còn là đạo hành động, đạo sống. Đối với Người, chẳng ai có thể theo Đạo chỉ bằng môi miệng: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ những ai thực hiện ý muốn của Cha Thầy” (Mt.7,21).

Tông đồ Gioan giải thích thêm: “Ai không yêu thương, thì không nhận biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu (…). Thiên Chúa chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ. Nhưng nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo” (1 Ga 4,8.12).

Trước giờ ly biệt với các môn đệ thân yêu, Người đã để lại lời chứng và luật truyền căn bản về thái độ dấn thân phục vụ: rửa chân cho các môn đệ. Thánh sử Gioan tường thuật: Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó đúng lắm, vì thật vậy, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,12-14). Thi sĩ Bùi Giáng cô đọng ý nghĩa lời “trăn trối” của Đức Giêsu bằng ngôn ngữ đẹp: “Người đã về giữa bụi hồng, rửa chân cho bụi hồng nhân gian, bây giờ Người vĩnh biệt nhân gian, Người vui lòng vĩnh biệt, và lời chúc phúc tối hậu của Người hẳn nhiên là: bụi hồng ở lại hãy tiếp tục rửa chân cho nhau”.

Nói tóm lại, Đức Giêsu triệt để thuộc về Chúa Cha, nhưng đồng thời cũng trọn vẹn sống cho nhân loại. Người đồng thời vừa là Con-Thiên-Chúa vừa là Con-Người. Nơi Người không hề có chuyện cắt xén, phân chia một cách giả tạo giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người, giữa tinh thần và thể xác. Người không hiến dâng linh hồn cho Thiên Chúa, để rồi quẳng lại thân xác khô cứng, chai lạnh cho nhân loại. Trái lại, Người đã hy sinh mạng sống vừa làm của lễ tình yêu dâng lên Chúa Cha, vừa nên giá cứu chuộc loài người. Nơi Người chúng ta gặp thấy sự nối kết tuyệt mỹ giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa với con người. Bằng một tình yêu duy nhất, Người đã ôm trọn cả Thiên Chúa lẫn nhân loại. Chỉ một cây thập giá thôi, nhưng bao gồm hai chiều kích: chiều dọc và chiều ngang, vừa hướng lên Thiên Chúa, vừa giang rộng tới con người, vừa vươn thẳng lên trời, vừa cắm sâu vào lòng đất: tất cả vì Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng trọn tình trọn nghĩa với anh chị em nhân loại[18].

4. CỘNG ĐỒNG KITÔ HỮU TIÊN KHỞI

Cộng đồng Kitô hữu tiên khởi tại Jerusalem cố gắng thể hiện lý tưởng hiệp thông huynh đệ của Tin Mừng. Thánh Luca cho chúng ta một cái nhìn tổng quan về đời sống của các tín hữu đầu tiên qua ba đoạn văn chính trong sách Công vụ Tông đồ 2, 42-47; 4, 32-35 và 5, 12-16. Ba đoạn văn này có chung những khó khăn về mặt văn thể và lịch sử, nhưng bao hàm một nội dung phong phú, bổ túc và soi sáng lẫn cho nhau. Chúng ta thử phân tích những ý tưởng chính có liên hệ đến tình liên đới.

Theo thánh Luca, các tín hữu tiên khởi “chuyên cần nghe giáo huấn của các Tông đồ, hiệp thông với nhau (Koinônia), tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện” (Cv 2,42). Nếu được phép giản lược, chúng ta có thể nhìn sự hiệp thông này dưới hai chiều kích: hành động để tài sản làm của chung và tình hiệp thông huynh đệ[19].

Tác giả sách Công vụ Tông đồ tường thuật: “Tất cả các tín hữu hiệp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ bán đất đai của cải, rồi lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu” (Cv 2,44-45). Ở chương bốn, tác giả nhắc lại ý tưởng căn bản trên, với chi tiết rõ ràng hơn: “Không ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng giữa họ, mọi sự là của chung” (Cv 4,32).

Phân tích đoạn trích dẫn ở trên và tất cả những đoạn văn liên hệ, chúng ta thấy rằng các Kitô hữu tiên khởi vẫn duy trì quyền sở hữu trên những gì họ đang chiếm hữu. Nhưng thay vì quyền tư hữu tuyệt đối và bất khả xâm phạm, nhiều người đã để tài sản làm của chung, nhằm thoả mãn nhu cầu của các anh em nghèo túng trong cộng đồng. Vì vậy, chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy rằng sau khi xác quyết, các tín hữu “đã để mọi sự làm của chung” (Cv 2,44), thánh Luca còn viết thêm: “Họ đem bán đất đai và của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu” (Cv 2,45). Và rồi, ở chương 4, thánh sử lại giải thích: “Trong cộng đồng, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất hay nhà cửa đều bán đi, lấy tiền và đặt dưới chân các Tông đồ. Số tiền này được phân chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu”(Cv 4,34-35)

Tiếp theo đó, tác giả trình bày trường hợp ông Barnaba, một người sau này giữ vai trò khá quan trọng trong sinh hoạt của cộng đồng[20]: “Ông là sở hữu một thửa đất (…). Ông bán đất đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông đồ”(Cv 4,37). Rõ ràng tác giả muốn giới thiệu ông như một tấm gương và một dẫn chứng điển hình của tình liên đới. Tuy nhiên, nếu tất cả các tín hữu đã bán hết tài sản và để mọi sự làm của chung, thì khi dâng cúng trọn vẹn tài sản cho cộng đồng, phải chăng ông Barnaba cũng xử sự như bao nhiêu người khác thôi? Hành động của ông đâu có gì ngoại thường và đáng nêu gương? Như vậy, tác giả đâu cần dẫn chứng trường hợp của ông như một mẫu gương điển hình?

Câu chuyện chẳng mấy tốt đẹp của Anania và Saphira (Cv 5,1-11) giúp chúng ta hiểu rõ vấn đề hơn. Câu chuyện này cho thấy một số thành viên của cộng đồng không sống trung thực với niềm tin và cũng chẳng chân thành với anh em. Lỗi lầm của hai vợ chồng này không phải là “đã giữ lại một phần tiền, rồi đem phần còn lại đặt dưới chân các Tông đồ” (Cv 5,2). Nhưng thực sự, họ có quyền bán hay không bán thửa đất đó. Nếu bán, thì khi đã bán xong, họ cũng có quyền nộp tất cả hay chỉ nộp một phần mà thôi. Tông đồ Phêrô đã chất vấn Anania: “Khi đất còn đó thì nó chẳng là của anh sao? Khi bán rồi thì anh chẳng có quyền sử dụng giá bán đó hay sao? Tại sao anh lại hành động (lừa dối) như vậy?”(Cv 5,4). Do đó, tội của hai vợ chồng này không phải là đã giữ lại một phần tiền bán đất, mà chính là âm mưu muốn đánh lừa các Tông đồ: Họ làm ra vẻ như thể đã dâng hiến trọn vẹn số tiền bán đất. Như vậy, vấn đề không do việc sở hữu hay không sở hữu tiền của, mà do hai vợ chồng đó đã chủ ý đánh lừa và nói dối.

Qua câu chuyện trên, chúng ta có thể đưa ra một kết luận đơn giản: Nhiều tín hữu thuộc cộng đồng Kitô hữu nguyên thủy đã bán tài sản, rồi nộp tất cả cho cộng đồng, nhưng không phải tất cả mọi người đều hành động như vậy. Có người bán tài sản mà không nộp hết số tiền mình có. Một số người khác, được coi là tín hữu chân thành và gương mẫu, vẫn duy trì tài sản. Trường hợp của bà Maria, thân mẫu của thánh sử Marcô, là một thí dụ điển hình: bà vẫn giữ ngôi nhà riêng và còn dùng ngôi nhà này làm nơi hội họp cho các tín hữu (Cv 12,12).

Nói cách khác, trong cộng đồng Kitô hữu tiên khởi, việc để tài sản làm của chung không phải là một sự kiện đồng loạt, đồng đều và triệt để, cũng không do áp lực của một quyền bính, tổ chức hay nguyên nhân ngoại tại nào. Đây hoàn toàn là một hành động tự nguyện, do tác động của niềm tin và tình liên đới giữa những người cùng chia sẻ một đức tin, một niềm hy vọng.

Có thể coi việc chia cơm sẻ bánh này như hệ quả tất nhiên của hiệp thông trong đức tin. Dưới sức tác động của Thần khí, các tín hữu thực hiện nó qua nhiều dạng thức và mức độ khác nhau. Họ có quyền duy trì tài sản và đóng góp cho cộng đồng tùy lòng hảo tâm. Nhưng một số tín hữu đã quảng đại dâng hiến tất cả tài sản của mình cho cộng đồng, như trường hợp của ông Barnaba. Thánh Luca điển hình hóa và lý tưởng hóa trường hợp đặc biệt này như một nếp sống lý tưởng cho tất cả các Kitô hữu. Có lẽ vì vậy thánh nhân đã giản lược hóa thực tế phức tạp và đặc biệt đề cao những trường hợp điển hình để giới thiệu cộng đồng Kitô hữu tiên khởi tại Jerusalem như một mô hình lý tưởng cho tất cả các tín hữu ở mọi thời và mọi nơi.

5. GIÁO HUẤN CÁC TÔNG ĐỒ (Didachè)

Ngoài Tân Ước, ngay từ hậu bán thế kỷ thứ I đã xuất hiện một số tác phẩm Kitô giáo. Các tác phẩm này góp phần rất quan trọng cho việc giải thích và chuyển đạt niềm tin và giáo huấn từ thời các Tông đồ đến thời các Giáo phụ. Sách Didachè cũng gọi là Giáo huấn của các Tông đồ là một trong các tác phẩm quan trọng nhất.

Didachè được soạn thảo khoảng năm 70-90, nhưng nguyên bản mới được phát hiện năm 1873. Chưa biết rõ tên tác giả, nhưng chắc chắn ông là một người có uy tín trong Giáo Hội sơ khai. Đây là một tài liệu quan trọng về Giáo Hội học, vì là chứng nhân lịch sử đầy uy tín về tính Tông truyền của Giáo Hội và thường xuyên được các Giáo phụ trích dẫn. Dưới đây là vài nét đại cương:

5.1 Đời sống tâm linh

Didachè trình bày hai con đường tâm linh. Sự khác biệt giữa chúng rất lớn, vì một đường dẫn đến sự sống, còn đường kia dẫn đến sự chết.

* Đường dẫn tới sự sống chính là: Phải yêu mến Thiên Chúa hết tâm tình, thứ đến phải yêu mến tha nhân như chính mình. Châm ngôn xử thế của những người theo con đường này là: những gì mình không muốn kẻ khác làm cho mình thì cũng đừng làm cho người ta. Sự hoàn thiện Kitô giáo cũng đòi hỏi phải có niềm tin, từ tâm, bao dung, tha thứ và quảng đại trước những nhu cầu của anh em đồng loại.

* Đường dẫn tới sự chết là con đường tội lỗi: giết người, ngoại tình, gian dâm, trộm cắp, thờ tà thần, ăn gian nói dối, nhị tâm, kiêu ngạo, xảo trá, ma lanh, ghen ghét, tham lam, hà tiện bủn xỉn…
Hai con đường này đã trở thành phương pháp dạy giáo lý cho nhiều thế hệ Kitô giáo sau này. Người ta nhận thấy ảnh hưởng rõ rệt của văn hóa Hy Lạp trong lối phân chia và trình bày đời sống tâm linh của Didachè.

5.2. Chiều kích xã hội

Ở đây, Giáo huấn các Tông đồ đưa ra một số lời khuyên cụ thể về hành động bác ái: “Bất cứ ai xin ngươi, ngươi hãy cho mà đừng đòi lại” (Mt 5,42; Lc 6,30), vì Chúa Cha muốn cho mọi người tham dự vào những ân huệ của riêng Người. Phúc thay người ban phát theo như lệnh truyền, vì người đó sẽ được sạch tội”.

Tác giả phân chia nhân loại thành hai hạng: người cho và người nhận. Đối với người nhận, tác giả cảnh cáo hành động gian dối, giả vờ hay lười biếng: “Quả vậy, nếu người nào lâm cơn túng quẫn thì phải trình bày: tại sao mình nhận và nhận để làm gì. Người ấy sẽ phải tống giam trong ngục mà suy xét về những gì mình đã làm, và “sẽ không ra khỏi đó, tới khi nào trả xong đồng xu cuối cùng” (Mt 5,26).

Đối với người cho, tác giả khuyên: “Con đừng mở rộng tay khi nhận, còn khi cho thì khép chặt lại” (x. Hc 4,31). Nếu con có được cái gì nhờ lao tác, thì hãy cho mà chuộc tội lỗi của con. Con đừng do dự khi cho và khi cho thì cũng đừng lẩm bẩm kêu ca, vì con đã biết ai là Đấng nhân lành sẽ trả công cho con. Con đừng ngoảnh mặt không nhìn người túng thiếu, nhưng hãy chia sẻ mọi sự cho người anh em của con, cũng đừng nói mình có những của riêng, vì nếu của cải không mai một con còn chia sẻ, thì những của cải mau qua con lại càng phải chia sẻ hơn biết bao nhiêu (x. Rm 15,27)!

Qua những trình bày sơ lược ở trên chúng ta có thể kết luận rằng Kitô giáo tự bản chất là một con đường cứu độ, chứ không phải là một triết lý chính trị, một mô hình kinh tế hay một thứ luân lý xã hội theo nghĩa chặt. Tuy nhiên, Nước Trời và sứ điệp cứu độ của Đức Giêsu được rao giảng trong một môi trường văn hóa và hoàn cảnh xã hội – chính trị cụ thể. Chính vì vậy, sứ điệp cứu độ này đã không ngừng đối thoại và đối chất với não trạng, nếp nghĩ và nếp sống của người đương thời, cũng như các cơ chế và tổ chức của xã hội trần thế. Nhiều lần Đức Kitô đã mạnh mẽ đòi hỏi phải thay đổi không những “con người cũ” và “nếp sống cũ”, mà cả những luật lệ tôn giáo “bất cận nhân tình”, cũng như các cơ chế xã hội bất công, bạo lực, áp bức. Và Người đề nghị một lối sống mới, một tương quan nặng tình huynh đệ và một cơ cấu tổ chức trong đó con người phải là trung tâm.

Nói tóm lại, Tin Mừng cứu độ của Đức Giêsu không phải là một Giáo huấn xã hội theo nghĩa chặt, nhưng trong ngọn nguồn sâu thẳm cũng như trong tiến trình lịch sử, Tin Mừng không những chứa đựng toàn bộ giáo huấn liên quan đến mầu nhiệm cứu độ, mà còn kèm theo những sứ điệp về mối tương quan giữa người với người và nghĩa vụ dấn thân để xây dựng một thế giới huynh đệ, an hòa và nhân bản hơn. Trải qua hơn hai ngàn năm lịch sử, các cộng đồng Kitô giáo luôn cố gắng thực hiện sứ điệp này qua những lối sống, hành động dấn thân phục vụ và tổ chức bác ái – xã hội rất đa dạng, tùy theo môi trường văn hóa, chế độ chính trị và điều kiện kinh tế đặc thù của mỗi địa phương.

 


[1] Gioan Phaolô II, Lao động con người, số 3.
[2] http://www.penseesociale.catholique.fr/ La pensée sociale de L’Eglise catholique en ligne.
[3] Xem M. de Barros & J.C. Caravias, Teología de la tierra, Paulinas, Madrid, 1988.
[4] Alain Durand, La cause des pauvres. Société, éthique et foi, Cerf, Paris, 1991, 95-96.
[5] Xem Lv 18, 1-30; Đnl 17, 14-20.
[6] Xin coi Tl 8, 22 tt; 1 Sm 8, 1 tt.
[7] Lv 20, 24; Đnl 11, 24-25; Gs 1, 1-4.
[8] Ds 26, 52-55.
[9] G. von Rad, Teología del Antiguo Testamento, Sígueme, 1972, vol. I, 453 & 458.
[10] Xem Ez 18,5-9; Tv 15,2-5; 119, 1-7
[11] Xem Cn 12,10; St 7,1; 18,23-32; Ez 18,5-26.
[12] Xc. Cn 8,12-20; Nl 6,20-25; 24,10-13
[13] Xc. Am 2,6; 5,12; Is 5,23;29,20tt.
[14] Đnl 24, 14-15, 17-20.
[15] Amos 8, 4-7. Xin coi Osea 4, 1-2; Miquea 2, 1-5; 3, 1-12.
[16] Cf. Mt. 20, 24-28; Ga. 13, 12-17.
[17] Xin xem Jacques Maritain, Man and the State, University of Chicago Press, 1952; J. Messner, Social Ethics, St.Louis-London, Herder Book Co., 1965; J. Moltmann, Religion and Political Society, New York,1974.
[18] Xc. Nguyễn Thái Hợp, “Trần gian trong cuộc đời người môn đệ Chúa Kitô”, tạp chí Nhà Chúa, số 21, 1971, tr. 54-72; Bước theo Đức Kitô, Houston, 2001; Nguyễn Ngọc Lan, Đường hay pháo đài, Trình Bày, Sàigòn, 1969; Jon Sobrino, Jesucristo liberator. Ensayo de cristología para nuestro tiempo, Bogotá, 1977; E. Schillebeeckx, Jesús. La historia de un viviente, Madrid, 1983; Benedetto XVI, Gesù di Nazaret, Rizzoli, 2007.
[19] Xem C. Brown, The Acts of the Apostles, 2 voll., London, 1924-25; L. Cerfaux, La Communauté apostolique, 2e éd., Paris,1953; Jacques Dupont, Études sur les Actes des Apôtres, Cerf, Paris, 1967; Nouvelles études sur les Actes des Apôtres, Cerf, Paris, 1984; C. Ghidelli, “I tratti riassuntivi degli Atti degli Apostoli, in Il Messagio della Salvezza, t. V., Scritti apostolici, Torino-Leumann, 1968, 137-150; I.H. Marshall, The Acts of the Apostles, Leicester, 1981; C.M. Martini, Atti degli Apostoli, Roma, 1972; Ph.-H. Mnoud, La vie de l’Église naissante, Neuchatel-Paris, 1952; Rudolf Pesch, Atti degli Apostoli, Assisi, 1992.
[20] Xem Cv 9,27; 11,22-30; 13,1-15; 1 Cor 2,6; Cl 4,10; Gl 2.