Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp (OP),
Giám mục Giáo Phận Vinh.
MỘT CÁI NHÌN VỀ GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO
***
***
PHẦN HAI
NGUYÊN TẮC NỀN TẢNG
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI
Trong lịch sử nhân loại, ít khi chúng ta gặp thấy một ý tưởng đã để lại ảnh hưởng sâu đậm trên xã hội như quan niệm nhân vị. Có thể coi đây là một đóng góp độc đáo của nhân học Kitô giáo cho nhân loại, bởi vì chúng ta không gặp thấy quan niệm này trong các nền văn hóa Hy Lạp, La Mã, Ấn Độ, Trung Hoa hay Việt Nam.
Đối với xã hội theo truyền thống Nho giáo ngày xưa, mỗi người chỉ là một thành phần hoàn toàn dựa dẫm và lệ thuộc vào tập thể để sống còn. Chưa hề xuất hiện mô hình nhân cách và quan niệm con người như một cá thể tự do, tự tại, tự lập… Không ai phủ nhận giá trị của tình liên đới trong gia tộc và làng xã ngày xưa, nhưng tính cộng đồng theo lối “khép kín sau lũy tre làng” nhiều lần đã dẫn đến thói “đố kị cào bằng” và không tôn trọng nét độc đáo của mỗi cá nhân. Ít ai dám vượt qua hương ước. Tính tập thể và ngay cả tâm lý bầy đàn nhiều khi đã trở thành tiêu chuẩn của cuộc sống: “xấu đều hơn tốt lỏi”, “khôn độc không bằng ngốc đàn” hay “chết một đống hơn sống một mình”.
Con người Việt Nam ngày xưa là “con người của gia đình, của dòng họ, của làng, nước. Bản thân họ không có gì là của mình: thân thể là của cha mẹ cho, phận vị là của vua cho, số mệnh là của Trời cho. Có được cái gì cũng là nhờ ơn vua, ơn Trời. Giá trị của nó được tính theo chỗ nó là con ai, thuộc họ nào, làng nào, có chức sắc gì, chứ không theo chỗ bản thân nó là gì. Trong xã hội tất cả là thần dân của vua, đều được xếp vào bậc thang tước vị, rồi lại chia thành hạng cha chú hay con cháu. Con người phải nhìn xuống, nhìn lên trong cái thang trật tự trên dưới đó, tự xác định vị trí của mình mà ăn mặc, nói năng, đi đứng cho phải phép. Đó là con người chức năng trong xã hội luân thường chứ không có nhân cách độc lập”[1].
Dưới thời bao cấp, vai trò của Nhà nước, tổ chức, đoàn thể được triệt để đề cao, trong khi đó vị trí của gia đình và cá nhân bị thu hẹp quá đáng. Con người chủ nghĩa xã hội chủ yếu sống cho đoàn thể, có thói quen hành xử như một thành viên của tổ chức, một bộ phận phụ thuộc và triệt để phục tùng tổ chức, chứ không phải là một nhân vị tự tại, tự lập, có trách nhiệm và phẩm giá vô song. Nhà văn Nguyễn Khải thú nhận: “Cuộc sống tập thể đã nhấn chìm cuộc sống cá nhân, cuộc sống trong chiến tranh đã xóa nhòa mọi thói quen của cuộc sống thời bình. Lúc nào cũng có kẻ thù rình rập đâu đó để tìm cớ lật đổ chế độ bằng vũ trang, hay bằng diễn biến hòa bình. Lúc nào cũng được đồng chí trong chi bộ, bạn bè cơ quan giám sát mọi tư tưởng và hành vi để ngăn chặn mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân của mỗi thành viên (…). Chỉ có một điều lạ, là trong hoàn cảnh sống không có một tí tự do nào cho cá nhân mà chúng tôi vẫn sống được, lại còn viết văn làm thơ được!”[2]
Hiểu theo ý nghĩa đó, ông Roger Garaudy, một tư tưởng gia người Pháp và cựu Mácxít, có lý khi viết: “Kitô giáo đã sáng tạo một chiều kích mới về con người: đó là chiều kích nhân vị. Thật vậy, quan niệm nhân vị hoàn toàn xa lạ với triết học duy lý cổ điển, đến độ các Giáo phụ Hy Lạp không thể tìm thấy trong triết học Hy Lạp những phạm trù và những ngôn từ để diễn tả thực tại mới mẻ này”.
Truyền thống Kitô giáo xác quyết con người là hình ảnh Thiên chúa và vì vậy luôn đề cao phẩm giá con người. Nhưng ở thế kỷ XVIII-XIX lại tỏ ra “dị ứng” hay chống đối một số bản “tuyên ngôn nhân quyền”. Với sự xuất hiện của Giáo huấn xã hội của Giáo Hội hoàn cảnh đã hoàn toàn đổi khác. Hôm nay, con người trở thành con đường của Giáo Hội và việc tranh đấu bảo vệ nhân quyền trở thành trọng tâm của Giáo huấn xã hội của Giáo Hội[3]. Những dòng dưới đây muốn giới thiệu quan điểm của Giáo huấn xã hội của Giáo Hội về nhân phẩm- nhân quyền.
1. CON NGƯỜI – MỘT HỮU THỂ XÃ HỘI
Con người là ai? Có vai trò và sứ mệnh gì trong trời đất? Các triết gia đã tốn rất nhiều thời giờ, trí lực và giấy mực để trả lời cho câu hỏi hóc búa ở trên. Theo quan điểm của triết gia Aristote, con người là “con vật duy nhất biết sử dụng ngôn ngữ”. Đặc biệt, nơi con người “lời nói được sử dụng để diễn tả điều may lành cũng như điều nguy hại, cái đúng và cái sai. Đây là đặc điểm của con người so sánh với các động vật khác, vì chỉ duy con người có khả năng nhận thức tốt và xấu, công bằng và bất công”. Cũng bắt nguồn từ quan điểm triết học của Aristote, phát sinh định nghĩa thời danh về con người như “con vật có lý trí” (Zoón logikón). Định nghĩa này được chuyển giao cho các thế hệ kế tiếp và trở thành một trong những định nghĩa cổ điển.
Nhưng Aristote cũng là một trong các triết gia đầu tiên đề cao xã hội tính của con người. Theo ông, con người là một hữu thể xã hội, một hữu thể sống trong cộng đồng chính trị (Zoón politikon) [4]. Xét theo tư cách hữu thể xã hội, con người cần cộng đồng để sống và phát triển. Một người hoàn toàn tách rời khỏi cộng đồng, sống bất chấp xã hội thì hoặc là thần thánh (idion), hoặc là súc vật (idiota). Lý do đơn giản là để thành người, chúng ta cần được nuôi dưỡng, yêu thương, giáo dục và tương giao với người khác. Tiến trình thành nhân là một tiến trình tiệm tiến, phức tạp và nhiêu khê.
Quan niệm này gặp được sự đồng thuận nơi nhiều triết gia và tư tưởng gia. Đối với bác học Newton, sở dĩ hôm nay chúng ta nhìn xa hơn các thế hệ đi trước, không đương nhiên vì chúng ta giỏi hơn cổ nhân, mà vì chúng ta như những anh lùn được may mắn đứng trên vai của những chàng khổng lồ là hàng trăm ngàn thế hệ trước chúng ta. Văn hào Goethe thú nhận: “Cái gọi là gia tài riêng của chúng ta theo nghĩa chặt quả thật rất ít ỏi. Tất cả chúng ta đã phải lãnh nhận và học hỏi nơi bao nhiêu người đi trước chúng ta và nơi bao nhiêu người sống đồng thời với chúng ta. Chẳng có đại thiên tài nào có thể đi thật xa, nếu muốn tự mình bắt đầu mọi sự từ số không. Tuy nhiên, nhiều người tốt lành đã không hiểu điều đó và, với giấc mơ kiếm tìm cái độc đáo, đã phung phí nửa cuộc đời lần mò trong bóng tối”[5].
Xét như hữu thể xã hội, con người không thể tự túc tự mãn, khép kín nơi chính bản thân, mà phải trở thành một hữu thể tương quan. Chẳng ai có thể nên người mà không được yêu thương và giáo dục, nghĩa là không cần đến gia đình, xã hội và cộng đồng nhân loại. Để trở thành con người viên mãn, chẳng ai có thể hoàn toàn tự túc tự mãn, khép kín nơi chính bản thân, mà phải mở rộng mối tương quan với tha nhân và cộng đồng nhân loại.
Ở thế kỷ XIII, thần học gia Tôma Aquinô đã lấy lại quan điểm của triết gia Aristote để diễn tả con người như một hữu thể xã hội, sống với – sống cùng người khác và có trách nhiệm đối với thiện ích chung. Theo thánh nhân, xã hội tính nằm trong bản chất của con người, chứ không phải chỉ là cái gì tùy tiện hay phụ thuộc, cho nên khuynh hướng tự nhiên của con người là hướng về cộng đồng xã hội. Nhờ cộng đồng và xã hội, con người có khả năng vượt qua những khiếm khuyết của tự nhiên để chế ngự thiên nhiên, và để thực hiện những điều mà mỗi người riêng lẻ không thể thực hiện được. Thật vậy, không một sinh vật nào tự bản chất yếu đuối như con người và cũng chẳng sinh vật nào cần được săn sóc và giáo dục để phát huy khả năng của mình như con người. Mặc dầu con người là một cá nhân, nhưng không phải là một cá nhân đơn độc, mà là thành phần của xã hội[6].
Từ viễn cảnh Kinh Thánh, chiều kích xã hội nơi con người càng hiện rõ: Không những con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, mà hơn thế nữa giống hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi. Nói khác đi, theo ngôn từ của Henri de Lubac, phải chăng “xã-hội-tính của Thiên Chúa phản ảnh nơi xã-hội-tính của loài người”? Phải chăng Thiên Chúa Ba Ngôi đã không long trọng tuyên bố: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1,26), nghĩa là cộng đồng tính của Thiên Chúa Ba Ngôi là cội nguồn sâu xa của xã hội tính nơi con người?
Công đồng Vatican II đặc biệt làm sáng tỏ chiều kích xã hội nơi bản tính nhân loại. Sau khi nhắc lại sứ điệp Kinh Thánh theo đó con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, hiến chế “Giáo Hội trong thế giới hôm nay” viết tiếp: “Thiên Chúa đã không tạo nên con người cô độc, bởi vì từ khởi thủy “Người sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27). Mối liên kết giữa họ đã tạo nên hình thức đầu tiên của cộng đồng giữa người với người. Thật vậy, tự bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể xã hội và không thể sống cũng như phát triển, nếu thiếu vắng tương quan với người khác”[7].
Văn kiện của Bộ Giáo dục Công giáo về vấn đề đào tạo linh mục cũng nhấn mạnh đến chiều kích xã hội của con người: “Con người là một hữu thể xã hội tự bản tính: nghĩa là do sự nghèo nàn bẩm sinh và do khuynh hướng tự nhiên đòi hỏi phải tương giao với người khác. Xã-hội-tính nơi con người là nguồn gốc của mọi hình thức xã hội và của những đòi hỏi đạo đức được khắc ghi trong đó. Vì thế, để đạt tới sự phát triển viên mãn, con người không thể tự túc tự mãn, mà cần đến người khác và xã hội” [8].
Sâu thẳm và triệt để hơn nữa, Công đồng đã đặc biệt đề cao chiều kích xã hội trong lãnh vực cứu độ. Hiến chế “Ánh sáng muôn dân” tuyên bố: “Như Thiên Chúa đã sáng tạo con người không phải để sống riêng rẽ, mà để tạo nên những liên kết xã hội, cũng thế “Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu rỗi con người cách riêng lẻ, ở ngoài mọi tương quan, mà muốn quy tụ họ thành một dân tộc, để nhận biết Người trong chân lý và phụng sự Người trong thánh thiện”[9]. Nói cách khác, “chính Thiên Chúa đã chọn con người, không chỉ với tính cách cá nhân, mà còn như phần tử của một cộng đồng nào đó. Thực thế, trong việc chọn lựa này Thiên Chúa biểu lộ ý định của Người, gọi họ là Dân riêng và ký kết giao ước tại Sinai” [10]
Vì chiều kích xã hội là một chiều kích thiết yếu của một hữu thể xã hội, cho nên chẳng người nào có thể phát triển nếu thiếu vắng tương quan xã hội. Con người chỉ có thể thực hiện sứ vụ làm người và đạt đến mức độ viên mãn trong tương quan với tha nhân. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của Kitô giáo, con người không phải chỉ thuần túy là một hữu thể xã hội hay một phần tử trong cấu trúc xã hội. Trước hết và trên hết, con người còn là một nhân vị. Đây là hai chiều kích căn bản không những không đối lập nhau mà còn bổ sung và phong phú hóa cho nhau.
Chính từ nhân sinh quan này Giáo huấn xã hội Công giáo đã phê phán nhân sinh quan Mácxít. Trong thông điệp “Bách Chu Niên”, Đức Gioan Phaolô II nêu rõ: “Sai lầm căn bản của Chủ nghĩa xã hội nằm ở quan niệm về con người. Thực vậy, chủ nghĩa này xem con người toàn diện chỉ như một yếu tố và một phần tử trong cấu trúc xã hội, đến độ điều thiện hảo của mỗi cá nhân hoàn toàn tùy thuộc vào sự vận hành của bộ máy kinh tế – xã hội. Mặt khác, chủ nghĩa này cho rằng có thể đạt được điều thiện hảo nói trên bất chấp chọn lựa tự do, quyết định duy nhất, triệt để và có trách nhiệm của cá nhân trước điều tốt hay điều xấu. Như thế, con người bị giản lược vào một tổng hòa các tương quan xã hội và do đó làm tiêu tan quan niệm nhân vị như chủ thể có quyền tự quyết về luân lý, nhờ đó con người xây dựng nên trật tự xã hội”[11].
2. CON NGƯỜI – MỘT NHÂN VỊ
Có lẽ linh mục Bửu Dưỡng, O.P. là người đầu tiên, vào cuối thập niên 40 và đầu thập niên 50 của thế kỷ XX, đã dùng từ “nhân vị” để dịch từ “persona” trong tiếng Latin. Ý nghĩa của nó rõ rệt: “Nhân” là người, còn “vị” là ngôi thứ, vai trò, vị trí. Như vậy, nhân vị là địa vị, vai trò, vị trí… của một cá nhân trong đoàn thể hay xã hội, với ngụ ý tôn trọng[12].
Về phương diện lịch sử, quan niệm “nhân vị” xuất hiện vào những thế kỷ đầu tiên của kỷ nguyên Kitô giáo. Đây là giai đoạn mà các nhà tư tưởng Kitô giáo đang cố gắng tìm kiếm một quan niệm thích hợp để trình bày một đề tài thần học cam go: Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Làm sao giải thích Một Thiên Chúa duy nhất, nhưng có Ba Ngôi khác nhau và bằng nhau? Để trình bày mối tương quan phong phú và phức tạp này, các Giáo phụ Hy Lạp đã sử dụng và nối kết hai từ Hy Lạp: “hypostasis” (bản thể) và “prosôpon” (ngôi vị). Hạn từ “hypostasis”, được hiểu như nguyên tắc duy nhất hóa của một ngôi vị, kết hợp với từ “prosôpon” – mà theo nguyên ngữ là chiếc mặt nạ mà các diễn viên dùng để diễn tả diện mạo của một nhân vật nào đó mà họ muốn trình bày – cho thấy rằng quan niệm một Thiên Chúa Ba ngôi không phải chỉ trình bày việc Người biểu lộ cho nhân loại, mà còn diễn tả phần nào huyền nhiệm và thần tính vừa duy nhất, vừa phong phú và khác biệt giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Quan niệm thần học của các Giáo phụ Hy lạp luôn đặt nổi chiều kích tương quan nơi bản tính Thiên Chúa và cho phép nghĩ đến sự duy nhất về bản tính và khác biệt về sứ vụ giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, trong đó mỗi ngôi đều là Thiên Chúa như nhau, nhưng vẫn duy trì trọn vẹn nét cá biệt, sứ vụ và tương quan riêng.
Khi du nhập sang phương Tây thì các thần học gia thuộc văn hóa Latin lại có khuynh hướng nhấn mạnh đến tính chất pháp lý và chiều kích cá nhân, hơn là chiều kích tương quan. Severino Boetius (tk. VI) đã hiểu và giải thích quan niệm nhân vị dưới góc độ cá thể này. Cũng chính ông đã dịch từ «prosôpon» thành từ «persona» trong tiếng Latin và đưa ra một định nghĩa thời danh: Nhân vị là cá thể của bản tính có lý trí (persona est rationalis naturae individua substantia)[13]. Như vậy, theo quan điểm của Boetius, nhân vị là một hữu thể cá biệt, tự tại, có lý trí và bất khả thay thế, nhưng rất tiếc chiều kích tương quan nguyên thủy hầu như đã bị lãng quên.
Thánh Tôma tiếp thu tư tưởng của Boetius và cũng định nghĩa nhân vị theo chiều hướng đó, nhưng đồng thời đã giải thích bản thể tự tại của nhân vị trong bối cảnh tương quan[14]. Theo thánh nhân, chúng ta chỉ có thể hiểu được ý nghĩa sâu thẳm của nhân vị, nhất là ngôi vị nơi Thiên Chúa, ngang qua chiều kích tương quan. Cũng chính thánh nhân đã minh nhiên nêu câu hỏi đặc biệt này: “Phải chăng danh từ nhân vị ám chỉ mối tương quan”? Sau khi phân tích những ý kiến khác nhau, Người đã đi đến kết luận như sau: “Theo những gì đã trình bày ở trên, phải nói rằng hạn từ nhân vị trực tiếp có nghĩa là tương quan và gián tiếp mới là yếu tính” [15].
Nhìn từ viễn cảnh đó, nhân vị là một hữu thể tự tại, bất khả phân chia, cá biệt và do đó độc nhất vô nhị, bất khả thay thế. Tuy nhiên, nhân vị không phải là một hữu thể cô độc và khép kín, mà tự bản chất là một hữu thể có tương quan phẩm chất với người khác, cái khác và Đấng khác. Mối tương quan này không phải là cái gì tùy nghi hay phụ thuộc, mà là một tương quan cốt yếu và mang tính bản thể.
Dưới cái nhìn của Tôma Aquinô, nhân vị là một thụ tạo đẹp nhất và cao quý nhất trên đời, bởi vì là một hữu thể tự tại, có lý tính và có khả năng tâm linh[16]. Nhân học của trường phái Tôma quan niệm con người như một tổng hợp duy nhất bao gồm thể xác lẫn tinh thần, một hữu thể phức biệt và huyền nhiệm, được phú bẩm lý trí và ý chí, khối óc và con tim, nhờ đó có khả năng tách biệt với thế giới động vật và điều khiển môi trường sống, biến nó thành phương tiện để thăng hoa cuộc sống nhân loại. Thật vậy, nhờ sự nối kết độc đáo giữa thân xác và tâm linh, lý trí và con tim, con người có khả năng vượt trên thế giới vật chất và trở thành một hữu thể độc nhất vô nhị trong vũ trụ.
Thánh Tôma có diễn ngữ rất đẹp để diễn tả vị thế độc đáo của con người trong trời đất: con người là một hữu thể biên cương nằm giữa vĩnh cửu và thời gian, giữa thân xác và tinh thần: “Hồn được quan niệm như chân trời hay biên cương ở giữa thân xác và phi thân xác, xét như là một bản thể phi vật chất, nhưng lại trở thành mô thức cho thân xác”. Mặc dù hồn có khả năng siêu vượt trên thế giới vật chất, không hoàn toàn bị tràn ngập và nhận chìm trong vật chất như các sinh vật khác, nhưng nó phải luôn luôn kết hợp mật thiết với thân xác để trở thành người. Chính vì vậy, con người vừa mang thân xác và bị chi phối một cách thật nghiệt ngã bởi điều kiện vật chất, vừa đồng thời có khả năng vượt qua thế giới vật chất để vươn tới chiều kích vô biên[17].
Nói theo ngôn ngữ của Tôma Aquinô, con người không những là một hữu thể có khả năng tự lập, tự quyết và biến đổi thế giới, mà còn có khả năng đi vào mối tương quan cá vị với Thiên Chúa và đối thoại với Người: “homo est Dei capax” (con người có khả năng vươn tới Thượng Đế). Và Công đồng Vatican II giải thích thêm: “Con người là tạo vật duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa yêu thương một cách nguyên thường”[18].
Trong ý nghĩa đó, con người, xét như là một nhân vị, là một hữu thể biên cương và chiếm vị trí cao nhất giữa các thụ tạo. Chính vì vậy, tất cả những hữu thể mang danh hiệu nhân vị đều có một giá trị “tự tại” và một phẩm giá vô song, bất khả xâm phạm.
Trào lưu triết học nhân vị ở thế kỷ XX khai triển và đặt nổi chiều kích tương quan này. Max Scheler định nghĩa nhân vị một cách triệt để như một hữu thể tương quan với thế giới và với người khác. Sở dĩ chiều kích tương quan của nhân vị được đào sâu là vì tương quan được coi là điểm khởi hành trong phân tích hiện sinh của Heidegger. M. Buber và E. Mounier đặc biệt khai triển chiều kích nội tại của tương quan tính – xã hội tính nơi đơn nhất tính của nhân vị. Trong khi đó J. Maritain đề nghị một chủ nghĩa “nhân vị trọn vẹn” xây dựng trên tư tưởng của thánh Tôma: mỗi một người, xét như là nhân vị, đòi hỏi “phải được đối xử, trong xã hội, như một toàn thể”[19].
Tiếp nối truyền thống các Giáo phụ và các Tiến sĩ Hội Thánh, Giáo huấn xã hội của Giáo Hội Công giáo xác quyết con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, do đó phải tôn trọng phẩm giá và các quyền căn bản của con người. Hệ luận tất nhiên của quan điểm này là tất cả mọi chương trình kinh tế, chính trị, xã hội và ngay cả quê hương, đất nước… phải nhằm phục vụ con người, chứ không thể đảo ngược mức thang giá trị. Con người luôn luôn phải là chủ thể, chứ không bao giờ có thể bị giản lược vào hạng phương tiện hay dụng cụ sản xuất.
Trong thông điệp “Hòa bình trên thế giới”, Đức Gioan XXIII đề cao giá trị của nhân vị và yêu cầu lấy việc phục vụ con người làm mục đích của xã hội: “Một cộng đồng nhân loại có trật tự và phong phú phải được thiết lập trên nguyên tắc căn bản này: Mỗi cá nhân là một nhân vị, nghĩa là một bản tính có lý trí và ý chí tự do. Vì thế, do chính bản tính, con người là chủ thể của các quyền lợi và nghĩa vụ. Các quyền lợi và nghĩa vụ này thì phổ quát, bất khả xâm phạm và bất khả chuyển nhượng dưới bất cứ hình thức nào”[20].
Khởi đi từ nguyên tắc căn bản của Kinh Thánh, theo đó “con người được dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, có khả năng nhận biết và yêu mến Người như Đấng Tạo hóa, được Người ủy thác quản trị mọi tạo vật trên Trái đất”[21], Giáo huấn xã hội của Giáo Hội trân trọng đề cao điều mà tư tưởng gia Pascal đã diễn tả một cách sâu sắc: “Con người vượt trên con người một cách vô cùng tận”. Là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình”, trong mỗi người và trong mọi người hiện diện một cái gì linh thiêng, bất khả thay thế và bất khả xâm phạm, nhân danh Đấng Tuyệt Đối đã dựng nên con người theo hình ảnh của Người. André Gide ngỡ ngàng kêu lên: “Ôi người, sinh vật bất khả thay thế nhất trong các sinh vật”[22]
Nhìn dưới ánh sáng mạc khải và qua biến cố Nhập thể, giá trị nhân vị càng được đề cao. Thật vậy, “hình ảnh Thiên Chúa chiếu sáng và biểu lộ tất cả vẻ sung mãn khi Con Thiên Chúa mặc lấy thân xác con người: “Người là hình ảnh Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15), là “ánh sáng rạng ngời của Thiên Chúa, mang dấu ấn của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1,3)[23]. Do đó, cái hữu thể nhân loại bé nhỏ này, mang tên là người, xét về phương diện vật chất hình như chỉ là một hạt bụi trong vũ trụ bao la, nhưng lại hàm chứa một giá trị và phẩm giá vô biên, vì được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và được nâng lên bình diện ân sủng, vượt trên mọi giá trị trần thế.
Chính vì vậy, nếu vì một lý do nào đó, giả sử một người đã hoàn toàn trở thành phi sản xuất xét về khía cạnh kinh tế, vô lại về mặt xã hội, vô tích sự về mặt tâm lý và “phản động” đứng trên phương diện chính trị, thì trong con người đó vẫn luôn hiện diện vẻ cao quý và phẩm giá bất khả xâm phạm, mà chính đương sự và mọi người phải tôn trọng một cách vô điều kiện. Không ai có quyền bóc lột hay đàn áp con người, nhân danh bất cứ lý do, danh nghĩa hay chủ nghĩa nào. Cũng chẳng ai có quyền hủy diệt “nhân cách” hay “nhân vị” của con người, hoặc cưỡng bức họ hành động trái với lương tâm và xác tín của họ. Tất cả mọi giá trị trên đời – dù là của cải vật chất, văn hóa, hay tinh thần – nói cho cùng chỉ là phương tiện để phục vụ con người, chứ không thể trở thành mục đích để bắt con người làm “dê tế thần”[24]. Nói cách khác, theo ngôn từ của Đức Kitô, “ngày sabát được lập nên vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát” (Mc 2,27).
Luôn luôn nhân vị phải là chủ thể và trung tâm của mọi cơ cấu cũng như sinh hoạt xã hội. Đức Gioan XXIII giải thích thêm: “Gắn liền với phẩm giá con người là quyền được tham dự một cách tích cực vào đời sống công cộng và góp phần cá nhân vào thiện ích chung. Đức tiên giáo chủ Piô XII đã nói: “Theo yếu tính, con người không phải là một đối tượng hay một yếu tố thụ động trong đời sống xã hội; trái lại, con người phải là chủ nhân, là nền tảng, là cứu cánh”. Phẩm giá con người còn có quyền đòi pháp luật bảo vệ những quyền lợi riêng của mình, bảo vệ một cách hữu hiệu, tất cả mọi người bằng nhau, và chiếu theo những nguyên tắc công bằng”[25].
Vì là nhân vị, con người là chủ thể của mọi sinh hoạt xã hội. Nhà nước, đảng phái chính trị, cơ cấu tổ chức cũng như các hoạt động xã hội khác đều nhằm mục đích tạo ra những phương tiện và điều kiện thích hợp để giúp con người đạt tới sự phát triển toàn diện. Chính vì vậy, Giáo Hội không mệt mỏi đề cao nhân vị, chống lại mọi hình thức nô lệ và bóc lột làm tổn thương phẩm giá con người, không những trong lãnh vực kinh tế, xã hội và chính trị, mà cả trong phạm vi văn hóa – y tế.
3. BẢO VỆ PHẨM GIÁ CON NGƯỜI
Hệ luận tất nhiên của việc đề cao nhân vị là bảo vệ phẩm giá con người, với sự phân biệt sâu xa giữa trị giá và phẩm giá: trị giá (price) là một giá trị của một sự vật mà người ta có thể tìm được những cái tương đương với nó, trong khi đó “phẩm giá” của mỗi người là độc nhất vô nhị, bất khả thay thế. Bản văn sau đây của Công đồng Vatican II cho chúng ta một cái nhìn tổng quát: “Mỗi người phải xem tất cả đồng loại, không loại trừ một ai, như một “cái tôi khác”, quan tâm đến cuộc sống và những phương tiện cần thiết để sống một cách xứng đáng (…). Hơn bao giờ hết, hôm nay chúng ta phải khẩn thiết trở nên người thân cận của mỗi người và tích cực giúp đỡ những người bên cạnh ta, người già nua bị bỏ rơi hoặc công nhân ngoại quốc bị khinh miệt một cách bất công, hoặc người lưu vong, hay em bé sinh ra từ cuộc tình bất hợp pháp, phải đau khổ một cách bất công không do tội lỗi của mình, hoặc người đói ăn đang kêu gọi lương tâm chúng ta”.
Hệ luận tất nhiên, là “tất cả những gì chống lại chính sự sống, dưới mọi hình thức như giết người, diệt chủng, phá thai, giết chết êm dịu hoặc tự tử; tất cả những gì xâm phạm đến sự toàn vẹn của nhân vị như hủy hoại một phần thân xác, tra tấn thân xác hoặc tâm trí, dùng sức mạnh để xâm phạm đến lãnh vực tâm linh; tất cả những gì xúc phạm đến nhân phẩm như điều kiện sống phi nhân bản, giam cầm vô cớ, lưu đày, nô lệ, mãi dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em, hay điều kiện lao động bất xứng biến công nhân thành dụng cụ thuần túy của lợi nhuận, chứ không còn là người tự do và trách nhiệm; tất cả những cái đó, và những cái khác tương tự, đều thực sự là ô nhục”[26].
Nói tóm lại, theo quan điểm của Kitô giáo, con người như một hữu thể tự do và trách nhiệm là chủ thể của mọi quyền lợi và nghĩa vụ. Việc tranh đấu để bảo vệ và phát triển nhân vị được coi là trái tim và linh hồn của Giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Tất cả mọi tổ chức và cơ cấu của xã hội phải nhằm phục vụ con người, chứ không thể đảo lộn trật tự giá trị. Đây cũng là một trong những lý do mà thông điệp “Quadragesimo Anno” của Đức Piô XI đã dựa vào để phi bác chủ nghĩa xã hội ở thời đó[27].
Trong “Sứ điệp Giáng sinh” năm 1941, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thông điệp “Tân sự”, Đức Piô XII đã phi bác quan niệm cho rằng “mục đích của con người ở trần gian là xã hội” và “xã hội được coi là mục đích tự tại, theo đó con người không trông chờ một cuộc sống nào khác ngoài cuộc sống được kết thúc ở đời này”[28]. Thể theo truyền thống Kitô giáo, ngài tuyên bố xã hội không có mục đích tự tại mà chỉ là phương tiện phục vụ con người. Trong sứ điệp truyền thanh nhân dịp lễ Giáng sinh năm 1942, ngài cho rằng việc tôn trọng phẩm giá và quyền lợi của con người là một điều kiện căn bản của tiến trình hòa bình.
Sứ điệp trên đã liệt kê một số quyền căn bản của con người: “Quyền bảo vệ và phát triển đời sống lứa đôi, đời sống trí thức và luân lý, nhất là quyền có được một nền giáo dục tôn giáo; quyền được tôn thờ Thiên Chúa một cách riêng tư và công cộng (…); quyền có việc làm như phương tiện cần thiết để nuôi sống gia đình; quyền tự do chọn lựa bậc sống (…); quyền sử dụng tài sản vật chất, với ý thức về trách nhiệm và những giới hạn xã hội”[29].
Gần 20 năm sau, trong thông điệp “Mẹ và Thầy”, Đức Gioan XXIII tái xác quyết nguyên tắc cố hữu của Giáo huấn xã hội theo đó tổ chức xí nghiệp và cơ cấu xã hội phải làm sao phù hợp với nhân phẩm[30]. Thông điệp “Hòa bình trên thế giới”[31] nhấn mạnh đến giá trị bất khả tương nhượng của nhân phẩm trong cuộc sống xã hội: “Để có một cuộc sống chung trật tự và phong phú, cần đặt nền tảng trên nguyên tắc theo đó mỗi người là nhân vị, nghĩa là một bản tính có lý trí và ý chí tự do. Do đó, là chủ thể của những quyền lợi và nghĩa vụ phát xuất trực tiếp từ chính bản tính: quyền lợi và nghĩa vụ phổ quát, bất khả xâm phạm và bất khả tương nhượng”[32].
Thông điệp lặp lại những điểm quan trọng của “Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền” (1948), chẳng hạn: “Mọi người có quyền sống, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của thân thể, quyền hưởng những phương tiện cần thiết cho một đời sống xứng hợp như lương thực, quần áo, nhà ở, nghỉ ngơi, săn sóc y tế và những dịch vụ xã hội cần thiết. Do đó, con người có quyền được bảo hiểm khi đau yếu, tàn tật, góa bụa, già lão, thất nghiệp và, cuối cùng, mỗi khi, vì hoàn cảnh ngoài ý muốn, bị tước mất những phương tiện sinh sống cần thiết”[33].
Nhưng khác với “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền”, thông điệp “Hòa bình trên thế giới” đã nối kết quyền lợi với nghĩa vụ. Giáo chủ Gioan XXIII viết: “Trong đời sống xã hội, khi luật tự nhiên cho ai một quyền lợi, lẽ cố nhiên cũng buộc nơi người khác một nghĩa vụ phải nhìn nhận và tôn trọng quyền lợi đó. Như vậy, cái hiệu lực bắt buộc nói đây phát sinh từ luật tự nhiên: chính luật này ban quyền lợi và đòi hỏi nghĩa vụ tương ứng. Bởi thế, người nào chỉ biết đòi quyền lợi, mà quên các nghĩa vụ hay không chu toàn các nghĩa vụ ấy, tức là dùng tay này phá hủy công việc mà tay kia đang xây dựng”[34].
Dựa trên giá trị tối thượng của nhân vị, hiến chế “Giáo Hội trong thế giới hôm nay” nhấn mạnh đến việc tôn trọng con người, đối xử nhân bản với nhau, ngay cả đối với các địch thủ, và khuyến khích cơ chế xã hội bình đẳng giữa người với người: “Cần phải vượt qua và loại trừ mọi hình thức kỳ thị về quyền lợi căn bản của con người, trong lãnh vực xã hội cũng như văn hóa, vì lý do phái tính, chủng tộc, màu da, điều kiện xã hội, ngôn ngữ hay tôn giáo, vì điều đó trái với ý định của Thiên Chúa”. Lý do giản dị là “mặc dù có những khác biệt chính đáng giữa người với người, nhưng sự bình đẳng về nhân phẩm vẫn đòi hỏi phải tiến tới một điều kiện sống nhân bản và công bằng hơn. Thực vậy, sự chênh lệch quá mức về kinh tế và xã hội giữa những thành phần (trong cùng một xã hội) hay giữa các dân tộc của cùng gia đình nhân loại, gây công phẫn và đi ngược với công bằng xã hội, quân bình, nhân phẩm cũng như hòa bình xã hội và quốc tế”[35].
Từ chủ trương lấy con người làm gốc cho mọi sinh hoạt xã hội, Công đồng nêu lên một nguyên tắc nền tảng cho hoạt động của con người: “Vì sinh hoạt nhân bản phát xuất từ con người, cho nên cần qui hướng về con người (…). Con người có giá trị nơi “cái con người là” hơn là nơi “cái con người có”. Cũng vậy, tất cả những gì con người thực hiện nhằm đạt tới mức độ công bằng hơn, huynh đệ hơn và một trật tự nhân bản hơn trong tương quan xã hội, mang nhiều giá trị hơn những tiến bộ kỹ thuật. Thực vậy, các tiến bộ này có thể cung cấp chất liệu để thăng tiến con người, nhưng tự chúng mà thôi không bao giờ thực hiện được điều đó”[36].
Trong thông điệp thời danh về “Phát triển các dân tộc”, giáo chủ Phaolô VI định nghĩa phát triển đích thực như tiến trình đi từ “điều kiện ít nhân bản đến điều kiện nhiều nhân bản hơn”[37]. Chính vì vậy, “không thể giản lược phát triển vào tăng trưởng kinh tế mà thôi. Phát triển đích thực phải là phát triển toàn diện, nghĩa là hướng tới sự thăng tiến mỗi người và mọi người. Như một chuyên viên thượng thặng đã nhấn mạnh một cách chí lý: “chúng tôi không chấp nhận việc tách rời kinh tế khỏi lãnh vực nhân bản (…). Đối với chúng tôi, điều quan trọng là con người, mỗi người, mỗi nhóm người, cho đến khi bao gồm tất cả nhân loại”[38].
Đối với Đức Gioan Phaolô II, ý nghĩa sâu thẳm của giá trị nhân vị và của việc “bá chủ của con người trên thế giới hữu hình, theo ý định của chính Đấng Tạo hóa, biểu lộ nơi ưu tiên của đạo đức trên kỹ thuật, nơi quyền tối thượng của nhân vị trên sự vật, nơi sự siêu việt của tinh thần trên vật chất”[39]. Từ đó, áp dụng vào lãnh vực kinh tế – xã hội, quan niệm về con người – chủ thể của lao động “phải chiếm vị trí trung tâm trong tất cả các lãnh vực chính trị, xã hội và kinh tế trong phạm vi quốc gia, cũng như trong tương quan rộng lớn trên bình diện thế giới và liên lục địa”[40].
Bộ Giáo dục Công giáo cũng nhắc lại vai trò tối thượng của nhân vị trong truyền thống của tư tưởng xã hội Kitô giáo: “Phẩm giá của nhân vị xây dựng trên sự kiện con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và được nâng lên tới mục đích siêu nhiên, siêu vượt cuộc sống trần thế. Do đó, con người, xét như hữu thể thông minh và tự do, chủ thể của các quyền lợi và nghĩa vụ, là nguyên tắc thứ nhất và có thể nói là trái tim và linh hồn của Giáo huấn xã hội của Giáo Hội”[41].
Với tư cách là chủ nhân và chủ thể của tất cả quyền lợi cũng như nghĩa vụ, con người có một phẩm giá và một quyền tối thượng đòi hỏi phải được tôn trọng một cách vô điều kiện và phải được đối xử như nhân vị, mà không bao giờ bị hạ xuống hàng dụng cụ sản xuất hay phương tiện để phục vụ chế độ chính trị hoặc bất cứ ý thức hệ nào. Chính vì vậy, Đức Gioan Phaolô II định hướng Giáo huấn xã hội của Giáo Hội nơi “mối tuơng quan đúng đắn giữa nhân vị và giá trị độc nhất của nó, xét theo phương diện “con người… là thụ tạo duy nhất trên Trái đất được Thiên Chúa yêu thương một cách nguyên thường”. Trong mỗi người, Thiên Chúa đã khắc ghi hình ảnh của Người và phú bẩm cho nó một phẩm giá không thể so sánh”[42].
Trong thông điệp “Tín hữu giáo dân”, Đức Gioan Phaolô II vừa khai triển quan niệm nhân vị nói trên, vừa đẩy xa hơn nữa trách nhiệm tôn trọng phẩm giá con người. Ngài viết: “Phẩm giá con người biểu lộ rạng ngời khi ta nhìn vào nguồn gốc và vận mệnh con người: được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa và được cứu độ bằng máu châu báu của Đức Kitô, con người được mời gọi làm “con trong Chúa Con” và là “Đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần”, được ban tặng sự sống đời đời trong sự kết hiệp hồng phúc với Thiên Chúa. Do đó, mọi xúc phạm đến phẩm giá của mỗi một nhân vị đều đòi được Thiên Chúa báo oán, và là một xúc phạm đến Đấng sáng tạo nên con người” [43].
4. CON NGƯỜI – CON ĐƯỜNG CỦA GIÁO HỘI
Nếu nhân quyền bắt nguồn từ quan niệm Kitô giáo về con người và nếu như suốt dọc lịch sử hiện hữu của mình Kitô giáo luôn gắn bó với văn hóa Tây phương, thì rất tiếc trong quá khứ có những lúc Giáo Hội không những đã không hăng say bảo vệ phẩm giá con người, mà còn chủ trương sử dụng bạo lực hay những hình thức cưỡng chế phi nhân bản. Đặc biệt, vào cuối thế kỷ XVIII, khi những bản tuyên ngôn lịch sử về quyền sống, quyền bình đẳng, quyền tự do, tự quyết … ra đời, thì hàng Giáo phẩm hình như đã quay lưng lại với tiến trình tranh đấu cho nhân quyền này.
Có rất nhiều nguyên nhân của sự chống đối và phản ứng tiêu cực về phía giáo quyền. Một trong những lý do chính là thái độ quá khích của một số chủ trương cổ võ một thứ nhân quyền hoàn toàn chỉ dựa trên giá trị tư nhiên của lý trí và nhất quyết loại trừ tất cả mọi qui chiếu vào Thiên Chúa. Thật thế, “Tuyên ngôn quyền con người và quyền Công dân” của Cách mạng Pháp 1789, “Quy chế dân sự của giới giáo sĩ” (1790) cũng như “Hiến pháp 1791” đều nhắm thực hiện “quyền mà công lý tự nhiên trao cho tất cả các cá nhân” và thiết lập cơ chế chính trị độc lập với quyền bính tôn giáo, nhưng trong nhiều trường hợp đã can thiệp quá đáng vào những lãnh vực thuộc thẩm quyền của Giáo Hội, biến Giáo Hội Pháp thành một “Giáo Hội quốc gia” và nhất là muốn thay thế Kitô giáo bằng “thờ Nữ thần lý trí”.
Phản ứng của giáo quyền dĩ nhiên tức thời và mạnh mẽ. Trong Tông thư “Quod Aliquantum”, ban hành ngày 10-3-1791, Đức Piô VI tuyên bố là giáo quyền “không nhằm cổ võ việc tái lập chế độ cũ của nước Pháp”, nhưng cũng không ngần ngại gọi các quyền tự do mới là “những quyền kỳ quái” hay “quyền ảo tưởng”. Vào hậu bán thế kỷ XIX, Đức Piô IX còn đưa ra một cáo trạng gay gắt và mạnh mẽ hơn nhiều. Thông điệp “Quanta cura”, ban hành ngày 8-12-1864, với bản phụ lục “Danh mục các sai lầm” (Syllabus errorum), đã liệt kê 80 quan điểm mang tính chất triết học – chính trị- tôn giáo bị phê phán là những “dịch bệnh” nguy hiểm của thời đại. Ngay cả Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (1948) của Liên Hiệp Quốc, trong một thời gian khá dài, cũng bị giáo quyền e dè, nghi ngờ và chỉ trích.
Một số tác giả xem bài phát biểu, ngày 7 tháng 9 năm 1955, của Đức Piô XII như một cử chỉ cởi mở đầu tiên trong tiến trình đối thoại với thời đại và chấp nhận nguyên tắc dân chủ và đa nguyên[44]. Nhưng phải đợi đến Đức Gioan XXIII, quan niệm về các quyền của con người dựa trên nhân phẩm mới chính thức được chấp nhận. Như chúng tôi đã đề cập ở trên, thông điệp “Hòa bình trên thế giới”(1963) chính thức đề cao Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền 1948 và khai mở một giai đoạn mới trong tương quan với nhân quyền.
Kể từ đây “nhân quyền và nhân phẩm” đã trở thành đề tài quan trọng trong Giáo huấn xã hội của Giáo Hội[45]. Tiếp nối đường hướng của Đức Gioan XXIII, Công đồng Vatican II đề cao tầm quan trọng của nhân quyền ở thời đại chúng ta: “Con người ngày càng ý thức hơn phẩm giá cao cả của nhân vị, vượt trên tất cả mọi vật. Do đó, quyền lợi và bổn phận của con người thì phổ quát và bất khả xâm phạm. Vì thế, cần phải giúp con người tiếp cận với nhu cầu thiết yếu để có một cuộc sống đích thực nhân bản, chẳng hạn như: lương thực, y phục, nhà ở, quyền tự do chọn lựa lối sống, quyền lập gia đình, quyền được giáo dục, có việc làm, được bảo vệ thanh danh, được kính trọng, được thông tin đầy đủ, được hành động theo luật ngay thẳng của lương tâm, quyền bảo vệ đời sống riêng tư và hưởng tự do chính đáng, kể cả trong lãnh vực tôn giáo”[46].
Theo Công đồng, chính “Tin Mừng loan báo và công bố sự tự do của con cái Chúa, phủ nhận mọi hình thức nô lệ (…). Tin Mừng cũng triệt để tôn trọng phẩm giá và quyền tự do chọn lựa của lương tâm, nhưng không ngừng nhắc nhở ta phát huy mọi tài năng để phục vụ Thiên Chúa và mưu ích cho mọi người”. Dựa trên sứ điệp giải thoát của Tin Mừng, “Giáo Hội công bố nhân quyền, nhìn nhận và tuyên dương tính năng động của thời hiện đại nhằm cổ võ nhân quyền đó khắp nơi”. Nhưng đồng thời cũng ước mong “trào lưu này thấm nhuần tinh thần Tin Mừng và biết dự phòng khỏi tất cả các ý tưởng tự trị sai lầm”[47].
Chính nhờ những kinh nghiệm lịch sử đan xen ánh sáng và bóng tối, mà trong gần một thế kỷ vừa qua Giáo Hội luôn thiết tha với nhân quyền và cổ võ mối tương quan bình đẳng giữa các nước. Trong thông điệp đầu tay “Ecclesiam suam”, Đức Phaolô VI viết những dòng sâu sắc về định hướng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội ở thời hiện đại: “Không thể cứu rỗi thế giới từ bên ngoài. Tương tự như Ngôi Lời đã làm người, trong một mức độ nào đó, chúng ta cũng phải thực hiện như vậy đối với cách thế sống của những người mà chúng ta muốn đem sứ điệp của Đức Kitô cho họ (…). Trước tiên, cần phải nói, lắng nghe tiếng nói, nhất là, con tim của con người. Cần cố gắng bao nhiêu có thể để hiểu con người, tôn trọng họ và yểm trợ họ khi cần thiết. Cần thiết phải trở nên bạn hữu của con người, nếu chúng ta muốn trở thành mục tử, phụ tử và thầy dạy của họ. Bầu khí đối thoại phải là tình bằng hữu, và hơn nữa, việc phục vụ”[48].
Một trang sử mới đã khởi đầu. Con đường của Giáo Hội trong thế giới đương đại ngày càng được biểu lộ rõ nét hơn. Nếu như Đức Kitô là con đường dẫn đưa con người đến với Thiên Chúa, thì phải chăng con người sẽ là con đường mà Giáo Hội phải kinh qua khi thực hiện sứ vụ loan báo Tin Mừng? Quan niệm này được Đức Gioan Phaolô II khai triển dưới nhiều hình thức và qua nhiều văn kiện. Trong thông điệp “Đấng Cứu chuộc loài người” chúng ta gặp thấy một bản văn thâm thúy và rất tiêu biểu, mà hôm nay đã trở thành cổ điển: “Con người là con đường của Giáo Hội, con đường mở ra, một cách nào đó, từ nền tảng mọi con đường Giáo Hội phải đi, bởi vì con người – mọi người, không trừ một ai – đã được Đức Kitô cứu chuộc, bởi vì Đức Kitô kết hợp cách nào đó với con người, với từng người một, không trừ bất cứ ai, ngay cả khi họ không ý thức điều đó (…).
Vì con người là con đường của Giáo Hội, con đường cho cuộc sống và những kinh nghiệm hằng ngày, cho sứ mệnh và lao nhọc của Giáo Hội, cho nên Giáo Hội ở thời đại chúng ta phải luôn ý thức và làm mới ý thức về hoàn cảnh của con người. Như vậy, Giáo Hội phải ý thức về các khả năng của con người được biểu lộ theo một phương hướng mới; đồng thời Giáo Hội phải ý thức về mối đe dọa xảy đến cho con người. Giáo Hội cũng phải ý thức về tất cả những gì xem ra trái ngược với cố gắng làm cho cuộc sống con người được nhân bản hơn, ngõ hầu tất cả những gì kiến tạo nên cuộc sống đó tương ứng với nhân phẩm”[49].
Khi nhìn lại những ánh sáng và bóng tối đan xen trong quá khứ, Đức Giáo chủ Gioan Phaolô II đã bày tỏ nỗi đau buồn sâu xa trước những hành động vi phạm nhân quyền và hoàn toàn đi ngược với Tin Mừng của Đức Kitô. Trước ngưỡng cửa của thiên niên kỷ III, ngài tha thiết khẩn nguyện: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của mọi người, trong một vài giai đoạn lịch sử, đôi lúc Kitô hữu đã sống không bao dung và không trung thành với giới luật yêu thương lớn lao, vì thế đã làm hoen ố khuôn mặt Giáo Hội, Hiền thê của Người. Xin tỏ lòng xót thương đối với những người con tội lỗi của Người và xin thương đón nhận quyết tâm của chúng con nhằm kiếm tìm và cổ võ chân lý trong thái độ dịu dàng của đức ái, với niềm xác tín rằng chân lý chỉ có thể chiến thằng bằng chính chân lý mà thôi”.
Trong viễn cảnh đó, nền tảng, mục đích và lý tưởng của tất cả các tổ chức trần thế phải là con người, xét như là một nhân vị có nhân tính, tự do và tự lập. Nhưng, theo Giáo huấn xã hội của Giáo Hội, con người này chỉ thực hiện trọn vẹn lý tưởng làm người của mình khi cố gắng xây dựng một xã hội phát triển, công bằng, liên đới và nhân ái hơn, cũng như trong tương quan hài hòa với vũ trụ, với người khác và với Đấng Khác.
Đối với Giáo chủ Biển Đức XVI, mặc dù Giáo Hội không có những giải pháp kỹ thuật để cống hiến cho nhân loại, nhưng luôn luôn Giáo Hội mang trong mình một sứ vụ phục vụ chân lý và phục vụ con người để kiến tạo “một xã hội xứng hợp với con người, với phẩm giá và với ơn gọi của chính con người”[50]. Tiếp nối định hướng kiếm tìm công bằng xã hội nhằm phục vụ thiện ích chung của Giáo huấn xã hội Công giáo, Đức Biển Đức XVI muốn hiện đại hóa nó trong bối cảnh toàn cầu hóa bằng cách tán dương kinh tế thị trường, nhưng với điều kiện phải “quan niệm lợi nhuận như một phương tiện để thực hiện những mục tiêu nhân bản và xã hội”[51]. Chương trình phát triển toàn diện, trong đó con người được xem như “tư bản quan trọng nhất phải bảo toàn và đề cao”. Cùng với Đức Phaolô VI, Đức Biển Đức XVI quan niệm “phát triển, hiểu theo nghĩa nhân bản và Kitô, như trọng tâm của sứ điệp xã hội Kitô giáo và đề nghị bác ái Kitô giáo như sức mạnh chính yếu để phục vụ phát triển”[52].
Từ quan niệm “phát triển con người toàn diện và mọi người như một ơn gọi”, Đức Biển Đức XVI chỉ trích mô hình toàn cầu hóa hiện nay. Thật vậy, nếu chúng ta tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của chậm phát triển, chúng ta sẽ thấy nó không phải chỉ thuộc lãnh vực kinh tế – xã hội, mà nằm ở lãnh vực sâu xa hơn: Đó là “thiếu vắng tình huynh đệ giữa con người và giữa các dân tộc”. Một thực tế phũ phàng là: “Xã hội càng toàn cầu hóa càng làm cho chúng ta gần gũi nhau hơn, nhưng không biến chúng ta thành anh em. Lý trí tự nó có thể hiểu sự bình đẳng giữa người với người và thiết lập một cuộc sống dân sự, nhưng không thể kiến tạo tình huynh đệ. Tình huynh đệ này bắt nguồn từ một ơn gọi siêu việt của Thiên Chúa Cha, Đấng yêu thương chúng ta trước, rồi qua Người Con, dạy chúng ta biết bác ái huynh đệ là gì”[53].
[1] Trần Đình Hượu, Đến hiện đại từ truyền thống, NXB Văn Hóa, in lần thứ hai, 1996, tr. 394-395.
[2] Nguyễn Khải, Đi tìm cái tôi đã mất, Tùy bút chính trị – 2006, số 5.
[3] Xem René Coste, L’Eglise et les Droits de l’homme, Desclée, Paris, 1982; Giorgio Filibeck, Les Droits de l’homme dans l’enseignement de l’Eglise: De Jean XXIII à Jean-Paul II, Cité du Vatican, 1992; Hội đồng Giáo hoàng “Công lý và Hòa bình”, Nhân quyền và Giáo Hội, Định Hướng XB, Pháp, 1999.
[4] Aristote, Chính trị, I, 2, 1253a.
[5] Dẫn theo Joseph Hoeffner, La dottrina sociale cristiana, San Paolo, Torino, 1987, tr. 21.
[6] Xem Tôma Aquinô, Tổng luận Thần học, I-II, q.21, a.4, ad 3.
[7] Vatican II, Vui mừng và Hy vọng, số 12.
[8] Giáo huấn xã hội của Giáo Hội trong việc đào tạo linh mục, (1988), số 34.
[9] Vatican II, Lumen Gentium, s. 9.
[10] Vui mừng và Hy vọng, s. 32.
[11] Gioan Phaolô II, Centessimus annus, số 13.
[12] Alexis Cras, “Nhân vị trong “Hồn bướm mơ tiên”, Nhà Chúa, số 25, 2-1972, 18-46.
[13] Contra Eutichen et Nestorium, c. 4.
[14] Thánh Tôma đã định nghĩa nhân vị, với ít nhiều thay đổi như sau: “Omne subsistens in natura rationali vel intellectuali est persona”,(C.G., IV, c. 35).
[15] Tổng luận Thần học, I, q.29, a. 4.
[16] Ibidem, I,q. 29, a. 3: “persona significat id quod est perfectissimum in tota natura, scilicet subsistens in rationali natura. Unde, cum omne illud quod est perfectionis, Deo sit attribuendum, eo quod ejus essentia continet in se omnem perfectionem; conveniens est ut si attribuisca anche il nome di persona”.
[17] Xem Tôma Aquinô, Tổng luận thần học, I, q.76, a.5, ad 4; Tổng luận chống lại ngoại giáo, II, c. 68.
[18] “Sola creatura quam Deus propter seipsam voluerit ” (Vui mừng và Hy vọng, 24).
[19] Jacques Maritain, Personne et le Bien commun, Paris, 1947, 51.
[20] Gioan XXIII, Hòa bình trên thế giới, số 5.
[21] Vatican II, Vui mừng va Hy vọng, số 12.
[22] “O toi, le plus irremplacable des êtres”.
[23] Gioan Phaolô II, Tin Mừng về Sự Sống, 36.
[24] Xem Tóm lược Học thuyết xã hội…, số 132-134.
[25] Gioan XXIII, Hòa bình trên thế giới, s. 10.
[26] Vatican II, Vui mừng và Hy vọng, s. 27.
[27] Piô XI, Tứ thập niên, s. 116-118.
[28] Piô XII, Sứ điệp truyền thanh nhân dịp kỷ niệm 50 thông điệp “Tân sự”, (1941), số 15.
[29] Piô XII, Sứ điệp truyền thanh Giáng sinh 1942, số 21.
[30] Gioan XXIII, Mẹ và Thầy, số 87-89.
[31] Hội đồng châu Âu đánh giá thông điệp này như “một Hiến chương lớn đến sau những Hiến chương lớn khác của lịch sử… Nó nhắc nhở rằng hòa bình chỉ đạt được nhờ tôn trọng vị trí ưu việt của pháp quyền và nhờ bảo vệ và phát triển nhân quyền” (Trích dẫn theo Gustave Martelet, Les idées maitresses de Vatican II, Paris, 1966, 142).
[32] Gioan XXIII, Hòa bình trên thế giới, s. 3.
[33] Ibidem, số 11.
[34] Ibidem, số 30.
[35] Vatican, Vui mừng và Hy vọng, s. 29.
[36] Ibidem, số 35.
[37] Phaolô VI, Phát triển các Dân tộc, số 20.
[38] Ibidem, số 14.
[39] Gioan Phaolô II, Redemptor hominis, số 16.
[40] Gioan Phaolô II, Lao động con người, số 7.
[41] Bộ Giáo dục Công giáo, Giáo huấn xã hội Công giáo trong việc đào tạo linh mục, (1988) số 31.
[42] Gioan Phaolô II, Bách chu niên, số 11.
[43] Gioan Phaolô II, Người tín hữu giáo dân, số 37.
[44] Trước những thay đổi sâu rộng về kinh tế, xã hội, chính trị… Đức Piô XII tuyên bố: “Giáo Hội (…) xem, tình trạng thống nhất của dân tộc trong tôn giáo chân chính và sự đồng tâm hiệp lực giữa tôn giáo và Nhà nước là một lý tưởng. Nhưng Giáo Hội cũng biết rằng, từ dạo nào đó, thời cuộc biến chuyển theo chiều trái ngược, nghĩa là hướng đến tình trạng đa tôn giáo và chấp nhận các quan điểm sống khác nhau ngay trong cùng một cộng đồng quốc gia mà người Công giáo chỉ là một thiểu số” (Discorsi e Radiomessaggi, XVII, Vatican 1956, 218.
[45] Xem G. Thils, Droits de l’homme et perspectives chrétiennes, Louvain-la-Neuve,1982; D. Hollenbach, Claims in Conflict. Retrieving and Renewing the Catholic Human Rights Tradition, New York, 1979; R. Etchegaray et les autes, Culture chrétienne et droits de l’homme, Bruxelles, 1991; Giorgio Filibeck, Les droits de l’homme dans l’enseignement de l’Eglise: de Jean XXIII à Jean-Paul II, Vatican, 1992; Hội đồng Giáo hoàng “Công lý & Hòa bình”, Nhân Quyền và Giáo Hội, Định Hướng XB, 1999; U.B, Thần học Quốc tế, Les Chrétiens d’aujourd’hui devant la dignité et les droits de la personne humaine, Vatican, 1985.
[46] Vatican II, Giáo Hội trong thế giới hôm nay, số 26.
[47] Ibidem, 41.
[48] Phaolô VI, Ecclesiam suam, số 80.
[49] Gioan Phaolô II, Đấng Cứu chuộc loài người, số 14.
[50] Biển Đức XVI, Tình yêu trong chân lý, số 9.
[51] Ibidem, số 46.
[52] Ibidem, số 13.
[53] Ibidem, số 19.