Một Cái Nhìn Về Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo: Khái Niệm Về Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo – 05

0
1398


Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp (OP),

Giám mục Giáo Phận Vinh.

 

MỘT CÁI NHÌN VỀ GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO

***

***

PHẦN MỘT

NGUỒN GỐC & HÌNH THÀNH

KHÁI NIỆM VỀ GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

Ba chương ở trên cho chúng ta thấy Giáo huấn xã hội của Giáo Hội bắt nguồn từ Kinh Thánh và trải qua một quá trình hình thành rất lâu dài. Chính vì vậy, theo nghĩa rộng, có thể nói rằng Giáo huấn xã hội Công giáo xuất hiện đồng thời với Kitô giáo. Thật vậy, Kitô giáo không chỉ bao gồm những chân lý về Thiên Chúa và mối tương quan giữa con người với Đấng Tạo Hóa, mà còn hàm chứa những mối tương quan liên đới giữa con người với nhau, cũng như trách nhiệm đối với gia đình, đối với xã hội và vũ trụ vạn vật. Tuy nhiên, xét theo phương diện phân tích lịch sử, Giáo huấn xã hội của Giáo Hội chỉ chính thức xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX, kể từ thông điệp “Tân Sự” (Rerum Novarum) của Đức Leô XIII, ban hành ngày 15-5-1891. Khi đề cập đến Giáo huấn xã hội của Giáo Hội theo nghĩa chặt, chúng tôi hiểu theo nghĩa lịch sử này.

Các tác giả thường chia Giáo huấn xã hội của Giáo Hội thành nhiều giai đoạn khác nhau. Giữa các giai đoạn này vừa có sự tiếp nối nền tảng, vừa có những đứt quãng về phương pháp, tầm nhìn và đường hướng dấn thân. Tuy nhiên, Đức Giáo chủ Biển Đức XVI đã lưu ý là nên ý thức rằng “không có hai mô hình khác nhau về Giáo huấn xã hội của Giáo Hội, một tiền Công đồng và một hậu Công đồng, mà chỉ là một giáo huấn duy nhất và nhất quán, nhưng đồng thời cũng luôn đổi mới. Cần phải để ý đến đặc điểm của mỗi thông điệp và giáo huấn của mỗi Giáo chủ, nhưng đừng bao giờ đánh mất cái nhìn nhất quán của toàn thể giáo huấn. Dĩ nhiên, nhất quán không đồng nghĩa với khép kín, mà đúng hơn là trung thành năng động đối với nguồn ánh sáng đã lãnh nhận (…). Điều đó bảo toàn đồng thời tính thường tồn cũng như tính lịch sử của gia tài giáo huấn này, mà, với những nét đặc trưng của nó, thuộc về Truyền thống luôn luôn sinh động của Giáo Hội”[1].

1. KHÁI NIỆM VỀ GIÁO HUẤN XÃ HỘI

Nhìn trong tổng thể, Giáo huấn xã hội của Giáo Hội kết hợp đồng thời truyền thống với đương đại, tính nhất quán với tính năng động, thường tồn với yếu tố lịch sử. Nhưng trong mỗi giai đoạn lịch sử, Giáo huấn xã hội có những đặc điểm và nhịp độ phát triển riêng, phù hợp với kinh nghiệm dấn thân của các thế hệ Kitô hữu giữa lòng các xã hội rất khác biệt. Vào giữa thế kỷ XX, Giáo huấn xã hội của Giáo Hội ở vào tiến trình phát triển trên diễn đàn quốc tế. Giáo Hội được nhìn nhận như một tổ chức quốc tế có uy tín và đóng góp tích cực trong nỗ lực cổ võ hòa bình, công lý, nhân quyền, thăng tiến con người và hợp tác giữa các dân tộc. Có thể nói nhờ Giáo chủ Gioan XXIII, Giáo Hội đã chấm dứt giai đoạn tháp ngà, tự mãn, khép kín để mở rộng cửa cho thế giới. Công đồng Vatican II tiếp tục mở rộng thêm cánh cửa đó và chính thức khai mở cuộc đối thoại chân thành với thời đại. Các vị Giáo chủ hậu Công đồng tiếp nối cuộc đối thoại cam go, phức tạp, nhưng rất phong phú này. Đây cũng là giai đoạn Giáo Hội đưa ra nhiều sáng kiến để xác định rõ hơn căn tính và chức năng của Giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Kể từ khi khối Xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, Giáo huấn xã hội Công giáo trở thành một trong những tiếng nói hiếm hoi vẫn mạnh mẽ đối diện với chủ nghĩa tân tự do kinh tế nói riêng và chủ nghĩa tư bản nói chung, cũng như các Nhà nước độc tài khác để bênh vực quyền lợi của con người, đặc biệt của người nghèo, cũng như các nước chậm phát triển[2].

Trong thông điệp “Mater et Magistra”, Đức Giáo chủ Gioan XXIII trình bày Giáo huấn xã hội của Giáo Hội như thành phần côt yếu của quan niệm Kitô giáo về con người và về cuộc sống xã hội. Tiếp nối hướng đi đó, Đức Giáo chủ Gioan Phaolô II giới thiệu một cách ngắn gọn nguồn gốc và tiến trình của Giáo huấn xã hội như sau: “Học thuyết xã hội của Giáo Hội bắt nguồn nơi Kinh Thánh, khởi đi từ sách Sáng Thế, đặc biệt trong Tân Ước, và các văn kiện của các thánh Tông đồ. Ngay từ lúc đầu nó đã là thành phần của giáo huấn Giáo Hội, của quan niệm về con người và cuộc sống xã hội, và đặc biệt của luân lý xã hội, được xây dựng và phát triển dần dần tùy theo nhu cầu của các giai đoạn lịch sử. Gia sản này đã được truyền lại và khai triển qua giáo huấn của các Giáo chủ về “vấn đề xã hội”, bắt đầu từ thông điệp Tân Sự”[3].

Thông điệp “Quan tâm đến vấn đề xã hội” nêu rõ tính chất thần học và mục vụ của Giáo huấn xã hội của Giáo Hội để đừng đồng hóa giáo huấn này với những gì không thuộc bản chất của nó: “Giáo huấn xã hội không phải là con đường thứ ba giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tập thể Mácxít, cũng không phải là một giải pháp thay thế cho những giải pháp khác ít triệt để hơn, mà thuộc về một thể loại riêng. Nó cũng không phải là một ý thức hệ, nhưng là một hình thức diễn tả chính xác những kết quả suy tư nghiêm túc về các thực tại phức tạp của cuộc sống con người, trong xã hội và trong bối cảnh quốc tế, dưới ánh sáng đức tin và truyền thống của Giáo Hội. Mục đích chính là phân tích những thực tại đó xem chúng phù hợp hay dị biệt với giáo huấn của Tin Mừng về con người và thiên chức làm người, vừa mang chiều kích trần thế vừa có tính siêu việt, để hướng dẫn hành vi của các Kitô hữu”[4].

Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo cũng nhắc lại quá trình hình thành và khái niệm của Giáo huấn xã hội của Giáo Hội một cách ngắn gọn như sau: “Giáo huấn xã hội của Giáo Hội được khai triển vào thế kỷ XIX khi Tin Mừng tiếp xúc với xã hội kỹ nghệ tân tiến, với các cơ cấu mới để sản xuất các sản phẩm tiêu thụ, với khái niệm mới về xã hội, về quốc gia và quyền bính, với các hình thức mới của lao động và quyền sở hữu. Sự phát triển giáo huấn kinh tế và xã hội của Giáo Hội xác nhận giá trị vững bền của quyền giáo huấn, cũng như cho thấy ý nghĩa đích thực của Truyền thống luôn luôn sống động và tích cực (…) Giáo huấn xã hội của Giáo Hội tập hợp các giáo huấn được nối kết với nhau theo mức độ Giáo Hội giải thích các biến cố suốt dọc lịch sử, dưới ánh sáng mạc khải của Lời Chúa, và sự trợ giúp của Chúa Thánh thần (…). Giáo huấn xã hội của Giáo Hội đề ra những nguyên tắc suy tư, những tiêu chuẩn phán đoán, những đường hướng hành động”[5].

Tông thư “Giáo Hội tại châu Á ” cũng quan niệm Giáo huấn xã hội như một “toàn thể nguyên lý để suy tư, những tiêu chuẩn để phán đoán và những định hướng hành động cho các Kitô hữu”. Đối với Tông thư, “điều thiết yếu là làm sao để các Kitô hữu dấn thân trong lãnh vực thăng tiến nhân loại có một kiến thức vững chắc về toàn bộ giáo huấn quý báu này và coi nó như thành phần nguyên vẹn của sứ vụ rao giảng Tin Mừng (…). Các Kitô hữu có trách nhiệm lãnh đạo trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội, đặc biệt các giáo dân đang nắm trách nhiệm trong đời sống xã hội, cần được đào tạo vững chắc về lãnh vực này, để họ có thể tác động trên xã hội dân sự cũng như các cơ cấu của nó bằng chất men của Tin Mừng. Giáo huấn xã hội của Giáo Hội không những cảnh báo các Kitô hữu giữ chức vụ lãnh đạo về trách nhiệm của họ, mà còn đem đến cho họ những hướng dẫn để cổ võ sự phát triển con người và giúp họ tránh khỏi những quan niệm sai lầm về con người”[6].

Trong chiều hướng đó, Giáo huấn xã hội của Giáo Hội không phải là một ý thức hệ, một lý thuyết xã hội hay một hệ thống kinh tế thuần túy, mà là quan điểm thần học, đặc biệt thần học luân lý, được áp dụng vào lãnh vực xã hội. Vì thế, Giáo huấn xã hội của Giáo Hội không chủ trương đưa ra những giải pháp kỹ thuật cho vấn đề chậm tiến[7] và cũng chẳng đề xuất các chương trình xã hội hay chính trị cụ thể[8]. Sâu xa hơn, Giáo huấn xã hội của Giáo Hội chính là “một cách thế loan báo Tin Mừng” cho con người hôm nay, bởi vì “làm chứng cho tình yêu của Đức Kitô ngang qua các công tác phục vụ công lý, hòa bình và phát triển là thành phần của loan báo Tin Mừng”[9].

Trong thông điệp “Tình yêu trong chân lý”, một thông điệp được ban hành vào lúc thế giới đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, Đức Giáo chủ Biển Đức XVI đã trình bày những suy tư thần học sâu xa về tương quan giữa kinh tế với đạo đức, tình yêu với sự thật trong giai đoạn toàn cầu hóa. Ngài tái xác nhận rằng Giáo Hội “không có các giải pháp kỹ thuật để cống hiến cho nhân loại và cũng chẳng chủ trương can thiệp vào chính trị của các Quốc gia. Nhưng Giáo Hội phải thi hành sứ vụ phục vụ sự thật trong mọi hoàn cảnh không gian và thời gian để kiến tạo một xã hội theo chiều kích nhân bản, phù hợp với phẩm giá và ơn gọi của con người”[10].

Mọi người đều biết một trong những nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng kinh tế này là do khủng hoảng đạo đức trong thị trường tài chính. Để đưa nhân loại ra khỏi cuộc khủng hoảng về giá trị hiện nay, Đức Biển Đức XVI đề nghị cần nối kết chặt chẽ giữa chân, thiện, mỹ. Ngài coi bác ái như nhân đức trụ cột của Kitô giáo và như “hoàng đạo của Giáo huấn xã hội. Tất cả trách nhiệm và hành động dấn thân được giáo huấn này vạch ra đều bắt nguồn từ tình yêu, mà theo giáo huấn của Đức Kitô, là tổng hợp tất cả Lề Luật» (số 2). Nhưng tình yêu không đơn độc, mà nối kết với chân, thiện, mỹ. Nhất là với chân lý để trở thành Tình yêu trong chân lý (Caritas in veritate): “Chỉ trong chân lý, tình yêu mới tỏa sáng và có thể được sống một cách chân thành. Chân lý là ánh sáng đem lại ý nghĩa và giá trị cho tình yêu. Ánh sáng này đồng thời là ánh sáng của lý trí và của niềm tin, nhờ đó tri thức có thể đạt tới chân lý tự nhiên lẫn siêu nhiên của tình yêu: lý trí lãnh hội được ý nghĩa của hiến dâng, tiếp đón và hiệp thông. Thiếu vắng chân lý, tình yêu sẽ chao đảo trong cảm tính” (số 3). Và ngài cảnh giác chúng ta rằng “một Kitô giáo của bác ái mà vắng bóng chân lý thì dễ dàng bị lẫn lộn với một mớ tình cảm tốt đẹp, tuy hữu ích cho cuộc sống chung, nhưng chỉ ở bên lề xã hội” (số 4).

Chính vì vậy, luôn luôn cần thiết sự tương tác giữa chân lý và tình yêu: “Chân lý cần được tìm kiếm, khám phá và diễn tả trong nhiệm cục của tình yêu, nhưng ngược lại tình yêu cũng phải được hiểu, lượng giá và thực hành dưới ánh sáng của chân lý. Như vậy, không những chúng ta sẽ giúp cho bác ái được chân lý soi chiếu, nhưng còn phải cố làm cho chân lý khả tín hơn, bằng cách chứng tỏ khả năng chứng thực và thuyết phục của nó trong cuộc sống xã hội cụ thể» (số 2).

Chính vì vậy, Giáo huấn xã hội của Giáo Hội chính là “Caritas in veritate in re socialis: loan báo chân lý tình yêu của Đức Kitô trong xã hội. Giáo huấn này là một hành động phục vụ của đức ái, nhưng trong chân lý. Chính chân lý bảo vệ và diễn tả sức mạnh giải phóng của bác ái trong những biến cố luôn luôn mới mẻ của lịch sử (…). Thiếu vắng chân lý, thiếu vắng lòng tin và thiếu vắng tình yêu đối với sự thật, thì chẳng còn lương tâm cũng như trách nhiệm xã hội và hoạt động xã hội trở thành miếng mồi ngon của tư lợi cũng như của lôgíc quyền bính, với hậu quả làm băng hoại xã hội, nhất là đối với một xã hội đang trong tiến trình toàn cầu hóa và ở vào giai đoạn khó khăn như hiện nay” (số 5).

2. NHỮNG NÉT TIÊU BIỂU

Bởi vì Giáo huấn xã hội của Giáo Hội không phải là ý thức hệ, mà là thành phần của thần học luân lý và một cách thế để loan báo Tin Mừng trong thế giới đương đại, nên nó có phương pháp, đặc điểm và chiều kích riêng biệt. Xin lược kê một số nét tiêu biểu:

2.1. Đề cao phẩm giá con người

Giáo huấn xã hội của Giáo Hội đặc biệt đề cao phẩm giá con người và yêu cầu không bao giờ được sử dụng con người như phương tiện của bất cứ mục tiêu chính trị hay cơ cấu trần thế nào. Con người luôn luôn phải là mục đích của tất cả các chương trình kinh tế, xã hội, chính trị. Thật thế, “trật tự của sự vật phải lệ thuộc vào trật tự của nhân vị, chứ không ngược lại. Chính Đức Kitô đã đưa ra nguyên tắc này khi Người xác quyết: ngày hưu lễ được thiết lập vì con người, chứ không phải con người vì ngày hưu lễ”[11]. Cũng chính Đức Kitô đã đặt giới răn căn bản của Kitô giáo nơi tình yêu đối với Thiên Chúa và đồng loại.

2.2. Đức Kitô cứu độ trọn vẹn con người

Cuộc Hiển linh của Đức Kitô cho ta thấy công trình cứu độ của Thiên Chúa bao trùm toàn diện lịch sử nhân loại. Thánh Phaolô diễn tả chân lý này một cách trang trọng, dưới hình thức phủ định: “Tôi xác tín rằng: bất chấp cái chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hay bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hoặc bất cứ một loài thọ tạo nào khác, chẳng có gì tách rời chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39). Giáo chủ Gioan Phaolô II kết luận một cách thật hữu lý: “Qua cuộc nhập thể, Thiên Chúa đã ban cho cuộc sống nhân loại các chiều kích mà Người đã dự định trao ban cho con người ngay từ nguyên thủy”[12].

Dĩ nhiên, con người nói đây không phải chỉ là một cá thể lẻ loi, mà là một hữu thể xã hội, trong tương quan với Đấng Khác, với người khác, với cộng đồng nhân loại và với vũ trụ vạn vật. Công đồng Vatican II tuyên bố: “Thiên Chúa đã dựng nên con người không phải để sống riêng rẽ, nhưng để tạo nên một cộng đồng”. Cũng thế, “Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu độ con người cách riêng rẽ, nhưng Người muốn qui tụ họ thành một dân tộc để họ nhận biết Người trong chân lý và phụng sự Người trong thánh thiện”[13]. Xã hội tính này không cho phép chúng ta giản lược con người vào một “cá nhân đơn độc” hay chỉ đề cao “linh hồn” mà bỏ quên thân xác và các chiều kích xã hội, kinh tế, văn hóa, chính trị…

2.3- Tính thực tiễn

Một nét tiêu biểu khác của Giáo huấn xã hội của Giáo Hội là tính thực hành. «Giáo huấn này thiết yếu hướng đến hành động, phát triển cùng nhịp với những đổi thay của lịch sử. Vì thế, dù dựa trên những nguyên tắc luôn có giá trị vững bền, thì cũng có những phán đoán bất tất. Giáo huấn ấy không phải là một hệ thống đóng kín, nhưng luôn mở ra với các vấn đề mới mẻ không ngừng xảy đến. Nó cần đến sự đóng góp của tất cả những đoàn sủng, kinh nghiệm và khả năng khác nhau»[14] 

Nói cách khác, giáo huấn này không chỉ mang tính lý thuyết, mà còn là lời mời gọi dấn thân và đưa ra phương pháp giúp các tín hữu trả lời cho nhu cầu hiện thực của mỗi giai đoạn lịch sử. Nó đòi hỏi sự tham dự tích cực của tất cả những ai có trách nhiệm về một lãnh vực nào đó trong cuộc sống xã hội như: nhà cầm quyền, người điều hành xí nghiệp, công nhân viên, chuyên gia kinh tế, xã hội…

Trong Kitô giáo cũng có một thứ “chủ nghĩa siêu nhiên cực đoan” khá phổ biến. Chủ nghĩa này triệt để phủ nhận giá trị tự tại của con người sau tội nguyên tổ. Chống lại chủ nghĩa đó, Giáo huấn xã hội xác quyết rằng bất chấp tội nguyên tổ vẫn hiện diện một trật tự của đời sống xã hội, gắn liền với bản tính xã hội của con người theo ý muốn của Thiên Chúa. Việc phát triển chiều kích xã hội nơi con người, tái lập giá trị đạo đức và định hướng cuộc sống theo ánh sáng của Tin Mừng là một trong những mục đích của Giáo huấn xã hội. Các Kitô hữu, đặc biệt các giáo dân, phải tích cực dấn thân xây dựng một xã hội tiến bộ, nhân bản và phù hợp với đòi hỏi của Tin Mừng.

2.4. Vai trò của môi trường sống

Dưới viễn ảnh cứu độ, các điều kiện xã hội có một tầm quan trọng đặc biệt, do sự lệ thuộc của con người vào môi trường sống. Thực vậy, con người “nhiều khi xa lánh điều thiện và bị lôi cuốn theo điều ác, do môi trường xã hội họ đang sinh sống và bị ngụp lặn trong đó ngay từ thuở thiếu thời”[15]. Việc đảo lộn trật tự mà Thiên Chúa đã thiết lập là nguyên nhân của biết bao khổ đau và bất công trong xã hội[16]. Những điều kiện sống tồi tệ, cảnh lầm than khốn khổ và tình trạng khốn cùng tại nhiều nước đang phát triển là một thách đố cho nhân loại hôm nay. Vấn đề nhức nhối này không thể chỉ giải quyết bằng hình thức phê bình xã hội hay thực hành bác ái từ thiện, mà cần cải tổ hay biến đổi chính cơ cấu xã hội theo các nguyên tắc của Giáo huấn xã hội của Giáo Hội.

Cuộc chiến đấu trường kỳ gian khổ chống lại nghèo đói, bệnh tật, lầm than, chiến tranh và bạo lực là một nghĩa vụ Kitô giáo. Hành động buông xuôi và an phận không hề đồng nghĩa với thái độ phó thác cho Thiên Chúa. Trái lại, đó là thái độ vô trách nhiệm hay một thứ an tĩnh quá khích, có nguy cơ biến đức tin Kitô giáo thành một thứ “thuốc phiện ru ngủ dân chúng”.

2.5. Quan niệm về cuộc sống

Giáo huấn xã hội là “thành phần nguyên vẹn của quan niệm Kitô giáo về cuộc sống” bởi vì nó tiếp nối và đào sâu mầu nhiệm nhập thể của Đức Giêsu. Khi mặc lấy thân phận con người, Ngôi Lời của Thiên Chúa đã đi vào lòng đời và xã hội nhân loại. Do đó, nếu Kitô hữu coi thường khả năng định hướng của đức tin đối với cuộc sống công cộng là có nguy cơ phản bội Con-Thiên-Chúa-làm-Người. Các phạm trù đối kháng “Giáo Hội và trần gian”, “Giáo Hội và Nhà nước”, “ân sủng và tự nhiên”, “đức tin và lý trí” mang một ý nghĩa đặc biệt trong thần học Kitô giáo, nhưng không có nghĩa là Giáo Hội phải triệt để ở ngoài trần gian. Giáo Hội không chỉ giới hạn nơi hành động dấn thân đối thoại với thế giới từ vị thế bên lề xã hội, mà còn hiện diện trong lòng xã hội như “men trong bột” (Mt 13,33), “muối cho đời” (Mt 5,13) và “ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,14).

Giáo huấn xã hội của Giáo Hội không thuần túy phân tích các sự kiện và phê phán các hiện tượng tiêu cực nơi cơ cấu xã hội mà thôi. Vượt lên trên hành động phân tích và giải thích các sự kiện, Giáo huấn xã hội của Giáo Hội còn muốn “công bố một tương lai mới mang đầy ý nghĩa[17]. Đây là một chân trời mới vừa mở rộng tầm nhìn, vừa mời gọi con người không ngừng ước mơ và không ngừng vươn tới một thế giới tốt đẹp hơn. Để đạt tới mục tiêu này mọi người phải nỗ lực không ngừng, nhưng không thể chỉ trên khả năng nhân loại, mà còn trông chờ nơi tác động của Thánh Linh, theo kiểu nói của Giám mục Oscar Romero: “Chúng ta là những ngôn sứ của một tương lai không chỉ thuộc về chúng ta mà thôi”.

2.6. Trách nhiệm về thế giới

Sau khi nhắc lại tuyên bố của Công đồng Vatican II theo đó “người có tín ngưỡng và người không có tín ngưỡng nói chung đều đồng ý ở điểm này: vạn sự trên Trái đất phải hướng về con người như trung tâm và đỉnh cao” (GS 12), Đức Biển Đức XVI viết tiếp: «Đối với các tín hữu, thế giới không phải là kết quả của tình cờ hay của tất định, mà là do kế hoạch của Thiên Chúa. Do đó, trách nhiệm của các tín hữu là phải nối kết cố gắng của mình với cố gắng của tất cả những người thành tâm thiện chí, thuộc các tôn giáo khác hay không có tín ngưỡng, để thế giới của chúng ta thực sự phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa: sống như một gia đình dưới ánh mắt của Đấng Tạo Hóa”[18].

Chính trong viễn tượng đó, Công đồng Vatican II rất có lý khi tuyên bố: “Nỗi vui mừng và niềm hy vọng, những buồn khổ và âu lo của con người hôm nay, đặc biệt là của người nghèo và những ai sầu khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, buồn khổ và âu lo của các môn đệ Đức Kitô. Không có gì đích thực nhân loại mà lại không có tiếng vang trong cõi lòng người môn đệ Đức Kitô” (GS 1).

3. VẤN ĐỀ DANH XƯNG

Đứng trên phương diện lịch sử, diễn ngữ “Học thuyết Xã hội” hay “Giáo huấn xã hội” chưa xuất hiện trong thông điệp xã hội đầu tiên “Tân sự” (1891) của Đức Leô XIII. Bốn mươi năm sau, Đức Piô XI sử dụng lẫn lộn một số diễn ngữ sau đây: “Học thuyết về vấn đề xã hội và kinh tế” (QA.,5); “Học thuyết về đề tài xã hội và kinh tế” (QA., 8); “Xã hội học Công giáo” (QA., 9,20,22) và “Triết lý xã hội Công giáo” (QA., 109).

Mãi đến thời Đức Piô XII thuật ngữ “Học thuyết Xã hội” hay “Học thuyết Xã hội Công giáo” mới chính thức đi vào ngôn ngữ của giáo quyền, thay thế cho các diễn ngữ trước đó như “Xã hội học Công giáo” hay “Triết lý xã hội Kitô giáo”. Kể từ đó, danh xưng “Học thuyết xã hội Công giáo” được giới thiệu như một cấu trúc lý thuyết đích thực và riêng biệt, bao gồm hai nguồn chính: tự nhiên và siêu nhiên.

Thuật ngữ “Học thuyết xã hội”, nhất là quan niệm thần học khai sinh ra diễn ngữ này, đã gây ra nhiều cuộc tranh luận. Suốt dọc các thập niên 60 và 70, giới Công giáo tranh luận nhiều về ý nghĩa và tầm quan trọng của “Học thuyết Xã hội”. Theo một số nhà phê bình, “Học thuyết xã hội Công giáo” chẳng qua là một thứ ý thức hệ để cạnh tranh với các ý thức hệ hiện hành khác là chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản. Họ cho rằng Giáo Hội muốn dùng “Học thuyết xã hội” như một mô hình tiền chế và một dự phóng ý thức hệ của “con đường thứ ba” để cạnh tranh với các ý thức hệ và chế độ chính trị hiện hành.

Tại các nước đang phát triển, mô hình “Học thuyết Xã hội Công giáo” nói trên càng bị chỉ trích gay gắt hơn, bởi vì những phạm trù tây phương được sử dụng và giới thiệu trong đó không thích hợp với tình trạng xã hội, kinh tế, chính trị và văn hóa của các nước này. Ngoài ra, đứng trên bình diện chuyên môn, làm gì có một mô hình xã hội, kinh tế và chính trị phổ quát! Làm gì có một “Học thuyết Xã hội Công giáo” tương tự như “Học thuyết tín lý hay luân lý Kitô giáo”!

Sau những tranh luận gay gắt ban đầu, hàng Giáo phẩm đã tiếp thu một số phê bình xây dựng. Quan niệm “thần học lưỡng diện” và diễn ngữ “Học thuyết Xã hội Công giáo” được giải thích một cách khác hơn và cũng ít sử dụng hơn. Chúng ta còn gặp thấy diễn ngữ này nhiều lần trong thông điệp “Mater et Magistra” (1961) của Đức Gioan XXIII, nhưng chỉ một lần duy nhất trong “Pacem in terris”(1963). Tại Công đồng Vatican II, quan niệm thần học lưỡng diện và diễn ngữ “Học thuyết Xã hội” không còn xuất hiện trong hiến chế “Gaudium et Spes”, trừ hai trường hợp ngoại lệ ở số 23 và số 76.

Đức Phaolô VI thường sử dụng diễn ngữ “Giáo huấn xã hội” hoặc “Huấn quyền xã hội của Giáo Hội” thay cho danh xưng “Học thuyết xã hội”. Nhưng Đức Gioan Phaolô II sử dụng một cách hầu như không phân biệt các hạn từ: Học thuyết Xã hội, Huấn quyền xã hội, Giáo huấn xã hội… Ngài tái xác quyết giá trị và tầm quan trọng của “huấn quyền xã hội” của Giáo Hội (CA., 3b), nhưng đồng thời cũng xác nhận  rằng “Giáo Hội không có giải pháp kỹ thuật để cống hiến cho vấn đề chậm phát triển. Thêm vào đó, Học thuyết xã hội của Giáo Hội cũng không phải là con đường thứ ba, giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản”[19]. Kể từ Đức Gioan Phaolô II, Giáo huấn xã hội mang chiều kích liên ngành và có khả năng thích nghi cao để hội nhập vào các môi trường văn hóa, xã hội, kinh tế và chính trị rất khác khác biệt[20]. Trong viễn cảnh đó, sẽ khai mở một cuộc đối thoại mới, phong phú và mang nhiều ý nghĩa giữa Giáo Hội với nhân loại ở thời toàn cầu hóa. Thông điệp “Caritas in veritate” của Đức Biển Đức là một đối thoại sâu sắc giữa Giáo huấn xã hội của Giáo Hội với các nhà lãnh đạo chính trị, kinh tế, tài chánh… ở giai đoạn khủng hoảng kinh tế – tài chánh nặng nề này.

Từ thập niên 80’ của thế kỷ XX, tư tưởng và hoạt động của người Công giáo trong lãnh vực xã hội đã đánh dấu một bước tiến khả quan. Nhiều bản văn của Đức Gioan Phaolô II đã giúp giải toả một số ngộ nhận, đồng thời xác định chức năng và lãnh vực của Giáo huấn xã hội. Giáo huấn xã hội của Giáo Hội được đặt trong bối cảnh sứ vụ giáo huấn của Giáo Hội dưới ánh sáng của Tin Mừng và qua những kinh nghiệm dấn thân, được tích lũy từ ngàn đời của các Kitô hữu. Vượt qua một số hiểu lầm về những gì thực ra không phải là bản chất của nó, Giáo huấn xã hội của Giáo Hội “trình bày, cho thời đại chúng ta, những suy tư của Giáo Hội về thực tại xã hội, bằng cách thẩm định các thực tại này dưới ánh sáng của Tin Mừng và đề nghị những nguyên tắc chỉ dẫn nếp sinh hoạt thực tiễn trong xã hội. Đây là việc áp dụng thần học, đặc biệt thần học luân lý, vào các vấn đề đạo đức nổi cộm trong xã hội con người, một cách cơ bản. Học thuyết này vừa được khởi hứng từ quan điểm thần học, vừa dựa trên thực tế của xã hội, xét theo phương diện nó đề nghị một quan điểm Kitô giáo về cuộc sống nhân loại qua những hoàn cảnh được nghiên cứu bằng suy tư của lý trí và đóng góp của khoa học nhân văn”[21].

Khác với các giáo huấn của Giáo Hội về đức tin và phong hóa, Giáo huấn xã hội của Giáo Hội có “tính năng động”, không ngừng canh tân và thích nghi, bởi vì nó là một tiến trình chiếu sáng của niềm tin vào thực tại xã hội luôn biến đổi. Do đó, trên bình diện xã hội – chính trị – kinh tế, không nên đồng hóa hạn từ “doctrina” (học thuyết, đạo lý) theo nghĩa chuyên môn trong tín lý với hạn từ “doctrina” được sử dụng trong Giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Ở trường hợp sau cùng này, hạn từ “doctrina” (học thuyết) không đồng nghĩa với “giáo huấn tín lý” và cũng chẳng mang tính chất vô ngộ, mặc dù cũng được tuyên bố bởi thẩm quyền chính thức của Giáo Hội.

Chính trong ý nghĩa đó, nhiều tác giả đề nghị thay thế thuật ngữ “Học thuyết xã hội Công giáo” bằng các diễn ngữ tương tự, nhưng khác biệt về ý nghĩa và chính xác hơn về nội dung, như: “Giáo huấn xã hội của Tin Mừng”, “Giáo huấn xã hội của Công giáo” hoặc “Huấn quyền xã hội của Giáo Hội”. Các thần học gia tên tuổi về vấn đề xã hội như linh mục Dominique Chenu, O.P[22] và linh mục J.-Y. Calvez,SJ. đề nghị chọn diễn ngữ “Giáo huấn xã hội” thay thế cho diễn ngữ “Học thuyết Xã hội” để tránh ngộ nhận và phù hợp với thực tế hơn. Bởi vì, như linh mục Y. Calvez đã nhận định một cách hữu lý: “Huấn quyền xã hội của Giáo Hội là một câu trả lời lịch sử cho vấn đề lịch sử”. Do đó, Giáo huấn xã hội của Giáo Hội có “tính năng động” và “thời sự”, lệ thuộc rất nhiều vào tiến trình lịch sử, những biến thiên của vấn đề lịch sử và những đổi thay của thời cuộc. Các thần học gia của Châu Mỹ Latin cũng đề nghị thay thế “Học thuyết xã hội” bằng “Giáo huấn xã hội” hay “Huấn quyền xã hội”, vì cho rằng quan niệm của Giáo Hội về vấn đề xã hội chưa đủ tính hệ thống và khoa học để gọi là một học thuyết.

Hai yếu tố xác định bản chất của Giáo huấn xã hội của Giáo Hội là: tính chất mục vụ và điều kiện lịch sử của các vấn đề xã hội. Do đó, khác với “Giáo huấn Tín lý của Giáo Hội”, Giáo huấn xã hội của Giáo Hội không vô ngộ và cũng chẳng hề bất di bất dịch, xác định một lần cho mãi mãi, trái lại nó lệ thuộc rất nhiều vào những biến thiên của điều kiện văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội… của mỗi giai đoạn lịch sử. Trong quyển sách này, chúng tôi thường dùng danh xưng “Giáo huấn xã hội”, nhưng một đôi khi cũng sử dụng từ “Học thuyết xã hội” vì muốn tôn trọng nguyên nghĩa của bản văn.

4. VẤN ĐỀ PHƯƠNG PHÁP

Bên cạnh vấn đề danh xưng, còn có vấn đề phương pháp luận và mối tương quan với thế giới hiện đại. Như chúng ta đã biết, tư tưởng xã hội Kitô giáo khai sinh ở giai đoạn tiền hiện đại hóa và Giáo huấn xã hội của Giáo Hội xuất hiện tại vùng đất tương đối chậm tiến của châu Âu, nên trong giai đoạn đầu thường có khuynh hướng lý tưởng hóa và phổ quát hóa những hoàn cảnh đặc biệt của cuộc sống nông thôn, nền văn hóa tiền kỹ nghệ, tập tục tiền chủ nghĩa tư bản với những mô hình chính trị, kinh tế, xã hội của một thời đã qua. Chính vì vậy, Giáo huấn xã hội của Giáo Hội đã gặp khá nhiều khó khăn trong việc hiểu và giải thích hiện tượng xã hội – kinh tế ở thời hiện đại và hậu hiện đại. Nhưng kể từ giữa thế kỷ XX, Giáo huấn xã hội đã thực hiện nhiều cuộc canh tân để hiểu và đối thoại hữu hiệu với thế giới hôm nay.

Vấn đề canh tân phương pháp đóng một vai trò quan trọng trong việc phân tích và phê phán thực tại trần thế, cũng như các trào lưu kinh tế – xã hội. Trong tiến trình phát triển của Giáo huấn xã hội của Giáo Hội, chúng ta có thể chia làm ba giai đoạn chính, dựa theo phương pháp đã được sử dụng.

4.1. Phương pháp diễn dịch

Trong các văn kiện của 60 năm đầu tiên, được soạn thảo trong bối cảnh và dưới ảnh hưởng của phái tân Kinh viện, phương pháp diễn dịch đóng vai trò chủ đạo. Phương pháp triết học này khởi đi từ những nguyên tắc của luật tự nhiên hay những ý niệm về một xã hội lý tưởng nào đó (theo quan điểm siêu hình, triết học, thần học và đạo đức học) để áp dụng đồng đều vào những hoàn cảnh cụ thể, rất khác biệt và rất đa dạng, ở mọi thời và mọi nơi.

Giới hạn tất nhiên của nó đã quá rõ ràng: người ta đi từ một cái nhìn lý thuyết, trừu tượng, phiến diện và giản lược về thực tại xã hội để đưa ra những kết luận nhiều khi cũng rất không tưởng. Thường thường người ta khởi đi từ những “nguyên tắc xã hội” để đi đến việc áp dụng cụ thể, hoặc từ một dự án lý tưởng về xã hội để đưa ra những chỉ dẫn đồng đều cho những hoàn cảnh phức tạp, đa dạng và luôn thay đổi.

Tiến trình diễn dịch này giả thiết rằng người ta có thể xây dựng một xã hội tốt theo kiểu mẫu đẹp được rút ra từ các nguyên tắc và định hướng của Giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Theo phương pháp diễn dịch này, một số người còn nghĩ rằng có thể xây dựng, ở mọi thời và mọi nơi, một cách đồng nhất, những xã hội an hòa, công bằng và liên đới, thích hợp với trật tự ước muốn của Đấng Tạo Hóa.

Trên thực tế, phương pháp diễn dịch đã sử dụng phạm trù xã hội và văn hóa của một hoàn cảnh lịch sử và địa lý nhất định, rồi phóng chiếu sang những thực tại xã hội và văn hóa khác. Phương pháp này ít để ý đến nguồn gốc lịch sử và văn hóa của một số quan niệm, cũng như mô hình, nếp sống của một thời đại và môi trường văn hóa nhất định đã khai sinh ra chúng. Thay vì nghiên cứu và tiếp xúc với thực tại khách quan để sau đó có thể đưa ra những nhận định cụ thể và riêng biệt cho mỗi hoàn cảnh, người ta lại thường khởi đi từ những ý niệm trừu tượng rồi tìm cách áp dụng một cách đồng đều vào những hoàn cảnh phức tạp, đa dạng và luôn đổi thay.

Các văn kiện của Đức Leô XIII, chẳng hạn, thường trình bày khái niệm “Quốc gia Kitô giáo” như một mô hình lý tưởng cho thế giới Công giáo. Đức Piô XI đề nghị biểu dương “Vương quyền xã hội của Đức Kitô” như đặc điểm của dự án tương lai cho một xã hội công bằng và nhân ái hơn. Đức Piô XII nhấn mạnh đến “văn minh Kitô giáo” như tiêu chuẩn cho dự án của một xã hội tân tiến và nhân đạo. Đây là những mô hình tiền hiện đại và, hơn nữa, mang nặng sắc thái phuơng Tây. Chính vì vậy, đôi khi, nó không những trở thành lạc hậu đối với xã hội Tây phương thời hiện đại, mà còn trở thành một “đề nghị hơi phi lý” đối với các nước đang phát triển, thuộc các nền văn hóa khác.

4.2. Phương pháp quy nạp

Kể từ thông điệp “Mater et Magistra” (Mẹ và Thầy) và Công đồng Vatican II, phương pháp quy nạp được sử dụng để thay thế cho phương pháp diễn dịch. Hai yếu tố được đưa vào để lấp đầy những lỗ hổng của phương pháp diễn dịch, đó là: tái khám phá chiều kích lịch sử của các hiện tượng xã hội và đề cao tính ưu việt của niềm tin Kitô giáo. Một mặt, Giáo huấn xã hội của Giáo Hội công nhận rằng mỗi hiện tượng xã hội mang dấu ấn văn hóa và cần phải hiểu trong một bối cảnh lịch sử riêng biệt; mặt khác, đức tin đã mang lại cho chúng ta những chiều kích, ý nghĩa và cái nhìn hoàn toàn mới, có khả năng làm đảo lộn tất cả mọi sự. Chính vì vậy, chúng ta không thể coi đức tin như một cái gì “thêm vào” hay bổ túc cho một công trình xây dựng trên luật tự nhiên.

Đặc điểm của phương pháp quy nạp là khởi đi từ những điều kiện lịch sử phức tạp, phong phú và cá biệt, mà không thể tiên thiên giản lược vào các mô hình lý tưởng hay trừu tượng. Tuy nhiên, lịch sử được nối kết một cách thâm sâu với mạc khải Kitô giáo, bởi vì mạc khải luôn bén rễ trong lịch sử, trong khi đó lịch sử có thể được dẫn đưa tới mức độ viên mãn trong Đức Kitô.
Có ba bước hay ba giai đoạn quan trọng trong việc thực hiện phương pháp quy nạp này: Xem (quan sát) – Xét (phê phán) – Làm (hành động). Đây là một tiến trình thực tiễn, mở rộng và luôn được canh tân, bổ túc liên tục:

* Xem: Giai đoạn quan sát và tìm hiểu tình trạng xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa, tôn giáo của môi trường khảo sát. Cố gắng nhận diện và đọc các “dấu chỉ thời đại”. Giai đoạn này cần đến sự đóng góp quan trọng của khoa học kỹ thuật và khoa học nhân văn.

* Xét: Giai đoạn đánh giá, lượng định và phê phán thực tại xã hội dưới ánh sáng của Tin Mừng. Chính Tin Mừng trở thành tiêu chuẩn cuối cùng của sự phán đoán và đánh giá các thực trạng xã hội. Đức tin có thể đảm nhận vai trò tiêu chuẩn, cho phép chúng ta nhận diện những sai lầm, những thiếu sót và những tà ý trong các kế hoạch, cũng như trong các cơ chế hiện hành, đồng thời đóng vai trò ngôn sứ, sáng tạo những cái mới và thúc đẩy con người hướng tới lý tưởng phát triển toàn diện.

* Làm: Các Kitô hữu phải dấn thân hoạt động để thực hiện những nguyên tắc và tiêu chuẩn của Giáo huấn xã hội của Giáo Hội trong môi trường xã hội – chính trị. Chúng ta không thể đạt được những biến đổi sâu xa và bền vững, nếu chưa thực hiện được những biến đổi về cơ cấu chính trị, xã hội, kinh tế, luật pháp. Giáo huấn xã hội của Giáo Hội yêu cầu các Kitô hữu, đặc biệt các giáo dân, phải thực sự trở nên “muối”, “men” “ánh sáng” trong đời thường, trong nghề nghiệp và trong môi trường xã hội.

* Ước mơ: Hành động này cũng chưa phải là hành động chung kết, trái lại chỉ là một tổng hợp tạm thời trong tiến trình tìm kiếm không ngừng những giải pháp khác tốt và mới hơn. Đây là một tiến trình liên tục đi tới, thăm thẳm và diệu vợi. Chính vì vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, một số tác giả đề nghị nên thêm yếu tố “ước mơ”. Chính “ước mơ” này sẽ mở đường cho sáng tạo và chắp cánh cho tương lai.

Phương pháp quy nạp phát xuất từ phong trào Thanh-lao-công (JOC) vào thập niên 50. Đức Gioan XXIII sử dụng nó trong thông điệp “Mater et Magistra” (1961). Người viết: “Việc chuyển đạt những nguyên tắc và những chỉ thị thành những hành động cụ thể thường qua ba giai đoạn: khảo sát hoàn cảnh, đánh giá hoàn cảnh đó từ nguyên tắc chỉ đạo của Giáo huấn xã hội của Giáo Hội; tìm hiểu và quyết định điều gì có thể và phải làm để áp dụng những nguyên tắc và chỉ thị nói trên vào hoàn cảnh cụ thể, theo phương thế và mức độ mà chính những hoàn cảnh đó cho phép hoặc đòi hỏi. Ba giai đoạn này thường được diễn tả qua ba diễn ngữ: xem, xét, làm”[23].

Công đồng Vatican II đã bổ túc và kiện toàn phương pháp này. Lịch sử được nhìn như điểm khởi hành cho mọi giải thích đúng đắn về thực trạng xã hội và cứ điểm thần học qua đó chúng ta có thể nghe được lời mời gọi khẩn thiết của cộng đồng. Có thể coi đây là một ý thức trách nhiệm của các Kitô hữu, một khả năng nhận định tốt về hoạt động xã hội, một phương pháp mở, được cải tiến không ngừng qua tương quan giao thoa giữa ba hay bốn bước nói trên.

Giáo chủ Phaolô VI đào sâu phương pháp này bằng thái độ phê phán nhằm tạo cầu nối hữu hiệu giữa bước chuyển tiếp đánh giá dưới ánh sáng đức tin sang dấn thân thực hiện. Thật vậy, bước chuyển tiếp khó khăn này luôn đòi hỏi thái độ phê phán trung thực về thực tại, việc sử dụng đúng đắn các trung gian kỹ thuật, trình độ chuyên môn cao trong lãnh vực chính trị – xã hội, tinh thần dấn thân cho công bằng xã hội và khả năng sáng tạo.

Bản văn quan trọng sau đây của Tông thư “Octogesima adveniens”(1971) giúp chúng ta hiểu rõ hơn những gì đã trình bày ở trên:

Đối diện với tình trạng quá khác biệt, chúng tôi khó có thể đưa ra một lời tuyên bố duy nhất và đề xuất một giải pháp có giá trị phổ quát. Ngoài ra, điều đó không phải là tham vọng của chúng tôi và cũng chẳng thuộc sứ vụ của chúng tôi. Các cộng đồng Kitô giáo có trách nhiệm phân tích một cách khách quan tình trạng của đất nước họ, soi sáng tình trạng này bằng ánh sáng của Tin Mừng, rút ra những nguyên tắc để suy tư, tiêu chuẩn để phán đoán và những chỉ thị hành động từ Giáo huấn xã hội của Giáo Hội (…). Trách nhiệm của các cộng đồng Kitô giáo là phải cụ thể hóa – với sự trợ lực của Chúa Thánh thần, trong sự hiệp thông với các Giám mục, và trong sự đối thoại với các anh chị em Kitô hữu khác, cũng như với tất cả những người thành tâm thiện chí – những chọn lựa và những dấn thân thích hợp để thực hiện các biến đổi khẩn cấp và cần thiết về lãnh vực xã hội, chính trị và kinh tế. Trong việc tìm kiếm những thay đổi này, trước tiên các Kitô hữu cần làm sống lại sự tín thác nơi sức mạnh và nơi tính độc đáo của những đòi hỏi Tin Mừng. Tin Mừng không bị vượt qua do sự kiện đã được loan báo, viết và sống trong một bối cảnh văn hoá–xã hội khác biệt[24].

Đây là một trong những bản văn căn bản đề cập đến nhiệm vụ canh tân và thích nghi không ngừng của Giáo huấn xã hội của Giáo Hội để trả lời cho những thách đố muôn mặt của thời đại. Thần học gia Dominique Chenu, O.P. nhận định một cách sâu sắc khi bình luận về định hướng mới này như sau: “Tám mươi năm sau Rerum Novarum, Đức Giáo chủ Phaolô VI đưa ra một lời tuyên bố, bên ngoài xem ra sẽ tiếp nối Giáo huấn xã hội, nhưng trong thực tế đã thay đổi triệt để phương pháp được áp dụng trước đây: Không còn một thứ “Học thuyết Xã hội” được giảng dạy với mục đích áp dụng vào các hoàn cảnh đổi thay, mà trái lại chính các hoàn cảnh này đã trở thành “cứ điểm thần học” cho việc nhận định, được hướng dẫn bởi ánh sáng của Tin Mừng. Giáo huấn xã hội không còn sử dụng diễn dịch nữa, mà là phương pháp quy nạp. Tính đa nguyên không chỉ là một hệ quả do hoàn cảnh phức biệt của các Kitô hữu trong thế giới, mà là một nguyên tắc được rút ra từ chính bản chất của Giáo Hội. Thật vậy, Giáo Hội được định nghĩa trên căn bản của sự hiện diện trong lòng thế giới, chứ không như một thực tại tuyệt đối khép kín nơi bản sắc cơ cấu của mình. Chính trần gian là nơi các Kitô hữu nhận được lời mời gọi của Tin Mừng”[25].

4.3. Phương pháp tổng hợp

Khó có thể xác định phương pháp mà Đức Gioan Phaolô II đã sử dụng. Xem ra, ngài sử dụng đồng thời phương pháp quy nạp lẫn nhân học Kitô giáo.

Thật vậy, tiếp nối hướng đi của Công đồng Vatican II, Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh đến vai trò của nhân chủng học Kitô giáo. Ngài đề cao vai trò trung tâm của Mầu nhiệm Đức Kitô, Đấng mạc khải Thiên Chúa cho con người và vén mở mầu nhiệm về con người cho chính con người. Giáo huấn xã hội của Giáo Hội cần nối kết chặt chẽ với quan niệm thần học về con người và về mỗi một hữu thể nhân loại đối với mầu nhiệm của Đức Kitô.

Theo Gioan Phaolô II, “cuộc đối chất giữa đức tin và xã hội sẽ được giải quyết trong mối tương quan biện chứng giữa hình ảnh con người nơi một vài chương trình chính trị, kinh tế và xã hội hôm nay với “hình ảnh con người mới” phát xuất từ viễn ảnh Kitô giáo. Điều đó có nghĩa là để đưa ra một phê phán từ viễn quan Kitô giáo về thế giới lao động, trước tiên phải xem xét thực trạng của lao động từ quan điểm của con người: đâu là ý nghĩa, nỗi nhọc nhằn, khả năng biến đổi, những giới hạn và hy vọng dưới góc độ nhân chủng học và đâu là những yếu tố đổi mới đến từ niềm tin Kitô giáo, qua trung gian của huấn quyền xã hội của Giáo Hội.

Đối diện với một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, mà nguồn gốc sâu xa của nó nằm ở khủng hoảng đạo đức trong thị trường tài chánh, Đức Biển Đức XVI coi “Tình yêu trong chân lý” là một thách đố lớn đang đặt ra cho nhân loại. “Nguy hiểm của thời đại chúng ta nằm ở chỗ sự đồng lệ thuộc giữa người với người và giữa các quốc gia không tương ứng với sự tương tác giữa đạo đức lương tâm và kiến thức, mà kết quả đáng lẽ ra phải là một sự phát triển đích thực nhân bản. Chỉ có bác ái được ánh sáng lý trí và đức tin chiếu sáng mới có thể đạt tới những mục tiêu mang giá trị nhân bản và nhân bản hóa. Việc chia sẻ của cải và tài nguyên, từ đó đưa đến phát triển đích thực, không thể chỉ được đảm bảo do tiến bộ kỹ thuật và do những tương quan thuần túy thỏa hiệp, nhưng do sức mạnh của tình yêu chiến thắng điều ác bằng điều thiện và biết mở rộng cánh cửa cho tương quan hỗ tương của lương tâm và tự do”.

Giáo chủ Biển Đức XVI tái xác nhận nguyên tắc truyền thống theo đó Giáo Hội không có những giải pháp cụ thể thuộc lãnh vực kinh tế – chính trị để cống hiến cho nhân loại. Tuy nhiên, Giáo Hội luôn luôn có “sứ vụ chân lý” phải chu toàn trong mọi không gian và thời gian. “Sự trung thành với con người đòi hỏi trung thành với chân lý, vì chỉ duy chân lý đảm bảo cho tự do và khả năng phát triển con người toàn diện. Vì thế, Giáo Hội kiếm tìm chân lý, rao giảng không mệt mỏi và nhận diện nó ở bất cứ nơi nào nó hiện diện. Đối với Giáo Hội, sứ vụ chân lý là một sứ vụ không thể khước từ. Giáo huấn xã hội của Giáo Hội là một chiều kích đặc biệt của việc rao giảng này: đó là phục vụ chân lý giải phóng. Mở rộng cửa cho chân lý, bất cứ nó từ đâu đến, Giáo huấn xã hội của Giáo Hội sẵn sàng đón nhận chân lý, thu gom những mảnh vụn thường bị phân tán vào trong tổng thể và đưa chân lý ấy vào cuộc sống thay đổi không ngừng của xã hội con người và của các dân tộc”[26].

5. TRƯỚC THÁCH ĐỐ MỚI CỦA THỜI ĐẠI

Những nét chấm phá ở trên cho thấy Giáo huấn xã hội của Giáo Hội đã canh tân và thích nghi không ngừng về tầm nhìn, phương pháp, hình thức tiếp cận, cách thế suy tư cũng như định hướng hành động để trả lời cho những thách đố mới của thời đại. Từ ngày khai sinh cho đến nay, Giáo huấn xã hội đã đạt được nhiều tiến triển rõ rệt nhờ phương pháp tiếp cận thực tế không ngừng đổi mới, cách thế suy tư ngày càng chín muồi hơn, cũng như giải pháp đề nghị ngày càng phổ quát và cận nhân tình hơn.

Kể từ thông điệp “Mẹ và Thầy”, Giáo huấn xã hội của Giáo Hội đã sáng suốt phân biệt ba cấp độ khác nhau: a)- Nguyên tắc suy luận; b)- Tiêu chuẩn phán đoán và c)- Định hướng hành động. Những nguyên tắc suy tư luôn hàm chứa giá trị bền vững, còn các phán đoán phải tùy thuộc vào hoàn cảnh nhất thời, trong khi đó định hướng hành động lại thiên biến vạn hóa, vì lệ thuộc vào rất nhiều yếu tố: văn hóa, lịch sử, nhân văn, kinh tế, chính trị, xã hội… Chính vì vậy, theo Công đồng Vatican II, hai người Công giáo cùng một niềm tin, cùng chân thành phục vụ Giáo Hội và hăng say dấn thân phục vụ nhân loại như nhau, nhưng rất có thể sẽ có những lựa chọn cụ thể khác nhau trong lãnh vực kinh tế, chính trị, xã hội …

Nhưng, nhân loại đã bước vào thiên niên kỷ thứ ba. Cuộc cách mạng thông tin, toàn cầu hóa, nền kinh tế tri thức… đang biến đổi sâu rộng không những cơ cấu chính trị, mô hình kinh tế, tổ chức xã hội, mà ngay chính nếp sống, lối nghĩ và tất cả bộ mặt của thế giới. Nhiều thách đố mới đang đặt ra cho nhân loại nói chung và cho Giáo Hội nói riêng.

Trước những biến đổi quá nhanh và quá sâu rộng của thời hiện đại, nhiều cố gắng đổi mới trước đây đã trở thành lạc hậu. Một số sáng kiến trong quá khứ đã cống hiến những đóng góp rất tích cực, hôm nay đã bị thời gian đào thải. Nếu tiếp tục phương pháp, tiêu chuẩn và tâm thức cũ chắc chắn Giáo huấn xã hội không thể đạt tới một phân tích khách quan và đầy đủ về xã hội hôm nay, cũng như không thể trả lời cho các vấn đề sôi bỏng của thời đại.

Phải chăng, một lần nữa Giáo huấn này cần tìm ra đường hướng đối thoại mới giữa đức tin và văn hóa? Đây là hai chiều kích căn bản khác biệt nhau, nhưng không trực tiếp đối chọi nhau. Bởi vì, nói cho cùng, Nước Thiên Chúa không đồng hóa với bất cứ chế độ chính trị hoặc cơ cấu xã hội nào, tuy nhiên cũng không tuyệt đối ở bên ngoài hay bên trên xã hội trần thế, mà thực sự đang hiện diện ở trong và ở giữa cuộc đời.

 

 


[1] Biển Đức XVI, Tình yêu trong chân lý, số 12.
[2] Xem Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công giáo, Sđd., 1-19.
 Ông Kagefumi Uemo, Đại sứ Nhật Bản cạnh Tòa Thánh Vatican, đã nhận định rằng Tòa Thánh có bốn đặc điểm đầy ấn tượng sau đây:
 * Đặc điểm thứ nhất, Tòa Thánh Vatican có một thế giá hay uy tín luân lý được tôn trọng không những bởi người Công giáo, mà còn bởi nhiều vị lãnh đạo của các quốc gia không Công giáo.
 * Đặc điểm thứ hai, ông nhìn Tòa Thánh Vatican như một cơ quan quốc tế, giống như Liên Hiệp Quốc và nhìn Đức Giáo Chủ như vị Tổng Thư ký của Liên Hiệp Quốc, nhưng đây là một cơ quan được xây dựng trên nền tảng tôn giáo.
 * Đặc điểm thứ ba, Toà Thánh Vatican có một mạng lưới liên kết chặt chẽ, ăn rễ sâu vào các địa phương, với trung tâm được đặt tại Vatican.
 * Đặc điểm thứ tư, Tòa Thánh có một sức mạnh truyền thông, qua đài Phát Thanh Vatican, báo Osservatore Romano và nhiều phương tiện kỹ thuật truyền thông khác để phổ biến sứ điệp của Giáo Hội đến mọi nơi trên thế giới.
 Theo ông, Vatican rất độc đáo và gây nhiều ấn tượng vì lập trường vô tư và cương quyết trước những vấn đề luân lý xã hội và chính trị quốc tế (www.zenit.org/23-8-2007).
[3] Gioan Phaolô 2, Lao động con người, s.3.
[4] Gioan Phaolô II, Quan tam đến vấn đề xã hội, s. 41.
[5] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2421-2423.
[6] Ecclesia in Asia, số 32.
[7] Phaolô VI, Phát triển các Dân tộc, số 13, 81.
[8] Gioan Phaolô II, Quan tâm đến vấn đề xã hội, 41.
[9] Biển Đức XVI, Tình yêu trong chân lý, số 15. Xem Phaolô VI, Evangelium vitae, số 29,31; Gioan Phaolô II, Quan tâm đến vấn đề xã hội, số 41;
[10] Biển Đức XVI, Tình yêu trong chân lý, số 9.
[11] Vatican II, Vui mừng và Hy vọng, số 26.
[12] Gioan Phaolô II, Redemptor hominis, 1.
[13] Ibidem, s. 32.
[14] Bộ Đức tin, Huấn thị về Giải phóng, (1986), số 72.
[15] Ibidem, s. 25.
[16] Tứ thập niên, s. 130.
[17] Gioan XXIII, Mẹ và Thầy, số 42.
[18] Tình yêu trong chân lý, số 57.
[19] Gioan Phaolô II, Quan tâm đến vấn đề xã hội, 41.
[20] Xem Gioan Phaolô II, Bách chu niên, 59.
[21] Hervé Carrier, Một cái nhìn mới về Học thuyết xã hội Công giáo, Định hướng, 1999, tr.10.
[22] M.-D. Chenu, Dottrina sociale della Chiesa (1891-1971), Queriniana, Brescia, 1977, 9.
[23] Gioan XXIII, Mẹ và Thầy, s. 246.
[24] Phaolô VI, Octogesimo adveniens, s. 4.
[25] M.-D. Chenu, La dottrina sociale della Chiesa, sđd., 44-45.
[26] Biển Đức XVI, Tình yêu trong chân lý, số 9.